Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

“Đường về Tchepone: Hành Quân Lam Sơn 719″

“Đường về Tchepone: Hành Quân Lam Sơn 719″ 



|
“Đường về Tchepone: Hành Quân Lam Sơn 719”.
Dầy 224 trang  giá 25 mỹ  kim
Liên lạc PO Box 1313 Springfields VA 22151
Sách dựa vào một số tài liệu đưọc giải mật gần đây nhất, và dựa vào những chi tiết mới của những nhân chứng tham dự cuộc hành quân lớn nhất của Quân Lực Viet Nam Cộng Hòa trong cuộc chiến.
HQLS719_Cover_advertising
Giới thiệu chương I:
“Westmoreland Muốn Đi Tchepone Nhưng Không Có Vé”
KẾ HOẠCH HÀNH QUÂN EL PASO
Tháng 11 năm 1967 Đại Tướng William C. Westmoreland, Tư Lệnh Military Assistance Command, Vietnam (MACV), chỉ thị Ban Hành Quân của Bộ Tư Lệnh MACV sọan thảo một kế hoạch đánh qua biên giới Lào. Hành quân có tên là tên là El Paso (OPLAN EL PASO). Mục tiêu chủ yếu của cuộc hành quân là Tchepone, một thị trấn nằm trên Đường Số 9 ở Hạ Lào, cách biên giới Việt Nam chừng 45km.
Ban soạn thảo Hành Quân El Paso tiên liệu một lực lượng tấn công gồm ba sư đoàn tác chiến — Hai Sư Đoàn Không Kỵ và Bộ Binh Hoa Kỳ; và Sư Đoàn Nhảy Dù Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Vùng hành quân trải rộng từ Lao Bảo ở biên giới, đánh về hướng tây qua khỏi Tchepone chừng 30km; ở hướng tây nam, quân sẽ đánh tới Muong Phine; ở hướng nam, quân sẽ đến tận Muong Nong; và ở hướng bắc, cuộc hành quân giới hạn lại ở phía bắc bờ sông Xe Banghiang. Để hình dung phạm vi cuộc hành quân, tưởng tượng vùng hành quân là một hình vuông, mỗi cạnh dài chừng 70km. Cuộc hành quân bắt đầu khi quân VNCH nhảy dù xuống chiếm Muong Phine, cách Lao Bảo khoảng 70km. Lực lượng này có trách nhiệm ngăn chận mọi liên lạc của địch từ nam lên bắc. Cùng lúc Sư Đoàn Nhảy Dù VNCH tấn chiếm Muong Phine, Sư Đoàn Không Kỵ Hoa Kỳ sẽ đổ bộ chiếm ba mục tiêu Tchepone, Ban Dong, và Ban Houei Sane. Trong khi đó, Sư Đoàn Bộ Binh có cơ giới yểm trợ, sẽ đánh theo trục lộ Đường 9, băng qua biên giới, tiến về bắt tay với Sư Đoàn Không Kỵ đã có mặt ở những mục tiêu phía trước. MACV dự định cuộc hành quân sẽ kéo dài 18 tháng (hành quân trong ba mùa khô, mỗi mùa chừng năm đến sáu tháng).
Nghiên cứu đến từ kế hạch OPLAN EL PASO cho thấy một số chi tiết quan trọng về địa hình chiến trường, và nhu cầu tiếp liệu cần thiết cho một lực lượng cấp quân đoàn đang tác chiến ngoài mặt trận. MACV dự định tổng số quân tham dự là 60.000 người; và số tiếp liệu hàng ngày cho số quân đó là 2.975 tấn — 2.975.000 ký. Như vậy, trung bình mỗi quân nhân cần 49,5 ký quân nhu, quân dụng, và nhu yếu phẩm một ngày. Dĩ nhiên quân số 60 ngàn người này không tập trung tại một địa điểm mỗi ngày để nhận hàng, mà họ trải đều ra trên một chu vi hơn 4.900km vuông. Thực tế này sẽ làm cho vấn đề tiếp liệu khó khăn. Khó khăn hơn, là tất cả tiếp liệu được tập trung ở những giang, hải cảng ở xa mặt trận, như ở Đà Nẵng, Mỹ Thủy, Mỹ Khê, Cửa Việt … từ đó tiếp liệu được đưa về Khe Sanh; và từ Khe Sanh quân dụng sẽ được phân phối đến tay người nhận ngoài mặt trận. Ban soạn thảo hành quân đồng ý trực thăng là loại phi cơ hữu dụng để chuyên chở tiếp liệu ra chiến trường, nhưng với địa hình và thời tiết ở Hạ Lào, ban soạn thảo khuyến cáo, trực thăng chỉ có thể được xử dụng đến một giới hạn nào đó. … Số quân dụng còn lại phải di chuyển bằng phi cơ vận tải — C-123; C-7A; C-47; hay C-130. Với nhu cầu vận chuyển như trên, kế hoạch hành quân đòi hỏi một số phi trường phải được tái thiết và bảo vệ tại vùng hành quân như ở Houie Sane, Muong Phine, Tchepone, Muong Nong, và Khe Sanh. Vài địa điểm xung quanh các vùng trên cũng được đánh dấu, để trong trường hợp cần thiết phi cơ có thể thả tiếp liệu bằng dù xuống ngay mặt trận.
Kế hoạch OPAN EL PASO nhấn mạnh về vấn đề vận chuyển bằng đường bộ. Kế hoạch cho biết chỉ có một con đường quân xa có thể di chuyển đến chiến trường Lào: Đó là Đường 9. Đường 9 là một con đường xuyên Đông Dương, bắt đầu từ Đông Hà đi đến Savannakhet. Quân xa chỉ chạy được một chiều — và chỉ chạy được trong điều kiện thời tiết lý tưởng nhất. Các đoàn quân xa di chuyển trên con lộ này đều phải chấp nhận yếu tố may rủi: địch quân chỉ cần phục kích, đặt mìn một vài nơi trên đoạn đường thì sự ứ động dây chuyền sẽ xảy ra ngay. Đó chỉ là đọan đường từ Đông Hà về Lao Bảo, trên địa phận Việt Nam. Các đoạn đường khác ở mặt trận trên đất Lào lại là một yếu tố quan trọng khác, khó tiên đoán được.
Theo Đại Tá John M. Collins, nguyên chỉ huy trưởng Ban Kế Hoạch Chiến Dịch và Hành Quân của MACV — một trong những người soạn thảo OPLAN EL PASO — vấn đề tiếp liệu là một chủ đề quan trọng trong kế hoạch EL PASO. Ông cho biết, năm 1967, thời điểm kế hoạch đang được soạn thảo, vấn đề tiếp liệu cho nguyên Quân Đoàn I ở Vùng I đã gặp nhiều khó khăn rồi, nhất là vùng cực bắc của quân đoàn. Tài liệu lúc đó cho thấy Quân Đoàn I chưa bao nhận đủ số quân nhu quân dụng họ yêu cầu. Với quân số 215.000 quân Mỹ-Việt, Vùng I cần 11.265 tấn tiếp liệu hàng ngày. Riêng ở hai tỉnh tuyến đầu của vùng (Quảng Trị và Thừa Thiên), 123.000 quân nhân ở đây tiêu thụ 5.315 tấn một ngày. Như vậy, vấn đề tiếp tế cho Vùng I sẽ khó khăn hơn khi nhu cầu tiếp liệu cho kế hoạch OPLAN El PASO được cộng thêm vào nhu cầu tiếp liệu thường xuyên cho toàn vùng.
Một trở ngại thiên nhiên khác mà MACV không thể giải quyết được: thời tiết. Những cơn mưa mùa trái ngược ở hai bên đông tây của dải Trường Sơn, gây cản trở cho vấn đề di chuyển tiếp liệu ở hậu cứ và ở mặt trận. Từ tháng 5 đến cuối tháng 9, Hạ Lào — vùng hành quân — sẽ bị tê liệt bởi những trận mưa như thác lũ của cơn gió mùa tây nam. Khi mùa khô đến ở Hạ Lào, thì ở miền Trung — căn cứ tiếp liệu cho mặt trận — gió mùa đông bắc sẽ đem lại những cơn mưa dai dẳng từ tháng 10 cho đến tháng 3. Dưới loại thời tiết trái ngược đó, cả hai vùng hành quân và hậu cứ tiếp liệu sẽ thay phiên nhau đối đầu với những khó khăn vì thời tiết. Ở Hạ Lào, khi mùa mưa đến, tất cả mọi hoạt động vận chuyển đều bị tê liệt; những con đường làm tạm thời sẽ bị san bằng vì nước lũ. Ban sọan thảo OPLAN EL PASO cho biết thời tiết sẽ gây nhiều khó khăn cho tiếp liệu khi họ tiên đoán, “… vấn đề tiếp liệu sẽ khó khăn không kém vấn đề tác chiến.” Đầu năm 1968 Kế Hoạch OPLAN EL PASO được soạn thảo xong và đệ trình cho Westmoreland để chờ quyết định. Nhưng Westmoreland không đủ thẩm quyền để quyết định một cuộc chiến đánh lan qua biên giới Lào. Trong khi chờ lệnh từ thẩm quyền cao hơn, Westmoreland tìm một căn cứ ở bên này biên giới để làm đầu cầu đổ quân, chờ được phép thực hiện kế hoạch. Westmoreland chọn Khe Sanh, một căn cứ nằm sát góc tây bắc của giao điểm biên giới Lào-Việt và Vùng Phi Quân Sư (vĩ tuyến 17), ông nghĩ đây là một địa điểm lý tưởng để làm hậu cứ chuyển vận cho OPLAN EL PASO.
NGUỒN GỐC CỦA OPLAN EL PASO
Ai là người đề nghị Kế Hoạch EL PASO? Đây là một câu hỏi tất định. Đại Tướng Westmoreland, trong hồi ký A Soldier Reports, nói ông có đề nghị một cuộc hành quân đánh qua Lào để cắt đường tiếp vận của Bắc Việt vào nam. Ông chỉ nói vắn tắt như vậy, không nói rõ là tự ông nghĩ ra, hay thẩm quyền từ trên thúc dục ông tìm một kế hoạch cắt đường xâm nhập của địch xuyên qua đất Lào. Tướng Wesmoreland cho biết kế hoạch hành quân EL PASO (kế họach đang được nói ở đây) là một trong ba kế hoạch được soạn thảo. Tướng Westmoreland không nói rõ chi tiết về hai kế hoạch hành quân kia, ông chỉ nói, đầu năm 1966 một cuộc hành quân đánh qua Lào được điều nghiên với ý kiến của Thiếu Tướng Harry W.O. Kinnard và Đại Tá Arthur D. Simons. Trong kế hoạch đầu tiên này (không nói tên là gì), tướng Westmoreland dự định cho Sư Đoàn 1 Không Kỵ nhảy xuống chiếm một cứ điểm ở bình nguyên Bolovens để lập đầu cầu không vận. Từ đó sư đoàn sẽ đánh lên hướng bắc, về thị trấn Saravane. Sau khi chiếm Saravane, sư đoàn sẽ đánh ngược về hướng tây bắc và chiếm thị trấn Savannakhet. Song song với hoạt động của Sư Đoàn Không Kỵ, ở hướng đông Sư Đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ tiến đánh trên Đường 9, tấn công về hướng Tchepone; và ở đông nam, Sư Đoàn 4 Bộ Binh Hoa Kỳ và một sư đoàn VNCH sẽ đánh ngược lên để cắt đường giao thông của đối phương từ Trung Lào xuống Hạ Lào. Westmoreland nói tiếp trong hồi ký là kế hoạch bị bỏ cho đóng bụi cho đến đầu mùa Xuân năm 1968 khi ông ra lệnh cho Trung Tướng Bruce Palmer sọan thảo lại một kế hoạch khác có tên là EL PASO I — kế hoạch này giả định quân tấn công qua Lào sẽ đến từ hai hướng, Thái Lan và Việt Nam. Kế hoạch thứ hai này không còn nói đến đầu cầu không vận của Sư Đoàn 1 Kỵ Binh ở bình nguyên Bolovens. Thay vào đó, quân đội Hoàng Gia Thái Lan và quân Hoàng Gia Lào được dự định sẽ chiếm bình nguyên Bolovens trước. Sau đó, từ Đông Hà, ba sư đoàn Việt và Mỹ (hai Mỹ; một Việt) sẽ đánh về hướng tây theo trục lộ Đường 9. Cùng lúc, từ Thái Lan một sư đoàn Hoa Kỳ sẽ đánh về hướng đông — và Tchepone là điểm bắt tay của bốn sư đoàn.
Nhưng sau khi duyệt lại kế hoạch EL PASO I, tướng Westmoreland yêu cầu tướng Palmer soạn thêm một kế hoạch mới, có tên là EL PASO II — kế hoạch do Đại Tá Collins soạn thảo mà chúng ta đang nói. Trong kế hoạch sau cùng này, Westmoreland chỉ dự kiến một sư đoàn cộng (+), tương đương bốn lữ đoàn, khởi quân từ Khe Sanh đánh theo Đường 9 về Tchepone.
Đến đây, chúng ta thử nhận định về hai kế hoạch đầu tiên của tướng Westmoreland. Kế hoạch năm 1966: Lập đầu cầu không vận ở Bolovens; từ đó đánh xuyên lên Saravane; sau Saravane, đạo quân sẽ tiến chiếm Savannakhet. Đây là một kế hoạch đầy chủ quan, khó thực hiện trên thực tế. Duyệt xét kế hoạch, chúng ta có thể hiểu tại sao Westmoreland nói kế hoạch bị để cho đóng bụi. Với khả năng tiếp vận của Hoa Kỳ tại Việt Nam vào năm 1966, lập một đầu cầu không vận từ An Khê, Pleiku (nơi có bản doanh của Sư Đoàn 1 Không Kỵ) đến Bolovens là một chuyện khó khăn. Khó khăn hơn nếu đường tiếp liệu sẽ kéo dài từ Bolovens đến Saravane, và Saravane đến Savannakhet. Là một sư đoàn không vận với hơn 500 trực thăng cơ hữu, nhưng tầm hoạt động của trực thăng bị giới hạn vì mục tiêu hành quân quá xa, và số lượng tiếp tiếp liệu quá lớn. Nếu tiếp liệu cho một sư đoàn đã khó khăn, thì tìm đâu ra khả năng tiếp liệu khác để cung cấp cho ba sư đoàn còn lại? Đây là một kế hoạch hành quân quá tự tin, nếu không nói là một kế hoạch không tưởng.
Kế hoạch hành quân thứ hai — EL PASO I. Kế hoạch này có thời gian tính không hợp, nếu chúng ta dựa vào những gì tướng Westmoreland viết trong hồi ký. Thứ nhất, kế hoạch cần sự hợp tác quân sự hoàn toàn và công khai của hai chánh phủ Thái Lan và Hoàng Gia Lào (quân đội Thái và Lào chiếm bình nguyên Bolovens; và một sư đoàn quân Thái đánh về Tchepone). Sự hợp tác này sẽ không bao giờ xảy ra trong thời điểm đó: Chánh phủ Thái chưa muốn tham dự cuộc chiến ở Việt Nam một cách ồ ạt; Hoàng Gia Lào luôn luôn tuyên bố Lào là một quốc gia trung lập. Còn Hoa Kỳ thì không muốn công khai nới rộng cuộc chiến sang Lào hay Cam Bốt. Chính trong hồi ký, tướng Westmoreland cũng có nói đến sự khẳng định của tổng thống Lyndon Johnson là Hoa Kỳ không được tấn công qua hai quốc gia trung lập đó. Sự vô lý thứ hai là khi cuộc hành quân được soạn thảo: Tướng Westmoreland nói, “đầu Xuân 1968 tôi ra lệnh cho tướng Palmer …” Đầu mùa Xuân bắt đầu vào ngày 20 tháng 3 hàng năm, nhưng có thể nào tướng Westmoreland muốn sọan thảo một cuộc hành quân qua Lào vào thời điểm đó — tháng 3, 1968, năm Mậu Thân? Điều này khẳng định tướng Westmoreland nhớ lộn ngày
Khái niệm hành quân EL PASO 1967: Nhảy Dù VNCH đổ bộ chiếm Muong Phine; Sư Đoàn Không Kỵ đổ bộ trực thăng chiếm Ban Houei Sane, Tchepone, và Bản Đông; trong khi Sư Đoàn Bộ Binh Cơ Giới đánh theo Đường 9 về Tchepone. Ban soạn thảo dự trù cuộc hành quân kéo dài trong ba mùa khô (18 tháng).
Bản đồ tổng quát vùng hành quân. Tất cả phi trường trong vùng hành quân phải được tu bổ trước khi xử dụng. Từ Lao Bảo đến Muong Phine khoảng 70 km đường chim bay.
tháng. Như chúng ta đã biết, vào đầu tháng 2, 1968, CSVN mở cuộc tổng công kích-tổng khởi nghĩa trên toàn miền nam. Bị đánh bất ngờ, quân đội VNCH và Hoa Kỳ phải cần đến nửa năm mới chỉnh đốn lại tình hình quân sự. Bộ Tư Lệnh Quân Đội Hoa Kỳ trong thời gian đó rất bối rối: Trại Lực Lượng Đặc Biệt quan trọng của Mỹ ở Lang Vei (phía nam Khe Sanh) bị thất thủ; căn cứ Khe Sanh với một trung đoàn TQLC Hoa Kỳ trấn thủ đang bị đe dọa. MACV, lo ngại cho tình hình ở Vùng I, lập ra một Bộ Tư Lệnh Lục Quân cấp quân đoàn để hỗ trợ cho TQLC Hoa Kỳ (Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn XXIV, thành lập cuối tháng 2-1968, có bản doanh ở Phú Bài. Trước khi có bộ tư lệnh này, tất cả vấn đề quân sự chiến thuật ở Vùng I được TQLC Hoa Kỳ phụ trách và điều khiển). Tướng Westmoreland nhấn mạnh về sự bất an của tình hình quân sự đang đối diện, khi ông xin Ban Tham Mưu Liên Quân Hoa Kỳ (Joint Chiefs of Staff) chi viện thêm 200 ngàn quân cho chiến trường Việt Nam. Thêm vào những sự kiện quân sự trên, một sự kiện chính trị khác làm cho kế hoạch EL PASO I không thể nào được điều nghiên vào “đầu mùa Xuân” như tướng Westmoreand viết: Ngày 31 tháng 3-1968, tổng thống Lyndon Johnson tuyên bố không ra tái tranh cử. Đồng thời, như là một thiện chí kêu gọi CSVN thương nghị để giải quyết cuộc chiến, ông ra lệnh ngưng oanh tạc Bắc Việt từ vĩ tuyến 20 (khoảng Thanh Hóa) trở lên.
Tài liệu đến từ một nhân chứng khác cho ta thấy hai kế hoạch EL PASO I và EL PASO II, thật sự chỉ là một kế hoạch, và được bắt đầu soạn thảo từ tháng 11-1967 cho đến đầu năm 1968. Tướng Bruce Palmer — người nhận lệnh soạn thảo cuộc hành quân qua Lào — trong hồi ký The 25-Year War: America’s Military Role in Vietnam, có nói về ý định đánh qua Lào của tướng Westmoreland, và những ràng buộc chính trị đi kèm theo kế hoạch đó. Tướng Palmer nói rõ trong sách, ông giao kế hoạch EL PASO cho Đại Tá John Collins soạn thảo. Tài liệu do Đại Tá Collins viết lại là đầy đủ và chính xác nhất về phương diện thời gian: EL PASO có thể được soạn thảo từ tháng 11 -1967 đến trước cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968. Cũng chính trong hồi ký The 25-year War, tướng Palmer nhận định về kế hoạch hành quân qua Lào năm 1966 như sau: “Westmoreland không đủ quân tác chiến hay khả năng tiếp liệu, để thực hiện một cuộc hành quân qua biên giới …”.
Ngoài sách của Đại Tướng Westmoreland nói về kế hoạch đánh qua Lào, một tài liệu khác nói đến kế hoạch đánh qua Lào, hay một kế hoạch ngăn chận đường tiếp tế từ Bắc Việt qua Lào, đã một lần được thẩm quyền VNCH đề nghị với giới lãnh đạo Hoa Kỳ. Theo tài liệu được giải mật năm 1992, vào tháng 2-1967 tổng thống Lyndon Johnson mời ban lãnh đạo VNCH qua đảo Guam họp ba ngày (20-23), để bàn về một chiến lược chung cho cuộc chiến ở Việt Nam. Trong buổi họp ngày 21, Trung Tướng Cao Văn Viên (lúc đó là tổng trưởng quốc phòng) đề nghị với các viên chức Mỹ có mặt — trong đó có Đại Tướng William Wesmoreland — là VNCH cần sự giúp đỡ của Hoa Kỳ để thiết lập một hàng rào ngăn chận đường tiếp liệu của CSVN xuyên qua Lào. Lời đề nghị này cũng được Chủ Tịch Ủy Ban lãnh Đạo Quốc Gia, Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, nhắc lại một lần nữa vào ngày 23, trước khi kết thúc cuộc hội nghị cao cấp và quan trọng nhất giữa VNCH và Hoa Kỳ. Ở đây chúng ta không biết có phải vì lời đề nghị từ phía VNCH mà Hoa Kỳ soạn thảo ra cuộc hành quân sang Lào năm 1967? Hay họ đã có ý định trước từ năm 1966 như tướng Westmoreland nói.
Đầu tháng 3-1968 — trong cao điểm của cuộc tổng công kích-tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân của CSVN — kế hoạch OPLAN EL PASO bị gác bỏ. Khi biết được quyết định đó, Đại Tướng Westmoreland thổ lộ với Đại Tướng Creighton Abrams, Tư Lệnh Phó MACV, “Tôi muốn đi Tchepone, nhưng không có vé.”
Nguyễn Kỳ Phong
nguồn:http://www.danchimviet.info/archives/82608/duong-ve-tchepone-hanh-quan-lam-son-719/2013/12
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001