Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Đối lập Cuba được tự do đi lại, nhưng mất dần ảnh hưởng

Đối lập Cuba được tự do đi lại, nhưng mất dần ảnh hưởng 




RFI tiếng Việt
28-12-2013
1Lần đầu tiên kể từ nửa thế kỷ qua, trong năm 2013, các nhà đối lập Cuba đã được tự do xuất cảnh, thế nhưng theo các nhà quan sát, ảnh hưởng của phe đối lập Cuba trong nước đã giảm đi.

Trong suốt nhiều thập niên, người dân Cuba mỗi khi muốn ra nước ngoài đều phải xin một giấy phép đặc biệt và các nhà đối lập Cuba lúc nào cũng bị từ chối. Nhưng ngày 14/01 năm nay, chủ tịch Raoul Castro đã bãi bỏ quy định đó, nhờ vậy mà số người Cuba xuất ngoại đã gia tăng rất mạnh, chỉ trong vòng 10 tháng năm 2013 đã có hơn 250 ngàn người ra nước ngoài, tăng 35% so với cả năm 2012.
Trong năm 2013, nhiều nhà đối lập Cuba như Yoani Sanchez, Guillermo Farinas, Berta Soler, Elizardo Sanchez đã rất bận rộn ở nước ngoài, được tiếp đón long trọng tại Hoa Kỳ, Tây Ban Nha và những nước khác. Thậm chí, hai người trong số họ đã được hội kiến tổng thống Mỹ Barack Obama.
Một trong những nhà đối lập đầu tiên xuất ngoại là blogger nổi tiếng Yoani Sanchez. Cô đã đi một vòng các nước châu Âu và châu Mỹ trong suốt ba tháng. Trên trang blog của cô, Sanchez đã viết : « Trong không gian bé nhỏ của cuộc sống cá nhân tôi, mọi chuyện đã thay đổi với tốc độ khác thường. Tháng giêng đã bắt đầu với việc cải cách quy định xuất nhập cảnh và trong những tháng sau đó, chúng tôi thường chào « tạm biệt » nhau, mà không còn cảm giác lo sợ « một đi không trở lại » như trước đây, khi mà xuất ngoại đồng nghĩa với lưu vong. »
Theo lời nhà đối lập Guillermo Farinas, những chuyến xuất ngoại như vậy rất có ích, vì họ có thể tiếp xúc trực tiếp với các tổ chức người Cuba lưu vong hoặc các tổ chức nhân quyền quốc tế.
Nhưng khác với những năm trước, trong năm 2013, ở trong nước các nhà đối lập Cuba hầu như không có hành động gây chú ý của dư luận quốc tế. Không hề có các vụ tuyệt thực, chiếm đóng các nhà thờ hay những hành động khác gây khó khăn cho chính quyền La Habana.
Chỉ có những người trong nhóm Phụ nữ áo trắng, tức là vợ của các cựu tù chính trị, là vẫn tuần hành vào mỗi Chủ nhật, như họ vẫn được phép làm từ năm 2010. Ngoài ra, các nhà đối lập Cuba chỉ có một số bài viết trên các trang blog.
Vì sao những hoạt động ở nước ngoài của nhiều nhà đối lập Cuba lại không có tác động gì đến tình hình trong nước ? Phải chăng đó là do chính quyền La Habana vẫn đàn áp dữ dội, như khẳng định của các nhà bất đồng chính kiến ?
Theo nhà phân tích Arturo Lopez-Levy, thuộc trường đại học Denver ( Colorado, Mỹ), có những lý do khác mà các nhà đối lập Cuba cần phải suy nghĩ. Ông Lopez-Levy nói : « Các nhà đối lập ra nước ngoài vẫn cứ lặp lại những lời chỉ trích quen thuộc đối với chế độ, mà không đưa ra những giải pháp khả thi nào cho các vấn đề căn bản của đất nước. Ngoài ra, họ lại còn ngả theo lập trường của những người Cuba lưu vong ».
Về phần ông Carlos Alzugaray, cựu đại sứ và cựu giáo sư Đại học La Habana, các nhà đối lập Cuba muốn được quốc tế biết đến nhiều hơn là trong nước, bởi vì họ nghĩ rằng như thế sẽ đạt được mục tiêu đấu tranh của họ, tức là nhờ nước ngoài gây áp lực lên chính phủ Cuba.
Nhưng đối với ông Peter Hakim, chủ tịch danh dự của trung tâm nghiên cứu Đối thoại liên Mỹ tại Washington, thật ra có rất nhiều trở ngại khiến ở Cuba khó hình thành một lực lượng đối lập đủ mạnh, chẳng hạn như không có tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do lập hội và hội họp.
Ông Peter Hakim cho biết giới trẻ Cuba hiện nay chỉ thể hiện sự phản kháng bằng cách bỏ nước ra đi, chứ không hề tìm cách tập hợp lực lượng, viết bài chỉ trích hay tuần hành. Ông nhắc lại rằng mỗi năm vẫn có khoảng 40 ngàn người Cuba ra định cư ở nước ngoài.
nguồn:http://diendanxahoidansu.wordpress.com/2013/12/29/doi-lap-cuba-duoc-tu-do-di-lai-nhung-mat-dan-anh-huong/
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001