Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cưỡng chiếm đất của nông dân Lào
Martin Hesse, Jörg Schmitt và Wieland Wagner
Mỹ Nga (Udenheim, CHLB Đức) dịch
Lời giới thiệu của người dịch:
Trong thời gian qua, truyền thông Âu châu đã lần lượt đưa tin về một
vài ngân hàng như Deutsche Bank hay Credit Suisse (1) bị tổ chức Global
Witness (2) lên án là đã hỗ trợ cho các tập đoàn Việt Nam vi phạm nhân
quyền, cưỡng chiếm đất của nông dân Lào để trồng cao su.
Deutsche Bank
là ngân hàng uy tín và lớn nhất ở Đức, Credit Suisse là một trong số
những ngân hàng lớn của Thụy Sĩ có tầm hoạt động toàn cầu với gần 48.000
nhân viên. Sau khi bị Global Witness tố giác, Deutsche Bank đã rút lui
khỏi việc hùn hạp với Hoàng Anh Gia Lai nhưng tuyên bố rằng những cân
nhắc về lợi nhuận kinh tế đã đưa đến việc rút lui đó (3).
Trong
một bản báo cáo mang tựa đề "lãnh chúa cao su", tổ chức NGO nói trên
lên án Hoàng Anh Gia Lai đã dùng mối quan hệ trực tiếp với những người
cầm quyền ở Campuchia và Lào để cưỡng chiếm đất. Trong một hồ sơ quảng
cáo cổ phiếu tại London chính HAGL đã tiết lộ không xin được giấy phép
trong một số chương, và như thế là đã vi phạm luật pháp. Hết nông dân
ViệtNam bị cướp đất lại đến nông dân Lào và Campuchia, các nhà cầm quyền
để cho nông dân phải chịu cảnh đắng cay này là chính quyền loại gì hẳn
ai cũng đã rõ. Ba ký giả Martin Hesse, Jörg Schmitt và Wieland Wagner
sau khi qua thăm Đông Nam Á nghiên cứu vấn đề nông dân bị cướp đất đã có
bài tường thuật về tệ trạng này, đăng trên tờ tuần san hàng đầu của
nước Đức "Der Spiegel" (4), dưới đây là bản lược dịch.
* * *
Các
tập đoàn Việt Nam trồng cao su ở Đông Nam Á và cung cấp cho thị trường
thế giới mà không đếm xỉa gì đến môi trường và người dân bản địa, lại
còn được sự hỗ trợ của ngân hàng Đức Deutsche Bank.
Một
anh nông dân Lào, 27 tuổi, ngụ tại thôn Ban Hatxan, kể cho các ký giả
nghe, anh phải rời bỏ quê hương chỉ vì tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (viết
tắt HAGL) chiếm đất của gia đình anh. Anh nông dân xin giấu tên vì sợ bị
trả thù, kể thêm “Cách đây ba năm họ kéo nhau đến nhà tôi, mà không hề báo trước”.
Từ thuở ấu thơ, anh và gia đình sinh sống trên một mảnh đất nhỏ bé. Ở
đây gia đình anh sinh sống qua nghề trồng dầu dừa để ép lấy dầu. “Chúng tôi có thể kiếm sống với nghề đó”. Nhưng rồi tập đoàn HAGL đã gửi nhóm phá đất của họ đến. “Họ đốn cây và đốt sạch tất cả, kể cả căn nhà của chúng tôi đang ở”. Ở địa phương anh, dân Lào gọi những doanh nhân Việt Nam là “những lãnh chúa cao su” ("Rubber-Lords").
Ngân hàng Đức Deutsche Bank hỗ trợ tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cưỡng chiếm đất của nông dân Lào.
Công
ty quản trị chứng khoán DWS (Deutsche Asset & Wealth Management),
một công ty con của Deutsche Bank, đã hùn vốn đầu tư trực tiếp với tập
đoàn HAGL, cũng như đã hùn vốn với một tập đoàn con của HAGL chuyên khai
thác khoáng sản của Việt Nam. Ngoài ra Deutsche Bank cũng tạo cơ hội
giúp cho HAGL gia nhập được vào thị trường chứng khoán ở London, Anh
Quốc.
Các tập đoàn tài chính Tây phương, bằng
mọi giá, tham gia vào các thị trường đang lên như Việt Nam để hưởng các
nguồn lợi tài chính. Chính vì thế mà họ hỗ trợ những dự án vô đạo đức
chuyên khai thác về khoáng sản cung cấp cho Trung quốc và các nước khác,
bất chấp mọi thiệt hại gây ra cho môi trường cũng như xáo trộn xã hội
tại địa phương.
Tổ chức bảo vệ môi trường
Global Witness cho biết việc cưỡng chiếm đất của nông dân còn được Ngân
hàng Thế giới (World Bank) gián tiếp ủng hộ. Ngân hàng Thế giới cho
rằng, làm như thế (chiếm đất của nông dân) là đem lợi ích cho các nước
nghèo như Lào. Thật là mỉa mai khi Ngân hàng Thế giới với tôn chỉ hoạt
động là xóa đói giảm nghèo lại dùng công ty tài chính quốc tế IFC
(International Finance Corporation) làm trung gian để đầu tư hùn vốn vào
một quỹ tiền tệ có trụ sở đặt ở quần đảo Cayman (5). Quỹ tài chính này
lại có liên hệ trực tiếp trong việc góp phần hùn vốn với HAGL. IFC biện
minh, quỹ tiền tệ ở Cayman chịu trách nhiệm trong việc bỏ vốn đầu tư, và
quỹ chỉ được yểm trợ khi mọi tiêu chuẩn về môi trường và xã hội do Ngân
hàng Thế giới yêu cầu được bảo vệ và thi hành.
Quảng cáo của HAGL tại Lào, ảnh Der Spiegel (3)
Ông “bầu Đức” nhập cuộc
Tập
đoàn HAGL khởi sự vào khoảng đầu thập niên 90, khi một doanh nhân trẻ
có tên Đoàn Nguyên Đức bắt đầu khai triển việc đóng bàn ghế cho trường
học ở cao nguyên Việt Nam. Chẳng bao lâu sau ông Đức tiến sâu vào lãnh
vực công nghệ khai thác gỗ và có cổ phần trong việc khai phá rừng bừa
bãi, thiếu kiểm soát ở Việt Nam. Ông ta thực sự trở nên giàu có vào
khoảng đầu thế kỷ thứ 21 khi bước chân vào lãnh vực buôn bán bất động
sản. Người ta gọi ông là “Bầu Đức”. Bầu Đức là người Việt đầu tiên sở
hữu một chiếc máy bay, ông còn mua luôn cả một đội bóng đá và đã từng
tuyên bố, ông ta sẽ là nhà tỷ phú đầu tiên của Việt Nam.
Ngân
hàng Đức Deutsche Bank là một trong những công ty giúp đỡ Bầu Đức. Ngân
hàng này đã đặt chân vào thị trường Việt Nam từ thập kỷ 90. Năm 2007,
Deutsche Bank đã mua trọn ngân hàng Việt Nam Habubank.
Năm
2008 HAGL tham gia vào thị trường chứng khoán ở TPHCM và đã thành công
ngay. Chẳng mấy chốc trị giá của tập đoàn HAGL tăng lên gấp 3 trong thị
trường chứng khoán. Nhưng Bầu Đức còn tham hơn nữa. Ông ta muốn HAGL
phải là tập đoàn Việt đầu tiên bước chân vào thị trường chứng khoán của
London. Thế là ngân hàng Deutsche Bank bèn ra tay giúp đỡ. Cuối năm
2010, ngân hàng Deutsche Bank bỏ tiền mua cổ phiếu của HAGL, vài tháng
sau Deutsche Bank tạo cơ hội cho HAGL bước vào thị trường chứng khoán
Luân Đôn. Các cổ phần của Deutsche Bank được xem như một chứng chỉ bảo
đảm, dựa vào đó các nhà đầu tư khác có thể yên tâm bỏ tiền đầu tư cho
HAGL.
HAGL khai thác khoáng sản ở Campuchia và Lào
Để
hậu thuẫn cho việc tham gia vào thị trường chứng khoán ở Luân Đôn HAGL
tung thêm ra “chưởng” khai thác khoáng sản, thay thế cho thị trường buôn
bán bất động sản của bầu Đức đang đi xuống. Ông ta nhận ra được tiềm
năng cung ứng nhu cầu khoáng sản vô cùng to lớn của Trung Quốc cũng như
của các nước đang phát triển kinh tế mạnh trong khu vực .
Bầu Đức nói với báo Forbes: “Tôi nghĩ rằng, các nguồn khoáng sản chỉ có giới hạn, bởi vậy tôi phải đoạt lấy chúng, trước khi cạn nguồn”. Và ông ta đã nhập cuộc, trước tiên là ở VN và sau đó ở các nước láng giềng Campuchia và Lào.
Cho
đến năm 2012, Campuchia đã cho thuê 2,6 triệu hecta đất đai, tính ra
bằng ba phần tư tổng số diện tích đất trồng trọt của quốc gia này. Trong
đó đã hết một nửa đất khai khẩn rơi trọn vào tay HAGL. Lào cũng đã
nhượng quyền khai khẩn 1,1 triệu hecta đất đai cho việc trồng cây cao
su. Các đại điền chủ đầu tư ngành khoáng sản không cạnh tranh nổi với
HAGL. Một mình HAGL đã kiểm soát hơn 80.000 hecta trong vùng. Khi ký hợp
đồng với chính phủ Lào HAGL đã sử dụng những mưu mô tinh vi để trở
thành một tập đoàn cao su hàng đầu.
Lào: nghèo mà ham nên bị “kẹt”
Năm
2009 tuy nghèo nàn nhưng Lào lại ứng cử xin nhận tổ chức đại hội Thể
thao Đông Nam Á (Seagames). Không ngờ trúng cử, Lào bắt buộc tìm mọi
cách thực hiện được đại hội thể thao. Cách tốt nhất là tìm tiền đầu tư
từ nước ngoài. HAGL tức khắc nhập cuộc và cho Lào vay 19 triệu dollar để
xây cất cư xá dành cho lực sĩ cư ngụ, bù lại Lào phải cho phép HAGL
được đốn 10 000 hecta rừng để trồng cao su. Dân chúng trong vùng không
được thông báo nên chỉ hay biết khi các xe ủi đất đột nhiên ập đến phá
rừng.
Bản đồ của Der Spiegel (4)
Trong
khi chính quyền trung ương Lào phải ủng hộ tập đoàn cao su Việt Nam thì
chính quyền địa phương bị bó tay. Một quan chức ở Attapeu phát biểu: “Dĩ nhiên chúng tôi cũng quan tâm lo lắng đến tương lai và khí hậu (môi trường)”, sự đốn cây phá rừng của HAGL sẽ biến đổi môi trường Nam Lào cả nhiều thế hệ. Tuy nhiên “Lào là một quốc gia nghèo nàn, có giải pháp chọn lựa nào khác cho chúng tôi không? Chúng tôi cần phải mở mang”.
Tổ
chức bảo vệ môi trường Global Witness cáo buộc tập đoàn HAGL đã sử dụng
những ràng buộc cá nhân với các quan chức của Campuchia và Lào để có
quyền cưỡng chế đất của nông dân. Ở Campuchia, luật quy định mỗi doanh
nhân hay tập đoàn chỉ được phép khai thác tối đa là 10.000 hecta. Thế mà
các “lãnh chúa cao su” đã vượt qua quá xa mức quy định này bằng cách
dùng các công ty con xin giấy phép khai khẩn đất rừng. Ngoài ra, các tập
đoàn này còn thường xuyên đốn cây phá rừng ngoài khu vực được quy định.
Liên Hiệp Quốc chỉ trích
Trong bản báo cáo về Campuchia năm 2012, Liên Hiệp Quốc đã lên tiếng chỉ trích: “Việc phân phát và điều hành quyền xử dụng đất đai thiếu minh bạch và không theo đúng luật pháp”.
Dân cư trong vùng có được hưởng lợi gì không trong cuộc phá rừng chiếm
đất này, ngoài ra còn có nạn tham nhũng trầm trọng và nhân quyền bị vi
phạm nặng nề. Môi trường bị tàn phá, dân chúng trong vùng không được lên
tiếng, sinh kế bị cưỡng đoạt. Các công ty khai thác có lúc còn dùng bạo
lực và được quân đội yểm trợ.
Dân Lào cũng đồng
chung số phận. Một số nông dân mất đất ở tỉnh Attapeu đã phải rút về
sống ở vùng trơ trọi không một bóng cây vùng thượng lưu sông Xekaman.
Dân Lào rất sợ người Việt. Ai chống cự lại tập đoàn cao su, lập tức sẽ
bị chính quyền Lào trừng trị.
Hy vọng hão huyền. Bồi thường nhà cháy bằng một bát phở
Các
nông dân ở thôn Ban Hatxan vẫn nuôi hy vọng họ sẽ được bồi thường cho
những gì đã bị tước đoạt. HAGL trả cho nông dân mỗi 3 hecta đất 1,5
triệu kip, tương đương với 150 euro. HAGL không bồi thường nhà bị đập
phá. Họ bảo: “Tại sao các ông lại đòi tiền? Nhà đã cháy rồi mà”. Nhưng
cuối cùng họ cũng chi ra 16000 kip, một số tiền chỉ đủ để trả một bát
phở.
Trong khi chờ đợi được chính quyền Lào cấp
cho miếng đất để sinh sống, nông dân chỉ còn cách đi làm thuê cho tập
đoàn HAGL. Ngân hàng Deutsche Bank có hay biết chuyện này hay không?
Trong những ấn phẩm dùng cho việc tham gia vào thị trường chứng khoán ở
Luân Đôn, HAGL tự “thú” đã vi phạm luật lệ. HAGL đã không được cấp giấy
phép trong nhiều dự án. Thêm nữa “việc phát triển và thực hiện một số dự
án không phù hợp với luật pháp và các quy định hiện hành”. Sau khi bị
lên án, HAGL biện minh rằng một vài đoạn trong tài liệu đã bị dịch sai.
Việc
hùn vốn đầu tư cho quỹ tài chính của các lãnh chúa cao su cũng không
phù hợp với các tiêu chuẩn có mục đích duy trì lâu bền các dịch vụ ngân
hàng, những dịch vụ mà Deutsche Bank vẫn luôn luôn thừa nhận. Ông Megan
MacInnes của tổ chức bảo vệ môi trường Global Witness đã phát biểu như
sau: “Làm sao Deutsche Bank có thể mong đợi khách hàng và các cổ đông
tin những gì ngân hàng này nói về đạo đức và sự phát triển lâu bền, khi
chính Deutsche Bank lại kín đáo đầu tư vào những dự án như thế ?”. Đây
không phải là lần đầu tiên Deutsche Bank bị phát hiện có đóng góp trong
những vụ cưỡng chiếm đất đai của nông dân. Ngân hàng Deutsche Bank nên
dùng ảnh hưởng của mình áp lực các doanh nghiệp do họ yểm trợ phải hoạt
động trong khuôn khổ luật định.
M. H. - J. S. - W. W.
Chú thích:
(1) Landraub in Vietnam - Heikle Gummi-Aktien der Credit Suisse
(2)
Global Witness là một tổ chức phi chính phủ (NGO) có văn phòng tại
London và Washington DC, thành lập năm 1993 với mục tiêu chống lại tình
trạng bóc lột tài nguyên thiên nhiên và những mối liên hệ đến tham
nhũng, nghèo đói, tranh chấp và vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới.
Global Witness, tuyên bố họ không liên quan đến bất kỳ một khuynh hướng
chính trị nào.
(3) Umstrittene Beteiligung in Vietnam: Deutsche Bank kehrt Kautschuk-Baronen den Rücken. Von Martin Hesse und Jörg Schmitt
(4) Der Landraub von Laos, von Hesse, Martin; Schmitt, Jörg; Wagner, Wieland
(5)
Quần đảo Cayman là lãnh thổ hải ngoại của Vương quốc Anh, nằm ở phía
Tây vùng biển Caribe, phía nam của Cuba và phía tây của Jamaica. Cayman
được coi là “thiên đường” cho những ai muốn trốn thuế.
Người dịch gửi trực tiếp cho BVN.
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 16:00
nguồn:http://boxitvn.blogspot.com/2013/12/tap-oan-hoang-anh-gia-lai-cuong-chiem.html
=======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001