Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012

1001. CƠ CHẾ TRIỂN KHAI DỰ ÁN VÀ RA QUYẾT ĐỊNH TRONG ASEAN
Posted by basamnews on 18/05/2012
THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

CƠ CHẾ TRIỂN KHAI DỰ ÁN VÀ RA QUYẾT ĐỊNH TRONG ASEAN

Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ ba, ngày 15/5/2012
TTXVN (Giacácta 9/5)
Bàn về thực trạng, cơ chê triển khai dự án và ra quyết sách của ASEAN qua các khuôn khổ hợp tác với các đối tác lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU; cũng như trong nội khối ASEAN hướng tới việc đảm bảo một ASEAN lấy con người làm trung tâm và vai trò trung tâm của ASEAN tác giả Dinna Wisnu — học giả về ngoại giao, thuộc trường Đại học Paramadina (Giacácta) mới đây có bài viết đăng trên tờ “Bưu điện Giacácta ”, nhan đề “Dự án và ra quyết định trong ASEAN”. Sau đây là nội dung bài viết này:

Không còn nghi ngờ gì nữa, ASEAN là một trong những thực thể kinh tế năng động nhất trên thế giới hiện nay. Các cuộc hội thảo, báo cáo và hội nghị cấp cao của khu vực đã dám khẳng định rằng cùng với Ấn Độ và Trung Quốc, trong tương lai, ASEAN sẽ là một trong những thế lực kinh tế khổng lồ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Nhìn vào mức độ của sự chú ý và qui mô của những dự án đang chảy vào ASEAN, thì sự mô tả thực tại và hy vọng này là thích hợp. Năm 2010, tổng vốn đầu tư vào ASEAN từ khắp nơi trên thế giới đạt mức kỷ lục 75,8 tỷ USD (mặc dù chưa bằng một nửa của Trung Quốc, song gần gấp đôi so với Braxin), trong đó có 16% là đầu tư nội khối ASEAN.
Vốn đầu tư sẽ tiếp tục đổ vào ASEAN, đó là điều chắc chắn. Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Triển vọng Phát triển kinh tế Đông Nam Á nhận định từ sự tăng trưởng kinh tế chậm chạp ở khu vực khác trên thế giới cho thấy ASEAN chắc chắn sẽ đảm bảo một tốc độ tăng trưởng kinh tế vững chắc đến năm 2016.
Thật vậy, có những khuôn khổ hợp tác bảo đảm khai thác sự tăng trưởng tích cực trong ASEAN. Với Liên minh châu Âu (EU) là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEPA), được hoàn thiện cùng với các nhóm làm việc chuyên về phân tích đánh giá với thành phần là các nhà trí thức, doanh nhân và quan chức chính phủ nổi tiếng. Với Trung Quốc, ASEAN đang cùng nước này phát triển một quỹ cổ phần tư nhân, gọi là Quỹ đầu tư Trung Quốc-ASEAN (CAF), trong đó tập trung vào việc xác định và xử lý các cơ hội đầu tư vào cơ sở hạ tầng, năng lượng và tài nguyên thiên nhiên trong khu vực ASEAN và Trung Quốc. Quỹ này được hỗ trợ bởi Ngân hàng Xuất – Nhập khẩu Trung Quốc, và năm 2011 đã cam kết sẽ đầu tư 500 triệu USD vào ASEAN. Trong năm 2010, CAF đã đầu tư 400 triệu USD cho bốn công ty ở Philippin, Thái Lan, Campuchia và Lào.
Mỹ cũng là một trong số đó. Năm ngoái, Ngoại trưởng H. Clinton tuyên bố Mỹ không chỉ muốn nâng cao qui mô đầu tư vào khu vực, với tổng mức năm 2011 đã tăng gấp đôi so với năm 2010, mà còn muốn tham gia củng cố cơ sở hạ tầng của các nước thành viên ASEAN.
Ngụ ý của Mỹ trong hợp tác với ASEAN là mong muốn can dự với ASEAN một cách độc quyền. Nếu có thể, mỗi bên muốn có tiến độ tốt nhất trong thành tựu hợp tác. Để đạt được điêu đó, Mỹ sẵn sàng đầu tư không chỉ tiền bạc mà còn thời gian và sự chú ý của các quan chức chính phủ cấp cao vào xây dựng năng lực, tổ chức các cuộc họp chuyên ngành, các nhóm làm việc và thậm chí là cả nghiên cứu.
Đổi lại, ASEAN phải thực thi chương trình hợp tác đã cam kết với các đối tác kinh tế. Đây là điều mà các đói tác bắt đầu cảm thấy lo lắng. Những khuôn khổ hợp tác đó cũng được cho là báo trước các trở ngại không lường trước được về chính trị ở các quốc gia thành viên và khuyến khích sự tin tưởng lẫn nhau trong khi nghi ngờ đang nổi lên giữa các nước thành viên ASEAN.
Chẳng hạn, CEPA của EU không được thúc đẩy nhanh như dự kiến, cho dù EU có nhiều cam kết đổ tiền vào xây dựng năng lực và làm giảm thuế quan sản phẩm nhanh hơn so với các nước thành viên ASEAN. Các tiêu chuẩn môi trường bền vững áp dụng đối với sản phẩm dầu cọ vẫn được xem là một trở ngại cho các nhà sản xuất ở Inđônêxia, và không phải tất cả các nhà sản xuất đều có thể tiếp cận chương trình hợp tác xây dựng năng lực bởi nhiều trường hợp trong số đó là doanh nghiệp quy mô nhỏ.
Thật sự thì vấn đề hoạt động kinh tế vi mô ở nhiều nước ASEAN đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa mới có thể đáp ứng được mục tiêu tăng khối lượng thương mại, tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn sản phẩm, môi trường bền vững và mở rộng các sản phẩm có giá trị gia tăng.
Ngoài ra, các lĩnh vực kinh doanh khác như lương thực, nông nghiệp, thực phẩm và đồn điền được coi là những sản phẩm nhạy cảm đối với sự hội nhập giữa các nước thành viên ASEAN. Các ngành này sử dụng nhiều lao động, và ở chừng mực nào đó, cũng được chính phủ các nước ASEAN sử dụng để tạo công ăn việc làm, bất kể các công việc này đáp ứng các tiêu chuẩn về thu nhập, an sinh xã hội và lao động cốt lõi như thế nào.
Với Trung Quốc, một số thành viên ASEAN đang cảm thấy lo ngại khi nghĩ đến việc mở cửa nền kinh tế của họ. Điều quan trọng là lựa chọn thời điểm và sự công bằng. Trung Quốc, với khả năng sản xuất hàng loạt sản phẩm chi phí thấp vẫn được đánh giá là một mối đe dọa cho các sản phẩm địa phương và sinh kế của các nhà sản xuất quy mô nhỏ ở Đông Nam Á.
Rào cản ngôn ngữ đối với các nhà đầu tư và thương nhân Trung Quốc cũng là một vấn đề. Người Trung Quốc thường phải xin lỗi vì sử dụng tiếng Anh thiếu lưu loát, trong khi thông điệp của họ là thực sự rõ ràng và sắc nét. Do đó, tin tưởng vào động cơ của họ và sự thiếu hiểu biết về cách thức mà người Trung Quốc điều hành các doanh nghiệp của họ vẫn còn là một vấn đề đối với nhiều người.
Với Mỹ, những thách thức ở đây chính là việc tạo dựng một cửa duy nhất về các thủ tục hải quan ASEAN, cũng như các tiêu chuẩn để được hỗ trợ kỹ thuật và tích hợp chuỗi cung ứng qua biên giới. Những điều này đã được xác định tại Diễn đàn thúc đẩy thương mại ASEAN vào năm ngoái.
Chắc chắn rằng vấn đề ở đây không chỉ là kinh tế, mà còn là chính trị. Chính phủ các nước ASEAN đang thúc đẩy sự tham gia lớn hơn của dân chúng vào các dự án hợp tác kinh tế khác nhau. Phương tiện truyền thông đại chúng khu vực đưa tin, phân tích về các cuộc họp ASEAN khá thường xuyên và chuyên sâu. Do đó, những người có liên quan đến quá trình ra quyết sách trong ASEAN không thể bỏ qua tiếng nói của người dân. Đây là lý do tại sao Inđônêxia mong muốn xây dựng một ASEAN lấy người dân làm trung tâm.
Một ASEAN lấy con người làm trung tâm có nghĩa là phát huy trách nhiệm của mọi người dân, để những gì mà ASEAN thực thi phải có hiệu quả và mang lại lợi ích cho tất cả mọi công dân ASEAN. Đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng cho các chính phủ thành viên Hiệp hội. ASEAN ra quyết định dựa trên sự đồng thuận, chủ yếu là giữa các bộ trưởng và người đúng đầu nhà nước. Thực tế, các quan chức này có thể không có uy tín rộng rãi trong nước, hoặc họ có thể gặp vấn đề khi truyền đạt quyết định đã được đồng ý tại các hội nghị cấp cao ASEAN cho cấp dưới và đồng nghiệp từ các bộ ngành khác.
Ngày nay, cơ chế họp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN chỉ là một trong bốn cơ quan cấp bộ trong Hội đồng Cộng đồng Chính trị và An ninh ASEAN; ngoài ra còn có Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Hội đồng Cộng đồng Văn hoá xã hội ASEAN.
Nói cách khác, giả định rằng các thỏa thuận giữa các bộ trưởng nhất định, đơn cử trong những thỏa thuận cấp lãnh đạo cấp cao, sẽ được triển khai suôn sẻ trong khung thời gian hợp tác sẽ là không xác đáng. Mặc dù tất cả các nước thành viên đều phải cử quan chức đại diện ngoại giao tại Ban Thư ký ASEAN để đàm phán các chi tiết liên quan, song họ lại không phải là thành viên các Hội đồng nói trên. Họ có thể là phần mở rộng của chính phủ các nước ASEAN và ghi nhận thông tin từ các nhà ngoại giao khác, nhưng họ không có thẩm quyền ra quyết định cho đất nước mình.
Điều kiện như vậy cho thấy chúng ta (các nước ASEAN) cần thêm lượng thời gian cần thiết để thúc đẩy việc thực hiện các tiêu chuẩn, thông lệ hoặc các khuôn khổ hợp tác khu vực. Khả năng các đối tác phá vỡ thỏa thuận với những hội đồng khác nhau của các thành viên ASEAN là điều có thể hiểu được, nhưng kết quả của nó chính là vai trò trung tâm của ASEAN đã được thỏa hiệp./.
(nguồn basamnew) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001