Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Những ngộ nhận của ông Trương Nhân Tuấn liên quan đến bức thư gửi Đại sứ Philippines

Dương Danh Huy

Trước dã tâm xâm lấn và ngôn từ đe dọa của Trung Quốc trong tranh chấp với Philippines trong khu vực Scarborough, ngày 21/5/2012, một nhóm trí thức trong và ngoài nước đã gửi một lá thư bày tỏ sự ủng hộ cho Philippines [1]. Bức thư cũng khẳng định rằng bản đồ “đường lưỡi bò” do Trung Quốc tùy tiện vẽ ra là phi pháp và là mối đe dọa cho khu vực.
Tuy nhiên, ông Trương Nhân Tuấn (TNT) đã có những lời chỉ trích lá thư [2]. Điều đáng chú ý là những chỉ trích của ông hoàn toàn không có cơ sở khoa học, phi lý, và có những chỗ thể hiện sự hiểu biết còn rất hạn chế.
Trong một bài khác [3], ông Phạm Quang Tuấn (PQT) đã chỉ ra một loạt sai lầm và thiếu sót trong bài viết của ông TNT. Những sai lầm và thiếu sót bao gồm so sánh theo kiểu ngụy biện, đưa thông tin sai, hiểu sai hay không biết về quan điểm của Chính phủ Philippines, hiểu lầm tiếng Anh và thuật ngữ UNCLOS, lẫn lộn khái niệm. Thay vì cám ơn ông PQT, ông TNT tỏ ra vẫn chưa hiểu vấn đề. Chẳng những chưa hiểu, ông còn có những suy đoán rất ư dễ dãi và mang tính trẻ thơ. Chẳng hạn như ông khẳng định rằng “Tôi biết, ông Dương Danh Huy khi đọc bài phê bình của tôi, đã ‘ngộ’ ra các bất lợi này. Do đó ông mới rút tên ra khỏi danh sách và viết bài hy vọng sửa đổi nội dung của tuyên bố.” Vì thế, trong bài này, tôi sẽ bổ sung những gì ông PQT đã viết và chỉ ra thêm những bất cập trong các bài viết của ông TNT.
Thứ nhất là hiểu sai về ý nghĩa của việc ủng hộ quyền chủ quyền Philippines trong khu vực Scarborough. Ông TNT viết rằng:
“Theo bộ luật SB 2699 về đường cơ sở của Phi, được Thượng viện thông qua ngày 28-1-2009, theo đó bãi cạn Scarborough được hưởng qui chế “regime of islands”, tức có hiệu lực như là “đảo” theo Luật biển 1982. Nếu ta có ý muốn nói khác, tức chỉ ủng hộ vùng ZEE của Phi từ đảo Luzon, thì trong văn bản phải cần ghi cho rõ. Khi nói “ủng hộ quyền chủ quyền của Phi trong khu vực bãi cạn Scarborough” mà không bảo lưu ý kiến nào khác là ủng hộ tình trạng pháp lý của bãi này theo quan niệm của Phi. Tức bãi này thuộc chủ quyền của Phi, được xem là đảo, có lãnh hải 12 hải lý (và có thể có ZEE đến 200 hải lý)”.
Luận điểm này rất sai, nếu không muốn nói là sai toàn diện. Người ta có thể nói ủng hộ quyền chủ quyền của Phi trong khu vựcScarborough, không cần bảo lưu gì, mà vẫn không có gì bắt buộc người ta, cũng như “vẫn không có gì” có nghĩa là phải:
(a) ủng hộ chủ quyền của Phi đối với các mỏm đá ởScarborough.
(b) ủng hộ quan điểm rằng quyền chủ quyền đó là xuất phát từ các mỏm đá đó.
Người ta hoàn toàn có thể cho rằng quyền chủ quyền đó là xuất phát từ đảo Luzon mà không cần nói ra, và nếu không nói ra thì cũng không có logic hay pháp lý nào bắt buộc đi đến (a) hay (b).
Trên thực tế, trang web chính thức của nước Cộng hòaPhilippinesmà ông PQT nêu ra cũng tuyên bố rằng quyền chủ quyền trong khu vực Scarborough là xuất phát từ đảoLuzon.
Ông TNT ra vẻ mình là một người sốt sắng, chăm chỉ đọc sách, và chịu khó tìm tài liệu. Nhưng rất tiếc những gì ông viết thể hiện một sự hụt hẫng về kiến thức mà một số người đã nhiều lần chỉ ra trước đây. Chẳng những hụt hẫng về kiến thức, ông còn phạm phải những lỗi lầm về logic hết sức cơ bản. Ông cũng tỏ ra dễ dãi với việc xử lý tài liệu tham khảo, và để cho cảm tính chi phối trong những nhận xét và bài viết của ông. Những nhược điểm này làm cho những bài viết của ông trở nên thiếu nghiêm chỉnh.
Thứ hai, ông TNT tỏ ra không hiểu về đòi EEZ cho các mỏm đá trong khu vực Scarborough. Thật ngạc nhiên khi ông TNT cho rằng có thể đòi EEZ và thềm lục địa cho các mỏm đá trong khu vựcScarborough, vì đây là nhận xét hết sức sai lầm. Trong giới học giả trên thế giới viết về Scarborough Shoal thì đại đa số đều cho rằng không thể dùng các mỏm đá ở đó để đòi EEZ.Philippines cũng có quan điểm đó. Có lẽ chỉ có vài học giả Trung Quốc và ông TNT cho rằng có thể đòi EEZ và thềm lục địa cho các mỏm đá đó. Dĩ nhiên là Trung Quốc làm thế, đi ngược với dư luận học thuật, là một cách để cố gắng biện minh cho đường lưỡi bò. Cái mà ông TNT cho là có thể chỉ là một cố gắng bất hợp pháp nhằm biện minh cho một yêu sách bất hợp pháp.
Thứ ba, ông TNT có những phát biểu mang tính võ đoán. Chẳng hạn như ông TNT viết:
Tôi biết, ông Dương Danh Huy khi đọc bài phê bình của tôi, đã “ngộ” ra các bất lợi này. Do đó ông mới rút tên ra khỏi danh sách và viết bài hy vọng sửa đổi nội dung của tuyên bố.”
Câu này cho chúng ta (ít nhất những người phụ trách về bức thư do nhóm BVN chủ xướng) thấy cái “biết” của ông TNT có thể lạ lùng như thế nào: không biết và nói đại. Ngay cả cái không tồn tại mà ông TNT cũng cho là nhờ bài phê bình của ông ấy mà có! Tôi có “ngộ” ra “các bất lợi này” hay không thì xin mời đọc lại bài viết của tôi [4], trong đó tôi kết luận:
“Vì vậy, việc gửi bức thư đó là một hành động độc đáo góp phần vào những viên gạch tạo điều kiện cho việc xây dựng một sự hợp tác giữa Việt Nam và Philippines nhằm chống đường chữ U mà không gây phương hại gì cho Việt Nam”.
Thứ tư, ông TNT tỏ ra đi lạc chủ đề và kết luận vội vã. Ông TNT viết rằng:
“Ủng hộ và kêu gọi mọi người ủng hộ Phi, trong khi vấn đề của đất nước thì không thấy ai quan tâm. Không phải việc tìm cách đưa tranh chấp Hoàng Sa vào tranh chấp biển Đông là mục tiêu của Việt Nam đó hay sao?”.
Bức thư đó không đề cập đến Hoàng Sa không có nghĩa là không ai trong những người ký tên quan tâm đến Hoàng Sa. Rõ ràng là họ có quan tâm. Nhìn vào danh sách ký tên có những người như Nguyễn Huệ Chi, Phạm Duy Hiển, Nguyên Ngọc, Đinh Kim Phúc, Phạm Hoàng Quân, Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Trọng Vĩnh, Nguyễn Quang A, Nguyễn Đăng Hưng, v.v., tức những người rất quan tâm đến Hoàng Sa và Trường Sa. Họ quan tâm không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động thực tế. Ấy thế mà ông TNT tự tin cho rằng “không thấy ai quan tâm”! Một lần nữa, ông TNT làm cho tôi phải kinh ngạc!
Tôi cho rằng Chính phủ Việt Nam và các học giả, tác giả Việt Nam có trách nhiệm tranh thủ Philippines nói riêng và thế giới nói chung về Hoàng Sa (cũng như Trường Sa và Biển Đông), nhưng việc không đặt vấn đề Hoàng Sa trong một bức thư ủng hộ là nằm trong phạm vi của sự hợp lý.
Điều quan trọng là Chính phủ Việt Nam phải đấu tranh, và các học giả, tác giả Việt Nam phải đấu tranh, chứ không phải là trong bức thư về Scarborough thì cũng phải bàn về Hoàng Sa hay nhiều vấn đề khác trong tranh chấp Biển Đông. Nếu bức thư ủng hộ đó gây được thêm cảm tình với người Phi và chính khách Phi, góp phần tạo điều kiện cho hai cuộc đấu tranh đó thì là cao quý rồi. Đòi hỏi những người chủ xướng và những người ký tên phải “đưa tranh chấp Hoàng Sa vào” trong bức thư ủng hộ là không hợp lý. Nhất là nếu bản thân người đòi hỏi đã không hề làm gì để giữ tranh chấp Hoàng Sa trong tranh chấp Biển Đông.
Thứ năm, ông TNT tỏ ra thiếu nghiêm túc trong khi bàn luận. Thật vậy, việc ông TNT đặt câu hỏi:
“Những người ký tên sẽ tình nguyện đi lính sang giúp Phi?”
làm tôi kinh ngạc về một loại tư duy rất trẻ thơ. Nếu dùng tư duy và “logic” trẻ con đó, ông TNT phải tự hỏi mình liệu ông có về Việt Nam tình nguyện đi lính bảo vệ biển, đảo, thềm lục địa, ngư dân Việt Nam hay không.
Trên thực tế ông còn chưa bao giờ dùng ngòi bút của mình để bênh vực ViệtNam, chống lại ý đồ bành trướng của Trung Quốc trước người ngoại quốc. Suốt mười mấy năm qua, là người sống ở nước ngoài và rành ngoại ngữ, tự hào là mình nghiên cứu về Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông, ông chưa bao giờ viết một bức thư nào để phản đối tạp chí khoa học hay bản đồ quốc tế đăng bản đồ đường lưỡi bò hay đăng Hoàng Sa là của Trung Quốc; ông chưa bao giờ tranh luận với các học giả nước ngoài để đả kích lập luận của Trung Quốc, bênh vực Việt Nam; ông chưa bao giờ tham gia tổ chức hội thảo với các học giả nước ngoài; ông chưa bao giờ công khai viết trên một ấn phẩm nước ngoài về Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông.

Ghi chú:
  1. Nguyên văn lá thư có thể đọc qua đường dẫn dưới đây: http://boxitvn.blogspot.co.uk/2012/05/thu-gui-ngai-jerril-galban-santos-ai-su.html
  2. Xem bài “Hiểu thế nào về nội dung của bản tuyên bố ủng hộ Phi Luật Tân trong tranh chấp Trung-Phi tại bãi cạn Scarborough?” tại http://danluan.org/node/12732.
  3. Xem bài “Những sai sót trong các bài về Scarborough Reef của ông Trương Nhân Tuấn” tại http://www.boxitvn.net/bai/37370.
  4. Đọc bài “Gửi thư ủng hộ Philippines, nên hay không?” http://boxitvn.blogspot.co.uk/2012/05/gui-thu-ung-ho-philippines-nen-hay_26.html)

D.D.H.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
(nguồn boxitvn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001