MỘT VÀI CÂU THANH NGHỊ
“Từ báo lề trái và qui định báo lề phải”
TRẦN VĂN THU
Năm 1925 phong trào cầu cơ chấp bút để liên lạc với thế giới vô hình lan tràn trong xã hội Việt Nam. Ông Lê Thế Vĩnh là một ký giả (trong vai một người mến mộ) đến tham dự một đàn cơ ở Sai gon. Cơ về tặng ông bài thơ:
Một viết với thân giữa diễn đàn,
Bằng xua trước giặc vạn binh lang.
Nước nhà ví biết thân là trọng,
Dạy dỗ sao cho đặng mở mang.
Bài thi tứ tuyệt trên dĩ nhiên có nhiều ý nghĩa. Nhưng có thể nêu 02 ý là nói lên sức mạnh của ngòi bút (bằng muôn vạn hùng binh) và nhiệm vụ của người cầm bút là phải viết sao cho dân trí được nâng cao, xã hội được mở mang.
Xem lại trong lịch sử nước nhà (cũng như thế giới) qua mọi thời đại thì bất cứ người yêu dân, yêu nước nào cũng tìm mọi cách để nâng cao: dân đức, dân trí, dân sinh.
Cùng với sự phát triễn của xã hội thì vai trò thông tin của báo chí ngày một quan trọng. Thậm chí ngày nay nhiều nơi quan niệm rằng đó là đệ tứ quyền (sau lập pháp, hành pháp và tư pháp).
Nếu vài chục năm trước đây các cụ muốn in một bài viết, một tác phẩm hay làm báo rất khó khăn, tốn kém (do thông tin không rộng rãi, liên lạc chậm, cần nhiều thời gian và nhân công để in ấn…) thì ngày nay nhờ vi tính, nhờ kết nối internet nó dễ hơn rất nhiều. Chỉ cần biết cách thức sử dụng vi tính, biết kết nối và một máy in trên bàn viết là chúng ta có được phương tiện mà trước đây các vị phải cần cả một kho sách đồ sộ, cần đến mấy chục nhân công và một cơ ngơi bề thế…mới làm được.
Nhờ có internet mà ngày nay người Việt Nam có báo lề trái (bao gồm những Thông tấn xã, Blog không quốc doanh) để đọc. Nghĩa là các vị viết hay phổ biến những gì mà lương tâm các vị cho là chân, là thiện, là mỹ gởi đến bạn đọc cùng chia xẽ… Báo lề trái (thậm chí rất trái) là một trong những sự thừa kế tinh thần yêu dân, yêu nước chân chính của ông cha ta vậy. Yêu dân, yêu nước thì cần gì xin phép ai, không chờ ai bổ nhiệm cũng không màng lợi lộc… thậm chí bị đe dọa công ăn việc làm, an ninh bản thân và gia đình vẫn chấp nhận. Làm việc không lương, bài viết không nhuận bút, viết ra thì biếu không cho xã hội. Nếu không phải yêu dân, yêu nước chân chính thì ai dám tự nguyện chấp nhận sự hy sinh nhường ấy? Người yêu dân yêu nước thật sự mới dám hy sinh cho dân, cho nước. Hiểu vậy thì những người cầm bút lề trái hẳn nhiên xứng đáng với truyền thống kẻ sĩ:
…Xe bồ luân dù chưa gặp Thang, Văn.
Phù thế giáo một vài câu thanh nghị….
(Nguyễn Công Trứ).
Nó rất trái với hạng quan chức miệng thì nói yêu nước, lương tháng chẳng bao nhiêu mà nhà cửa, tiền của, vàng bạc hàng tỷ tỷ…Họ yêu nước theo kiểu vinh thân phì gia, đúng với tuyên bố của Thủ tướng Phan Văn Khải:… bây giờ phải tìm mọi cách để làm giàu (theo nghĩa là có nhiều tiền, vàng, đô la chớ không phải là giàu có về trí tuệ, tính thương, tinh thần đạo đức…)
Các vị báo lề trái hoàn toàn khác với báo lề phải từ trong tổ chức, tiền lương và cách sở hữu bài viết. Báo lề phải theo tôi biết thì Tổng Biên Tập là người được chính phủ bổ nhiệm, các phóng viên… đều ăn lương từ thuế của dân… còn sở hữu bài viết thế nào? Xin mời xem vài qui định điển hình:
1-
|
-Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN. -Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. |
QUI ĐỊNH QUÁ TỆ…CŨNG QUÁ TỆ…
2-
|
© Trang thông tin điện tử báo Pháp luật TP.HCM. |
Số giấy phép: 54/GP-TTĐT Cấp ngày 18-03-2011
THÊM QUÁ TỆ…HAY… không cần chi
3-
|
|
RẤT HAY… vì sẳn lòngTUYỆT VỜI… với chữ vui lòng…
Cho dù là báo lề trái hay lề phải cũng do người có học viết ra. Sự khác nhau từ lề trái và lề phải là dễ hiểu. Cấm sao chép dưới mọi hình thức gần như đồng nghĩa với cấm phổ biến thì làm sao mọi người có thông tin? Như vậy làm báo còn một mục đích là bán cho nhiều tiền, chỉ nâng cao dân trí cho người có tiền thôi a? Ái chà chà cùng ăn lương xã hội sao lại qui định khác nhau như vậy cà? Trong cùng một lề phải tại sao có những qui định khác nhau đến 180o như thế? Do nơi cái tâm và cái tầm của người đứng đầu mổi tờ báo chăng?
Ôi dà dà! còn cái quyền dân chủ, quyền góp ý của các cấp dưới ở đâu? Thiệt là một vấn đề lớn cho xã hội Việt Nam ở cả 02 diện: lịnh cấm và cả những người im lặng về lịnh cấm đó trong cơ quan. Còn việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ của mấy nhà báo nầy mới tính sao??? Mấy hàng chữ nhỏ xíu ở cuối mấy trang web nầy nghiệm ra thì còn lắm việc?
Các vị làm báo hẳn nhiên phải có lúc tham khảo tài liệu từ Wiki mà Wiki thì vĩ đại ở cách lập thành, tư liệu và chia xẽ…Vậy có lúc nào các vị tỉnh thức để so sánh việc cấm sao chép dưới mọi hình thức của quí vị với tinh thần của Wiki không? Gần nữa là vì sao báo mình cấm sao chép còn báo bạn cùng lề phải với nhau thì không? Não trạng có vấn đề hay do cái gì mà nên nổi?
Ngày xưa phương tiện thông tin liên lạc còn khó khăn, di chuyển chủ yếu bằng cơ bắp con người và gia súc mà cổ nhân còn răn dạy: Thập mục sở thị, thập thủ sở chi. Kỳ nghiêm hồ (mười con mắt nhìn vào, mười tay chỉ vào. Đáng sợ thay). Internet kết nối nhân loại với nhau (toàn cầu hóa) thì nay không phải mười mắt, mười tay mà vô số người quan tâm đang xét nét người viết qua con chữ. Phải cẩn thận hơn, sợ sệt hơn và cần mở rộng tấm lòng mới đáng.
Năm tôi học đệ tứ Thầy dạy Việt Văn có giảng…Ông cha ta khi xưa quan niệm THIÊN HẠ VI CÔNG do đó khi viết nên thơ ca hay tác phẩm văn học không đề tên vào đó (để giải thích hiện tượng tác phẩm khuyết danh trong văn học). Cốt sao cái chân thiện mỹ đến với mọi người là quí.
Nhân đó Thầy kể chuyện nhà bác học Bửu Hội đại ý là khi tìm ra công thức chế thuốc chữa bệnh phong cùi thành công, ông đã hiến cho chánh phủ Pháp. Năm 1954 (ông đến viếng phái đoàn Cao Đài sang Pháp dự hội nghị Genève về Việt Nam theo lời mời của Quốc Trưởng Bảo Đại) có người hỏi ông:
- Thường thì khi tìm ra một phát minh người ta dùng đó để làm giàu sao ông lại đem hiến?
Ông đáp: Tôi làm việc ăn lương của chính phủ (là tiền thuế của dân) vậy tôi có phát minh ra điều chi thì cũng là của xã hội mới đáng…
Thầy kết luận: Người đời nghiêng mình trước trí tuệ nhưng bái phục trước lòng nhân…Nhà bác học Bửu Hội đã đạt được cả hai: trí tuệ và lòng nhân…ông tạo nên vinh dự chính đáng cho bản thân và còn đem lại danh thơm cho cả nòi giống Lạc Hồng…
Những người cầm bút lề trái không ăn lương của xã hội chỉ thọ ơn của xã hội đã biết hy sinh để cống hiến đẹp như thế.
Vậy mong rằng những người cầm bút lề phải (và cả những quan chức các ngành khác) đã ăn lương của xã hội (là tiền thuế của dân) khi thực hiện chức nghiệp của mình mở rộng tấm lòng, nâng cao tầm hiểu biết, tính vị tha, nối tiếp cái hay của người trước thì may cho nhân quần xã hội lắm vậy./.
Củ Chi 28-05-2012.
TVT
Tác giả gửi cho NTT blog
(nguồn nguyentuongthuy's blog)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001