Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

THƯ CỦA NHÀ BÁO NGUYỄN THANH HÀ, 77 TUỔI, NHỜ CHUYỂN TỚI ÔNG TRƯỞNG BAN TUYÊN GIÁO TW ĐINH THẾ HUYNH


Phamvietdao.net: Thưa bác Nguyễn Thanh Hà kính mến

Trước tiên tôi xin trân trọng cảm ơn bác đã tin cậy gửi cho tôi những ý kiến tâm huyết mà qua blog Phamvietdao.net, bác muốn gửi tới ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nhận được thư của bác vào lúc 9 h 5 phút ngày 30/5; tôi lập tức cho đưa lên mạng ngay...
Những điều băn khoăn trăn trở của bác chắc chắn cũng là của tôi và nhiều người nữa; Thưa bác, tôi là một nhà văn, ( hội viên Hội Nhà văn Việt Nam mảng văn học dịch; Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam; Hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam ) thế mà tôi lại đành chọn con đường viết blog mà rất hiếm khi thậm chí là ngại cộng tác với báo chí chính thống; Tại sao vậy ?
Điều này chứng tỏ mảng báo chí chính thống có vấn đề gì đó mà các nhà báo, các nhà chức trách cần phải tìm ra nguyên nhân dẫn tới sự ngăn cách này ? Tại sao một cái blog nhỏ bé như của tôi mà hàng ngày cũng có tới 2-3 vạn lượt truy cập, chỉ một cá nhân đứng ra làm ngoài giờ và không hề nhận bất kỳ sự động viên vật chất nào ?! Vậy thì vị trí của báo chính thổng hiện nay ở đâu và chịu trách nhiệm gì đối với các vấn đề xã hội ?
Hy vọng những điều nhà báo Nguyễn Thanh Hà đặt ra sẽ là vấn đề được nhiều vị trong và ngoài giới báo chí tham gia bàn luận; Các nhà báo, các cơ quan quản lý báo chí cần làm gì để báo chí nước nhà thật sự là một kênh thông tin góp phần vào việc điều chỉnh, làm cho xã hội phát triển và trở nên tốt đẹp, an bình hơn...
Xin trân trọng cảm ơn nhà báo Nguyễn Thanh Hà !
Theo đề nghị của nhà báo Nguyễn Thanh Hà, Phamvietdao.net xin chuyển ý kiến của nhà báo tới ông Đinh Thế Huynh...

Thưa anh Phạm Viết Đào

Dạo này, tôi hay truy cập trang mạng của nhà văn Phạm Viết Đào, mặc dù chưa hiểu rõ thân thế và sự nghiệp của anh, thậm chí còn chưa biết anh ở đâu và bao nhiêu tuổi. Những "trích ngang" này đối với tôi không hề quan trọng, cái quan trọng hơn cả là thông qua trang mạng của anh, tôi, một người làm báo vào những thập kỷ 60. 70 và 80, hiện nay đã 77 tuổi rồi mà vẫn chưa chịu buông tay bút vì óc còn sáng và tay còn viết khoẻ. Tất nhiên, ngày nay tôi viết về tất cả các vấn đề, quan tâm báo chí lề phải và cả báo chí lề trái, thông tin nhiều chiều, có như vậy mới có thể có cái suy nghĩ đúng hơn về thế sự. Anh yên tâm, với cái tuổi của tôi "gần đất xa trời rồi" không lo mấy sẽ bị địch lợi dụng
hoặc bị cuốn hút bởi "âm mưu diễn biến hoà bình."

Thưa nhà văn,

Trước hết, tôi xin chúc mừng anh, chúc sức khoẻ và những thành công trang mạng của anh. Chúc toàn thể gia đình và đồng nghiệp, đồng sự của anh luôn tâm sáng chí bền đóng góp bổ ích cho công tác tư tưởng và văn hoá của nhân dân. Cũng nhân đây, chúng tôi xin nhờ anh chuyển ý kiến của tôi đến Ông Đinh Thế Huynh, uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương đảng, trưởng Ban tuyên giáo trung ương mấy thiển ý của chúng tôi.
Lấy tư cách một người đã từng làm báo thời còn Ông Hoàng Tùng làm Tổng biên tập Báo Nhân dân, ông Trần Lâm làm Chủ nhiệm UB phát thanh quốc gia và ông Hoàng Tuấn làm Tổng biên tập TTXVN, xin bầy tỏ trước hết với Nhà văn Phạm Viết Đào, sau là đến Ông Đình Thế Huynh.
Tôi rất không đồng tình với ai đó phát kiến ra cụm từ "báo lề phải" và "báo lề trái", kể ra về mặt hình dung từ và khái niệm thì không khó hiểu, nhưng trong thực tế, khó có thể biết đâu là "lề phải" đâu là "lề trái". Tôi cho rằng hiện nay, Báo Nhân dân, cơ quan của TƯ Đảng, Đài TNVN và TTXVN vẫn là ba cơ quan báo chí tin tức chủ công của hệ tuyên truyền báo chí của ta. Tuy nhiên, theo ý tôi, sức hút của ba cơ quan này không còn được như ngày xưa. Hồi còn chiến tranh, hễ đến cơ quan làm việc là tranh thủ đọc Báo Nhân dân, đi công tác xa Hà Nội thế nào cũng mang theo một chiêc đài bán dẫn, thậm chí máy của Điện Thông chạy pin, to như cái hòm cắt tóc, và theo dõi các bản tin phổ thông và một số bản tin tham khảo của TTXVN. Lúc đó Đài Tiếng Nói Việt Nam hầu như chỉ phát trên làn sóng 297 mà sao mỗi ngày không nghe đài là không chịu được. Còn bây giờ, Đài của ta cực mạnh, nhiều hệ thống, nhiều mức sóng và thời gian thì hầu như phát cả ngày (24/24), còn Báo Nhân dân thì phát hành đến 18.000 tờ/số, lại có thêm Thời Nay, hao hao giống "Hoàn Cầu" của "Nhân dân nhật báo Bắc Kinh". Còn các bản tin của TTXVN (lại có nhiều báo của TTXVN nữa) không còn "độc quyền" vì các báo của ta bây giờ ít lệ thuộc vào nguồn tin của TTXVN mà tự nó đã có nhiều nguồn tin nhanh và hấp dân hơn TTXVN. Có người đã nói, TTXVN là con cưng của Chính phủ, có nhiều nhà cửa trụ sở to đẹp khang trang, có cả một mạng lười Phân xã ở các tỉnh trong nước và nhiều thủ đô các nước trên thế giới, song tin của TTXVN không còn là "độc quyền" và hấp dân nữa. Người dân bây giờ, ít theo dõi tin tức trên báo Nhân dân, Quân đội nhân dân mà hay theo dõi tin tức trên Báo Thanh niên, báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh, báo Dân Trí, báo mạng...Đó là quyền của độc giả thính gia và khán giả. Hầu như TV quốc gia chiếm độc tôn trong công tác tuyên truyền báo chí lề phải nhưng thực chất, khán giả cũng đã bắt đầu cảm thấy không mặn mà với TV nữa.
Mạng lưới báo chi của ta hiện nay rất đông đảo và đội ngũ làm báo rất hùng hậu. Hơn 17.000 nhà báo công tác ở trên 700 toà soan, vậy mà nhân dân vẫn đói thông tin. Bởi lẽ, báo chí lề phải chỉ cần đọc một tờ có thể biết các tờ khác nói gì, hoặc chỉ cần xem hết chương trình thời sự của TV là biết được các nguồn thông tin chính thống. Còn rất nhiều mặt, nhiều luồng thông tin dân cần biết, thậm chí biết căn kẽ hơn, thì lại không tìm đâu ra nguồn. Do đó dân chúng thì "đói" thông tin, còn "lề phải" thì lại thừa báo chí, phát thanh truyền hình. Mạng lưới báo và TV địa phương tiêu mỗi năm không biết bao nhiều tiền của, nhưng người theo dõi thì quá ít và khá nhiểu TV địa phương "quá tẻ nhạt", như một đài truyền hình của tỉnh nọ, hễ mở ra mục Thời sự là thấy hội nghị, thấy các quan đầu tỉnh họp hành, nói chuyện, diễn thuyết, đi kiểm tra cái này cái nọ...có nghĩa là đài phải dành ra cả một nhóm phóng viên và phương tiện vào loại tốt nhất hiện có để quay và đưa tin, nhiều khi rất vô bổ về hoạt động của các quan đầu tỉnh, thậm chí không liên quan gì đến đời sống của nhân dân, nhất là dân nghèo.
Về vấn đề này, Ban Tuyên giáo các cấp, nhất là Ban Tuyên giáo trung ương cần có nhiều sáng tạo sinh động hơn nữa trong chỉ đạo nội dung hoạt động của báo chí nói chung, của từng chủng loại báo chí nói riêng.

Anh Phạm Viết Đào,

Một thời gian dài gần đây, không chỉ riêng tôi mà nhiều người tâm huyết, cao tuổi chung quanh tôi đều đã có suy nghĩ rằng, làm sao báo chí của ta dạo này thích đưa tin, chụp ảnh, nhiều khi có loạt bài phân tích sâu về những tội ác đã và đang xảy ra trong các lĩnh vực xã hội.
Mảng báo chí công an, báo chi pháp luật, trên một số trang mạng mạnh lề phải không tờ nào, không phút nào không nói về các loại tội ác, hết bạo hành gia đình, bạo hành thiếu nhi, bạo hành với vợ con, hiếp dâm, trộm cắp vặt vãnh đến các vụ cướp tiệm vàng...đều được đưa tin rất đậm. Trong khi đó, mặc dù có Luật phòng, chống tham nhung từ lâu nhưng ít thấy báo chi nêu đậm nét những vụ điển hình, vụ lớn, làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng, các vụ quan chức cấp này cấp khác tích l
ũy và xây dựng dinh cơ tư nhân hàng trăm, hàng chục tỷ đồng như vụ bố con ông Bùi Thanh Quyến ở Hải Dương...Hằng ngày giở những tờ báo pháp luật, công an nhân dân, an ninh thế giới, chúng tôi rất buồn làm sao báo chí "lề phải" của ta "câu độc giả ghê thế" toàn là những bài tin ảnh về các vụ án, vụ bình thường cho đến các vụ ly kỳ rùng rợn.
Chúng tôi những người cao tuổi có thể ít bị ảnh hưởng, vì ít ra chúng tôi cũng có thể nhận thức được thế nào là tin về các vụ án, song những độc giả trẻ tuổi thanh thiếu niên họ nghĩ thế nào khi thấy trên mặt báo" lề phải" của ta đầy rẫy tin về tội ác, tin về các vụ hành xử dã man với chính người thân và đồng hương, đồng họ của mình. Qua báo chí, người ta rùng mình khi tội ác trên đất nước ta nhiều thế, do đâu, vì sao và làm thế nào để ngăn chặn và xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn nữa?
Anh Phạm Viết Đào và các anh quan tâm đến vấn đề này thử một cuộc điều tra ngắn, không khó lắm, xem xem mỗi ngày các báo phát hành còn thơm mùi giấy mực có bao nhiêu tin, ảnh, bài vở viết về và đưa tin về các loại tội ác xảy ra trên khắp các miền nước ta. Liệu ta còn có cách nào để thông tin về các loại tộí ác xẩy ra mà không làm tối thêm sự phát triển của đất nước.
Không, Việt Nam ta, mặc dù đang phải trải qua một thời kỳ có nhiều trăn trở, song không phải là một đất nước chỉ có tội ác, tham nhũng, lãng phí, vô cảm quan liêu và "xỏ lá" mà đất nước của Bác Hồ vẫn là một đất nước tươi đẹp, con người trung hậu, hiền lành và độ lượng. Phải không anh Phạm Viết Đào. Các cụ ngày xưa đã dạy chí phải: "Thượng bất minh, hạ tắc loạn" lo quá anh nhà văn thân yêu của tôi ạ. Muốn tâm sự nhiều song sợ làm mất thì giờ của anh nên tôi tạmdừng bút anh nhé.
Lần nữa chúc anh và gia đình hạnh phúc, thành đạt./.

Nguyễn Thanh Hà, 77 tuổi,
( Nguyên PVTTXVN, Email: nguyenthanhhahy@gmail.com

9 giờ 5 phút ngày 30-5-2012 )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001