Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Người đương thời Đỗ Việt Khoa: "Bộ Giáo dục đừng hứa quyết tâm làm gì"


Thứ năm 31/05/2012 06:02
(GDVN) - “Xin hỏi lãnh đạo Bộ và Sở: Có dám khuyến khích giám thị mang máy quay vào khu vực thi lấy bằng chứng sai phạm không? Có dám cho các trường vi phạm thi lại không? Có dám cách chức lãnh đạo vi phạm không? Câu trả lời chắc chắn là Không. Lực lượng cơ hội nhiều lắm. Thế thì đừng có hứa quyết tâm làm gì…”.
Chỉ còn hai ngày nữa học sinh lớp 12 trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp (TN) vô cùng quan trọng và câu chuyện mang tên “tiêu cực, gian lận trong thi cử” lại được dịp nóng lên. PV Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với người đương thời Đỗ Việt Khoa xung quanh câu chuyện này.

Người đương thời - Đỗ Việt Khoa, giáo viên Trường THPT Thường Tín (Hà Nội)

Thi thử đỗ hơn 10%, thi thật đỗ hơn 90%


- Thưa nhà giáo Đỗ Việt Khoa! Theo số liệu công bố của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tỷ lệ học sinh THPT đỗ TN năm 2011 đạt 97,79 %; hệ bổ túc THPT cũng đạt 97,10 %. Một số trường có tỷ lệ học sinh đỗ TN đạt 100%. Tỷ lệ học sinh THPT TN năm sau luôn cao hơn năm trước. Ông đánh giá như thế nào về những con số nêu trên? Đó có phải là một tín hiệu đáng mừng vui của giáo dục Việt Nam?


Nhà giáo Đỗ Việt Khoa: Thêm vài số liệu thế này: Trường THPT Vân Tảo (Thường Tín – Hà Nội) có tỷ lệ đỗ TN năm học 2006-2007 là 29%, năm sau là 45%,… và năm học 2010-2011 là 99% cho dù thi thử chỉ đỗ hơn 10% liên tiếp nhiều năm. Trường Đinh Tiên Hoàng - Quảng Ngãi liên tục đỗ 0% thì năm qua đỗ hơn 90%. Các tỉnh miền núi như Tuyên Quang, năm 2006-2007 chỉ đỗ 14%, nay đã trên 90%.

Có nhiều người vỗ ngực tự hào trong khi nhiều người thì chua chát với con số đó. Với những gì tôi biết, tôi khẳng định kết quả thi TN vừa qua là rất xa thực tế. Mọi sự lại quay trở lại gần như trước khi có “hai không”.

- Ông có thể giúp Báo Giáo dục Việt Nam điểm lại một vài những vụ việc tiêu cực, gian lận trong các kỳ thi TN khiến dư luận phẫn nộ trong thời gian gần đây?


Nhà giáo Đỗ Việt Khoa: Sau khi ngành giáo dục phát động phong trào “Hai không” vào tháng 7/2006 thì tình hình thi cử 2 năm học sau đó đã bớt được tiêu cực. Tuy nhiên, qua theo dõi và nắm thông tin từ phía giáo viên khác thì tôi khẳng định: Từ năm học 2009 đến nay sau khi Bộ thôi giám sát thì tình hình tiêu cực thi cử đã tái diễn rất nghiêm trọng.

Hành vi thu tiền để “bồi dưỡng” giám thị coi thi đã xuất hiện trở lại ngày càng công khai. Việc photo giải bài và ném bài ngày càng nghiêm trọng, gần giống như trước 2007. Giám thị làm ngơ, canh cửa cho thí sinh làm hoặc bỏ vị trí ra ngồi tụ tập để mặc thí sinh tự do quay cóp đã phổ biến trở lại. Thí sinh mang phao thi, sách, điện thoại vào phòng thi thoải mái.

Vụ 9 tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long thông đồng đáp án nâng điểm cũng là 1 sự tiếp tay cho tiêu cực.

Báo chí không còn quan tâm nhiệt tình nữa. Còn người dân, họ thấy con mình đỗ cả thì họ vui mừng. Thế là tiêu cực ngày càng nhiều…

PV: Ông đánh giá như thế nào về mức độ, tần suất của những hành vi, vụ việc tiêu cực, gian lận trong thi cử nhất là đối với các kỳ thi TN ở tất cả các cấp học hiện nay?

Nhà giáo Đỗ Việt Khoa: Gian lận thi cử tăng mạnh. Rất mạnh. Cả ở ĐH, CĐ lẫn Phổ thông. Cứ thi là có gian lận.

PV: Theo ông, những hành vi gian lận, tiêu cực trong thi cử có nguyên nhân sâu xa từ đâu?

Nhà giáo Đỗ Việt Khoa: Nguyên nhân thì có nhiều. Vẫn ông giám đốc, ông hiệu trưởng đó quản lý địa bàn của mình, có ông nào muốn tỉ lệ TN giảm không? Chắc chắn không. Thậm chí họ sẽ có những thủ thuật để làm tăng tỉ lệ đỗ TN của địa phương để còn báo cáo thành tích chứ.

Những người làm công tác coi thi, thanh tra vẫn là những người trước kia đã từng làm thi. Mong muốn của lãnh đạo hội đồng thi, của phụ huynh học sinh thế nào, họ chiều thế đó. Giám thị nào dám va chạm, dám đối đầu nào?

Vô số mẹo vặt đối phó “Hai không” đã được vận dụng
- Để đối phó
 với tiêu cực trong thi cử đã có "Hai không" được đưa vào áp dụng như một loại "kháng sinh liều cao", nhưng hình như thời gian gần đây đã xảy ra hiện tượng "lờn thuốc"?

Nhà giáo Đỗ Việt Khoa: Hà Nội có nhiều mẹo rất hay. Họ sáng tạo quy chế thi TN riêng: Cấm giám thị số 3 lại gần phòng thi. Thành thử giám thị số 3 chỉ còn mỗi nhiệm vụ đưa đón thí sinh đi vệ sinh. Điều này vi phạm quy chế của Bộ GD-ĐT, nhưng Bộ cũng kệ. Cái này họ rút kinh nghiệm từ vụ tôi tố cáo năm 2006 khi đang làm giám thị 3 đấy. Quy chế thi hầu hết đều triệt đường người tố cáo. Không ai được mang máy chụp, máy quay vào khu vực thi. Lúc xảy ra tiêu cực, có tố cáo thì họ cũng chối bay. Ví như kỳ thi đầu tiên của “Hai không” năm 2006-2007 mà tôi coi thi tại Trường THPT Nguyễn Trãi, phòng thi tràn ngập SGK và sách tham khảo môn Văn. Tôi góp ý thì họ chối bay và còn hùa vào tố ngược rằng "thầy Khoa đi lại lăng nhăng”.

Một mẹo nữa của Hà Nội “cực độc”. Khi “Hai không” mới bắt đầu, tức là sau 2 kỳ thi năm 2006-2007 và 2007-2008, Sở GD & ĐT Hà Nội huy động 100% giáo viên THPT đi coi thi. Thế nhưng, ba năm nay, chỉ khoảng 1/3 giáo viên THPT được huy động và tăng mạnh số giáo viên của Phòng GD & ĐT. Đó là giáo viên THCS và Tiểu học của địa phương trong khi số thí sinh không giảm. Những giáo viên nào “ngang xương” thì không cho đi coi thi. Ba năm nay tên tôi không có trong danh sách coi thi.

Nhiều trường do quy định phải niêm phong máy photo, họ đã đi thuê ở bên ngoài mang vào giấu trong trường để phục vụ việc photo giải bài.

Xin hỏi lãnh đạo Bộ và Sở: Có dám khuyến khích giám thị mang máy quay vào khu vực thi lấy bằng chứng sai phạm không? Có dám cho các trường vi phạm thi lại không? Có dám cách chức lãnh đạo vi phạm không? Câu trả lời chắc chắn là Không. Lực lượng cơ hội nhiều lắm. Thế thì đừng có hứa quyết tâm làm gì.
Dù biết có tố cáo tiêu cực, nhưng không có một cấp nào sẵn sàng xử lý. Tấm gương hậu tố cáo tiêu cực của tôi thế nào thì làng giáo đã khiếp sợ cả rồi, ai dám làm theo, trừ phi người đó muốn bỏ nghề.

Tóm lại yếu tố con người, mà ở đây là người lãnh đạo là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.

- Trước mỗi kỳ thi, Bộ đều có chỉ thị bằng văn bản đển các Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo và các trường học trên cả nước, tuyệt đối nghiêm cấm và xử lí nghiêm các trường hợp vi phạm quy chế thi, gian lận trong thi cử dưới mọi hình thức. Ông đánh giá như thế nào về quyết tâm này của Bộ Giáo dục và Đào tạo?

Nhà giáo Đỗ Việt Khoa: Quyết tâm này ba năm nay coi như đã bị cấp dưới vô hiệu. Hầu hết không ai xử lý vi phạm đâu. Nhìn lại vụ tôi tố cáo tiêu cực thi tốt nghiệp năm 2006: Xử lý nặng nhất chỉ là cảnh cáo một trường hợp, còn lại nhắc nhở và cho qua. Ngay cả báo cáo thi của bộ GD & ĐT mấy năm qua cũng sai thực tế…

Xin hỏi lãnh đạo Bộ và Sở: Có dám khuyến khích giám thị mang máy quay vào khu vực thi lấy bằng chứng sai phạm không? Có dám cho các trường vi phạm thi lại không? Có dám cách chức lãnh đạo vi phạm không? Câu trả lời chắc chắn là Không. Lực lượng cơ hội nhiều lắm. Thế thì đừng có hứa quyết tâm làm gì.



Kỳ thi TN THPT 2012 đang đến cận kề, công tác chống tiêu cực và gian lận trong thi cử cần được xiết chặt để đảm bảo chất lượng tốt nhất cho kỳ thi

- Phải chăng nền giáo dục của ta đang chăm chăm chạy theo thành tích, có quá nhiều những lỗ hổng và công tác chống gian lận, tiêu cực trong giáo dục chưa thực được các ngành, các cấp vào cuộc sát sao?


Nhà giáo Đỗ Việt Khoa: Vấn đề là cái cơ chế. Bộ GD & ĐT không có thực quyền xử lý các cấp phổ thông. Quyền này thuộc về Sở GD & ĐT và Chủ tịch các tỉnh thành. Tỉnh thành còn phải báo cáo thành tích cho hay. Vậy đừng hy vọng gì ở các tỉnh thành. Thế nên trên bảo dưới không nghe. Thanh tra Bộ không giám sát thi nữa là tất cả lại trở về như trước “Hai không”. Dù vẫn có một số giáo viên, một số địa phương làm thi nghiêm túc, nhưng là thiểu số so với cả nước. Phần nhiều nhà giáo đều buông xuôi cả rồi.

- Nhưng thực tế là vẫn còn rất nhiều nhà giáo có tâm đấy chứ, thưa ông?

Nhà giáo Đỗ Việt Khoa:
Còn chứ. Còn nhiều. Nhưng đa số bất lực, buông xuôi.

- Mỗi khi chứng kiến hoặc ghi nhận được ở đâu đó những việc làm sai trái, những tiêu cực trong thi cử, bản thân ông có cảm xúc như thế nào?


Nhà giáo Đỗ Việt Khoa: Cũng bức xúc lắm, muốn làm gì đó, nhưng bất lực. Không đi coi thi thì làm gì được? Mà đi coi, họ cũng có thừa cách vô hiệu hóa mình thôi. Có năm họ phân cho tôi chỉ làm giám thị số 3 từ đầu chí cuối mà phải đứng cách phòng thi 20m, có mỗi việc đưa thí sinh đi tiểu.

- Để làm tốt phong trào “Hai không”, chúng ta cần làm tốt những vấn đề gì thưa ông?

Nhà giáo Đỗ Việt Khoa: “Hai không” do Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân phát động và Bộ trưởng rất muốn làng giáo thực hiện nghiêm túc. Nhưng khi có vi phạm thì đã không có thuốc chữa. Thuốc phải đủ nặng. Nặng nhất là cách chức lãnh đạo vi phạm “Hai không”. Nhưng chuyện đó không thể xảy ra ở xứ ta khi quyền của Bộ trưởng chưa thực sự đủ mạnh.

- Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012 đang đến cận kề, ông muốn nhắn gửi thông điệp gì Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo?

Nhà giáo Đỗ Việt Khoa: Chịu thôi. Nhắn nhủ gì nữa đây. Mọi sự lại như xưa. Tiêu cực xã hội đầy rẫy còn chưa trấn chỉnh được thì ngành giáo dục cũng thế thôi.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Hòe (thực hiện)
(nguồn giaoducvietnam)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001