Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012


Nhân chuyện bà Hoàng Yến
Nguyễn Văn Thịnh

Nhân chuyện bà Đặng Thị Hoàng Yến bị đưa ra xem xét tư cách đại biểu Quốc hội và từ nay không còn là người đại biểu của nhân dân nữa sau nhiều ngày hứng lắm điều tai tiếng!
Chuyện tất nhiên phải thế nhưng người dân thì nghĩ khác. Bà con ta không dưng biết Hoàng Yến là ai mà dồn phiếu cho bà? Người nào tự ra ứng cử thì khó mà lọt qua các vòng khảo thí khắc nghiệt soi từng chân tơ kẽ tóc. Tất nhiên người dân phải đặt cả niềm tin vào hệ thống cồng kềnh nhiều tầng lớp của Ban bầu cử các cấp ngốn không ít tiền của công quỹ. Bà Hoàng Yến không phải như mấy bậc lão làng để dễ khai man quá trình hoạt động từ khi cách mạng còn trứng nước vì tìm đâu ra chứng nhân nữa? Bà cũng chẳng có quyền hành gì lớn khiến người ta sợ mà không dám nói lên sự thực. Năm 1975 bà mới là cô bé 16 tuổi lớn lên ở quận Phú Nhuận đây. Bà học tại trường ĐH Kinh tế TPHCM và khởi những bước vào đời tại quận 5 này. Bà thành danh ở tỉnh đầu ngõ của thành phố xuống miền tây. Bà giàu có nổi tiếng thì đời riêng bà có mấy chồng, mấy con làm sao có thể che mắt bà con, bạn bè, khối phố bao nhiêu người từng thấy. Vậy thì lý lịch của bà chẳng thể giấu nổi ai nếu như Ban bầu cử có trách nhiệm thẩm tra chu đáo. Nhưng bà đã lọt vào tầm ngắm của cái gọi là cơ cấu, khỏi mất công tìm, thế là bà được ghi vào danh sách những người tiêu biểu xứng đáng đưa ra cho công chúng chọn. Đành rằng lý lịch thì đương sự tự khai nhưng những người có trách nhiệm làm tai mắt cho dân phải thẩm tra kỹ càng vì đưa người vào Quốc hội chứ không phải vào một đoàn thể xã hội nào. Dân thì tin vào Ban bầu cử làm việc cẩn trọng, chu đáo, nghiêm minh nên dành cho bà số phiếu bầu cao để Quốc hội ta có đầy đủ tiếng nói của mọi thành phần tầng lớp nhân dân. Rồi sự thể trái chiều như thế! Một chốc bà thành vật thí cho sự vô trách nhiệm của hệ thống tổ chức rườm rà mà vô hiệu! Bây giờ họ khui ra những điều mà họ chưa làm hết trách nhiệm để đổ lỗi cho bà! Thật ra bà không đáng trách mà chỉ đáng thương thôi vì ham chút danh hão mà đã mất tiền còn chuốc vạ vào thân. Rõ là chẳng cái dại nào giống cái dại nào, bà lại lôi ông Ôttờrốpski lỗi thời ra để cho người ta nhạo! Bà bị buộc phải rời khỏi cơ quan quyền lực tối cao của nhà nước dân chủ nhân dân ta khác nào té nước vào mặt những người đã bỏ phiếu bầu bà! Tất nhiên dân chúng lại giật mình lo lắng hỏi nhau rằng liệu trong mấy trăm quý đại biểu đang tại vị kia có còn điều gì khuất tất?
Suy cho cùng lỗi không trung thực trong việc khai lý lịch của bà người khác phải cùng chia sẻ nhưng chẳng thể vạch mặt chỉ tên ai! Lẽ ra lỗi ấy phải được thể tình mà sao Quốc hội ra tay mạnh thế? Có tới 96% đại biểu đồng tình bãi nhiệm! Trong khi ở khóa trước mấy vị đại biểu lợi dụng chức quyền tham nhũng bao nhiêu gây nhiều thất thiệt cho dân đến nỗi bị bắt bỏ tù mà khi đưa ra Quốc hội số phiếu đồng thuận bãi nhiệm lại thấp hơn nhiều, như ông Mạc Kim Tôn (tỉnh Thái Bình) có 83%, ông Lê Minh Hoàng (TP Hồ Chí Minh) chỉ có 71% thôi! Chẳng lẽ tội tham nhũng dễ được cảm thông châm chước hay sao? Xem ra cung cách làm việc của Quốc hội ta có điều gì chưa ổn!
Thế rồi lại vỡ thêm ra cái chuyện ông Cục trưởng Cục hàng hải của Bộ GTVT với câu chuyện Vinalines đang dấy lên như sóng biển. Khi đề bạt một cán bộ dù ở cỡ nào tổ chức cũng phải xem xét nhiều mặt từ hiệu quả công việc, ý thức chấp hành chỉ đạo của cấp trên, đạo đức cá nhân và sự tín nhiệm của quần chúng kể cả việc thăm dò dư luận… huống chi là giao trọng trách tầm cỡ ấy đâu phải là chỉ nhờ có thanh tra mới vỡ lẽ ra sự thật. Bao lâu nay ông Dương Chí Dũng làm việc hiệu quả như thế nào thì Bộ phải biết rõ chứ? Các Bộ liên ngành phải biết chứ? Cái ụ tàu nằm chình ình đó cả mấy năm rồi chán vạn người đều thấy. Mấy con tàu mua về để phá ra bán thành sắt vụn hoặc chùm mền lù lù mấy đống to như ụ núi có thể che mắt được ai? Cũng giống như chuyện ông Phạm Thanh Bình ở Vinashine, làm ăn thua lỗ bao nhiêu ngàn tỷ đồng cả chục năm trời, hàng ngàn công nhân viên chức thất nghiệp với một hệ thống tổ chức công đoàn, kiểm tra của Đảng chẳng lẽ phải nhờ thanh tra mới phát hiện ra? Mấy vị dù có vô tù nhưng chẳng mấy nỗi lại được chiếu cố giảm án vì xét công lao thành tích! Coi như đi nghỉ an dưỡng thời gian tạm thời khuất mắt thế gian. “Hy sinh đời bố củng cố đời con”! Lại đẻ ra một lũ đầy tớ mới cha truyền con nối! Chỉ có dân chúng đã khổ càng khổ hơn, cái dây nịt bụng càng thắt lại, con cái sớm nghỉ học lao vào đời tự kiếm miếng ăn hoặc ra nước ngoài làm đầy tớ cho người. Trong khi các ngài quan chức ngày càng giàu sụ sống vương giả nghênh ngang trước mắt bàn dân thiên hạ! Đất nước tưởng là phồn hoa nhưng nhờ vào tiền của đi vay rồi người dân lại con cháu nối gót cha ông truyền đời oằn lưng làm công trả nợ! Càng vay mượn nhiều các quan chức càng giàu xụ lên và dân tình càng điêu đứng!
Bà con ta còn nhớ cách nay chẳng bao xa, ông Thủ lãnh Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khi đi thi vào trường cao cấp chính trị đem theo tài liệu vào phòng thi và mở ra xem. Không ngờ anh giám thị ngờ nghệch nào đó vớ được lôi ra. Lúc đầu ông ta còn giấu không chịu khai tên. Chuyện vỡ lở ra, báo chí tung tin chẳng thể giấu ai. Ông ta bị kiểm điểm và nhận cái án kỷ luật gọi là khiển trách(!) dù rằng cái lỗi ấy hoàn toàn chủ động, là bản chất chứ không phải do tình thế. Không trung thực trong thi cử là đi buôn lậu văn hóa chớ gì? Mà ở người chức trọng quyền cao chỉ chịu án chiếu lệ cho dư luận xuôi đi! Để ông lãnh tụ Đoàn như thế thì làm sao đứng trước thanh niên mà nói chuyện với giới học sinh sinh viên được nữa, người ta nghĩ cách đưa ông ta sang làm Bí thư đảng đoàn cơ quan ngoại giao! Trời đất ơi, đem chuông đi đấm nước người mà trưng ra cái chuông rè như thế thì còn gì là thể diện quốc gia? Ít lâu sau tổ chức chuyển ông ta về làm Bí thư một tỉnh miền núi. Làm quan phụ mẫu chi dân cầm cân nẩy mực mà đeo cái quá khứ gian lận như vậy thì có tội nghiệp cho bao nhiêu những người lương thiện tử tế phải dạ vâng dưới trướng?! Nhưng chưa, đó chỉ là trò xiếc thôi! Ngồi ở ghế Bí thư tỉnh ủy đương nhiên ông ta phải trúng vào BCHTW Đảng khóa sau! Thế rồi ông ta nghiễm nhiên về lại Thủ đô ngồi ở cái ghế còn cao hơn nữa! Biết đâu ông ta sẽ lên làm đầu lĩnh quốc gia không chừng! Với cách cơ cấu như thế thì những người như Dương Chí Dũng, Phạm Thanh Bình, Nguyễn Việt Tiến… được cất nhắc lên cũng không là điều lạ. Chẳng lẽ trong hơn ba triệu đảng viên không chọn ra được bộ mặt nào sạch sẽ, tử tế hơn sao? Đặt người ngồi trên cái ghế phương diện quốc gia phải xứng tài xứng đức?! Và người có lòng tự trọng nên biết tìm đúng chỗ cho mình. Xem ra công tác tổ chức của ta coi dân như một lũ cừu non giao cho kẻ nào chăn cũng được, càng tạo điều kiện cho lũ cơ hội ỷ quyền cậy thế ngang tàng.
Tôi chỉ nói ra những con người và sự việc đã được công khai trên báo, muôn dân đều biết. Có bao nhiêu trò xiếc diễn ra và còn bao nhiêu người, bao nhiêu việc nữa “khẩu thiệt vô bằng” không thể nói. Phải chăng trong 80 triệu dân với 3 triệu đảng viên không còn người tốt để dùng, giống tốt để ươm? Quả vậy thì nước non này đã đến hồi mạt vận! Những người lương thiện có tâm với nước có tình yêu với Đảng bấy lâu nay đều lắc đầu ngao ngán!
Suy đến cùng vì cái guồng máy trồng người của ta là như thế. Để đưa cách mạng tới thành công, ai cũng biết các vị lãnh tụ khai sáng Đảng luôn nhắc nhở: “Cán bộ quyết định hết thảy” mà sao một bộ phận không nhỏ cán bộ suy thoái đến như vậy và chưa có dấu hiệu dừng? Ông Nguyễn Sinh Hùng từng nói công khai:“Cứ tham nhũng mà kỷ luật thì lấy ai làm việc”! Bà con ở phía Nam giật mình hỏi nhau: “Dường như ông Chủ tịch quốc hội nước CHXHCNVN nhắc lại y chang lời nói của Thủ tướng ngụy quyền Sài Gòn Trần Văn Hương vào đầu những năm 1970 khi các quan chức đua nhau ăn cắp tiền của Hoa Kỳ viện trợ cho Việt Nam cộng hòa. Vì thế nên mới thua cộng sản”! Có địa phương đề ra tiêu chuẩn chọn người trẻ gửi đi nước ngoài học Thạc sỹ, Tiến sỹ để tạo nguồn lãnh đạo sau này. Nhưng những người được chọn lại nằm trong cái vòng xoáy nếu không là con ông nọ cháu bà kia thì cũng không thiếu gì cách chạy chọt để lọt được vào vòng tuyển chọn. Rồi khi được gửi sang nước người ta thì cái guồng máy xã hội nước người sẽ lại tuyển chọn người của mình thành người của họ, chớ vội mừng! Người lãnh đạo có trình độ học vấn cao là điều rất quan trọng. Nhưng chớ quên lời ông cha ta dạy từ xưa: “Cho con đi học chữ học nghĩa”. Chữ và Nghĩa đều trọng như nhau. Có nghĩa mà vô học muôn đời không cất đầu lên được. Có chữ mà bất nghĩa cơ đồ càng dễ tan tành. Lịch sử dân tộc ta không ít sự việc chứng minh điều đó. Tại sao trong những năm đầu xây dựng đất nước, ta thiếu nhiều cán bộ có học, không ít trí thức không phải là đảng viên vẫn được giao trọng trách mà không xảy ra những điều tệ hại như hôm nay. Có phải là “Thượng bất chính thì hạ tắc loạn” hay không? Vấn đề là phải đào tạo được lớp người có bản lãnh văn hóa mới có thể đảm đương trọng trách quốc gia. Công việc này đã bị quên đi từ lâu vì những suy nghĩ có tính “ăn sổi ở thì”! Nghị quyết IV của Đảng xem ra hay thì thật rằng hay nhưng với đội ngũ cán bộ hiện hành liệu có dựng lại được niềm tin với nhân dân cả nước hay không?
Thời vua chúa, ai tiến cử được người tài lập công to với nước thì chẳng những được nhà vua ban thưởng còn phong chức sắc. Nếu như kẻ được tiến cử bất tài vô dụng hoặc là phản loạn cũng bị nhà vua phạt vạ thậm chí chém đầu.
Ngày Cách mạng tháng Tám mới thành công, vào năm 1946, trong tình thế chính quyền nhân dân như “trứng để đầu đẳng”, vô cùng gian nguy, ngân khố trống rỗng, giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm cực kỳ rối ren phức tạp. Bí thư thành ủy Hà Nội lúc đó là ông Hoàng Tùng, hỏi Chủ tịch nước:
- Thưa Cụ, giặc Pháp, giặc Tàu kẻ nào đáng sợ hơn?
Cụ trả lời chẳng đắn đo:
- Đáng sợ nhất là các chú!
Ở thời điểm ấy không mấy ai hiểu thâm ý của Cụ Hồ vì thực sự tuyệt đại đa số cán bộ dù trong hay ngoài Đảng và nhiều người còn rất trẻ nhưng họ tận tâm, tận lực với phận sự và không nề gian khổ hy sinh, đặc biệt là những người lãnh đạo chủ chốt thật sự có đức có tài và tâm huyết tận tụy lo cho dân cho nước. Mấy năm sau từ núi rừng Việt Bắc, trong khi chính quyền kháng chiến còn nghèo nàn và rất đơn sơ mà Cụ Hồ viết cuốn “Sửa đổi lề lối làm việc” đã nói nhiều đến tật háo danh, quan liêu gia trưởng, tự tư tự lợi, xa rời quần chúng dần để mất lòng dân.
Quả thật cách mạng thành công nhân dân cả nước đều mừng và hy vọng lớn. Nhưng một khi chức quyền vào tay các chú quan đầy tớ đã biến không ít người trong số họ thành ma thành quỷ để Cụ Hồ cũng khổ mà sự nghiệp của Cụ bây giờ đang bị lung lay.
Kinh nhà Phật dạy: “Nội ma thì nhiều, ngoại ma thì ít và ngoại ma dễ diệt trừ, nội ma mới là đáng sợ”.
Điều đáng sợ với giới cầm quyền được Cụ Hồ cảnh báo từ khi chính quyền cách mạng còn trong trứng nước, thân phận mong manh.

Thành phố Hồ Chí Minh
Ngày cuối tháng 5/2012

Thứ ba ngày 29/5/2012
(nguồn trannhuong.com)  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001