Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Lương y pha máu cứu người,y sĩ già khẩy cười Bộ trưởng


(Trái hay phải) - Trong khi câu chuyện về trách nhiệm trong việc bổ nhiệm Dương Chí Dũng và về cái vườn Thượng uyển của công tử Hải Dương chưa có hồi kết, thì ngành Y tế đột nhiên lại được báo chí quan tâm trở lại với một số trường hợp bi hề kịch.

TIN LIÊN QUAN

Bệnh viện quá tải là do... bệnh nhân?
Phải chăng dân ta thích lên bệnh viện tuyến trên để nằm chung giường cho... vui? (Ảnh Tiền Phong)
Trước tiên, không thể không điểm danh bác sĩ Trưởng khoa Xét nghiệm ở Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh với nghi vấn được báo Người đưa tin cho biết. Theo đó, bác sĩ này đã cầm đầu một đường dây pha loãng máu bằng nước muối để bán cho người bệnh kiếm lời (gần với một dạng...tiết canh!).
Chưa biết nghi vấn này có xác thực hay không, nhưng hiện bác sĩ này đã bị đình chỉ công tác, với lý do vi phạm quy chế bệnh viện, không hoàn thành nhiệm vụ.
Dĩ nhiên, đây cũng chả phải là chuyện gì mới mẻ, nếu xét từ trong bản chất thì nó không khác gì mấy so với những câu chuyện cảm động về các bậc lương y tài cao đức trọng thời nay.
Chỉ cần điểm sơ sơ mấy vụ từ đầu năm đến nay trên mặt báo, nào bệnh viện ép bệnh nhân khám đi khám lại cả chục lần cho thêm phần yên tâm, nào bệnh viện tôn vinh các bác sĩ đạt “doanh thu” cao trên bảng vàng thành tích và thưởng nóng bằng cách chia phần trăm tiền tươi thóc thật…
Nhiều bệnh nhân sau khi được săn sóc với sự quan tâm quá thể như thế từ các lương y đã không tiếc lời kêu ca phàn nàn, nhưng thật ra, như lời của đám lái buôn thời hiện đại thì “khách hàng là thượng đế”, bệnh nhân bỏ tiền ra tất có quyền kêu ca, mà con buôn đã có lãi có lời thì nên biết dỏng tai nghe chửi. Mà khách hàng có bao giờ hài lòng với sản phẩm mình nhận được?
Cứ theo lẽ ấy mà suy, cộng thêm một chút xíu rộng rãi bao dung khi xem xét vấn đề, ta sẽ thấy sự việc không có gì đáng phải làm ầm ỹ.
Trong thời buổi không có cái gì gọi là chuẩn như hiện nay, những người bệnh như chúng ta hoàn toàn có quyền tự an ủi mình rằng vị Trưởng khoa nọ ở Hà Tĩnh làm thế cũng vì những mạng người quý hơn tất thảy thôi.
Này, nếu đã từng nghe ngành y mỏi miệng kêu thiếu máu trầm trọng, mà năm nào cũng vậy cả, thì quý vị sẽ thấy rất có thể sau những đêm dài vắt tay lên trán mà không tìm ra được giải pháp nào khả dĩ, vị bác sĩ từ tâm này đã nghĩ ra cách pha nước muối sinh lý vào máu, vậy là một bịch máu tự dưng được nhân đôi nhân ba và cứu thêm được chừng ấy người bệnh.
Còn cái khía cạnh tế nhị của câu chuyện, ấy là bác sĩ cũng kiếm được tí chút bù thêm vào khoản thu nhập vốn hết sức eo hẹp của các lương y, dù sao cũng chỉ là thứ yếu, động cơ chính là tấm lòng với bệnh nhân kia.
Hơn nữa, sáng kiến pha loãng máu nói trên còn rất đáng được biểu dương như một bước tiến mới, một thành tựu y khoa mới, trong bối cảnh các nhà khoa học hàng đầu thế giới vẫn đang loay hoay tìm tòi cái gọi là máu nhân tạo.
Ôi chao, phải nói các nhà khoa học quốc tế vừa ấu trĩ lại vừa không mạnh dạn, tốn kém nơ ron vào ba cái chuyện máu nhân tạo làm gì cho hoài phí nhỉ, về Hà Tĩnh mà học cách pha máu với nước muối đi, vừa nhanh gọn, vừa tiện lợi, vừa tiết kiệm chi phí mà hiệu quả (kinh tế) lại cao!
Riêng những người lâu nay vẫn hăng hái đi hiến máu cứu người theo lời kêu gọi của ngành y sẽ tủi thân một tẹo, vì hóa ra những giọt máu từ trái tim nồng nàn của họ cũng có thể bị pha loãng và mua bán như người ta pha thêm đường vào bịch nước mía!
Thế mới biết, cái câu “một giọt máu đào hơn ao nước lã” của các cụ nhà ta sai bét nhè, hoặc nó chỉ đúng ở thời nảo thời nào thôi. Báo cáo với tiền nhân, bây giờ con cháu các cụ rất xứng với câu hậu sinh khả úy (hoặc khả ố) nên máu cứu người cũng chả khác mấy với nước ao tù.
Mà đúng là với người Việt Nam ta, những người thông minh, cần cù và nhiều sáng kiến, nước lã đang ngày càng chứng tỏ nó không chỉ là… nước lã. Nếu các bác sĩ biết pha nước vào máu, thì vô khối người khác cũng biết pha nước lã vào xăng, bị xử phạt hành chính mấy chục triệu đồng chả ăn nhằm gì, mà mới đây nhất còn có nghi vấn xe cháy do xăng pha nước lã, nhưng rồi cũng có thấy ai bị làm sao đâu! Bốn phương vẫn vô sự!
Trong khi ấy, thì Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp tục làm nóng cuộc tranh luận rằng ai phải chịu trách nhiệm trước những bết bát của ngành y? Trước đấy, các nhà báo của chúng ta đã từng chỉ rõ, một trong những nguyên nhân khiến bệnh viện quá tải, ấy là do các viện cố giữ bệnh nhân, khám cho họ thật nhiều để tăng nguồn thu.
Còn hôm nay, tường thuật về một cuộc hội thảo bàn cách giảm quá tải bệnh viện, Báo điện tử ViêtNamNet dẫn lời “tư lệnh” ngành y cho rằng cả bệnh viện lẫn người bệnh đều có lỗi cả và vì viện quá đông, cho nên tai biến...hơi bị nhiều.
Người dân bàn tán về chuyện 12 nông dân bỗng dưng bị HIV (Ảnh báo Lao Động)
Người dân bàn tán về chuyện 12 nông dân bỗng dưng bị HIV (Ảnh báo Lao Động).
Ừ thì cứ phải ghi nhận Bộ trưởng đã thừa nhận phần trách nhiệm của các bệnh viện trong chuyện một giường ba bốn bệnh nhân, cho dù mới chỉ nhận 1/2 nhưng thế cũng là quá hóa lắm rồi.
Và khi đề cập tới cái chuyện “tai biến nhiều” này, có lẽ bà Bộ trưởng cũng thoáng nghĩ tới 8 vụ tai biến sản khoa trên cả nước khiến 7 sản phụ và 5 trẻ sơ sinh thiệt mạng trong hơn một tháng qua.
Câu hỏi đặt ra là có phải như thế không?
Xin thưa là mọi sự quy nạp đều có nguy cơ rơi vào sai lầm “vơ đũa cả nắm”, nhưng câu chuyện 12 nông dân ở Bến Tre bỗng dưng cùng mắc một bệnh hẳn cũng sẽ giúp ta trả lời được phần nào câu hỏi quá vĩ mô ở trên.
Câu chuyện sẽ chả có gì đáng phàn nàn lắm nếu con virus mà 12 nông dân chất phác này cùng nhiễm chỉ xoàng xoàng (bà con vốn chủ quan với bệnh tật, nhiêu khi coi bệnh tật như không ấy) mà không phải là HIV.
Tất nhiên rồi, các bác sĩ của chúng ta khi tìm hiểu bệnh lạ ở Quảng Ngãi còn có ý thức giữ gìn vệ sinh đến nỗi không dám ngồi chiếu, không dám uống nước kia mà, nên bà con có mất ăn mất ngủ cũng phải thôi.
Và chuyện cũng chả có gì nếu bà con ta chẳng may bị mắc căn bệnh thế kỷ vì ăn chơi trác táng như mấy đại gia của diễn viên Hồng Hà. Lý do thật sự nó lãng xẹt và kém thi vị, kém gay cấn hơn nhiều, dù vẫn đang là nghi vấn: Do họ cùng khám bệnh, tiêm thuốc tại “phòng mạch” của một y sĩ đã về hưu và không có giấy phép hành nghề.
Điều đầu tiên ta có thể nghĩ đến, là người ta sẽ sẵn sàng quy trách nhiệm cho vị y sĩ già vô trách nhiệm kia, vì ông đã dùng một kim tiêm để chạy chữa bệnh nhân. Nhưng nếu thử đặt vụ việc trong tương quan với lời bà Bộ trưởng Y tế, thì mọi việc hình như hơi khác.
Căn cứ vào vụ việc tại Bến Tre, có thể kết luận tạm thời rằng không phải là do bệnh nhân quá đông mà tai biến nhiều. Một phòng mạch nhỏ nhoi ở một vùng quê hẻo lánh dĩ nhiên chẳng mấy khi có được cái vinh dự “quá tải”, ấy vậy mà 12 người cũng có thể bỗng dưng nhiễm AIDS chỉ vì cái kim tiêm đấy thôi.
Đến đây, hẳn những người vốn yêu quý các y bác sĩ có thể cãi bay cãi biến là không thể coi đấy là một tai nạn thuộc trách nhiệm của ngành y được, vì ông y sĩ già kia tuy là do ngành y đào tạo, nhưng ông ấy đã về hưu rồi, lại còn hành nghề trái phép nữa. Xem chừng nghe cũng hữu lý!
Chỉ khổ một nỗi, cớ sao bà con nông dân vùng quê khốn khó kia vẫn cứ nườm nượp kéo đến phòng mạch của ông nhỉ? Ai mà lý giải cho được ngọn ngành, chỉ biết rằng thực tế ấy không như lý giải của các lãnh đạo ngành y tại hội thảo nói trên, được VietNamNet trích dẫn: Thu nhập của người dân tăng lên và người dân chỉ tin các bệnh viện tuyến trên, có khi hắt hơi sổ mũi họ cũng lên tuyến trên.
Nếu nghe được những lời này, vị y sĩ già rất có thể sẽ cười khẩy. Hỡi ôi, xin thưa với các vị là vẫn còn những người nông dân chân lấm tay bùn như ở Bến Tre vẫn hàng ngày phải trông cậy vào vị y sĩ già về hưu, với trình độ non kém và trong tay không có đến nửa mẩu giấy hành nghề.
Không phải dân “thích” lên thành phố, lên tuyến trên để nếm mùi “quá tải”, để thử cảm giác 3, 4 người chia nhau một giường bệnh và để tiêu bớt cái “thu nhập tăng lên” đâu, mà đôi khi vì ở nơi họ ở chẳng có cái bệnh viện nào ra hồn!
Cuối cùng, xin đưa ra một thí dụ, vừa tiện bề lý giải tại sao vị Trưởng khoa ở bệnh viện nó lại phải mày mò nghiên cứu cách pha loãng máu bằng nước muối sinh lý, vừa chứng tỏ rằng thu nhập của người dân vẫn chưa cao đến mức họ thích lên thành phố tiêu tiền.
Hôm nay, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc chia sẻ ngại ngùng trên tạp chí điện tử Khám Phá: Hồi còn đương chức, không đủ sống với mức lương chưa tới 10 triệu đồng, ông cũng phải nhờ vợ nhờ con, phải cày cuốc làm thêm…
Trong khi ấy thì, cộng đồng mạng đang phát sốt phát rét với nàng Elly Trần chổng mông vào cuộc đời để người ta viết chữ.
Tam Thái
(nguồn phunu today)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001