Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Hậu Mùi cỏ cháy
Phan Hồng Giang
Tôi vốn không phải là người hay xem phim, nhất là phim nội, "cây nhà lá vườn". Có thể là do "Kinh cung chi điểu" - "Chim phải tên, sợ làn cây cong" chăng? Âu cũng vì không ít lần trót "chạm trán" phải phim giả, phim dở, phim sống sượng, phim vô bổ, phim ngờ nghệch...
Thế rồi bỗng dưng tôi đi xem phim. Phim mới ra lò có cái tên khá gợi: "Mùi cỏ cháy". Có đủ lý do để ngại ngần: nào là kinh phí eo hẹp, nào là đề tài cũ, lại chiến tranh, lại quá khứ anh hùng, lại dòng phim "cúng cụ"- phim chiếu dịp kỷ niệm ngày này ngày kia, nào là những lùm xùm tranh cãi quanh việc đánh giá, trao giải cho phim qua hai dịp liên hoan chỉ cách nhau vài tháng...
Thế rồi tôi bất ngờ... xúc động, bất ngờ mừng rỡ vì không phải ân hận tiếc nuối vì thiếu chút nữa, theo "quán tính", mình đã có thể vô tình bỏ qua nó... "Mùi cỏ cháy" đã đánh động được vào khối óc khá khô hạn của một người..."tiền alzheimer" (?) như tôi, đã chạm vào con tim trơ lỳ không còn dễ rung động như thời xa xưa...
Với người ngoại đạo như tôi, "Mùi cỏ cháy" xứng đáng được xếp hạng "Number One" mà không cần một chút ưu ái nào.
Là một phim-thơ với âm hưởng ngọt ngào dịu nhẹ, đầy lãng mạn của tình yêu cuộc sống, tình yêu người thân, tình yêu trai gái - mối tình "giếng nước, cây đa" tưởng thoảng qua mà còn vương vấn mãi người ở người đi. Phim-thơ với những gì day dứt bồi hồi đọng lại từ quá khứ hào hùng mà bi thương, dù đã lùi xa cũng không dễ gì phai lạt trong lòng người còn sống hôm nay.
phim-sử thi với rùng rùng đoàn quân ra trận , với những đại cảnh chiến trận tơi bời khói lửa, ùng oàng tiếng nổ đinh tai, trên máy bay gầm rú, dưới cấp tập pháo bầy, máu chảy đầu rơi, mảnh bom oan nghiệt không trừ một ai, dòng sông loang mầu đỏ máu... Chiến tranh quả là không mong đợi ở bất kỳ thời đại nào; nó là hiện tượng bất bình thường nhất trong những gì bất thường đeo đẳng loài người từ hàng ngàn năm nay!
phim-tính cách với những con người không dừng lại trên màn ảnh quá lâu mà vẫn kịp in hằn vào tâm trí người xem - cô gái giặt áo bên bờ giếng làng gương mặt thánh thiện, nhìn đời với đôi mắt trong veo, tin cậy ở lời hẹn ước mơ hồ của chàng lính trẻ hào hoa. Anh chàng sinh viên khoa văn "xuất khẩu thành thơ", thơ "thứ thiệt", thanh khiết thơm thơm mùi cỏ non ban mai và cả khen khét "mùi cỏ cháy" nghiệt ngã của chiến trường. Anh đại đội trưởng với vẻ mặt lạnh lùng, hành vi có vẻ cứng nhắc lại ẩn chứa trong lòng tình đồng đội sâu xa, (Lê Chí Kiên đã vào vai này rất ngọt). Anh chàng ở nhà vốn nghịch ngợm, thường hay ăn đòn của mẹ, lúc vào nơi sinh tử chỉ thèm được trở về nhà ... chìa mông ra cho mẹ quất cán chổi phất trần thật nhiều thật đau...
phim-tư tưởng, khi nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm, đạo diễn Nguyễn Hữu Mười cùng tập thể đoàn làm phim đầy tài năng và rất ăn ý đã đánh một dấu bằng (=) ngoại cỡ, hằn sâu rõ mồn một để làm cân đối hai vế: Số phận Đất nước- Dân tộc và Số phận Con người, - từng con người cụ thể, từng cô gái chàng trai, từng bà mẹ người cha khắc khoải cầu mong mũi tên hòn đạn tránh xa con mình ngoài chiến trận...
Sự tồn vong của Đất nước, của Dân tộc là lớn hơn, cao hơn hết thảy, nhưng xin đừng quên chính số phận của từng con người trên dải đất này đã và sẽ làm nên Số phận Dân tộc. Không một ai bị bỏ qua, không một số phận nào bị quên lãng, không một cuộc sống cá nhân nào bị coi rẻ, bị biến thành con tốt vô danh trên bàn cờ của lịch sử.
Có thể ai đó đánh giá "Mùi cỏ cháy" là cũ - đề tài cũ, cách thể hiện cũ? Tôi không cho là như vậy. Đề tài cũ như tình yêu Thúy Kiều - Kim Trọng qua ngàn năm vẫn mới. Cách thể hiện cũ ư? Cũ mà giản dị chân thực, mà gây được xúc động nơi người xem thì sao gọi được là cũ? Đó luôn là cái mới mà nghệ thuật nên và cần vươn tới.
"Mùi cỏ cháy" khiến ta xem xong rồi thấy mình khác đi một chút - vương vất buồn và ưu tư hơn.
*
Không có giá trị nào cao hơn sự sống! Qua 81 ngày đêm ác liệt vô cùng của cuộc chiến nơi Thành cổ Quảng Trị, rộng hơn là qua bao tháng năm chiến tranh dài dặc, hàng trăm ngàn chàng trai cô gái, hàng triệu người dân đã ngã xuống. Không cái chết nào không để lại tiếng vọng xa sâu từ nỗi đau của người ruột thịt, của bạn bè, đồng đội, kể cả cái chết của những người không đứng cùng chiến tuyến.
Điều trớ trêu của lịch sử là dường như trong rất nhiều trường hợp cái hạn lớn của dân tộc chỉ qua đi khi đã xẩy ra vô vàn cái chết. Cái giá phải trả (vì lý do khách quan hay chủ quan?) thật là to lớn, bi thương không bút nào tả xiết. Vết thương lịch sử còn ứa máu, không dễ gì mau lành miệng.
Những người ngã xuống được kỳ vọng là sẽ đem lại một diện mạo thoáng đãng hơn cho non sông đất nước, một cuộc sống thanh thản bình yên hơn cho mỗi người con dân nước Việt. Chúng ta hãy thành thật hỏi nhau: Liệu đã được như thế chưa?
Hậu "Mùi cỏ cháy" trong cách nhìn, cách cảm của tôi - (có phần nào mơ mộng quá chăng?) - là: sau ngần ấy mất mát hy sinh đến tột cùng, sau sự ra đi của bao chàng trai cô gái "mãi mãi tuổi 20" ấy, trên non sông gấm vóc của chúng ta mong sao sẽ chỉ còn toàn những "người với người sống để thương nhau", sẽ không còn chỗ cho những kẻ ăn trên ngồi trốc chăm chăm bòn rút của dân, vô cảm trước nỗi thống khổ của người nghèo, trâng tráo đẩy những người nông dân, - những người từng "nuôi con thành dũng sĩ" - vào cảnh không còn tấc đất cắm dùi, hết kế sinh nhai!
"Mùi cỏ cháy" không còn chỉ là cuốn phim về chiến tranh. "Mùi cỏ cháy" trước hết và trên hết là một cuốn phim về thời hòa bình ./.
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 28-5-12
(nguồn viêt-studies)


‘Mùi cỏ cháy’ giành giải Cánh diều vàng 2011

Xuất bản: 22:11, Thứ Bảy, 17/03/2012, [GMT+7]
Cập nhật: 10:22, Thứ Hai, 19/03/2012, [GMT+7]
.
Bộ phim Mùi cỏ cháy của đạo diễnNguyễn Hữu Mười  (Hãng phim truyện Việt Nam) đã giành giải Cánh diều vàng cùng 4 giải thưởng khác trong các hạng mục trao giải của thể loại phim truyện điện ảnh tại lễ trao giải Cánh diều vàng 2011.

Bên cạnh giải thưởng quan trọng nhất - giải Cánh diều vàng ở thể loại phim truyện điện ảnh, bộ phim Mùi cỏ cháy đã nhận được các giải thưởng như Âm nhạc xuất sắc nhất (dành cho nhạc sĩ Đỗ Trung Quân), Quay phim xuất sắc nhất (Phạm Thanh Hà), Biên kịch xuất sắc nhất (Hoàng Nhuận Cầm) và giải do Bộ Quốc phòng trao tặng cho phim có đề tài về chiến tranh xuất sắc nhất.
Phim Mùi cỏ cháy xứng đáng với giải thưởng cao nhất tại Cánh diều vàng 2011
Phim Mùi cỏ cháy xứng đáng với giải thưởng cao nhất tại Cánh diều vàng 2011
Hình ảnh trong phim Mùi cỏ cháy
Hình ảnh trong phim Mùi cỏ cháy
Đúng 20 giờ tối nay 17.3, lễ trao giải Cánh diều vàng năm 2011 đã chính thức khai mạc tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội). Đây là điểm nhấn chính của sự kiện thường niên Ngày điện ảnh Việt Nam.

Ngay sau phần phát biểu của NSƯT Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, lễ trao giải Cánh diều vàng 2011 đã dành thời gian tôn vinh hai “đại thụ” của nền điện ảnh Việt Nam là đạo diễn - NSND Bùi Đình Hạc và đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh, bằng việc giới thiệu hình ảnh của các tác phẩm điện ảnh nổi bật nhất của hai nghệ sĩ này.
Hai MC của chương trình: Diễn viên Quyền Linh (trái) và người đẹp Dương Thùy Linh
Hai MC của chương trình: Diễn viên Quyền Linh (trái) và người đẹp Dương Thùy Linh
Hai đạo diễn Bùi Đình Hạc và Đặng Nhật Minh được vinh danh tại Cánh Diều Vàng năm nay
Hai đạo diễn Bùi Đình Hạc và Đặng Nhật Minh được vinh danh tại Cánh Diều Vàng năm nay
Tại lễ trao giải, BTC cũng đã lần lượt trao tặng các giải thưởng ở các hạng mục như Các công trình nghiên cứu - lý luận - phê bình điện ảnh, Phim khoa học, Phim tài liệu điện ảnh (Cánh diều bạc: Sóng nhà giàn), Phim tài liệu truyền hình (Cánh diều vàng: Tiếng vọng 50 năm), Phim hoạt hình (Cánh diều vàng: Đôi bạn), Phim ngắn (Cánh diều vàng: 16 giờ 30).

Tại các hạng mục dành cho phim truyện truyền hình, trong 16 bộ phim tham gia tranh giải, giải Cánh diều bạc (không có Cánh diều vàng) đã được trao cho hai tác phẩm truyền hình gồm: Công nghệ thời trang (Hãng phim truyền hình TP.HCM), Những đứa con biệt động Sài Gòn (Đài truyền hình Vĩnh Long và Công ty CP phim Long Vân).

Bên cạnh giải Cánh diều bạc ở thể loại phim truyện truyền hình, bộ phim Công nghệ thời trang còn được xướng tên ở các hạng mục Biên kịch xuất sắc nhất (dành cho nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn), Nam diễn viên xuất sắc nhất(Cao Minh Đạt).
Elly Trần và Cao Minh Đạt nhận giải Nữ/Nam diễn viên xuất sắc lĩnh vực phim truyện truyền hình.
Elly Trần và Cao Minh Đạt nhận giải Nữ/Nam diễn viên xuất sắc lĩnh vực phim truyện truyền hình.
Elly Trần hạnh phúc với giải thưởng đầu tiên của cô tại lễ trao giải Cánh diều vàng.
Elly Trần hạnh phúc với giải thưởng đầu tiên của cô tại lễ trao giải Cánh diều vàng.
Trong khi đó, bộ phim Khát vọng thượng lưu của Hãng phim Vietcom giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất (đạo diễn Nguyễn Dương), Nữ diễn viên xuất sắc nhất (Elly Trần) và bằng khen ở thể loại phim truyện truyền hình (bên cạnh phim Chủ tịch tỉnh).

Trong khi các hạng mục giải thưởng ở thể loại phim truyện truyền hình gần như chỉ là sự cạnh tranh của hai bộ phim Công nghệ thời trang và Khát vọng thượng lưu, thì các hạng mục ở thể loại phim truyện điện ảnh là cuộc đua gay cấn và khó đoán của cả 12 bộ phim tham gia tranh giải.

Ngoài các giải thưởng và Cánh diều vàng ở thể loại phim truyện điện ảnh được trao cho phim Mùi cỏ cháy, nhiều bộ phim nổi bật trong năm qua của nền điện ảnh Việt Nam đã được xướng tên ở các hạng mục giải thưởng.

Trong đó, giải Họa sĩ thiết kế xuất sắc nhất thuộc về Mã Phi Hải (phim Lời nguyền huyết ngải - Công ty CP phim Thiên Ngân), Đạo diễn xuất sắc nhất:Charlie Nguyễn (phim Long Ruồi - Công ty CP phim Thiên Ngân, Early Risers Media Group và Hãng phim Việt), Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất:Hiếu Hiền (Hot boy nổi loạn và câu chuyện về Thằng Cười, Cô gái điếm và con vịt - BHD và Hãng phim Việt Nam), Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhấtTina Tình (Long Ruồi - Công ty CP phim Thiên Ngân, Early Risers Media Group và Hãng phim Việt).
Hiều Hiền trong vai Thằng Cười của bộ phim Hot boy nổi loạn và câu chuyện về Thằng Cười, Cô gái điếm và con vịtư
Hiều Hiền trong vai Thằng Cười của bộ phim Hot boy nổi loạn và câu chuyện về Thằng Cười, Cô gái điếm và con vịt
Trên bục nhận giải, nam diễn viên Hiếu Hiền đã gây xúc động cho khách mời có mặt tại khán phòng lễ trao giải và khán giả truyền hình khi phát biểu dành tặng giải thưởng này cho người mẹ quá cố của mình - cố nghệ sĩ Kim Ngọc và xem như liều thuốc bổ cho ba đang bị bệnh ở nhà.

Ngoài giải thưởng Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất được trao cho diễn viên Hiếu Hiền, bộ phim Hot boy nổi loạn và câu chuyện về Thằng Cười, Cô gái điếm và con vịt còn nhận được giải thưởng đặc biệt do hội đồng báo chí bình chọn và bằng khen ở thể loại phim truyện điện ảnh (cùng với phim Lệ phí tình yêu).

Hai giải thưởng cá nhân quan trọng ở thể loại phim truyện điện ảnh là Nam và Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất đã bất ngờ thuộc về nam diễn viên Thái Hòa(phim Long Ruồi) và gương mặt mới toanh trong làng điện ảnh Việt - nữ diễn viên Quỳnh Hoa (phim Sài Gòn Yo!). Phim Long Ruồi và Sài Gòn Yo! cũng đồng thời chia sẻ giải thưởng Cánh diều bạc ở thể loại này.

Xen kẽ phần công bố và trao giải là những tiết mục âm nhạc tái hiện trở lại những ca khúc nhạc phim của các bộ phim tham gia tranh giải, như Có những lúc em thấy (do ca sĩ Minh Thư thể hiện), Bí mật Eva (ca sĩ Ngọc Anh), Con tim bối rối (ca sĩ Thiều Bảo Trang)…

Mặc dù có một vài thay đổi trong kịch bản chương trình, nhưng việc công bố và trao giải theo từng hạng mục cũng không giúp lễ trao giải Cánh diều vàng 2012 trở nên ngắn gọn và cô đọng như mong đợi của ban tổ chức.
Theo Hiền Nhi
Thanh Niên
(nguồn megafun)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001