Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Nguyễn Trọng Tạo - Họ thương dân, thương Việt Nam?
Nguyễn Trọng Tạo







Khi ta biết thương yêu một ngọn cỏ dưới chân, là ta biết thương yêu tổ quốc mình. Bảo vệ một ngọn cỏ cũng là bảo vệ tình yêu tổ quốc. Một đất nước mà không có cỏ thì nó sẽ là gì? Là không có gì mọc lên được. Là một đất nước không còn gì để yêu.
Nếu ta nghĩ cỏ cũng là dân, ta sẽ thương yêu dân. Vì không có dân thì sẽ chẳng ai cần đến quan. Vì không có dân thì có vua để làm gì?




Chợt thương quan không dân chợt thương ngai không chủ
thương những đời người chung thân trong áo mão cân đai

Nhưng có vua quan đó mà sao dân khổ thế? Vua quan để làm gì nếu không nói là để làm cho dân sướng.
Thời này ở ta vua quan đã hết thời, chỉ còn lại lãnh đạo. Lãnh đạo mà làm cho dân sướng thì lãnh đạo cũng mệt lắm. Cho nên, nhiều vị lãnh đạo không chọn dân sướng mà chọn mình sướng. Mình sướng là được. Dân khổ kệ dân.
Nổi lên cái sự khổ đó là phong trào cưỡng chế thu hồi đất. “Dân có đất dập dìu hợp tác” đã qua rồi. Bây giờ luật lệ chả biết làm thế nào mà đất của dân thành đất nhà nước. Đất hương hỏa bao đời của dân lại trở thành của công. Một cú “sở hữu tập thể” (nhà nước) ngoạn mục đến nỗi dân cứng lưỡi vì mấy dòng luật đất đai do “con dân” dựng lên. Một cú “chia quả thực” mới thay cho “dân cày có ruộng” đã khiến nhiều nhà dân mất trắng hàng mẫu đất. Đến đất nhà thờ bao đời cũng là của nhà nước? Và nếu cần, nhà nước sẽ cưỡng chế luôn cả nhà thờ!!!
Nhưng dân lại cứ tưởng đất mình thừa kế, đất mình khai hoang “theo tiếng gọi” là của mình. Đến khi mở luật ra mới biết là không phải. Một cái luật thật lạ, luật biến đất tư thành đất công, biến người chủ đất phải làm thuê trên đất của mình. Vậy nên, khi nhà nước cưỡng chế thu đất thì dân phải bó tay.
Phản ứng về cái điều luật đó, là phản ứng tự phát của dân khi bị dồn vào thế mất đất. Một loạt súng hoa cải ở Tiên Lãng, Hải Phòng làm thức tỉnh cả người dân lẫn chính quyền. Một cuộc rào làng giữ đất ở Văn Giang, Tiên Lãng khiến cả lực lượng chuyên chính xác định sai kẻ thù, đứng hẳn về nhóm lợi ích để tấn công dân. Và gần đây nhất là câu chuyện nhói lòng: những người phụ nữ chân yếu tay mềm ở Cần Thơ phải dùng đến “vũ khí khỏa thân” để bảo vệ đất.
Tất cả những hình ảnh đó được đưa lên truyền thông, khiến hình ảnh Việt Nam yêu dấu bị thay đổi một cách tồi tệ. Không ai cho đó là những hình ảnh đẹp để quảng bá Việt Nam, mà đó là những hình ảnh bôi bẩn cả nghìn năm lấp lánh.
Đàng sau những hình ảnh bẩn đó là một dãy những hình ảnh bẩn nối tiếp. Đó là chính quyền loanh quanh chạy tội với mục đích “thắng dân”. Những “chiến thắng” nhục nhã và đê tiện đổi trắng thay đen, đổi tội thành công, đổi yêu thành ghét. Tôi ngồi uống rượu với Tướng công an Phạm Chuyên nghe anh than thở về sự dã man của những hành động đê tiện đó, và anh nói, “Thua dân thì có gì mà xấu hổ?”. Nhưng người ta chỉ muốn thắng dân mới “oai hùng”. Và theo đó, hàng loạt những mưu mô bỉ ổi đã hiện hình.
Tôi nói với Tướng Phạm Chuyên: “Công an và côn đồ đánh nhà báo, đánh dân… có cả video trưng lên cho bàn dân thiên hạ thấy, thế mà mấy tháng liền công an không xác định được ai là tội phạm, sao lạ vậy? Chả lẽ nghiệp vụ công an lại kém đến thế sao?” Anh Chuyên im lặng và tôi thấy mắt anh chực ứa lệ.
Giọt nước mắt của Tướng công an đã nghỉ hưu thương cho những người dân vô tội bị đánh hay thương cho những người lính nhà nước, từng là quân của anh?
Đã có ai đánh dân dám nói một lời xin lỗi?
Đã có ai phát ngôn sai dám nói lại cho đúng?
Đã có ai dám nghe sự tố cáo trung thực của người dân?
Có! Một tiếng có yếu ớt cất lên đâu đó. Và chưa kịp được hoan hô thì nó đã chìm vào trong tiếng sấm sét của trời cao.
Đất! Vâng, nếu không có đất người ta vẫn có thể sống trên các căn hộ chung cư cao tít tầng trời. Nhưng tại sao tiếng kêu xé ruột lại là đất? Là vì đất không bình yên. Đất nước cũng đang rùng mình vì những tiếng kêu ai oán.
Giáo sư Đặng Hùng Võ nói với tôi: “Trung ương XI đã quyết chủ trương về luật đất đai như thế rồi, chỉ còn cách tăng cường tính ưu việt cho các điều luật cụ thể sẽ sửa đổi mà thôi”. Tôi biết, nói thế là anh đang buồn. Anh vẫn thấy thương dân quá, vì có thể, dân vẫn tiếp tục bị thiệt thòi vì luật đất.
Tôi thiếu hiểu biết trong phạm vi này, nhưng hiện tượng dồn dân vào chân tường, dồn dân vào bước đường cùng để dân phải phản kháng một cách tự phát quái đản chưa từng thấy trong chế độ XHCN thì thật là một điều “cần xem lại mình”, xem lại luật đất, và xem lại sự tham lam lẫn hèn hạ, trí trá lẫn ngu dốt của mình trong ứng xử với dân.
Nếu lãnh đạo không thương yêu dân, cũng có nghĩa là họ không thương yêu tổ quốc của mình. Đó là một phán xét mà lương tâm không thể chối bỏ.
31.5.2012
Nguyễn Trọng Tạo
Hồ Gươm gửi hôm Thứ Năm, 31/05/2012          
(nguồn danluan)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001