Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

“Bảy viên ngọc rồng” là tác phẩm đạo văn?


Hôm qua, tại Trung tâm hội nghị quốc gia, Phạm Hùng, Hà Nội, dưới sự tổ chức của Tin Khó Tin, một cuộc hội thảo chuyên đề mang tên: “Bảy viên ngọc rồng, nguồn gốc và nghi vấn” đã được thực hiện với sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành khảo cổ và phê bình văn học Việt Nam.
Buổi hội thảo đã được bắt đầu đúng nghi thức truyền thống của các sự kiện do Tin Khó Tin tổ chức: các đại biểu tới dự lần lượt đứng nghiêm đọc thầm tấm biển “Sang hàng nước chè cách 20 mét về bên tay trái” được Pé Tin Cute viết nắn nót và dựng trang trọng trước hàng rào Trung tâm hội nghị quốc gia, rồi lần lượt làm theo để tới địa điểm tổ chức.
Tại hội thảo, với nhiều phương pháp luận, bổ đề cơ bản và các tư liệu quý giá, các nhà khoa học đã đi đến kết luận rằng tác giả A-ki-ra Tô-ri-a-ma, người nổi tiếng với bộ tiểu thuyết dã sử “Bảy viên ngọc rồng” đã trắng trợn đạo lại nhiều ý tưởng của Việt Nam để thực hiện công trình của mình.
Ông Tôm Cơ-rui, người được biết đến với biệt danh “Xa-mu-rai cuối cùng”, đã nhiều năm nghiên cứu văn hóa Nhật Bản, khẳng định ông A-ki-ra đã ăn cắp bí mật quốc gia Việt Nam. “Tôi không tin rằng ở thập kỷ 80, người Nhật đã biết rằng để tối ưu hóa giáo dục, cần phải cho trẻ con đeo vật nặng hàng chục ki-lô-gam trên lưng. Rõ ràng là ăn cắp”. Trong các tập 4, “Sư phụ rùa già” và tập 5, “Người bạn đồng môn”, Sôn-gô-ku và K-ri-lin đã phải đeo mai rùa nhân tạo trên lưng để tập luyện thể lực. Phương pháp khoa học kỳ thú này vốn đã được đăng ký độc quyền bởi nền giáo dục Việt Nam.

Phương pháp giáo dục của Quy lão tiên sinh hoàn toàn là sao chép
Nhà văn Năm Câu đưa ra tư liệu lịch sử quý hiếm là bộ Bảy viên ngọc rồng 58 tập in giấy xấu được xuất bản lần đầu bởi NXB Kim Đồng, do ông dày công nhịn ăn sáng nhiều năm có được. Theo ông Câu, anh hùng Đam San của người Ê đê chính là nguyên mẫu của Sôn-gô-ku. Chỉ có điều, trong khi Việt Nam là nước tìm kiếm về sex nhiều bậc nhất thế giới, thì Nhật Bản lại là một xã hội vật chất, dẫn đến sự khác biệt là Đam San thì đi bắt Nữ thần mặt trời về làm vợ bé, đậm tính nhân văn, còn Sôn-gô-ku thì đi tìm ngọc rồng, hết sức thực dụng. “Người Ê-đê cho Đam San tái sinh để lấy vợ, thì ông A-ki-ra cũng cho Gô-ku tái sinh để cứu thế giới, vô cùng trắng trợn” – nhà văn sùi bọt mép, tay giơ cao tập 25 của bộ sách với tựa đề “Khỉ con bất tử” làm bằng chứng.

NSND Y Moan, người Ê đê, cho biết ông chỉ thích hát, không thích lấy vợ bé hay tìm ngọc rồng 4 sao
Ngay cả khả năng biến phương tiện cơ giới thành viên con nhộng của Bun-ma xinh đẹp, theo các học giả, cũng là đạo ý tưởng. “Thanh niên Việt Nam không biết làm trò này thì cạp đất mà ăn” – nhà triết học thuộc trường phái duy vật Trần Thị Ngọc Trinh bĩu môi. Tại các thành phố lớn nước ta, nhiều bạn trẻ đã biết biến hóa xe máy của bố mẹ thành tờ giấy, cũng từng đó vị phụ huynh biết cách biến tờ giấy trở lại thành xe máy, gọn nhẹ và cơ động hơn rất nhiều so với viên con nhộng của Bun-ma. Được biết, đây là bài kiểm tra trình độ cơ bản của nhiều hoạt động tinh thần bổ ích của giới trẻ tại Việt Nam như đánh bóng, đánh lô hay xóc đĩa.

Hệ thống hỗ trợ công nghệ biến mọi thứ trên đời thành tờ giấy mỏng nhẹ đã phổ cập trên đường phố Việt Nam từ lâu

Trong khi đó,…


… ở sân Lạch Tray, các cầu thủ Vi-xem Hải Phòng đang thi triển chưởng pháp Ka-mê-dô-kô với trọng tài Võ Minh Trí
(nguồn tinkhotin)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001