Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Vương Trí Nhàn: "Họ đáng trách một thì xã hội đáng trách mười..."
Nhật Minh thực hiện
Chuyện mấy người mẫu, mấy nghệ sĩ biểu diễn thời thượng công khai phô trương lối sống xa hoa, truỵ lạc... đã gây sự phản cảm trong dư luận. Tuy nhiên, từ góc độ lịch sử xã hội và con người Việt Nam, người ta có thể tìm tới một cách lý giải khác đi về hiện tượng này.

Tưởng cứ che đi là cái dở biến mất

- Vừa rồi có chuyện một cô người mẫu trả lời phỏng vấn, công khai nói về lối sống làm gái bao. Ông nghĩ gì về vấn đề này?
Tôi nghĩ việc họ công khai như thế cũng có cái hay. Bởi vì lâu nay những chuyện đó vẫn có, nhưng chưa được nhìn nhận, nghiên cứu, đánh giá đúng mức. Giống như chuyện “nhà nghỉ” chẳng hạn, đến bây giờ chúng ta vẫn cứ cấm đoán không cho phép nghề mãi dâm tồn tại hợp pháp với những điều luật hợp lý (mà ở các nước văn minh người ta vẫn làm). Mà càng thế, càng trong bóng tối, nó càng phát triển tràn lan và tạo nên những ca bệnh hoạn. Với cái dở ta cứ che đi hoặc tự che mắt mình lại coi như không nhìn thấy, tưởng rằng làm như thế là nó không có nữa. Đó là một thứ sĩ diện hão huyền. Ngược lại bắt dầu từ cái động tác chấp nhận và nhìn thẳng vào những cái dở có thật, người ta sẽ có khả năng đi vào phân tích mổ xẻ các hiện tượng xã hội mới nẩy sinh, từ đó mới có thể tìm cách chỉnh sửa, thay đổi.
Chứ ông không lên án lối sống này?
Làm sao không lên án dược? Tôi chỉ muốn nói đồng thời với việc lên án những biểu hiện hư hỏng ấy, chúng ta phải hiểu nguyên nhân của nó, việc lên án mới có ý nghĩa.
Những người mà bạn vừa nói, như cách họ bộc bạch thời gian qua, có những điều đáng trách. Nhưng nên nhớ ở họ cũng có khía cạnh đáng thương. Họ chỉ là nạn nhân của những sự thác loạn ở bao kẻ khác.
Ta hãy tự đặt câu hỏi, nguyên nhân nào đã dẫn họ tới tinh trạng trâng tráo lố bịch ấy. Không cần phải sâu sắc lắm cũng có thể tìm ra câu trả lời. Thời nào những người làm ra của cải một cách lương thiện cũng sống cao đẹp, không bao giờ đi vào con đường trác táng trụy lạc. Mà cái tội xô đẩy phụ nữ vào con đường hư hỏng là đặc quyền riêng của bọn trọc phú. Đó là những kẻ bằng những thủ đoạn đen tối, kiếm ra cơ man nào là tiền của và nay khao khát hưởng lạc, bằng bất cứ giá nào cũng sẵn sàng tàn phá cuộc đời người khác, lấy việc lôi kéo dược phái đẹp vào cuộc chơi của mình làm chỗ hơn người, hơn nữa là lý do để tiếp tục đi vào con đường bất chính. Đám người này đang ngày một đông lên trong xã hội ta và cũng trâng tráo hơn bao giờ hết. Chính họ đã thúc đẩy, lôi cuốn, tác động vào các chị em hiền lành nhưng dại đột, làm cho họ ngày càng hư hỏng thêm. Sự xuất hiện một đội ngũ hùng hậu với những tên gọi là chân dài, gái bao, kỹ nữ… kia chẳng qua chỉ là dấu hiệu sự khủng hoảng của xã hội. Những tội đồ ấy chỉ là biểu hiện của muôn vàn những hư hỏng khác đang được giấu giếm. Chắc chắn họ sẽ sống lương thiện và tử tế hơn nếu có một xã hội lành mạnh và tốt đẹp. Họ đáng trách một thì xã hội đáng trách mười.
Tại sao lại cứ đổ lỗi cho xã hội trong khi ở đây nhiều khi là sự lựa chọn của cá nhân?
Cho tôi lấy hai ví dụ:
Ở khá nhiều cơ quan nhà nước bây giờ anh không tham gia vào guồng máy xoay sở kiếm chác một cách bất chính, tức là làm phiền người khác, khiến cho họ cảm thấy có lỗi, nên thông thường anh bị họ cô lập và nếu anh không tự tìm cách cuốn xéo thì họ cũng sẽ tìm cách tống anh đi để tiện hành động.
Hoặc như chuyện người dân mình hiện nay thích dùng các loại xa xỉ phẩm một cách vô tội vạ. Tưởng thích loại nước gội đầu này kem dưỡng da kia là chuyện riêng của từng người, làm gì có chuyện xã hội xía vô ở đây? Không, chúng ta nhầm. Bằng bộ máy quảng cáo khổng lồ, xã hội đang làm cho người bình thường vốn kém tự tin, phải bảo nhau mà tin rằng không dùng các loại hàng xịn thì không nên người. Xưa thì người ta bóp mồm bóp miệng để được bằng người. Nay thì người ta lo ăn cướp thêm của nhà nước hoặc trấn lột thêm của người mua hàng từng tí một để chạy theo mốt.
Vậy đằng sau những lựa chọn cá nhân, suy cho cùng, bao giờ cũng có lý do xã hội.
Con người vốn yếu đuối với nghĩa họ dễ bị sa ngã. Không sớm tìm cách thức tỉnh họ mà đẩy họ tới chỗ ngày mỗi sa ngã thêm, xã hội trốn sao được trách nhiệm. Mấy năm trước, nhiều người cứ lên mặt đạo đức cười chê mấy cô lấy chồng Hàn Quốc rồi theo nhau khuyên bảo họ giáo dục họ rằng họ phải tự trọng phải yêu mến quê hương. Sự thực là quê họ, toàn thanh niên hư hỏng, rượu chè từ sáng đến tối, sách vở, báo chí thì chả có, tương lai mờ mịt, vì vậy họ mới phải đi. Trước khi phê phán họ, phải thấy lỗi là lỗi chung, chúng ta không đủ sức mang lại ánh sáng của xã hội hiện đại cho cuộc sống của họ. Không mở cho họ con đường chính đáng, thì trách họ làm gì?

Chúng ta đang sống trong biển suy đồi truỵ lạc

Tôi muốn nói tới việc ta đưa hiện tương các cô này lên khác nào cổ suý cho lối sống hưởng thụ, truỵ lạc? Lớp trẻ sẽ coi đây như là tấm gương để học theo thì sao?
Bạn nghĩ như thế tức là bạn vẫn cho rằng lớp trẻ căn bản là tốt rồi, chuyện này nếu mà ta che đi được thì nó sẽ đỡ. Nhưng theo tôi cuộc sống hàng ngày thiếu gì những chuyện còn hư hỏng hơn thế. Trong đầu óc lớp trẻ con nhà đại gia, chuyện bố mẹ nó có lương thiện hay không, đồng tiền cho nó ăn tiêu kiếm ra bằng cách nào chúng hiểu hết. Ngay ở những gia đình nghèo nữa, những chuyện xấu trong xã hội tràn ngập hàng ngày, làm gì chúng không biết. Chúng ta đang sống trong cái biển hư hỏng sai trái trụy lạc, mà chuyện mấy cô gái bao nói từ đầu chỉ là bề nổi. Cho nên đừng cường điệu hóa nó quá mức đừng tưởng là dẹp yên chuỵện này tự khắc thiên hạ thái bình cuộc sống trở nên lành mạnh hết.
Dù sao thì vẫn phải cấm những chuyện lên mạng lên báo mà khoe khoang một cách quá đáng như vậy?
Hút thuốc lá ở bất cứ nơi nào muốn hút. Rượu bia bừa bãi. Đua xe bạt mạng. Bài bạc nghiện ngập. Rồi học sinh cóp bài, rồi người lớn đạo văn cùng là các loại ăn cắp vặt khác… Sự bùng nổ các tệ nạn xã hội ở ta hôm nay đã vượt qua cái mốc trước 1945 và ở miền nam trước 1975. Về lý mà nói thì ai chẳng thấy thì thấy phải cấm phải phạt, phạt như vừa qua chưa đủ mà phải phạt nặng hơn nữa. Nhưng chắc mọi người cũng thấy như tôi là cái hiện tượng này đang ngày một gia tăng và ngày càng trở nên muôn hình muôn vẻ nhảm nhí vô lối. Nếu để ý quan sát thì sẽ thấy nhiều lúc con người ta hôm nay như muốn thách thức cuộc đời. Càng cấm họ càng làm. Tại sao ư? Vì họ thấy bế tắc quá, bất lực quá mà không có cách gì giải quyết được. “Sau cái thời không biết hy vọng sẽ đến cái thời không biết sợ hãi…” – tôi đã đọc được đâu đó cái nhận xét này và thấy đúng như thế, dường như nó được khái quát để dành cho con người hôm nay đang sống.
Nói một cách đơn giản hơn, khi đặt ra một lệnh cấm mà ai cũng thừa biết rằng không bao giờ cấm nổi, thì đó chẳng khác gì khuyến khích người ta phạm lỗi thêm.
Xét riêng về những lời bêu riếu và đề nghị nâng mức phạt mấy cô ăn mặc hở hang. Mới nghe qua thì có vẻ nghiêm. Nhưng rồi cuộc sống có cách vận hành của nó, mọi sự can thiệp nửa vời trước sau sẽ bị vô hiệu hóa. Nói trắng ra là tiền phạt đã có các khách chơi trả, chứ các cô có phải móc túi mình trả đâu. Thậm chí các cô ấy có bị cấm hành nghề nữa thì sẽ có người chạy để giảm án, để tái xuất giang hồ, và cái sự chạy này – cũng như bao cuộc chạy chức chạy quyền chạy dự án -- bao giờ cũng thành công, và ở chỗ riêng tư họ sẽ cùng cười vào mũi những ai dám trêu ngươi họ. Những người thắng trong cuộc chơi vờn đuổi sẽ lấy đó làm chỗ hơn đời để tự hào và tiếp tục cuộc chơi ngạo nghễ hơn.
Phải ông muốn nói xử phạt như thế thì chả khác nào phạt cái ngọn, trong khi thủ phạm chính làm lây lan lối sống trác táng, trụy lạc đó lại chưa được chỉ ra. Ông có thể nêu một vài gợi ý?
Trong các thế kỷ XVII-XVIII, nhiều thương nhân nước ngoài – Hà Lan, Anh Pháp có đến buôn bán cả ở Đàng Trong cũng như Đàng Ngoài. Trong các hồi ký, họ cho biết rằng ở nơi họ đến lập nghiệp, phụ nữ Việt thường khá dễ dãi. Vì cuộc sống khó khăn, đám phụ nữ này sẵn sàng bán mình cho các khách ngoại quốc với cái giá mà người nước ngoài cho là rẻ mạt nhưng với người đàn bà thì đã khá lắm rồi: họ có thể dùng số tiền kiếm được để nuôi cả gia đình.
Điều tôi đọc được rõ ràng là khác xa với các giáo lý mà các nhà giáo dục ở ta hay nói, rằng dân mình có một đời sống tinh thần cao quý, biết bảo nhau đói cho sạch rách cho thơm… Không, dân ta cũng chịu chơi lắm, dù là chỉ chơi một cách thảm hại. Điều tôi rút ra ở đây là nếu giữa hoàn cảnh mông muội con người phải sống biệt lập trong đói nghèo thì không sao; một khi đã có sự tiếp xúc với thế giới bên ngoài mà không biết làm ăn bằng người, thậm chí chỉ ngày càng tuyệt vọng vì không bao giờ có thể sống tử tế và sang trọng như người, thì người ta sé để cho cuộc sống buông thả lôi đi, sự tụt dốc diễn ra rất nhanh, không có thứ phanh nào hãm nổi.
Trong số các nguyên nhân khiến cho cách sống hưởng thụ ngày một phát triển, nên chú ý thêm một điều mà người ta hay quên – đất nước ta vừa qua một cuộc chiến tranh khủng khiếp. Nhiều người chúng ta ra khỏi nó với tâm lý của những người sống sót. Mà khi có cảm tưởng mình là người sống sót, người ta cảm thấy có quyền đòi lại những gì đã mất, quyền được truy lĩnh, quyền làm tất cả mọi thứ để bù lại nỗi gian lao đã phải chịu đựng.
Trong những năm chiến tranh ấy, cuộc sống người ta bị thách thức ghê gớm, người ta đã đứng bên bờ cái sống với cái chết, đã biết chết rất dễ, vì thế nên tự cho mình cái quyền làm tất cả để duy trì mạng sống. Người nông dân tự cho phép mình phun thuốc trừ sâu bừa bãi ở các loại rau quả, người buôn bán cho phép mình lưu hành mọi thứ hàng giả... là vì họ thường tự nhủ làm gì cũng được miễn là có tiền nuôi gia đình. Lâu dần cái triết lý đó biến thành thói xấu, biến thành sự coi thường luật pháp, biến thành sự hư hỏng... Lối sống hưởng thụ chỉ là một khía cạnh của tâm lý hậu chiến.
Vậy phải làm sao để thoát ra được?
Theo tôi, cái chính là nhận thức của chúng ta về tình trạng mà xã hội ta đang lâm vào chưa đầy đủ, chưa toàn diện. Nếu nhận thức được đầy đủ, tôi tin là chúng ta sẽ bớt những những lời rao giảng sáo rỗng đi, để mọi người tự nhìn vào mình mà suy nghĩ có sự lắng đọng và chắc chắn trong cách sống lối sống. Hiện cả xã hội không hình thành nổi quan niệm hợp lý và đúng đắn về con người, mỗi cá nhân không hiểu thế nào là sướng là khổ, chỉ thấy có được cái nhà, cái xe, các loại tiện nghi hiện đại nói chung, tóm lại trông ra có vẻ hơn người bên cạnh… thế là sướng là hể hả. Không có tiền thì lừa lọc làm bậy để có tiền, rồi càng lún sâu vào chơi bời, hư hỏng để khỏi phải nghĩ. Một khi sự mất hết chuẩn mực trong xử sự, sự thiếu hài hoà và sáng suốt trong tư duy, sự hỗn loạn và vụ lợi trong quan hệ... đã chi phối số đông như hiện nay thì mọi tai vạ không đến hôm nay sẽ đến ngày mai.
Bài viết dưới dạng trả lời phỏng vấn này được hình thành từ cuộc trò chuyện với phóng viên mạng BEE. Đã in – có sự rút gọn -trên mạng Bee 28-5-12.
Tác giả xin có lời chân thành cảm ơn sự giúp đỡ nhiệt tình của phóng viên Nhật Minh.
Admin gửi hôm Thứ Ba, 29/05/2012          
(nguồn danluan)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001