Một Vĩ nhân đi vào Lòng Lịch Sử Nhân Loại
Sự ra đi của Nelson Mandela tạo niềm thương tiếc vô
biên không chỉ cho 53 triệu người dân Nam Phi mà cho toàn thể nhân loại.
Chắc chắc người dân Nam Phi sẽ mãi mãi ghi nhớ ông như một người cha,
“Tata” gọi theo tiếng Nam Phi, một vị Tổng Thống da đen Nam Phi đầu tiên
đã cống hiến cả cuộc đời tranh đấu chống lại chính sách kỳ thị chủng
tộc và cuối cùng đã chiến thắng giành lại quyền tự do dân chủ cho đại đa
số người dân da đen trong tinh thần bất bạo động. Hơn thế nữa ông cũng
còn được xem như nhà lãnh đạo được quý mến, kính trọng nhất trong số
những nhà lãnh đạo trên toàn thế giới vào cuối thế kỷ 20, là hiện thân
cho sự vận động tự do, dân chủ, dân quyền chuyển giao quyền lực một cách
hòa bình trong tinh thần hòa hợp và tôn trọng.
Nhân loại từ thành phần nguyên thủ quốc gia cho đến
người dân bình thường kính phục, ngưỡng mộ, quý mến ông nói và viết rất
nhiều về ông không phải vì ông đã là Tổng Thống nước Nam Phi mà là cuộc
đời ông, quan niệm nhân bản và cung cách cư xử thái độ của ông đến giới
lãnh đạo, thành phần thống trị người da trắng đã bỏ tù ông trên một phần
tư thế kỷ, đàn áp đối xử bất công đến người dân Nam Phi trong suốt gần
hai trăm năm.
Hành trình đi đến tự do cho ông và cho đại đa số
người dân Nam Phi là một hành trình gian nan và nhiều chông gai. Ông
sinh ra vào năm 1918, vùng nông thôn Transkei, thuộc tỉnh Eastern Cape,
xuất thân từ bộ tộc Thembu, người cha là vị tộc trưởng hội đồng bộ tộc,
do đó ông thấm nhuần tinh thần trách nhiệm, lòng tự trọng và tự hào về
bộ tộc mình. Ông mồ côi cha khi lên 9 tuổi, tiếp nhận nền giáo dục trung
học của những nhà truyền đạo người Anh Quốc. Sau đó ông vào trường Đại
Học Fort Hare dành cho ngườI da đen, theo đuổi ngành luật, nơi đây ông
có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc nhiều người lãnh đạo da đen.
Năm 22 tuổi, không có tiền ông phải bán hai con bò để
có tiền đi lên thành phố Johannesburg xem như thành phố lớn nhất Nam
Phi, nơi đây ông gặp gỡ nhiều nhà hoạt động da đen và tham gia tổ chức
African National Congress (Nghị Hội Dân Tộc Phi) gọi tắt là ANC. Tổ chức
này khởi đầu là những thanh niên phi châu quốc gia yêu nước cương quyết
chống chủ nghĩa cộng sản. Sau đó họ đứng lên phát động phong trào chống
chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc cũng để mở rộng kêu gọi sự tham gia nhiều
thành phần từ đó chấp nhận những người theo chủ nghĩa cộng sản.
Tại thành phố này ông tiếp tục hành nghề luật sư giúp
cho người da đen, đồng thời cũng trực tiếp tham gia “phong trào phản
kháng” và bị bắt năm 1956 cùng vớI 156 nhà hoạt động da đen khác.
Ông được phóng thích không lâu sau đó. Ông vẫn tiếp
tục tìm cách đi vận đông chống lại chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc không chỉ ở
Nam Phi và nhiều quốc gia thuôc châu phi và liên kết với giới lãnh đạo ở
Anh quốc. Ông bị bắt lại vào năm 1962 với tội phạm nghiêm trọng hơn là
chủ mưu hoạt động cách mạng vũ trang, bạo động và phá hoại bị kết án
chung thân khổ sai và đầy sang đảo Robben. Trong phiên tòa này ông đã
đọc bài diễn văn lịch sử dài 4 tiếng đồng hồ nói lên khát vọng tụ do dân
chủ, triết lý chính trị của ông và chấm dứt với câu để đời “Đây là lý
tưởng mà tôi sẵn sàng chết cho nó.”
Sau vụ án nhiều người Nam phi bao gồm người da trắng
Nam Phi tin rằng tổ chức ANC không còn nữa, và sự nghiệp chính trị của
Nelson Mandela xem như chấm dứt. Có người nghĩ rằng ông sẽ phải chết
trong tù.
Nhưng qua trại tù đã không làm nhụt đi ý chí, quyết
tâm mà nghịch lại là nơi đã giúp ông gia tăng nội lực tinh thần, tính
nhân bản, sức phán đoán, nhận định chính trị. Qua những lời như sau: “Người
tước đoạt tự do của người khác cũng là một tù nhân của lòng hận thù, bị
giam cầm đằng sau song sắt của thiên kiến và hẹp hòi.” Ngoài ra ông
vẫn tiếp tục theo đuổi học ngành luật trong tù, không ngừng vận động
với thế giới bên ngoài qua thư từ, yêu cầu ủng hộ cho phong trào chống
lại chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc.
Theo thời gian chính nghĩa, lẽ phải tất thắng, phong
trào chống chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc lên cao, được sự đồng tình ủng hộ
nhiều quốc gia trên thế giới. Váo năm 1989 Tổng Thống Nam Phi da trắng
phải đồng ý nói chuyện thương lượng với ông trong nhà tù, chuẩn bị phóng
thích ông. Tháng 2 năm 1990 Tân Tổng Thống Nam Phi De Klerk ra lệnh thả
tự do cho ông sau 27 năm cầm tù.
Vào tháng 4 năm 1994 cuộc tổng tuyển cử tự do, mỗi
người dân Nam Phi dù trắng hay đen có quyền hành xử lá phiếu lựa chọn
người mình tin tưởng và Nelson Mandela đã thắng cử trở thành vị Tổng
Thống da đen đầu tiên của nước Nam Phi. Khi đó ông được 75 tuổi. Một
trong những mục tiêu đầu tiên của ông là hòa hợp, hòa giải với khối
ngườI da trắng, và ngay cả những kẻ thù của ông, những người hành hạ, bỏ
tù ông, phế bỏ chính sách kỳ thị chủng tộc, bất bình đẳng, phân chia
giàu nghèo. Trong buổi lễ nhậm chức ngày 10 tháng 5 năm 1994 ông nói:
“Chúng ta đã chiến thắng trong nỗ lực gieo hạt
giống niềm tin cho đến hằng triệu con người. Chúng ta đồng thuận cùng
xây dựng một xã hội mà trong đó mọi người Nam Phi, da đen lẫn da trắng
có thể tin tưởng hãnh diện không còn sợ hãi, đảm bảo quyền tối thượng
cao quý nhất của con người, một quốc gia đa chủng tộc sống hòa bình với
chính mình và với thế giới.”
Sau 5 năm cầm quyền, ông quyết định không tái tranh
cử Tổng Thống mặc dù xác suất tái đắc cử rất cao, một lần nữa ông đã làm
tấm gương sáng cho những nhà làm chính trị trên toàn thế giới cho những
chế độ mù quáng bám chặt vào quyền lực để có thể hy sinh hằng triệu
mạng sống.
Ông còn được xem như người nhận nhiều bằng tưởng
thưởng, huy chương cao quý nhất của nhiều quốc gia trên toàn thế giới,
trong số đó có giải hòa bình Nobel vào năm 1993.
Tuần lễ này những nhà nguyên thủ quốc gia từ Tổng
Thống, Thủ Tướng, Hoàng Gia, các dân biểu cùng với các giới tài tử, nghệ
sĩ nổi tiếng khắp nơi trên hoàn vũ cùng tụ tập về thủ đô nước Nam Phi
Pretoria để tỏ lòng kính mến, tiễn đưa ông một tù nhân, một vị Tổng
Thống, một chính khách, một người đi xây dựng hòa bình thế giới đến nơi
an nghỉ cuối cùng, sau đó sẽ mai tang ông ở Qunu nơi ông sinh ra. Riêng
tại Hoa Kỳ bốn vị Tổng Thống tiền nhiệm và đương nhiệm Barrrack Obama,
George Bush, William Clinton và Jimmy Carter cũng sẽ đi đến dự tang lễ.
Đây có thể xem như sự kiện đầu tiên xảy ra trong lịch sử Hoa Kỳ từ ngày
lập quốc.
Nelson Mandela đã để lại di sản vô giá không chỉ cho
người dân Nam Phi mà cho cả cộng đồng nhân loại là đức tính quả cảm,
kiên nhẫn, khoan dung, không hận thù, tình thương và tôn trọng nhân phẩm
giá trị cao quý con người. Hơn thế nữa cung cách hành xử của ông mãi
mãi là bài học cho xã hội loài người và cho những chế độ độc tài toàn
trị còn sót lại trên hành tinh trái đất.
Tùng Sơn
© Đàn Chim Việt
nguồn:http://www.danchimviet.info/archives/82334/mot-vi-nhan-di-vao-long-lich-su-nhan-loai/2013/12
======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001