Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2012

Năm học mới, căn bệnh... cũ! 
  (Petrotimes) – Chuyện học thêm, dạy thêm từ lâu đã trở thành “căn bệnh” trầm kha của ngành giáo dục. Với lý do nâng cao chất lượng học sinh, nhiều phụ huynh, giáo viên đã biến con em chúng ta thành “gà công nghiệp”.

Con tôi, tôi có quyền
Tháng 7 vừa qua, Bộ GD-ĐT đã có quy định rất rõ ràng về việc không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học.
Tuy nhiên, với tâm lý không để con mình thua bạn kém bè, ngoài giờ học trên lớp không ít bậc cha mẹ vẫn bắt con học thêm gia sư, không chỉ những môn văn hóa như tiếng Việt, toán, tiếng Anh mà những môn năng khiếu như vẽ, đàn… cũng được hoan nghênh không kém. Với tâm thức "con cái là tài sản của bố mẹ" - tôi sinh nó ra thì có quyền nuôi dạy nó theo ý tôi, nhiều bậc phụ huynh sẵn sàng bắt con học thêm từ sáng sớm đến tối mịt.
Chị Nguyễn Thái Minh (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, mỗi tháng chị phải trả khoảng 3 triệu đồng cho con trai học thêm. Trong khi đó, tổng thu nhập của gia đình mỗi tháng chưa tới 7 triệu.
Chị chia sẻ, rút kinh nghiệm từ cô con gái lớn học lớp 11, chị “quyết tâm” cho con trai nhỏ đi học thêm sớm để không chịu “thiệt thòi”.
“Năm con bé đầu nhà tôi vào lớp 10, cứ chủ quan chưa tìm lớp, nhập học 1 tháng mới thấy các lớp học thêm của thầy cô uy tín kín chỗ hết rồi, cháu đành phải học các thầy cô khác, chất lượng kém hẳn”.
Thế nên năm nay, ngay khi con trai trúng tuyển vào trường cấp 2 có "tiếng tăm", chị đã rục rịch tìm chỗ học thêm của các thầy cô nổi tiếng trong trường cho con theo học. Chị hồ hởi: “Cũng là vì nghĩ cho con, kết quả có tốt thì sau mới yên tâm thi cử được”.
Cũng như chị Minh, anh Phan Quốc Khánh (Tây Sơn, Hà Nội) cũng “truy lùng” các trung tâm dạy thêm nổi tiếng cho con gái học lớp 10, đồng thời, anh còn mời gia sư về dạy thêm cho con vào các buổi tối.
Cũng vì thế mà lịch học của con gái anh kín mít, chỉ có một ít thời gian để ăn và ngủ. Anh cho biết: “Gia đình cũng không khó khăn nên quyết cho cháu đi học thêm cho yên tâm. Bây giờ học trên lớp làm sao mà đủ kiến thức được? Sau này cháu thi đại học nữa, không học ngay là không kịp. Chậm một ngày là mất cả… bể kiến thức”.
Phụ huynh "ép" con học thêm
Suy nghĩ như vậy nên ngay từ khi con gái nhập học, vợ chồng anh thay nhau đưa đón con đi học chính, học thêm, chỉ với hi vọng con cái mình có kết quả thật tốt. Mỗi tháng, gia đình anh chị phải bỏ ra gần 7 triệu đồng cho việc học của con. Anh còn cho biết: “Đợi 1 thời gian cho lực học của con khá hơn, tôi sẽ đăng ký cho cháu học tiếng Anh ở trung tâm Anh ngữ. Khoảng 10 triệu/ khóa để được học với thầy nước ngoài”.
Ngoài những phụ huynh “ép” con học thêm với hi vọng nâng cao kết quả học tập, cũng có nhiều gia đình cho con học thêm chỉ để “nhốt” con tại trường, coi thầy cô giáo như bảo mẫu trông con.
Đây thường là những gia đình có cha mẹ quá bận bịu công việc, không có thời gian chăm sóc việc học hành của con cái mình. Vì thế, việc các lớp học thêm mọc ra như nấm sau mưa lại vô tình trở thành các nhà giữ trẻ.
Vợ chồng chị Đặng Thu Hoài (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đều làm ngân hàng, đi sớm về muộn là chuyện bình thường. Đứa con gái mới học lớp 6 chỉ học một buổi sáng, buổi chiều cháu được nghỉ nên thường tha thẩn chơi một mình. Thấy con ở nhà chơi rông không ai quản lý, hai vợ chồng bàn nhau cho con đi học thêm theo lời mách nước của của đồng nghiệp.
Bây giờ, lịch học của cô con gái 12 tuổi cũng bận rộn không kém lịch làm việc của hai nhân viên ngân hàng. Cả ngày bố mẹ chỉ gặp con lúc đưa đi học vào sáng sớm và tối muộn khi đón con về.
Chị Hoài chia sẻ: “Cũng không muốn cháu học nhiều, nhưng để cháu ở nhà chơi không còn phí thời gian và nguy hiểm hơn. Cháu đi học thêm có bạn bè, có cô giáo để ý, mà kiến thức lại được bổ sung. Tôi thấy chỉ có lợi thôi, không có hại gì cả”.
Mặc dù con gái càng lúc càng ít nói, ít giao tiếp với bố mẹ, chỉ lấy sách vở làm bạn, nhưng vợ chồng chị Hoài vẫn thấy mừng, vì “con mình ít nói thì không hư hỏng”.
Quái chiêu “ép” học sinh học thêm
Trong khi người người, nhà nhà coi trọng bằng cấp, tên tuổi ngôi trường cũng như bảng điểm học sinh như hiện nay, thì việc học thêm, dạy thêm là điều tất nhiên. Học sinh lo không có đủ kiến thức để thi cử, phụ huynh lo con cái không có kết quả học tập tốt… thế là học thêm!
Tất nhiên, học thêm có nhiều mặt tốt như: vừa dạy lại vừa trông trẻ giúp một số cha mẹ học sinh khi họ bận đi làm kiếm sống; đồng thời bổ sung kiến thức để bảo đảm cho học sinh nắm đủ và vững.
Thế nhưng cũng có những giáo viên dùng đủ chiêu trò để “ép” học sinh đi học thêm nhằm những mục đích tầm thường.
Chị Nguyễn Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội) có con trai đang học lớp 4, bức xúc: “Con tôi không đi học thêm cô giáo chủ nhiệm thì điểm rất thấp, dù cháu có làm đúng kết quả thì cũng không bao giờ được cô chấm điểm cao như các bạn”.
"Ép" trẻ học thêm nhiều sẽ khiến trẻ dễ stress
Không chỉ có học sinh tiểu học, các học sinh cấp học cao hơn cũng chịu chung tình trạng bị “ép” phải học thêm. Em Nguyễn Hoàng Anh (THPT Chu Văn An) chia sẻ: “Lớp em có một số bạn dự định thi khối C nên không tập trung vào tiếng Anh lắm. Cô dạy tiếng Anh không thích nên chấm điểm cực thấp, lúc nào cũng nói các bạn chắc chắn sẽ thi trượt tốt nghiệp, đừng mong đại học, điều này gây bức xúc rất lớn với nhiều bạn”.
Cách "ép" học của những giáo viên này rất đơn giản. Ở lớp, họ dạy hời hợt nhưng ở nhà dạy lại rất tận tình và nếu em nào không đến nhà họ để học thêm thì em đó sẽ không thể đạt điểm cao môn họ dạy, thậm chí bị điểm rất thấp.
Hậu quả là em đó vừa yếu kiến thức lại vừa không bảo đảm học lực để lên lớp, nhất là đối với cấp trung học phổ thông, yếu kiến thức thì khó có thể thi đỗ vào các trường đại học.
Việc quản lí của Ban giám hiệu, Tổ chuyên môn đối với những giáo viên này không dễ vì họ có giáo án, đồ dùng dạy học bảo đảm, ra vào lớp đúng giờ. Điều quan trọng nhất là thái độ dạy hời hợt thường xuyên xảy ra mà Ban giám hiệu, Tổ chuyên môn lại không bắt được "quả tang" vì nếu đến dự giờ thì họ lại dạy nghiêm túc.
Với những giáo viên “biến chất” như vậy, vai trò của học sinh rất quan trọng, bởi chính học sinh sẽ là người giám sát và phát hiện việc giáo viên “ép” học sinh đi học thêm nhằm thu lợi bất chính.
Tuy nhiên, để việc học thêm đạt hiệu quả tốt nhất, phụ huynh học sinh cần nhớ, việc tích lũy kiến thức đòi hỏi một quá trình và sự tự giác cao của chủ thể người học. Để một năm học mới mang lại kết quả tốt nhất, các bậc phụ huynh bên cạnh việc trang bị cho con em những phương tiện, điều kiện học tập tốt thì còn phải trang bị cho con em ý chí, nghị lực vươn lên trong học tập và cuộc sống. Đó là hành trang tốt nhất là phụ huynh trao cho con em mình, thay vì ép con “hành xác” trong những lớp học thêm không có kết quả.
Theo Quy định dạy thêm, học thêm của Bộ GD&ĐT, có hiệu lực từ 1/7/2012, Bộ nghiêm cấm không được dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Không được dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: Bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục-thể thao, rèn luyện kĩ năng sống. Đối với giáo viên hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường. Tuy nhiên, quy định cũng nêu rõ giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.

Vương Tâm
nguồn:http://www.petrotimes.vn/news/vn/xa-hoi/giao-duc/nam-hoc-moi-can-benh-cu.html
=====================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001