Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2012

Ngự Thuyết - Bọn người lao đao  


      Ngự Thuyết
Thương nhớ Ân  

“Sao hồi đó ở đây buồn quá hả chú ...”

Người đàn bà ngập ngừng. Cô còn trẻ. Cô ngồi trên một chiếc ghế đá nhìn xuống thung lũng, bên cạnh là một người đàn ông đứng tuổi. Buổi trưa cao nguyên nắng mênh mông. Gió lớn. Thông reo gần như gào thét, nhưng cũng có lúc nghe như tiếng suối chảy, hoặc thoang thoảng như tiếng sáo trúc. Trời nhiều mây. Mây cuồn cuộn bay về phía hai ngọn núi nhọn trông như cặp vú khổng lồ nằm phơi mình giữa trời đất mà dân địa phương gọi là Núi Bà. Gần đấy là Núi Ông. Dưới xa, thật xa, qua ba bốn triền dốc với nhiều bậc tam cấp chạy lượn lờ uốn khúc là mặt hồ xanh biếc in hình những chòm cây đứng rải rác hoặc tụ thành từng cụm trên các sườn đồi gần đấy. Cây thì toàn là thông với thông. Thân cây bao bọc bởi lần vỏ nâu đen sù sì nằm lẫn trong biển xanh của lá.



        "Sao hồi đó ở đây ...”

Người đàn bà lặp lại. Tiếng nói nhỏ quá, trời gió lớn. Người đàn ông ngồi cạnh dường như không nghe thấy gì, nhìn quanh, lơ đãng, thỉnh thoảng đưa bàn tay nắm lấy vai người đàn bà. Cô ta đưa hai tay giữ lấy mớ tóc buông xuống trước ngực đang bị gió đánh rối. Hai cánh tay áo xắn lên quá khuỷu tay để lộ làn da trắng xanh, chiếc áo sơ-mi vải phin mỏng màu mỡ gà dán sát vào thân hình, và chiếc khăn nhỏ màu xanh lá cây chấm bông cuốn tròn buộc hờ quanh chiếc cổ cao. Chiếc khăn không dùng để che cho ấm cổ, mà như một thứ trang sức. Cô hơi gầy, đôi mắt hoang mang, ngồi giữ ý khép nép.

Người đàn ông chốc chốc lại trân trân nhìn người đàn bà dò xét. Cái nhìn lạnh lùng, sấn sổ, xoi bói, kèm với nụ cười pha chút giễu cợt. Nhạn, người đàn bà, giọng dịu dàng:
"Cái gì vậy chú?  Mặt cháu dính lọ nghẹ hả chú?”

Người đàn ông cười khan:
"Làm gì có."

Nhạn cúi mặt. Người đàn ông cười to:
“Thẹn sao? Với tôi mà cũng thẹn? Được, được đấy.”

Làm bộ ngẫm nghĩ, ông chắc lưỡi nói tiếp:
"Cháu đặc biệt lắm, chú phải nhìn kỹ hơn nữa. Nhỏ đẹp theo cách nhỏ, lớn lên lại đẹp cách khác. Nếu có da có thịt thêm chút chút nữa cũng sẽ ... vẫn đẹp. Mà gầy gầy như bây giờ càng lôi cuốn. Chú nhớ, đọc đâu đấy, có những đứa con gái Pháp, con gái Paris hồi bị Đức chiếm đóng trong Thế Chiến Thứ Hai, sống trong thiếu thốn, đẹp não nùng. Càng đói càng đẹp, nhất là đôi mắt như mắt chó sói bị bao vây bốn bề bởi tụi lính Đức thô bạo, tên nào trên tay cũng ôm sẵn nào bánh mì, nào cheese, nào rượu chát. Nhưng đâu có thể đẹp bằng đôi mắt sợ hãi này. Cháu sợ cái gì vậy?”

Nhạn quay nhìn ra xa, thở dài, nói nhỏ:
"Thay đổi nhiều quá!"

"Hả? Cái gì vậy?”

“Dạ, không có gì cả.”

“Có chứ sao lại không. Nhạn nói chú đổi khác? Dĩ nhiên là thế, chú phải khác mà cháu cũng thế, cũng khác. Xa nhau quá lâu rồi nay gặp lại phải có khác. Không khác là bế tắc, là hết thời. Khác nhất là đôi mắt.”
“Thưa chú nói sao ạ?”

Ông Tuệ rung đùi:
“Chú đã nói rồi đấy, đôi mắt sợ hãi. À mà năm nay Nhạn mấy tuổi?"

"Cháu nghe nói người nước ngoài không hỏi tuổi phái nữ, phải không chú?"

"Lại muốn giấu tuổi?"

Người đàn bà nhỏ nhẹ:
"Dạ, cháu không dám giấu đâu ạ!"

"Không sao, cứ cố giấu đi, chú tính ra được ngay. Nào, hồi tôi đi cô còn bé tí, chỉ mới 15, 16 là cùng. Vậy thì nay cháu, xem nào, trên dưới 30, cái tuổi mặn mà nhất trong đời người đàn bà. Đúng không?"

Cô không trả lời, kín đáo ngồi nhích lần ra mép ghế như để tránh nắng. Quả vậy, tia mặt trời buổi trưa xuyên qua những ngọn thông chiếu loe loé những hình sao vào đôi mắt hoang mang, vào đôi môi son tô nhạt. Lốm đốm những vạt nắng trên vai, trên đùi. Nắng trong veo. Một tiếng động khe khẽ, khô khan, dội lên giữa tiếng gió vi vu, giữa tiếng thông reo như không bao giờ dứt. Một trái thông khô rơi xuống chạm vào thành ghế đá văng xuống đất. Thêm một chấm nâu trên nền cỏ xanh. Màu xanh mênh mang, thông xanh, cỏ xanh, mặt hồ xanh, da trời cũng xanh. Lại một trái thông rơi, Nhạn giật mình thảng thốt:
"Sao hồi đó ..."

Xích đến gần người đàn bà hơn, người đàn ông cười cười:
"Sao? Hồi đó, hồi đó hoài! Hồi đó có cái gì hay ho kể cho tôi nghe đi."

"Hồi đó ở đây ... hồi đó chú khác lắm. Giọng nói nữa, cháu cũng nhận không ra. Bây giờ chú pha giọng bắc."

Ông cười lớn:
"Cô nói sai rồi. Giọng của tôi bây giờ là giọng hằm bà lằng, chứ bắc biếc cái gì. Bắc trung nam đều có tuốt. Thống nhất."

Nhạn ngập ngừng:
"Thế sao! Nhưng ...  nhưng thưa chú, hồi đó..."

"Hồi đó, hồi đó hoài,” người đàn ông gắt. “Có gì cứ nói đại đi!”

Cô hoảng hốt:
"Dạ."

Người đàn ông dịu giọng:
"Hồi đó tôi khác hồi này chứ gì. Cô đã nói thế nhiều lần, khỏi cần nhắc lại.”

Người đàn bà lại ngập ngừng:
"Dạ, ... hồi đó ở đây buồn quá phải không chú."

"OK, để tôi cắt nghĩa cho nghe,” người đàn ông cao giọng như muốn kết thúc một câu chuyện ông không muốn kéo dài nữa. “Xưa, đây chỉ là một cái thung lũng hoang vu thông mọc đầy, ít người lui tới. Chú có đưa cháu đến đó chơi nhiều lần, có cả bố mẹ cháu cùng đi, cháu còn nhớ chứ. Có con suối nhỏ chảy dưới lòng thung lũng. Một hôm cả nhà muốn mạo hiểm lần lần từng bước trên bờ dốc rồi ngồi phịch xuống hai chân chống đất phía dưới, hai tay vắt ra đàng sau níu cỏ, cố xuống cho đến tận dòng suối thử xem sao. Thì cháu tuột tay nhào người ra phía trước. May chú nhanh tay giữ được cháu. Cháu ôm chầm lấy chú, hốt hoảng, run rẩy, mặt mày tái mét.”

“Dạ, cháu có nhớ chuyện đó, nhớ như in.”

“Tên của vùng này là ... chú nhớ ra rồi, Thung Lũng Tình Yêu, bắt chước cái tên bằng tiếng Pháp, Bois d'Amour, gần thác Cam Ly. Cái tên ấy cũng có lý, trai gái tìm đến đấy chuyện trò, yêu đương. Về sau, trước khi miền Nam mất, người ta đắp đập ngăn nước biến dòng suối thành cái hồ. Nay, sau mấy mươi năm, nơi này đã được sửa sang nhiều và trở thành một điểm du lịch nổi tiếng của thành phố. Du khách đến đông đúc quanh năm. Cho nên nó không buồn như xưa nữa. Đơn giản thế thôi."

Người đàn bà lặng lẽ ngồi nghe, như chìm trong giấc mơ. Người đàn ông hỏi lớn:
“Cô có nghe tôi nói gì không đấy?”

“Dạ, cháu có nghe. Cháu nghe từng lời của chú. Và cháu còn nhớ mẹ hỏi con đã hết sợ chưa ... và .... và bảo rằng nếu không có chú thì con sẽ trôi theo dòng nước như mấy trái thông khô kia kìa. Thôi, con lên trên kia với mẹ.” Cô nói tiếp sau một phút ngẫm nghĩ. “Nhưng ... nhưng cháu muốn nói hồi đó, hồi ... sau đó, khi chú...”

Ông lại cau mày đăm đăm nhìn cô ta, hơi ngạc nhiên. Bỗng ông reo lên:
"Hay quá, ê Yên, lại gặp nhau đây nữa.” Ông đứng dậy bắt tay người mới đến rồi kéo người ấy ngồi xuống ghế đá bên cạnh ông. “Này này, hôm qua cậu nói sáng nay cậu bay về Sài Gòn mà."

Người đàn ông mới đến trả lời:
"Cũng định thế, nhưng đổi ý.”
“Yên ơi, thấy cậu là thấy đổi ý.”

“Đúng thế, nếu không thì tôi không phải là tôi rồi,” ông Yên cười xòa. “Đi xe du lịch Xinh Cà Phê tiện hơn nên không bay nữa. Sẽ ở đây thêm vài ba hôm."

"Lạ chưa, đến đây một mình? Thế cái thằng kia của cậu đâu?"

Người đàn ông tên Yên cười hô hố:
"Anh Tuấn hả? Ảnh đang bận tán con nhỏ bán trái cây ngoài kia. Chán thiệt.” Quay nhìn người đàn bà, ông Yên nói hối hả. “Xin lỗi, chào chị, chị ..."

"Chị chị cái gì," người đàn ông chen vào. "Cháu tôi đó.”
Nhạn ngồi yên ở mép ghế mỉm cười với người mới tới rồi quay mặt đi nơi khác. Người đàn ông nói tiếp:
"Đây Nhạn, cháu tôi, đồng thời cũng là bạn của tôi, và đây Yên, cũng bạn tôi. Mà bạn của bạn là bạn. Và thù của thù cũng là bạn. Bạn chung. Nhưng bạn của thù là thù.  Phải không Yên."

Người đàn ông tên Yên cười xuề xòa, mắt nhắm tít sau cặp kính cận dày cộm. Tiếng cười chưa dứt đã nối tiếp bằng tiếng nói oang oang:
"Cậu đang ôn bài học khai tâm về chính trị hồi đó hả?”

“Hồi đó là cái con khỉ gì. Hồi nào?” ông nhìn qua phía cô gái.

 “Hồi ở tù cải tạo chứ còn hồi nào nữa,” ông Yên đáp. “Bực quá, thấy gái là a thần phù vào."

Người đàn ông nhíu mày:
"Thằng Phù nào đây nữa? Mà này, cái thằng Tuấn của cậu hình như chỉ biết sống trong không gian thôi..."

"Sao?" Ông Yên ngắt lời. "Sống trong không gian? Ảnh được chọn làm phi hành gia hồi nào vậy? Ông có nói lộn không?"

"Trong không gian chứ có phải là bên ngoài không gian, bên ngoài bầu khí quyển đâu. Đừng lẫn hai thứ. Tôi muốn nói trong không gian thì hắn có sống, có nhúc nhích, có đi đây đi đó, có đổi chỗ ở, có ở tù, và cũng có chạy qua đây, vân vân và vân vân, như tôi với cậu. Nhưng trong thời gian hắn nay không khác hắn xưa chút nào. Bây giờ hay cách đây hai ba mươi năm vẫn thế, thấy gái là lũi vào, trẻ không tha, già không buông."

"Đúng thế,” ông Yên đáp. “Chán anh ấy quá. Nhưng cậu cũng thế thôi, thấy gái cũng  ... Ấy chết..."

Ông Yên ngưng lại giữa câu nói, liếc mắt nhìn người đàn bà ngồi ở mép ghế bên kia. Dường như không muốn để ý đến câu chuyện của người khác, Nhạn nhìn xa, thở dài.

Người đàn ông như sực nhớ có Nhạn ngồi bên cạnh, quay qua nói:
“Thở dài vì có gì buồn trong lòng chăng, hay chẳng qua đó chỉ là một thói quen, thói quen lâu thành tật. Hay cũng có thể là một cách làm duyên? Sao? Làm duyên hả cô Nhạn của tôi?”

Cô im lặng.

Ngoài kia, những đám bụi đỏ nhờ nhờ thỉnh thoảng tung lên mỗi khi có xe hơi chạy qua làm mù mịt con đường trải đá. Con đường dài nằm giữa ngăn cách một bên là khu du lịch với cây cối, hoa lá, hồ nước, quán xá, bên kia là những thửa vườn thoai thoải xuống một thung lũng cạn trồng nhiều loại rau cải, cây, trái. Chỉ trong một khoảnh khắc ngắn, đám bụi đỏ lắng xuống, trả lại cho cảnh vật màu xanh của rừng thông, màu hồng, tím, đỏ, trắng của nhiều loại hoa đang đua nhau nở. Trời nắng trưa nhưng trong bóng im vẫn không oi bức lắm. Dưới những gốc thông, dưới những mái nhà lợp lá không vách bao quanh, du khách ngồi tụm năm, tụm bảy, nghỉ ngơi, chuyện trò, hoặc mang thức ăn ra ăn. Nhiều người, thường là những người ngoại quốc, ngồi bệt xuống đất, hoặc nằm dài trên những thảm cỏ gấp hai cánh tay làm gối. Cỏ xanh tươi, mịn màng, sạch sẽ.

Bỗng tiếng nhạc từ loa phóng thanh cạnh phòng bán vé trổi lên bài Đêm Đông. Người đàn ông nói với Nhạn:
“Trưa hè nắng muốn đổ lửa mà cứ ong ỏng đêm đông. Có bài hát nào tên Trưa Hè không, Nhạn? Cháu hát cho chú nghe một bài về mùa hè đi. Ngay bây giờ.”

Cô cúi mặt nói lí nhí những gì không rõ, rồi lặng lẽ đứng dậy rút chiếc khăn tay nhỏ từ trong túi quần chặm nhẹ lên vài giọt mồ hôi đọng trên trán, trên cổ. Đưa mắt chào hai người đàn ông, cô vói tay lấy chiếc áo khoác mỏng vắt trên thành ghế đá choàng vội vào vai, và cỗi giày ra cầm trong tay, lần từng bước đi xuống những con dốc trơn trợt khá dài. Ông Yên cũng đứng dậy hối hả  nói oang oang:
"Hà hà, xin lỗi chị ... cô ... Cô hãy ngồi lại chơi tự nhiên với anh Tuệ đi. Tôi chỉ giỏi đến quấy rầy. Nhưng tôi đi ngay mà."

Người đàn ông, ông Tuệ, cũng nói vói theo:
"Cháu đi đâu đấy?"

Nhạn quay đầu không trả lời, đưa tay vẫy chào và tiếp tục đi. Ông Tuệ nheo mắt nhìn theo cô ta, nói to:
"Xuống hồ hả! Nhớ cẩn thận, đường đầy lá thông khô trơn trợt, coi chừng té gãy giò. Nhưng như thế cũng tiện, để đàn ông người ta nói chuyện với nhau. Chờ tôi dưới đấy, chốc tôi xuống ngay. Đừng đi nơi nào khác, đừng bắt tôi tìm kiếm, mất thì giờ của tôi lắm."

Khi người đàn bà đã đi xuống các tam cấp khuất tầm mắt, ông Yên lại ngồi xuống, cổi mắt kính ra lau, và oang oang:
"Cô bé trông được lắm đó, phải không câu. Còn cậu thì có khác chi Tuấn, gặp gái là tán riết. Làm như tán gái là bổn phận của đàn ông. Giống như gà.”

"Cái gì?"

"Cậu từng ở nhà quê chứ?  Gà trống thấy gà mái là giở trò dê ngay, sè cánh xuống sát đất nghiêng người đi vòng vòng ngất ngưởng quanh con gà mái theo cái điệu đấu bò tót của dân Tây Ban Nha."
“Đó là cái kiểu của gà, sao bảo nó dê?”

Ông Yên không để ý lời của bạn, đứng dậy kéo ông Tuệ đi đến gặp một người đàn ông tóc nhiều muối hơn tiêu đang đứng ba hoa với một cô bán hàng khá xinh ngồi trước quầy hàng trái cây cạnh chiếc cổng lớn bên ngoài phòng bán vé:
"...răng cũng đẹp mà tóc cũng đẹp. Cái răng cái tóc. Mà mặt mày tay chân gì cũng đẹp. Nhưng đôi mắt thì hết biết, tuyệt!  Còn có cái gì khác cũng đẹp mà tôi quên nói tới hả cô em?"

Cô hàng lém lỉnh:
"Chú quên cái đó rồi hả. Cái gì chú biết không?”

“Không biết.”

“Đó là ... là mấy nải chuối La Ba ngon hết sẩy, dâu tây trong vườn vừa mới thu hoạch sáng nay tươi rói, trái bơ, trái hột gà, trái mơ, trái mận Trại Hầm cũng thơm ơi là thơm."

Cô hàng đưa nải chuối lên mời. Người đàn ông tóc tiêu muối nhại:
"Và cô em ăn nói có duyên ơi là duyên."

Nói xong ông ta cầm tay cô hàng đang đưa nải chuối.

“Thôi nghe, thôi nghe. Đừng mà!”

Ông ta buông tay ra rồi nhại:
“Vâng, đừng mà.”

Ông Yên đứng cạnh nhìn chòng chọc. Cô hàng lại tiếp lời:
"Mua ngay đi chú. Còn hai chú tê đứng làm chi đó, ngồi xuống đi. Mua một thứ cũng tốt, mà mua hai ba thứ hay mua hết quầy cháu cũng không cấm cản. Khẩn trương kẻo hết!"

"Khẩn trương? Nghe ngộ quá. Tôi khẩn trương mua đây. Vâng, mua trọn ... trọn gói nhé, trong đó có cả cô nữa đấy.”

Cô hàng ngoe nguẩy:
“Không dám đâu.”

 “Cô không dám nhưng tôi dám. Nhưng cứ chú chú, cháu cháu nghe kỳ quá. Gọi là anh đi. Anh còn trẻ mà.”
Ông Yên chen vào:
"Tuấn ơi, anh thì nhất rồi, trẻ mãi không già. Vừa phải thôi chứ!"

Người đàn ông tên Tuấn trả lời:
"Chốc nữa chúng mình sẽ có khối chuyện để đấu với nhau, còn bây giờ xin để yên cho tôi nhờ. Tôi không bắt chờ lâu đâu." Xoay qua cô bán hàng. "Cô nghe thấy bạn tôi nói đấy chứ, trẻ mãi không già! Thật ra cũng có già đôi chút so với cô em, tuy thế còn được lắm. Con gái gặp là chịu ngay. Nhưng trước hết là phải đổi cách xưng hô."

Cô bán hàng cười ngây thơ:
"Không gọi chú là chú thì cháu phải gọi là chi đây? Ôn nghe. Dạ thưa ôn, ôn nói đúng. Bọn con gái tụi cháu chịu mấy ôn lắm."

"Xưng hô cái kiểu gì mà ớn vậy! O là người Huệ?"

"Dạ đúng. Người Huế vô trong ni làm ăn cũng bộn. Thưa ôn, ở ngoài Huế mình cũng như ở đây, con gái rất thích mấy ôn, rất thích sưu tầm đồ cổ..."

Ông Yên cười toáng lên một cách sung sướng, vừa bước đi vừa nói với ông Tuệ:
"Đáng đời! Đáng đời!"

Ông Tuệ tiếp lời:
“Ăn thua gì. Càng được đàn bà mắng chửi thằng Tuấn càng khoái. Chốc nữa tôi phải sửa cái thằng này mới được.”

“Nhớ nhé, chắc chắn nhé,” ông Yên rối rít. “Cậu giũa cho ảnh một trận te tua đi.”

Hai người đàn ông bước đi, tiếng nói láu lỉnh của cô hàng còn văng vẳng đuổi theo:
"... mà đồ cổ càng để lâu càng có giá, càng đắt tiền. Nhưng, nhưng trong túi ôn có chừng mô?  Nói thiệt cho con cháu nó mừng."

Ông Tuấn hớn hở đáp:
"Cô em của tôi cứ việc mừng đi. Sách có câu, 'Càng già càng dẻo càng dai'. Ôn tiền không nhiều nhưng tình thì lai láng."

Nói xong, ông Tuấn rút tờ giấy bạc 100 ngàn đồng đưa cho cô hàng, xách nải chuối La Ba, và đứng dậy. Cô hàng vội vã:
"Đi mô mà gấp dữ rứa hả ôn ... hả chú ... hả anh! Tiền thối đây anh, đây anh.”


“Khỏi, cô giữ lấy.”
“Nhưng anh ơi hãy cứ ngồi xuống với em cái đã rồi sẽ tính.”

Ông Tuấn cười tình rồi quay người bước đi nhanh theo hai ông bạn. Cô bán hàng ngồi bên cạnh chỏ mỏ:
“Ủa lạ chưa! Hôm nay mày ăn phải cái gì mà chê tiền đấy hả?”

“Còn lâu.”

“Sao đòi thối.”

“Tao nói thế để dụ thằng già dịch ngồi lại.”

           (Còn tiếp)
nguồn:http://www.diendantheky.net/2012/09/ngu-thuyet-bon-nguoi-lao-ong.html?utm_source=BP_recent
=====================================================================
Ngự Thuyết - Bọn người lao đao (2)
Ngự Thuyết

(Tiếp theo)

Ba người bạn ngồi quanh chiếc bàn tròn đặt cạnh mấy luống hoa hồng nhiều màu thân to và cao gần tới đầu người. Một cơn gió mạnh thổi, nhiều cánh hồng tung bay và rơi xuống nằm rải rác trên mặt đất trông như xác pháo ngày Tết. Xa xa, những cành thông vật vã, mây cuồn cuộn từng đám trông chẳng khác gì những ngọn sóng dữ ngoài biển khơi khi trời động. Trên mặt bàn lấm tấm những cánh hoa hồng, mấy đĩa đậu phụng, hột điều, chưa ai mó tới. Ba người bạn cầm lon bia ướp lạnh trên tay ngẩng mặt nhìn trời.


“Lạ chưa, trời nắng mà lại như sắp có mưa. Có bão nữa chăng,” ông Tuấn nói bâng quơ.

Ông Tuệ đáp:
“Đà Lạt cũng như Sài Gòn mưa vào mùa hè, cậu quên sao? Nhưng ta phải trở lại câu chuyện cô bán hàng. Con nhỏ coi cũng được mắt, nhưng hỗn láo. Gặp tôi, tôi sẽ cho nó biết tay. Bán hàng mà quá quắt!"

"Cô ấy có quá quắt gì đâu," ông Tuấn nhăn mặt đáp. "Cậu mới quá quắt. Mình chọc nó, nó chọc lại, hòa. Có tung, có hứng, mới vui."

Như bị giội một gáo nước lạnh vào mặt, ông Tuệ sừng sộ:
“Cậu đúng là cà chớn, không biết phân biệt phải trái.”

Ông Tuấn to tiếng:
“Phải trái cái quái gì. Vui đùa một chút mà phải phải với trái nữa sao. Cậu trịnh trọng quá.”

Ông Yên giảng hòa:
“Thôi, thôi, xin hai bên bớt giận. Cả hai người đều phải”.

Ông Tuệ gắt:
“Cậu đúng là ba phải.”

“Lại đúng thôi. Không ba phải không phải tôi. Mà này anhTuấn của tôi, sao cứ chứng nào tật nấy, gặp gái là a thần phù vào."

“Lại thằng Phù lúc nãy. Thằng Phù nào thế?” ông Tuệ nói hơi gắt.

“Thằng Phù nào, cậu không biết hả?” Ông Yên đáp. “Để tôi nói cho nghe. Hồi đó lúc mới chạy qua Mỹ một mình, tôi buồn không thể tả. Cộng đồng chưa thành hình, người tỵ nạn như chúng mình sống rời rạc, vất vưởng như hồn ma bóng quế trên cái đất nước mênh mông lạnh lùng này. Hai cậu cũng đã từng nếm qua, khỏi phải nói nhiều."

"Cậu bảo là khỏi phải nói nhiều thế cậu đang giở trò gì đó?" ông Tuệ chưa hết giận. “Gọn gọn lại đi.”

Ông Yên cười:
"Tôi đang giải thích chữ a thần phù đây, ưng nghe không? Nhưng phải có đầu có đuôi chứ. Hồi đó tôi sống tại một thị trấn nhỏ, thị trấn Orangeburg tiểu bang South Carolina, không thấy người Việt Nam nào cả. Buồn lắm. Bất cứ lúc nào có dịp là tôi qua Nam Cali thăm như đi về quê mình. Gặp được nhiều người Việt Nam, ăn món Việt Nam, nói tiếng Việt, đã quá. Trong một lần về đó, nhân dịp tụi Huế tổ chức cái gọi là Ngày Nhớ Huế, thì tôi tuy là gốc Gò Công, cũng đâm ra nhớ Huế lây. Thế là a thần phù tới. Nghĩa là xông đại tới, khỏi cần ai mời."

"Thế tụi nó không hỏi vé sao," ông Tuệ thắc mắc.

"Không. Một vài thằng đi theo dòm dòm, tôi ‘thành thật khai báo’ và sẵn sàng đóng tiền. Thế là OK.
Chữ a thần phù tôi học trong dịp đó. Phải quen nhiều người Huế, phải học nữa mới biết hết tiếng Huế."

"Phải học nữa sao?" ông Tuệ ngắt lời. "Cậu làm như dân Huế là người ngoại quốc không bằng! Tôi cũng có mấy thằng bạn Huế, mà nói gì tôi cũng nghe lọt hết.”

"Tôi chưa nói hết mà. Tôi học đấy, nghĩa là yêu cầu tụi nó nói tiếng Huế nhiều nhiều cho tôi nghe, tôi học, bằng không chúng giả giọng Nam. Và gặp người Bắc chúng lại giả giọng Bắc. Chúng bảo giả giọng như thế để người nghe hiểu dễ hơn. Cho nên có nhiều thằng Huế mà mình cứ tuởng chúng là Bắc Kỳ hay Nam Kỳ. Nhưng...”

“Nhưng cái gì.” Ông Tuệ ngắt lời, “Đừng nhưng nữa!”

“Ừ, thì không nhưng nữa. Tụi Huế giả giọng Nam, giọng Bắc thì OK. Nhưng, xin lỗi, lại ... nhưng. Nhưng có cái chuyện lạ là nếu chúng giả giọng Quảng Nam là bị tụi Quảng Nam cà khịa ngay. Chẳng hạn cái bàn nói thành cứa boàng dịch ra tiếng Tây là loa toáp.”

Ông Tuấn đưa nhận xét:
“Tốt hơn hết giọng mình thế nào nói thế ấy, dần dần người khác sẽ hiểu hết. Tiếng Việt thêm phong phú. Chửi cha không bằng pha tiếng. Tụi Huế ưa giả giọng vì muốn chiều người khác, đồng thời chúng nó cũng tỏ ra yếu kém, thiếu tự tín. Cái bọn đó không giữ nổi bản sắc của mình.”

“Tuệ ơi, anh Tuấn nói cái gì đó khó hiểu quá.”

ÔngTuấn nhún vai, im lặng. Ông Yên tiếp:
“Nói với mình, tụi Huế nó nói gần giống mình, giữa chúng nó với nhau lại khác. Nhất là trong những buổi hội họp riêng, chúng càng thích nói những tiếng địa phương mà chúng bảo là 'rặt Huế'. Đố ai hiểu nổi. Chẳng hạn nói như thế này là nói cái gì: ‘Năm ni chắc lụt tởn lắm. Nước mới đó xắp xắp ngoài cươi rứa mà chừ đã em em nửa chưn chờn.’"

Ông Tuấn bật cười:
"Dễ ợt. Năm nay lụt lớn lắm. Em ơi, hãy rửa chân rồi lên giường với anh.”

Ông Yên vui vẻ hẳn lên:
"Trật, trật nhiều chỗ. Chẳng hạn em em đâu phải là em. Để tôi cho một ví dụ khác xem hai cậu hiểu chữ em em không nhé. ‘Lụt lội cho nên cá mú rẻ độn. Chỉ mấy trự cũng mua em em một rổ.’"

Ông Tuệ đáp ngay:
"Biết rồi, em em nghĩa là gần bằng, hay là hơi kém một chút. Tôi mang theo em em mấy triệu, chốc nữa ba anh em mình kéo nhau đi đánh chén. Đúng chưa? Thế thì anh anh hay chị chị nghĩa là nhiều hơn, hay quá hơn một chút, phải không.”

“Không ai nói thế,” ông Yên đáp. “Còn câu này thì hai cậu có hiểu không nào: ‘Tưởng răng, chộ mệ mì biết rứa đó nê.’”

Ông Tuấn cười:
“Xin thua.”

Ông Yên làm khó:
“Thua kệ, tôi không giảng nghĩa đâu. Xin trở lại chuyện cũ. Cũng nhờ Hội Nhớ Huế và mấy thằng bạn Huế khá thân mà hồi đó mình đỡ cô đơn, nhưng tình yêu thì không có cho mãi đến khi tôi gặp anh Tuấn của tôi đây. Tuệ đã biết rồi chứ, Tuấn và Yên như hình với bóng.”

Nói đến đây, ông Yên nhìn ông Tuấn âu yếm:
“Nhưng, xin lỗi lại nhưng, như một ông thi sĩ nào đó nói rất trúng tâm can của tôi, ‘Cho thì nhiều song nhận chẳng bao nhiêu.’”

Ông Tuấn quát:
“Câm cái mồm lại có được không!”

Ông Yên cúi mặt im lặng vâng lời.

Ông Tuệ cười cười, vẫn nụ cười pha chút giễu cợt:
“Bị Tuấn nó mắng là phải. Có hay ho gì mà cứ đem khoe hoài.”

Ông Tuấn quắt mắt, cau mày khó chịu, ông Yên sung sướng cười tủm tỉm. Ông Tuệ làm như không để ý đến phản ứng của bạn, nói tiếp:
“Yên, cậu đang ‘Tự Hào Về Mình’ đấy, phải không? Hãy trở lại chuyện Huế nhé. Bây giờ tụi nó có còn tổ chức Ngày Nhớ Huế không, và cậu có còn a thần phù tới nữa không?"

"Không, đã có anh Tuấn đây rồi. Chúng tôi luôn luôn đi chơi nhiều nơi với nhau lúc nào có ngày nghỉ dù ngắn hoặc dài. Còn tụi Huế hả? Tụi nó vẫn tổ chức đại hội hàng năm. Nhưng có khác. Trước kia chúng nó nhớ thiệt, bây giờ nhớ dỏm. Ai nhớ thiệt cứ việc bay vèo một cái là về tới nơi ngay, hết nhớ. Họp nhau chẳng qua để có cớ gặp lại nhau, chứ không phải để nhớ Huế nhớ Huệ gì ráo."

"Có thể như thế, mà cũng có thể vì nhiều lý do khác," ông Tuệ lý sự. "Cậu luôn luôn kết luận vội vã, chủ quan. Sự đời đâu có đơn giản như vậy."

"Thế theo cậu, vì lý do gì?" ông Yên gật gù hỏi.

Ông Tuệ không trả lời câu hỏi ấy, quay qua cười giả lả với ông Tuấn:
"Cậu nghĩ sao?"

Ông Tuấn còn hậm hực, hỏi lại:
"Nghĩ sao chuyện gì?"

"Chuyện nhớ Huế," ông Yên nhắc.

"Có lẽ tôi đồng ý với cái anh chàng ưa lý sự này," ông Tuấn đáp. "Không nên kết luận vội, không nên đóng vai quan tòa. Theo chỗ tôi biết, nay ngoài nhóm nhớ Huế, còn có nhiều nhóm khác mỗi năm đều họp nhau lại để nhớ chuyện cũ, để nhắc lại quá khứ, trường xưa. Chẳng hạn Ngày Nhớ Thủ Dầu Một, Nhớ Lại Giang, Nhớ Cổ Nhuế, Nhớ Phú Yên, Nhớ Quảng Trị, Quảng Nam, Hội An, Đà Lạt, v.v... Nhớ Huế là Nhớ Huế Xưa khi họ còn sống tại quê nhà, chứ không phải Huế bây giờ. Ngay nội chữ nhớ mà thôi cũng ngụ ý quá khứ. Nhưng càng có nhiều hội nhớ nhớ đó tôi càng có linh cảm rằng Việt Nam, rằng quê cũ, sắp tiêu vong rồi."

Ông Tuệ tiếp:
"Cứ tưởng Tuấn chỉ biết gái mà thôi, không ngờ cũng có những ý kiến lạ."

Ông Tuấn nhún vai, nói tiếp:
"Riêng tôi không những chỉ nhớ Huế, nhớ Quảng Trị, nhớ Quảng Nam, Đà Nẵng, nhớ Rạch Giá, nhớ Cà Mau, vân vân, mà nhớ cả Việt Nam nữa. Vì vậy năm nào tôi cũng về thăm."

Ông Tuệ cười mũi:
"Đúng là giọng điệu của một nhà ái quốc chân chính!"

Ông Tuấn dằn tay xuống bàn đánh sầm một tiếng, đứng dậy, cầm lon bia đi quanh, nhìn trời, nhìn đất.
Ông Yên nói nhỏ:
“Tuệ ơi, Tuấn nó đã đổi tính, nó hay sửng cồ vì những chuyện không đâu. Nhiều khi ảnh còn muốn bợp tai moa. Mà toa cũng thế, không như xưa. Moa nhớ xưa toa chịu chơi hơn nhiều. Dù hiện thời toa có làm cái chức gì đi nữa, bạn bè cũ cũng phải nương nhau một chút. Không nên cạn tàu ráo máng. Toa nói gì moa cũng không giận, nhưngTuấn nó khác.”

“Tôi chỉ cần sự thật. Sự thật thế nào nói thế ấy.”

“Ủa, anh ấy có bịa chuyện gì đâu cậu bảo cần sự thật? Thôi, dĩ hòa vi quý.” Quay về phía ông Tuấn đang đi, la lớn, “Anh Tuấn ơi, lui lại đây mau. Tôi kể chuyện này cho anh nghe, vui lắm.”

Ông Tuấn trở lại bàn, mặt vẫn đăm chiêu. Ba người bạn ngồi yên lặng một chốc. Bỗng dưng ông Tuấn có vẻ tư lự, nhìn ông Tuệ một cách buồn rầu:
"Tuệ, cậu nên bỏ cái tật châm chọc, mỉa mai người khác nhé. Còn tôi, tôi cũng rán kiềm chế cái nóng giận thất thường. Không hiểu vì sao độ rày tôi cứ bồn chồn, ngồi đứng không yên.”

Ông Tuệ cầm lon bia uống cạn, tiếp lời:
“Nhưng trước mặt các em thì bình thản?”

“...”

“Ô, tôi nói đùa đấy mà. Bệnh của cậu dễ chữa lắm. Trở về Mỹ đến các bác sĩ tâm thần là xong ngay.”

Ông Tuấn nghiêm giọng:
“Tôi nói cậu đừng giận, cậu thay đổi nhiều đấy. Nhưng không lẽ quen nhau lâu ngày lại không thể trò chuyện với nhau.” Ông lại đăm chiêu. “Bây giờ tôi xin được tâm sự đôi chút, cậu bằng lòng chứ? Quả thật ở Mỹ mười mấy năm nhưng tôi chưa thấy ‘dính’ vào một cái gì cả. Sống tại khá nhiều tiểu bang, tôi nhìn cảnh giàu sang, đẹp đẽ, bằng cái nhìn của một du khách, hay tệ hơn nữa, của một người ngoại cuộc, một kẻ chầu rìa.”

“Đó là vì ông muốn thế,” Ông Tuệ đáp. “Ông cố chấp, ông không tìm cách hội nhập. Ông có quốc tịch Mỹ rồi chứ? Một cách vô tình, ông không làm đúng bổn phận công dân, cái bổn phận có tính cách thiêng liêng chứ không phải chỉ có việc đóng đủ thuế, không phạm pháp, không lừa đảo, vân vân, thế là mọi thứ đều ... đều ... coi như sòng phẳng.”

“Cậu nói đúng, nhưng tôi không cưỡng được lòng tôi. Việt Nam, quê cũ, kỷ niệm, tưởng như đã bị chôn vùi vĩnh viễn. Đau đớn biết chừng nào. Bỗng nhiên được về dễ dàng, tôi sung sướng đến bàng hoàng. Vậy là năm nào tôi cũng về thay vì đi du lịch những nơi khác. Nhớ lần về đầu tiên tôi xúc động quá, nó làm tôi hầu như quên hết tất cả mọi bứt rứt trong lòng mà tôi mang theo từ ngày rời bỏ quê hương. Những lần sau, khi xúc động ban đầu giảm đi dần, thì thực tế của cuộc sống hiện ra rõ hơn, cái bứt rứt trở lại với tôi. Nhiều lúc tôi thấy chán nản quá.”

Ông Yên gọi thêm ba lon bia lạnh rồi bô bô:
"Các cậu cứ nói chuyện đâu đâu! Nghe tôi đây nè, nghe loa phóng thanh kia kìa. Đúng như Tuệ nói hồi nãy hết Đêm Đông rồi lại Mùa Đông Của Em, rồi lại mùa đồng gió ó ó lạnh lung, giò lạnh lùng. Chìm thồi bày ...Chắc là bài hát của Phan Huỳnh Điểu. Trời nắng chang chang, mà cứ lạnh lùng hoài, kỳ quái quá!"

Ông Tuệ cự nự:
"Cậu mới kỳ quái, người ta đang nói chuyện nghiêm túc ..."

Ông Tuấn tiếp lời:
"Yên ơi, trời đang nóng bức mà được thưởng thức những ngày đông, những đêm đông, dù qua giọng hát, thì cũng thấy đỡ khổ chứ bồ."

Ông Tuệ dường như rất quan tâm đến câu chuyện của ông Tuấn, thúc giục:
"Nào, tiếp tục đi Tuấn. Cậu bảo cậu nản lắm? Cái gì làm cậu chán? Mà chán sao lại năm nào cũng mò về."

Ông Tuấn nói một hơi dài:
"Vâng, năm nào tôi cũng muốn về. Lần đầu tiên về Việt Nam, trước hết tôi tìm thăm quê tôi. Rồi đến những nơi đã từng sống, rồi đến những nơi mà từ lâu tôi mong đến cho biết. Háo hức, cảm động. Dần dần một thứ phản cảm xâm chiếm lúc nào không hay, dần dần thấy mất vui. Nhưng vui hay buồn không quan trọng cho bằng cái tâm trạng lạc lõng. Cậu biết tôi thích thơ chứ. Tôi nhớ mấy câu thơ của Đỗ Phủ: Tiện tử nhân trận bại/Quy lai tầm cựu hề. Hoặc Túc điểu luyến bản chi/An từ thả cùng thê. Trong bài Vô Gia Biệt.”
“Tôi kém chữ Hán. Cậu dịch giùm đi.”

“Nghĩa là Chim chóc luyến cành xưa/Khốn quẫn cũng là nhà. Và hai câu trên: Tôi về nhân thua trận/Tìm lại chốn cũ này. Mấy câu dịch khá sát.”

Ông Tuệ cười thích chí:
“Không ngờ xưa và nay giống nhau như khuôn đúc. Cậu là Đỗ Phủ đấy. Cũng thua trận, cũng về quê, cũng lưu luyến này nọ.”

Ông Tuấn nói như gắt:
“Ví von cái quái gì thế. Đỗ Phủ là thi hào Tàu, tôi chỉ là người đọc.”

“Tôi chưa nói hết ý mà. Tôi muốn nói hoàn cảnh, tâm trạng của người xưa và của cậu có khác gì nhau đâu.”

Ông Tuấn lắc đầu chán chường. Uống hết bia còn lại trong lon, ông chậm rãi:
“Cậu không nên kết luận vội như thằng Yên hồi nãy. Thử tưởng tượng hoàn cảnh của Đỗ Phủ ngày xưa. Sống vào cuối đời vua Đường Minh Hoàng, nào An Lộc Sơn nổi dậy, nào con cháu nhà vua tranh giành ngôi báu gây việc binh đao, cũng loạn ly đấy, cũng chạy giặc hết nơi này đến nơi khác, nhưng không trực tiếp tham chiến. Rồi khi hết giặc, con cháu Đường Minh Hoàng lại lên nối ngôi, rồi cái xã hội phong kiến ấy trở lại với chừng ấy sinh hoạt, chừng ấy tình cảm, chừng ấy suy nghĩ. Cuộc sống của cả ngàn năm cũ tái diễn. Thì Đỗ Phủ có lẽ sẽ nghèo khổ hơn đôi chút nhưng rồi cũng phải ‘Về thu xếp lại/Ngày trong nếp ngày’”.

“Lại thơ Đỗ Phủ?” ông Tuệ chen vào.

“Không phải thơ. Mấy câu trong một bài ca bây giờ. Còn chúng ta? Khác, hoàn toàn khác. Ở Mỹ không thích nghi nổi với cuộc sống mới, về quê cuộc đời cũ không còn. May ra nó còn sót lại ở nông thôn, ở những ngôi chợ nhà quê đơn sơ, mộc mạc, ở những cô gái hàng rong, buôn thúng bán bưng, ở cô hàng bán trái cây.”

“Tôi khác anh. Thế anh không muốn dân mình tiến lên cho kịp cộng đồng loài người trên thế giới sao. Anh muốn chận đứng tiến hoá?”

“Không phải thế,” ông Tuấn đáp. “Tiến hoá thì ai mà không muốn, nhưng tiến hoá không có nghĩa tiến tới những sa đọa, bạo ngược, lừa đảo, vong bản.”

Ông Tuệ có vẻ suy nghĩ:
“Vâng, tôi về đây lần đầu mà cũng đã cảm thấy có cái gì không ổn. Nhân biết đến một vụ xử án tôi mới thấy toà án ở đây không thay mặt cho công lý. Đó là điều tôi vô cùng ngạc nhiên và chán ghét. Họ là công lý mà, ấy thế họ vo tròn, bóp méo luật lệ một cách ‘vô tư’. Người bị xử chẳng khác gì con cá nằm trên thớt. Nhưng thú thật tôi không biết nhiều ... xin anh nói tiếp.”

“Chúng ta thua trận phải lìa bỏ quê hương đã đành, thế mà vẫn còn may mắn đấy. Những người bị kẹt lại mới khốn đốn. Những người khốn đốn ấy, và cả dân tộc, hiện đang sống dưới một chế độ độc tài, tham ô, dã man, tàn bạo. Một thiểu số cầm quyền dựa vào những lý thuyết ngoại lai vớ vẩn, lỗi thời để thay đổi cuộc sống đến tận gốc, thẳng tay đàn áp những ai có ý khiến khác. Còn đối với ngoại bang thì khiếp nhược, đưa đất nước dần dần đến bờ vực thẳm. Vì vậy bọn chóp bu chân trong chân ngoài để khi có biến là nhảy vọt đi như những con bọ chét trên cái thân thể quằn quại đang chết cháy. Vâng, không khéo Việt Nam sẽ mất vào tay bọn bành trướng Tàu. Cho nên nhớ quê cũ, tôi về thăm, ngày càng thấy buồn bã, lạc lõng, mà vẫn phải về.”

“Cậu nói gì tôi không hiểu.”

“Vì, như đã nói, tôi sợ trong một tương lai không xa không còn nơi để về.”

“Cậu hơi bi quan đấy.”

“Không bi mà cũng chẳng lạc. Và lần này Việt Nam sẽ bị xóa sạch vĩnh viễn trên bản đồ thế giới.”

Ông Tuệ bác bỏ ngay:
“Thế là cậu không nhớ những bài học lịch sử. Chúng nó đã xâm lấn ta nhiều lần nhưng cuối cùng lần nào cũng bị đánh đuổi về Tàu.”

“Xưa khác nay khác. Xưa Tàu đất rộng người thưa, không có nhu cầu di dân. Thấy tiện thì ở lại lâu, bị chống đối hoài hoặc không quen thời tiết, khí hậu, viêm nhiệt, dịch tể, thì rút về nước. Nay Tàu dân số hơn một tỷ ba, lại hùng cường, cả thế giới đều nể sợ. Tàu không đủ đất cho dân ở, tất nhiên chúng phải tìm cách bung ra.

Chỗ gần nhất và dễ chiếm nhất là nước ta, rồi sẽ lấn qua các nước lân cận khác như Thái Lan, Lào, Căm Bốt, Miến Điện v.v... Hiện nay Tàu cũng đã có ý đồ di dân qua tận Châu Phi.”

“Vô lý,” ông Tuệ bẻ.

“Vô lý chỗ nào?”

“Ở chỗ cậu bảo Việt Nam dễ bị xâm lăng nhất. Tại sao thế?”

“Nếu cậu có theo dõi thời cuộc cậu sẽ biết tại sao. Bọn cầm quyền vì tối tăm, vì hèn nhát, vì tham nhũng, hối lộ, để mất đất, mất rừng, mất biển dần dần. Đã thế còn để cho lũ Tàu tràn ngập mọi nơi trên đất nước. Chúng sẽ là một lực lượng nằm vùng khổng lồ sẵn sàng đâm sau lưng ta khi cơ hội đến. Lòng dân ly tán, mệt mỏi, chán nản. Nếu có chiến tranh, liệu nhà cầm quyền có còn khả năng huy động và lãnh đạo dân chúng chống ngoại xâm như tổ tiên ta ngày xưa hay không? Có kịp trở tay không? Mà không đánh nhau, nước cũng mất.”
“Tại sao? Tại sao?” ông Tuệ có vẻ sốt ruột.

“Bọn Tàu đã di dân vào quá dễ dàng, càng ngày càng nhiều, lập nên vô số cơ sở văn hóa, kỹ nghệ, thương mại, lấy vợ, sinh con đẻ cái, đồng hóa ta mấy hồi. Mà đã bị đồng hóa thì còn đâu Việt Nam.”

“Vậy theo cậu tình hình đã đi đến chỗ tuyệt vọng?”

“Gần như là tuyệt vọng.”

“Gần như nghĩa là chưa hoàn toàn tuyệt vọng?”

“Đúng thế, nếu bọn cầm quyền còn nhất điểm lương tâm, chưa bán đứng đất nước cho Tàu. Trước hết phải đề phòng tụi Tàu đang sống trên lãnh thổ của mình, đuổi cổ những tên không có giấy tờ hợp pháp, hành nghề hợp pháp, không cho chúng di dân thêm. Đồng thời mở rộng cửa tìm đồng minh. Mà đồng minh đủ sức chọi lại với Tàu là Mỹ.”

Ông Tuệ cau mày:
“Cậu đã quên Mỹ từng bỏ rơi ta?”

“Trước khác, bây giờ khác. Bây giờ trong tình thế này, Tàu sẽ chiếm Việt Nam rồi một số nước Đông Nam Á và làm chủ Biển Đông. Và chỉ trong vòng nửa thế kỷ Tàu sẽ đô hộ Mỹ, làm chủ thế giới, nếu Mỹ thiếu cảnh giác. Cho nên Mỹ cũng có nhu cầu tìm đồng minh. Mà đã là đồng minh với nhau thì ít nhất phải có chung một vài điều chủ chốt. Chẳng hạn vấn đề dân chủ và nhân quyền. Chỉ có dân chủ thật sự kéo theo quyền làm người thực sự thì mới mong có hòa bình thế giới, mới tránh được nạn độc tài, phát xít khi có sức mạnh trong tay. Việt Nam phải từ bỏ cái chế độ độc tài đảng trị lỗi thời này mới có thể đứng sát cánh với các nước khác thuộc vùng Đông Nam Á, với cộng đồng thế giới, và đặc biệt, với Mỹ.”

“Cứ cho rằng lời cậu nói là đúng đi thì Mỹ cũng cần Việt Nam y như Việt Nam cần Mỹ. Vậy chẳng cần ai nhượng bộ ai. Nghĩa là chẳng ai cần phải thay đổi thể chế của ai?”

“Nhưng Mỹ rộng tay hơn. Không có Việt Nam làm đồng minh, Mỹ cũng có kẹt đấy, tuy nhiên có thể tìm nhiều đồng minh khác. Còn Việt Nam mà không có đồng minh, nhất là không có Mỹ nhảy vào, Tàu nuốt sống ngay. Cậu cũng đã biết đấy, trong những năm gần đây, Tàu đã vứt cái mặt nạ giả nhân giả nghĩa, công khai chiếm đất, chiếm biển của Việt Nam, bắn giết ngư dân Việt Nam, tuyên bố sẽ khai thác các mỏ dầu hỏa trên lãnh hải của Việt Nam. Rõ ràng Việt Nam đang bị Tàu nuốt chửng dần dần. Đó là chưa nói đến yếu tố Đài Loan.”

(Còn tiếp)

Thơ Xuân Diệu
2 Chiếc Lá Thu Phai - Trịnh Công Sơn
nguồn:http://www.diendantheky.net/2012/09/ngu-thuyet-bon-nguoi-lao-ao-2.html
==========================================================
Ngự Thuyết - Bọn người lao đao (3)
Ngự Thuyết

(Tiếp theo)

Ông Tuệ lại cau mày:
“Sao lại thêm Đài Loan vào đây?”

“Thứ nhất, Đài Loan ở xa Trường Sa trên cả ngàn cây số mà vẫn cứ cố chiếm cho được hòn đảo lớn nhất trong vùng quần đảo Hoàng Sa của ta. Ông thấy chưa, Tàu lục địa chiếm Hoàng Sa và những đảo gần, Tàu hải đảo chiếm đảo xa. Rồi một tương lai không xa khi thời cơ thuận tiện, Tàu lục địa sẽ công khai tuyên bố từ bỏ chủ nghĩa Cộng Sản, thật ra hiện nay tụi nó chỉ dùng chủ nghĩa Cộng Sản như cái bung xung, thì Đài Loan sẽ thoải mái nhập vào đất mẹ Đại Hán. Và người Tàu hiện đang sống tại hầu hết mọi nơi trên hành tinh nhân mãn này cũng sẽ hân hoan ủng hộ nước Tàu Đại Hán chủ tể loài người.”


“Ông đoan chắc như thế hả?”

“Chắc thế nào được. Mình chỉ nhìn những biểu hiện bên ngoài rồi đoán mò như thầy bói sờ mu rùa. Thằng nào cũng lo cho mình trước hết, cho nên chúng nó còn tính toán thiệt hơn, đi đêm với nhau, lừa đảo nhau, dọa dẫm nhau, mặc cả với nhau, vân vân và vân vân. Đó là những thằng lớn con. Còn những thằng nhỏ con mà ngu thì chẳng khác gì những con tốt thí để cho những thằng lớn con sử dụng trong bàn cờ của chúng. Nhưng điều này mới là chắc chắn - tính cách Đại Hán bành trướng trong dòng máu Tàu. Tôi có thằng bạn mở phòng mạch tại khu nhiều Tàu Chợ Lớn tại Toronto, Canada. Nhân vụ Biển Đông, trong câu chuyện làm quà, một bệnh nhân Tàu cười hề hề và nói với bác sĩ Việt Nam rằng các hòn đảo đó thuộc Việt Nam cũng tốt, mà thuộc Trung Quốc cũng tốt thôi, có gì mà phải tranh giành làm mất lòng nhau. Mình là anh em một nhà mà. Bạn tôi hỏi thêm, ‘Nhưng thuộc về ai thì tốt hơn?’ Hắn cười hề hề không trả lời.”

Ông Yên ngồi nghe lâu sốt ruột la toáng lên:
"Ê, dzô đi chớ. Bia hết lạnh, hai cậu ơi. Mà Tuệ này, ông đã khơi đúng cái nguồn của anh Tuấn, ảnh sẽ cho nó tuôn ra mãi, nghe mệt nghỉ. Ta đang đi chơi, thì phải biết tận hưởng cái vui trước mắt, nói chuyện đâu đâu, mất cả thì giờ. Trở lại chuyện con nhỏ bán trái cây coi bộ hay hơn. Phải không anh Tuấn, nói chuyện tán gái là nhất."

            Ông Tuấn cười miễn cưỡng:
            "Đúng đấy, gái Việt Nam là nhất."

            Ông Yên nói oang oang:
            "Anh Tuấn ơi, anh nói vậy không sợ tôi buồn sao? Tuệ này, ảnh có vợ con tùm lum ở Mỹ, bây giờ bỏ hết. Về Việt Nam hoài để kiếm bồ nhí đấy. Thứ đồ bạc tình."

            "Vợ con gì đâu." Ông Tuấn uể oải đáp. "Thấy thích thì chắp nối với nhau một năm năm bảy tháng, rồi đường ai nấy đi. Lỡ sinh con thì tháng tháng gởi tiền cho mẹ nó nuôi nó ăn học, lương tâm đỡ cắn rứt, nhà nước khỏi làm khó."

            Ông Yên vội tiếp:
            "Vợ bên đó của anh toàn là dân Mễ, dân Mỹ, không hợp tính anh. Thì về đây làm lại cuộc đời đi, kiếm bồ nhí ở xứ mình đi, nhanh lên đi..."

            "Ở tuổi này đèo bòng bồ nhí làm gì cho khổ thân,” ông Tuấn ngắt lời. “Gặp người vui tính thì tán bậy bạ chơi, thế thôi." 

            Ngẫm nghĩ một chốc, ông Tuấn tiếp:
            "Ở bên đó cũng thế, khi nào chán đời muốn chết mà không biết làm bất cứ một cái gì khác cho khuây khỏa mà thằng Yên lại trở chứng, thì chỉ cần bỏ ra vài ba chục đô la để tán chuyện tục tĩu với tụi gái nhà nghề. Nghe nhiều hơn là nói. Bằng phone, bằng computer. Chat, chitchat! Dơ dáy và trắng trợn. Làm sao so được với những câu chuyện giữa người mình với nhau, chưa nói đã hiểu, chưa hiểu đã thấy trong lòng dấy lên một thứ tình cảm mang mang nào đó."

            Ông Tuệ nhìn bạn tỏ vẻ thương hại:
            "Cậu bịnh nặng. Buồn rồi vui, rồi chán, rồi muốn chết? Còn tôi thì khác. Đâu vào đấy đàng hoàng. Ly dị vợ cũ, không con, giấy tờ hợp pháp. Nay, lần đâu tiên tôi về đây, về để cưới vợ mới ..."

            Ông Yên cướp lời:
            "Tôi biết rồi. Cô bé hồi nãy chứ gì. Tên là gì, là, là Nhạn, phải không? Trông được lắm đấy. Trẻ, đẹp, duyên dáng, kín đáo. Chứ không sỗ sàng như tôi ... khiến anh Tuấn không vừa lòng."

            Ông Tuấn lườm ông Yên, góp lời:
"Trong ba đứa mình chỉ có Tuệ là nhất. Đem vợ về Mỹ nhớ làm một  bữa tiệc linh đình cho tụi này đến dự với nhé.”

“Cám ơn hai ông khen. Đã thế tôi tiết lộ thêm một chút bí mật nữa. Cô ấy cũng là cháu họ của tôi, có gốc có gác đàng hoàng chứ không phải bồ nhí cà lơ phất phơ như ... đâu. Hồi đó ... chú chú cháu cháu luôn miệng. Hiện ở với mẹ và gia đình người anh cả. Bố đi tù, chết. Và, và, và chờ tôi. Trong nhiều bức thư cô ta tỏ ra rất chịu ông chú họ này.   Đúng thôi. Tôi, như hai anh đã biết, chăm chỉ làm ăn, tạo dựng được chút ít, và nhất là đã hội nhập vào dòng chính ...”

Ông Tuấn ngắt lời:
“Cái gì? Đã hội nhập vào dòng chính?”

“Đúng thế, chứ không phải như hai cậu ... chẳng đâu vào đâu. Nay sắp ‘Đem Nàng Về Dinh’. Còn gì bằng hả cô bé? Cô hài lòng chứ? Cô chờ đã bao nhiêu năm rồi nhỉ, chờ từ ngày còn nhỏ, từ ngày tôi đi. Cô bé rất mộ đạo, nhưng tôi có lẽ còn có sức lôi cuốn hơn. Trong một bức thư cô nói cô không thể sống nổi trong cái xã hội đầy gian dối, lừa đảo này. Cô chỉ có một trong hai con đường: hoặc chú còn thương, cháu theo chú; hoặc chú đổi ý, cháu đi tu. OK, bây giờ tôi phải đi gặp cô ta dưới kia. Chiều nay 6 giờ mình cùng kéo nhau đi ăn nhé. Hẹn trước chợ Đà Lạt rồi chọn nhà hàng sau. Sẽ không có cô ấy đi theo quấy rầy cuộc vui của đàn ông đâu. Tôi mời đấy. Cho nên đừng làm phiền tôi."

“Cái gì?” ông Tuấn gằn giọng.
            “Nghĩa là phải đến đúng giờ. Đừng đi đâu cũng mang theo cái tật quốc hồn quốc túy là trễ giờ. Đừng bắt tôi chờ.”

            Ông Tuấn lại đập mạnh tay xuống bàn, nói với ông Yên:
“Này Yên, bây giờ mình đi là vừa.”

Ông Tuấn đứng dậy, tay cầm nải chuối, quay người, bước nhanh. Ông Yên nán lại thì thầm với ông Tuệ:
“Tuệ này, rất tiếc chiều nay bọn moa bận rồi.”

*

            Ông Tuệ mặt khó đăm đăm:
"Nhạn không được vui?"

            "Cháu vẫn thường. Nhưng hình như có điều gì làm chú bực mình, phải không thưa chú?”

            “Chả có gì, nhưng chú đang bực mình đây.” Ông lầm bầm. “Mặc cảm, những thằng mang đầy mặc cảm. Mà đã mặc cảm thì khó chơi lắm.” Quay qua Nhạn. “Cháu ngồi chờ có lâu không?  Nhưng chỗ này gió quá, đến ghế đá đằng kia ngồi đi.”

            Không chờ Nhạn trả lời, ông Tuệ đi nhanh đến chiếc ghế đá nằm ngay dưới gốc một cây thông già. Nhạn thủng thẳng đi theo sau. Ông Tuệ ngồi xuống giữa ghế, Nhạn khép nép ngồi ở mép ghế, ngoảnh mặt nhìn ra xa. Trên mặt hồ, những chiếc thuyền pédalo nho nhỏ hình con thiên nga chạy khá nhanh, trên đó những cặp thanh thiếu niên nam nữ gò mình đạp, cười nói, hò hét. Tiếng reo hò của họ bị gió đánh giạt nghe vang vang từng hồi. Xa hơn nữa là sườn núi, những ngọn thông đu đưa không ngớt. Hôm nay gió lớn. Ông Tuệ đề nghị:
            "Suốt mấy mươi năm nay chú mới thấy lại cái pédalo. Nhạn, chúng mình xuống đi pédalo nghe."

            Người đàn bà lắc đầu từ chối:
            "Mình già rồi, ai lại chơi cái trò ấy."

            "Già? Chú chưa già mà Nhạn đã già? Nhưng đổi cách xưng hô đi. Anh nói em nghe nhé.”

Nhạn vội ngắt lời:
“Thưa chú, tùy chú. Còn cháu đã quen gọi thế, đổi khó quá. Chú cho cháu một thời gian đi.”
“Ừ, cho. Em biết không, Tây Phương tám chín mươi tuổi còn tự lái xe hơi, bảy tám mươi tuổi còn đi xe đạp tập thể thao. 18 tuổi đã bắt đầu rời bỏ gia đình cha mẹ, ra đời, tự lập, trên 65 hoặc 67 mới về hưu. Thời gian trưởng thành, thời gian làm việc cho xã hội, cho cộng đồng, rất dài. Mà về hưu đâu có nghĩa là chờ chết, mà là để lại bắt đầu một cuộc sống mới, muốn làm gì thì làm, theo sở thích riêng, có tiền hưu đầy đủ hàng tháng. Còn người mình thì 30 tuổi vẫn cứ muốn níu áo mẹ, hơn 40 đã đòi làm ông già. Quá niên trạc ngoại tứ tuần, ông Nguyễn Du từng nói. Hơn bốn chục mà đã quá niên! Vậy thì anh đây hẳn thuộc vào lớp tuổi sắp đi theo ông bà ông vải rồi, phải không em?"

            "Chắc là không phải, thưa chú.”
            "Không, anh nói thật đấy, thật đối với mấy người bạn của anh còn kẹt tại đây. Thỉnh thoảng họ gởi thư cho anh, và tự xưng là mấy ông già chờ chết. Chí phấn đấu ở đâu nhỉ? Trong khi ... như anh đây, anh nói em đừng nghĩ anh ưa khoe khoan, anh đã gầy dựng nên một cái gì đó. Em có phúc đấy.”

            Người đàn bà lơ đãng:
            "Nhưng, nhưng ..."
            Ông Tuệ nói gần như gắt:
            "Nhưng gì?  Không nhân nhụy gì cả."

            "Thưa chú, cháu muốn nói lẽ ra chú biết rõ họ hơn cháu chứ. Trong hoàn cảnh của họ, họ làm gì được. Trừ phi chờ chết. Thôi chú, cho phép cháu nói qua chuyện khác. Hồi đó ..."

            "Lại hồi đó, hồi đó" ông Tuệ lằm bằm.                      
            Người đàn bà thở dài nhìn người đàn ông rồi nói đều đều như chỉ nói cho mình nghe:
            "Thưa chú, cháu xin phép. Hồi đó, hồi Miền Nam mất, thoạt đầu cháu chỉ sửng sốt và hoảng sợ. Rồi chú đi, cháu buồn quá, thn thờ suốt ngày như người mất hồn. Càng ngày cái buồn càng tăng thêm. Cái gì cũng buồn. Ở đâu cũng buồn. Chứ không phải chỉ ở nơi cái hồ này đâu. Mà nơi này thì buồn nhất.”

Ông Tuệ có vẻ chú ý câu chuyện của cô.

“Hồi đó ... bố mẹ cháu, chú và cháu thường đến đây chơi, chủ nhật nào cũng vậy, nếu không cùng nhau tổ chức đi chơi xa, như chú đã nói. Thế rồi, như trời sập, mọi chuyện đổi thay. Người vắng teo, áo dài không thấy, giày dép không thấy, xe cộ không thấy, chim chóc biến đi đâu mất hết, cây cối cũng ủ rũ. Đã thế sương mù không biết từ đâu về nhiều hơn hẳn trước kia, ngày nào cũng ảm đạm như ngày nào. Đêm càng âm u, rùng rợn. Cháu sợ tiếng súng nổ xa, tiếng bước chân ngoài đường cái, đường hẻm, tiếng người quát tháo, tiếng chó sủa. Sợ cả tiếng gió. Và nhất là tiếng gõ cửa. Thấy thế mẹ cháu rất lo lắng nhưng cũng trách cháu rằng ngày bố bị đi tập trung cải tạo, cháu không hoảng hốt bằng hôm chú đến giã từ để vượt biên. Nhiều đêm khuya, tất cả đều im lặng, chỉ còn tiếng dế kêu mãi ở sau vườn, tiếng gió thổi từng cơn vào hàng thông trước ngõ. Đèn tắt đã lâu, mẹ cũng đã ngủ say từ hồi nào. Cháu ngồi thu mình ở một góc giường, hai tay bó gối, thì thầm tụng mãi một bài kinh cho đến khi ngủ thiếp. Có lần mẹ bắt gặp, mẹ khóc. Rồi mẹ bảo mẹ biết con có căn đi tu.”

            Ông Tuệ ngạc nhiên:
            "Em biết tụng kinh? Kinh gì vậy?"

            "Kinh Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát. Cháu tụng kinh cầu nguyện cho chú vượt khỏi  mọi hiểm nguy trên biển hoặc trên rừng."

            "Đèn tắt làm sao đọc được mà tụng?”

            Người đàn bà hơi thảng thốt, quay nhìn người đàn ông rồi cúi đầu xuống trả lời thì thầm:
"Thưa, cháu thuộc."

            Ông Tuệ ngoảnh mặt ra mặt hồ, đưa tay chỉ trỏ bâng quơ và nói:
            "Thuộc thì tụng lại cho anh nghe đi."

            "Không nên, ngồi đây sao tiện. Lại không có chuông, mõ, mất cả nghiêm trang.”    

“Thế hồi đó, đêm khuya, ... gì gì nữa.. ngồi thu mình trên giường mà lại có chuông, mõ hay sao?”

Nhạn im lặng không trả lời câu hỏi của ông Tuệ. 

"Thôi được, OK. Nhưng anh ưa nghe em tụng kinh lại ngay tại đây, và ngay bây giờ," ông Tuệ trầm giọng nói. 

            Nhạn có vẻ khó chịu. Ông Tuệ tảng lờ, nói tiếp:
            "Em cứ tụng nho nhỏ cho một mình anh nghe mà thôi. Có ai ngồi gần đây nghe lén đâu mà xấu hổ. Hay Nhạn ... quên. Thì cứ nói quên."

            “Thưa quên cái gì?” Người đàn bà hơi gắt.

            “Quên kinh.”

            “Nghĩa là cháu nói láo, thưa chú? Không thuộc mà cứ bảo rằng thuộc? Thưa chú, chú thay đổi nhiều quá.”

             Ông Tuệ nghiêm mặt:
            “Anh từng làm việc cho mấy công ty lớn bên Mỹ, có chút quyền hành, có biết về vấn đề quản lý xí nghiệp, quản lý nhân viên dưới quyền. Cho nên chú ... anh chỉ muốn làm một cái “test” nho nhỏ. Thế thôi. Cũng có thể hồi đó em nhớ, bây giờ trước mặt anh em đâm hoảng, quên. Được thôi. Nhưng điều quan trọng là đừng nói dối. Bên đó người ta ghét nói dối lắm. Anh cũng không chấp nhận chuyện dối trá.”

            Nhạn bỗng nhiên bình thản:
            "Thế hả? Cháu đừng nói dối hả? Nhưng nói láo với chú chút chút cho vui câu chuyện có được không, thưa chú. Nào xin chú nghe nhé, chỉ vài đoạn có liên quan chuyện chú vượt rừng, hoặc vượt biển hồi đó. Hồi đó ... sao ở đây buồn quá. Vâng, sao cháu buồn đến thế, đêm đêm ngồi thu mình ở một góc giường ... Mà bây giờ cũng chẳng vui vẻ gì. Rất buồn ... buồn hơn xưa nữa đấy chú. Này chú, cháu chỉ đọc lên thôi, khỏi tụng với niệm làm chi. Cho thêm tội:

"Hoặc thú dữ vây quanh
                        Nanh vuốt nhọn tua tủa
                        Do sức niệm Quán Âm
                        Vội vàng chạy trốn cả
                        ...
                       
"Bão tố và sấm sét
                        Mưa tuôn gió gào thét
                        Do sức niệm Quán Âm
                        Liền sẽ tiêu tan hết ...”
           
Đọc đến đây người đàn bà dường như quá xúc động không thể đọc tiếp. Cô ngừng lại, nói trong nước mắt:
“Bậy quá, chỉ vì muốn được lòng tin của chú mà phải đem cả kinh kệ ra làm trò cười không đúng chỗ.” Và cô ôm mặt thổn thức.

            Ông Tuệ ngượng. Mấy du khách đang đi ngang qua tò mò nhìn. Có lẽ vì ngượng ông đâm cáu, cao giọng:
            "Người ta dòm ngó kìa. Cô lớn rồi, nên ý tứ một chút.”

            Trời bỗng nổi cơn gió mạnh, những tia chớp ngoằn ngoèo xé không gian, tiếng sét nghe đinh tai điếc óc. Cơn mưa đột ngột đến, những giọt mưa làm mặt hồ thoạt tiên nổi bong bóng, rồi mù mịt. Mưa đổ xuống ghế đá, xuống những ngọn lá thông khô nằm vương vãi trên các lối đi. Vài rảnh nước nhỏ chảy dài xuống những bậc tam cấp. Người đàn bà ngồi yên. Người đàn ông đứng dậy chạy được mấy bước rồi quay lui nắm tay kéo người đàn bà, la lớn:
            "Vào ngay trong quán nước kia."

            Nhạn đi theo ông Tuệ. Mưa nặng hạt dần. Còn vài cặp thanh thiếu niên trên những chiếc pédalo coi như không có gì xẩy ra, tiếp tục đạp xe, la hét.

            Vào trong quán, ông Tuệ đến ngồi phịch xuống chiếc ghế đối diện với Nhạn cạnh chiếc bàn nhỏ trải khăn trắng. Trên mặt bàn có một lọ hoa phong lan màu tím nhạt. Chưa hết bực tức, ông Tuệ cằn nhằn:
            "Đã lớn mà không ... mà không ... ý tứ...”   

            Nhạn cúi mặt. Ông ấp úng một chốc, rồi nói tiếp:
            "Nhạn, Nhạn có thấy tụi đạp pédalo kia không?  Hồi nãy ... tắm nắng, bây giờ tắm mưa. Đã lớn mà không ... mà còn vậy. Thế nào cũng bịnh."

            "Ông bà dùng gì," anh chủ quán đến hỏi. Rồi nhanh nhẩu nói tiếp:
            "Mưa thế nhưng chỉ một chốc là tạnh. Bọn ấy hết tắm nắng lại tắm mưa, hết mưa lại tắm nắng, cơn nắng cuối cùng của ngày. Đúng đấy thưa ông, chúng nó thế nào cũng bịnh."

            "Thôi, đừng lắm chuyện nữa ông ơi. Cho tôi một cốc cà phê đen nóng, thật nóng, nhanh lên. Thêm một tí sữa vào, đúng một muỗng thôi. Nhớ kỹ đấy nhé, anh kia. Còn cô Nhạn, cô uống gì không thì nói?"

(Còn tiếp)
nguồn:http://www.diendantheky.net/2012/09/ngu-thuyet-bon-nguoi-lao-ao-3.html?utm_source=BP_recent
=====================================================================
Ngự Thuyết - Bọn người lao đao (4)
Ngự Thuyết

(Tiếp theo và hết)

“Đấy, câu chuyện của tôi là thế đấy.”

Hắn nói xong uống cạn tách trà. Hắn và tôi đã uống hết ba bình trà, ăn mấy cái bánh ngọt. Chúng tôi mới quen nhau chưa đầy một năm mà đã có vẻ tâm đầu ý hợp. Chưa phải là bạn thân. Thật ra tuổi càng lớn ta càng khó kết bạn, nói chi đến chuyện thân với không thân. Hắn thích nói, và nói rất có duyên, tôi thích nghe. Tôi chỉ đóng vai trò trợ hứng cho hắn. 


Tối hôm đó, cuối tháng tư, hắn đến chơi. Tôi đoán hắn muốn nhắc đến ngày miền Nam mất. Nhưng tôi đã đoán sai.    

“Mình ở đây thế mà đã hơn 20 năm rồi,” hắn châm thêm trà vào tách. “Ở đâu quen đấy, lâu ngày thành ù lì. Ừ, bản chất của con người là quên. Rồi mọi chuyện đều qua ... qua ... qua .... như những dòng sông chảy mãi ra biển. Nản quá.” 

“Anh nói ít khi sai,” tôi đáp cho có đáp.

“Ít khi sai nghĩa là cũng có khi không đúng chứ gì. Nhưng đó là chuyện khác. Trở lại câu chuyện tôi vừa kể cho anh nghe, anh thử đoán sẽ kết thúc như thế nào?”

“Tôi muốn biết liên hệ của anh với mấy người đó,” tôi hỏi để có thì giờ suy nghĩ thêm, mà chả nghĩ ra cái quái gì cả. Tôi tự biết tôi không có tài ăn nói, kể chuyện càng bết, chỉ nghe là giỏi. “Nào, bà con ra sao? Quen biết ra sao? Có thường liên lạc với nhau không? Có thư từ hay email cho nhau không? Có ... có...”

Hắn sốt ruột:
“Đừng có có có nữa. Không họ hàng bà con gì cả. Chỉ là bạn thôi, bạn khá thân. Nay tan tác, đứa chết, đứa vào tù, đứa tâm thần. Thôi, để tôi kể tiếp cái kết cục của nó.”

Tôi như trút được gánh nặng:

“Có thế mới là biết được bụng của nhau chứ... nghĩa là biết tôi chỉ thích nghe thôi chứ.”

Hắn rút điếu thuốc lá ra từ bao thuốc để trong túi áo, rồi lại cho vào bao, miệng lẩm bẩm:
“Tôi quên anh không hút thuốc.”

“Không sao. Tôi không hút nhưng thích ngửi khói. Anh cứ tự nhiên.”

“Vâng, chốc nữa hút cũng được. Để tôi kể tiếp nhé, ngắn gọn thôi. Sau hôm gặp cô cháu, ông Tuệ trở lại Mỹ ngay để kịp đi làm việc, và cũng để làm gấp những giấy tờ cần thiết mới có thể đưa cô Nhạn qua sớm. Khi mọi thủ tục giấy tờ đã hoàn tất, không hiểu sao cô cháu ấy cứ lấy hết cớ này đến cớ khác trì hoãn chuyến đi Mỹ. Cuối cùng cô ấy quyết định không đi nữa.”

            Tôi không ngạc nhiên nhưng làm ra vẻ sửng sốt:
“Lạ quá nhỉ. Mối tình đẹp như thế mà cô kia lại trở chứng. Đàn bà là thế đấy, không ai hiểu nổi.”

“Sao anh lại nói thế? Chẳng lẽ anh không biết vì sao cô ấy ... Thôi được rồi, tôi xin kể tiếp. Ông ấy bực bội lắm, bay về Việt Nam hỏi cho ra lẽ. Cô ta nhất định lánh mặt. Ông nổi nóng viết một lá thư gởi cho gia đình cô Nhạn thông báo rằng ông sắp cưới vợ. Nói là làm, ông vội vã đi tìm cưới một cô bé xinh đẹp và nhỏ hơn ông gần 30 tuổi. Đúng là có tiền mua tiên cũng được. Mang vợ về Mỹ ở với nhau hơn một năm, không con. Cô bé  kiếm cớ xin ly dị, chia gia tài, lấy chồng khác. Ông Tuệ lại độc thân. Ông xin hưu trí non, lại bay về Việt Nam đi tìm vợ mới. Có ngay. Và cũng sống với nhau không được bao lâu, lại ly dị. Tuệ bây giờ trở nên lẩm cẩm nặng, suốt ngày không biết làm gì, buồn, tuần nào cũng đi đến các casino, từ thua đến thua, hết cả tiền để dành, bán cả cái nhà đang ở, nợ nần chồng chất, hai ba lần vào nursing home.”

Tôi buồn lây. Uống xong tách trà, tôi hỏi tiếp:
“Còn hai ông kia, ông Tuấn, ông Yên?”

“Kinh khủng lắm, anh ơi. Một hôm Tuấn đòi về Việt Nam, Yên không chịu. Hai bên cãi vã từ sáng đến trưa. Trong cơn nóng giận, sẵn cây dao gọt cam để trước mặt, Yên  đâm Tuấn một nhát. Không may trúng tim, Tuấn chết ngay tại chỗ. Ông Yên bỏ trốn được mấy ngày rồi ra nạp mạng với sở Cảnh Sát.”

 “Bạn của anh toàn là những kẻ đáng thương, những người lao đao, lận đận. Nhưng có lẽ đáng thương nhất là cô Nhạn. Anh có biết gì thêm về cô ấy không?”

Hắn được dịp bắt bẻ tôi:
“Anh hôm nay làm sao thế? Vừa bảo cô ấy trở chứng, thứ đàn bà này nọ, bây giờ lại nói cô ta đáng thương nhất. Không, tôi không biết gì thêm về cô ấy cả. Mùa xuân năm ngoái tôi tình cờ gặp Tuệ tại D.C. Anh ta theo đoàn du lịch thăm hoa anh đào nở. Anh ấy bây giờ già đi hẳn, quên trước quên sau, nói năng gắt gỏng, khó khăn, lộn xộn, nhưng khi tôi nhắc đến cô Nhạn, anh như người tỉnh giấc, lặng người. Anh kể lể dông dài chuyện cũ, chuyện cô cháu mà anh không thể nào quên. Rồi anh lọng cọng rút cái ví từ trong túi quần lấy ra cuốn sổ tay nhỏ, chỉ cho tôi cái hình bán thân của cô Nhạn, địa chỉ của cô Nhạn, bảo tôi ghi lại và nhờ tôi gởi thư ngay xem có tới tay cô ta không. Chứ thư ông gởi, cô ấy không trả lời. Tôi là chúa lười viết thư nhưng cũng viết một lá thư ngắn không mong gì nó tới người nhận. Quả thế, cho đến bây giờ tôi vẫn không có tin tức của cô Nhạn.”    

Tôi buột miệng:
“Cô ấy trốn vào núi rồi.”

“Ông nói cái gì vậy? Vào núi để làm gì?”

“Thì lên núi, xa lánh cõi trần ai tục lụy, tìm một ngôi chùa thanh vắng.”

Hắn cười:
“Anh nói thế không chừng đúng đấy.”

*

Tôi bắc nước để pha thêm trà. Đêm đã khuya, uống trà như thế này sẽ khó ngủ, nhưng mấy khi bạn tới chơi lâu. Tôi mở lời:
“Anh hãy ở lại đây đêm nay với tôi nhé. Tha hồ ôn chuyện cũ. Sáng ngày mai ta đến tiệm cà phê mới khai trương. Mới mở chắc chắn phải ngon, phải không anh?”

Hắn vui vẻ gật đầu.  
“Anh thấy chuyện tôi vừa kể như thế nào?” hắn hỏi.

“Hấp dẫn, nhưng rắc rối quá, như trong tiểu thuyết. Nhưng có đúng sự thật không anh?”

            “Anh hỏi lạ chưa! Chẳng lẽ tôi nói dối với anh. Nhưng sự thật là thế nào? Trong cuộc sống này làm sao anh biết hết được sự thật. Đi đến gần sự thật là đã may mắn lắm rồi. Mà muốn thế, phải hư cấu thêm. Để tôi nói cái này cho anh nghe nhé. Một lần tôi lên Kontum nhìn sông Dabla chảy ngược về phía Lào. Tôi tự hỏi mình biết được gì về con sông ấy. Chỉ thấy được một đoạn sông thôi, còn biết bao nhiêu chuyện khác về nó hoàn toàn vượt ra ngoài sự hiểu biết của tôi. Chẳng hạn ngọn nguồn của nó, chỗ nông chỗ sâu, nơi nào có rong rêu, tôm, cá, nơi  nước chảy siết như thác, nơi lặng yên, tháng nào nước tràn bờ, tháng nào khô cạn, vân vân. Con sông còn thế huống là con người. Anh chỉ thấy bề ngoài của con người vào một thời gian nào đó, một không gian nào đó, xuyên qua tâm trạng của chính anh vào một lúc nào đó. Muốn biết hơn, phải hư cấu thêm, may ra soi sáng thêm chút ít. Mà rủi thì trật lất cũng không sao. Còn hơn ù ù, cạc cạc. Anh đồng ý không, ở đời này khó nắm bắt được cái thật tuyệt đối.”

Tôi buộc lòng phải phê phán một câu:
“Anh là đệ tử của thuyết hoài nghi.”

“Không, trái lại là đằng khác. Tôi ráng đi gần đến sự thật bằng cách hư cấu thêm. Thật ra khi kể lại một câu chuyện, ai mà không hư cấu, không ít thì nhiều. Bởi thế tôi không thể chịu nổi những thứ mà người ta đã bỏ bao nhiêu công sức để tạo nên như viết một cuốn truyện, dựng một cuốn phim, lại kèm theo cái quảng cáo ngây thơ ‘truyện này, phim này là sự thật, hoàn toàn không phải là sản phẩm của hư cấu’.

Tôi hỏi ngớ ngẩn:
“Sao lại quảng cáo ngây thơ.”

“Ngây thơ là vì chính mình cũng không biết mình có hư cấu, hoặc nghĩ rằng mình có thể đánh lừa những kẻ dễ tin rằng mình không hư cấu. Nhưng này này ... sao anh khôn thế. Cứ bắt tôi kể chuyện mãi sao. Hôm nay ở nhà một mình buồn quá, đến đây mục đích là nghe anh nói, chứ không phải nói cho anh nghe.”

“Tôi thì có chuyn gì đâu mà k. Li không biết hư cu ...”

Hắn ngắt lời tôi, có vẻ giận:
“Đã là bạn bè thì phải fair với nhau. Tôi kể anh nghe thì anh cũng phải kể cho tôi nghe. Trải qua cuộc đổi đời khủng khiếp đến thế thì ai mà không có nhiều chuyện để nói. Nếu anh còn giở trò vờ vĩnh, tôi sẽ không bao giờ nói chuyện với anh nữa.”

Đã đến nước này, tôi đành phải cố nặn đầu ra mà kể một chuyện gì đó cho xong nợ. 

“Vâng, thì tôi xin kể vậy. Nhưng có lẽ câu chuyện chả có gì. Không có án mạng, không tình yêu tan vỡ, không thơ mộng, không lãng mạn, không hư cấu. Xin lỗi có lẽ tôi nói sai rồi, có chút chút ... hư cấu chứ, cho vừa lòng anh. Có lẽ tôi sẽ kể chuyện về những ngày tôi ở tù cải tạo. Ồ không được rồi vì anh cũng đã từng ở tù lâu hơn tôi, gian khổ hơn tôi. Hay kể chuyện về thời gian chân ướt chân ráo đến xứ này. Chuyện này lại nhàm quá, cả trăm người đã nói về việc đó. Hay xin anh đề nghị, xin lỗi, anh khai mào, chỉ dẫn, bày vẽ cho tôi kể một chuyện gì đó?”

Hắn cười khúc khích:
“Anh nói ngược đời! Hay cố tránh né? Được rồi, nếu không có chuyện về anh thì hãy bắt chước tôi kể chuyện về người khác. Chẳng hạn bà con, bạn bè, láng giềng, đồng nghiệp. Nếu cũng còn bí thì, xin lỗi, kể ‘chuyện ông huyện to dái mụ lại to khu’. Có biết bao chuyện để kể. Ha ha ha.”

“Ấy, ấy, xin hạ giọng xuống, vợ con tôi nghe được thì ê cả cái mặt. Vâng, tôi nghĩ ra rồi. Tôi sẽ kể câu chuyện về một người rất thân của tôi, cũng lao đao không kém bạn bè của anh.”

*

Hồi đó, mỗi trận đá banh, nhất là đá banh quốc tế, là một dịp để chúng tôi bừng bừng sống dậy, vùng lên, nổi điên, như diều gặp bão. Chúng tôi còn đi học, ở tại Đại Học Xá Minh Mạng Chợ Lớn rất gần sân banh Công Hoà đường Nguyễn Kim. 2 giờ 30 chiều đá mà 12 giờ trưa, hoặc sớm hơn, chúng tôi đã có mặt tại sân banh cho có chỗ ngồi tốt. Đi coi đá banh vé hạng chót mà. Mỗi thằng mang theo một cái nón đội tạm, thường thì đi đâu cũng đầu trần, một cuốn sách hoặc xấp báo để lót đít, bằng không ngồi trên băng ghế  dài nóng thấy mụ nội, một cuốn truyện để đọc trong khi chờ, hoặc những thằng học gạo mang theo cả bài học. Và một chút gì đó để ăn cho đỡ đói, một chút gì đó để uống. Nước cần lắm, nhưng không phải cho đỡ khát là chính, mà để, sau khi la hét khan cả giọng, nốc nó vào cho thông cổ mới có thể tiếp tục la hét ủng hộ gà nhà. La hét thả cửa, không kiêng kỵ, không dè dặt, và cũng chỉ tại sân đá banh chúng tôi mới được xả hơi tha hồ la hét. Nếu ở nơi khác cũng to mồm như thế chắc chắn bị đưa lên Nhà Thương Biên Hòa. Hai đứa la hét đáng nể nhất là thằng A. và thằng Th.. Ở đây tôi nói đến A., một dịp khác sẽ chuyện trò về Th..

Tiền đạo Thách lừa banh qua khỏi hậu vệ thứ nhất của Đại Hàn, rồi lạng mình như bóng ma vượt luôn qua hậu vệ thứ hai. Cả cầu trường muốn nổ tung. Chúng tôi nhổm đít mắt trợn trừng dõi theo đường banh. Có đứa há to họng như bị thắt cổ. Thằng A. chồm người ra, một tay vịn đầu tên ngồi ghế dưới phía trước bất kể quen lạ, trai gái, tay kia khum vào miệng làm ống loa, gào lên thảm thiết “sút, sút, sút” ... “vô, vô, vô”. Quả nhiên Thách sút một cú “sấm sét” như trời giáng, nhưng banh bay ra ngoài cách sà ngang trong “gang tấc”. Quay qua chúng tôi, hắn nhăn mặt, cau mày, trợn mắt, hét lớn:
            “Mình la đến thế mà banh không chịu vô. Đéo chịu được. Tại gió chớ đâu phải tại Thách, con gà của moa.”

            Trong khi tất cả chúng tôi ngồi xem, hắn đứng lên ngồi xuống không yên suốt hiệp một, suốt hiệp hai. Đứng lên bị khán giả ngồi sau phản đối lại ngồi, rồi quên, đứng lên lại. Chỉ trong giờ giải lao giữa trận đấu hắn mới ngồi, xoay qua bên này, xoay qua bên kia, cãi cọ với chúng tôi “găng” đến nổi khiến người ngoài tưởng chúng tôi sắp sửa bước qua giai đoạn “động thủ” chứ không còn “động khẩu” nữa.

Không chỉ mê xem đá banh, hắn còn mê nhiều thứ khác. Chỉ xin kể vài thứ thôi. Câu cá chẳng hạn. Hồi bé ở quê cuối tuần đi câu cá rô, cá mại, bằng cần hóp, giang nắng suốt ngày bên bờ ao, bờ hói, da cháy rám đen, đầu tóc khét lẹt. Tối về bị ăn đòn mãi cũng không chừa. Lớn lên xách cần câu máy đi sa đà ở nhiều sông rạch miền Nam.

Đến khi hắn bệnh nặng, tôi vội vàng về thăm. Hắn, còn da bọc xương, một mình hai cần câu máy, một cần gác lên trên thanh cây có chỉa ba cắm sẵn xuống đáy nước trước mặt, cần kia trong tay hắn. Nhắm nhía xong, hắn “cà niểng” lội xuống nước cho đến khi nước lên đến đầu gối, chấm đũng quần, rồi lấy đà vung cần câu. Trong khi đó, người bạn thân của hắn, thằng O., người dùng xe gắn máy chở hắn đến nơi này cách thành phố hơn 15 cây số, mà cũng là bạn thân của chúng tôi còn ở lại Việt Nam, ngồi ung dung câu cá dưới mái che, mắt đưa đẩy ngắm “hoa đồng cỏ nội” theo lối nói của nó, tức là những cô gái quê thỉnh thoảng vén quần lội ngang qua các con lạch. Thằng O. câu cá như một thú tiêu khiển lúc tuổi già, trong khi thằng A. xông xáo, sục sạo, khổ sở.

Nhưng câu được nhiều cá có phải để giúp cho bà vợ ở nhà đỡ tốn tiền đi chợ đâu. Mà để cho bạn bè. Thằng O. còn lái được xe hai bánh lãnh việc đi cho. Càng có nhiều cá thằng O. càng mệt và ‘tốn xăng’ chạy đi phân phối nhiều nơi. Tôi đề nghị mỗi tối sau một ngày câu cá, O. hãy dùng ‘điện thoại di động’ gọi ai muốn lấy cá thì tới một nơi tập họp nào đó mà lấy. Không biết hắn có chịu nghe lời tôi hay không.

Xin trở lại với A.. Tôi la lên:
“Bệnh thật hay bệnh giả đấy? Câu cá cái kiểu đó cho mau chết hả, A.?”

Hắn đáp mệt mỏi:
“Đứng đây một chút thôi mà. Lên liền.”

“Mình được email cho biết cậu bệnh nặng. Về lại thấy cậu đi câu!”

“Bệnh bữa đực bữa cái, hôm có hôm không. Hôm nay chủ nhật, thấy trong người khỏe khoắn, ở nhà buồn quá, nên rủ thằng O. đi câu. Năn nỉ mãi hắn mới chịu đi. Hắn bảo mình đau, hắn không chở đi đâu, nhưng hắn đâu biết rõ mình bằng mình.”

Tôi lo lắng nhìn thằng O.
“Hắn rứa đó,” O. nói. “Mình can mãi hắn không nghe. Thật ra hôm nay thấy hắn khá hơn những lần đi câu trước.”

Sau hôm đi câu ấy, bệnh của hắn trầm trọng. Hắn xin nghỉ dạy học tại trường. Lớp học tại nhà cũng phải tạm ngưng. Vào bệnh viện. Mấy hôm sau qua đời.   
           
Lúc còn trẻ đến tuổi đi lính, hắn tình nguyện đăng vào “Lực Lượng Đặc Biệt”.  Vừa xong khóa học, hắn đi đóng đồn xa hoặc đi đánh trận lu bù, không sao cả. Nhưng trong một dịp về hậu phương biểu diễn đi “Dây Tử Thần” từng cặp một, gặp trục trặc, dây tuột, người đằng sau đè lên hắn, hắn bị thương nặng. Giải ngũ với cấp bậc chuẩn úy (nhờ thế sau này hắn không bị gọi đi tù cải tạo). Hắn chuyển qua làm việc tại Viện Quốc Gia Phục Hồi (Trung Tâm Chỉnh Hình) đồng thời ghi tên học Văn Khoa môn tiếng Anh. Làm việc giỏi, được Viện cho đi thực tập tại Mỹ và mấy nước trên thế giới, trong đó có Do Thái. Về việc học thì đậu cử nhân Anh Văn, đậu cao.

Sau 1975, hắn tung hết cả tiền để dành tổ chức vượt biên cho cả gia đình. Vượt biên nhiều lần nhưng không gặp may, lần nào cũng bị “bể”. Hết sạch cả gia tài, cuối cùng phải mượn tiền để cho đứa con út vượt biển một mình. May mắn thay, đứa con út ấy qua được Úc, học giỏi, lấy được bằng tiến sĩ  Toán, dạy ở một Đại Học.

Để kiếm sống, hắn xoay qua nghề đi dạy, vợ buôn bán lặt vặt. Thoạt đầu dạy tại những trường xa xôi, sau vì có khả năng, hắn được chuyển về Sài Gòn dạy môn tiếng Anh cho lớp 12 chuyên Anh. Mỗi năm có kỳ thi Anh Văn trung học toàn quốc, học trò chuyên Anh của hắn thường đoạt giải nhất. Nhưng muốn có số thu nhập đủ sống, hắn mở nhiều lớp tại nhà, học trò đến rất đông. Đi dạy học cũng như đi chơi, hắn đam mê. Soạn bài, chấm bài thâu đêm. Giảng bài say sưa “sùi bọt mép”. Khi đã đau nặng hắn cũng không chịu bỏ lớp dạy tại nhà. Dạy cho đến khi không đứng để giảng bài được, không nói ra tiếng, phải nằm nghỉ ở phòng trong, cho học sinh làm bài tại chỗ ở phòng ngoài. Đó là mấy ngày dạy học cuối cùng trong đời của hắn. 

Cũng phải kể thêm hắn rất mê bóng bàn. Đánh không hay, bị bạn bè chọc quê, hắn tìm Lê Văn Tiết dạy hắn. Sau một thời gian, hắn hạ tất cả các bạn cũ, trừ thằng HXD học giỏi mà chơi cũng ‘vàng trời’.
Đam mê khiến hắn tiến vượt bực trên nhiều lãnh vực. Nhưng cũng vì đam mê khiến sức khỏe của hắn suy sụp nhanh chóng, nhất là mê nhậu nhẹt với bạn bè. Bạn bè thân thiết cũ đã đi hết, chỉ còn lại thằng O.. O. không thích rượu cho lắm, cũng không thích giao thiệp với những người mới quen, hắn đành đành la cà các quán uống rượu, các quán thanh nữ, thường là vào buổi tối sau một ngày dạy học, với mấy người đồng nghiệp trẻ tuổi hơn hắn.

Theo lời O. mấy chàng ấy là ‘dân bắt địa’. Tửu lượng không cao, nhưng thằng A. ‘ham vui’ -- có thật hắn ham vui hay không, nhiều lúc cái mặt của hắn trông thảm não vô cùng -- lúc nào hắn cũng uống ‘hết mình’, uống ‘đến bến’. Say sưa, nôn mửa, té xe ban đêm nhiều lần trên đường về nhà. Hoặc có khi về tới chung cư, nhà hắn ở lầu ba, hắn buông cho xe ngã xuống đất, rồi nằm gục trên thềm tam cấp. Láng giềng hoặc mấy người bán mì bán phở gần đấy phải gọi vợ con của hắn xuống xốc nách đưa hắn lên nhà. Về sau vợ hắn không cho hắn lái xe hai bánh.

Thuốc lá cũng nối hết điếu này đến điếu khác. Tôi bảo hắn hút thuốc lá rất có hại, cả thế giới đang bài trừ thuốc lá, hắn trả lời ngậm điếu thuốc trên miệng cho đỡ buồn, chứ hút vào có bao nhiêu đâu mà sợ. Như cái ông Tổng Thống bên anh đó mà - hắn kêu tôi bằng anh con cô con cậu. Trong gần một năm trước khi qua đời, hắn gần như bỏ ăn. Chỉ rượu, nhậu, và thuốc lá. 

O. có lần nói thẳng với hắn trước mặt tôi:
“A. này, làm thầy giáo mà bê bối như toa lỡ học trò bắt gặp thì chướng mắt lắm. Bớt nhậu nhẹt với mấy thằng đó đi.”

Hắn im lặng. Nhưng im lặng không có nghĩa là đồng ý.

Vợ hắn có lần than thở với tôi:
“Anh ơi, cứ như thế này, nhà em chết mất. Em đầu hàng, nói thế nào anh ấy cũng không nghe.”

“Nhưng tại sao A. bừa bãi thế.”

Vợ hắn đáp:
“Liều lĩnh thì đúng hơn.”

Vợ hắn người Bắc vào Nam trước 54, nói năng nhỏ nhẹ, dịu dàng.

“Nhưng tại sao liều?”

“Em không biết. Có lẽ tại vì anh buồn.”

“Buồn chuyện gì?”

“Buồn chuyện gì ai mà biết được. Hay anh cứ hỏi thẳng nhà em đi.” Rồi cô ta nói thêm, nửa đùa nửa thật:
“Tại vì các anh đấy. Thà đừng về. Lâu lắm mới có một người bạn thân về, được mấy hôm rồi lại đi. Em nhớ dạo đó các anh, các chị đông đúc, quây quần, các anh chuyện trò náo nhiệt, la hét hồn nhiên. Nay nhà em lặng lẽ như cái bóng ...”

Tôi buột miệng:
“Không lẽ vì xa anh và tụi bạn mà A. ... như thế sao?”

“Em không biết chắc. Chẳng lẽ nhà em quý bạn hơn vợ con. Có lẽ không phải thế đâu anh.”

Rồi cô ta cười buồn:
“Em không ngờ nhà em đi nhanh như thế. Đã biết bao nhiêu lần em định hỏi thẳng nhà em buồn vì lý do gì. Mà anh cũng thế, sao anh không hỏi thẳng nhà em.”    

Từ nãy đến giờ anh bạn của tôi vẫn ngồi yên chăm chú nghe. Đến đây, hắn bỗng chen vào:
“Thế tại sao anh không ‘hỏi thẳng’?”

“Không. Tôi không kịp mà cũng không thể làm chuyện đó. Có nhiều điều mình tưởng là dễ làm lắm đến khi sắp bắt tay vào việc mới thấy khó. Tôi biết trước rằng nếu tôi hỏi tại sao cậu rượu chè be bét như thế, hắn sẽ trả lời có gì đâu, lâu lâu say một lần cho vui cuộc đời xế chiều này. Trước sau gì cũng chết thì có rượu chè, thuốc lá hay không cũng thế thôi. Nếu tôi cố hỏi thêm có phải cậu bắt chước người xưa uống rượu để tiêu sầu? Hắn sẽ nhún vai bảo với tôi rằng tiêu sầu cái con khỉ.”  

Anh bạn tôi thở phào như đã tìm ra được một câu trả lời đích đáng:
“Chả có gì phức tạp trong câu chuyện đó cả. Bạn của anh là bợm ghiền rượu. Uống rượu cho đến chết mới thôi.”

“Không, không phải thế. Có một lần tôi về Việt Nam để dời mộ mẹ tôi từ Gò Dưa, thuộc tỉnh Bình Dương thì phải, về Huế, rồi làm một ngôi nhà nhỏ cho người chị của tôi để chị có thể từ Sài Gòn ra Huế ở - chị ấy đã già, không chồng con. Tôi muốn nói tôi ở Việt Nam đến hơn hai tháng, cho nên có nhiều dịp đi chơi với A.. Hắn không uống rượu, thuốc lá lai rai. Nghĩa là hắn không phải dân ghiền.”

“Thế thì cũng có cách. Câu chuyện ấy ... nếu anh chịu khó ngồi yên, lắng lòng mình lại, dùng một chút tưởng tượng, một chút sáng tạo, một chút compassion, để hư cấu, thì sẽ có một đoạn kết đầy đủ, ý nghĩa.”

Tôi không thể làm theo lời của anh bạn ấy. Quả thật tôi không thể tìm một kết luận nào cho câu chuyện về A. cả.
  
9- 2012
nguồn:http://www.diendantheky.net/2012/09/ngu-thuyet-bon-nguoi-lao-ao-4.html?utm_source=BP_recent
===================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001