Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2012

“Sếp” ngân hàng “rủ nhau” từ nhiệm: Bình thường và bất thường 

Vẫn biết quyết định thay “tướng” tại các ngân hàng thương mại không có gì lạ nhưng việc 4 “sếp cỡ bự” của ACB và Eximbank liên tiếp và đồng loạt xin rời bỏ các vị trí công tác có thể xem là một “hiện tượng bất thường”.
Tuy nhiên, đằng sau hiện tượng bất thường này, có thể sẽ là một kết cục mang tính đương nhiên.


4 “sếp lớn” của Eximbank và ACB cùng từ nhiệm.
Như Petrotimes đưa tin, liên tiếp trong các ngày 19, 20 và 21/9/2012, thị trường tài chính – ngân hàng chứng kiến màn “rửa tay, gác kiếm” của 4 nhân vật được đánh giá là những “cao thủ” hàng đầu, có tiếng tăm trong giới ngân hàng. Sự ngờ vực xoay quanh các quyết định trên gần như ngay lập tức được dư luận xã hội đặt ra. Có hay không một mối quan hệ đặc biệt đằng sau các quyết định trên là điều mà xã hội đặc biệt quan tâm.
Và dù cả ông Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang và ông Phạm Trung Cang đều đã lên tiếng khẳng định lý do từ nhiệm của mình hoàn toàn mang tính chất cá nhân, song sự “đồng thời” của những quyết định trên không tránh khỏi sự hoài nghi về cái gọi là “lý do cá nhân” mà các ông này đưa ra. Sự hoài nghi này là hoàn toàn có cơ sở khi mà cả 4 cá nhân trên đều đã từng nắm giữ nhiều vị trí quan trọng tại Ngân hàng Á Châu (ACB).
Theo những thông tin mới nhất được phát đi từ lãnh đạo các ngân hàng ACB và Eximbank thì cả 4 cá nhân trên rất có khả năng liên quan đến hành vi cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng của ông Lý Xuân Hải – cựu Tổng giám đốc ACB. Cụ thể: Các cá nhân trên có liên quan đến việc phê chuẩn cho ông Lý Xuân Hải uỷ thác 19 nhân viên ngân hàng nhận khoản tiền 718 tỉ đồng.
Nhiều thông tin lại cho rằng, khoản tiền 718 tỉ đồng trên đã “chảy” vào tài khoản của Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ – Tp Hồ Chí Minh), người từng được biết đến là đại gia trong lĩnh vực tài chính – chứng khoán và hiện số tiền này đi đâu không rõ.
Vậy trách nhiệm của 4 cá nhân trên ở đâu xoay quanh khoản tiền 718 tỉ đồng được cho là “cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” của ông Lý Xuân Hải? Và liệu đây có phải là lý do khiến cả 4 cá nhân trên nhất loạt từ nhiệm hay không?
Lời giải chính thức cho câu hỏi này vẫn đang được cơ quan điều tra làm rõ nhưng với những vi phạm pháp luật của ông Lý Xuân Hải thì trách nhiệm của các cá nhân liên quan là không thể tránh khỏi. Vấn đề bây giờ là trách nhiệm của các cá nhân này trong sai phạm trên đến đâu mà thôi.

Nhóm lợi ích có thể là mầm mống gây hoạ cho doanh nghiệp.
ACB và Eximbank đều lên khẳng định các ông Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ và ông Phạm Trung Cang có liên quan tới ông Lý Xuân Hải. Trong đó, ông Trịnh Kim Quang và Lê Vũ Kỳ được cho là đã ký phê chuẩn cho ông Lý Xuân Hải uỷ thác 718 tỉ đồng cho các nhân viên ngân hàng mang đi gửi.
Tất cả mới dừng lại ở diện nghi vấn nhưng nếu mối quan hệ trên mức bình thường giữa Lý Xuân Hải và 4 cá nhân trên thực sự đã tồn tại thì xem ra, trách nhiệm của các ông Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ và Phạm Trung Canh cần phải làm rõ.
Petrotimes từng đề cập tới mối quan hệ chéo, sở hữu chéo hoặc vai trò của một hay một nhóm lợi ích trong hệ thống ngân hàng. Những cá nhân hay nhóm lợi ích này sẽ lợi dụng tầm ảnh hưởng của mình tại các ngân hàng để chi phối, nắn “dòng vốn” hoặc hướng các khoản đầu tư, cho vay của ngân hàng đó về các công ty “sân sau” của mình hoặc các dự án của riêng mình.
Và tất nhiên, trong chuỗi quan hệ đó, rất có thể một khoản tiền không nhỏ đã “bốc hơi” trong quá trình luân chuyển của “dòng chảy tiền”. Việc cả 4 sếp bự ở ACB và Eximbank đồng thời xin từ chức không khỏi khiến người ta nghĩ tới cái gọi là “nhóm lợi ích” được hình thành trong mối quan hệ này. Đáng nói hơn nữa là hiện đang có nhiều ý kiến cho rằng, “nhóm lợi ích” trên rất có thể có thêm cả ông Lý Xuân Hải.
Suy luận này hoàn toàn có căn cứ bởi bản thân những cá nhân trên có một điểm chung là đều đã và đang nắm giữ những vị trí tối quan trọng ở ACB. Đặc biệt, những sai phạm xoay quanh khoản tiền 718 tỉ đồng ở ACB lại diễn ra trong giai đoạn ông Trần Xuân Giá làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Rồi việc Nguyễn Đức Kiên lợi dụng các mối quan hệ cũng như ảnh hưởng của mình ở các ngân hàng thương mại trên để “làm xiếc”, mang tiền ảo ra vẽ dự án, rồi lại mang dự án đi cầm cố lại để lấy tiền thật. Là người đứng đầu ACB, là người có kiến thức uyên thâm về tài chính ngân hàng, lại từng là người đứng đầu ngành kế hoạch đầu tư – liệu ông Trần Xuân Giá có biết? Trách nhiệm của ông với vai trò là Chủ tịch hội đồng quản trị ở đâu?
Hai quả bom tấn “bầu” Kiên và Lý Xuân Hải đã “phát nổ” và thị trường tài chính, ngân hàng được một phen chao đảo. Những hành vi cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế của Lý Xuân Hải, Nguyễn Đức Kiên đang được cơ quan công an làm rõ. Những sai phạm này diễn ra khi cả 4 ông Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ và Phạm Trung Cang đang nắm vai trò “xương sống” của ACB và Eximbank. Nên, mặc dù đã từ chức nhưng trách nhiệm của những người đứng đầu là không thể không đề cập đến.
Vậy nên, nếu có việc các cơ quan chức năng xem xét trách nhiệm của những người này ở mức cao hơn thì cũng là lẽ đương nhiên.
Nhóm phóng viên Petrotimes
@Petrotimes
nguồn:http://nguoisantin.wordpress.com/2012/09/23/sep-ngan-hang-ru-nhau-tu-nhiem-binh-thuong-va-bat-thuong/
=====================================================================
Nhìn lại 4 lãnh đạo vừa từ nhiệm của ACB và Eximbank 

Cùng nhìn lại sự nghiệp của 4 nhà lãnh đạo của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) từ nhiệm, tâm điểm dư luận mấy ngày qua.
Theo đó, Ngân hàng ACB đã chấp nhận đơn xin từ nhiệm của ông Trần Xuân Giá, chủ tịch HĐQT, ông  Lê Vũ Kỳ, phó chủ tịch HĐQT và ông Trịnh Kim Quang, phó chủ tịch HĐQT. Theo lãnh đạo ACB, lý do từ nhiệm mà 3 nhà lãnh đạo ngân hàng này đưa ra liên quan đến vấn đề sức khỏe và những lý do cá nhân liên quan đến việc phê chuẩn cho ông Lý Xuân Hải ủy thác 19 nhân viên ACB thực hiện việc nhận 718 tỉ đồng của ACB để gửi vào NH Công Thương Việt Nam (VietinBank).
Sau sự “ra đi” của 3 lãnh đạo chủ chốt, Ngân hàng ACB đã ngay lập tức có những điều chỉnh về mặt nhân sự và ông Trần Hùng Huy đã được bổ nhiệm vào vị trí chủ tịch ACB.
Ngân hàng Eximbank cũng có những xáo trộn về mặt nhân sự khi ông Phạm Trung Cang, phó chủ tich HĐQT ngân hàng này vừa xin từ nhiệm.
Cùng Nguoiduatin.vn nhìn lại chặng đường sự nghiệp của 4 nhà lãnh đạo ngân hàng vừa từ nhiệm.
Ông Trần Xuân Giá - nguyên chủ tịch ACB 
Ông Trần Xuân Giá được biết đến là Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư và năm 2006 ông chính thức nhận quyết định nghỉ hưu theo chế độ. Sau khi rời cương vị bộ trưởng, ông Giá đã lựa chọn ACB mà theo ông gọi là cái duyên sau khi ông đã từ chối nhiều lời mời gọi khác.

Ông Trần Xuân Giá - nguyên chủ tịch ACB
Năm 2008, tại đại hội cổ đông ACB ông Trần Xuân Giá trở thành chủ tịch HĐQT, tham gia với tư cách thành viên HĐQT độc lập sau một thời gian là cố vấn HĐQT ACB.
Ông Trần Xuân Giá từng nắm giữ nhiều vị trí như Đại biểu Quốc hội khoá X, phó chủ nhiệm uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, chủ nhiệm văn phòng Hội đồng Bộ trưởng và phó chủ nhiệm (thứ trưởng) Uỷ ban Vật giá Nhà nước, phó giáo sư, giảng viên ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, sau đó ông ở cương vị bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư trong 7 năm.
Ông Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ - nguyên phó chủ tịch HĐQT ACB
Ông Trịnh Kim Quang tốt nghiệp ĐH Kinh tế TPHCM năm 1978 rồi được giữ lại làm giảng viên trong 10 năm. Sau đó, ông công tác tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) và là tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt Thương. Từ năm 1993 đến 1998, ông là phó tổng giám đốc ACB.

Ông Trịnh Kim Quang - nguyên phó chủ tịch HĐQT ACB (Ảnh: GDVN)
Từ năm 1998 đến năm 2007, ông là tổng giám đốc và chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán ACB (ACBS). Tại ACB, trước thời điểm từ nhiệm, ông Quang là thành viên Hội đồng sáng lập, phó chủ tịch HĐQT, phó chủ nhiệm thường trực Uỷ ban Tín dụng, thành viên Uỷ ban Nhân sự và thành viên Hội đồng Đầu tư.
Ông Lê Vũ Kỳ là TS ngành toán và vật lý của trường ĐH Moscow (Nga), làm việc tại Nhà Máy Z181 thuộc Bộ Quốc phòng từ năm 1984 đến năm 1986.

Ông Lê Vũ Kỳ - nguyên phó chủ tịch HĐQT ACB (Ảnh: GDVN)
Từ năm 1987 – 1988, ông làm việc tại Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia. Từ năm 1989 – 1992, ông giữ cương vị quyền Tổng giám đốc Công ty Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT.
Từ năm 1993 – 1996, ông công tác tại Công ty Dệt – May Việt Nam với cương vị phó tổng giám đốc và sau đó là quyền tổng giám đốc Xí nghiệp liên doanh Việt Nga (Rosvietipex) thuộc Tổng Công ty Dệt May Việt Nam (Vinatex).
Từ năm 1996 đến năm 1997 ông là quyền tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất xuất nhập khẩu Thiên Nam.
Năm 1997 ông Kỳ tham gia vào ACB với cương vị phó tổng giám đốc NH này đến năm 2008. Trước thời điểm từ nhiệm, ông là thành viên Thường trực HĐQT, thành viên Hội đồng tín dụng và là chủ tịch Hội đồng Đầu tư.
Trước đó, tại Ngân hàng ACB, nguyên tổng giám đốc Lý Xuân Hải và ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên phó chủ tịch HĐQT, thành viên Hội đồng sáng lập cũng đã bị bắt.
Ông Phạm Trung Cang - phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Eximbank
Chiều ngày 19/9, Eximbank cũng công bố thông tin về việc phó chủ tịch HĐQT Phạm Trung Cang từ nhiệm.
Ông Cang tốt nghiệp ĐH Kinh tế TPHCM cuối những năm 1970, sau đó ông kinh doanh bên lĩnh vực nhựa.

Phạm Trung Cang, nguyên phó chủ tịch HĐQT Eximbank
Ông Cang được biết đến với vai trò là chủ tịch Hội đồng quản trị đầu tiên của ACB và là phó chủ tịch từ năm 1994 đến năm 2011 sau đó là tổng giám đốc từ năm 1999 đến năm 2001.
Ngoài ra, ông còn giữ cương vị chủ tịch Hội đồng Tín dụng trong nhiều năm, đồng thời là thành viên Thường trực Hội đồng quản trị. Ông Cang còn là chủ tịch Công ty cổ phần Tân Đại Hưng, chủ tịch Hiệp hội Nhựa TPHCM, phó chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, và phó chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank.
Nguyên nhân từ nhiệm của ông Phạm Trung Cang tại Eximbank theo ông Lê Hùng Dũng là do ông Cang có liên quan đến một số trách nhiệm trong thời kỳ còn giữ chức phó chủ tịch HĐQT ở ACB.Ngày 28/4/2010, ông Phạm Trung Cang đại diện nhóm cổ đông của ACB tham gia vào HĐQT Eximbank và được bầu giữ chức phó chủ tịch HĐQT.
Sau khi từ nhiệm vị trí tại Eximbank, ông Cang cũng đã xin từ nhiệm chức chủ tịch tại Công ty cổ phần Tân Đại Hưng.
Tuấn Khanh
@Nguoiduatin
nguồn:http://nguoisantin.wordpress.com/2012/09/22/nhin-lai-4-lanh-dao-vua-tu-nhiem-cua-acb-va-eximbank/
=====================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001