Thứ Tư, 5 tháng 9, 2012

Tận mắt những báu vật vàng ròng trong kho báu Chàm 
 Lần trò chuyện với ông Lâm Tấn Bình (Giám đốc Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm Bình Thuận) mà câu chuyện về hậu duệ của Vua Chàm Pô Klong Mơ' HNai ở đất Bình Thuận hiện vẫn còn lưu giữ hàng trăm bảo vật của tổ tiên quyền uy ngày nào đã thôi thúc chúng tôi lên đường. Qua những gì trông thấy, có thể nói đó là kho báu đồ sộ với nhiều bảo vật vô cùng quý hiếm có giá trị về nhiều mặt.

Kỳ 1:


Nắng chiếu xuyên những tấm rèm cửa bằng vải mỏng xanh khiến căn phòng lưu giữ khối lượng báu vật đồ sộ nhất của các triều vua Chàm huyền ảo đến lạ. Nắng soi rọi vào chiếc vương miện của Vua Pô Klong Mơ H'Nai và búi chụp tóc của hoàng hậu được đúc bằng vàng hắt ra luồng ánh sáng chói lọi làm rực rỡ cả một góc phòng, khiến bất kỳ ai chiêm ngưỡng đều… mê đắm!

Kho báu của triều Vua Pô Klong Mơ H'Nai mà ông Lâm Tấn Bình đề cập hiện được con cháu của hoàng tộc Chăm ngày nào lưu giữ ở thôn Tịnh Mỹ, xã Lương Sơn, huyện Bắc Bình (Bình Thuận). Nằm cách Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm, Bình Thuận hơn 10km, trước đây kho báu thuộc quyền kế thừa của cụ Nguyễn Thị Thềm, hậu duệ hoàng tộc và là người có uy tín trong cộng đồng người Chăm.

Anh Lư Nhất, người rất quan tâm đến câu chuyện của các kho báu Chàm, bật mí: "Người Chăm mình theo chế độ mẫu hệ nên tài sản của mẹ cha để lại do con gái út thừa kế. Năm 1995, cụ Thềm mất, do cụ không có con cái nên cháu gái út của cụ là bà Nguyễn Thị Đào, có chồng là ông Lư Thái Thuổi, kế tục kho báu".

Tận mắt những báu vật vàng ròng trong kho báu Chàm
Cận cảnh "kho mở" - nơi lưu giữ báu vật của hoàng tộc Chăm. 

Hôm chúng tôi đến, thật không may rơi vào ngày thứ hai, ngày mà theo quan niệm của người Chăm là ngày của vua nên không ai được phép quấy rầy, kể cả con cháu trong dòng tộc. Nên dù rất thông cảm cái cảnh đường xa đi lại khó nhọc của khách, ông Thuổi cũng không thể phá lệ mở cửa kho báu mà người dân địa phương quen gọi là "kho mở" cho khách tham quan.

Ông hẹn mai hẵng tới. Khi thấy chúng tôi thoáng lộ nỗi buồn, ông Thuổi an ủi bằng việc chỉ đường cho khách đến diện kiến chủ nhân đích thực của kho báu là Vua Pô Klong Mơ H'Nai đang được thờ phượng tại ngôi đền mang tên của chính vị vua này.

Vua Pô Klong Mơ H'Nai theo sử Chăm tên thật là Pômưhata, lên ngôi vào năm 1622 và chỉ sau 5 năm trị vì, đến năm 1627, ông nhường ngôi cho con rể là Pô Klong Gahul. Có 2 người vợ là hoàng hậu Po Bia Sơm và thứ phi Nguyễn Thị Thương là công chúa của chúa Nguyễn, Vua Po Klong Mơ H'Nai là vị vua được người Chăm tôn kính bởi ông đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng các con đập thủy lợi, giúp việc canh tác, cấy trồng của nhân dân được bội thu, cuộc sống no ấm.

Không chỉ được con cháu trong dòng tộc qua bao đời gìn giữ những di vật lúc sinh thời, Vua Pô Klong Mơ H'nai còn được người Chăm xây đền, thờ phụng tôn kính trên một ngọn đồi cao thuộc địa phận thôn Lương Bình, xã Lương Sơn, huyện Bắc Bình. Ngôi đền có 4 gian, đỉnh gắn 4 con rắn thần makara huyền bí.

Điều ấn tượng nhất trong ngôi đền có lẽ là tượng Vua Pô Klong Mơ H'Nai được tạc từ một khối đá xanh lớn với nhiều hoa văn đặc sắc, cầu kỳ đang trong thế thiết triều. Con cháu của hoàng tộc Chăm ngày nào cho biết, tượng Vua Pô Klong Mơ H'Nai được tạc qua trí nhờ truyền đời.

Tận mắt những báu vật vàng ròng trong kho báu Chàm
Cụ Nguyễn Thị Thềm, hậu duệ của dòng tộc Vua Pô Klong Mơ HNai và Pô Klong Khul; đao kiếm, vương miện của Vua Pô Klong Mơ HNai và búi chụp tóc của Hoàng hậu. 

Vào lễ Katê, tượng vua sẽ được tắm bằng những thứ nước thiêng gồm nước chanh, nước trầm hương và một thứ nước thiêng khác theo tín ngưỡng của người Chăm theo nghi thức hoàng tộc. Sau đó tượng được mặc hoàng bào, đội vương miện trong sự tôn kính của người tham gia lễ hội.

Hỏi chuyện các bậc cao niên người Chăm về đại lễ Katê, mới biết tên gọi đầy đủ của lễ hội này là Păng Katê. Păng theo tiếng Chăm có nghĩa mở cửa đền, Ka có ý lời dặn của vua bảo phải nhớ đến nguồn gốc và Tê có nghĩa là "Ngài". Nội dung của cụm từ Păng Katê có ý nghĩa là lời dặn của vua đến ngày quan trọng trong năm theo lịch Chàm, cụ thể ngày mồng 1 tháng 7 Chăm lịch hằng năm thì tổ chức tế lễ.

Khi ấy dân chúng tập trung tại 3 địa điểm linh thiêng, tôn nghiêm nhất gồm tháp Pô Klong Garai, tháp Pô Romé và đền thờ nữ thần Pônagar cử hành lễ Păng Katê nhằm tưởng niệm các vị vua Chàm có công dựng nước và hướng dẫn dân chúng làm ruộng, tiểu thủ công nghệ. Vì gọi là lễ nên trong lễ hội Katê, người Chăm ăn uống và tế lễ rất linh đình.

Hôm sau, đúng lịch hẹn, chúng tôi hăm hở đến "kho mở" với niềm tin sắp được chiêm ngưỡng những báu vật hiếm thấy trong đời. Theo tục lệ truyền đời, trước khi đưa khách lên gian nhà trên nơi đang lưu giữ vật báu trong "kho mở", vợ chồng bà Đào - ông Thuổi mong khách "cảm phiền chờ" để tắm gội sạch sẽ và thay đổi trang phục.

Như bất kỳ người Chăm nào, khi diện kiến vua, nhất lại là tổ tiên của mình, với vợ chồng bà Đào - ông Thuổi, đó là việc trọng đại nên phải sạch sẽ, tươm tất mới được!

Qua những lần cửa khóa, sau bao háo hức, hăm hở, rồi chúng tôi cũng được lạc vào kho báu Chàm "bằng xương bằng thịt", choáng ngợp trước vô số món cổ vật hàng trăm năm tuổi nhuốm màu lịch sử, thời gian.

Chiếm số lượng khá lớn và phong phú nhất trong "kho mở" là hàng chục bộ trang phục của vua, hoàng hậu, công chúa, hoàng tử, các phi tần, cung nữ. Hoàng bào của vua dũng mãnh, xiêm y của hoàng hậu đài các sang trọng xứng danh với địa vị của bậc mẫu nghi, trang phục của công chúa, hoàng tử được thêu chỉ vàng tương xứng vị thế của con nhà lá ngọc cành vàng. Phục trang của các phi tần, cung nữ tùy cấp bậc mà chất liệu là áo vải trắng được thêu hoa văn giản đơn, cấp càng cao thì họa tiết càng phức tạp.

Chỉ vào chiếc hoàng bào có hình thần rắn makara, ông Thuổi tâm tình: "Nếu để ý sẽ thấy những gì liên quan đến vua đều có biểu hiện rắn thần. Đấy là biểu hiện của vua, của quyền uy tuyệt đối".

Hình ảnh những con rắn thần makara hiện rõ nhất tại chiếc vương miệng bằng vàng của Vua Pô Klong Mơ H'Nai. Không như vương miện của các triều vua Việt, Trung Hoa với biểu tượng uy quyền là rồng, quấn quýt trên vương miện của vua Chàm như đã nói là loài linh thú - rắn thần makara được chạm khắc tinh xảo.

Tận mắt những báu vật vàng ròng trong kho báu Chàm
Ông Lư Thái Thuổi trước một góc kho báu gia tộc. 

Theo truyền thuyết, makara là loài thủy quái khổng lồ, dị hình với thân tựa mình cá, đầu giống đầu voi. Loài này có sức mạnh như rồng và sự xuất hiện của nó trên vương miện vua thể hiện sức mạnh quyền uy to lớn, rộng khắp của người trị vì thiên hạ.

Nặng khoảng 300gram, nhiều người cho rằng trên chiếc vương miện ấy ngày trước còn có đính kim cương, đá quý nhưng có lẽ do trong quá trình chạy loạn và qua tay bao người nên chúng bị bong rớt, thất lạc.

Ông Thuổi cho biết chẳng rõ điều ấy, chỉ biết vương miện là biểu trưng cho đỉnh cao quyền lực của triều vua Chăm nên được gia đình và cộng đồng gìn giữ như tính mạng của chính mình. Rất nhiều người đến tham quan gợi ý trả số tiền khổng lồ sống cả đời không hết nhưng gia đình chẳng màng tới.

Cạnh vương miện chạm rắn thần makara của Vua Pô Klong Mơ H'nai là búi chụp tóc của Hoàng hậu Po Bia Sơm. Búi chụp có dạng nhũ được chạm trổ công phu với nhiều hoa văn truyền thống của người Chăm xưa vốn chỉ dành cho hoàng gia.

Hỏi vì sao chỉ có vương miện của vua nhưng lại không có vương miệng của hoàng hậu, chỉ có búi chụp tóc, bà Đào chia sẻ: Hưởng ứng “Tuần lễ vàng” do Bác Hồ phát động nhằm quyên góp tài lực xây dựng, kiến thiết đất nước, vào năm 1945, cụ Thềm đã hiến tặng chính quyền mới chiếc vương miện của hoàng hậu. Những năm sau đó, cụ còn hiến thêm nhiều cổ vật bằng đồng, bạc cho công cuộc kiến thiết đất nước.

Người Chăm có tục ăn trầu, xem trọng miếng trầu bởi đó là "đầu câu chuyện". Do vậy xuyên suốt bộ sưu tập báu vật trong "kho mở", bên cạnh phục trang của các thành viên hoàng gia, chiếm vị thế phong phú thứ hai là những khay, hộp đựng trầu được người Chăm gọi là "bộ tanh" bằng bạc, đồng, gỗ khảm xà cừ, cả thảy đều được chạm khắc tinh xảo.

Với tầng lớp vua quan thì “bộ tanh” được làm từ vàng, bạc còn với thường dân, nó đa phần có chất liệu bằng đồng. Ông Thuổi tâm sự: Trong bất kỳ lễ lớn nào, người Chăm đều ăn trầu, có tục cúng trầu cau, xem như đó là cách gợi nhớ tổ tiên, cội nguồn của mình.

Trong các lễ hội, người Chăm không đốt nhang mà thắp nến làm từ sáp ong và đốt trầm hương. Do vậy bộ sưu tập báu vật trong "kho mở" có sự hiện diện của nhiều chiếc lư đồng cũng được chạm khắc bằng họa tiết tinh xảo.

Chúng tôi cũng rất ấn tượng trước chiếc tủ kính bên trong có nhiều cổ vật độc đáo như chiếc nón của vệ binh được làm bằng gỗ thông nhẹ, bền, qua hàng trăm năm vẫn không bị hư hại. Cạnh đó là bộ phèng la 3 chiếc từ nhỏ đến lớn có hình dáng giống bộ cồng chiêng của các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên được đúc bằng đồng thau, lên nước bóng loáng.

Ngoài ra còn có nhiều cổ vật quý khác như đồ trang sức của các thành viên hoàng gia bằng bạc và nhiều thư tịch cổ, sắc phong, bút tích của các triều vua Nguyễn ban tặng cho Vua Pô Klông Mơ H'Nai. Tất cả đều nguyên vẹn, rõ ràng dẫu qua bao biến chuyển của thời gian và những bước thăng trầm của lịch sử.

Số lượng vật báu của “kho mở” triều Vua Pô Klong Mơ H’nai vẫn không dừng lại ở đó. Trên bức tường, nơi đặt chiếc tủ kính trưng bày vương miện của vua Chăm là bộ dao kiếm thuở sinh thời, vua Chăm thường đeo bên mình. Thanh kiếm của vua dài, giống vũ khí của kiếm sĩ Nhật. Kiếm được làm bằng thép đã gỉ màu, không có vỏ bọc. Theo lời ông Thuổi, nếu đem mài, kiếm sẽ sáng lóng lánh!

Ấn tượng và huyền bí nhất là sự hiện diện của những chiếc hộp klong trong "kho mở" với nhiều hình dáng, chất liệu khác nhau. Có hộp klong khảm vàng, hộp bạc, hộp bằng đồi mồi và những hộp klong bằng đồng được chạm hình vảy cá, hình lục lăng.

Theo phong tục Chăm, hộp klong được dùng đựng xương trán người chết trước khi đưa vào kút (bia thờ) ở nghĩa trang. Báu vật của hoàng tộc còn có sự hiện diện của nhiều khay gỗ khảm xà cừ, lá cây viết chữ Chàm, nồi đồng, điếu hút thuốc lá bằng bạc, lược đồi mồi, nhẫn đeo tay…

Sau khi chiêm ngưỡng kho báu Chàm, chúng tôi hỏi anh Lư Thái Thiện, con trai ông Thuổi, hiện công tác tại Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm, Bình Thuận về nguồn gốc "kho mở" và được biết thêm chuyện ly kỳ khác.

Theo chia sẻ của anh Thiện, trước đây kho báu của gia đình chẳng có gì. Sau những cuộc giao tranh và thất bại, người Raglai được các triều vua Chăm xem như người em kết nghĩa đã được hoàng gia trao cho trọng trách giữ lấy các di vật của hoàng tộc.

Khi câu chuyện về hoàng gia Chăm chỉ còn là chuyện quá vãng, vào một ngày trước năm 1940, thôn Tịnh Mỹ bất ngờ đón một đoàn người Raglai tìm đến nhà và bàn giao cho cụ Thềm rất nhiều di vật của gia tộc, trong đó có chiếc vương miệng bằng vàng chạm hình thần rắn makara...

Ông Lư Thái Thuổi tâm sự: Có những thời điểm gia đình lâm cảnh túng quẫn, trong khi các con buôn tìm đến gạ gẫm trả giá cao để đổi quyền sở hữu bảo vật của Vua Pô Klông Mơ H'Nai nhưng gia đình vẫn quyết tâm bảo vệ di vật do tổ tiên để lại.

Cũng nhờ con cháu dòng tộc và cộng đồng ý thức, cùng chung tay gìn giữ bảo tồn mà "kho mở" ở thôn Tịnh Mỹ còn gần như nguyên vẹn, là kho báu đồ sộ nhất và cũng là điểm dừng chân chiêm ngưỡng, nghiên cứu của nhiều đoàn khách trong và ngoài nước. Cùng với đền thờ Vua Chăm Pô Klong Mơ H'Nai, vì những giá trị văn hóa, nghệ thuật, lịch sử mà "kho mở" được công nhận Di tích lịch sử quốc gia năm 1993.

Theo Thành Dũng - CAND
nguồn:http://vtc.vn/394-347109/phong-su-kham-pha/tan-mat-nhung-bau-vat-vang-rong-trong-kho-bau-cham.htm
=================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001