Hoàng Nhất Phương
https://www.youtube.com/watch?v=waR5wslQbS0
Lặng lẽ. Buồn bã. Trần trụi. Thật như thực tế. Cay đắng và ngọt ngào. Khổ đau và hạnh phúc. Nhưng vẫn cứ yêu nhau mãi mãi. Đó là những gì người ta có thể cảm nhận, khi xem bộ phim nói về năm tháng cuối đời của gia đình Laurent trong "Amour." Ông Georges Laurent (Jean-Louis Trintignant) và bà Anne Lauren (Emmanuelle Riva), là giáo viên dạy âm nhạc đã về hưu. Thời thanh xuân đầm ấm hòa hợp bao nhiêu, lúc đầu bạc da nhăn họ vẫn ân cần chia sẻ niềm vui nỗi buồn với nhau y hệt như vậy. Tuổi đã ngoài tám mươi, thuộc lớp người thất thập cổ lai hy xưa nay hiếm, hai vợ chồng vẫn trao gửi nhau những lời mặn nồng tha thiết, vẫn âu yếm quan tâm đến miếng ăn giấc ngủ của nhau, hệt như lúc mới tay đan tay, dìu nhau, đưa nhau vào đời. Tình yêu là giòng suối nhạc, bay lượn giữa những nốt thăng trầm huyền diệu có trong đời sống của họ. Tình yêu là cánh gió phiêu diêu theo thời gian, giúp họ cảm thụ hương vị cuộc đời ở giữa nhân gian. Tuổi già gối mỏi chân run, không làm mất đi giai điệu hợp nhất trong tâm hồn của hai người từ lâu đã nên một. Họ sống bình thản, chẳng có chi phải than vãn. Bỗng một hôm bà Anne đột qụy, liệt nửa người, không thể tự đi - đứng - nằm - ngồi như trước.
Đang an nhiên tự tại, nay bỗng dưng phải lệ thuộc vào người khác, bà Anne cảm thấy khó chịu. Sự khó chịu khiến trong giọng nói vốn nhẹ nhàng của bà, có cả âm sắc cay nghiệt. Lời từng lời vẫn là nương tựa náu thân, nhưng như dao sắc kim nhọn làm nhói lòng ông George. Mỗi khi nghe vợ kêu la: "Hurt - Đau Quá!" Ông không chịu được, cảm thấy mình bất lực. Sự bất lực của một cụ ông không còn khoẻ, để có thể xốc vác mọi thứ như thời trai tráng. Ông tự khiển trách bản thân vì không thể chăm sóc vợ như ý nguyện, vì không mạnh khoẻ đủ để bồng ẵm bà từ giường xuống xe lăn, hay dìu dắt bà đi từ nơi này đến nơi khác một cách vững vàng. Bệnh tật và tuổi già là phiền não. Phiền não từ bệnh tật từ tuổi già, có làm xáo trộn đời sống của đôi con người sắp gần đất xa trời hay không? Có chứ. Bà Anne luôn tỏ ra gay gắt, khi cảm thấy mình là gánh nặng của chồng, khi cảm thấy sự thương hại tiềm ẩn trong tia nhìn của con gái là Eva (Isabelle Huppert), hay của những học trò cũ. Bà giận dỗi, nhõng nhẽo, hờn mát, nhiều khi cáu kỉnh. Nhưng khi lòng dịu xuống, tình yêu khiến bà ngậm ngùi, cảm thương chồng hơi đã mỏi sức đã tàn vẫn phải lo lắng chăm sóc cho bà từng điều nhỏ nhặt. Một đôi khi ông George cảm thấy băn khoăn trước bổn phận và trách nhiệm, trước thực tế phũ phàng của cuộc đời. Nhắm mắt lại là tuổi trẻ, là khúc hát thanh xuân nồng ấm. Mở mắt ra là tuổi già, là lời tơ than khi đứng trước lẽ vô thường của sinh - lão - bệnh - tử. Đàn buông từng phím nhẹ ngân, tuổi xanh nhiếp dẫn mộ phần hoàng hôn. Trên dốc cao tối trời, đôi con người dìu nhau đưa nhau vào ngàn thu. (1)
Được mệnh danh là "cha đẻ" của giòng phim ảnh hiện thực, đồng thời cũng bị "cáo buộc" là người thích phơi bày những khía cạnh ghê rợn, xấu xí, kinh khủng của cuộc đời, đạo diễn người Áo Michael Haneke luôn thể hiện trên màn bạc cảnh ngộ trần trụi, trặc trẹo, trúc trắc của xã hội. Bạo lực, sự nghiệt ngã, cái chết…, những mặt trái kinh hoàng này không bao giờ thiếu vắng trong phim của Haneke. "Amour" cũng không ngoại lệ. "Tình Yêu" dưới cái nhìn của Michael Haneke, không phải chỉ để ca hát từng hẹn mùa xưa cùng xây nhà bên suối (*), mà là để ai đó đối diện với bản chất đích thực của mình, khi đứng trước giờ lâm tử, khi thấu hiểu rằng bên cạnh hạnh phúc đoàn viên là bất hạnh và ly biệt. Ông George và bà Anne phải đương đầu với bệnh tật và sự bất lực của tuổi già, phải nếm trải đủ mùi buồn - thương - giận - ghét, sợ hãi, tuyệt vọng, cô đơn, đau khổ, hạnh phúc cho đến giờ sau hết. Diễn biến tâm lý này được hai tài tử lão thành Jean-Louis Trintignant và Emmanuelle Riva thể hiện bằng ánh mắt, bằng khuôn mặt, bằng cử chỉ, thật tuyệt vời. Trình chiếu lần đầu tiên trong Liên Hoan Phim Quốc Tế Cannes 2012, "Amour" ngay lập tức được trao tặng giải Cành Cọ Vàng (Palme d’Or). Tiếp theo đó "Amour" được trao giải Quả Cầu Vàng lần thứ 70 (Golden Globe Awards), giải Top 10 Films của British Film Institute 2012, và nhiều giải thưởng danh tiếng khác. Hiện nay, "Tình Yêu" đang là ứng cử viên sáng giá của giải Oscar lần thứ 85, với năm đề cử dành cho các hạng mục: phim hay nhất, nữ tài tử chính xuất sắc nhất, đạo diễn hay nhất, phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, và phim có kịch bản hay nhất.
Không chỉ đề cao sự an nhàn, ngao du nước sông trời bốn cõi, mênh mang biển tình tụ một phương của vợ chồng nhà giáo về hưu George - Anne, Michael Haneke còn trần thuật nỗi đau khổ của họ khi đối diện với sinh - lão - bệnh - tử, khi đứng trước giờ lâm tử. Ngay những giây phút đầu tiên, “Amour" đã làm rúng động lòng người bằng phép ẩn dụ trên màn bạc một cõi đi không về trước căn phòng khép kín, trước một thân tứ đại đã bắt đầu phân hủy. Sự tĩnh lặng vô tận của "Amour," khiến người xem tưởng như tình yêu vừa là hương gây mơ vừa là men cay đắng, không chỉ có trong cuộc đời của ông bà George-Anne, mà có trong tất cả mọi cảnh đời ở trên chốn khách đầy này. Nhưng dù đau ốm hay khoẻ mạnh, dù còn trẻ hay đã già, tình yêu vẫn giúp người ta vượt lên trên mọi nghịch cảnh. Bởi vì tình yêu đích thực là sự cộng hưởng tất cả những điều kể trên. George-Anne Laurent đã chung chia mọi điều buồn - vui - sướng - khổ của Chữ Tình, đã cùng dìu nhau qua bên kia thế giới, để yêu nhau đến muôn thuở muôn đời. Đây chính là thông điệp đầy nhân bản và chân thành của "Amour."
Hoàng Nhất Phương
5:44am Thứ Sáu ngày 25 tháng 1 năm 2013
(*). "Suối Mơ." Của nhạc sĩ Văn Cao.
(1). "Thương Tình Ca." Của nhạc sĩ Phạm Duy.
Hồ Gươm gửi hôm Chủ Nhật, 03/02/2013
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20130203/hoang-nhat-phuong-amour-love-tinh-yeu
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ
xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001