Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

Critical Thinking - Luật Tự Nhiên và Luật Xã Hội

Innova, biên tập viên Dân Luận
Cách đây không lâu, tôi có viết bài critical thinking về quyền sở hữu, trong đó nhiều người vẫn biết trả lời thế nào về câu hỏi sau:
- Tại sao nên bảo vệ quyền sở hữu tài sản
Để trả lời câu hỏi đó, hôm nay tôi viết tiếp một bài về thế nào là công lý tự nhiên và thế nào là công lý xã hội.
1. Luật Tự Nhiên


- Trong con mắt các nhà triết học phương Tây, có một luật vô hình, chi phối tất cả các hoạt động của vũ trụ, vạn vật, trong đó có thế giới chúng ta đang sống, gọi là Luật Tự Nhiên.
Từ lúc con người sinh ra, lớn lên, chúng ta tuân thủ theo các quy luật này một cách bắt buộc mà không hề hay biết. Về vật lý, đó là các luật hấp dẫn, luật bảo toàn, luật hỗn độn. Về hóa học, đó là các luật tương tác vật chất. Về sinh học, luật sinh ra, chết đi, sinh sản. Về tự nhiên, đó là luật mạnh được yếu thắng, v.v...
- Các quy luật này, tác động đến tự nhiên và con người một cách vô hình như nước đổ trên thác xuống, như cây mọc thẳng, thú dữ ăn thịt thú yếu. Không thể chống lại quy luật này. Ví dụ con người không thể bay, thú yếu không thể ăn thịt thú dữ.
- Nhiều người tin rằng Luật Tự Nhiên được tạo ra bởi Chúa hoặc một Đấng tối cao nào, nhằm mục đích xác lập quy luật vận hành của vũ trụ. Luật Tự Nhiên tồn tại sẵn đó, con người tuân phục nó và dần dần khám phá ra nó, như cách con người học cách tạo ra lửa, cách con người học cách dùng sức nước, sức gió để chạy máy, hay cách Newton khám phá ra luật hấp dẫn.
- Luật Tự Nhiên có tính khách quan và đồng nhất, bất chấp các hành tinh khác nhau, các quốc gia khác nhau, các giống người khác nhau, tất cả đều chịu chung một số quy luật tuyệt đối. Do đó Luật Tự Nhiên rất dễ hiểu, rành mạch.
2. Luật Xã Hội


- Từ hàng nghìn năm nay, khi xã hội loài người phát triển, các văn bản quy định cách hành xử của con người trong xã hội cũng hình thành theo, gọi là Luật Xã Hội.
Từ lúc con người sinh ra, lớn lên, chúng ta dần dần khám phá ra các quy luật xã hội này thông qua việc học. Đó là các quy luật về đạo đức như lễ phép với người lớn, tôn trọng cấp trên, tôn trọng lời hứa đến các quy đinh pháp luật như tôn trọng của cải, tính mạng của người khác, tôn trọng quyền tự do của người khác, v.v...
- Các quy luật này hữu hình, thông qua các câu truyện đạo đức, các lời giảng, các văn bản luật và con người bị ép buộc phải tuân theo, như con cái phải tôn trọng cha mẹ, học sinh phải lễ phép thầy cô, giết người là phạm pháp. Có thể chống lại các quy luật này. Ví dụ con người vẫn có thể giết người, học sinh vẫn có thể hỗn với thầy cô.
- Luật Xã Hội, rõ ràng được tạo ra bởi con người, và nhiều khi, thường được nhân danh Đấng Tối Cao. Ví dụ các Hoàng đế Trung Hoa thường tự xưng là thuận theo ý trời mà cai trị. Luật Xã Hội được phát minh một cách dần dần, tùy theo mức độ phát triển của xã hội loài người mà ngày càng phức tạp.
- Luật Xã Hội có tính chủ quan, tùy theo quan điểm của xã hội, của nhà cầm quyền. Thí dụ ở mỗi nước có cách áp dụng luật khác nhau. Một người phạm tội khi bị dẫn độ về nước khác có thể bị xử khác nhau. Do đó Luật Xã Hội thường khó hiểu.
3. Ví dụ về mệnh đề Luật Tự Nhiên và Luật Xã Hội
Luật Tự Nhiên, như bản chất tuyệt đối của nó, thường được khái quát bằng các mệnh đề tuyệt đối đúng, thí dụ:
- Nếu xe tải cán người thì người sẽ chết
Quan hệ Nhân, Quả trong mệnh đề này được liên hệ chặt chẽ, xác lập thông qua các quy luật tự nhiên về tương tác lực, về các quá trình sinh học liên quan đến sự sống.
Luật Xã Hội, thường được khái quát bằng các điều luật, thí dụ:
- Nếu tôi cán người, thì tôi vi phạm luật giao thông
Quan hệ Nhân, Quả trong mệnh đề này được xác lập thông qua các điều khoản của bộ luật Giao thông và khi ra toà phải truy lục lại các hoàn cảnh liên quan đến tai nạn để áp dụng cho đúng luật. Cùng là một hành vi, nhưng trong điều kiện khác nhau thì áp dụng luật khác nhau.
4. Ví dụ về quyền sở hữu tài sản


Quay lại vấn đề câu hỏi ban đầu. Khi tôi có một tài sản và nó bị cướp bởi người khác, liệu điều đó có đúng luật?
Ở đây cần chiếu theo hệ nào, luật tự nhiên hay luật xã hội.
Chiếu theo Luật Tự Nhiên, mạnh được yếu thua, khi tôi không thể bảo vệ được tài sản của mình tức là tôi đã thua và người thắng có toàn quyền sử dụng nó. Hàng giờ, có hàng triệu hành vi tương tự xảy ra trong tự nhiên như cuộc chiến giữa sư tử và ngựa vằn, giữa con bò và ngọn cỏ, giữa vi khuẩn và con người, v.v... Tất cả đều giành giật sự sống của nhau để tồn tại.
Chiếu theo Luật Xã Hội, quyền sở hữu tài sản được quy định bởi Hiến Pháp và Pháp Luật. Tài sản của tôi làm ra được Pháp Luật bảo vệ, do đó nếu ai xâm phạm tài sản của tôi thì Pháp Luật sẽ trừng trị. Tất nhiên trong nhiều trường hợp Pháp Luật không thể trừng trị được vì Luật Xã Hội vốn khách quan và có nhiều khiếm khuyết khác, nhưng tổng quan lại, người cướp làm trái Luật Xã Hội, do đó sẽ bị trừng trị.
Theo Luật Tự Nhiên, tôi mạnh thì tôi tích lũy được tài sản, thậm chí bằng cách biện pháp nhơ bẩn như cướp bóc, giết người. Bên cạnh đó, tôi phải có biện pháp bảo vệ tài sản của mình. Trong trường hợp tôi bị cướp thì tôi chịu. Nhưng đó là quy luật tự nhiên. Người yếu thì chết, người mạnh thì sống.
Theo Luật Xã Hội, tài sản của tôi làm ra được pháp luật bảo vệ. Ai vi phạm vào tài sản của tôi sẽ bị trừng trị vì nếu không, tất cả mọi người sẽ đâm ra cướp bóc tài sản của nhau như theo Luật Tự Nhiên. Trong trường hợp đó xã hội sẽ loạn.
5. Tóm lại
Xã hôi loài người hiện nay thường vận hành trong một quy chế lai hợp giữa hai hệ thống Luật Tự Nhiên và Luật Xã Hội.
Con người khi sinh ra, lớn lên tuân thủ một cách vô ý thức các quy luật Tự Nhiên. Bên cạnh đó con người cũng dần dần học theo một cách có ý thức các quy luật Xã Hội.
Luật Tự Nhiên thì khách quan, vô hình trong khi Luật Xã Hội thì chủ quan và hữu hình. Luật Tự Nhiên tồn tại sẵn và được khám phá dần dần bởi con người. Trong khi đó, Luật Xã Hội không tồn tại và được sáng tạo dần dần bởi con người.
Có sự mâu thuẫn trong một số hành vi, có thể tuân theo Luật Tự Nhiên, nhưng trái Luật Xã Hội.
.
PS: Câu hỏi kỳ này để mọi người suy ngẫm: Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam nằm đâu giữa Luật Tự Nhiên và Luật Xã Hội?
Innova gửi hôm Thứ Tư, 19/12/2012 
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20121219/critical-thinking-luat-tu-nhien-va-luat-xa-hoi
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001