Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

David Brown - Tham nhũng ở Việt Nam đe doạ khu bảo tồn gấu

David Brown
Diên Vỹ
chuyển ngữ
Khu bảo tồn nổi tiếng có thể bị rơi vào tay những nhà xây dựng với những người quen biết đầy thế lực.
Khoảng vài tuần nữa, một phó thủ tướng của Việt Nam sẽ triệu tập một hội nghị cấp cao để cân nhắc việc huỷ bỏ hợp đồng thuê đất bảo vệ gấu của hội Động vật châu Á (Animals Asia Foundation), một khu vực mà tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Hồng Kông này thiết lập cách phía bắc Hà Nội 50km.


Nguy cơ sung công khu đất rộng 11 hecta nằm trong Công viên Quốc gia Tam Đảo đã gây nên mối quan tâm tại Việt Nam và khiến cho giới bảo vệ động vật trên thế giới giận dữ. Tuy nhiên, giám đốc Động vật châu Á của Việt Nam là Tuan Bendixsen ước đoán rằng khả năng chính quyền Việt Nam ra quyết định bất lợi cho tổ chức này là 50/50.
Với những ai từng theo dõi vấn đề này qua truyền thông Việt Nam, vấn nạn của Động vật châu Á chỉ là một câu chuyện chiếm đất thường tình, nhưng lần này lại nhắm thẳng vào những người nước ngoài giàu có yêu chuộng gấu thay vì những nông dân nghèo khổ hoặc giới vô sản thành thị. Cách thức cũng tương tự: ai đó có tiền bạc hoặc ảnh hưởng hoặc cả hai, đến thăm dò một mảnh đất mà anh ta muốn dùng rồi lũng đoạn cán bộ địa phương để “lấy lại” bất động sản ấy nhằm “phát triển kinh tế”.
Dự án xây dựng được dùng để thay thế khu bảo tồn gấu dường như là một khu công viên du lịch sinh thái, theo tài liệu mà hội Động vật châu Á có được, và rõ ràng là có một con người đầy thế lực nào đấy đang vận động việc này. Điều khó hiểu là tại sao các quan chức cao cấp của chính quyền, thậm chí bao gồm cả những đại diện cao cấp của Bộ Quốc phòng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, lại thông đồng với nhau để làm Việt Nam bị mang tiếng thậm tệ và đã khiến cho ít nhất là 11 toà đại sứ phương Tây lên tiếng phản đối.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện tại, điều này lại có lý một cách oái ăm, vấn đề này chúng ta sẽ quay lại sau khi đề cập qua vấn đề kinh doanh mật gấu.

Vì sao tổ chức Động vật châu Á đến Việt Nam

Mật gấu vốn là dược chất Đông y từ thời cổ xưa. Nó được dùng với liều lượng cực nhỏ để giảm sốt, bảo vệ gan, tăng cường thị lực, làm tan sạn thận và cũng là thuốc chống sưng. Nó còn được cho là có thể giúp giảm chứng động kinh, chống rụng tóc và chữa bệnh bất lực. Hoạt chất Ursodeoxycholic Acid trong mật gấu hiện có thể được tinh chế từ mật súc vật lấy từ các lò mổ, nhưng hoá chất dễ tìm thấy này đã không đánh đổ được danh tiếng mà “mật gấu thật” đang có. Trên thực tế, chỉ có rất ít mật lấy từ gấu nuôi được dùng để chế biến dược phẩm, còn 90% được cho là dùng để tăng giá trị cho các mặt hàng như rượu thuốc, thuốc nhỏ mắt và thuốc bổ.
Theo một thăm dò của tổ chức bảo vệ động vật hoang dã TRAFFIC, hầu hết tất cả mật gấu có mặt trên thị trường của 12 quốc gia trong khu vực Đông Á đến từ “trại nuôi”, tức là được rút từ những con gấu đen châu Á (còn gọi là “gấu ngựa”) và gấu chó Malaysia sinh ra từ trại nuôi. Đây là một dạng kinh doanh đang trên đà suy giảm ở Nam Hàn nhưng rõ ràng vẫn đang ổn định tại Trung Quốc và Việt Nam. Nga và Lào cũng là hai quốc gia sản xuất mật gấu lớn.
Có những cách rút mật gấu khác nhau. Tại Việt Nam, mật thường được rút bằng cách cắm kim vào túi mật của con gấu đã bị đánh thuốc mê trong khi hơn chục khách du lịch Nam Hàn và Trung Quốc đứng xem, khúc khích cười một cách hồi hộp. Mỗi lần như thế có thể lấy đến 150cc mật gấu. Quá trình này được thực hiện hàng tháng đối với mỗi con gấu cho đến khi nguồn mật cạn đi, lúc ấy nó sẽ bị giết lấy thịt và tay chân - cũng là những mặt hàng được cho là có giá trị y tế.
Giữa mỗi lần “rút mật” này những con gấu bị giam trong những lồng riêng, được biết là thường không đủ chỗ để xoay trở hoặc đứng thẳng. Ở những trại thu mật gấu tập trung tại khu vực gần Vịnh Hạ Long được biết là có đến 40-50 con gấu mỗi trại, là những trạm dừng chân thường xuyên của các đại lý du lịch Nam Hàn. Đối với những du khách Hàn - hầu như toàn là nam giới - đây là một cơ hội đặc biệt rẻ tiền để mua một mặt hàng mà hiện nay đã bị quản lý chặt chẽ ở quê nhà, khiến cho giá thành tăng vọt.
Tổ chức Động vật châu Á sau một số thành công trong việc giải cứu những con gấu từ những trại mật ở Trung Quốc, đã thiết lập trụ sở tại Hà Nội vào năm 2005. Động vật châu Á là một tổ chức được nhận diện rõ nét qua người sáng lập đầy lôi cuốn của nó là Jill Robinson. Từ năm 1998, nó đã phát triển lên đến gần 300 nhân viên. Nó nuôi giữ khoảng 150 con gấu một khu bảo tồn ở Tứ Xuyên, Trung Quốc và 104 con khác tại khu bảo tồn được đề cập ở trên tại Công viên Quốc gia Tam Đảo phía bắc Hà Nội.
Động vật châu Á cũng bảo vệ an sinh cho chó và mèo và vận động chống việc đối xử tàn nhẫn với thú vật tại những sở thú và những khu chợ ở Trung Quốc, nhưng mối an sinh của những chú gấu vô cùng ăn ảnh chiếm đến 80% hoạt động của nó. Việc chăm sóc gấu thì rất tốn kém, nhưng Động vật châu Á đã thiết lập được một chi nhánh gây quỹ đầy hiệu quả mà năm ngoái đã quyên góp được hơn 9 triệu Mỹ kim từ những nhà từ thiện mà đại đa số là từ các nước phương Tây.
Những con gấu đến với Động vật châu Á bằng nhiều cách. Tại Việt Nam, đôi khi chúng được công an hay kiểm lâm tịch thu, đôi khi được đưa đến bởi những người dân mệt mỏi vì nuôi chúng như thú trong nhà hoặc để hấp dẫn du khách. Bendixsen ước tính rằng có khoảng 200 con gấu hoang trên những vùng núi ở Việt Nam và có khoảng 2.400 con đang bị bắt giữ, bao gồm khoảng 500 con trong các trại lấy mật ở ngoại ô Hà Nội.
Đầu năm 2006, Động vật châu Á ký được hợp đồng thuê dài 20 năm cho mảnh đất dùng làm khu bảo tồn nằm ở phía bắc của văn phòng Công viên Quốc gia Tam Đảo. Là người có kinh nghiệm trong vài năm làm việc thiện nguyện và cố vấn cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bendixsen đã cố gắng để bảo đảm hợp đồng này được ký kết một cách đúng đắn. Ông nói rằng hợp đồng thuê đất của Động vật châu Á đã được Đảng uỷ cũng như các quan chức có trách nhiệm địa phương thông qua, được phối hợp đầy đủ với bộ Nông nghiệp và cơ quan trực thuộc của bộ là Cục Kiểm lâm, và cũng đã được chính bản thân Thủ tướng Dũng phê chuẩn vào năm 2008.
Sau đó tổ chức phi chính phủ này đã đổ 2 triệu Mỹ kim vào cơ sở hạ tầng, bao gồm các trạm y tế và những khu vực để gấu dễ thích nghi, và đã phục dưỡng tối đa lượng gấu mà khu bảo tồn có thể chứa được.


Thông thường thì những con gấu ở Động vật châu Á đã bị chấn động trầm trọng vì từng bị đối xử tàn nhẫn ở các trại mật, Bendixsen nói. Đưa chúng lại tình trạng tương đối bình thường là một việc rất khó, và không thể nào trả chúng trở lại môi trường hoang dã.

Trò o ép

Đến đầu năm 2011, khu bảo tồn Tam Đảo đã hết sức chứa. Khi Động vật châu Á dự tính xây dựng nửa còn lại của khu đất rộng 11 hecta của mình để có thêm chỗ cho thêm khoảng 100 con gấu thì vào tháng Bảy, tổ chức này được tiếp cận bởi một đại diện của một công ty vừa mới thành lập mang tên Trường Giang Tam Đảo (TGTĐ). Vị phái viên này yêu cầu Bendixsen và Robinson nhượng lại quyền sử dụng khu vực chưa xây dựng cho TGTĐ. Các lãnh đạo của Động vật Châu Á bảo ông ta rằng điều này không thể được, và họ tiếp tục kế hoạch mở rộng khu bảo tồn.
Đấy chỉ mới là khởi đầu. Trong 18 tháng sau đó, những tiêu cực hành chính đã bắt đầu o ép khu bảo tồn. TGTĐ đã để mắt đến việc thành lập một “công viên sinh thái” rộng 48 hecta trong vùng thung lũng phía trên khu bảo tồn, lợi dụng những luật lệ mới cho phép cơ quan bảo quản cho thuê đất công viên để phát triển du lịch. Dường như mảnh đất chưa xây mà khu bảo tồn đã thuê và con đường xuyên qua khu bảo tồn thì rất quan trọng cho sự thành công của dự án công viên sinh thái, vì thế TGTĐ đã không ngừng tìm cách và cho đến nay đã thành công trong việc ép buộc dẹp bỏ khu bảo tồn.
Sau đó, TGTĐ đã tìm được sự hỗ trợ của Giám đốc Công viên Quốc gia Đỗ Đình Tiến (hoá ra con gái ông giữ 10% cỗ phần của TGTĐ), các quan chức trong Cục Kiểm lâm và Bộ Nông nghiệp, những người dân địa phương ở khu vực hạ lưu (những người này đã đệ đơn vu cáo là chất thải của khu bảo tồn đã làm ô nhiễm dòng nước), và cuối cùng, vào tháng Chín 2012, các quan chức Bộ Quốc phòng đã kêu gọi dẹp bỏ khu bảo tồn vì họ cho rằng mảnh đất này là một “khu vực quan trọng cho an ninh quốc gia.” (Rõ ràng đây là một khó khăn đối với khu bảo tồn gấu của Động vật châu Á nhưng lại không có gì trở ngại đối với những người đề xuất xây dựng “công viên sinh thái”)
Với con mắt đầy lệch lạc, chiến dịch của TGTĐ cho thấy việc chiếm đất được tạo ra bởi nạn hối hộ có hệ thống của các quan chức, những người từng tự hào về khu bảo tồn gấu của Động vật châu Á, và trên thực tế họ đã từng giới thiệu nó trên những tài liệu quảng bá du lịch của tỉnh. Những thủ đoạn như thế này đã trở thành cơn bệnh ở Việt Nam, mặc dù hiếm khi được dùng đối với những chủ thể nước ngoài. Rõ ràng là nhân vật giật dây hẳn có rất nhiều quyền thế.
Chẳng bao lâu Động vật châu Á đã biết được ai là đối thủ của mình, nhưng để chứng minh những hoạt động bất hợp pháp của họ (như hối lộ) thì bất khả thi. Tệ hơn nữa là người giữ đa số cỗ phần của TGTĐ hoá ra lại là cựu lãnh đạo của Vụ Kinh tế thuộc Văn phòng Thủ tướng, Nguyễn Tuấn Phú, đầu thai lại trong TGTĐ với cái là Nguyễn Hữu Phú. Trên thực tế Phú từng là một trong những người đưa ra những luật lệ cho phép các công viên quốc gia cho thuê đất để phát triển du lịch có lợi nhuận. Chỉ trong vài tháng, sau khi về hưu, ông đã dùng luật lệ mới để kiếm lợi cho mình.
Nếu quyết định tối cao đang được cân nhắc sẽ chống lại Động vật châu Á, một phần của nó là nạn nhân của hoàn cảnh. Trong thời buổi này, nhà quan sát Việt Nam kỳ cựu Carlyle Thayer nói, “những đấu đá trong nội bộ đảng đứng trên tất cả. Họ quá lo tranh chấp đến nỗi bất chấp việc người ngoại quốc nghĩ gì.”
Với lý do này, việc Động vật châu Á đã thu thập gần 60 nghìn chữ ký kiến nghị lên Thủ tướng, vận động những người nổi tiếng và cả chục vị đại sứ, và châm bùng ngọn lửa trên Facebook cũng chẳng có ý nghĩa gì. Những người sẽ quyết định số phận khu bảo tồn gấu chẳng thèm quan tâm.
Động vật châu Á đã làm việc cật lực, Bendixsen nói, để xây dựng những quan hệ và vận động bè bạn ở Việt Nam. Mặc dù cái mũ “an ninh quốc gia” có thể khiến cho một số tổng biên tập phải lưỡng lự, một số tờ báo trong nước đã tường thuật kỹ việc đe doa di dời này. Chúng bao gồm, quan trọng nhất là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản là báo Nhân Dân, và Tuần Việt Nam, một tờ báo mạng được giới học giả tiên tiến trong nước theo dõi nhiều. Thật trễ tràng, Động vật Châu Á đang thiết lập một trang tiếng Việt trên trang nhà của mình.
Động vật châu Á vẫn có thêm ít nhất một mũi tên trong tay nếu Thủ tướng ký lệnh trục xuất những con gấu này. Vì tổ chức này đã đầu tư tiền quyên góp từ các nhà tài trợ ở Hoa Kỳ và những nơi khác, Động vật châu Á có thể kiến nghị lên Trung tâm Quốc tế của Ngân hàng Thế giới để xem xét khiếu nại Giải quyết Tranh chấp, với lý do Việt Nam vi phạm Hiệp ước Thương mại Song phương Mỹ - Việt và có thể cả những hiệp định khác. Hãy đợi xem mũi tên này sẽ được bắn đi hay không.
(David Brown từng là một nhà ngoại giao của Hoa Kỳ với nhiều kinh nghiệm về Đông nam Á, đặc biệt là Việt Nam)
Nguồn: Asia Sentinel
Admin gửi hôm Thứ Tư, 19/12/2012          
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20121219/david-brown-tham-nhung-o-viet-nam-de-doa-khu-bao-ton-gau
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001