Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

HỘI NGHỊ BÍ MẬT THÀNH ĐÔ 1990


 Biên tập: Qua các bài viết lưu truyền trên mạng như Hồi ký của Trần Quang Cơ, hoặc mới nhất trong cuốn "Bên Thắng Cuộc" của Huy Đức (Bản điện tử) v.v.., người đọc Việt Nam đã biết khá rõ về Hội nghị Thành Đô 1990: Trước Đại hội VII (1991), các nhân vật chủ chốt của BCT ĐCSVN như Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Anh, Đỗ Mười nóng lòng muốn đạt được với phía Trung Quốc phương án giải quyết vấn đề

Cămpuchia theo "giải pháp Đỏ" để mau chóng bình thường hoá quan hệ Việt Trung, lần lượt Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười đã chủ động tiếp xúc với Đại sứ TQ Trương Đức Duy. Ý tứ của phía Việt Nam qua các cuộc tiếp xúc đã được Trương báo cáo về Bắc Kinh, và một cuộc gặp có tính chất nội bộ (không chính thức) đã được bố trí tại Thành Đô. Lý Bằng Thủ tướng Quốc vụ viện TQ là nhân vật cao cấp số 2 tham gia Hội nghị này. Lý Bằng có tập Nhật ký đối ngoại (李鵬外事日記 Lý Bằng ngoại sự nhật ký)  có ghi chép diễn tiến của Hội nghị này. Nhận thấy chúng ta đang cần tư liệu từ nhiều phía để đi sâu xem xét thật kỹ nội dung cuộc gặp tuy nội dung rất quan trọng này, thế nhưng hơn 20 năm qua giới lãnh đạo Việt Nam tuyệt đối không hé lộ chút tin tức nào cho đông đảo nhân dân được biết.Như vậy, người dân làm sao có thể tham gia hoặc phát biểu ý kiến về những vấn đề trọng đại của đất nước như Hiến pháp đã quy đinh? Đó là lý do tôi đã chọn và dịch trang nhật ký của Lý Bằng viết về Hội nghị Thành Đô 1990 theo nguyên văn đăng trên trang mạng của TQ (xem, Nguồn:). 
Lưu ý: Bài này của Lý Bằng tất nhiên có cung cấp cho dư luận một ít chi tiết diễn tiên của cuộc họp, nhưng tài liêu quan trong nhất của hội nghị tức là bàn Kỷ yếu Hội nghị  會議紀要  mà Giang Trạch Dân, Lý Bằng đã ký với Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười trong ngày kết thúc Hội nghị thì Lý Bằng không nói đến.Vì cả hai bên Trung Quốc-Việt Nam đều giữ kín không công bố Kỷ yếu Hội nghị được tổ chức ký kết rất trọng thể (như Lý Bằng đã viết trong Nhật ký đối ngoại này), cho nên dư luận lại càng băn khoăn, thậm chí nghi ngờ: Vấn đề Campuchia thì nay đã xong lâu rrồi, không còn gì đáng coi là "mật" nữa.Phải chăng là trong Kỷ yếu của Hội nghị ấy các đại diện phía VN bị ép buộ phải bí mật cam kết bí những điều khoản  nào đó bất lợi đối với chủ quyền lãnh thổ, biển đảo quốc gia của VN cho nên cả hai bên đều không muốn thông báo cho dân biết? Tôi đã lưu ý tìm kiếm nhưng chưa thấy tài liệu này, khả năng tìm thấy rất thấp, nhưng nếu tìm được sẽ công bố tiếp.Ngô Đức Thọ.

Nguồn:
http://big5.xinhuanet.com/gate/big5/news.xinhuanet.com/book/2008-01/02/content_7340154_1.htm


NHẬT KÝ ĐỐI NGOẠI CỦA LÝ BẰNG
Bình thường hoá quan hệ Trung Việt
HỘI NGHỊ THÀNH ĐÔ 1990
[1990]
Ngày 6/6- Thứ tư. Trời quang tạnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh hội kiến với Đại sứ Trương Đức Duy tại Bộ Quốc phòng Việt Nam. Nguyễn hy vọng thực hiện bình thường hoá quan hệ giữa hai nước, hai Đảng.
Ngày 26/8- Chủ nhật. Trời mưa u ám.
Về chuyến đi của TBT ĐCSVN Nguyễn Văn Linh và những người cùng đi đến Trung Quốc viếng thăm nội bộ, tôi đã hội báo với đồng chí Đặng Tiểu Bình. Xét vì Á vận hội sắp khai mạc ở Bắc Kinh, mà lần gặp này liên quan đến việc bình thường hoá quan hệ hai nước Việt Trung là sự việc trọng đại, để tiện cho việc bảo mật, địa điểm hội đàm quyết định bố trí ở Thành Đô.
Ngày 30/8-Thứ năm.Trời quang tạnh.
Về việc đồng chí Giang Trạch Dân và tôi đi Thành Đô hội đàm nội bộ với TBT ĐCSVN Nguyễn Văn Linh và Chủ tịch HĐBT VN Đỗ Mười, đã gửi lời mời đến phía Việt Nam. Hiện còn phải chờ xem phúc đáp của phía Việt Nam thế nào?
Ngày 2/9 -Chủ nhật. Trời quang tạnh.
Buổi chiều, 3 giờ 30 tôi lên chuyên cơ khởi hành từ sân bay ở ngoại ô phía tây Bắc Kinh. Khoảng gần 6 giờ đến sân bay Thành Đô. Tôi đi ô tô mất khoảng 20 phút đến Khách sạn Kim Ngưu. Bí thư Tỉnh uỷ Dương Nhữ Đại chờ đón tôi tại đó. Đồng chí Giang Trạch Dân đi một chuyên cơ khác, đến Thành Đô muộn hơn tôi 30 phút. Buổi tối từ 8 g30 đến 11g  tôi và đồng chí Giang Trạch Dân trao đổi ý kiến về phương châm hội đàm với phía Việt Nam ngày mai.
Ngày 3/9 Thứ hai. Thành Đô trời tạnh sáng.
Buổi sáng tôi đến chỗ đồng chí Giang Trạch Dân cùng đồng chí ấy tiếp tục nghiên cứu phương châm sẽ hội đàm với phía Việt Nam vào buổi chiều.
Khoảng gần 2g chiều, TBT ĐCSVN  Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười và Cố vấn  BCHTƯ ĐCSVN Phạm Văn Đồng đến khách sạn Kim Nguu, Thành Đô. Đồng chí Giang Trạch Dân và tôi đón tiếp họ ở sảnh tầng 1. Nguyễn Văn Linh mặc Âu phục màu cà phê, phần nào có phong độ như một học giả. Đỗ Mười thân thể tráng kiện, đầu tóc bạc trắng, vận âu phục xanh lam. Cả hai người đều vào khoảng 73-74 tuổi. Còn Phạm Văn Đồng cả hai mắt bị lòng trắng che, thị lực rất kém, mặc áo kiểu đại cán xanh lam, giống như một lão cán bộ Trung Quốc.
Buổi chiều, hội đàm bắt đầu. Nguyễn Văn Linh nói trước một thôi dài. Tuy nói nguyện vọng muốn nhanh chóng giải quyết vấn đề Campuchia, đồng thời nói việc thành lập Họi đồng Tối cao Campuchia là việc cấp thiết trước mắt, không nên loại bỏ bất cứ một bên nào, nhưng lại tỏ ý không muốn can thiệp vào công việc nội bộ của Campuchia. Xem ra, vấn đề Campuchia Nguyễn Văn Linh chỉ muón tỏ một thái độ về nguyên tắc mà đặt trọng điểm vào việc bình thường hoá quan hệ Trung Việt.
Hội đàm diễn tiến đến tận 8g tối. 8g30 mới chiêu đãi cơm tối. Trên bàn ăn tôi và đồng chí Giang Trạch Dân lại từng người làm việc với Đỗ Mười và Nguyễn Văn Linh.
Ngày 4/9. Thứ ba. Trời âm u.
Buổi sáng chúng tôi tiếp tục họp với các đồng chí lãnh đạo Việt Nam. Đến lúc đó những vấn đề hội nghị đề xuất có thể nói là đã đạt được nhận thức chung một cách đầy đủ, quyết định khởi thảo một bản Kỷ yếu của Hội nghị.
Buổi chiều, 2g30 tại sảnh tầng 1 khách sạn Kim Ngưu hai bên Trung Việt cử hành nghi thức ký kết chính thức. Hai bên riêng biệt do Tổng Bí thư và Thủ tướng ký. Đây là bước ngoặt mang tính lịch sử của quan hệ hai nước Trung Việt. Đồng chí Giang Trạch Dân đương diện tặng các đồng chí Việt Nam một câu thơ:
度尽劫波兄弟在相逢一笑泯恩仇 (*)
 Độ tận kiếp ba huynh đệ tại, Tương phùng nhất tiếu mẫn ân cừu.

(Câu này trích thơ Lỗ Tấn)(*)


Về việc ấy, các đồng chí Việt Nam tỏ ý rất vui thích.

 (*) Trích thơ Lỗ Tấn鲁迅题三义塔/ Đề Tam Nghĩa tháp (1933).

Dịch: Sau kiếp nạn anh em còn đó, Trông nhau cười, thù oán sạch không !
Kiếp ba : (Thật ngữ Phật giáo), phiên âm Phạn ngữ Kapla có nghĩa là một thời kỳ rất dài (x. Từ điển Phật học Hán Việt. Kim Cương Tử Chủ biên.Tái bản có bổ sung. H.,Nxb.KHXH,1998), tr.609.














Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001