Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

Thông cáo báo chí thường niên 2012 của Mạng lưới sông ngòi Việt Nam

Ngay sau khi UBND tỉnh Đồng Nai có ý kiến chính thức phản đối Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A xây dựng giữa rừng quốc gia Cát Tiên, ngày 16-12-2012 tại TP Hồ Chí Minh, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) cũng đăng đàn phản đối với sự tham dự của nhiều chuyên gia, giới nghiên cứu, đại diện các tỉnh Đồng Nai, Đắk Nông, TP Hồ Chí Minh, các Vụ, Viện chuyên ngành.
Để bạn đọc hiểu rõ hơn về hai dự án thủy điện lâu nay vẫn được dư luận hết sức quan tâm và BVN cũng đã đăng tải khá nhiều góp ý của các chuyên gia trong ngoài nước, lần này chúng tôi xin đăng bản Thông cáo báo chí của VRN về Hội thảo ngày 16-12-2012, và bản Nhận xét, phản biện chính thức tại Hội thảo của VRN do TS Lê Anh Tuấn trực tiếp trình bày.
Bauxite Việt Nam
Hôm nay, ngày 16 tháng 12 năm 2012, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) đã tổ chức hội thảo thường niên tại khu Du lịch Bình Quới 2 – TP HCM. Trong đó, hội thảo đã dành trọn buổi sáng để thảo luận chuyên đề “Lưu vực sông Đồng Nai – Tác động của dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A” vì đây là một trong những vấn đề mà VRN đặc biệt quan tâm trong những thời gian vừa qua, với chức năng “thực hiện vai trò giám sát, phản biện độc lập và đóng góp chính sách liên quan đến tài nguyên nước dựa vào các hoạt động thực tiễn”.
1. Phần chuyên đề được mở đầu bằng bài tham luận “Phản biện của VRN đối với báo cáo ĐTM Dự án Thủy điện ĐN 6 và 6A”, do TS Lê Anh Tuấn đại diện VRN trình bày. Báo cáo phản biện tập trung vào các điểm cần xem xét về 2 dự án này: đó là các căn cứ pháp lý (chưa được QH thông qua chủ trương đầu tư, vi phạm luật ĐDSH); các quan ngại về diện tích rừng sẽ bị mất; các đánh giá và biện pháp bảo tồn ĐDSH nêu trong báo cáo ĐTM; tính toán thủy văn, sự bồi lắng trong lòng hồ; đánh giá tác động văn hóa xã hội và nghi vấn đối với các biện pháp ứng phó sự cố. Qua phân tích những lỗ hổng trong Báo cáo ĐTM của hai dự án, VRN kết luận hai báo cáo này chưa đủ điều kiện để được các cơ quan có thẩm quyền xem xét phê duyệt. Tác động của hai dự án đến môi trường tự nhiên và xã hội sẽ rất lớn, gây hậu quả khó lường và hầu như không có khả năng khắc phục.
2. Hội thảo tiếp tục với các bài trình bày: Tổng quan về VQG Cát Tiên, tác động đối với ĐDSH – của đại diện VQG Cát Tiên, TS Phạm Hữu Khánh đã nêu bật những khía cạnh cần quan tâm khi đánh giá tác động của hai dự án thủy điện, nhất là các loài động thực vật đặc hữu /quí hiếm và hệ thống đất ngập nước, quan trọng là khu Ramsar Bàu Sấu. Phát biểu của Ông Trần Văn Mùi Giám đốc khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai, cũng nêu bật những lưu ý về mối liên hệ giữa khu bảo tồn (bao gồm cả hồ Trị An) và các dự án thủy điện, và sự ảnh hưởng nghiêm trọng đối với vùng hạ lưu, ví dụ ngập lụt do xả lũ. Tác động của dự án ĐN 6 và 6-A cần xem xét trong mối quan hệ giữa rừng, sông và con người trong lưu vực sông Đồng Nai. Sông cần có nước, nước cần có rừng.
3. Tham gia thảo luận, TS. Lê Tự Trình đã nhấn mạnh về bài học kinh nghiệm từ hồ Trị An với hậu quả của việc phá rừng xung quanh hồ sau khi hoàn thành dự án, các vấn đề pháp lý trong phản biện và đánh giá thủy điện. Tác động của các dự án thủy điện như DN-6 và 6-A thực tế sẽ lớn hơn rất nhiều vùng bị ảnh hưởng trực tiếp. TS Đào Trọng Tứ, thành viên VRN đề nghị xem xét lại quy hoạch thủy điện Đồng Nai và lý luận phản biện dựa trên phân tích hệ thống thủy điện trên sông Đồng Nai, trong khi ĐTM mới của Viện Tài nguyên môi trường (ĐH QG TPHCM) dường như chỉ chú trọng vào việc ủng hộ cho việc xây dựng dự án.
4. Những đánh giá tác động cụ thể về những khía cạnh khác cần quan tâm hơn trong báo cáo ĐTM được thảo luận trong 2 báo cáo tiếp theo: “Nghiên cứu về cá di cư và nghề cá ven sông” – của chuyên gia Phạm Văn Miên và “Những giá trị về văn hóa khảo cổ” – do ông Lê Trí Dũng trình bày. Về cá di cư, báo cáo chuyên môn sâu này đã nêu lên những tác động của hai thủy điện ĐN-6 và 6-A đối với nghề cá và một số loài cá di cư – nhất là dạng di cư thụ động của trứng và cá con qua Tua Bin từ thượng nguồn, mặc dù một số loài di cư đã bị biến mất do tác động của các thủy điện hiện hữu. Liên quan đến giá trị văn hóa – khảo cổ, bài tham luận đã mang đến hội thảo thông điệp: ‘Sông Đồng Nai là dòng sông văn hóa, và việc lên tiếng bảo vệ những giá trị di sản văn hóa khảo cổ khu vực Cát Tiên – Sông Đồng Nai là việc làm hết sức cấp bách và có ý nghĩa”.
5. Trong phần thảo luận tại hội thảo đã thể hiện rõ quan điểm đối với dự án thủy điện 6 và 6A. Đó là: (1) Cần đặc biệt quan tâm về các công ước và sự công nhận của quốc tế đối VQG Cát Tiên, vì Cát Tiên thuộc khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, Ủy ban UNESCO đang thẩm định hồ sơ công nhận VQG là khu di sản thiên nhiên thế giới, là khu di tích quốc gia đặc biệt do đó sẽ khó thuyết phục UNESCO nếu không có cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam; (2) tính đa dạng sinh học cao cùng với giá trị quí giá về văn hóa lịch sử – khảo cổ, nhưng chưa được đánh giá tác động một cách đầy đủ chính xác, cụ thể và khách quan; (3) Tác động vùng hạ lưu của hai thủy điện chưa được đánh giá đầy đủ; (4) Bất cập trong việc cơ chế thực hiện đánh giá tác động môi trường, khi báo cáo ĐTM được tài trợ của chủ đầu tư. Kinh phí này cần chuyển cho 1 cơ quan có thẩm quyền, chủ trì trong việc chọn tư vấn để thực hiện ĐTM.
6. Những kiến nghị sau được thống nhất của hội thảo: 
6.1 Xem xét lại tính pháp lý của hai dự án thủy điện.
6.2 Rà soát đánh giá lại quy họach thủy điện trên sông Đồng Nai
6.3 Cần đánh giá tác động môi trường của 2 dự án ĐN-6 và 6-A một cách chi tiết hơn, mở rộng phạm vi hơn đến vùng hạ lưu. Cần có đánh giá cụ thể về định lượng có cơ sở khoa học hơn nữa do một đơn vị tư vấn uy tín độc lập, nếu cần nên có sự tham gia của chuyên gia quốc tế.
6.4 VRN sẽ tổng hợp và xuất bản những nghiên cứu, đánh giá liên quan đến tác động của hai dự án thủy điện ĐN-6 và 6-A để đem thông tin chính xác, tin cậy đến cộng đồng và công chúng. Từ đó, sẽ giúp cho việc thu nhận ý kiến của công chúng có tính khách quan hơn.
6.5 Vai trò của Hội Liên hiệp Khoa học kỹ thuật Việt Nam, Và UBND tỉnh Đồng Nai, với chức năng phản biện xã hội cho Chính phủ Việt Nam trong việc quyết định phê duyệt đối với dự án thủy điện 6 và 6A là cần thiết.
6.6 Và tốt nhất nên dừng 2 dự án thủy điện ĐN-6 và 6-A
Nguồn: http://www.vrn.org.vn/vi/h/d/2012/12/551/Thong_cao_bao_chi_cua_Hoi_thao_thuong_nien_VRN_2012/index.html
Kỹ sư NĐT gửi trực tiếp cho BVN.
nguồn:http://www.boxitvn.net/bai/43709
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001