Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2012

1112. Bộ máy an ninh nhà nước Trung Quốc: Canh gác những người canh gác
Posted by basamnews on 01/07/2012
Economist

Bộ máy an ninh nhà nước Trung Quốc: Canh gác những người canh gác

Đảng muốn chắc chắn những người thi hành mệnh lệnh phải bị kiểm soát chặt chẽ
Người dịch: Trần Văn Minh
30-06-2012



Dường như các lãnh đạo Trung Quốc đang gia tăng kiểm soát lực lượng an ninh đang bảo vệ quyền hành của đảng. Tại các tỉnh thành, các cảnh sát trưởng đang bị xiết chặt hơn dưới bàn tay của Đảng Cộng sản. Vài nhà cấp tiến phát hiện ra rằng, đây là dấu hiệu của sự thay đổi về chính sách kiểm soát người dân Trung Quốc của Đảng. Tuy nhiên, có khả năng là sau một thời gian xáo trộn, chính việc kiểm soát lực lượng cảnh sát hiện đang được xem xét kỹ lưỡng. Bộ máy an ninh quốc nội to lớn và tốn kém của Trung Quốc vẫn hành động một cách hung hăng như thuở nào.
Trong thời gian sắp tới ngày Đại hội Đảng Cộng sản vào mùa thu năm nay, thời điểm Trung Quốc sẽ thay đổi các lãnh đạo cao cấp nhất lần đầu tiên trong vòng 10 năm, các chi bộ đảng cấp tỉnh và thấp hơn đã được thay đổi. Trong tiến trình đó, các cảnh sát trưởng của tỉnh đang bị kiềm chế.
Trước tiên, họ bị tước bỏ chức lãnh đạo ủy ban “chính trị-pháp luật” của đảng, có nhiệm vụ giám sát cảnh sát, tòa án và viện kiểm sát. Các ủy ban này có quyền hành rất lớn. Lực lượng an ninh họ mà coi sóc không chỉ là những viên chức an ninh mà còn là những kẻ bảo vệ sự cai trị của đảng. Trong những năm gần đây, họ đối diện với một loạt khủng khoảng, như bất ổn sắc tộc ở các khu vực Tây Tạng, Tân Cương và Nội Mông, và những thách thức từ giới luật sư và các nhà hoạt động. Sự đáp trả của họ là đàn áp, thường đi kèm với các vụ bắt bớ tập thể; vài người bị bắt đã biến mất.
Theo tuần báo Trung Quốc, Southern Weekend, năm 2010, vụ tổ chức [các bộ] của đảng đã ban hành sắc lệnh, chủ tịch ban chính trị-pháp luật không được kiêm thêm chức cảnh sát trưởng. Tuần báo này nói đúng, ít nhất về chiều hướng [thay đổi]. Trong số 30 bí thư của ủy ban chính trị-pháp luật tỉnh được chọn năm nay, chỉ có 9 người là cảnh sát trưởng, giảm từ 13 so với 31 người cách đây gần 5 năm. Và điều không thể tưởng tượng được cho tới gần đây, tỉnh Quảng Đông, miền nam [Trung Quốc] và tỉnh Thanh Hải, miền tây [Trung Quốc], không có một người nào trong số 29 cảnh sát trưởng thuộc bộ phận hành chánh bên dưới cấp tỉnh, tức cấp quận, kiêm chức bí thư ủy ban chính trị-pháp luật.
Một hệ quả của xu hướng này là một cú đánh vào vị thế cảnh sát trưởng: họ cũng không được xếp vào ủy ban thường vụ khu vực của Đảng Cộng sản. Các ủy ban này điều hành các tỉnh thành giống như 9 ủy viên Ban Thường vụ Bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung quốc cai trị toàn bộ đất nước Trung Quốc. Trong số 30 [bí thư] ủy ban chính trị-pháp luật cấp tỉnh đã được chỉ định năm nay (nghĩa là tất cả các tỉnh thành, ngoại trừ ở Bắc Kinh, nơi mà đại hội bắt đầu vào ngày 29 tháng 6), chỉ có 10 bí thư kiêm chức cảnh sát trưởng, giảm xuống từ 14 người cách đây gần 5 năm. Sự thay đổi này làm cho cơ cấu tổ chức tỉnh thành giống như trung ương đảng và chính phủ, nơi mà Bộ trưởng Công an Mạnh Kiến Trụ không phải là một trong 24 ủy viên của Bộ Chính trị, chứ đừng nói tới [ủy viên] Ban Thường vụ.
Một lý do để nghĩ rằng quyền hành công an đang trên đà suy giảm, là sự suy sụp gần đây của Chu Vĩnh Khang, bí thư ủy ban chính trị- pháp luật trung ương. Ông Chu là bí thư của bộ công an từ năm 2002 – 2007, trước khi trở thành người của Bộ Chính trị, phụ trách an ninh quốc nội – công an mật vụ và tất cả các ngành liên hệ. Ông là một đồng minh với Bạc Hy Lai, là ủy viên Bộ Chính trị, cho tới khi ông Bạc bị thanh lọc đầu năm nay.
Ông Chu, người được cho là đã hỗ trợ ông Bạc để thay thế chức vụ của ông, đã chỉ huy các nhân viên an ninh áo xanh (và thường phục) trong những ngày tháng xáo trộn. Ngân sách an ninh quốc nội của Trung Quốc đã tăng lên đến con số kinh ngạc là 110 tỷ đô la một năm, lớn hơn chi tiêu quốc phòng đã được công bố. Vài đối thủ trong đảng hẳn phải ganh ghét với sự sở hữu quyền lực và số tiền đó, và kín đáo phàn nàn về hiệu quả làm việc của ông Chu. Cuối cùng, số lượng những cuộc biểu tình gây bất ổn khắp Trung Quốc tiếp tục gia tăng, tới mức 180.000 vụ trong năm 2010, theo một nguồn tin ước đoán.
Tuy nhiên, không có lãnh đạo cao cấp nào tuyên bố công khai rằng sự gia tăng lực lượng an ninh chính phủ trở nên phản tác dụng. Thủ tướng Ôn Gia Bảo, người tự cho là có đầu óc cải cách, có lẽ chống đối khuynh hướng bàn tay sắt của ông Chu. Nhưng nếu chống đối như thế, thì ông đã bị áp đảo. Quyền hành của cảnh sát và an ninh đã từ từ mở rộng, lấn át quy trình luật pháp, tòa án, công tố và ngay cả những lãnh đạo đảng khác. Sự lãnh đạo của họ (lực lượng an ninh) trong ủy ban chính trị- pháp luật, với nhiệm vụ cân bằng quyền lợi của cảnh sát, tòa án và các công tố, đã gia tăng quyền hạn của các cảnh sát trưởng để né tránh quy trình luật pháp. Những hy vọng hão huyền về pháp trị liên tục đụng phải những tảng đá của lực lượng an ninh.
Ông Cheng Li, một chuyên gia nghiên cứu về chính trị trong giới cao cấp Trung Quốc, thuộc Viện Brookings, một viện nghiên cứu ở Washington (Hoa Kỳ), nói rằng quyền lực cảnh sát lớn mạnh một phần do ông Chu thiếu đối thủ mạnh trong hệ thống “lãnh đạo tập thể”; một phần để đáp trả lại mối đe dọa từ các luật sư và các nhà hoạt động chuyên dùng luật pháp để chống lại đảng, và một phần để đối phó với các cuộc khủng hoảng do bất ổn.
Cho tới năm nay, một cảm nhận về thách thức mới đối với sự cầm quyền của đảng dường như ủng hộ vị thế cá nhân của ông Chu hơn. Với chức vụ bí thư ủy ban chính trị- pháp luật trung ương, ông ta cũng chịu trách nhiệm về vấn đề an ninh của đất nước và những đơn vị bất thường trong bóng tối, gồm Phòng 610, được thành lập vào năm 1999, để đàn áp phong trào Pháp Luân Công và [văn phòng này] vẫn còn hoạt động cho tới nay.
Chiến lược an ninh vẫn không thay đổi trong năm nay. Nhưng ông Chu có vẻ là một nhân vật mờ nhạt. Một bước ngoặt quyết định đã đến vào tháng 2, khi Vương Lập Quân, cảnh sát trưởng thành phố Trùng Khánh, miền tây nam [Trung Quốc], đã ẩn náu một thời gian ngắn ngủi tại lãnh sự quán Hoa Kỳ. Đó là một miếng gạch trong sự sụp đổ dây chuyền đã chấm dứt sự nghiệp của ông Bạc, bí thư thành ủy Trùng Khánh.
Hồ sơ của ông Chu bị tổn hại do các mối liên hệ với ông Bạc, lại càng bị lem luốc hơn vào tháng 4, khi ông Trần Quang Thành, một nhà hoạt động pháp lý khiếm thị, trốn khỏi nhà của ông ở tỉnh Sơn Đông, nơi ông bị nhà cầm quyền giam giữ bất hợp pháp. Câu chuyện này đã làm nổi bật vấn đề quyền hành của lực lượng an ninh cao hơn cả luật pháp, như lực lượng an ninh đã từng thuê mướn côn đồ để canh giữ và đe dọa ông Trần và gia đình ông, và ngăn cản những người tới thăm ông, bằng cách thỉnh thoảng đánh đập họ. Bí thư ủy ban chính trị-pháp luật và cảnh sát trưởng ở Sơn Đông chẳng bao lâu sau đã bị sa thải. Những nhà cải cách xem đây như một dấu hiệu đầy hy vọng, nhưng điều này không có gì đáng ngạc nhiên là: khi ông Trần tìm kiếm sự bảo vệ từ người Mỹ, thì sự cố này đã trở thành một điều xấu hổ cho đất nước [Trung Quốc].
Có nhiều sự đồn đoán ở Bắc Kinh, liệu người kế vị ông Chu với chức vụ bí thư ủy ban chính trị-pháp luật sẽ được chỉ định vào mùa thu này, có được vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị mới hay không. Ông Li thuộc viện Brookings và ông Fu Hualing thuộc Đại học Hong Kong tin rằng, hệ thống ủy ban chính trị-pháp luật rốt cuộc sẽ bị phế bỏ như một bước tiến tới tinh thần pháp trị. Tuy nhiên, sự cải cách đó dường như vẫn chưa sắp xảy ra.
Một cách đơn giản, có vẻ như các cảnh sát trưởng của Trung Quốc đang được nhắc nhở rằng ai là người [thực sự] nắm quyền. Trong cùng ý hướng, từ sự thất thế của ông Bạc, người có vài người bạn là tướng lãnh quân đội, lãnh đạo đảng cũng liên tục nhắc nhở quân đội rằng người chỉ huy của quân đội là Đảng Cộng sản, không phải chính phủ, chứ đừng nói tới bất kỳ cá nhân nào.
Ra khỏi nòng súng của đảng
Như ông Li nhận thấy, thế khó xử của đảng là, các yếu tố đe dọa đảng và làm ông Chu và bộ máy an ninh chính phủ có nhiều quyền hành thì vẫn còn đó: “Nếu anh cắt giảm chi tiêu của cảnh sát, an ninh, thì anh đối phó với các cuộc biểu tình thế nào?” Vì thế những đơn vị bí mật như Phòng 610, mà các thành viên đã tiết lộ, ví dụ như hàng rào an ninh canh giữ ông Trần vẫn phát triển. Ngải Vị Vị, một người bất đồng chính kiến và là họa sĩ, đã bị cảnh sát giam giữ một cách bất thường hồi năm ngoái, nói rằng, các nhân viên an ninh có thể không biết chính xác họ làm việc cho bộ phận nào của đảng và nhà nước. Tuy nhiên, bằng cách này hay cách khác, họ làm cùng công việc. Các lãnh đạo Đảng Cộng sản bám chặt bộ máy an ninh nhà nước, ngay cả khi họ cố gắng kiểm soát nó.
Nguồn: Economist
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
Bản tiếng Việt © Trần Văn Minh
nguồn_basamnew:http://anhbasam.wordpress.com/2012/07/01/bo-may-an-ninh-nha-nuoc-trung-quoc-canh-gac-nhung-nguoi-canh-gac/#more-66525
---------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001