Thứ Hai, 2 tháng 7, 2012

1113. CÁC QUAN ĐIẾM CỦA CHÍNH GIỚI MỸ VỀ VIỆC THAM GIA CÔNG ƯỚC LIÊN HỢP QUỐC VỀ LUẬT BIỂN
Posted by basamnews on 02/07/2012
THÔNG TẤN XÃ VIỆTNAM

CÁC QUAN ĐIẾM CỦA CHÍNH GIỚI MỸ VỀ VIỆC THAM GIA CÔNG ƯỚC LIÊN HỢP QUỐC VỀ LUẬT BIỂN

Tài liệu Tham khảo đặc biệt
Thứ tư, ngày 27/6/2012
TTXVN (Oasinhtơn 25/6)
Liên tục trong hai tháng qua, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã tổ chức hai cuộc điều trần về việc Mỹ nên hay không nên tham gia vào Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Tại các diễn đàn này, phần lớn các quan chức chóp bu về an ninh, quốc phòng và ngoại giao Mỹ đều ủng hộ việc tham gia UNCLOS, nhưng cùng có một số ý kiến trái chiều, cho rằng tham gia UNCLOS sẽ trói tay trói chân và bất lợi đối với Mỹ. Dưới đây là tổng hợp các bài phát biểu của các quan chức Mỹ tại các cuộc điều trần ngày 23/5 và ngày 14/6 tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện.

Phát biểu trong cuộc điều trần ngày 23/5, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho rằng việc Mỹ cho đến nay vẫn chưa tham gia UNCLOS đã làm suy yếu sự ủng hộ đối với các đồng minh trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông đang bị đe dọa bởi tham vọng chủ quyền của Trung Quốc. Bà Hillary nhấn mạnh “vì không phải là thành viên của UNCLOS, chúng ta để cho Trung Quốc tung hoành về mặt pháp lý. Chúng ta đã tự đặt mình vào thế bị động. Chúng ta không phát huy được vai trò là chỗ dựa cho các bạn bè và các đồng minh trong khu vực. Đây là điều không cường quốc hàng hải nào của thế giới muốn lâm vào”. Ngoại trưởng Hillary nói: “Chúng ta cần chấm dứt việc đứng ngoài lề và bắt đầu tận dụng những lợi ích to lớn mà UNCLOS mang lại cho Mỹ và cộng đồng doanh nghiệp”. Bà cho rằng các công ty dầu khí của Mỹ trước đây chưa có đủ công nghệ để tận dụng những quy định của UNCLOS về thềm lục địa, nhưng nay các công ty này đã có khả năng và sẵn sàng khai thác các vùng này. Bà cũng cho rằng nếu tham gia UNCLOS, Mỹ sẽ nhận được sự công nhận của quốc tế về quyền chủ quyền, trong đó có việc sử dụng các thủ tục nêu trong Công ước, cho phép các công ty dầu lửa cơ sở pháp lý để thực hiện việc khai thác. Bà Hillary bác bỏ lập luận của những người chống UNCLOS, cho rằng UNCLOS được sự ủng hộ của tất cả các tổng thống của cả hai đảng, trong đó có Tổng thống đảng Cộng hòa George W. Bush, các doanh nghiệp Mỹ, ngành công nghiệp năng lượng và vận tải biển, cũng như các tố chức về môi trường. Trong cuộc điều trần, lần đầu tiên Ngoại trưởng Mỹ công khai cho rằng đòi hỏi chủ quyền cúa Trung Quốc ở Biển Đông đã vượt quá những gì UNCLOS cho phép.
Cũng trong cuộc điều trần ngày 23/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta khẳng định, là một trong những quốc gia có đường bờ biển dài nhất thế giới và có thềm lục địa mở rộng rộng nhất thế giới, Mỹ sẽ được lợi nhiều nhất từ việc tham gia UNCLOS. Ông Panetta cho rằng việc này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho Mỹ có các quyền tự do hàng hải và tiếp cận toàn cầu cho các tàu thuyền thương mại và quân sự, máy bay và các đường cáp quang dưới đáy biển, thay vì như hiện nay phải thực hiện quyền tự do hàng hải thông qua tập quán quốc tế. Ông Panetta cho biết cho tới nay đã có 161 nước phê chuẩn UNCLOS và Mỹ là nước duy nhất trong Hội đồng bảo an LHQ chưa phê chuẩn UNCLOS. Theo lập luận của ông Panetta, khi tham gia UNCLOS, Mỹ vừa bảo vệ được lợi ích của mình, vừa chi phối được các cuộc thảo luận để tác động vào các thể chế liên quan tới luật biển. Tham gia UNCLOS, Mỹ có thế mở rộng nguồn tài nguyên và quyền tài phán kinh tế không chỉ trong phạm vi 200 hải lý ngoài khơi bờ biển Mỹ mà cả thềm lục địa được mở rộng ra ngoài phạm vi 200 hải lý. Tham gia UNCLOS, Mỹ cũng sẽ bảo vệ được quyền và lợi ích của mình ở vùng Bắc Cực, một khí vực ngày càng quan trọng về kinh tế và an ninh.
Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, Tướng 4 sao Martin Dempsey phát biểu trong cuộc điều trần ngày 23/5 cho rằng là thành viên thường trực duy nhất của Hội đồng Bào an LHQ và là quốc gia Bắc Cực duy nhất chưa phải là thành viên UNCLOS, vì thế Mỹ bị hạn chế trong khả năng xây dựng các liên minh cho các nỗ lực an ninh quốc tế quan trọng. Tướng Dempsey đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải tham gia UNCLOS “trong bối cảnh chúng ta đã bắt đầu tái cân bằng nhũng lợi ích an ninh của mình ở khu vực Thái Bình Dương, việc phê chuẩn công ước là rất quan trọng. Nếu không phê chuẩn công ước này trong thời gian tới, chúng ta có nguy cơ phải đối đầu với các nước vẫn luôn diễn giải tiền lệ luật pháp quốc tế theo hướng có lợi cho họ. UNCLOS sẽ tạo cơ hội để chúng ta nói mạnh về tự do trên biển và các quyền hàng hải.
Thượng nghị sỹ John Kerry, người chủ trì cả hai phiên điều trần cho rằng việc phê chuẩn công ước UNCLOS là vấn đề cấp bách, nhưng Mỹ đã chần chừ quá lâu. Không phê chuẩn công ước, Mỹ sẽ mất nhiều lợi ích như dầu lửa và khí đốt, quyền đi lại trên biển và thâm nhập các nguồn tài nguyên như các mỏ đất hiếm. Với Trung Quốc, ông Kerry nói: “Trung Quốc và một số nước đang đưa ra những đòi hỏi phi pháp ở Biển Đông và các vùng biển khác. Tham gia Công ước sẽ giúp Mỹ ngay lập tức nâng cao uy tín, đồng thời đẩy lùi nhũng đòi hỏi chủ quyền quá đáng và những lệnh cấm phi pháp đối với các chiến hạm và tàu chở hàng của Mỹ”.
Tham gia cuộc điều trần ngày 14/6 có Đô đốc James Winnefeld, Phó Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân; Tư lệnh Hải quân, Đô đốc Jonathan Greenert; Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, đô đốc Samuel Locklear; cựu Giám đốc Cục tình báo trung ương (CIA), cựu Thứ trưởng Ngoại giao John Negroponte; cựu Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld cùng một số quan chức và cựu quan chức cấp cao khác.
Phát biểu trong cuộc điều trần ngày 14/6, Phó Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân, đô đốc James Winnefeld cho rằng tham gia UNCLOS sẽ góp phần củng cố vai trò lãnh đạo toàn cầu về hàng hải, tăng cường uy tín của Mỹ và cho phép Mỹ trong vị trí cường quốc hải quân có đầy đủ tầm ảnh hưởng đối với các tranh chấp biển. Theo Đô đốc Winnefeld, sẽ là sai lầm khi cho rằng công ước UNCLOS sẽ hạn chế hoạt động hải quân của Mỹ tại các khu vực đang hoạt động hiện nay, trái lại tham gia UNCLOS sẽ tạo cho Mỹ ở vào một vị thế mạnh hơn đế ủng hộ các đồng minh và đối tác đang chịu sự hăm dọa trong các tranh chấp.
Tư lệnh Hải quân Jonathan Greenert khẳng định Mỹ sẽ được hưởng lợi từ việc tham gia UNCLOS đối với hoạt động của Mỹ trên biển; tăng cường quyền chủ quyền cho các tàu Mỹ, nâng cao vị thế của Mỹ trong việc thúc đẩy áp dụng luật pháp và duy trì quyền tự do tiến hành các hoạt động quân sự trong các khu vực này. Việc Mỹ không tham gia UNCLOS có thế tạo cớ cho các quốc gia khác ngăn cản quyền tự do hàng hải.
Tư lệnh Thái Bình Dương Samuel Locklear cho rằng do khu vực châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục trỗi dậy, ngày càng nhiều đòi hỏi chủ quyền trên biển chồng chéo, nhất là Biển Đông, do vậy tham gia UNCLOS Mỹ sẽ khích lệ các bên giải quyết tranh chấp bằng hòa bình dựa trên luật pháp. Công ước UNCLOS cũng sẽ hỗ trợ pháp lý quan trọng cho các đối tác vận tải hàng không dân sự của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Tư lệnh lực lượng bảo vệ bờ biển Robert Papp cho rằng tham gia UNCLOS sẽ đảm bảo các quy định thuận lợi trên cơ sở pháp lý mạnh mẽ nhất và vị thế tốt hơn cho Lực lượng bảo vệ bờ biển thực hiện các quyền và duy trì hoạt động. Tham gia công ước giúp tăng cường vị thế của Mỹ khi phản đối và ngăn cản các đòi hỏi chủ quyền trên biển quá đáng; tạo cho Mỹ ở vị thế thuận lợi đối với tương lai tại Bắc Cực.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến phản đối tham gia UNCLOS. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld, phát biểu trong cuộc điều trần ngày 14/6 thừa nhận công ước UNCLOS mang lại một số lợi ích, trong đó có việc giải quyết những tranh chấp cụ thể dễ dàng hơn, tuy nhiên Hải quân Mỹ đã làm tốt chức năng này nên Mỹ không cần phải tham gia UNCLOS. Chuyên gia Viện Heritage Steven Groves thì cho rằng tham gia UNCLOS không giúp gì cho việc phát triển hoặc đảm bảo vị thế chủ thể của các nguồn tài nguyên khí đốt tại các vùng thềm lục địa mở rộng và Mỹ sẽ phải mất một khoản thu lớn do phải nộp phí khai thác tại các khu vực chung của quốc tế.
Mỹ là nước tích cực tham gia đàm phán, soạn thảo Công ước UNCLOS 1982. Từ năm 1994 đến nay, Chính phủ Mỹ qua các Tổng thống Bill Clinton và George W. Bush đã nhiều lần đề nghị Thượng viện phê chuẩn nhưng đều thất bại do sự chống đối của một số thượng nghị sĩ bảo thủ của đảng Cộng hòa. Ngày 25/5, ngay sau cuộc điều trần đầu tiên đã có 27 Thượng nghị sĩ Mỹ đồng gửi thư tuyên bố chống việc tham gia UNCLOS, cho rằng UNCLOS 1982 phản ánh các quan điểm chính trị, kinh tế và tư tưởng không thống nhất với các giá trị và chủ quyền của Mỹ./.
nguồn_basamnew:http://anhbasam.wordpress.com/2012/07/02/1113-cac-quan-diem-cua-chinh-gioi-my-ve-viec-tham-gia-cong-uoc-lien-hop-quoc-ve-luat-bien/#more-66639
---------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001