Thứ Tư, 4 tháng 7, 2012

1117. TRUNG QUỐC MUỐN GÌ Ở CHÂU PHI?
Posted by basamnews on 04/07/2012
THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

TRUNG QUỐC MUỐN GÌ Ở CHÂU PHI?

Tài liệu Tham khảo đặc biệt
Thứ ba, ngày 3/7/2012
TTXVN (Prêtôria 26/6)
Dưới đầu đề trên, nhật báo The New Times của Ănggôla ngày 18/6 đãng bài phân tích cho rằng sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc ở châu Phi có thể giúp phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực, tuy nhiên sự tăng cường quan hệ này đối đầu với lợi ích của Mỹ và có thể gây hệ luỵ cho tương lai của châu lục.

Đối với Trung Quốc, châu Phi là nguồn cung cấp than đá và dầu mỏ giá rẻ, hai loại tài nguyên quan trọng đối với nhu cầu năng lượng của họ. Còn đối với các quốc gia châu Phi, Trung Quốc là một đôi tác thương mại lý tưởng vốn ít khi đặt điều kiện tiên quyết về mặt chính trị đối với những nước sẵn sàng cung cấp nguyên liệu cho họ và còn thường xuyên hậu thuẫn các nước này về mặt ngoại giao.
Quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi có lịch sử lâu dài, kể từ ngày các nhà thám hiểm Trung Quốc vượt châu Á, Ấn Độ Dương cách đây 6 thế kỷ. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, người ta cho rằng Bắc Kinh đã xếp hạng các nước ủng hộ chính sách “Một Trung Quốc” trong vấn đề Đài Loan và sử dụng viện trợ làm củ cà rốt, và điều này đã mang lại hiệu quả. Sự giúp đỡ của Trung Quốc đã được đền đáp bằng sự ủng hộ về mặt ngoại giao tại các diễn đàn Liên Hợp Quốc. Trung Quốc cũng đã nhiều lần sử dụng con bài đồng cảm, khuyên nhủ các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước châu Phi, rằng họ không hề xa lạ với đói nghèo, rằng các nhà lãnh đạo châu Phi không có đất để hoạt động, bởi các nước tài trợ phương Tây, được gọi một cách mỹ miều là các đối tác phát triển, luôn luôn áp đạt đòi hỏi buôn bán tự do, mở rộng thị trường và tiến hành tư nhân hoá – những đòi hỏi không thể thực hiện được trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng.
Chính vì thế, sự giúp đỡ của Trung Quốc đối với châu Phi là rất hợp thời trong bối cảnh kinh tế của nhiều nước châu Phi vẫn còn trì trệ và các nhà tài trợ từ phương Tây liên tục đặt các câu hỏi khó chịu liên quan đến vấn đề minh bạch hoá, trách nhiệm, nhân quyền và mở cửa kinh tế. Số liệu về sự tăng trưởng kinh tế và đầu tư trực tiếp của Trung Quốc đã lôi kéo được nhiều chính phủ ở châu Phi, những người tin là cách thức của Trung Quốc phù hợp với chiến lược phát triển của họ.
Từ chỗ chỉ có 700 công ty hoạt động tại 49 nước vào năm 2004, nay con số này đã tăng lên gần 900. Bên cạnh các khoản tín dụng với lãi suất thấp cho ngày càng nhiều quốc gia châu Phi, từ năm 1963 đến nay, Trung Quốc đã cử hơn 15.000 bác sĩ tới điều trị cho gần 180 triệu người bị nhiễm HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm khác tại 47 nước. Từ việc phục hồi hàng loạt dự án cho đến gần đây vẫn bị xếp xó, như các mỏ đồng ở Dămbia, các thương vụ mới về dầu mỏ và các hiệp định hợp tác được ký kết trong các cuộc viếng thăm của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, có vẻ như cánh cửa vào châu Phi đang được mở rộng và Trung Quốc đang trở thành một nhà đầu tư nặng ký và một bên tham gia chính trị nghiêm túc.
Tuy nhiên, quan hệ ngày càng phát triển giữa Trung Quốc và châu Phi động chạm trực tiếp tới lợi ích của Mỹ, nước cũng đang gặp phải những thách thức trong việc đa dạng hoá các nguồn dầu mỏ nhập khẩu của mình. Ngoài ra một số nước, chẳng hạn như Gana và Nam Phi phàn nàn về điều mà họ gọi là “tác động tiêu cực từ hoạt động nhập khẩu của Trung Quốc”. Chính vì thế châu Phi cần phải học cách nêu ra những lợi ích sống còn của mình và tránh phải tiếp tục là nơi tiêu thụ các sản phẩm hạng hai của Trung Quốc trong khi lại bán rẻ tài nguyên của mình.
Cho dù người ta có nhìn nhận vấn đề theo cách nào đi chăng nữa thì đối với người dân châu Phi, sự nổi lên của Trung Quốc như là một thế lực toàn cầu có thể giúp họ dứt khỏi quá khứ thực dân đầy cay đắng. Từ các nhà buôn vải ở Lêxôthô, những vị khách du lịch ở Dimbabuê, những người xây dụng cầu đường ở Êtiôpia, các nhà địa chất học ở Xuđăng và nhiều nơi khác bằng chứng về chỗ đứng của người Trung Quốc tại châu Phi không còn là vấn đề phải tranh cãi. Vấn đề là ở chỗ liệu châu Phi có quan tâm đên lợi ích của mình hay không./.
nguồn_basamnew:http://anhbasam.wordpress.com/2012/07/04/1117-trung-quoc-muon-gi-o-chau-phi/#more-66867
---------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001