Thứ Tư, 11 tháng 7, 2012

Phao cứu sinh đa năng


Dùng từ “Đa năng” còn sợ không xứng mà phải là “siêu đa năng” mới xứng, bởi nó dùng được cho cả triệu người, đủ mọi tầng lớp, đủ mọi địa vị và đủ mọi góc độ phải trái, cả kẻ cướp và quan tòa, cả cấp trên đúng - cấp dưới sai hay ngược lại…
Không những không mất tiền mua mà còn vì việc sản xuất cực kỳ đơn giản nên ai cũng tự làm thậm chí sản xuất vô thưởng, vô phạt, tồn kho hằng hà sa số, không đủ kho chứa, có khả năng phải xuất khẩu làm quà biếu sang… Cu Ba hoặc đâu đó…
Chỉ cần dùng mực in hoặc dùng nước bọt ghép 11 chữ cái lại với nhau là đã có một chiếc phao cực kỳ hiệu quả đủ cho… không biết bao nhiêu người bấu víu vào….
Chì cần vài cái gõ bàn phím và 0,09 giây thì Google đã ra mắt quý vị 25,7 triệu chiếc phao đa năng muôn màu, muôn vẻ ấy, thế mới biết là nó phổ biến và hữu dụng đến mức nào!
Là phao gì vậy?!?


Thành thật xin lỗi vì cứ “chém gió”, “nổ bom” quá có thể làm quý vị ngạc nhiên và sốt ruột, tưởng có điều gì mới. Không đâu, không có gì mới cả, thậm chí là…CŨ RÍCH!!!
 Chiếc phao mang thương hiệu nổi tiếng:

PHÊ BÌNH VÀ TỰ PHÊ BÌNH

Xin quý vị đừng vội mắng tôi là Hâm, là có vấn đề về thần kinh nhé! Hãy để ý sự hiện hữu của nó ở mọi nơi, mọi lúc; từ các phủ đệ, hội trường sang trọng của quan chức cao cấp cho đến các phòng họp xập xệ ở xã, phường hay ở cả các khoảng sân hội họp, quán triệt của thôn… mới thấy được cái tính năng siêu phàm của nó:
-   Tôi xin tự phê bình, rút kinh nghiệm sâu sắc…
-   Tôi không phê bình các đồng chí vì muốn để các đồng chí…tự  phê bình.
-   Tôi đã quán triệt chủ trương rồi nhé! Nếu còn tồn tại khuyết điểm là do các đồng chí tự phê bình kém chứ không phải lỗi của tôi nhé!...
-   Các đồng chí hãy tự phê bình đi nhé, tôi còn bận phải đi trao đổi kinh nghiệm xây dựng… các loại với bạn bè các nước; phải lo tái cấu trúc… đủ thứ nữa nhé!
-   Tổ chức của các đồng chí vô cùng yếu kém, tôi nghiêm khắc phê bình vì sự thiếu trách nhiệm của các đồng chí trong việc…tự phê bình.
-   …..

Cứ vậy nhé! Không cần phải “đau đớn” đưa ra bất kỳ một sai phạm cụ thể nào, chỉ cần nhắm vào tấm bia sai phạm về “ý thức tự phê bình kém” để quán triệt, chỉ đạo thật lâu, thật thẳng thắn; phê bình thật nghiêm khắc và quyết liệt nhé!

Cứ vậy nhé! Kẻ đã lỡ để lộ cái đuôi sai phạm ra rồi thì thật nhanh chóng xin tự phê bình, thẳng thắn nhận khuyết điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc…; người được xem là đúng nhưng vì lý do tế nhị hay không tế nhị, mờ ám nào đó không mở miệng phê bình được thì cũng có thể rất quyết liệt chỉ đạo hay đề nghị… tự phê bình đi nhé!

Cứ vậy nhé! Cứ vậy rồi "tiêu cực sẽ được hạn chế", "tham nhũng sẽ được đẩy lùi" và hàng triệu tỷ đồng tài sản của Quốc gia mỗi năm; mồ hôi, nước mắt của Nhân dân lại tiếp tục biến thành USD hay 9999 rồi lọt vào các dinh thự của các đồng chí đã từng rất nghiêm túc nhận khuyết điểm, thẳng thắn tự phê bình rồi nhé!

Cứ vậy nhé! Cứ vậy rồi cùng nhau ôm phao để cùng nổi bềnh bồng ở…trên cạn nhé (đừng dại nổi trên biển đâu vì lúc này “Tàu” đang bị lạc đường, chạy lung tung lắm nhé!).

Quý vị đã bình tĩnh nhìn ra tính đa năng và cực kỳ lợi hại của loại phao này chưa? Vậy là hết bực mình vì tội “chém gió” của tôi rồi nhé!

Có điều, tôi cũng thành thật với quý vị là tôi vẫn ngạc nhiên và kính nể vô cùng với sự tài giỏi của các tổ chức và cá nhân chuyên sản xuất phao. Cụ thể hơn chính là tài chọn lọc, kế thừa rất biện chứng truyền thống quý báu của các thế hệ cha ông. Chỉ là biện chứng thôi, còn khách quan biện chứng hay chủ quan ngụy biện thì xin quý vị hãy tự xét về bối cảnh của từng thời kỳ, nhân cách và uy tín của các đối tượng sản xuất và sử dụng phao nhé!

Và quý vị để ý xem, ngoài cái tính đa năng, phổ biến đó, thương hiệu phao càng nổi tiếng bởi có thêm 2 điều lạ nữa nhé!

Điều lạ thứ nhất là nó lại rộ lên trong thời điểm kỷ niệm ngày sinh của một Tổng Bí thư tiền nhiệm, người mà tôi nghe đồn (chỉ nghe đồn thôi vì bậc hậu sinh lại chưa được tìm hiểu kỹ lắm) là rất điển hình cho thương hiệu “Phê bình và tự phê bình” ở cái thời mà:
"Phải giữ gìn tỉ mỉ, Như tròng mắt con ngươi, Đến cạn máu tàn hơi, Không xa rời hàng ngũ” đến mức không dám “Ăn đi vài con cá, Năm bảy cái chột nưa…”.
Cái thời mà rất sợ bị hiểu nhầm là tiểu tư sản, là xa rời quần chúng khi có vài mét mảnh vườn riêng, chiếc xe đạp mới hay cái bộ áo quần tươm tất… chứ không phải là thi nhau khoe mẽ từ biệt thự, nhà vườn, ô tô sang trọng cho đến cơ ngơi tập đoàn, doanh nghiệp của con cháu, anh em dòng họ như thời này đâu.
Cái thời mà quan niệm của công bộc là “Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng, đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy, chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân. Muốn làm được như vậy, chúng ta phải cố gắng thực hiện, cần, kiệm, liêm, chính” và ước nguyện của công bộc là “làm sao cho… đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, “Đem lòng chí công mà đối với người, với việc”, “Làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước”, “Không ham người tâng bốc mình”, sống chân thành khiêm tốn, sống cho dân, vì dân, sống cho đời chứ không sống cho mình, thường tìm cách vắng nhà để tránh việc mọi người đến chúc thọ, tặng quà; sống trong sạch, không tham lam, không tham tiền tài danh vọng, không cậy quyền thế mà ăn của đút, đục khoét, để khỏi phạm vào vòng tội lỗi…..
Thời kỳ đó, thương hiệu này là vũ khí như thanh đao, khẩu súng để kiềm chế tham vọng của mỗi người, đấu tranh với chính mình để đạt mục tiêu quan trọng nhất là nhận được trọn vẹn niềm tin của nhân dân. Cái tài biện chứng ở chỗ là các vị thời nay lại kế thừa và phù phép biến nó thành cái phương tiện phao cứu sinh để cùng nhau bềnh bồng lướt sóng sau khi đã thi nhau nhà cao cửa rộng, ăn uống no nê, béo tốt, còn đồng bào thì … “đã thiếu ăn ngày nào chưa mà cứ đi kiện cáo?”
Xin thưa, các vị chỉ phù phép với chính mình thôi, chẳng ai không nhận diện ra đâu. Chỉ là đến mức mà ai cũng chán lắm rồi, chẳng thèm đề cập đến nữa!

Điều lạ thứ hai là loại phao này vốn đã được nhiều người dùng rồi mà vẫn chưa thỏa, nó lại còn được cưỡng bức dùng cả với những loại người không phải là đối tượng dùng nó. Phê bình và tự phê bình là áp dụng cho đối tượng vi phạm nhẹ và do sơ ý, do hoàn cảnh khách quan còn tâm vẫn hướng thiện, vậy mà bây giờ nó lại được dùng cho cả những đối tượng sai phạm bằng sự chủ ý, cố tình có kế hoạch, có chiến lược và gây tổn thất lớn về tài sản thậm chí là cả thương tật, tính mạng của người khác… Nếu quý vị thử tự mình đoán xem loại sai phạm có chủ ý chiếm tỷ lệ bao nhiêu % trong toàn bộ các sai phạm thời nay thì mới thấy cái tài biện chứng “tự phê bình” mới dối trá và đáng mĩa mai đến nhường nào?!
Biết đâu trong một cuộc say sưa quán triệt nào đó, có thể lại có người dẫn chứng hùng hồn rằng “vẫn còn một bộ phận không nhỏ ý thức tự phê bình còn chưa cao, điển hình như…. Cục trưởng Cục hàng hải Dương Chí Dũng!!!”

Chỉ luận vậy thôi, không viết thêm được nữa. Càng viết càng mất dần cảm xúc hài hước dù đã cố gượng gạo, chỉ còn lại một cảm giác khó chịu và bất bình mà thôi. Chưa kịp trọn vẹn bộc lộ hết suy nghĩ (và có lẽ cũng không nên nói rõ ràng thái quá) nhưng mong là quý vị có thể đồng tình với một góc nhìn về thực trạng rất biện chứng đến mức trơ trẽn này!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001