Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012

Le Nguyen - Thời đại Aung San Suu Kyi

Le Nguyen

Với chỉ một giờ đồng hồ ngắn ngủi Daw Suu đã truyền đạt được ý tưởng cũng như gởi đến thế giới bản phác thảo chính yếu quan trọng then chốt một chương trình đổi mới chính trị vừa tầm và rất thực tế cho đất nước Myanmar.
Hơn hai mươi năm gần một phần tư thế kỷ bị giam lỏng, nói theo ngôn ngữ luật pháp Việt Nam hiện nay là quản chế tại gia, Daw Suu là tên gọi thân thiện của ngôn ngữ Myanmar, nó có nghĩa là Cô Suu trong tiếng Việt, Ms Suu trong tiếng Anh mà người dân Myanmar ưu ái giành cho bà Aung San Suu Kyi được giáo Sư, chủ tịch Klaus Schwab giới thiệu trên Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới vùng Đông Á diễn ra tại thủ đô Bangkok, vương quốc Thái Lan. Sự xuất hiện của Daw Suu với trang phục truyền thống, từng bước khoan thai bước lên diễn đàn thu hút sự chú ý của tham dự viên lẫn nhiều người khắp nơi trên thế giới quan tâm theo dõi diễn biến chính trị của Myanmar qua hình ảnh Daw Suu trên các phương tiện, kênh thông tin truyền thông hiện đại.
Hai mươi bốn năm kể từ lúc Daw Suu trở về nước đấu tranh cho một nước Myanmar tự do, bà bị cô lập, cách ly với thế giới bên ngoài nhưng khi trở lại diễn đàn thế giới hôm nay Daw Suu đã không làm cho hàng tỷ người khắp nơi trên thế giới hâm mộ, ủng hộ thất vọng bởi chỉ với hơn một giờ đồng hồ diễn thuyết, vấn đáp Daw Suu qua tiếng Anh lưu loát trôi chảy, ngôn ngữ thứ hai không phải tiếng mẹ đẻ với lối nói dí dỏm, lôi cuốn rất thông minh đã làm nóng diễn đàn gây sự thích thú cho cử tọa với nhãn quan chính trị sắc bén thể hiện bản lĩnh chính trị của một chính trị gia thời đại.
Với chỉ một giờ đồng hồ ngắn ngủi Daw Suu đã truyền đạt được ý tưởng cũng như gởi đến thế giới bản phác thảo chính yếu quan trọng then chốt một chương trình đổi mới chính trị vừa tầm và rất thực tế cho đất nước Myanmar mà Daw Suu đã đeo đuổi từ hơn hai mươi năm trước.
Trước hết Daw Suu định nghĩa, bàn về cải tổ đổi mới có nghĩa rằng đổi mới là làm cho tình trạng hiện tại được tốt hơn và muốn đạt được mục tiêu đề ra cần phải xây dựng một nền tảng vững chắc, rồi từ nền tảng đó tiến lên. Để chỉ ra nền tảng cải tổ đổi mới chính trị Myanmar, Daw Suu dè dặt nhắc đến sự cam kết quốc gia, đến hệ thống chính trị hổ trợ do giới độc tài quân phiệt hứa hẹn và lần lượt trình bày từng sự việc cụ thể cho công cuộc phát triển quốc gia Myanmar.
Theo Daw Suu, muốn phát triển Myanmar hữu hiệu phải đặt ưu tiên cho chính sách hòa giải dân tộc lên hàng đầu vì đất nước Myanmar được hình thành từ nhiều sắc tộc khác nhau và hòa giải dân tộc phải dựa trên cơ sở thật tâm tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau.
Về cải tổ hệ thống luật pháp, Daw Suu không hướng tới việc làm ra điều luật mới vì Myanmar đã có rất nhiều luật, Daw Suu hướng đến nền pháp trị, đến luật pháp phải được thực thi trong đời sống thực tiễn xã hội và nhấn mạnh luật pháp làm ra không phải phục vụ lợi ích cho một cá nhân, một nhóm, một tổ chức mà cho mọi người dân Myanmar.
Về cải tổ giáo dục Daw Suu không tìm kiếm, không hướng đến giáo dục cấp đại học cho danh vị quốc gia là đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ mà hướng đến việc giáo dục đào tạo cho thanh niên cơ hội tìm được việc làm, bảo đảm cuộc sống ổn định, tránh bùng nổ bất ổn xã hội vì mức thất nghiệp của dân Myanmar đang ở mức rất cao.
Về cải tổ kinh tế Daw Suu kêu gọi đầu tư nước ngoài tạo đà cho đất nước phát triển nhưng bà không ủng hộ, khuyến khích những ngành nghề tạo điều kiện dễ phát sinh tham nhũng và không mang công bằng, lợi ích đến cho mọi người dân Myanmar.
Đặc biệt, khi giáo sư Klaus Schwab hỏi Daw Suu nghĩ gì sau hai mươi bốn năm khi ngồi trên phi cơ rời Myanmar? Daw Suu không nhắc đến dù chỉ một lời về những tháng ngày sống dưới sự canh chừng, giám sát của chính quyền quân phiệt Myanmar, bà chỉ kể lại chuyện người phi công tốt bụng mời bà ngồi trong buồng lái lúc phi cơ hạ cánh xuống phi trường Bangkok, nhờ thế ánh sáng đèn đóm của sân bay thủ đô Thái Lan làm Daw Suu chóa mắt, choáng ngợp bởi bà đến tham dự diễn đàn từ Myanmar, nơi bà vừa chứng kiến người dân biểu tình phản đối cúp điện luân phiện và mấy mươi năm trước bà đã từng đáp phi cơ xuống New York, London hồi ấy Rangoon không khác biệt nhiều so với Bangkok, và hôm nay trở lại bà nhận thấy có khoảng cách khá xa giữa Myanmar với Thái lan khiến trong đầu Daw Suu bỗng lóe lên phải có chính sách năng lượng mới cho Myanmar.
Daw Suu cũng kể rằng từ nhỏ đã được mẹ dạy rằng trách nhiệm là thứ quan trọng hơn tất cả mọi thứ khác trong cuộc đời, nếu con người sống thiếu trách nhiệm thì không có ý nghĩa gì cả. Mặc dù vậy Daw Suu rất thực tế, rất thành thật khi nói rằng trong cuộc đời không phải lúc nào bà cũng đặt trách nhiệm lên trên tất cả nhưng bà luôn luôn cố gắng sống có trách nhiệm.
Ngoài ra Daw Suu cũng có những câu lời phát biểu rất thông minh liên quan về cải tổ đổi mới trong tiến trình dân chủ hóa cho Myanmar, chẳng hạn như:
1) “Có người nói tiến trình dân chủ hóa là không thể đảo ngược nhưng để cho nó không thể đảo ngược chúng tôi phải xây dựng thật vững chắc từ nền tảng.”
2) “Các bạn đừng hỏi chúng tôi cần hỗ trợ gì cho công cuộc đổi mới của Myanmar mà phải nói cho chúng tôi biết các bạn mong đợi gì và biết làm những việc mà chúng tôi cần.”
Từ trong hơn một giờ diễn thuyết và vấn đáp, dù có trùng lấp một số ý tưởng nhưng Daw Suu đã chỉ ra được hướng phát triển của Myanmar với các chính sách luật pháp, giáo dục, kinh tế, xã hội, nhân dụng, năng lượng dựa trên thực lực, thực tiễn, thực tế cũng như những vấn nạn đã đang tồn tại trong đất nước cùng với những hệ quả xấu sẽ xảy ra trong phát triển vào những ngày tháng tới cho Myanmar nếu thiếu viễn kiến, không có các biện pháp thích hợp sẽ khó giúp đất nước Myanmar phát triển tốt đẹp và bền vững.
Daw Suu cũng không mang ảo tưởng đổi mới sẽ đạt được mục tiêu đề ra khi nhà cầm quyền sử dụng luật pháp tùy tiện, khi thành quả kinh tế không mang lợi ích cho mọi người dân Myanmar mà lọt vào tay nhóm lợi ích lẫn tham quan, và nếu giáo dục đào tạo không đặt trọng tâm vào nhân sự đáp ứng nhu cầu phát triển mà chú mục đến danh vị thạc sĩ, tiến sĩ, đến danh vị viển vông sẽ không giúp ích gì cho phát triển. Do đó, Daw Suu nhấn mạnh đến pháp trị, đến giáo dục, đến nhân dụng đến tham nhũng, đến bất công xã hội trong công cuộc cải tổ, đổi mới chính trị và phát triển kinh tế vĩ mô của đất nước Myanmar.
Qua viễn kiến trình bày trước cử tọa trên diễn đàn kinh tế thế giới Đông Á, Daw Suu đã thể hiện phẩm chất của một chính trị gia thời đại có tầm và là niềm hãnh diện lẫn kỳ vọng của nhân dân Myanmar...
(Trích từ bài "Qua “Daw Suu” nhìn lại Việt Nam với Nguyễn Tấn Dũng")
Admin gửi hôm Thứ Sáu, 13/07/2012 
nguồn_danluan:http://danluan.org/node/13360
--------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001