Thứ Năm, 5 tháng 7, 2012

Phân ưu cùng gia đình và bè bạn nhà văn Nguyễn Mộng Giác 

Được tin nhà văn Nguyễn Mộng Giác mới từ trần tại nhà riêng thuộc thành phố Westminster, Orange County, Hoa Kỳ vào hồi 10 giờ 15 phút tối ngày 2-7-2012 tức sáng ngày 3-7-2012 giờ Việt Nam, thọ 73 tuổi, Bauxite Việt Nam vô cùng thương tiếc trước một gương mặt lớn của văn học Việt Nam vừa nằm xuống. Hai trường thiên Mùa biển độngSông Côn mùa lũ của ông là hai tiểu thuyết danh tiếng sẽ sống mãi trong văn học sử. Trong những dịp sang Hoa Kỳ công tác, GS. Nguyễn Huệ Chi đã được ông và phu nhân tiếp đón nồng hậu. Năm 2001 vợ chồng ông cùng nhà sử học Tạ Chí Đại Trường đã thân hành đưa Nguyễn Huệ Chi từ Orange County qua Los Angeles gặp gỡ nhà văn Võ Phiến cùng gia đình. Năm 2010, tuy bệnh tật đã vào thời kỳ rất khó khăn, ông vẫn đến dự cuộc họp mặt thân tình khi nghe tin Nguyễn Huệ Chi có mặt ở Quận Cam Hoa Kỳ.

Tại nhà riêng của Nguyễn Huệ Chi ngày 1-10-2004
Tại nhà riêng của Nguyễn Huệ Chi ngày 1-10-2004
Gặp gỡ tại Orange County ngày 11-10-2010
Gặp gỡ tại Orange County ngày 11-10-2010
Bauxite Việt Nam cầu mong linh hồn ông thảnh thơi trên tiên giới và xin chân thành gửi đến gia đình bà quả phụ Nguyễn Khoa Diệu Chi cùng bè bạn thân hữu lời chia buồn sâu sắc.
Bauxite Việt Nam

Phụ lục
Nhà văn Nguyễn Mộng Giác qua đời, thọ 73 tuổi
Tuesday, July 03, 2012 1:47:57 PM


WESTMINSTER (NV) - Theo tin từ gia đình, nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã từ trần lúc 10 giờ 15 phút tối ngày 2 tháng 7 năm 2012 tại tư gia, thành phố Westminster, Orange County, thọ 73 tuổi. Ông qua đời để lại vợ, bà Nguyễn Khoa Diệu Chi, và ba con, hai gái một trai.

Nhà văn Nguyễn Mộng Giác.
Nhà văn Nguyễn Mộng Giác.
Nhà văn Nguyễn Mộng Giác sinh ngày 4 tháng 01 năm 1940 tại Xuân Hòa, huyện Bình Khê, bây giờ đổi thành huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Ðịnh. Thời kháng chiến chống Pháp 1946 đến 1954, ông đi học tiểu học và trung học tại vùng kháng chiến. Sau Hiệp định Genève 1954, tiếp tục học tại Trường trung học Cường Ðể, Quy Nhơn, trường Võ Tánh, Nha Trang, rồi học năm chót của bậc trung học tại Trường Chu Văn An, Sài Gòn. Ông tốt nghiệp thủ khoa Ðại Học Sư phạm ban Việt Hán tại Huế năm 1963. Ông dạy tại Trường Ðồng Khánh, Huế hai niên khóa, rồi đổi vào Qui Nhơn làm Hiệu trưởng Trường Cường Ðể, rồi làm Chánh sở Học chánh tỉnh Bình Ðịnh cho đến năm 1974 thì vào Sài Gòn làm chuyên viên nghiên cứu giáo dục tại Bộ Giáo dục.
Nhà văn Nguyễn Mộng Giác bắt đầu viết văn tương đối muộn, khi đã 30 tuổi. Từ năm 1970 ông cộng tác với các tạp chí Bách khoa, Văn, Thời tập, Ý thức. Có lần ông đã phát biểu rằng thời điểm xuất hiện trên văn đàn rất quan trọng đối với nhà văn. Nếu một người cầm bút xuất hiện ở lứa tuổi mười tám đôi mươi thì mọi chuyện như quá trình sáng tác hay tư tưởng sẽ diễn tiến bình thường. Còn những người bắt đầu viết văn chậm như ông thì sẽ rơi vào hiện tượng tuy mới vào làng nhưng mình lại không thuộc giới những nhà văn trẻ nữa, mà cũng không thể thuộc vào lớp lớn cùng lứa với mình, vì “tuổi nghề” mình còn mới mẻ.
Trong thời kỳ đầu, các sáng tác của ông có khuynh hướng hiện thực, với những truyện ngắn như Bão rớt, Tiếng chim vườn cũ, Qua cầu gió bay… Truyện dài Ðường một chiều, kể một vụ án mạng mà người phạm tội không biết là mình phạm tội, được giải thưởng Văn bút của Việt Nam Cộng hòa năm 1974.
Biến cố miền Nam sụp đổ năm 1975 đã làm gián đoạn việc sáng tác của ông. Từ năm 1977 đến 1981 trong khung cảnh đổi chủ của miền Nam, nhà văn Nguyễn Mộng Giác cầm bút trở lại, mượn chuyện lịch sử để diễn tả một xã hội đang thay đổi sau khi một chế độ chính trị chấm dứt: Trường thiên tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ ra đời, mượn bối cảnh thời Quang Trung để nói về sự đổi đời ngày nay.
Vừa viết xong Sông Côn mùa lũ, nhà văn Nguyễn Mộng Giác cùng con trai vượt biên vào tháng 11 năm 1981. Chuyến vượt biển thành công, ông đã đến được đảo Kuku của Indonesia, và bắt đầu viết lại ngay với một tâm trạng hoàn toàn tự do và giải thoát. Sau mấy tháng ở tại đây, ông đã hoàn tất những truyện ngắn mà sau này xuất bản thành cuốn Ngựa nản chân bon và tập I của trường thiên tiểu thuyết Mùa biển động.
Tháng 11 năm 1982 ông đến Hoa Kỳ, định cư tại Nam California, tám năm sau bảo lãnh được vợ và hai con gái qua Mỹ, đồng thời ông cũng “đoàn tụ” được với bản thảo tác phẩm mà ông đã hoàn tất chín năm trước tại Việt Nam: Trường thiên tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ.
Tại hải ngoại, thời kỳ đầu ông cộng tác với các báo Ðồng Nai, Việt Nam tự do, Người Việt, Văn, Văn học nghệ thuật. Từ 1986 ông làm chủ bút tạp chí Văn học, một tạp chí uy tín quy tụ nhiều cây bút văn học hải ngoại và cả trong nước. Ðến tháng 8 năm 2004, ông phải ngưng làm báo Văn học vì phát giác mình bị ung thư gan.
Nguyễn Mộng Giác là một nhà văn quan trọng và hiếm hoi của Việt Nam, đã ghi lại được một cách sống động qua tác phẩm của mình tính chất xã hội vào thời điểm trước và sau khi miền Nam đổi chủ 1975. Và đặc biệt đây là nhà văn gần như duy nhất đã có tác phẩm giá trị ngay trên đường vượt biên, là chứng nhân văn học của cuộc vượt thoát vĩ đại đi tìm tự do của dân tộc Việt Nam vào cuối thế kỷ XX.
Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=151434&zoneid=1#.T_OvecN8WoY.email
nguồn_boxitvn:http://www.boxitvn.net/bai/38702
======================================================================
Nhân cái chết của nhà văn Nguyễn Mộng Giác – Những chặng đường của Tạp chí Văn Học

Gửi hương hồn Cao Xuân Huy và Nguyễn Mộng Giác
Hoàng Khởi Phong
Câu chuyện của tạp chí Văn học khởi xướng tại Hoa Kỳ đã bắt đầu diễn ra cách đây gần ba chục năm. Nhà văn Hoàng Khởi Phong cho biết: Vì có quá nhiều sự kiện chồng chéo lên nhau, nên ông có thể nhớ không chính xác về thời điểm, nhưng riêng về các sự kiện thì khó có thể quên, bởi đó là một phần đời, là máu, thịt của những ai gầy dựng nên tạp chí này và duy trì nó trong suốt mấy thập kỷ. Ở Việt Nam hàng chục năm trước đây, không ít người là cộng tác viên hoặc được chọn in lại bài trên tờ tạp chí nổi tiếng mà nhà văn Hoàng Khởi Phong có những dòng hồi tưởng và nhã ý dành cho BVN, trong đó có GS. Nguyễn Huệ Chi.
Bauxite Việt Nam
Khi tôi viết những dòng chữ này, thì ở Nam California gia đình và thân hữu của nhà văn Nguyễn Mộng Giác đang tiến hành những nghi thức cuối, tiễn anh về nơi an nghỉ cuối cùng. Trước đây gần hai năm cũng tại địa điểm này, cũng những thân hữu này, đã tiễn đưa nhà văn Cao Xuân Huy trong chuyến đi chót cùng của đời anh. Nguyễn Mộng Giác là Chủ nhiệm kiêm Chủ bút đầu tiên và Cao Xuân Huy là chủ nhiệm kiêm chủ bút cuối cùng của tạp chí Văn Học, một nguyệt san văn chương, xuất hiện ở hải ngoại từ năm 1985 cho tới 2008, khi Cao Xuân Huy lâm vào căn bệnh hiểm nghèo và không thể cáng đáng nổi việc điều hành tờ báo. Nói như thế có nghĩa là tờ Văn Học đã không còn hiện diện trong cõi đời này vài năm, trước khi những người chủ trương quan trọng nhất của tờ báo vĩnh viễn nằm xuống.
Để viết về Văn Học, tôi phải nhắc tới một tờ báo khác với một cái tên dài hơn là Văn Học Nghệ Thuật, và cũng phải nhắc tới căn nhà đầu tiên tôi mua vào năm 1983, trên đường Dapplegrey, thành phố Garden Grove. Đó là một căn nhà 4 phòng ngủ, và đàng sau có một cover patio rất rộng. Khi mua căn nhà này gia đình tôi chỉ có hai bố con tôi và hai người cháu trai. Tôi không thể hình dung được nửa năm sau, vợ chồng con cái Cao Xuân Huy từ một thành phố ở phía Bắc Cali dọn xuống miền Nam. Huy và tôi vốn là hai anh em họ “Hồng Bàng, đã biết nhau từ khi Huy học trung học, và ngay cả sau này khi đã vào quân đội, Huy đã từng ăn dầm nằm dề ở nhà tôi. Năm 1971 ở Pleiku, Huy đi phù rể với nhiệm vụ chụp hình cho đám cưới của tôi, nhưng rút cục tôi không có một tấm ảnh nào trong ngày cưới. Chẳng những thế tôi còn mất cả chiếc máy ảnh đi mượn, bởi vì anh còn mải uống rượu với những người bạn thân của anh và tôi từ Sài Gòn lên. Do đó đầu năm 1984 khi anh dọn xuống Nam Cali, nhà tôi tất nhiên là nơi trú ngụ ban đầu cho vợ chồng con cái anh. Chỉ vài tháng sau khi Cao Xuân Huy đổ bộ từ phía Bắc xuống, tới phiên bố con Nguyễn Mộng Giác thiên đô từ Texas qua. Nguyễn Mộng Giác và tôi vốn là bạn văn từ những năm đầu thập niên 70, nên khi anh dọn qua Nam Cali, nhà tôi chính là nơi anh sẽ tạm trú trong lúc chân ướt chân ráo mới đến. Rút cục căn nhà đó có một thời gần giống như một trại tị nạn, với số người lớn nhỏ cả thảy 16 người, và được phân phối như sau: Hai bố con tôi một phòng, bố con Nguyễn Mộng Giác một phòng, vợ chồng Cao Xuân Huy một phòng, hai người cháu tôi một phòng. Còn tất cả những cậu con trai bị dồn hết vào trong cái patio được làm thành một phòng ngủ tập thể. Trong thời gian này điều phiền nhiễu nhất cho chúng tôi chính là chỗ đậu xe, bởi vì vỉa hè trước cửa nhà tôi nhiều lắm chỉ có thể chứa được bốn chiếc xe, kể cả driveway, trong khi những người trong nhà có tới bảy chiếc xe, đó là chưa kể tới khách khứa văn nghệ của Giác và tôi, cùng với khách nhà binh của Cao Xuân Huy nườm nượp ra vào. Nhất là những dịp cuối tuần, chúng tôi làm phiền hai bên hàng xóm hầu như suốt từ chiều Thứ Sáu cho tới khuya Chủ Nhật. Thời gian này Cao Xuân Huy chưa chính thức viết, tuy nhiên anh đang ngấm ngầm viết những dòng đầu của cuốn hồi ký làm nên tên tuổi nhà văn Cao Xuân Huy sau này, đó là cuốn Tháng Ba gãy súng.
Tháng 4 năm 1985, nhà văn Nguyễn Bá Trạc từ San Jose xuống thăm chúng tôi, anh mang xuống miền Nam một không khí sôi nổi như con người anh. Trong lúc ngồi quán cà phê với Nguyễn Mộng Giác và tôi, cùng quan sát cộng đồng biểu tình, Nguyễn Bá Trạc nói với chúng tôi có lẽ bọn mình nên làm một cái gì đó, một tờ báo chẳng hạn. Nguyễn Bá Trạc đã từng một mình chủ trương tờ Thời Luận ở trên San Jose, đây là tờ báo sớm nhất trong vùng Bắc Cali từ năm 79, nhưng không thể trụ nổi vì thời gian đó việc buôn bán của người Việt trên San Jose chưa mấy phát đạt, mà tờ Thời Luận là một tờ báo tựa vào quảng cáo nên không thể tồn tại. Do đó tôi trả lời Nguyễn Bá Trạc là tôi không mặn vụ làm báo quảng cáo. Tối đó tại nhà tôi ngoài các gia chủ Nguyễn Mộng Giác, Cao Xuân Huy, Hoàng Khởi Phong còn có thêm Nguyễn Bá Trạc cùng hai thân hữu nữa, chúng tôi bàn thô về một tờ báo văn học thuần túy.
Sau khi Nguyễn Bá Trạc quay trở lại San Jose, Nguyễn Mộng Giác và tôi càng ngày càng nung nấu ý nghĩ về tờ báo thuần túy văn học này. Trước đó hai năm tờ báo văn chương thuần túy là tờ Văn Học Nghệ Thuật do hai nhà văn Võ Phiến và Lê Tất Điều chủ trương sống lây lất chưa đầy mười số thì phải đình bản, và bấy giờ trên thị trường chữ nghĩa của người Việt hải ngoại còn duy nhất một tờ Văn, do nhà văn Mai Thảo chủ trương. Lần họp thứ hai cũng ở nhà tôi, có nhiều anh em văn nghệ hơn, nhưng tựu trung có hai ý kiến: Một là tìm cách quy tụ hết tất cả những cây viết thành danh, bày hàng tất cả những người hiện đang sống bên ngoài đất nước trên trang bìa tờ báo. Ý kiến thứ hai dường như thiểu số tuyệt đối, vì chỉ có mình tôi cho là không cần các tên tuổi lớn, chỉ cần trong vài số đầu chứng tỏ cho độc giả thấy đây là một tờ báo văn học thuần túy. Ban đầu với những cây viết mới có thể không gây được tiếng vang, nhưng đó là tờ báo, mà những người chủ trương trân trọng từng bài thơ, từng mẩu chuyện. Tôi chủ trương tin vào chính mình, viết cho tới không sớm thì muộn độc giả cũng mở vòng tay đón nhận tờ báo.
Từ trái sang phải: Phan Nhật Nam, Khánh Trường, Hoàng Chính Nghĩa, Hoàng Khởi Phong và Cao Xuân Huy.
Từ trái sang phải: Phan Nhật Nam, Khánh Trường, Hoàng Chính Nghĩa, Hoàng Khởi Phong và Cao Xuân Huy.
Rút cục tờ báo xuất hiện với sự tham dự của khá nhiều cây bút đã thành danh ở trong nước. Với sự hiện diện của nhà văn Võ Phiến ở vị trí Chủ nhiệm, tờ báo là sự tiếp nối, hay khác đi là sự tục bản tờ Văn Học Nghệ Thuật, và hầu như tất cả mọi thành viên đều cho là với cái tên này, ít nhất tờ báo không mang vẻ cạnh tranh với tờ Văn của nhà văn Mai Thảo. Vị trí Chủ bút do nhà văn Lê Tất Điều đảm nhiệm, và Nguyễn Mộng Giác là Tổng thư ký. Đó là bộ ba thực sự điều hành tờ báo, phần tôi là Chủ nhiệm trên phương diện pháp lý, nghĩa là có bổn phận hàng năm khai thuế. Ngoài ra nhà văn Nhật Tiến tuy không giữ một chức vụ nào, nhưng nhà anh là nơi mỗi tháng nhóm chủ trương họp một lần, ăn với nhau một bữa cơm, nhận báo mới, và đồng thời chọn chủ đề, phân chia bài vở cho số sắp tới. Sở dĩ chọn nhà anh Nhật Tiến vì ông Chủ nhiệm Võ Phiến ở hướng Bắc tại Los Angeles, chủ bút Lê Tất Điều ở phía Nam tại San Diego, nhà tôi thì đang là trại tị nạn, và nhất là chị Phương Khanh với các cháu gái con anh chị Nhật Tiến sẽ đãi nhóm chủ trương một bữa ăn đích đáng.
Chỉ sau vài số báo, Văn Học Nghệ Thuật được các cây bút hải ngoại tới tấp gửi bài tham dự, cũng như sự trợ giúp tài chánh của những người coi văn chương như là món ăn tinh thần. Khoa học gia Trương Vũ, là một thí dụ điển hình. Trương Vũ là người của khoa học, ông làm việc tại NASA, nhưng đã có những đóng góp đáng kể cho văn học Việt Nam ở hải ngoại. Năm 1995, hai mươi năm sau khi chiến tranh tàn, Nhà xuất bản Cub Stone ở tiểu bang Massasschusset dự định ấn hành một tuyển tập văn học về hậu chiến Việt Nam, quy tụ nhà văn của Việt Nam ở trong nước và nhà văn Mỹ. Chính nhờ sự đóng góp của Trương Vũ trong thành phần chủ biên, khi tuyển tập The Other Side of Heaven ra đời, nó có thêm tiếng nói của tám cây bút Việt Nam ở hải ngoại, cùng xuất hiện với mười hai cây bút Việt Nam ở trong nước và mười tám cây bút Hoa Kỳ. Nói tóm lại sau khi chiến tranh tàn được hai chục năm, đây là một tác phẩm quy tụ nhà văn của ba phe tham chiến, đã từng tận lực bắn giết nhau ngoài mặt trận. Không riêng gì Văn Học nhận được sự trợ giúp hết lòng của Trương Vũ, sau này khi tờ Hợp Lưu ra đời, anh cũng là một người lúc nào cũng mở hầu bao cứu cấp, mỗi khi hai tờ Văn HọcHợp Lưu gặp phải những cơn khủng hoảng tài chánh.
Tròn một tuổi do những hoàn cảnh cá nhân, lại xa xôi cách trở, nhà văn Võ Phiến và Lê Tất Điều rút ra khỏi ban chủ biên, tờ Văn Học Nghệ Thuật đối diện với lần lột xác đầu tiên, trở về với cái tên dự định ban đầu là Văn Học. Trong lần cải tổ này Nguyễn Mộng Giác ở vị trí Chủ nhiệm kiêm Chủ bút, tôi đảm nhiệm phần vụ cũ của Nguyễn Mộng Giác, nghĩa là Tổng thư ký cho tờ báo. Về công việc thì Nguyễn Mộng Giác vẫn gánh vác nhiều hơn cả, vì anh đang “viết thuê” cho một tờ báo chuyên về quảng cáo, nên có nhiều điều kiện lo cho tờ Văn Học hơn tôi. Thời gian này tôi vẫn là một người làm thợ tiện ca ba, nghĩa là đi làm từ 11 giờ đêm tới 6 giờ sáng, mỗi khi về tới nhà tôi lăn quay ra ngủ tới một, hai giờ chiều mới trở dậy, đi lấy thư với hy vọng có thêm nhiều độc giả dài hạn, có thêm tiền để lo trả nợ nhà in, mua thêm tem để gửi báo. Và rồi mỗi tháng một, đôi lần tôi và Cao Xuân Huy ôm một đống báo ra Bưu Điện. Tôi cũng có nhiệm vụ trả lời thư tín của thân hữu và bạn đọc. Riêng về Cao Xuân Huy, anh không còn là một người lính thuần túy như trước kia, lòng tiếc thương đồng đội cũ, càng ngày càng dìm anh lún sâu vào con đường chữ nghĩa. Đêm đêm khi tôi lên đường kiếm ăn trong xưởng tiện, thì ánh đèn trong phòng riêng của vợ chồng, con cái anh vẫn còn le lói, và tôi biết anh đang ráo riết hoàn thành những trang cuối của cuốn hồi ký viết về sự sụp đổ của miền Trung và nỗi uất hận của những người lính một đời thiện chiến, giờ đây ngơ ngác trước những mệnh lệnh chết người.

Hàng ngồi từ trái sang: Nguyên Sa, Mai Thảo và Võ Phiến.
Hàng đứng: Nguyễn Mộng Giác, Đỗ Ngọc Yến và Hoàng Khởi Phong.

Năm 1987, để sửa soạn đón gia đình qua đoàn tụ, Nguyễn Mộng Giác thuê một căn chung cư ở Tustin. Anh cũng đón ông Võ Thắng Tiết từ Alaska về chung sống. Tưởng cũng nên nhắc lại ông Võ Thắng Tiết chính là tu sĩ Từ Mẫn, Giám đốc Nhà xuất bản Lá Bối trước kia. Sau năm 75 dù không muốn ông cũng phải trở về đời sống bình thường. Năm 1980 ông vượt biên cùng chuyến tàu với gia đình nhà văn Nhật Tiến. Khi đến Mỹ ông chọn nghề làm cua ở Alaska trong ba, bốn năm liền, rồi tích lũy vốn liếng trở về Cali dựng Nhà xuất bản Văn Nghệ. Giờ đây sau hơn ba chục năm sống rải rác khắp năm châu, giả như người Việt có một dòng văn học Việt Nam ở hải ngoại, thì phải nói ông Võ Thắng Tiết là một trong những người có công đầu. Bởi lẽ nếu không có bệ phóng của Nhà xuất bản Văn Nghệ, thì có thể giờ đây rất nhiều tác giả ở hải ngoại vẫn còn chìm trong bóng tối. Gần hai chục năm sau khi hoàn cảnh buộc phải ngưng hoạt động, Nhà xuất bản Văn Nghệ còn tồn lại một kho sách, với mấy trăm đầu sách văn chương và biên khảo. Ông Võ Thắng Tiết cũng xuất bản những cuốn sách vì nhu cầu giải trí, thị hiếu của độc giả, và đồng thời cũng là một nguồn thu không nhỏ để nuôi sống những cuốn sách văn học. Nhưng những đầu sách này được in dưới nhãn của Nhà xuất bản Đồng Văn, không phải Văn Nghệ.
Năm 1988 vợ và con gái út của Nguyễn Mộng Giác được đoàn tụ, để được toàn tâm toàn trí lo cho gia đình sum họp, Nguyễn Mộng Giác có ý định rút lui ra khỏi ban chủ biên. Đây là một biến cố lớn của tờ Văn Học, đến độ Trương Vũ từ DC phải đích thân bay về Cali, với ý định thuyết phục Nguyễn Mộng Giác vẫn để tên trong ban chủ biên, còn công việc điều hành thật sự do Cao Xuân Huy và tôi sẽ làm thay. Nhưng anh Giác quyết liệt rút ra, và đề nghị tôi thay thế cho anh Giác. Ban đầu tôi định từ chối, vì nghĩ mình không đủ uy tín. Mặc dù trước đó không lâu cuốn hồi ký Ngày N+… của tôi đã gây được một tiếng vang đáng kể trong giới cầm bút, và trước đó một năm cuốn hồi ký Tháng Ba gãy súng của Cao Xuân Huy được coi như là một hiện tượng của văn học hải ngoại. Ngoài ra tôi chưa kể tới những trói buộc về sinh kế cho bản thân tôi cùng con và hai người cháu đang ăn học ở Mỹ, đồng thời vẫn phải yểm trợ tài chánh cho toàn bộ gia đình ở quê nhà. Thời điểm đó sau khi đổi tên và thành phần chủ biên Văn Học đã đứng vững được ba năm, với gần bốn chục số báo và ý kiến của Cao Xuân Huy cũng như Trương Vũ là phải duy trì tờ Văn Học bằng mọi giá, mà nhân sự thì chỉ còn hai người có thể cáng đáng là Cao Xuân Huy và tôi. Cuối năm 1988, nếu tôi nhớ không lầm thì Văn Học số 38, thành phần chủ biên giờ đây sẽ gồm: Hoàng Khởi Phong Chủ nhiệm kiêm Chủ bút, Cao Xuân Huy Tổng thư ký, họa sĩ Khánh Trường lo phần trình bày. Nguyễn Mộng Giác, Trương Vũ và Nhật Tiến trong thành phần cố vấn.
Nhìn chung thì ba người trong ban chủ biên giờ đây đều là cựu quân nhân của QLVNCH, mà trong đó Cao Xuân Huy là sĩ quan TQLC, Khánh Trường thuộc binh chủng Nhảy Dù và đã từng ở trong Đại đội của Phan Nhật Nam là ĐĐT, và tất nhiên cả ba người “lính tẩy” chúng tôi không hề có ý định làm một tờ báo mà nội dung cũng như hình thức, quá nghiêm chỉnh và quý phái như hai vị tiền nhiệm vốn là nhà giáo. Ngay trong số đầu trách nhiệm, tôi cho đăng tải truyện ngắn Pháo đài trên sông Zyangty của nhà văn Trần Vũ, một cây bút mới thành danh cư ngụ ở Pháp. Nội dung truyện ngắn này quả là một trái bom, vì nó chứa đựng những pha làm tình của hai chị em ruột, sau khi vượt biên mà người chị vì muốn cứu mạng người em, đã bị dày vò, vùi dập bởi hàng chục tên hải tặc. Số kế đó Văn Học đăng tải truyện ngắn Có yêu em không của Khánh Trường. Nội dung của truyện ngắn này còn bạo liệt hơn cả truyện Trần Vũ, khi một người lính mang xác đồng đội về nhà, trong lúc gia đình lo tang lễ và quàn xác người chết ở dưới, thì trên gác xép người lính đã làm tình với em gái của người quá cố. Sau hai truyện ngắn này dư luận của giới văn nghệ rộn hẳn lên. Bản thân tôi khi chọn đăng tải hai truyện ngắn này không phải vì mối quan hệ đặc biệt với hai tác giả, mà vì đó là hai truyện ngắn hay, và tôi vốn không coi tính dục là một cấm kỵ trong văn chương.
Sau hai truyện ngắn này Nguyễn Mộng Giác mời tôi và Cao Xuân Huy đi uống cà phê, anh cũng cảnh báo chúng tôi là muốn thay đổi nội dung và hình thức tờ Văn Học thì nên từ từ, không thể gấp gáp quá e rằng sẽ gặp những phản ứng ngược từ chính những nhà văn đang cộng tác. Trong lần gặp gỡ này tôi đã giấu Nguyễn Mộng Giác vài lá thư của các văn hữu kết án nặng nề nhóm chủ biên mới. Trong phần thư tín với các văn hữu, tôi đã trả lời thẳng thừng về việc không viết tắt những chữ vốn được coi là kỵ húy trong văn chương Việt Nam. Tôi nghĩ rằng văn chương dù có ngôn ngữ riêng, nó cũng phải phần nào dung chứa ngôn ngữ đời thường, vả lại người đọc khi đọc đến những chữ viết tắt đó, ai cũng biết nghĩa đích thực của nó, thì không vì một lý do nào phải viết tắt. Tất nhiên khi quyết định đăng tải những đoạn văn này, tôi cũng đã cố gọt bớt những chữ quá thô tục, nhưng dứt khoát Văn Học không viết tắt bất cứ một chữ nào.
Để không khí nhẹ đi phần nào, hai số kế tiếp Văn Học giới thiệu những cây bút trẻ mới xuất hiện trên vòm trời chữ nghĩa và đang sinh sống ở Pháp và ở Úc, tiếc là ở Canada trong thời điểm đó không quy tụ nổi các cây bút trẻ xuất hiện đủ cho một số báo, nên không thể làm một số riêng biệt cho vùng đất này.
Cũng trong thời gian này ở trong nước, ông Nguyễn Văn Linh tuyên bố mở cửa về kinh tế và cởi trói cho văn nghệ, đã làm thay đổi bộ mặt thiếu sinh động của văn học trong nước, chuyên về minh họa. Chỉ trong một thời gian ngắn văn học trong nước trúng mùa bội thu, trên khắp các cánh đồng. Ở bất cứ bộ môn nào cũng có những thành tựu với các tác phẩm không còn viết theo chiều hướng cũ. Đã có những tác giả ở trong nước quay lưng lại với loại văn chương minh họa đã ngự trị suốt nửa thế kỷ trên những tờ báo chuyên về văn học ở trong nước. Văn Học là tờ báo đầu tiên ở hải ngoại đã lên tiếng cổ võ cho những tác phẩm này. Từ số 45 cho tới số 48, Văn Học đăng tải rải rác một số truyện ngắn và thơ được sáng tác trong buổi phôi thai, ngay khi lời tuyên bố của ông Nguyễn Văn Linh vừa ráo miệng, để sửa soạn cho số 49 và 50 là hai số chuyên đề về “văn chương phản kháng” ở trong nước. Hai số báo đó vô hình trung là mục tiêu đánh phá Văn Học, của những tờ báo coi hiện tượng này chỉ là phản kháng giả, hay là một đòn đánh phủ đầu của Nhà nước Việt Nam đối với giới cầm bút cả trong cũng như ngoài nước. Tuy Văn Học không chính thức trả lời những bài viết đầy ngôn ngữ quy chụp, nhưng một số tác giả khác không phải trong nhóm chủ trương đã gửi về Văn Học những bài viết giá trị nhận định về hiện tượng này, như là một hình thức gián tiếp trả lời cho những công kích đầy ác ý. Và nếu đúng là chế độ ra đòn như thế, thì quả thật những người cầm bút ở hải ngoại đã trúng đòn, vì cuộc tranh cãi ban đầu ngôn ngữ còn chừng mực, nhưng càng về sau càng tệ hại, đến độ giữa một số anh em cầm bút, đã có thời giao tình với nhau, sau hai số báo này đã không thể hàn gắn được, không thể ngồi chung với nhau trong bất cứ một cuốn sách nào.
Ngoài Văn Học là tạp chí văn chương chính thức công nhận hiện tượng văn chương phản kháng ở trong nước, một số các cây bút độc lập ở rải rác khắp nơi quy tụ lại thành lập Nhà xuất bản Lê Trần, mà tác phẩm duy nhất: Trăm hoa vẫn nở trên quê hương đã quy tụ được 27 nhà văn ở hải ngoại, viết về hiện tượng này, và đồng thời trích đăng tác phẩm của 69 nhà văn, nhà thơ, kịch tác gia và kịch bản điện ảnh mà tác phẩm của họ gây xôn xao trong nước trong giai đoạn đầu cởi trói cho văn nghệ này. Hầu như tất cả các cây bút chủ chốt của tờ Văn Học đều đóng góp cho cuốn sách này. Nói cho cùng đây là những bài còn dư lại của hai số chuyên đề 49 và 50, nhưng đó cũng là một hình thức trả lời cho những người đã chỉ trích Văn Học hàng năm trời ròng rã, với những luận điệu quy chụp, thậm chí còn vu khống.
Năm 1990, tôi bị thất nghiệp. Ở đây tôi xin nói rõ: về tài chánh, tờ Văn Học, hay bất cứ một tờ báo thuần túy văn chương nào, cũng lỗ. Ngoại trừ tờ Văn của Mai Thảo, được một nhà in hào phóng in báo với giá tượng trưng chỉ bằng nửa giá in thị trường, và những người hâm mộ nhà văn Mai Thảo ở rải rác khắp nơi hết lòng ủng hộ. Tất cả những may mắn đó giúp cho Mai Thảo sống khá ung dung với hai nguồn tài chánh chính là tiền già và tiền bán báo. Tờ Văn Học tuy không lời, nhưng với 700 độc giả dài hạn, lúc nào nó cũng đủ tiền in, tiền tem. Phần lời là báo bán lẻ tại những tiệm sách rải rác trên toàn nước Mỹ và Canada. Nhưng có nhiều tiệm sách không chịu thanh toán nếu như tờ báo không có người đến kiểm kê số báo tiêu thụ hàng tháng. Tại Texas có một tiệm sách suốt hai năm trời không chịu thanh toán tiền báo và sách do Văn Học phát hành, cho tới khi ông chủ bán tiệm cho người khác, thì số tiền báo đã bán được khoảng hai ngàn đô la coi như bị xù. Ở đây Văn Học lúc nào cũng mang ơn chị Thụy Khuê, người đại diện cho Văn Học ở Pháp và Âu Châu, thỉnh thoảng chị gửi cho một khoản tiền, mà tôi nghĩ cho dù có bán hết báo mà chị nhận phát hành, cũng không thể được con số đó. Dù gì chăng nữa thì tờ báo coi như hòa, nhưng thỉnh thoảng có những khoản chi bất thường ngoài vụ in ấn, thí dụ một bạn văn thường xuyên gửi bài vở cộng tác, bỗng một hôm đến chơi với anh em vài ngày, thì khoản đãi đằng cơm tây, rượu chát trong thời gian đó phải móc từ túi ông chủ nhiệm.
Tôi đã làm thợ tiện được hơn mười năm, việc thất nghiệp ở Mỹ là chuyện bình thường, nếu chịu khó tìm tòi thế nào cũng có việc lại, nhưng nhân dịp này tôi muốn thay đổi không khí cho bản thân mình, muốn bỏ nghề và thử tìm một con đường nào gần hơn với việc viết lách, nên tôi dồn hết tiền bạc mà sở cũ trả cho tôi đâu khoảng mười ngàn, lên San Jose bỏ thêm vốn vào nhà in Lam Sơn của một ông bạn đã hoạt động được mười năm, tưởng chừng sẽ có lúc chính tôi sẽ đứng ra in tờ Văn Học. Vì quyết định dời lên phía Bắc của tôi, Văn Học lại một phen sắp xếp lại đội hình. Trương Vũ lại một phen từ thủ đô bay về, lần này Trịnh Y Thư là Chủ nhiệm kiêm Chủ bút, Cao Xuân Huy vẫn là Tổng thư ký. Trịnh Y Thư là một khuôn mặt mới của Văn Học. Anh đang du học ở Mỹ thì xảy ra vụ 75, anh có bằng MA và đang làm việc cho một công ty lớn, với số lương hậu hĩnh hơn trăm ngàn đô la một năm. Không phải vì Trịnh Y Thư khá giả mà anh bị anh em dồn anh vào chỗ phải chi tiền. Trịnh Y Thư là một người dịch rất hay, anh là một trong những người dịch Milan Kundera đầu tiên, và Đời nhẹ khôn kham là một bản dịch cực kỳ hay cuốn tiểu thuyết của nhà văn gốc Tiệp này. Thời gian này vì ở xa, tôi không có điều kiện để quan sát kỹ những thăng trầm của tờ Văn Học.
Việc làm tiệm in của tôi rút cục không khá, năm 1991 tôi một mình băng qua sa mạc Mojavie để tiến sang Texas, tìm một nơi lập nghiệp mới. Trong một năm trời tôi di chuyển qua đủ bốn thành phố lớn nhất của tiểu bang này là Houston, Dallas, San Antonio và Austin, làm đủ các nghề vớ vẩn. Khi thì đứng bán ở cây xăng, khi thì đứng bán cho các tiệm tạp hóa Stop and Go hay tiệm Seven – Eleven. Có lúc lại làm một loại việc khá giống như bốc vác cho một hãng sản xuất phụ kiện điện tử. Năm 1992 khi tôi quay trở lại Nam Cali thì mới biết Văn Học lại một lần nữa sắp xếp lại đội hình. Lần này nhà văn Nguyễn Mộng Giác quay trở lại vị trí Chủ nhiệm, Trịnh Y Thư là Chủ bút, Cao Xuân Huy không thay đổi. Một năm sau tôi chính thức đi làm báo và phụ trách trang “Văn Học Ngệ Thuật” cho tờ nhật báo Người Việt, mà lẽ ra tôi đã làm một nhân viên của tờ báo này từ số đầu tiên ra đời từ năm 1978. Tôi nhận chức biên tập viên cho tờ báo này, với mục đích có nhiều thời gian để bắt đầu viết bộ trường thiên Người trăm năm cũ. Tờ Văn Học vẫn hàng tháng có một bữa cơm chung, để các người chủ trương nhận báo mới, hàn huyên với những bạn văn từ khắp nơi về thăm Nam Cali. Bữa cơm chung này trước kia thường được tổ chức ở nhà Nhật Tiến, giờ đây nó được tổ chức tại nhà Nguyễn Mộng Giác. Đó là căn nhà anh Giác đã mua và ở cho đến khi qua đời.
Đầu thế kỷ XXI, khi internet phát triển cực độ, các trang web ra đời. Các cây viết trẻ đầy sung mãn và am hiểu tường tận kỹ năng điện toán, đã thiết lập hàng chục trang web chuyên về văn học. Đồng thời lứa độc giả văn chương của người Việt ở hải ngoại lớp thì qua đời, lớp thì làm biếng vì tuổi tác, đã khiến cho các tờ báo chuyên về văn học càng ngày càng tiến gần đến việc đình bản các tờ báo in.
Năm 2003, một buổi trưa Nguyễn Mộng Giác và Cao Xuân Huy đến chỗ tôi làm việc. Anh Giác có ý định cho tờ Văn Học đình bản, nên bàn với Cao Xuân Huy và tôi. Tôi chưa có ý kiến gì thì Cao Xuân Huy đã khẳng khái đứng ra nhận trách nhiệm chăm nom cho tờ Văn Học. Và anh đã chăm nom cho nó cho tới khi anh qua đời. Tất nhiên trong giai đoạn khó khăn này, lại chỉ có một mình xốc vác cho tờ báo, nên Văn Học trước tiên để tiết kiệm tiền in và tiền tem, thay vì phát hành mỗi tháng một số 120 trang, thì giờ đây hai tháng phát hành một số dày tồi thiểu là 200 trang và có khi lên tới 250 trang. Trong cơn ngắc ngoải của tờ báo, vẫn là Trương Vũ đã hết lòng khích lệ, yểm trợ cho Cao Xuân Huy. Số Văn Học cuối cùng sau rất nhiều lần trì hoãn đã ra đời vào cuối năm 2008. Thế có nghĩa là một mình Cao Xuân Huy xốc vác tờ Văn Học trong suốt bốn, năm năm sau cùng.
Mặc dù không ở Mỹ lúc Cao Xuân Huy qua đời, song tôi biết khá tường tận diễn tiến căn bệnh của Cao Xuân Huy. Huy phát giác ra mình có một cái u trong mắt một cách tình cờ, khi đang đánh mà chược với tôi vào năm 2007. Đang xoa bài, đột nhiên anh dụi mắt, rồi lấy tay che đi một con mắt vài lần, rồi quay qua nói với tôi: “Sao kỳ quá, con mắt phải của em chỉ nhìn thấy từ ngực bác trở xuống”. Hôm sau Huy đi khám mắt, hai ông Bác sĩ Việt cho hai định bệnh khác nhau, một ông bảo là nấm, một ông bảo là có u nhưng không biết lành hay dữ. Nguyễn Thành Quan là bạn thân của Huy và tôi từ hồi nhỏ, và đã từng là sĩ quan trợ y của QLVNCH thấy vậy chen vào: “Ngày mai mày đi khám lại ở UCLA Medical Center cho chắc ăn”. Hai ngày sau Huy cho biết các Bác sĩ của UCLA xác nhận đó là u độc, và ở đây sẽ dùng xạ trị để chữa. Tính Huy ít nói, trong hai tuần chờ đợi đi điều trị anh vẫn đến xoa mà chược tại nhà tôi, và không bao giờ có vẻ mặt tư lự hay lo âu. Có điều anh giấu tất cả mọi người là căn bệnh của anh là một căn bệnh hiếm, hàng ngàn người bị ung thư mới có một người bị ung thư gần mắt, và quan trọng hơn hết là nếu may mắn xạ trị có thể khỏi luôn, nhưng nếu không chữa được tuyệt nọc thì nó có thể chạy thẳng lên óc, hay xuống gan.
Xạ trị xong vài ngày, anh lại có mặt tại nhà tôi trong những canh mà chược. Cứ như vậy trong hơn hai năm liền một tuần hai, ba canh mà chược. Các bạn hữu của Huy ai cũng nghĩ là sức khỏe của Cao Xuân Huy hoàn toàn bình phục. Bề gì thì cũng là Trung oái TQLC, sá kể gì ba cái cancer vớ vẩn. Khoảng giữa năm 2010, sau khi tái khám định kỳ Huy cho tôi biết anh bị di căn xuống gan. Khi nói về án tử của mình, anh không hề đổi sắc, và vẫn một tuần hai cữ mà chược ở nhà tôi. Thời gian này tôi đang sửa soạn làm đám cưới cho con trai tôi. Hai bố con tôi phải về Việt Nam, vì cô vợ chưa cưới của cháu là người Việt. Đám cưới diễn ra ở Sài Gòn vào ngày 31-10 năm 2010.
Huy bắt đầu được hóa trị vào giữa tháng 7. Anh cho biết sẽ có hai đợt hóa trị, mỗi đợt là 6 tuần, mỗi tuần một liều. Bọn chúng tôi nín thở nhìn Huy mỗi tuần đi chữa bệnh. Trong sáu tuần của đợt hóa trị đầu, tôi không thấy Huy bị những phản ứng xấu như rụng tóc, xuống cân… Và đặc biệt là anh có một tinh thần bằng thép, sống hệt như những ngày trai trẻ, không hề một phút băn khoăn lo lắng về bệnh trạng của mình. Sáu tuần lễ đầu qua đi, anh vẫn nhởn nhơ cười đùa với bằng hữu. Anh vẫn tự mình lái xe lên nhà tôi chơi bài. Hết đợt đầu, anh được nghỉ một tuần để sửa soạn hóa trị đợt hai, cũng sáu tuần lễ nhưng liều lượng gấp đôi. Đầu tháng 10, tôi phải về Việt Nam, lúc đó Huy đã chịu hai liều của đợt hai, ngoài vẻ mặt bình thản bên ngoài, tôi biết anh đau đớn dữ dội bên trong, vì có lần tôi hỏi Huy về bệnh trạng trước khi tôi sẽ đi xa thì được anh cho biết: “Người ta cứ nói đau xé gan xé ruột, không ăn thua gì vì em đang đau xé từng thớ thịt, bất cứ một thớ thịt nào từ trên đầu xuống tới chân giống như bị một bàn tay vô hình xé vụn ra”. Có một điều lạ là anh không bao giờ lộ vẻ đau đớn, đặc biệt là trước mặt vợ và hai cô con gái, lúc nào anh cũng cười và còn bông đùa cho không khí trong nhà bớt căng thẳng.
Ngày 15-10 năm 2010 tôi chia tay với Huy để về Việt Nam làm đám cưới cho con trai. Trong một bữa cơm tiễn tôi đi tại nhà Nguyễn Kỳ Hùng, cả hai vợ chồng Huy cố tham dự. Lúc này anh đã không lái được xe, khi chia tay ra về tôi thấy Huy lảo đảo, nhưng anh gạt phắt tay của một người bạn có ý định dìu anh đi. Anh nói với tôi giản dị: “Khi bác sang chắc là em không còn hiện diện trên cõi đời này. Thôi chúc bạn mọi điều tốt lành”. Đáng lẽ tôi là người sẽ phải nói những lời chúc tụng sức khỏe cho Cao Xuân Huy, thì anh đã chúc tôi trước, mà qua nội dung những lời cuối của anh, những lời chúc tụng của tôi sẽ trở thành vô nghĩa. Sau khi tôi đi khoảng mười ngày thì Huy mất. Anh sinh năm 1947, mất năm 2010 hưởng thọ 63 tuổi.
Năm 2004 Nguyễn Mộng Giác đi mổ lần đầu vì ung thư. Từ đây sức khỏe của Nguyễn Mộng Giác không còn như cũ. Năm 2008 anh về VN để chịu tang cùng an táng bà mẹ, trước khi lên máy bay về lại Mỹ anh bị đột quỵ, rồi kế đó anh bị mổ lần thứ hai vào năm 2009. Những năm cuối cùng của anh giống như là ngọn đèn sắp cạn dầu mà còn bập bùng trong gió. Gần đây anh phải vào ở trong một nhà dưỡng lão, vì không thể tự mình săn sóc cho mình, thành thử chị Diệu Chi có nhà mà hầu như không ở, cứ lẩn quẩn nơi anh nằm bệnh. Mới đây trong dịp trở lại Mỹ vào tháng 4 và tháng 5 năm 2012, tôi hai lần điện thoại để ghé thăm, nhưng không một ai bốc điện thoại trả lời. Tôi cũng lái xe đến bất ngờ hy vọng có ai ở nhà, để tôi chuyển lời thăm hỏi, song không một ai có nhà. Sau cùng việc gì đến đã đến, Anh qua đời vào ngày 3 tháng Bảy, năm 2012 tại nhà riêng, hưởng thọ 72 tuổi.
Sau cùng xin thông báo với các độc giả của tờ Văn Học:
Địa chỉ của tòa soạn hiện nay đã dời lên thiên đường từ năm 2008. Để tiện việc điều hành tờ báo, mới đây hai vị chủ nhiệm đầu tiên và sau cùng cũng đã dời về đó. Cho dù trong khi sống, nhà văn Nguyễn Mộng Giác và Cao Xuân Huy có thể làm phật lòng một số người, vì quan điểm văn chương, hay chính trị. Nhưng nghĩ cho cùng, sự khác biệt về quan điểm không bao giờ là một tội lỗi, càng không thể là một tội ác. Nghĩ cho cùng một nhà giáo hết lòng với học trò của mình, một nhà văn hết lòng với độc giả của mình, một người lính hết lòng với nhiệm vụ của mình sẽ có một chỗ ở nơi thiên đường. Nếu như thiên đường là một nơi có thật.
Sài Gòn 8 - 7 - 2012
H. K. P.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
nguồn_boxitvn:http://www.boxitvn.net/bai/39123
==================================================================
Một nét trong phong cách Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)
Sông Côn mùa lũ mở đầu bằng hình ảnh một dòng sông, lúc gia đình giáo Hiến lếch thếch bồng bế nhau đi tị nạn, và kết thúc cũng bằng một dòng sông, sông Bến Ván, nơi dừng chân của mẹ con An. Nó mở đầu bằng dòng kinh nguyệt đầu tiên của An và kết thúc cũng bằng dòng kinh nguyệt của Thái, con gái của An. Giữa những dòng chảy ấy là dòng chảy điên cuồng của đất nước và của số mệnh từng người: những cuộc “hành kinh” của lịch sử.

Nên lưu ý là hình ảnh về những dòng chảy ấy, dưới nhiều hình thức và với nhiều mức độ khác nhau, bàng bạc trong hầu hết các tác phẩm của Nguyễn Mộng Giác chứ không riêng gì trong Sông Côn mùa lũ. Tên các tác phẩm của ông: Nỗi băn khoăn của Kim Dung, Bão rớt, Tiếng chim vườn cũ, Qua cầu gió bay, Đường một chiều, Ngựa nản chân bon, Xuôi dòng, Mùa biển động (5 tập), và Sông Côn mùa lũ (4 tập), trong đó, trừ tập tiểu luận đầu và tập truyện thứ hai, các tựa sách khác đều sử dụng một trong ba hình tượng: gió, nước và con đường. Nhiều nhất là hình tượng nước.

Trong tám tựa sách, ba tựa sau cùng, tất cả đều xuất hiện sau năm 1975, đều liên quan đến nước. Tựa cũ của Đường một chiềuBóng thuyền say cũng liên quan đến nước. Qua cầu gió bay cũng thấp thoáng hình ảnh của nước. Ám ảnh về nước thật ra là ám ảnh về sự chuyển động. Hai hình tượng còn lại, gió và con đường, cũng gắn liền với ý niệm về chuyển động ấy.

Toàn là những sự chuyển động bất thường và ngoài ý muốn: đường thì một chiều, biển thì động, sông thì đang mùa lũ, gió thì bay, bay dữ đến độ thành bão rớt. Sự say mê đối với các chuyển động, thật ra, không có gì mới: nó đã có ít nhất từ thời phôi thai của tiểu thuyết. Sự say mê đối với các chuyển động bất thường và ngoài ý muốn cũng không mới: đó là sự say mê chung của hầu hết các nhà văn hiện thực. Tuy nhiên, ở phần lớn các nhà văn hiện thực, sự say mê đối với các chuyển động, nếu là chuyển động xã hội, thường dẫn đến cảm hứng phê phán, nếu là chuyển động lịch sử, thường dẫn đến cảm hứng sử thi với những bức tranh hoành tráng, ở đó, người đọc có thể nhìn thấy những nhân vật cao hơn hẳn đời thường; ở Nguyễn Mộng Giác thì niềm say mê đối với các chuyển động xã hội chỉ dẫn đến những cảm hứng nhân đạo và niềm say mê đối với các chuyển động lịch sử chỉ dẫn đến một cái nhìn mang đầy tính bi kịch. Người bị ám ảnh nhiều về con đường cũng là người viết cuốn Ngựa nản chân bon; người bị cuốn hút bởi những hình tượng như biển động, mùa nước lũ cũng lại là tác giả của cuốn Xuôi dòng; người say mê Kim Dung, nhà văn chuyên viết truyện chưởng đầy tính bạo động, lại chú ý nhất ở Kim Dung một khía cạnh ít bạo động nhất: nỗi băn khoăn...

Tính chất chuyển động, do đó, cứ như gắn liền với tính chất mỏi mệt; tính chất dữ dội lúc nào cũng song song với một cái gì như thể ngao ngán. Nghịch lý ấy thể hiện rất rõ trong phong cách của Nguyễn Mộng Giác: thích những đề tài lớn nhưng trong các đề tài lớn ấy lại chỉ chú ý đến các chi tiết nhỏ; thích lịch sử, nhưng trong lịch sử, chỉ xoáy vào các khía cạnh đời thường; thích các anh hùng, nhưng ở các anh hùng, chỉ tập trung ngòi bút vào những khoảnh khắc yếu đuối; thích tả phụ nữ ở cái mốc tuổi dậy thì, nhưng ở tuổi dậy thì, lại dừng lại ở một dấu ấn ít thơ mộng nhất: kinh nguyệt.

Có thể nói, tất cả các nhân vật của Nguyễn Mộng Giác đều là những nạn nhân. Những thanh niên trí thức ở Huế một thời ồn ào và hung hãn với giấc mộng anh hùng trong Mùa biển động, cuối cùng, cũng chỉ trở thành một đám nạn nhân nhếch nhác của lịch sử. Ngay nhân vật Quang Trung trong Sông Côn mùa lũ cũng không hẳn là một anh hùng.

Đậm nét nhất trong hình ảnh nhân vật Quang Trung của Nguyễn Mộng Giác không phải là một võ tướng xông pha giữa trận địa hoặc một vị vua đầy quyền lực mà chỉ là một kẻ hay thao thức trong đêm khuya, hay băn khoăn trong lòng, hay ngập ngừng trong giọng nói, hay thoáng vẻ bối rối trên khuôn mặt, và hay tần ngần trong mỗi bước đi. Có cảm tưởng Quang Trung cũng chỉ là một nạn nhân của lịch sử: lịch sử xô ông tới, đẩy ông lên những đỉnh cao, và cuối cùng, thật bất ngờ, làm cho ông biến mất. Quang Trung như thế, các bà vợ của Quang Trung cũng như thế. Cứ thử đọc lại đoạn Nguyễn Mộng Giác tả cảnh Ngọc Hân đi gặp hoàng hậu, vợ chính của Quang Trung. Hai người đàn bà quyền uy nhất nước thời bấy giờ không khác gì hai người đàn bà bình thường bao nhiêu cả: họ cũng bối rối, cũng cảm thấy nhỏ nhoi và bơ vơ khi đối diện với nhau, và cũng yếu ớt vô cùng: người thì đầy hoang mang, phải dựa vào bạn; kẻ thì phải ôm con chặt vào lòng cho thêm tự tin (1).

Có thể nói, ngòi bút của Nguyễn Mộng Giác chỉ phát huy hết sự tinh tế khi dừng lại ở những bức tranh nho nhỏ và tội nghiệp như thế. Khi phải tả những sự lớn lao và dữ dội, ông thường dùng biện pháp lướt, tức chỉ vẽ thoáng qua, thật nhanh (2), hoặc có khi phải dựa dẫm vào người khác, hoặc các sử liệu hoặc một tác phẩm của ai đó cùng đề tài (3).

Cũng có thể nói Nguyễn Mộng Giác, tác giả của hai bộ trường thiên tiểu thuyết, Sông Côn mùa lũMùa biển động, là nhà văn của những kích thước đồ sộ. Tuy nhiên, khi theo đuổi những công trình đồ sộ ấy, tài năng của Nguyễn Mộng Giác lại không thể hiện ở những cái lớn với những cấu trúc vĩ mô hay những tư tưởng có tầm triết lý bao quát cả cuộc đời hay thời đại, ngược lại, nó được thể hiện, trước hết, ở những cái nho nhỏ với những nhận xét tinh tế về những chi tiết rất đời thường.

***
Chú thích:
  1. Sông Côn mùa lũ, tập 4, tr. 1562-1571.
  2. Ví dụ đoạn tả trận đánh ở Thăng Long đầu năm Kỷ Dậu trong Sông Côn mùa lũ, tập 4, chương 96, tr. 1847-1864.
  3. Chẳng hạn cuốn Tháng Ba gãy súng của Cao Xuân Huy và cuốn Ngày N+ của Hoàng Khởi Phong.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
nguồn:http://www.voatiengviet.com/content/mot-net-trong-phong-cach-nguyen-mong-giac/1505983.html
====================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001