Thứ Năm, 5 tháng 7, 2012

Sông Ba “khát nước” vì thủy điện

Hồng Ánh (bài và ảnh)

Không chỉ nhiều cánh đồng hạ lưu sông Ba khô hạn mà hàng chục ngàn hộ dân ở TP Tuy Hòa và các huyện của tỉnh Phú Yên có nguy cơ bị thiếu nước sinh hoạt do các thủy điện cắt giảm giờ chạy máy, không trả nước xuống hạ lưu sông Ba đúng như cam kết
Chiều 3-7, Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam có văn bản gửi đến Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên đề nghị can thiệp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để các thủy điện trên sông Ba trả nước đúng cam kết, giảm thiểu khô hạn đang diễn ra ở nhiều cánh đồng tỉnh này.
Suốt đêm chờ nước
Như thường ngày, bà Nguyễn Thị Ơn (67 tuổi, ở thôn Thượng Phú, xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa) thẫn thờ ngồi chờ nước về trên thửa ruộng 3 sào của mình. Cây lúa đang vào giai đoạn đẻ nhánh, rất cần nước nhưng đang quắt queo trên chân ruộng khô nứt nẻ. “Hơn 10 hôm rồi, vợ chồng tôi thay phiên nhau chực chờ nước về để lấy vào ruộng cứu lúa nhưng thức suốt đêm cũng chẳng thấy giọt nước nào”- bà Ơn mệt mỏi nói.
Ông Vũ Mạnh Hà, cán bộ kỹ thuật trạm bơm Phú Vang, nơi cung cấp nước tưới cho nhiều cánh đồng ở TP Tuy Hòa, cho biết hiện nguồn nước từ đập Đồng Cam về trạm bơm này rất yếu, phải hơn 10 ngày nước mới về đến trạm bơm nên không thể cung cấp kịp thời đến ruộng người dân.
Theo ông Trần Tiến Anh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam, hiện tại có hơn 1.000 ha ở các cánh đồng Hòa Trị, Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa), Bình Ngọc, phường 9, Hòa Kiến, Bình Kiến (TP Tuy Hòa), Hòa Đồng (huyện Tây Hòa), Hòa Vinh, Hòa Thành, Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa) đang có nguy cơ bị khô hạn nặng do nguồn nước về đập đầu mối giảm mạnh.

Bà Nguyễn Thị Ơn mệt mỏi chờ nước trên thửa ruộng khô nứt nẻ của mình
Bà Nguyễn Thị Ơn mệt mỏi chờ nước trên thửa ruộng khô nứt nẻ của mình
Trong gần một tuần qua, nước về đập Đồng Cam, con đập lớn nhất Đông Dương một thời, liên tục giảm mạnh, có thời điểm mực nước dưới mức tràn của đập đến 40 cm. Nguồn nước về đập ít nên nước dẫn vào 2 kênh chính Bắc và chính Nam đều giảm hơn so với bình thường 35 cm. “Chúng tôi đã phải vận động các HTX tăng cường các trạm bơm để cứu lúa nhưng nguồn nước về hạ lưu ít nên nước từ các sông, suối nhỏ và cả nước ngầm đều cạn kiệt, không đủ nước để bơm chống hạn”- ông Anh nói.
Nguy cơ thiếu cả nước sinh hoạt
Không chỉ nhiều cánh đồng bị khô hạn, hiện 3 nhà máy nước của Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước Phú Yên là Tuy Hòa, Phú Hòa và Sơn Hòa cũng đang bị thiếu nước. Theo ông Nguyễn Tấn Thuần, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước Phú Yên, các nhà máy nước này đều sử dụng nguồn nước ngầm nhưng hiện tại, nguồn nước ngầm ở vùng hạ lưu sông Ba đang giảm mạnh, có thời điểm giảm hơn 1 m so với bình thường nên không đủ nước để bơm lên nhà máy.
“Việc tích nước của các hồ thủy điện trên thượng nguồn sông Ba nhưng lại trả nước về vùng hạ lưu quá ít đã làm tụt giảm nguồn nước ngầm ở vùng hạ lưu, gây khó khăn cho các nhà máy nước ở đây. Trong đó, khó khăn nhất là Nhà máy nước Tuy Hòa và Nhà máy nước Sơn Hòa”- ông Thuần bức xúc.
Hiện tại, 3 nhà máy nước của Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước Phú Yên đang cung cấp nước cho hơn 20.000 hộ dân địa phương, trong đó nhiều nhất là TP Tuy Hòa với gần 17.000 hộ.
Nhiều hộ dân ở TP Tuy Hòa nằm cuối hệ thống cấp nước của công ty như Bình Kiến, phường 9… phải chịu cảnh xách nước lên tầng cao vì nước không bơm được lên đến tầng thứ 3.
Thủy điện cắt giảm giờ chạy máy?
Trong những ngày qua, nhiều nơi ở Tây Nguyên có mưa, thậm chí mưa lớn, trong đó Gia Lai là địa bàn thượng nguồn của lưu vực sông Ba nên việc thiếu nước đối với vùng hạ lưu sông Ba đang gây nhiều bức xúc cho người dân. Theo ông Trần Tiến Anh, việc lưu lượng nước về hạ lưu sông Ba đột ngột giảm trong những ngày qua là do các thủy điện Sông Hinh và Sông Ba Hạ cắt giảm giờ chạy máy.
Trong công văn gửi Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh, ông Đặng Định Toại, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh – Phú Yên, cho biết từ khoảng 21 giờ đến 9 giờ hằng ngày, trạm bơm Tuy Bình lấy nguồn nước sau chạy máy của Nhà máy Thủy điện Sông Hinh không thể hoạt động vì không có nước để bơm. “Chúng tôi đã làm việc với 2 nhà máy thủy điện này để điều tiết nước cho hạ du sông Ba. Tuy nhiên, họ vẫn chưa thống nhất được phương án chạy máy phát điện với lý do cả 2 nhà máy đều phụ thuộc vào việc điều tiết điện của EVN””- ông Anh cho biết.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 3-7, ông Võ Thành Trung, Giám đốc Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh, lại cho rằng việc chạy máy của thủy điện này vẫn diễn ra bình thường. “Chúng tôi vẫn trả nước về hạ lưu sông Ba với lưu lượng 54 m3/giây khi chạy máy”- ông Trung nói.
Tuy nhiên, khi hỏi đến giờ chạy máy trung bình mỗi ngày hiện nay ở thủy điện Sông Hinh, ông Trung ấp úng: “Không biết?!”. Cùng ngày, ông Đặng Văn Tuần, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ, cũng cho biết việc chạy máy ở thủy điện này vẫn diễn ra bình thường. Còn vì sao hạ lưu sông Ba thiếu nước thì ông… không rõ.
Thủy điện không thực hiện cam kết
Chiều 3-7, ông Lê Chí Trọng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, cho biết đã gửi văn bản đến Bộ Công Thương và EVN yêu cầu các thủy điện trả nước về hạ lưu sông Ba đúng cam kết. Theo cam kết giữa các ngành liên quan của tỉnh Phú Yên và 2 nhà máy thủy điện Sông Hinh và Sông Ba Hạ, 2 nhà máy này cần phối hợp để cân đối giờ chạy máy, bảo đảm trả nước về hạ lưu sông tối thiểu 40 m3/giây. Trong trường hợp không chạy máy, buộc mỗi nhà máy phải xả nước về sông Ba với lưu lượng 20 m3/giây. “Nếu thực hiện được cam kết này thì đập Đồng Cam không bao giờ thiếu nước nhưng thực tế, lượng nước về đập không đủ”- ông Trọng nói.
Để khắc phục hậu quả thiếu nước về đập Đồng Cam, hiện Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên đang đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ hơn 10 tỉ đồng để chống hạn.
H. A.Nguồn: http://nld.com.vn/20120703112637308p1042c1105/song-ba-khat-nuoc-vi-thuy-dien.htm
nguồn_boxitvn:http://www.boxitvn.net/bai/38726
---------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001