Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2012

Kết cục bi thảm của một "biểu tượng" thời Chiến tranh lạnh 

06/09/201221:04:05
- Đằng sau "ánh hào quang nhân tạo" của Conrad Schumann là một cuộc sống cô đơn, mệt mỏi.

Khoảnh khắc định mệnh

Không chủ định trước, khoảng 4h chiều ngày 15/8/1961, anh lính Conrad Schumann 19 tuổi bất ngờ nhảy qua ranh giới ngăn cách hai miền Đông Đức - Tây Đức trong Chiến tranh lạnh. Khi đó, Schumann đang nhận nhiệm vụ canh gác công trường xây dựng bức tường Berlin ở góc phố Ruppinerstraße and Bernauerstraße.
Ranh giới này trong ngày thứ 3 xây dựng mới chỉ là một hàng rào dây thép gai thấp tè, nằm sát mặt đất. Phía bên kia, những người Tây Đức hét lên với Schumann "Qua đây đi". Và trong một tích tắc, người lính trẻ băng qua ranh giới. Khoảnh khắc đó tình cờ được nhiếp ảnh gia Peter Leibing ghi lại. Nó trở thành một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất thời Chiến tranh lạnh.

Bức ảnh nổi tiếng ghi lại khoảnh khắc Conrad Schumann vượt qua Bức tường Berlin.
Bức ảnh nổi tiếng ghi lại khoảnh khắc Conrad Schumann vượt qua Bức tường Berlin.

Đặt chân sang miền Tây Đức, Schumann lập tức lao vào một chiếc ô tô cảnh sát đã chờ sẵn. Về sau, người đàn ông này nhớ lại thời khắc làm thay đổi cả cuộc đời mình: "Tâm trí tôi căng thẳng tột cùng. Tôi rất sợ hãi. Tôi nhảy qua, lao vào xe trong... 3, 4 giây và mọi thứ vụt qua đi".

Sự giải thoát cuối cùng

Sang Tây Đức, Schumann định cư tại Bavaria. Hai năm sau, ông cưới vợ và có 1 cậu con trai. Ông liên tục thay đổi công việc trong thời gian đầu mới sang và cuối cùng là làm việc tại nhà máy lắp ráp ô tô của Audi trong 27 năm.

Rời bỏ Đông Đức mang theo rất nhiều hy vọng về một cuộc sống mới, nhưng thực tế, Conrad Schumann đã không tìm thấy cái mình trông đợi.

Thứ đầu tiên Schumann hỏi xin ở trụ sở cảnh sát Tây Đức chỉ là một chiếc bánh sandwich. Và tất cả những gì ông mang trong mình khi sang bên kia bức tường Berlin, là sự đau khổ cùng cực vì đã phản bội lời thề và bỏ lại đồng đội của mình. Cô đơn và tuyệt vọng, Schumann chỉ biết tìm đến rượu để khuây khỏa suốt những ngày tháng sau này.

Bức ảnh và sự nổi tiếng "bất đắc dĩ" đã thay đổi cuộc đời Conrad Schumann, nhưng có lẽ không theo cách mà ông mong muốn. Ông được mời xuất hiện trong nhiều sự kiện, ký tên trên các áp phích có tên mình và tham dự hàng trăm cuộc phỏng vấn mà phần nhiều nội dung chỉ xoay quanh sự kiện ngày 15/8/1961.

Nhưng đằng sau "ánh hào quang nhân tạo" là một cuộc sống cô đơn, mệt mỏi. Ông đã bị giới chức Tây Đức "vắt kiệt như một quả chanh" trong các cuộc thẩm vấn tìm kiếm thông tin mà ông không hề nắm giữ. Thậm chí, khi từng có ý muốn vượt sang phía bên kia bức tường Berlin để về thăm nhà, ông đã bị cảnh sát Tây Đức phát hiện và ngăn chặn ở phút cuối.

Sau khi bức tường Berlin được dỡ bỏ, Schumann quyết định quay trở về sống ở quê nhà. Bộ máy tuyên truyền phương Tây đã tô vẽ để ông trở thành một "người hùng", "biểu tượng của tự do". Nhưng với những người dân ở quê hương, ông mãi là kẻ phản bội đê hèn. "Có nhiều người không nói chuyện với tôi", ông nói.
Những đồng đội cũ không muốn giao du với ông. Thậm chí, ông cũng không được chào đón ở chính gia đình của mình. Anh lính trẻ Schumann khi đó đã trở thành một người đàn ông trung niên béo lùn, hai cánh tay đầy hình xăm.
Bức ảnh chụp khoảnh khắc Schumann nhảy qua ranh giới Đông - Tây vẫn là một bức ảnh nổi tiếng, được phát hành với số lượng lớn và bán rất chạy cho du khách tới thăm di tích Bức tường Berlin. Nhưng nhân vật chính đã thay đổi đến mức khó có thể nhận ra.

Một buổi sáng thứ 7 năm 1998, vợ Schumann tìm thấy xác chồng mình treo trên một cành cây gần nhà tại Kipfenberg. Ông đã tự tử ở tuổi 56 mà không để lại lời trăng trối. Cảnh sát cho biết, họ không tìm thấy bất cứ điểm gì đáng chú ý, động cơ cũng không rõ ràng. Người ta cho rằng, sự xa lánh của những người xung quanh và áp lực dư luận đè nặng đã khiến ông trầm cảm và cuối cùng tự giải thoát bằng cái chết.

Lê My (Theo AP, Independence)
nguồn:http://kienthuc.net.vn/channel/5841/201209/Ket-cuc-bi-tham-cua-mot-bieu-tuong-thoi-Chien-tranh-lanh-1848662/
====================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001