Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

Thơ NGUYỄN DUY suối nguồn tươi mát

[Vào lúc : 11:08 - 19/06/2012 
Nhà thơ Phạm Khải phân tích: “Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp/ Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông” - trong bài “Cảm tưởng đọc Thiên gia thi”, Hồ Chí Minh đã viết vậy. Nguyễn Duy là thi sĩ của thời nay, song thơ anh vẫn cứ tràn ngập “mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông”, nghĩa là những hình ảnh đã quá quen thuộc trong thơ kim cổ. Điều đáng nói là chỉ bằng vào một số chất liệu ấy thôi, Nguyễn Duy vẫn đủ sức gây mê độc giả, vẫn thổi được vào tác phẩm hơi thở của cuộc sống đương đại. Là bởi thiên nhiên trong thơ anh không đứng tách riêng một mình mà luôn gắn với hoạt động của con người. Trong bài “Đám mây dừng lại trên trời…”, Nguyễn Duy không tả màu sắc, hình dáng của một đám mây mà nêu hiện tượng: “Đám mây dừng lại trên trời…để cho dưới đất đám người chạy mưa” từ đó đem đến cho người đọc những liên tưởng thú vị.

Thơ Nguyễn Duy Suối nguồn tươi mát

PHẠM KHẢI

Nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn đã gọi Nguyễn Duy là “thi sĩ thảo dân”. Cách gọi đúng và hay. Hai chữ “thảo dân” nghe không lành hiền như hai chữ “bình dân”, mà lại có vẻ kiêu ngầm nữa (bởi “thảo dân” còn đồng nghĩa với số đông). Như chú hề, chú tễu trong các tích chèo cổ, tự nhận mình thân phận hèn kém đấy, song lại dám bỡn cợt cả các đấng bề trên, thơ Nguyễn Duy đã chinh phục đám đông bởi cách cảm, cách nghĩ đậm chất trữ tình và trào lộng dân gian, với một dũng khí chẳng “ngại ai, ngán ai”. Gọi Nguyễn Duy là “thi sĩ thảo dân” cũng là một cách đề cao sự tự tin, biến báo ở anh.

Thật ra, có một thời, không phải ai đó cứ muốn là thể hiện được cách sống, cách viết theo lối “thảo dân” của mình. Bản thân Nguyễn Duy, sau chùm thơ 4 bài (“Hơi ấm ổ rơm”, “Bầu trời vuông”, “Tre Việt Nam”, “Giọt nước mắt và nụ cười”) đoạt giải Nhất cuộc thi thơ của tuần báo Văn nghệ năm 1973, cũng đã mất một thời gian loay hoay tìm hướng. Cái cách ca ngợi tinh thần lạc quan thời chiến như trong các bài “Bầu trời vuông”, “Giọt nước mắt và nụ cười” đành rằng là khéo, là giàu sức khái quát, song khó có thể khiến những bài thơ ấy “đánh đu” được lâu dài trong tâm trí người đọc. Đã có lúc tôi đặt giả thiết, nếu như sự nghiệp thi ca của Nguyễn Duy dừng lại ở thời điểm tháng tư năm 1975, anh sẽ còn gì để lại cho đời? Có, vẫn còn trụ lại đấy - vững vàng nhưng đơn độc - một khóm tre (bài “Tre Việt Nam”) và thấp thoáng - chỉ là thấp thoáng thôi - một “ngôi nhà tranh nhỏ bé ven đồng chiêm” (bài “Hơi ấm ổ rơm”). Nguyễn Duy không phải là Nguyễn Khoa Điềm những năm đỉnh điểm chống Mỹ, hoặc Hữu Thỉnh sau đó một chút. Anh là một tiếng thơ nghiêng về sự ca hát, xôm tụ. Giọng chủ đạo của anh là “ca dao vọng về”. Nhưng đến cả ca dao lúc bấy giờ đâu phải tác giả muốn lả lướt, luyến láy thế nào cũng được. Là ca dao thì cũng phải đánh Mỹ, cũng phải xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vậy nên, bên cạnh những câu rất hay, rất ý nhị: “Chờ em từ bấy đến giờ/ lại làm ra vẻ tình cờ qua đây/ tình cờ gió thổi lá bay/ hóa ra đã hẹn từ ngày chưa quen”, hoặc: “sáng hoài mà chẳng có đôi/ đẹp như trăng cũng lẻ loi khuyết tròn” (bài “Ca dao vọng về”), ta còn bắt gặp trong thơ Nguyễn Duy những câu gượng gạo, khiên cưỡng, kiểu như: “Con cò bay lả bay la/ theo câu quan họ bay ra chiến trường” (bài “Khúc dân ca”), “hòn đất là hòn đất mềm/ qua nghìn độ lửa - chắc bền dài lâu/ hòn đất là hòn đất nâu/ ra lò - đất rực rỡ màu đỏ tươi” (bài “Bài hát người làm gạch”). Cái khó là cái khó chung, càng khó với tạng cảm xúc của Nguyễn Duy. Tác giả của “Tre Việt Nam” - thay vì có những đột phá về cách thức phản ánh hiện thực, đành chỉ biết quẩn quanh với một số kỹ xảo chơi chữ, nhấn nhá vần điệu. Có thể nói, trước tháng tư 1975, gia tài thơ ca của Nguyễn Duy khá mỏng mảnh, dù năng khiếu của anh đã phát lộ. Những bài thơ hay của Nguyễn Duy vừa ít vừa lạc lõng so với đội ngũ đông đảo những bài thơ làng nhàng của anh.

Nhưng từ sau tháng tư 1975 đến trước giai đoạn Đổi mới 1986, thơ Nguyễn Duy có bước phát triển vượt bậc. Tập “Ánh trăng” (xuất bản năm 1984) và tập sơ tuyển “Mẹ và em” (xuất bản năm 1987) đã tập trung hàng chục bài thơ hay, cỡ toàn bích của Nguyễn Duy. Một điều thật lạ là ở vào cái đận, cái “khúc” mà đời sống vật chất của người dân còn gặp muôn vàn khó khăn, đời sống tinh thần cũng chưa phải đã được thông thoáng, vậy nhưng Nguyễn Duy vẫn thung thăng trổ tài được trong cái “vòng kim cô” ấy. Ai đó quan niệm: Thơ phải buồn, phải đau mới hay. Nguyễn Duy đã chứng minh: Thơ không cần buồn, cần đau vẫn có thể hay. Hàng loạt bài thơ xuất sắc của Nguyễn Duy không hề có lấy một chữ “buồn”, một chữ “đau” (như các bài “Ánh trăng”, “Đà Lạt một lần trăng”, “Thơ tặng người xa xứ”, “Nhớ bạn”, “Một góc chiều Hà Nội”, “Đám mây dừng lại trên trời…”, “Trăng sông Tiền”) hoặc có chữ “buồn”, chữ “đau” (như các bài “Sông Thao”, “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa”, “Xuồng đầy”) song không hề tạo cảm giác nặng nề, bi lụy. Tất cả đều trong trẻo, thuần khiết và hấp dẫn. Nguyễn Duy là một minh chứng hùng hồn cho khả năng “lách luật” tuyệt vời của một thi sĩ khi mà làng thơ Việt đang phải chịu không ít gò bó. Chính sự tài hoa trong sử dụng ngôn từ, sự tài nghệ trong vận dụng khúc thức dân gian cộng với sự tài tình trong khai thác tâm lý lứa tuổi “áo trắng má hồng” đã khiến thơ Nguyễn Duy trở thành đặc sản thi ca giai đoạn tiền Đổi mới.

“Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp/ Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông” - trong bài “Cảm tưởng đọc Thiên gia thi”, Hồ Chí Minh đã viết vậy. Nguyễn Duy là thi sĩ của thời nay, song thơ anh vẫn cứ tràn ngập “mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông”, nghĩa là những hình ảnh đã quá quen thuộc trong thơ kim cổ. Điều đáng nói là chỉ bằng vào một số chất liệu ấy thôi, Nguyễn Duy vẫn đủ sức gây mê độc giả, vẫn thổi được vào tác phẩm hơi thở của cuộc sống đương đại. Là bởi thiên nhiên trong thơ anh không đứng tách riêng một mình mà luôn gắn với hoạt động của con người.
Trong bài “Đám mây dừng lại trên trời…”, Nguyễn Duy không tả màu sắc, hình dáng của một đám mây mà nêu hiện tượng:
Đám mây dừng lại trên trời…
để cho dưới đất đám người chạy mưa

từ đó đem đến cho người đọc những liên tưởng thú vị.
Viết về gió, Nguyễn Duy cũng lồng ghép với bước vận động của cơ thể con người để gợi nhắc những điều xa xôi:
Người về khăn áo gió đưa
phất phơ hồn vía ngày xưa vẫn còn

(bài “Giã từ”).
Viết về trăng - hình tượng đã bị khai thác đến “trơ thổ địa”, Nguyễn Duy vẫn tạo nên được sự tươi mới, quyến rũ thông qua một so sánh:
Trăng thì xanh mà nước thì lại đỏ
sóng ánh lên cái óng ánh gió thu
chiếc xuồng nhẹ tựa hồ câu thơ cổ
lục bình trôi mộng du

(bài “Trăng sông Tiền”).
Viết về hoa - thứ hình tượng đã lấp lánh trong cả rừng câu thơ hay, vậy nhưng Nguyễn Duy vẫn có một điểm nhấn buộc ta không thể không chú ý:
Tương tư hoa gạo quê nhà
tự nhiên áo đỏ làm ta giật mình

(bài “Hoa gạo”).
Riêng với tuyết - một hình ảnh ít người Việt Nam tận mắt nhìn thấy đã được Nguyễn Duy đem về như một món quà độc đáo từ chuyến ngao du xứ người:
hình như gò trắng phập phồng
bao nhiêu con gái ngủ trong tuyết dày

(bài “Trắng và… trắng”).
vv và vv…

Đọc Nguyễn Duy, ta dễ dàng nhận thấy anh là người rất khao khát thiên nhiên (anh từng có bài thơ lấy tên là “Nhớ thiên nhiên”). Thiên nhiên trong thơ Nguyễn Duy dù đẹp đến mấy cũng hiếm khi thiếu vắng hình bóng của nhân vật trữ tình, và những nhân vật này cũng ít khi chỉ biết nhìn ngắm một cách thụ động. Trần Đăng Khoa từng khen mảng thơ viết về nước ngoài của Nguyễn Duy “đã thoát khỏi lối thơ giao đãi, thù tạc của rất nhiều nhà thơ ta khi viết về nước ngoài”. Theo tôi, có được điều này chính bởi Nguyễn Duy ít khi chịu đứng ngoài lề để ca ngợi miền đất nơi anh đặt chân mà anh bước thẳng vào bức tranh thiên nhiên ấy, đi, đứng, suy ngẫm, thậm chí làm lụng một cách tự nhiên trên cái nền không gian ấy, dạn dĩ, thông thạo như chính công dân nước sở tại. Bài “Chút thu vàng” tác giả viết “Gửi Ira Davưdova” có những câu tả cảnh, tả tình hết sức nhuần nhị, cho thấy những suy nghĩ, cảm xúc sâu lắng của một thi sĩ Việt trước mùa thu vàng của nước Nga: “Se se một chút lạnh lùng/ mình sang với bạn, sang cùng thu sang/ Bạn đi như sợ lỡ làng/ mùa thu đi trước lá vàng theo sau/ Buồn vui đâu cũng giống nhau/ lẻ loi kim tước chân cầu ngủ mơ”. Sự xông xáo, tự nhiên, coi “Buồn vui đâu cũng giống nhau” đã giúp cho thơ Nguyễn Duy thoát khỏi tình trạng như thể những tiếng trầm trồ quê mùa của người ít có dịp “đi ra bể rộng trời cao”.
Nguyễn Duy là thi sĩ hàng đầu của thể thơ lục bát. Lục bát của anh có những bài thuộc vào hàng tuyệt bút. Thơ anh viết về mẹ có những câu hay cả về ý, về tình, giai điệu ngọt ngào mà sự liên tưởng cũng giàu sáng tạo:
Bần thần hương huệ thơm đêm
khói nhang vẽ nẻo đường lên Niết Bàn
chân nhang lấm láp tro tàn
xăm xăm bóng mẹ trần gian thuở nào

(bài “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa”).
Tả vẻ đẹp của bầu ngực người con gái, anh viết, kín đáo mà vẫn thật khơi gợi:
Người con gái chợt qua đường
áo em mong mỏng màn sương núi đồi

(bài “Bất chợt”).
Tả vẻ đẹp thơ mộng, không khí nao nức của một đêm trung thu, tác giả có những câu thật sảng khoái:
Bao giờ cho tới mùa thu
trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm
bao giờ cho tới tháng năm
mẹ ra trải chiếu ta nằm đếm sao

(bài “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa”).

Những câu tưởng chừng rất vu vơ trong bài “Nhớ bạn” hóa lại nói được nhiều điều về cảnh và người xứ Huế. Bài thơ thuộc loại thần bút, gợi nhiều hơn tả. Tất cả như trôi đi, trôi đi trong dòng giai điệu ngọt ngào, da diết:
Tôi về xứ Huế mưa sa
em ơi Đồng Khánh đã là ngày xưa
tôi về xứ Huế chiều mưa
em ơi áo trắng bây giờ ở đâu?
Bến Tuần loáng thoáng hàng dâu
em xa vườn lựu từ lâu lắm rồi
lối mòn đá cuội rong chơi
lơ thơ trắng dưới chân đồi hoa mơ
Lan báo hỉ nở tình cờ
bông ngô đồng rụng xuống bờ Hương Giang
chợ chiều Bến Ngự chưa tan
ai đi ngược dốc Phú Cam một mình.

Một số nhà nghiên cứu thường liên hệ thơ lục bát của Nguyễn Duy với thơ lục bát của Nguyễn Bính. Quả thực, đây là hai trong số những tiếng thơ lục bát gây nhiều ấn tượng nhất trên thi đàn Việt Nam mấy chục năm qua. Tuy nhiên, theo nhận xét của tôi, Nguyễn Duy chỉ gần với Nguyễn Bính ở những xúc cảm kiểu “giang hồ”, “cơm bụi”, nghĩa là về mặt nội dung, còn về kỹ xảo thì anh gần với Huy Cận (nhất là ở cách sử dụng triệt để các “ngón” luyến láy, nhấn nhá phụ âm đầu, sử dụng nhiều vần lưng và thường xuyên có cách đảo ngữ bất ngờ). Trong tập “Lửa thiêng”, Huy Cận mê dụ người đọc bởi những câu lục bát quá điệu nghệ, kiểu như: “Tai nương nước giọt mái nhà/ Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn”, hoặc “Dừng cương nghỉ ngựa non cao/ Dặm xa lữ thứ kẻ nào héo hon”. Ở Nguyễn Duy, ta cũng gặp những câu luyến láy không kém: “Thất tha thất thểu văn chương/ Kẽo cà kẽo kẹt tai ương đường dài” (bài “Xin đừng buồn em nhé”) hoặc “Nhớ không sông ộp oạp xuôi/ gió oằn oại hổn hển trời phù sa” (bài “Kính thưa Thị Nở”).

Từng có nhà nghiên cứu ngợi khen khả năng khái quát sắc sảo của Nguyễn Duy. Phải chăng khi đưa ra nhận định này, họ đã nhớ tới các bài “Đánh thức tiềm lực” và “Nhìn từ xa… Tổ quốc”?. Tôi thì lại cho điểm mạnh của Nguyễn Duy không phải ở khả năng phân tích, khái quát, triết luận. Anh mạnh về cảm hơn là về nghĩ, mạnh về ý hơn là về tứ. Tạng của anh, nếu có triết luận thì cũng triết luận một cách nhẹ nhõm, kiểu như: “Cái cò sung chát đào chua/ câu ca mẹ hát gió đưa về trời/ ta đi trọn kiếp con người/ vẫn chưa đi hết mấy lời mẹ ru” (bài “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa”). Những cách phản ánh, phân tích, khái quát hiện thực đời sống như trong các bài “Đánh thức tiềm lực”, “Nhìn từ xa… Tổ quốc” gây chú ý một thời chẳng qua là do tác giả đã táo bạo lách qua được khe cửa hẹp của nền báo chí xuất bản lúc bấy giờ mà tạo ra sự tò mò. Nay cánh cửa đã gần như mở toang, bạn đọc có thể bắt gặp những cách nói xù xì, gai góc hơn nhiều. Cách nói năm xưa của Nguyễn Duy bỗng trở nên thô giản, nặng chất “võ biền”, chẳng còn thấy thơ ở đâu. Có chăng, ai đó nhớ là nhớ những câu kiểu như “Điếm cấp thấp bán trôn nuôi miệng/ điếm cấp cao bán miệng nuôi trôn” - suy cho cùng cũng chỉ là một cách nói, một cách nói lạ nhưng chưa phải đã thật thấu nhẽ.

Nếu như trước đây, độc giả luôn bị choáng ngợp trước vẻ đẹp tráng lệ, gần như đạt tới độ toàn bích của khá nhiều bài in trong tập sơ tuyển “Mẹ và em” của Nguyễn Duy thì ở tập tuyển bề thế “Nguyễn Duy - Thơ ” (NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2010), nhiều người đã không khỏi bất ngờ, ngạc nhiên khi thấy bên cạnh những bài thơ hay, tác giả đã để chen vào khá nhiều bài xốp xoáp, vừa cũ về điệu, nghèo về ý, lại không hiếm chỗ ngoa ngôn phường tuồng hoặc bỡn cợt một cách tùy tiện, dễ dãi (kiểu như “Chợ trăng rượu cuội ngầu men/ coi chừng ta cuốc lủi em bõ hờn” - bài “Rượu cuội”). Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn đã nhận xét đúng: “Nguyễn Duy rất ít những câu thơ cấp tỉnh, chỉ có những câu thơ cấp xã chen ngang với những câu thơ cấp trung ương”.

Với một số thể thơ truyền thống, như lục bát, thất ngôn, ngũ ngôn, Nguyễn Duy quả thực là ông thầy phù thủy rất có tài nhấn nhá chữ nghĩa, tung hứng vần điệu, nhưng thật không phải lối, nếu không muốn nói là vô duyên, bất nhẫn khi chơi chữ (tỏng tòng tong) trong trường hợp này: “Năm nay lại lụt trắng đồng/ quê ta lại tỏng tòng tong mùa màng” (bài “Dân ơi”). Đúng là lạm dụng “ngón” luyến láy chữ nghĩa quá hóa phản tác dụng. Ấy là chưa kể có chỗ tác giả còn tạo nên một sự lắt léo về vần điệu không cần thiết: “Đến đây gió cũng đi vòng/ ngoằn theo khoeo núi ngoèo trong khuỷu rừng” (bài “Một người cha”). Đọc mà… đau cả miệng. Nó làm ta nhớ tới mấy câu: “Con bồ nông trong lồng nhăn nhó/ Nào ai người lấp ló liếc sang” mà người dân một số vùng vẫn áp dụng để chữa bệnh nói ngọng. Có lẽ câu thơ vần vèo trên của Nguyễn Duy thuộc trong số những câu… khó đọc nhất trong thơ ca đương đại Việt Nam.

Với thể thơ tự do, ngoại trừ những bài dựa vào cái sườn cấu tứ vững chắc và giàu sáng tạo như “Nghe tắc kè kêu trong thành phố”, còn thì nhìn chung, những bài thơ dạng này không thực sự là lợi thế của Nguyễn Duy. Nó nhàm tẻ, rời rạc như thể cơm nguội.
Đọc những tập thơ mới của Nguyễn Duy xuất bản giữa thập niên 90 (của thế kỷ trước), tôi thấy nhựa thơ trong anh dường như đã dần cạn. Bởi vậy, việc Nguyễn Duy tuyên bố ngừng làm thơ kể từ khi anh cho xuất bản tập thơ “Bụi” (năm 1997), theo tôi là một cách bảo toàn danh tiếng cho chính bản thân Nguyễn Duy.

Dẫu sao, với những gì đã làm được, Nguyễn Duy vẫn là đại diện tiêu biểu của cả một giai đoạn thi ca. So với các nhà thơ cùng trang lứa, anh đã và vẫn sẽ là một trong những người có sức chinh phục công chúng rộng rãi và tài tình nhất. Nhà văn Nguyễn Đình Thi từng ví von: “Thơ hay như một dòng sông, tắm mãi mà không hết nước”. Đọc những bài thơ hay của Nguyễn Duy, tôi cũng có cảm giác như vậy. Đó là suối nguồn tươi mát, làm lắng dịu những khô khát trong tâm hồn người đọc, giúp họ tẩy rửa những bụi bặm đời thường, đặng qua đó đủ sức tiếp tục cuộc hành trình nhọc nhằn hướng về thế giới của chân - thiện - mỹ.

11-6-2012

Nguồn: Văn Nghệ Công An số ra ngày 18-6-2012
nguồn_blog_lethieunhon:http://lethieunhon.com/read.php/5981.htm
---------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001