Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

Võ Văn Ty - Một vài khảo sát về quy trình cấp duyệt ngân sách xây dựng đài tưởng niệm ở Hoa Kỳ

Võ Văn Ty
VH viết:
Chào anh Võ Văn Ty,
Trong phản hồi vừa qua anh có đặt vấn đề về vai trò của quốc hội Việt Nam trong việc chi tiêu ngân quỹ quốc gia để xây dựng lăng tẩm, đền thờ lãnh tụ. Tôi xin mạn phép hỏi (ngược) anh hai điều, nhằm tạo cơ sở cho một phép so sánh giữa hai thể chế chính trị, rất mong anh dành chút thời gian hồi đáp:
1. Quốc hội Mỹ có vai trò như thế nào trong việc chi tiêu ngân sách quốc gia - nói chung - và việc cấp duyệt kinh phí xây dựng - nói riêng - cho những đài tưởng niệm lừng danh như: Washington Monument, Lincoln Memorial...?
2. Đề án và kinh phí xây dựng được đệ trình lên quốc hội và được quốc hội xem xét, thảo luận, biểu quyết theo một quy trình nào?
Trân trọng
VH
Cảm ơn bạn VH đã có lòng muốn tìm hiểu diễn tiến các công trình xây cất đền đài lăng tẩm ở Mỹ. Đây là một đề tài phức tạp về kỹ thuật lẫn chính trị, vì thế, để độc giả khỏi chán, tôi sẽ cố gắng cô đọng tóm gọn vào một vài đài tưởng niệm điển hình và một số hoạt động liên hệ của Quốc Hội Mỹ để những người quan tâm có thể đối chiếu so sánh các phương thức làm việc.
Hoa Kỳ có hàng trăm đài tưởng niệm lớn nhỏ được xây cất ở khắp các tiểu bang, nhưng nhiều nhất là ở thủ đô Washington. Hầu hết chi phí xây dựng các các đài tưởng niệm (monument, memorial) không lấy từ ngân sách quốc gia mà do sự quyên góp từ các tổ chức tư nhân như Washington National Monument Society. Đầu tiên, tôi xin nói về đài kỷ niệm Washington Monument là một công trình kiến trúc đã hình thành trong một bối cảnh lịch sử rất đặc biệt.

Tượng đài Washington (tiếng Anh: Washington Monument). Nguồn: Wikipedia
Tướng George Washington được coi là một trong những vị cha già, founding fathers, đã khai sanh ra Mỹ quốc. Ông đã đánh đuổi được thực dân Anh ra khỏi thuộc địa Bắc Mỹ, giành lấy độc lập và trở thành vị Tổng Thống đầu tiên của Mỹ. Khi George Washington qua đời năm 1799, Quốc Hội Mỹ muốn xây dựng một đài tưởng niệm để ghi nhớ vị anh hùng lập quốc của mình. Nhưng dự án này đã bị đảng Cộng Hòa (ĐCH) Republican Party chống đối. Đây là một chi tiết rất hay mà những người quan tâm đến tình hình dân chủ ở Việt Nam có thể tham khảo.
Chân lý của đảng Cộng Hòa là tự do dân chủ, là quyền tự quyết của người dân, chính quyền phải do dân bầu ra và quyền lực không tập trung vào trong tay một lãnh tụ. Họ lo sợ đền đài mang hình tượng của Tổng thống Washington sẽ tạo ra hào quang, quyền lực cho một người, hay lãnh tụ hóa, là những tính chất đặc thù của căn bệnh độc tài. Họ cũng lo sợ những tượng hình của George Washington sẽ làm phát sinh chế độ Liên Bang, Federalist Party, và quyền lực sẽ bị tập trung từ trung ương. Dân Mỹ rất sợ hãi đời sống tự do của họ bị chính quyền trung ương sai khiến và tước đoạt. Đảng Cộng Hòa còn cẩn thận ngăn chận không cho đúc hình Washington trên các đồng tiền.
Mãi cho đến cuối thế kỷ 19, George Washington mới được công nhận là vị anh hùng của dân tộc mà cả 2 miền Nam và Bắc Mỹ đều có thể ghi ơn và Quốc Hội đã thông qua một đạo luật để công cuộc xây cất đài kỷ niệm Washington bắt đầu, với số tiền quyên được từ quần chúng là 28.000 USD, tương đương với 600.000 USD ở năm 2010 (Kirk Savage, Monument Wars: Washington, D.C., the National Mall, and the Transformation of the Memorial Landscape (2009) pp 32–45). Một điểm đáng nhớ là trong khoảng thời gian này, Hoa kỳ đã trải qua một cuộc nội chiến Nam - Bắc đẫm máu (1861–1865).
Cũng xin bàn luận thêm danh từ Cộng Hòa (Republican) ở đây. Cộng Hòa có nghĩa là không độc tài, không phải là cơ chế quân chủ hay Cộng Sản chuyên chính, Cộng Hòa còn liên hệ tới những gì thuộc về luật lệ. Theo lối giải thích dài dòng của Wikipedia: "một nền cộng hòa là một bang hay một quốc gia được lãnh đạo bởi những người không dựa sức mạnh chính trị của họ vào bất kỳ một quy luật nào vượt khỏi tầm kiểm soát của nhân dân trong bang hay nước đó. Một vài định nghĩa nhấn mạnh sự quan trọng của sự tự trị và luật pháp như là một phần của những điều kiện cần cho nền cộng hòa". Với định nghĩa này, đảng CSVN đặt tên cho nước là Viêt-Nam-Dân-Chủ-Cộng-Hòa, rồi Cộng-Hòa-Xã-Hội-Chủ-Nghĩa-Việt-Nam là sai sự thật.
Một tượng đài đồ sộ công phu khác là đài kỷ niệm Lincoln Memorial, Tổng Thống thứ 16 của Mỹ, người đã chấm dứt chế độ nô lệ ở Mỹ. Đặc biệt, tượng đài này được Quốc Hội Mỹ chấp thuận một ngân sách 300.000 USD năm 1914 để xây cất.
Một đài tưởng niệm khác dành cho các nạn nhân Cộng Sản, Victims of Communism Memorial (Đài Tưởng niệm Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản), ở Washington do chính các cộng đồng tị nạn cộng sản trên thế giới sống ở Mỹ đóng góp để tưởng nhớ hơn 100 triệu nạn nhân đã bị Cộng Sản tàn sát (communist holocaust). Chủ Tịch của tổ chức gây quỹ tư nhân, Victims of Communism Memorial Foundation, là Đại Sứ Lev E. Dobriansky, một người Mỹ gốc Ukrainian. Nghị Sỹ Steve Symmsvà Dân Biểu Dana Rohrabacher ở Orange County, Nam California, nơi tập trung đông đảo nhất người Việt tị nạn tại hải ngoại đã giới thiệu nghị quyết resolution về dự án xây cất tượng đài này và TT Bill Cliton đã ký ban hành thành luật ngày 17/12/1993 ( Act of Congress).

Đài Tưởng niệm Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản. Nguồn: Wikipedia
Tổng thống George W. Bush đã đến tham dự buổi khánh thành tượng đài vào ngày 12/06/2007. Trong dịp này nhà thơ đấu tranh Nguyễn Chí Thiện, cùng các nhân vật đấu tranh dân chủ nổi tiếng khác của Trung Quốc và Đông Âu cũng có mặt. Tượng đài này được phỏng theo tượng "Goddess of Democracy" mà phong trào dân chủ của sinh viên Trung Quốc đã dựng lên ở Thiên An Môn năm 1989, cũng phỏng theo tượng nữ thần Tự Do (Statue of Liberty) ở New York do Pháp tặng cho Mỹ năm 1886.
Như đã trình bày phía trên, hầu hết các đài tưởng niệm do các tổ chức tư nhân đóng góp công sức, tuy nhiên Quốc Hội Mỹ luôn luôn tích cực tham gia vào các cuộc vận động, thông qua các đạo luật hợp thức hóa tiến trình xây dựng. Các vị Dân Biểu, Thượng Nghị Sỹ thường cho mượn tên tuổi để các hội đoàn đi vận động được dễ dàng hơn hoặc trực tiếp tham gia như là một thành viên của dự án.
Sau khi đã thành đạo luật rồi thì các ủy ban (committee) tập hợp của những nhà trí thức được thành lập để nghiên cứu ý nghĩa của dự án, nhiều khi kéo dài đến nhiều năm. Tiến trình này còn được mở rộng để quần chúng có thể tham dự qua hình thức những buổi "lắng nghe" hearing và đặt câu hỏi chất vấn. Nếu dự án dùng ngân sách quốc gia do quốc hội thông qua thì sẽ bị kiểm soát ngặt nghèo hơn nhiều. Chi phí này sẽ được chuyển giao cho một cơ quan của chính phủ để quản trị và mỗi cơ quan đều có Tổng Thanh Tra, Inspector General, để ngăn ngừa và báo cáo những vi phạm luật lệ. Và Quốc Hội lại có các tiểu ban congressional subcommittee để theo dõi hành tung của các cơ quan. Những ngân quỹ cấp trực tiếp từ Quốc Hội còn có tên như Personal Bills.
Hệ thống kiểm soát và quân bằng (check and balance) của chính quyền Mỹ phức tạp và mênh mông hàng hàng lớp lớp. Thế mà vẫn có những chính khách thông minh tìm ra khe hở của luật lệ để làm bậy. Và mỗi lần như vậy là các nhà làm luật ở Mỹ làm thêm luật mới để trám vào khe hở, mỗi lần trám là mỗi lần các phe kình chống nhau. Thượng Nghị Sỹ John McCain thường dùng những danh từ đao to búa lớn để diễn tả “sàn Thượng Viện tràn ngập máu”, spill blood on the floor, vì những trận thư hùng của các đảng phái đánh nhau thẳng tay (theo nghĩa bóng). Báo chí Mỹ với thành tích không nhân nhượng và tàn nhẫn, được tự do điều tra các hành tung của chính quyền và đã góp công lớn phanh phui nhiều chuyện động trời của nhiều giới chức. Nhiều nhân viên cao cấp đã mất việc hay vào tù vì giới truyền thông Mỹ.
Một ví dụ nhỏ về vụ xài tiền do dân đóng thuế một cách bừa bãi. Vào ngày 17/04/2012 vừa qua, cơ quan General Services Administration (GSA) của chính quyền liên bang Mỹ dẫn nhau qua tiểu bang Las Vegas để hội nghị và xài tiền của dân đến 823.000 USD cho 1 tuần lễ hội nghị của họ, thế là báo chí Mỹ vây đánh hội đồng các nhân viên tham ô này và cho cả thế giới biết rõ hành vi phung phí tiền đóng thuế của dân. Kết quả, toàn bộ lãnh đạo của GSA phải ra điều trần trước quốc hội và Giám Đốc là bà Martha N. Johnson, do Tổng thống Obama tiến cử, phải xin lỗi và từ chức, nhiều nhân viên cao cấp khác bị sa thải. Chưa hết, các đảng đối lập dùng vụ này để tấn công đảng cầm quyền của Tổng thống Obama và chắc chắn họ sẽ lấy món vũ khí lợi hại này để tấn công đối thủ của mình trong mùa tranh cử tổng thống sắp tới.
Trong chế độ đa đảng tự do dân chủ ở Mỹ, các đảng chính trị cạnh tranh với nhau và tìm đủ mọi cách để chứng tỏ mình hay hơn trong sạch hơn và hy vọng nhân dân bỏ phiếu cho mình. Không phải chỉ có các đảng cạnh tranh nhau mà thôi, mà ngay trong nội bộ của đảng cũng có thái độ dứt khoát với kẻ làm bậy. Các đảng chính trị Mỹ thường có thái độ đối với các đảng viên phạm tội là "đẩy xác chết của nó qua một bên đường để chúng ta đi tới", push the body to the side of the road so we can move forward. Tàn bạo nhưng thực tế, đúng cung cách tác phong của người Mỹ.
Bầu cử tự do dân chủ ở Mỹ còn có bộ mặt trái của nó. Cung cách tranh cử văn minh lịch sự của thập niên 50, 60 còn rất it. Ngày hôm nay, ứng cử viên không đọc những bài diễn văn sâu sắc mà hô những khẩu hiệu kích động và dễ hiểu, vì lối sống của người Mỹ nói chung quá vội vàng và bận rộn với những tiện nghi và vật chất nên không còn thời gian để đọc và phân tích. Các ứng cử viên lại hay dùng kỹ thuật quảng cáo nói xấu đối phương thay vì giải thích đường lối hoạt động của mình, “negative campaigning” hay “mudslinging” ném bùn vào mặt lẫn nhau. Buồn thay, kỹ thuật này bắt đầu lan dần qua Âu châu, Do Thái v.v.., vì rất có hiệu quả. Các chương trình quảng cáo và điều hành tranh cử lại rất tốn kém, vì thế một số đại công ty kinh doanh, các tổ chức chính trị dùng tiền để gây ảnh hưởng các vị dân cử và lèo lái các đạo luật có lợi cho mình.
Theo thống kê Gallup Poll mới nhất từ 6/7 đến 6/10 vừa qua. Chỉ có 17% dân Mỹ tán thành cách làm việc của Quốc Hội và có đến 79% phản đối. Vì những bế tắc chính trị do sự cực đoan và thao túng của 2 đảng lớn ở Mỹ, người dân đang có khuynh hướng tìm kiếm thêm những đảng phái khác ôn hòa hơn, và biết lo cho quyền lợi của người dân hơn. Những đảng phái không làm tròn trách nhiệm của mình đối với nhân dân, sẽ không tránh được luật đào thải trong tiến trình văn minh nhân loại.
Kính Thư,
Võ Văn Ty
Washington 06/17/2012
Hồ Gươm gửi hôm Thứ Bảy, 23/06/2012 
nguồn_danluan:http://danluan.org/node/13067
--------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001