Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

Trung Quốc phản đối luật biển của VN


Cập nhật: 09:10 GMT - thứ năm, 21 tháng 6, 2012
Trung Quốc và Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền chồng lấn từ lâu nay
Trung Quốc ngay lập tức phản đối Luật Biển Việt Nam mà Quốc hội ở Hà Nội thông qua trong cùng ngày 21/6.
Thứ trưởng Ngoại giao Trương Chí Quân đã triệu đại sứ Việt Nam Nguyễn Văn Thơ tới để "đưa ra phản ứng nghiêm khắc" về luật mà Trung Quốc gọi là "vi phạm chủ quyền của Trung Quốc".
Báo chí Việt Nam cho hay ngay Điều 1 của Luật Biển đã quy định về quần đảo Trường Sa mà Việt Nam đang chiếm giữ một phần cũng như quần đảo Hoàng Sa vốn hoàn toàn nằm dưới sự quản lý của Trung Quốc từ năm 1974 sau trận hải chiến mà Việt Nam Cộng hòa thua cuộc.
Trung Quốc luôn tuyên bố Nam Sa (Trường Sa) và Tây Sa (Hoàng Sa) thuộc về nước này.
Lời văn phản đối trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc có đoạn: "Chính phủ Trung Quốc tuyên bố: Tây Sa hải đảo và Nam Sa hải đảo là lãnh thổ Trung Quốc. Các đảo này và vùng phụ cận thuộc chủ quyền bất khả xâm phạm của Trung Quốc.
"Bất cứ nước nào đưa ra đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ và theo đó áp dụng bất cứ hành động nào đối với quần đảo Tây Sa và Nam Sa đều là phi pháp và vô hiệu."
Trong khi đó Luật Biển của Việt Nam cũng khẳng định "đảo, quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam".
Mặc dù vậy Luật cũng nói Việt Nam chủ trương "giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia bằng biện pháp hòa bình" theo các nguyên tắc của Hiến chương ASEAN và Hiến chương Liên Hiệp Quốc.
Báo chí trong nước nói Luật Biển Việt Nam đã được thông qua với sự đồng ý của 99,2% đại biểu.
Biển Đông, Trung Quốc gọi là Nam Hải, đã chứng kiến nhiều sự cố trong thời gian gần đây trong đó các vụ bắt ngư dân đánh cá giữa các nước ngày càng tăng kèm theo những sự cố như vụ chạm trán gần đây giữa tàu chiến Philippines và tàu tuần tiễu Trung Quốc hay trước đó là vụ Hà Nội cáo buộc Bắc Kinh cho tàu cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam.
nguồn_BBC:http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/06/120621_china_vietnam_sea.shtml
---------------------------------------------------------------------------------
Việt Nam thông qua Luật Biển khẳng định chủ quyền ở Hoàng Sa-Trường Sa. Trung Quốc cực lực phản đối

Thụy My




Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông là đối tượng tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam, Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á khác (DR)
Hôm nay 21/06/2012 Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Luật Biển, trong đó khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Ngay lập tức Trung Quốc đã lên tiếng kịch liệt phản đối. Theo báo chí Việt Nam, Luật Biển đã được 495/496 đại biểu bỏ phiếu tán thành.
Đại biểu Quốc hội đồng thời là nhà sử học Dương Trung Quốc đã xác nhận với AFP việc Quốc hội Việt Nam hôm nay đã thông qua Luật Biển, trong đó có đoạn “khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. Tuy nhiên, ông cho biết bộ luật này chưa được công bố trong nhiều ngày tới. Còn theo báo chí Việt Nam, Luật Biển đã được 495/496 đại biểu bỏ phiếu tán thành, đạt tỉ lệ 99,2%.
Ông Dương Trung Quốc nói thêm: “Việc thông qua Luật Biển hôm nay là rất quan trọng đối với Việt Nam. Luật này sẽ củng cố việc xác lập chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. Ông nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Việt Nam có được một bộ luật về Biển Đông.
Ngay lập tức Trung Quốc đã kịch liệt phản đối. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân đã triệu đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh, ông Nguyễn Văn Thơ, lên để chính thức trao kháng nghị. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi trong cuộc họp báo hôm nay tuyên bố, Trung Quốc cực lực phản đối và kiên quyết bác bỏ việc Việt Nam xem cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển bao quanh là lãnh thổ Việt Nam.
Ông Hồng Lỗi nhấn mạnh: “Các hành động đơn phương của Việt Nam làm phức tạp và mở rộng thêm vấn đề, đi ngược lại với thỏa thuận đã đạt được giữa lãnh đạo hai nước (…) nhằm phục vụ cho hòa bình và ổn định tại Biển Đông. Trung Quốc yêu cầu Việt Nam chấm dứt mọi hành động sai trái, và cần sửa chữa ngay lập tức”.
Chính quyền Bắc Kinh hôm nay cũng loan báo, Quốc vụ viện Trung Quốc đã phê chuẩn thành lập thành phố cấp địa khu Tam Sa, thay cho Văn phòng quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa), Nam Sa (tức Trường Sa) và Trung Sa thuộc tỉnh Hải Nam, và trụ sở chính quyền thành phố đặt tại đảo Vĩnh Hưng ở Tây Sa. Như vậy hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được phía Trung Quốc nâng cấp về mặt hành chính, vì trước đây Hoàng Sa thuộc trấn Tây Sa, còn Trường Sa thuộc trấn Nam Sa. Thông tin này được đưa lên trang web của Bộ Dân chính Trung Quốc.
Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa giàu tài nguyên hải sản cũng như dầu khí, lại nằm trên một tuyến đường hàng hải quan trọng, lâu nay vẫn bị Việt Nam và Trung Quốc tranh chấp. Trước đây vào năm 1974, Trung Quốc đã đánh chiếm Hoàng Sa từ tay quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Còn quần đảo Trường Sa hiện cũng đang bị các nước Philippines, Brunei, Malaysia và Đài Loan đòi hỏi chủ quyền một phần hay toàn bộ.
T. M.
Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120621-viet-nam-thong-qua-luat-bien-khang-dinh-chu-quyen-o-hoang-sa-truong-sa-trung-quoc-cu
nguồn_boxitvn:http://www.boxitvn.net/bai/38227
---------------------------------------------------------------------------------
BEIJING, June 21 (Xinhua) -- Chinese Vice Foreign Minister Zhang Zhijun summoned Vietnamese Ambassador to China Nguyen Van Tho on Thursday to lodge a solemn representation to the Vietnamese side on passing a national law of the sea.
The Vietnamese law of the sea infringed China's territory sovereignty by putting China's Xisha Islands and Nansha Islands under Vietnam's sovereignty and jurisdiction, according to the representation.
Editor: Fang Yang
nguồn:http://news.xinhuanet.com/english/china/2012-06/21/c_131668443.htm
-----------------------------------------------------------
Tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 21/6/2012
9:56 PM, 21/06/2012
(Chinhphu.vn) - Ngày 21/6/2012, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Biển Việt Nam. Đây là một hoạt động lập pháp bình thường nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của Việt Nam, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Đáng tiếc là Trung Quốc đã có những chỉ trích vô lý đối với việc làm chính đáng của Việt Nam. Nghiêm trọng hơn là Trung Quốc đã phê chuẩn thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” với phạm vi quản lý bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết bác bỏ sự chỉ trích vô lý của phía Trung Quốc; đồng thời phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”.

Cần khẳng định lại rằng Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Luật Biển Việt Nam đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là sự tiếp nối một số quy định trong các luật đã có trước đây của Việt Nam. Đây không phải là vấn đề gì mới và không ảnh hưởng đến quá trình tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho các tranh chấp ở Biển Đông. Việt Nam trước sau như một chủ trương giải quyết các bất đồng, tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Trung Quốc, sẵn sàng cùng Trung Quốc thúc đẩy mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện theo phương châm “16 chữ” và tinh thần “4 tốt” vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới.

Nguồn: BNG
nguồnhttp://baodientu.chinhphu.vn/Home/Tuyen-bo-cua-Nguoi-phat-ngon-Bo-Ngoai-giao-Viet-Nam-ngay-2162012/20126/141431.vgp
---------------------------------------------------------------------------------
Luật biển của Việt Nam làm Trung Quốc nổi đóa

Tú Anh

Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam được chú thích là Xisha (Tây Sa) của Trung Quốc.
Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam được chú thích là Xisha (Tây Sa) của Trung Quốc.
Hôm qua, ngay sau khi Quốc hội Việt nam thông qua Luật biển, bộ Ngoại giao Trung Quốc triệu đại sứ Việt Nam tới nghe phản đối. Theo giới phân tích, pha biểu diễn “cơn thịnh nộ của thiên triều” không dọa được dân chúng Việt Nam, mà còn cho thấy Bắc Kinh e dè pháp lý, một nhược điểm của kẻ chỉ biết dùng sức mạnh.
Theo phân tích của nhật báo Mỹ The New York Times, trong một “pha biểu diễn quyết tâm” đối đầu với mọi tranh chấp tại “Nam Hải”, Trung Quốc đã đả kích một cách mạnh mẽ Việt Nam thông qua Luật biển khẳng định chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngay sau khi Luật biển được Quốc hội Việt Nam thông qua, đại sứ Nguyễn Văn Thơ tại Bắc Kinh đã bị bộ ngoại giao Trung Quốc triệu mời nghe phản đối “luật biển Việt Nam tuyên bố chủ quyền tại Tây Sa và Nam Sa là một sự vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Trung Quốc” và “Trung Quốc cực lực chống lại”.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam trang bị cho mình một vũ khí pháp lý bảo vệ biển đảo sau khi Hoàng Sa bị Trung Quốc đánh chiếm vào năm 1974 lúc đất nước phân đôi và một phần Trường Sa bị rơi vào tay Trung Quốc năm 1988.
Dự luật này đã bị dời đi dời lại nhiều năm liền trước khi bất ngờ được biểu quyết hôm qua 21/06/2012. Trong những ngày qua, giới thạo tin tại Hà Nội còn báo động là Bắc Kinh gây sức ép để ngăn chận.
Thái độ giận dữ của Trung Quốc được biểu lộ hai tuần trước khi diễn ra hội nghị cấp ngoại trưởng của Hiệp Hội Asean tại Phom Penh, mà trong đó có sự tham dự của ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Theo New York Times, hồ sơ tranh chấp biển Đông sẽ là một chủ đề trong chương trình nghị sự.
Bắc Kinh cũng gấp rút ban hành một số biện pháp hành chánh trong mưu toan đặt quốc tế và các nước láng giềng trước sự đã rồi : tuyên bố nâng cấp địa bàn gồm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa) và đảo Macclesfield Bank của Philippines (mà Trung Quốc gọi là Trung Sa), thành “Địa cấp Tam sa thị”, lớn hơn huyện nhưng nhỏ hơn tỉnh.
Cũng trong kế hoạch biến Biển Đông thành ao nhà, Trung Quốc tiếp tục duy trì tàu ngư chính và tàu đánh cá bên ngoài vùng bãi đá ngầm Scarborough của Philippines, sau hơn hai tháng biểu dương sức mạnh.
Theo nhận định của New York Times, hội nghị diễn đàn an ninh khu vực tại Phnom Penh trong hai tuần tới sẽ mở ra trong bối cảnh căng thẳng tại Biển Đông và tranh giành ảnh hưởng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Trong bối cảnh này, chưa rõ Việt Nam và Philippines sẽ được Hoa Kỳ hậu thuẩn cụ thể ra sao. Nhưng Việt Nam đã chủ động đặt Trung Quốc “trước sự đã rồi”, khẳng định chủ quyền biển đảo bằng một đạo luật quốc gia.
Cũng chưa biết là quân đội Việt Nam sẽ bảo vệ ngư dân và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đến đâu, nhưng ít ra những người có trách nhiệm cầm súng bảo vệ quốc gia hay đàm phán trên bàn hội nghị kể từ nay có trong tay những cơ sở pháp lý.
Trong vấn đề biển Đông, khi nói đến pháp lý, Bắc Kinh hoàn toàn không đưa ra được một chứng cứ nào để khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc.Có lẽ đây là lý do khiến cho Bắc Kinh “nổi cơn thịnh nộ” và de dọa chống lại luật biển của Việt Nam một cách kịch liệt.
Đối với người dân Việt Nam, nhất là những người quan tâm đến sự tồn vong của đất nước, lời dọa nạt của Bắc Kinh không làm họ lo sợ. Luật biển là ngọn gió làm giới thanh niên sinh viên lên tinh thần . Trên mạng “Nhật Ký Yêu Nước” đã xuất hiện lời kêu gọi biểu tình vào chủ nhật 01/07/2012 tại hai thành phố lớn Hà Nội và Sàigòn, như cách nay đúng một năm về trước.
T. A.
Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120622-luat-bien-cua-viet-nam-lam-trung-quoc-noi-doa
nguồn_boxitvn:http://www.boxitvn.net/bai/38267
---------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001