Lục bát Cung Trầm
Tưởng, một đóng góp lớn cho văn học Wednesday, June 20, 2012 1:50:36 PM | ||
Du Tử Lê
Giữa thập niên (19)90, trong một buổi ra mắt sách ở quán café Tao Nhân, nằm trên đường Westminster, thành phố Garden Grove, miền Nam tiểu bang California, mở đầu phần phát biểu của mình, cố nhà văn Mai Thảo đã làm một so sánh chói gắt về sự xuất hiện của tác giả thi phẩm được giới thiệu trong đêm, với sự xuất hiện của hai tác giả nổi tiếng rất sớm, trong sinh hoạt văn chương miền Nam, trước tháng 4, 1975.
Ðại ý tác giả “Ta thấy hình ta những miếu đền” nói rằng, vào những năm cuối thập niên (19)50, có hai tiếng thơ đã tạo chấn động vang dội, ngay khi những bài thơ thứ nhất. Trừ những người trẻ, tham dự buổi giới thiệu tác phẩm vừa kể, vốn không có cơ hội biết nhiều về sinh hoạt văn học nghệ thuật miền Nam những năm (19)50, (19)60; kỳ dư, các tân khách còn lại, khi nghe nhắc tới Cung Trầm Tưởng, đa số đã liên tưởng tới thơ bốn chữ, năm chữ và, lục bát của họ Cung. (1) Liên tưởng tức thì này, không có nghĩa tất cả những vị đó đều đọc, nhớ thơ Cung Trầm Tưởng qua tạp chí Sáng Tạo. Họ biết, nhớ, thuộc và, yêu mến tiếng thơ này, qua một số ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy, phổ thơ Cung Trầm Tưởng. Thí dụ, ca khúc “Mùa thu Paris,” hay “Tiễn em” (Phạm Duy đổi từ nhan đề gốc “Chưa bao giờ buồn thế”... Nếu ký ức chưa tệ hại đến mức phản bội tôi thì, tôi nhớ đó là năm 1959, giữa bối cảnh hiu hắt, “thiếu niềm tin” của độc giả trong lãnh vực thi ca, thi phẩm “Tình Ca” của Cung Trầm Tưởng ra đời. “Tình Ca” của Cung Trầm Tưởng chỉ có tổng cộng 13 bài mà, hết 6 bài được nhạc sĩ Phạm Duy soạn thành ca khúc; với bìa, phụ bản rực rỡ, mới lạ của họa sĩ Ngy Cao Uyên (cũng về từ Pháp, như Cung Trầm Tưởng,) đã là một xuất hiện “lộng lẫy,” như khi lục bát Cung Trầm Tưởng xuất hiện trên tạp chí Sáng Tạo vậy. (2) “Tình ca” Cung Trầm Tưởng còn “lộng lẫy” hơn nữa trong đêm ra mắt ở nhà hàng Anh Vũ. Với con số 3+1 là Cung Trầm Tưởng, Ngy Cao Uyên, Phạm Duy và, tiếng hát Thái Thanh, buổi ra mắt tựa dự báo một bình minh khác, cho sinh hoạt thi ca miền Nam, thời đó. Không biết tôi có quá lời chăng, khi nói rằng, đó là thời điểm họ Cung “đánh cắp” tất cả mọi ngọn đèn rực rỡ nhất của tiền trường sân khấu sinh hoạt thi ca miền Nam. Tất cả mọi ngợi ca đổ dồn về ông, như nước chảy về chỗ trũng. Những vòng nguyệt quế tìm đến ông, tựa đó là điều gì không thể tự nhiên hơn... Cùng lúc, hiện tượng hay phong trào khát khao có được một lần được thấy “mùa thu Paris” (như trong thơ Cung Trầm Tưởng,) trở thành cơn sốt trên 40 độ C. trong tâm tưởng của nhiều người trẻ thành phố: Mùa thu đêm mưa Phố cũ hè xưa Công trường lá đổ Ngóng em kiên khổ phút, giờ Mùa thu âm thầm Bên vườn Lục-Xâm Ngồi quen ghế đá Không em buốt giá từ tâm Mùa thu nơi đâu? Người em mắt nâu Tóc vàng sợi nhỏ Mong em chín đỏ trái sầu... (Trích “Mùa Thu Paris, CTT) Hay ước nguyện cuối cùng trước khi nhắm mắt, không chỉ của giới trẻ mà, của rất nhiều văn nghệ sĩ thời đó là, một lần được đứng dưới những ngọn đèn vàng của ga Lyon! Ðược thấy sông Seine (qua thơ Nguyên Sa,) hay được đặt chân vào một quán rượu ở Paris. Khi Paris qua thơ của hai nhà thơ này trở thành những mơ ước khôn cùng... Paris càng trở nên quyến rũ hơn nữa, khi ca khúc “Tiễn em” phổ cập quần chúng: Lên xe tiễn em đi chưa bao giờ buồn thế trời mùa Ðông Paris suốt đời làm chia ly (......) Ga Lyon đèn vàng tuyết rơi buồn mênh mang cầm tay em muốn khóc nói chi cũng muộn màng (......) khóc đi em. khóc đi em hỡi người yêu xóm học để sương thấm bờ đêm...” (Trích “Chưa bao giờ buồn thế,” CTT) Những hình ảnh lãng mạn, mới mẻ như những khối thuốc nổ cực mạnh, gây chấn thương nặng nề tâm thức người nghe/đọc, như “Người em mắt nâu / Tóc vàng sợi nhỏ,” hay “Ga Lyon đèn vàng / tuyết rơi buồn mênh mang”... đã nhức nhối “bám trụ” trong sâu, kín tâm tư của nhiều người. Hoặc chỉ với bốn chữ “người em xóm học,” lần đầu tiên xuất hiện trong thơ Việt Nam, tự thân cũng đã đủ làm thành cơn bão mang tên những mơ ước nghìn trùng, hạnh ngộ hãn hữu, của những người một đời chưa bước khỏi biên cương đất nước. Nhưng với văn giới miền Nam thời đó, đỉnh điểm tài hoa thi ca Cung Trầm Tưởng vẫn là những bài thơ lục bát của ông. Nói tới lục bát Cung Trầm Tưởng, tôi không rõ họ Cung có biết, những người bạn một thời Sáng Tạo, đã gọi ông một cách yêu mến là ...“Bà Huyện Thanh Quan thời đại mới”? Người kể lại chuyện này là cố nhà văn Mai Thảo. Sinh thời, trong những cuộc họp mặt văn nghệ giới hạn tại nhà riêng một vài thân hữu, dù không ai hỏi, chủ nhiệm Sáng Tạo vẫn thường nhắc tới những bằng hữu trong nhóm Sáng Tạo của mình. Nhất là những người bạn còn trong tù. Hơn một lần, ông kể: “...Anh em Sáng Tạo thích lục bát Cung Trầm Tưởng lắm. Dù nó chỉ làm được ít bài rồi thôi. Chúng tôi từng gọi nó là ‘Bà Huyện Thanh Quan thời đại mới’...” Mọi người lắng nghe. Bất ngờ. Thích thú. Cũng trong bất ngờ, tôi hỏi tác giả “Ðêm giã từ Hà Nội,” khi anh em Sáng Tạo “sắc phong” cho Cung Trầm Tưởng là một thứ “Bà Huyện Thanh Quan thời đại mới” thì họ y cứ trên những tương đồng nào, giữa hai cõi giới thi ca đó? Vẫn nụ cười móm mém hóm hỉnh và, cái nheo mắt tinh quái, cố nhà văn Mai Thảo lúc lắc đầu, trước khi trả lời: “...Ờ... thì anh em thấy lục bát của nó mượt mà, óng ả như nhung lụa vậy mà...” Có thể tác giả “Mười đêm nhà ngọc” không chờ đợi nơi tôi một câu hỏi, như thế! Như số anh em có mặt buổi tối vừa kể, cũng không chờ đợi nhà văn Mai Thảo trả lời, như vậy! Tôi không biết số bằng hữu hiện diện trong họp mặt kia, cảm nhận ra sao về lục bát Cung Trầm Tưởng. Tuy nhiên, tôi nghĩ, ai đó, nếu có một kiến thức căn bản về thể thơ lục bát, cùng sự hiểu biết thấu đáo về những biến chuyển, vận hành trải qua nhiều giai đoạn của thể thơ truyền thống này, sẽ phải nhìn nhận rằng, đóng góp vào sự đổi mới lục bát của Cung Trầm Tưởng, những năm (19)50 là một đóng góp lớn cho văn học miền Nam, nói riêng, Việt Nam, nói chung. Du Tử Lê (Kỳ sau, “Phác họa mấy thời kỳ lục bát và, thơ Cung Trầm Tưởng”) Chú thích: 1. Theo tuyển tập “Cung Trầm Tưởng một hành trình thơ (1948-2008)” do nhà Tiếng Quê Hương, Hoa Kỳ, ấn hành 2012 thì, nhà thơ Cung Trầm Tưởng tên thật là Cung Thúc Cần, sinh ngày 28 tháng 2, 1932 tại Hà Nội. Ông là cựu sĩ quan cấp tá của quân chủng Không Quân VNCH cũ. Sau 10 năm tù cải tạo và 3 năm bị quản chế, ông cùng gia đình định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1993. 2. Họa sĩ Ngy Cao Uyên, tên thật Nguyễn Cao Nguyên, tốt nghiệp ngành Cơ Khí Không Quân tại Pháp, như Cung Trầm Tưởng. Ông là chủ tịch đầu tiên của Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam, Saigon, 1966. Ngy Cao Uyên hiện cư ngụ tại tiểu bang Virgina, Hoa Kỳ. nguồn_nguoiviet:http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=150708&zoneid=97 -------------------------------------------------------------------------------- Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
|
Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001