Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

Về một sự ô nhục


Tạ Duy Anh
(Nhân dịp ngày 21-6 và lễ trao giải báo chí sắp diễn ra)
Vài lời thưa trước:
Cách nay vừa tròn 25 năm, khi đó tôi đang trong quân ngũ đóng ở Lào Cai thì ở nhà bố tôi gặp một tai hoạ do chính ông gây ra. Cụ thể là ông đã viết một lá đơn tố cáo cán bộ địa phương – mà báo chí lúc đó gọi là bọn cường hào mới – gửi lên các cơ quan có trách nhiệm của tỉnh Hà Sơn Bình. Một đoàn cán bộ từ tỉnh, huyện, xã được thành lập để xác minh những tố cáo của bố theo tinh thần Những việc cần làm ngay. Sau một ngày làm việc, họ đưa ra kết luận bố tôi vu khống nhằm bôi xấu cán bộ của đảng ở địa phương! Nhà báo Bằng Giang được đề nghị chấp bút viết bài để đăng báo Hà Sơn Bình, căn cứ trên bản kết luận của đoàn điều tra. Bài báo sau đó được báo Nhân Dân đăng lại trong mục Điểm qua các báo trong nước (xem ảnh), được nhắc đến trên mấy chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh Hà Sơn Bình và đọc mỗi ngày ba lần trong suốt hàng chục ngày trên Đài Truyền thanh huyện Chương Mỹ. Huyện uỷ huyện Chương Mỹ chỉ chờ có thế để lập tức ra nghị quyết yêu cầu Viện Kiểm sát huyện Chương Mỹ khởi tố bố tôi tội vu khống theo điều 117 Bộ Luật Hình sự. Rất nhanh, công an huyện Chương Mỹ vào cuộc và chỉ trong thời gian ngắn đã hoàn tất hồ sơ để chuyển sang toà án tiến hành xét xử. Thậm chí thời gian mở phiên toà lưu động xét xử bố tôi cũng đã tạm thời được ấn hành. Bố tôi có thể sẽ vỡ tim chết ngay trên vành móng ngựa nếu như tôi không về kịp nhờ biết thông tin qua báo Nhân Dân. (Về chuyện này thì đúng là tôi phải cảm ơn báo Nhân Dân, vì ngày đó chỉ có ba tờ báo đến được tay những thằng lính biên như tôi, trong đó có báo Nhân Dân. Ví thử báo Nhân Dân không đăng lại thì tôi sẽ không bao giờ biết bố mình gặp đại nạn, do khi đi lính tôi không cho gia đình biết là tôi đóng quân ở đâu). Tôi chỉ khác bố là bình tĩnh làm rõ những vấn đề cứ bị bố tôi làm rối lên. Nhưng may mắn cho tôi được ông Bí thư tỉnh uỷ khi đó là Nguyễn Đình Sở lắng nghe qua một lá thư. Ông yêu cầu huyện Chương Mỹ điều tra lại trước sự có mặt và đối chất của tôi. Kết quả là ông Hoàng Thanh Bình, Trưởng Phòng Công an huyện Chương Mỹ, một người từng thề sẽ đưa bố tôi vào tù (căn cứ trên nội dung bài báo), đã thẳng thừng bác bỏ yêu cầu của Huyện uỷ Chương Mỹ về một phiên toà nhằm dằn mặt bố tôi, bất chấp mọi áp lực từ ông Bí thư huyện đồng thời từng là thủ trưởng trực tiếp của ông. Lý lẽ ông Bình đưa ra là mọi lẽ phải đang ở trong tay gia đình tôi và một khi ông biết rõ như vậy thì ông sẽ hành động ngược lại là bảo vệ chúng tôi đến cùng. (Ông Hoàng Thanh Bình đã mất sớm vì bạo bệnh và tôi không còn cơ hội nói với ông lời tri ân, điều đó luôn khiến tôi day dứt). Phiên toà xét xử bố tôi về tội vu khống đã không bao giờ xảy ra như nhiều quan chức huyện, xã và thôn mong muốn. Nhưng trước khi có được điều đó, tôi cũng đã phải chiến đấu thực sự với đủ mọi mưu mô và nhờ thế chứng kiến nhiều sự hèn hạ của báo chí. Một bài báo bịa tạc gần như hoàn toàn. Tôi nói gần như vì nó cũng có chút ít sự thật, chẳng hạn như sự công thần của bố tôi. Ông làm Chủ tịch xã từ năm 1950, sau đó kiêm chức Bí thư xã cho đến khi bị khai trừ ra khỏi Đảng năm 1970 vì lợi dụng chức quyền mua 20 viên ngói giá rẻ còn thừa lại sau khi xây xong trạm bơm nước, thịt một con lợn ốm mà không báo cáo tổ chức, thêm tội thứ ba là gây mất đoàn kết nội bộ… -Đúng là có thời Đảng cũng trong sạch thật!. Khi tôi đến báo Tiền Phong, nơi vừa phanh phui vụ án nổi tiếng ở Thanh Hoá sau khi 14 đoàn kiểm tra cùng một kết luận sai, đề nghị họ vào cuộc giúp tôi làm rõ trắng đen, không ai muốn tiếp tôi. Do tôi cứ lì lợm ngồi lại, khẩn khoản yêu cầu được gặp hai vị “thánh” đã dũng cảm lật tẩy vụ việc Thanh Hoá nên cuối cùng hai vị đó đành phải xuất hiện. Ngồi nghe tôi kể, khi biết báo Nhân Dân đã đăng lại, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát thì một trong hai người lấy cớ bận xin phép bỏ ra ngoài. Người ngồi lại hạ cố trao đổi với tôi vài câu và đây là cuộc đối thoại được tôi ghi lại trong tự truyện như sau (tôi xin viết tắt tên người đối thoại):
Anh T. H. có vẻ rất cảm thông với tôi nhưng anh nhíu mày bảo:
-Việc của cụ thế là lên tới Cung đình rồi (ý anh muốn nói báo Nhân Dân, Đài tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam đã đều dính vào), khó gỡ lắm. Khó vô cùng luôn. Có thể nói là hết cách.
Anh bảo thêm tôi bằng giọng trách móc:
-Sao không khoanh nó lại mà để loang ra to thế? Lên tới Cung Đình thì bọn tớ cũng chịu. Bọn tớ chỉ là tép riu thôi.
Trước đó, tôi cũng đã có cuộc trò chuyện với ông Đắc Hữu, Tổng biên tập báo Hà Sơn Bình, đề nghị báo có lời cải chính. Bản thân ông Đắc Hữu không hề có tư thù gì với tôi. Thậm chí chúng tôi còn có lúc khá thân nhau. Khi vụ việc xảy ra, ông không hề biết nó lại liên quan đến tôi, thật lòng vô cùng hối tiếc. Nhưng sau cuộc họp thống nhất với trưởng đoàn điều tra, cả Đắc Hữu và Bằng Giang đều quay ngoắt 180 độ. Nếu trước đó Bằng Giang thừa nhận trong hối tiếc là cô không trực tiếp lấy tư liệu, mà viết dựa trên văn bản của đoàn điều tra; nếu cách đó hơn chục tiếng đồng hồ Bằng Giang cực kỳ phẫn nộ khi đoàn điều tra yêu cầu cô chấp bút rồi sau lại bắt cô chịu trách nhiệm vì ký tên bên dưới… thì giờ đây cô khăng khăng bằng vẻ mặt có phần trơ trẽn là chính cô về tận nơi, tận mắt thấy, tai nghe, tay sờ… để viết thành bài báo. Còn đây là cuộc đối thoại giữa tôi và Đắc Hữu:
“…Buổi tối tôi lại sang gặp Đắc Hữu. Biết không thể lẩn tránh, ông ta buộc phải đối diện với tôi. Đắc Hữu vẫn lịch sự dành cho tôi tất cả sự trọng thị như những lần trước. Nhưng chưa kịp để tôi hỏi xem việc cải chính có sớm xảy ra không, ông ta đã chủ động lên tiếng trước. Ông ta cố lấy giọng thật thống thiết bảo với tôi rằng, ông ta hoàn toàn tin bố tôi vô tội. Một trăm phần trăm cụ vô tội. Ông ta biết đoàn điều tra bị lũ cán bộ cơ sở họ lừa. “Nhưng – ông ta ngả người ra ghế, ráo hoảnh – cụ phải chịu trận thôi Duy Anh ạ. Không thể làm được gì nữa. Việc đã đến đoạn này thì cụ phải chịu trận thôi”.
Ông ta nhắc đi nhắc lại hai từ “chịu trận” bằng cái thứ giọng cực kỳ khó nghe.
Chúng tôi im lặng.
- Cứ để cụ chịu trận thử một lần xem sao, cũng nhẹ thôi – ông ta nói như vạch hướng thoát cho tôi.
Tôi rất muốn cười phá lên nhưng vẫn bình tĩnh hỏi:
- Anh biết nội dung bài báo sai, do Bằng Giang, nhân viên của anh hồ đồ bịa ra, vì cái sai đó mà bố em đang khốn khổ. Việc sai thì cải chính, là chuyện bình thường mà. Chỉ cần anh cải chính là cả nhà em thoát bao nhiêu nỗi khốn khổ. Vì sao lại khó thế hả anh?
Nếu chỉ nghe thôi mà không nhìn mặt, có thể bất cứ ai cũng nghĩ là tôi sắp khóc.
- Khó lắm, Duy Anh ạ. Cậu đã muốn biết thì mình cũng không giấu nữa. Cực kỳ khó! Đâu chỉ là chuyện đính chính, cải chính mà nó còn liên quan đến các cụ trên tỉnh, đến danh dự của cả tỉnh. Mình mà đính chính thì hoá ra công nhận các cụ sai. Mà các cụ làm gì có chuyện sai. Cậu đã thấy các cụ sai bao giờ chưa? Thế đấy, trong trường hợp này đành hy sinh cụ nhà mình thôi. Có khi nhờ thế mà cụ lại tỉnh ra đấy.
Tôi biết nếu mình có gan như Võ Tòng thì chỉ cần chặt đôi Đắc Hữu ra, còn lão Thuỵ (Phó Ban Kiểm tra tỉnh uỷ) thì chặt thành ba khúc rồi ném cho chó gặm, là coi như công lý được thực thi một cách đẹp đẽ. Nhưng tôi không phải là Võ Tòng. Tôi sinh ra không phải để giết người. Vả lại tôi đang đi cứu bố mình, không thể sơ suất. Tôi bèn chào Đắc Hữu ra về, cốt để tôi có thời gian suy nghĩ. Ông ta cũng không niềm nở như hôm qua, một thái độ bước đệm chuẩn bị cho sự trở mặt trắng trợn…”
Tôi phải nói dài dòng như vậy vì không thể bắt độc giả đọc gần 1000 trang tự truyện, trong đó có vụ án nổi tiếng liên quan đến bố tôi. Nhưng xin bạn đọc hãy kiên nhẫn bởi phần chính của câu chuyện bây giờ mới bắt đầu. Tôi sẽ chỉ kể lại thôi, còn tuỳ bạn đọc phán xét. Trong lời đề từ cho tự truyện, tôi tâm niệm bằng những dòng chữ như sau:
“Có những sự thật không nhất thiết phải được nói ra. Nhưng những gì đã quyết định nói ra thì phải là sự thật. Chỉ điều đó mới có thể đảm bảo một cuốn hồi ký không trở thành vô nghĩa và vô đạo đức.”
Tôi xin nói thêm lời này: Chuyện tôi kể xảy ra từ năm 1987, bố tôi cũng đã về trời được 9 năm, sau khi ngày nào cũng ngồi chửi nhau với tivi. Tôi cũng xin lỗi trước những nhà báo chân chính, trong đó có nhiều thân hữu của tôi, nếu câu chuyện này khiến họ thấy bị tổn thương.
“…Tháng 10 năm 1987, tôi bất ngờ được giải ngũ, sớm hơn gần 6 tháng so với thời hạn. Thế là tôi lại được trở về nhà, theo đúng với nghĩa đẹp và ấm áp nhất của cặp từ đó. Không có niềm vui nào lớn hơn được sống dưới mái nhà của mình, với xung quanh là những người mà mình yêu thương. Và hơn thế, sau vô số hoạn nạn, gia đình tôi vẫn nguyên lành. (Sau khi tôi về đơn vị thì anh rể thứ hai của tôi đã xuống nhà xác nhưng lại được đưa về, em gái tôi phải đi cấp cứu vì đột quỵ, em trai tôi cũng vào viện. Sau này chúng tôi gọi cái năm Đinh Mão kinh hoàng ấy là năm Đại Hạn). Anh rể tôi đã bình phục. Em trai, em gái tôi cũng đều trở lại hồng hào khoẻ mạnh như trước khi ngã bệnh. Bố tôi, sau cơn hiểm nghèo, thần sắc đã kịp “át chúng” như xưa và bắt đầu nghĩ đến chuyện phản công đòi lại danh dự. Ông nóng lòng muốn thấy những lời xin lỗi in long trọng trên trang nhất của tờ báo tỉnh. Với ông thì điều đó là đương nhiên. Họ làm sai kia mà! Làm sai thì phải xin lỗi. Tôi không nỡ làm bố cụt hứng. Nhưng tôi biết mọi chuyện không đơn giản thế. Họ là cả một tập thể không có cảm xúc, lại đầy kiêu ngạo và mặc định cho mình quyền không phải xin lỗi ai cả, nhân danh lợi ích chung. Đắc Hữu sẽ không bao giờ dám từ bỏ cái sĩ diện của ông ta. Vả lại cho dù ông ta có chút liêm sỉ thì một mình ông ta cũng không vượt qua nổi hàng chục người khác. Về phần mình, tôi biết mình chỉ đủ sức ngăn cản phiên toà, mà không đủ sức đòi lại lẽ công bằng cho bố. Đáp lại yêu cầu của ông, tôi cố gắng làm ông yên lòng bằng những kế hoạch chỉ vạch ra mà không thực hiện. Đúng ra không thể thực hiện. Nói chung chính quyền này, từ nhỏ đến lớn, không có thói quen hối lỗi bởi những việc sai trái mà họ đã làm. Bài học về cuộc Cải cách ruộng đất còn sờ sờ ra đấy. Bài học về cải tạo tư sản miền Nam còn lù lù ra đấy. Bài học về Nhân văn giai phẩm còn kia… Những người chết oan, cả trên bờ lẫn dưới biển, sẽ phải tự tìm cách mà qua cầu Nại Hà nếu không muốn cứ luẩn quẩn quanh người thân dưới dạng là những hồn ma. Cuối cùng tôi đành phải làm một việc tức cười: bịa ra đủ thứ đức tính tốt của cô phóng viên tên là Bằng Giang để kể với bố tôi. Mục đích là để bố tôi tin rằng, hoàn toàn vì sơ suất mà cô phóng viên viết bài như vậy chứ cô ta không vì bất cứ ác ý nào. Bản thân cô cũng bị những kẻ như ông Môn, ông Thuỵ lừa gạt. Ông Môn, ông Thuỵ thì bố biết quá rõ, không thể đòi hỏi họ làm người tử tế được (ông Thuỵ là Phó Ban Kiểm tra tỉnh uỷ, ông Môn là Phó Ban Tổ chức tỉnh Hà Sơn Bình). Họ được mặc định từ khi còn là bào thai phải làm những việc ghê tởm như vậy. Nhưng Bằng Giang thì khác – tôi cố thuyết phục bố như vậy. Bằng Giang chỉ do cả tin, làm điều sai trái một cách không cố ý. Bản thân cô ta cũng rất bất bình với đoàn kiểm tra khi biết sự thật không như họ ghi trong bản kết luận và yêu cầu cô viết thành bài báo. Hiện tại cô ta rất đau khổ, hối hận (tôi nhấn thêm: Cô ta chỉ muốn chết!) nhưng không biết làm thế nào để sửa chữa lỗi lầm. Cô ta không đáng bị làm khó dễ thêm. Tôi còn bịa ra là Bằng Giang rất phẫn nộ khi biết lý lịch của tôi bị bôi đen, sẵn sàng vào cuộc để làm sáng tỏ. Nghe đến thế thì bố tôi nguôi ngoai. Chỉ vì bản lý lịch của tôi bị bôi đen mà ông mới ra nông nỗi này. Nay có người làm sáng tỏ điều đó thì ông chẳng còn mong gì hơn. Ông có thể quên hết những gì xảy ra trước đó. Ông còn gật gù bảo với tôi khi nào có điều kiện thì mời Bằng Giang về nhà chơi. Ông hứa là sẽ đối xử với cô ta như với đứa con gái dại dột, cả tin. Tôi nói điều này với Vũ Hữu Sự khiến anh cũng thấy nhẹ lòng. Tôi biết, vì sự công bằng, vì danh dự và tính mạng của bố tôi mà anh phải hy sinh tình bạn với Bằng Giang. Tôi không có thói quen thóc mách chuyện riêng của người khác nên không hỏi Vũ Hữu Sự về mức độ thân thiết. Bản thân anh cũng tránh nhắc lại chuyện đó. Nhưng tôi đoán rằng Bằng Giang có lẽ mê cái kiến thức về dân tộc Mường của anh, được thể hiện khá nhuần nhuyễn trong mấy cuốn tiểu thuyết. Tóm lại là Vũ Hữu Sự có lý do để rất đau khổ. Tôi tính sẽ tìm cách trả lại cho anh những gì đã bị mất, bằng việc kết thân với Bằng Giang. Tôi có đủ bản lĩnh để làm điều đó. Mọi kế hoặch đã vạch ra chi tiết. Vũ Hữu Sự cũng đã chuyển lời mời của gia đình tôi tới Bằng Giang. Trong đầu tôi đang cố hình dung ra cái ngày cô ấy bước chân qua cổng nhà tôi. Tôi đã quán triệt là nếu Bằng Giang về thăm, không ai được nhân cớ đó đưa ra vật chứng về sự sai trái của bài báo do cô ấy viết. Có thể đó là dịp hay để tiện thể Bằng Giang biết thêm nỗi khổ bị ức hiếp của người nông dân khi họ cứ đến cầu khẩn tôi ra tay giúp họ. Từ khi vụ án của bố tôi bị thối – điều không thể nào tin nổi – tôi trở thành người được bà con trong huyện trông mong sẽ là chỗ dựa cho họ. Cứ thấy tôi về là có người đến ngồi lì từ sáng đến tối, bao giờ gặp được để xả ra hết nỗi lòng mới thôi. Tôi muốn Bằng Giang tận tai nghe họ kêu than để hiểu thêm về sứ mệnh của người cầm bút. Tôi chỉ còn nỗi lo phản ứng của em gái tôi nữa thôi.
Trong khi tôi đang còn luẩn quẩn tính toán hoà bình thì đùng một cái, bài báo của Bằng Giang được Hội Nhà báo Việt Nam trao giải báo chí hàng năm! Khỏi phải nói về sự quan liêu của mấy ông bà Ban Chấp hành Hội nhà báo lúc ấy. Cũng có thể do họ mù tịt thông tin. Nhưng dù thế nào thì điều đó cũng khiến gia đình tôi tổn thương sâu sắc. Tôi nhớ là tôi biết tin qua Đài Tiếng nói Việt Nam, vào buổi phát thanh thời sự tối, khi vừa từ hiện trường về. Tôi đã bỏ bữa ăn hôm đó, lên giường nằm suy nghĩ. Lúc đó tôi còn trẻ, vừa từ quân ngũ trở về, vẫn chưa đủ từng trải để kìm nén sự phẫn nộ. Bụng tôi đầy ực lên, thái dương căng phồng ra hai bên. Lục phủ ngũ tạng đều nóng rực. Tôi đã thầm nguyền rủa những người trong Ban Chấp hành Hội Nhà báo và Ban Giám khảo bằng những ngôn từ mạnh nhất. Tôi gọi họ là bầy linh cẩu chỉ chuyên rình ăn xác chết. Tôi coi họ như một lũ ngu dốt, vô liêm sỉ, toàn làm những việc bẩn thỉu, lừa trên gạt dưới, liếm gót lãnh đạo nhưng lại sẵn sàng bức tử một người dân lành… mặc dù không hề biết bất kỳ ai trong số đó. Một bọn đểu cáng đáng khinh! Một bọn đầu sai mà cứ tưởng mình danh giá! Cứ thế tôi tự thoả mãn nỗi căm tức theo cách của một người hoàn toàn yếm thế. Tôi thề sẽ có ngày vạch mặt chỉ tên từng đứa một về tội ác mà chúng phạm phải với gia đình tôi. Bố tôi vừa sống lại đã phải hứng tiếp một đòn trời giáng của những kẻ không có chút lương tâm nào, những kẻ đi tìm hạnh phúc trên nỗi bất hạnh của người khác, liệu rồi ông sẽ ra sao? Thậm chí tôi còn trẻ con đến mức, tự làm khoái khẩu mình bằng tuyên bố, kể từ nay Hội Nhà báo Việt Nam bị tôi xếp vào danh sách những tổ chức ma quỷ. Quả thật, nếu là giờ đây thì tôi đã bình tĩnh hơn để tặc lưỡi cho qua, cười vào cái sự đời vốn là hài hước. Bởi vì những thứ giải ấy nào có tí giá trị gì. Nó vô giá trị tuyệt đối ngoại trừ vai trò của cái bả tẩm thuốc độc. Còn ngày ấy thì tôi chỉ muốn cả cái Ban Giám khảo nào đó có tên trong mục cáo phó của báo Nhân Dân ngay vào ngày hôm sau! Họ là những kẻ – nói như Azít Nêxin – có a-mi-đan ở hậu môn! Tuy phẫn uất như vậy nhưng tôi vẫn đủ tỉnh táo để ngay sau đó vùng dậy viết một lá thư phản đối, gửi cho Hội Nhà báo Việt Nam. Trong thư tôi kể sơ qua về quá trình hình thành bài báo dẫn đến nó xuyên tạc sự thật 100 %. Tôi cũng nói rõ bài báo đã bị cơ quan điều tra của công an huyện Chương Mỹ gián tiếp bác bỏ, khiến nó trở nên vô giá trị khi lấy làm căn cứ để khép tội bố tôi. Phiên toà xét xử bố tôi căn cứ trên nội dung bài báo đã phải bị huỷ bỏ… Không kìm được, tôi có chút nặng lời phía cuối thư. Tôi yêu cầu Hội Nhà báo Việt Nam xác minh sự thật (bởi vì điều đó rất dễ) và nếu đúng như tôi trình bày thì phải nhanh chóng ra quyết định thu hồi giải thưởng và có thư trả lời tôi thay cho thông báo. Xong, tôi tức tốc ra bưu điện bỏ vào thùng thư. Tôi không bao giờ biết có ai trong cái Ban Giám khảo của Hội Nhà báo Việt Nam ngày ấy đọc được những lời của tôi không và nếu đọc được thì họ nghĩ gì? Vĩnh viễn tôi không biết điều đó. Có thể nó chỉ đáng để ai đó cười khẩy, cho rằng tôi là một thằng khùng. Cũng có thể có quá nhiều sự phản đối như vậy khiến lá thư của tôi chả khác gì một loại thư rác? Tất cả đều do tôi phỏng đoán và chúng hoàn toàn có thể xảy ra như vậy. Chỉ biết rằng những yêu cầu của tôi đã không bao giờ được đáp ứng. Giờ đây thì tôi tin, ngay cả khi đọc được lời phản đối của tôi, ngay cả khi biết việc trao giải là nhầm lẫn, ngay cả khi biết vì sự nhầm lẫn đó mà có thể mất một mạng người, thậm chí nhiều mạng người… thì kết quả của giải thưởng như đã công bố cũng sẽ không thay đổi. Không thể vì một sự oan sai, chuyện quá đỗi bình thường ở đất nước này, mà làm mất thể diện của một tổ chức lớn, cũng tức là làm mất thể diện cho chính thể. Cái cách suy diễn này, mặc nhiên được thừa nhận, đã cứu biết bao kẻ đáng lẽ phải bị tống vào nhà tù nhưng vẫn chễm chệ tít ngôi cao. Vậy là ở đâu cũng vẫn dưới bầu trời này. Chúng tôi chỉ còn chờ duy nhất vào thái độ và phản ứng của Bằng Giang. Nhiều phán đoán được đưa ra. Bố tôi vô cùng đau khổ và uất hận, không còn đủ bình tĩnh để suy xét bất cứ điều gì. Ông coi việc Bằng Giang nhận hay không nhận là việc của cá nhân cô ta, liên quan đến nhân cách của cô ta chứ không thể biện hộ được sai lầm của Hội Nhà báo. Cô ta không nhận chăng nữa thì không vì thế mà giải thưởng bị huỷ! Quả tình ông rất có lý. Tôi biết là ông bị tổn thương ghê gớm nên đưa ra những đòi hỏi triệt để và gần như không tưởng. Về phần mình, tôi bình tĩnh và thực tế hơn. Chúng tôi không thể huỷ được giải thưởng nhưng Bằng Giang thì làm được. Chỉ cần cô tuyên bố không nhận, lập tức vấn đề sẽ phải được đưa ra xem xét và khi đó chúng tôi mới có cơ hội đòi hỏi công lý. Liệu Bằng Giang nhận hay không nhận, đó là câu hỏi quan trọng và nóng bỏng nhất còn lại. Dựa vào những thông tin có được, bằng sự suy xét trên khía cạnh phẩm giá của người cầm bút, với thói quen cả tin, cộng chút suy diễn chủ quan từ bản thân, tôi khẳng định Bằng Giang sẽ từ chối nhận giải. “Cô ấy từng là bạn của Vũ Hữu Sự kia mà, cô ấy mơ ước thành nhà văn cơ mà, cô ấy hoàn toàn bị lừa mà làm thế cơ mà” – tôi khẳng định thêm với bố tôi. Vả lại, cái giải báo chí chỉ là một tờ giấy không khác gì gấy lộn, chưa bao giờ là ghê gớm về mọi phương diện.
- Nếu thế thì đáng quý quá!-Bố tôi bảo với tôi bằng thái độ hoài nghi nhưng cũng chưa hết hy vọng.
Để chắc chắn vào kết quả phỏng đoán của mình, tôi viết cho Bằng Giang một lá thư ngắn, lời lẽ nhã nhặn nhưng rõ ràng. Trong thư tôi thẳng thắn đề nghị cô ta không nhận giải và bày tỏ trước niềm biết ơn của gia đình tôi về điều đó. Bằng Giang không hồi âm. Cô ấy không cần phải hồi âm, chỉ cần cô ấy làm đúng theo lương tâm mình – tôi đã nghĩ như vậy.
Nhưng chúng tôi đã sai. Bố tôi sai vì tin tôi, còn tôi sai vì đánh giá quá cao Bằng Giang, đánh giá quá cao nhân cách của kẻ sĩ nói chung. Chỉ mình Vũ Hữu Sự là đúng khi anh khẳng định ngược lại chúng tôi, ngay từ đầu. Khi nghe tôi thông báo giải thưởng và nhận định của tôi về phản ứng của Bằng Giang, Vũ Hữu Sự nói luôn theo cách của anh: “Tiên sinh thật đại lượng và ảo tưởng! Còn lâu nó mới không nhận. Thậm chí nó còn hãnh diện, coi đó là câu trả lời tiên sinh nữa cho mà xem”. Tôi đâu có biết Vũ Hữu Sự đã quan hệ với Bằng Giang đến mức đủ để hiểu gan ruột cô ta sâu sắc đến thế. Bằng Giang không những đi nhận giải, trị giá 15.000 đồng lúc ấy, số tiền vừa đủ để mua được một cái xe đạp, mà đúng là cô ta còn lấy làm tự hào vì đã được giải. Nghe nói cô ta còn tổ chức liên hoan trong toà soạn và nhận những lời chúc mừng. Như sau này tôi biết thì chính Đắc Hữu đã tiếp sức cho Bằng Giang trong hành động ô nhục vào bậc nhất mà một con người, hơn nữa lại là một người cầm bút, có thể làm. Nếu Bằng Giang nhận giải tức là báo Hà Sơn Bình cũng nhận giải và điều đó tốt cho Đắc Hữu hơn là cho Bằng Giang. Chúng tôi không xem lễ trao giải qua truyền hình – và đó là điều mà tôi cứ tiếc mãi bởi nếu tôi đủ mạnh mẽ và bình tĩnh hơn thì tôi đã được chứng kiến những gì khó mà lặp lại – nên không biết Bằng Giang có chút hổ thẹn nào không để có thể tha thứ cho cô ta phần nào, để bố tôi không phải nói lời cay độc, cũng là điều ông muốn ở tôi: Sẽ phải rửa mối nhục này!
Trước khi chết, cho dù không nói ra, nhưng tôi biết bố vẫn đau đớn về chuyện đó. Có thể ông đã mang theo mối hận bầm gan tím ruột ấy xuống mồ.
Nhưng, giống như nhiều việc quan trọng khác, thêm lần nữa tôi không làm theo ý cha mình. Tôi chọn sự tha thứ.
Trích trong tự truyện DƯỚI BÀN TAY VÔ HÌNH, Phần II – Một mình với quỷ sứ.
T. D. A.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
nguồn_boxitvn:http://www.boxitvn.net/bai/38215
---------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001