Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

1104. XUNG QUANH CHIẾN LƯỢC TRỞ LẠI CHÂU Á – THÁI BÌNH DƯƠNG CỦA MỸ
Posted by basamnews on 26/06/2012
THỐNG TẤN XÃ VIỆT NAM

XUNG QUANH CHIẾN LƯỢC TRỞ LẠI CHÂU Á – THÁI BÌNH DƯƠNG CỦA MỸ

Tài liệu Tham khảo đặc biệt
Thứ năm, ngày 21/6/2012
TTXVN (Niu Yoóc 19/6)
Phản ánh ý đồ và kết quả chuyến công du 8 ngày tới các nước châu Á của Bộ trưởng Quốc phòng và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ đầu tháng 6/2012, “Tạp chí Âu-Á” ngày 13/6 cho biết, ngày 30/5 hai quan chức đứng đầu bộ máy quân sự toàn cầu của Mỹ này đã đến thăm sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ tại Haoai, sau đó thực hiện chuyến công du tới nhiều nước châu Á – Thái Bình Dương và chính thức thông báo kế hoạch di chuyển lực lượng và các trang bị quân sự đến các nước trong khu vực.
Ngày 2/6, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Martin Dempsey đã có mặt tại Xinhgapo để tham dự Đối thoại Shangri-La hàng năm-nơi họ gặp gỡ các đối tác quốc phòng của 26 nước châu Á – Thái Bình Dương. Tiếp đó, Bộ trưởng Quốc phòng Panetta đến thăm Việt Nam và Ấn Độ – hai đối tác quân sự châu Á mới và quan trọng nhất trong giai đoạn sau Chiến tranh Lạnh, còn Tướng Demsey đến thăm Philippin và Thái Lan – hai đồng minh quân sự truyền thống của Mỹ.
Trong thời gian ở Xinhgapo, Bộ trưởng Quốc phòng Panetta thông báo Oasinhtơn sẽ tăng cường sức mạnh hải quân ở Thái Bình Dương gồm các tàu sân bay, tàu tuần dương, tàu khu trục, tàu chiến ven bờ và tàu ngầm từ mức 50% hiện nay lên 60%, đồng thời củng cố và phát triển các liên minh quân sự với tất cả các nước khắp khu vực, đặc biệt với các nước ở Đông Nam Á hiện đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Panetta nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác quân sự giữa Mỹ với 6 nước châu Á – Thái Bình Dương mà Mỹ đã ký các hiệp ước phòng thủ trong thời gian Chiến tranh Lạnh và hiện chống lại Trung Quốc gồm: Ôxtrâylia, Nhật Bản, Niu Dilân, Philippin, Hàn Quốc và Thái Lan, đồng thời mở rộng và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ đối tác hiện có với các nước như Xinhgapo, Inđônêxia, Malaixia và Ấn Độ. Ngoài ra, Bộ trưởng Panetta cũng cho biết Mỹ sẽ thúc đẩy các mối quan hệ quân sự với Mianma. Sau khi rời Xinhgapo, Bộ trưởng Panetta đến thăm một tàu chiến Mỹ đang sửa chữa tại vịnh Cam Ranh của Việt Nam-một năm sau khi Mỹ và Việt Nam ký bản ghi nhớ nhằm thúc đẩy hợp tác quân sự trên 5 lĩnh vực và 2 năm sau khi tàu khu trục trang bị tên lửa có điều khiển USS John S. McCain đến thăm cảng Đà Nẵng để tham gia cuộc tập trận chung với hải quân Việt Nam trên Biển Đông. Bộ trưởng Panetta là quan chức cấp cao đầu tiên của Mỹ đến thăm căn cử quân sự trước đây của Mỹ, kể từ khi kết thúc cuộc Chiến tranh Việt Nam.
Cùng ngày 2/6, Bộ trưởng Quốc phòng Xinhgapo Ng Eng Hen khẳng định với ông Panetta rằng Chính phủ Xinhgapo sẵn sàng cho phép 4 tàu tác chiến ven bờ của Mỹ đến thăm các căn cứ hải quân ở nước này theo đúng cam kết trong Thỏa thuận Khung Chiến lược được hai nước ký năm 2005. Hai Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Xinhgapo cũng cam kết thực hiện hơn nữa thỏa thuận và tăng cường quy mô của các cuộc diễn tập quân sự, chẳng hạn tăng thêm lực lượng hải quân vào thành phần của các cuộc diễn tập “Commando Sling” hàng năm. Ông Panetta và đối tác Xinhgapo còn thảo luận việc sử dụng Cơ sở Huấn luyện thành phố Murai cho các cuộc diễn tập song phương bao gồm các lực lượng lính thuỷ đánh bộ Mỹ và lực ương vũ trang Xinhgapo bắt đầu vào năm tới. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta tuyên bố Mỹ sẽ khuyến khích mối quan hệ đối tác với tất cả các nước trong khu vực, kể cả Mianma. Cho đến khi Mỹ lôi kéo Mianma thành công trong năm 2011, nước này là một trong số đồng minh lệ thuộc của Trung Quốc ở châu Á. Đề cập đến vấn đề luân chuyển các tàu chiến Mỹ tại Xinhgapo, Tướng Dempsey cho biết các tàu tác chiến ven bờ sẽ bắt đầu triển khai luân chuyển đến Xinhgapo trong thời gian tới và đây là một ví dụ thể hiện sự can dự quân sự ngày càng tăng của quân đội Mỹ nhằm thực hiện “Chiến lược trở lại châu Á – Thái Bình Dương” của Tổng thống Obama.
Trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đang củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược quan trọng với đối thủ của Trung Quốc ở bờ biển phía Tây của Biển Đông, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Demsey cũng đang hành động tương tự tại Philíppin-quốc gia hiện đang đối đầu trực diện với Trung Quốc trên Biển Đông. Sau hai tuần tàu ngầm tấn công hạt nhân USS Caroline của Mỹ hiện diện tại căn cứ hải quân cũ của Mỹ ở vịnh Subic, Tướng Dempsey đến thăm sở chỉ huy Lực lượng Tác chiến Đặc biệt của quân đội Philíppin trên đảo Mindanao-nơi Mỹ đang triển khai 600 binh sĩ chuyên tham gia các chiến dịch chống nổi dậy với quân đội Philíppin. Sau đó tướng Dempsey đã hội đàm với đối tác Philíppin Tướng Jessie Dellosa ở thủ đô Manila. Ngày 5/6, báo “Ngôi Sao Philíppin” trích nguyên văn tuyên bố của Thứ trưởng Quốc phòng Philíppin Honorio Azcueta sau khi hội đàm với Tướng Dempsey: “Các binh sĩ, tàu chiến và tàu sân bay của Mỹ có thể sẽ tiếp tục được phép sử dụng các căn cứ không quân và hải quân ở Subic thuộc Zambales và Clark thuộc Pampanga”. Thứ trưởng Quốc phòng Azcueta khẳng định đó là những gì Philíppin mong muốn và hai nước sẽ tăng cường diễn tập quân sự chung cũng như nâng cao khả năng phối họp tác chiến giữa quân đội hai nước. Cũng như căn cứ hải quân trước đây tại vịnh Cam Ranh của Việt Nam, căn cứ hải quân Subic và sân bay của căn cứ này được Mỹ sử dụng để phục vụ các chiến dịch quân sự lớn trong Chiến tranh Việt Nam.
Sau khi rời Philippin, Tướng Dempsey đến thăm Thái Lan để hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng và các tư lệnh lục quân, không quân và hải quân của quân đội Thái Lan. Trong số các vấn đề được bàn thảo trong chuyến thăm, Tướng Dempsey đã đạt được ý đồ sử dụng căn cứ U- Tapao cho các hoạt động của quân đội Mỹ trên danh nghĩa phục vụ mục đích nhân đạo, nhưng thực chất sân bay này sẽ được Mỹ sử dụng cho các chiến dịch quân sự lớn trong tương lai. Trước đây Mỹ đã từng sử dụng căn cứ không quân U-Tapao để phục vụ cuộc chiến tranh Việt Nam và hiện đang được sử dụng cho các cuộc diễn tập quân sự chung Mỹ-Thái Lan mang tên “Hổ Mang Vàng”-cuộc diễn tập quân sự đa quốc gia lớn nhất do Mỹ chủ trì ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Cuộc diễn tập “Hổ Mang Vàng”-2012 có sự tham dự của quân đội của một số nước khác như: Inđônêxia, Nhật Bản, Malaixia, Xinhgapo và Hàn Quốc. Tướng Dempsey cũng thông báo quân đội Mỹ và Thái Lan đang xem xét và chuẩn bị thiết lập một trung tâm tại Thái Lan nhằm giúp đỡ nhân đạo và khắc phục thiên tai. Đây có thể được coi là một nỗ lực song phương của Mỹ và Thái Lan và ngay từ đầu trung tâm có thể có một số nước khác tham gia.
Sau chuyến công du châu Á – Thái Bình Dương 8 ngày của Bộ trưởng Quốc phòng Panetta, cơ quan báo chí của Lầu Năm Góc khẳng định chuyến thăm của Bộ trưởng Panetta là nhằm thúc đẩy chính sách đối ngoại “trở lại châu Á” mới của Tổng thống Barack Obama, trong đó ông Panetta nêu bật 2 chủ đề chính trong chuyến công du: thứ nhất, Oasinhtơn sẽ chú trọng chính sách lớn hơn đến châu Á – Thái Bình Dương, so với châu Âu và Trung Đông; thứ hai, Mỹ có ý định đẩy mạnh các hoạt động quân sự trong khu vực, kể cả tăng cường các cuộc diễn tập quân sự chung hơn nữa với nhiều nước, trong đó có Ôxtrâylia, Philíppin, Xinhgapo và Thái Lan và cung cấp nhiều trang thiết bị quân sự, trong đó ít nhất 40 tàu chiến mới cho các nước khu vực này. Rõ ràng, bằng cách thiết lập các mối quan hệ đối tác quân sự với 10 nước thành viên ASEAN, Mỹ đang xây dựng cơ sở để thiết lập một tổ chức châu Á tương tự NATO. Mỹ đã sử dụng NATO để bao vây, ngăn chặn và cuối cùng đối đầu với Nga, do đó Mỹ có ý định sử dụng liên minh mới để đạt được mục tiêu tương tự đối với Trung Quốc.
***
TTXVN (Băngcốc 16/6)
Nhân chuyến thăm Thái Lan của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey, Tổng biên tập tờ “Dân tộc” Suthichai Yoon đã có cuộc phỏng vấn ông này vấn đề nhạy cảm là mối quan tâm của Mỹ đối với căn cứ quân sự U-tapao và sự cân bằng quyền lực tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
Suthichai: Ông đã thông báo ông sẽ bố trí lại hải quân Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tới năm 2020 ông sẽ bố trí 60% tàu chiến Mỹ tại khu vực này. Ông có lo ngại Trung Quốc không?
Dempsey: Không, chúng tôi đang tái cân bằng. Với ý nghĩa này, chúng tôi đang thực hiện ba vấn đề: tập trung chú ý hơn tới châu Á – Thái Bình Dương. Bởi vì trong cuộc chiến tranh 10 năm tại Irắc và Ápganixtan, chúng tôi đã tập trung mối quan tâm về phía đó. Giờ đây, chúng tôi sẽ chú ý nhiều hơn tới lợi ích lâu dài của mình tại Thái Bình Dương và các đồng minh của chúng tôi ở đó. Như ông đã biết, Thái Lan là đồng minh lâu nhất của chúng tôi trong khu vực này, với khoảng 180 năm quan hệ. Do vậy, lợi ích của chúng tôi là can dự nhiều hơn và có chất lượng hơn. Tất cả những trang thiết bị tốt nhất của chúng tôi như tàu chiến tốt nhất, tàu sân bay tốt nhất, đều sẽ đưa vào Thái Bình Dương. Là một sinh viên lịch sử và kinh tế, tôi gợi ý rằng cường quốc kinh tế thế giới, cường quốc quân sự thế giới và các vấn đề liên quan tới dân số nên quan tâm tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng chúng tôi sẽ giải quyết các thách thức trong tương lai, sẽ tiếp tục chú ý tới những thách thức mới nảy sinh từ ngày hôm nay.
Suthichai: Nhưng Trung Quốc có thể sẽ cho rằng điều đó gây nguy hại cho nước này.
Dempsey: Tôi đã có những cuộc nói chuyện với các đối tác Trung Quốc, với các học giả Trung Quốc, với nhiều người trong khu vực. Vấn đề đó thường xuyên được đặt ra. Câu trả lời của tôi rất rõ là việc tái cân bằng Thái Bình Dương không có ý nghĩa là kiềm chế Trung Quốc. Tôi muốn gợi ý rằng chúng ta không nên đặt ra các điều kiện cho những nhận thức và tính toán sai lầm. Tôi sẽ đưa ra một ví dụ. Tôi đang ở Thái Lan, với các đối tác Thái Lan của tôi; tất cả chúng ta đều có mối quan hệ với Trung Quốc, nhưng chúng là các mối quan hệ khác nhau. Chúng tôi đang hoạt động ở một khoảng cách xa, trong khi ông đang ở bên cạnh. Tôi khuyến khích mọi người hợp tác song phương và đa phương để đạt được sự hiểu biết rõ hơn. Chúng ta có quá nhiều lợi ích chung – cứu trợ thảm họa và nhân đạo, chống chủ nghĩa khủng bố và chống vi phạm bản quyền. Đây là những vấn đề cần hợp tác.
Suthichai: Nhưng vấn đề thời điểm là rất đáng quan tâm. Trung Quốc đang có nhiều vấn đề với các láng giềng của họ tại Biển Đông và Hải quân Mỹ cũng đang tiến lại gần hơn. Oasinhtơn từng cảnh báo Trung Quốc không nên tạo ra vấn đề với các láng giềng, do vậy, sự hiện diện của Mỹ có thể cân bằng sức mạnh của Trung Quốc.
Dempsey: Hãy để tôi đưa ra một vài ví dụ về Biển Đông. Tôi mới trở về từ Philíppin. Trước tiên, vấn đề này không mới. Nó là vấn đề của 80 năm trước, nhưng tại sao ngày nay nó lại trở nên quan trọng. Đó là vì công nghệ đã khai thác được dưới biển sâu và thềm lục địa. Thứ hai, chúng tôi nói về Biển Đông là rất rõ ràng – đó là chúng tôi có lợi ích rõ ràng trong việc duy trì quyền đi lại và tự do hàng hải, và chúng tôi khuyến khích tất cả các nước thực hiện trong khuôn khổ Công ước Liên họp quốc về luật biển và các luật pháp quốc tế khác. Chúng tôi không muốn can dự vào các tranh chấp lãnh thổ. Cuối cùng, điều quan trọng chúng tôi muốn nói với tất cả các bên là chúng tôi tin chắc rằng vấn đề này không thể giải quyết thông qua đối đầu mà nên thông qua các diễn đàn quốc tế.
Suthichai: Nhưng sự có mặt của các ông tại đây có thể ngăn cản được Trung Quốc không thực hiện những hành động của họ.
Dempsey: Nhưng đó không phải là mục tiêu của chúng tôi ở đây. Điều mà chúng tôi muốn làm là khôi phục quan hệ với các đồng minh hiện nay của chúng tôi. Như ông đã biết, Thái Lan và Philíppin là những đồng minh của chúng tôi tại Đông Nam Á. Chúng tôi đang thiết lập các quan hệ mới khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đi thăm Việt Nam và Ấn Độ. Chúng tôi muốn hiểu rõ đối tác của chúng tôi muốn có mối quan hệ như thế nào với chúng tôi. Giờ đây, chúng tôi có thời gian và khả năng tái đầu tư vào Thái Bình Dương. Về chính trị, chúng ta phải xác định tình thế hiện nay nghiêng về chúng ta và thuộc về các đối tác của chúng ta.
Suthichai: Ông có lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc và những dấu hiệu rõ ràng gần đây về việc mở rộng quân sự của nước này không?
Dempsey: Nói chung tôi không có mối quan ngại nào về sự trỗi dậy của Trung Quốc bởi vì tôi nghĩ họ có sức mạnh kinh tế, họ có nguồn nhân lực dồi dào và đang cố gắng làm hết sức của mình. Còn liệu điều này có dẫn tới đối đầu quân sự hay không, thì câu trả lời là hoàn toàn không. Trên thực tế, việc tái đầu tư của chúng tôi vào Thái Bình Dương là chỉ nhằm tránh đối đầu quân sự thôi.
Suthichai: Ông không lo ngại về việc Trung Quốc tăng ngân sách quân sự chứ?
Dempsey: Một câu hỏi hay, là một sinh viên lịch sử, tôi cho rằng sức mạnh quốc gia luôn được dành cho sức mạnh ngoại giao, sức mạnh kinh tế và sức mạnh quân sự. Trong lịch sử các dân tộc, họ đầu tư vào ba lĩnh vực này. Tôi không ngạc nhiên trước việc Trung Quốc đầu tư vào sức mạnh quân sự, nhưng tôi không nghĩ nó được dùng để ngăn cản chúng tôi, giống như cách chúng tôi đầu tư không nhằm để ngăn chặn những người khác.
Suthichai: Đã bao giờ ông hỏi các đối tác Trung Quốc rằng tại sao họ lại tăng ngân sách quân sự chưa?
Dempsey: Chưa, chúng tôi không hỏi những câu hỏi cụ thể như vậy. Thỉnh thoảng chúng tôi nói chuyện với nhau về chiến lược, về việc chúng ta sẽ như thế nào trong năm 2020. Chúng tôi biết hiện nay chúng tôi đang ở đâu. Chúng tôi biết những thách thức hiện nay, nhưng chúng ta mong muốn điều gì vào năm 2020? Tôi cho rằng chúng ta có thể tìm ra lợi ích chung và sẽ trở nên rõ ràng hơn với từng bên. Chúng tôi đang cố gắng tránh những nhận thức và tính toán sai lầm.
Suthichai: Trung Quốc vừa hạ thủy chiếc tàu sân bay đầu tiên của họ. Nó quan trọng như thế nào trong lĩnh vực hải quân?
Dempsey: Tàu sân bay là một biểu tượng sức mạnh quốc gia. Điều mà các quốc gia làm khi họ có nguồn lực và khả năng là thể hiện sức mạnh trong một số trường họp. Nó là sự thể hiện khả năng của quốc gia. Đối với nước Mỹ, chúng tôi phải mất khoảng 50 năm để hiểu hết việc làm thế nào để sử dụng các tàu sân bay, luân chuyển chúng như thế nào, làm thế nào để tổ chức các hoạt động của nó. Tàu sân bay không chỉ đơn giản là một công cụ của chiến tranh. Gần đây, chúng tôi có cơ hội giúp đỡ Nhật Bản sau thảm họa sóng thần, và tại Haiti sau động đất ở đó. Chúng tôi cử tàu sân bay tới bởi chúng có khả năng tạo ra năng lượng, cung cấp nguồn lực ngoài việc cứu trợ thảm họa và trợ giúp nhân đạo. Do vậy, nếu Trung Quốc đầu tư vào công nghệ tàu sân bay, thì rõ ràng họ biết sử dụng tàu sân bay trong nhiều vai trò. Nó là công cụ có thể sử dụng được nhiều cách.
Suthichai: Phải mất bao nhiêu năm Trung Quốc mới đuổi kịp được Mỹ?
Dempsey: Câu hỏi này nên dành cho các học giả. Thực sự, tôi không dám chắc tôi biết câu trả lời, nhưng tôi biết rằng khả năng của Mỹ là không nhằm vào bất kỳ một quốc gia cụ thể nào. Chúng tôi biết lợi ích của nước Mỹ cũng là lợi ích toàn cầu và vì thế chúng tôi xây dựng lực lượng phải có khả năng duy trì và củng cố những lợi ích đó chống lại bất kỳ ai có thể gây thách thức với nó. Chúng tôi không xây dựng khả năng của chúng tôi nhằm vào Trung Quốc, nếu ông hỏi như vậy. Nhưng chúng tôi luôn mong muốn là một đội quân tốt nhất trên thế giới này.
Suthichai: Nhưng khi ông nhìn lại sau xem ai là người đứng thứ hai và ông thấy Trung Quốc đang bắt kịp một cách nhanh chóng, ông phải tính toán xem chừng nào Trung Quốc sẽ tới sát cạnh chứ?
Dempsey: Trung Quốc đang đầu tư tập trung vào công nghệ. Họ không đầu tư mở rộng như chúng tôi. Mỗi chúng tôi có thể tính toán điều gì có nghĩa trong tương lai. Một lần nữa, tôi là người ủng hộ việc can dự. Tôi ủng hộ việc có mặt tại đây. Tôi là một người ủng hộ các mối quan hệ song phương và đa phương.
Suthichai: Ông đã bao giờ hỏi Thái Lan về việc sử dụng căn cứ U-tapao cho các mục đích quân sự chưa?
Dempsey: Chưa, chưa từng bao giờ. Chúng tôi có thể có mục tiêu đó. Chúng tôi đang thảo luận về nó. Hãy để tôi giải thích: U-tapao đã từng hỗ trợ chúng tôi một vài lần. Chúng tôi có một lịch sử khá dài với U-tapao.
Suthichai: Đúng, tôi đã nhiều lần viết về U-tapao trong Chiến tranh Việt Nam, nhìn thấy B52 cất cánh và hạ cánh ở đó.
Dempsey: Nhưng giờ đây chúng tôi sẽ không làm như vậy. Chúng tôi sẽ tổ chức diễn tập như tập trận Hổ mang vàng. U-tapao đang ngày càng trở nên quan trọng như một trung tâm hậu cần cho hoạt động diễn tập đó. Về kết quả của tập trận Hổ mang vàng, Tướng Tanasak Patimapragorn, Tư lệnh tối cao của Thái Lan, và tôi đã thảo luận về khả năng ở một số điểm nếu chúng tôi có thể nhất trí về việc sử dụng U-tapao. Nó sẽ trở thành trung tâm hoạt động cứu trợ thảm họa và trợ giúp nhân đạo. Nó là một địa điểm lý tưởng cho điều đó. Nếu chúng tôi quyết định về việc hợp tác đó, nếu có thể đặt ra thời gian biểu và từng gian đoạn, chúng tôi sẽ tiến tới thực hiện. Nhưng trước khi làm điều đó, chúng ta sẽ phải thăm dò các khả năng.
Suthichai: Liệu cuối cùng nó có được sử dụng là căn cứ hải quan, giống như Clark ở Philíppin và vịnh Cam Ranh tại Việt Nam hay không? Nhìn vào bản đồ, với U-tapao, Clark và Cam Ranh, đó sẽ là một chiến lược tam giác hoàn hảo cho Hải quân Mỹ. Ông không nghĩ như thế chứ?
Dempsey: Tôi có nghĩ như vậy không à? U-tapao sẽ không phải là một căn cứ hải quân. Tôi có thể đảm bảo với ông như vậy. Tôi không mang theo lá cờ nước Mỹ trong người và vạch ra nơi nào chúng tôi muốn tới. Hoàn toàn không phải như vậy. Chúng tôi trở lại Thái Lan với 179 năm quan hệ tốt đẹp ở phía sau. Chúng tôi không muốn mối quan hệ đó bị ngừng trệ. Điều gì tiếp sau việc cung cấp cứu trợ thảm họa và trợ giúp nhân đạo. Nó có thể là một điểm, nơi các tàu chiến của chúng tôi luân chuyển với các tàu đa chức năng tại Xinhgapo. Các tàu chiến của chúng tôi có thể đóng tại Xinhgapo và quản lý khu vực bên ngoài Xinhgapo và một điểm dừng có thể là U-tapao và một có thể là Băngcốc. Đó là quyết định mà chúng tôi muốn thảo luận và đồng thời chúng tôi cũng sẽ tạo cơ hội để đối tác của chúng tôi lựa chọn.
Suthichai: Có thông tin rằng NASA cũng muốn sử dụng U-tapao cho các mục đích khoa học. Làm thế nào để điều đó và hoạt động hải quân kết hợp được với nhau?
Dempsey: NASA hoàn toàn không liên quan gì với Bộ Quốc phòng. Tôi đã đọc một câu chuyện tương tự, tôi đã làm bài tập và đặt câu hỏi tại sao NASA lại quan tâm tới U-tapao như một địa điểm tiềm năng. Đó là bởi vì nó có một số khả năng lôgíc cụ thể. Nó có thể làm tốt hơn công việc trợ giúp dự báo các sự kiện thiên nhiên và diễn biến thời tiết. Nó không phải là một phần của NASA, nhưng tôi có thể nói với ông tại sao họ có thể muốn chỗ đó. Nhưng nó hoàn toàn không nằm trong bất kỳ một cuộc thảo luận nào về quân sự.
***
TTXVN (Oasinhtơn 20/6)
Tạp chí Người đưa tin Ngoại giao (Diplomatic Courier) ngày 14/6 đăng bài viết của tác giả Paul Nash về nguy cơ Chiến tranh Lạnh mới giữa Mỹ với Trung Quốc. Sau đây là nội dung bài viết:
Năm 1964, Albert Ravenholt viết cho tờ Tin tức hàng ngày Chicago rằng “Tàu ngầm của Trung Quốc cộng sản có thể là một mối đe dọa lớn đối với tàu của Mỹ”, khi ông đề cập đến mối đe dọa dưới biển của Mao đối với các lực lượng hải quân Mỹ trên Biển Đông, ngoài khơi bờ biển của Việt Nam. Các tàu ngầm do Nga cung cấp đóng trên đảo Hải Nam và trên Vịnh Bắc Bộ. Vào thời điểm đó, Trung Quốc ước tính có khoảng từ 30 đến 40 tàu đang hoạt động, là hạm đội lớn thứ tư sau Liên Xô, Mỹ và Anh.
Gần 48 năm trôi qua, đã có nhiều thay đổi và sẽ tiếp tục có nhiều thay đổi trên cùng một quỹ đạo. Khi Ravenholt, phóng viên tại Thượng Hải vào những năm 1940 trong chiến tranh Trung-Nhật lần thứ hai, qua đời ở tuổi 90 hồi năm 2010, Trung Quốc vẫn là cộng sản, mặc dù sắc thái ý thức hệ được cho là đã biến thành dân tộc chủ nghĩa sau ba thập kỷ gia tăng thịnh vượng.
Trung Quốc đã hiện đại hóa quân sự của mình song song với tăng trưởng kinh tê. Trung Quốc cam kết chi tiêu quân sự lớn, nỗ lực để bắt kịp với sức mạnh công nghệ của phương Tây bằng cách chế tạo vũ khí tiên tiến được dẫn đường chính xác, vũ khí chống vệ tinh và khả năng chiến tranh mạng. Năm ngoái, Trung Quốc trình làng máy bay chiến đấu J-20, dự kiên sẽ đi vào hoạt động trong giai đoạn 2017-2019. Trung Quốc cũng thiết lập một hệ thống tên lửa chống hạm trên đất liền để hạn chế khả năng đi lại tự do của các quốc gia khác trong vùng biển khu vực, bao gồm cả các vùng biển xung quanh các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đang tranh chấp, mà Trung Quốc ước tính có thể có trữ lượng lớn thứ tư thế giới về dầu và khí tự nhiên.
Ngoài việc tăng cường số lượng tàu ngầm diesel lên hơn 50 chiếc, Trung Quốc đã có bốn hoặc năm tàu ngầm hạt nhân lớp Tân, có trang bị tên lửa đạn đạo. Và, trong năm 2007, Trung Quốc đã hoàn thành xây dựng 1 căn cứ ngầm hiện đại trên đảo Hải Nam, cho phép các tàu của họ dễ dàng ra vào eo biển Malắcca, Biển Đông và Ấn Độ Dương, tuyến đường vận chuyển quan trọng cho phần lớn thương mại của thế giới và cung cấp dầu cho Trung Quốc từ Vịnh Pécxích. Mục tiêu lâu dài của Bắc Kinh là nhằm thiết lập một lực lượng hải quân biển khơi đầy đủ, trong vài thập kỷ nữa, cho phép họ có sức mạnh vượt ra ngoài vùng biển khu vực, cả về phía Tây và về phía Đông.
Để gia tăng khả năng triển khai sức mạnh của mình, Trung Quốc đã thành lập một hạm đội nhỏ “ít nhất ba” tàu sân bay. Năm 1998 sau khi Liên Xô tan rã, Trung Quốc mua một tàu sân bay ngừng hoạt động từ Ucraina được chế tạo đặc biệt cho chiến tranh chống tàu ngầm. Tàu Varyag ban đầu được dùng làm khách sạn và casino nổi ngoài khơi Macao, nhưng năm ngoái Hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) đã công bố rằng con tàu đã được tân trang lại để “nghiên cứu khoa học, thử nghiệm và huấn luyện”. Nói cách khác, rất có thể nó được sử dụng nghiên cứu chế tạo một tàu sân bay trong tương lai. Tàu dự kiến sẽ vận hành vào trong năm nay mang theo 30 máy bay chiến đấu J-15, máy bay trực thăng và một thủy thủ đoàn 2.000 người.
Sau khi phát triển với tốc độ trung bình hàng năm hơn 10% kể từ những năm 1990, chi tiêu quân sự của Trung Quốc hiện đã sẵn sàng để vượt xa châu Âu lần đầu tiên trong nhiều thế kỷ.
Theo đánh giá về cân bằng sức mạnh quân sự toàn cầu của Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược (IISS), có trụ sở tại Luân Đôn được công bố gần đây, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng lên một cách mạnh mẽ nếu không muốn nói là đáng báo động, kể từ khi diễn ra các cuộc khủng hoảng tài chính 2008, trong khi ngân sách của Mỹ và châu Âu đi xuống. Viện này cho rằng chi tiêu của Trung Quốc vượt qua mức tổng cộng của các nước châu Âu lớn nhất trong NATO vào năm 2015, khiến nhiều người kêu gọi liên minh này phải hành động với sáng kiến “phòng thủ thông minh” của mình. Sáng kiến phòng thủ thông minh” do Tổng thư ký Anders Fogh Rasmussen đề xuất, có nghĩa là các thành viên trong NATO sẽ tổng họp và chia sẻ khả năng cho nhau để hiệp lực trong bối cảnh hạn chế về mặt tài chính.
Chi phí quân sự của Bắc Kinh đến nay là lớn nhất trong khu vực nếu không tính Ôxtrâylia và Niu Dilân. Đại hội đại biểu Nhân dân Toàn quốc cơ quan phê duyệt đề xuất ngân sách, gần đây công bố rằng chi tiêu quốc phòng chính thức của quốc gia – hiện chỉ đứng thứ hai sau Mỹ về con số tuyệt đối mặc dù vẫn còn cách xa về bình quân đầu người – sẽ tăng 11,2% trong năm nay, lên 670 tỷ nhân dân tệ (khoảng 106 tỷ USD). Cho dù nhỏ hơn so với mức 12,7% được phân bổ trong năm 2011, song nó có thể không hẳn là chi tiêu thực tế. Một số nhà phân tích cho rằng nó có thể nhiều gấp đôi bởi số liệu chính thức không bao gồm chi tiêu cho vũ khí hạt nhân và chương trình không gian.
Trung Quốc, một cách có thể hiểu được, rất lo lắng về việc bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Ký ức về cuộc xâm lược của châu Âu thế kỷ XIX và Nhật Bản ở thế kỷ XX đã nâng cao ý thức về sự dễ bị tổn thương trước các liên minh quân sự hiện đại, hình thành bởi các nước và vùng lãnh thổ láng giềng, chẳng hạn như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và Mỹ. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn nhằm cải thiện khả năng phòng thủ ven biển, huy động nhanh và khả năng linh hoạt trong chỉ huy và kiểm soát. Các cuộc tập trận này rõ ràng nhằm vào sự hiện diện của Mỹ dưới nước, trên mặt biển và trên không.
Nhưng thử nghiệm của Trung Quốc với khả năng triển khai lực lượng tầm xa cho thấy những ý nghĩa về sự thay đổi trên biển. Nó vượt khỏi phạm vi nỗ lực để đạt được các khả năng cần thiết nhằm thiết lập một vành đai phòng thủ quanh các lãnh hải của mình.
Nhằm xoa dịu các mối quan ngại quốc tế, quân đội Trung Quốc đã đẩy mạnh chiến dịch ngoại giao quân sự để cải thiện mối quan hệ song phương và đa phương trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và xuống thang trong các tranh chấp lãnh thổ. Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc cũng đã tham gia Sáng kiến an ninh toàn cầu, chẳng hạn như các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và họp tác với NATO chống cướp biển ngoài khơi vùng Sừng châu Phi. Tìm hiểu cách để làm việc với nhau chặt chẽ và minh bạch hơn là một chủ đề chính của cuộc thảo luận giữa các nhà lãnh đạo của quân đội Trung Quốc và các đại biểu thuộc tổ chức Các nhân viên quân sự quốc tế (IMS) khi họ gặp nhau tại Bắc Kinh vào tháng Hai. NATO, trong nỗ lực tăng cường đối thoại với quân đội Trung Quốc, đang nỗ lực để phát huy kết quả từ các cuộc gặp cấp cao thường xuyên mà họ thực hiện một cách lặng lẽ với Trung Quốc hai lần mỗi năm, cũng như mở rộng các kênh liên lạc đã thành lập thông qua đại sứ của Bắc Kinh tại Bỉ.
Phản ứng trước việc Trung Quốc tăng cường khả năng hải quân, Lầu Năm Góc, hiện đang đối mặt với việc cắt giảm 485 tỷ USD trong 10 năm tới, đã bắt đầu một cuộc “xoay trục” ưu tiên chiến lược của mình. Đô đốc Sam Locklear, chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (PACOM), sau khi dẫn đầu lực lượng hải quân Mỹ ở châu Âu và điều phối hoạt động của NATO ở Libi, đã được giao nhiệm vụ chuyển đổi PACOM thành lực lượng tiên phong của chiến lược quốc phòng mới của Mỹ. Nhìn ở phạm vi rộng, điều này có nghĩa là củng cố sự hiện diện của Mỹ ở Thái Bình Dương để kiềm chế Trung Quốc. Về mặt ngoại giao, Bộ Ngoại giao Mỹ đã tái khẳng định cam kết an ninh của mình đối với các quốc gia khác nhau trong khu vực và củng cố quan hệ với các đồng minh lâu đời như Nhật Bản, Philíppin và Ôxtrâylia. Mỹ cũng làm sâu sắc thêm quan hệ với các quốc gia ASEAN. Chính PACOM đã đàm phán các thỏa thuận an ninh song phương với Việt Nam, Xinhgapo, Thái Lan, Campuchia và Philíppin. Trong khi một số nhà phân tích chính sách cho rằng một mối quan hệ đối tác NATO-ASEAN trong tương lai là quan trọng đối với sự ổn định trong khu vực, nhiều người khác cảm thấy rằng PACOM đã đủ lớn và không gặp các trở ngại của một bộ máy quan liêu đa quốc gia để thành công trong việc đảm bảo lợi ích chiến lược của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Theo quan điểm của Trung Quốc, sự tiếp tục tồn tại của NATO kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, lý do chính để nó tồn tại và mở rộng phạm vi hoạt động ra ngoài Bắc Đại Tây Dương đã cho thấy màu sắc thật sự của nó. Nhận thức chung ở Trung Quốc là NATO chủ yếu là một phương tiện cho sự bá chủ toàn cầu và thống trị quân sự của Mỹ. Bắc Kinh đặc biệt lo ngại về vai trò của NATO trong việc lật đổ chế độ không mong muốn ở Ápganixtan và Libi. Họ xem đây là một tiền lệ nguy hiểm cho khả năng hỗ trợ Đài Loan, nếu hòn đảo “nổi loạn” này tuyên bố độc lập chính trị với Trung Quốc đại lục; hoặc, một ngày nào đó ép buộc chuyển đổi chính trị ở Trung Quốc nếu chế độ hiện nay quyết thách thức quyền tự do tuyệt đối của Mỹ.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng thừa nhận mong muốn bình thường hóa và làm sâu sắc thêm quan hệ với NATO nếu nó đáp ứng mục tiêu “trỗi dậy hòa bình” và hội nhập hài hòa hệ thống toàn cầu như tuyên bố. Trung Quốc vẫn sẵn sàng chấp nhận một cách tiếp cận đa phương và “tôn trọng” với các vấn đề quan tâm chung, đặc biệt là những vấn đề mà từ đó Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể giành được vốn liếng chính trị quốc tế, chẳng hạn như các mối đe dọa an ninh phi truyền thống như chống cướp biển, khủng bố và phổ biến vũ khí.
Khi sự quyết đoán của PLAN gia tăng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thu hút sự chú ý của Mỹ khỏi vùng Đại Tây Dương, thì chương trình của Bắc Kinh về ảnh hưởng kinh tế và chính trị gián tiếp đối với châu Âu cũng được đẩy mạnh bằng việc gia tăng thương mại và đầu tư.
Sự thiếu rõ ràng về ý định chiến lược của Trung Quốc đã được thảo luận chi tiết trong chuyến thăm của Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Mỹ hồi tháng Hai. Ông Tập, người có quan hệ gần gũi với quân đội Trung Quốc hơn so với Hồ cẩm Đào và dự kiến sẽ thay thế ông Hồ làm chủ tịch nước vào cuối năm nay, cam kết sẽ thúc đẩy việc khôi phục và mở rộng đối thoại quân sự Trung-Mỹ. Các cuộc Tham vấn Quốc phòng hàng năm giữa các quan chức cấp cao dân sự, quân sự Trung Quốc và Mỹ, đã bị gián đoạn trong những năm gần đây do việc Mỹ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan. Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng hiện đại hóa và mở rộng quân sự của Trung Quốc là hoàn toàn có tính chất phòng thủ, tốc độ nhanh chóng của nó chỉ đơn giản là phản ánh sự cần thiết phải có lực lượng ở mức độ tương xứng với sự tăng trưởng kinh tế của quốc gia, dân số lớn và vị thế quốc tế tăng cao.
Người ta hy vọng rằng một cuộc đối thoại thiện chí sẽ mang lại sự rõ ràng hơn. Trung Quốc có thể chủ yếu nỗ lực để bảo vệ lãnh thổ của mình và bảo vệ tuyến đường biển vận chuyển năng lượng và tài nguyên khác từ Trung Đông và châu Phi. Hoặc Trung Quốc có thái độ cứng rắn hơn với các tuyên bố về kinh tế và lãnh thổ đối với toàn bộ Biển Đông. Trung Quốc có thể phát triển khả năng của mình để hỗ trợ các nhiệm vụ đa quốc gia nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định trên thế giới và khu vực. Hoặc, như một số nhà quan sát nhận định, có thế muốn làm suy yếu NATO và mang lại một sự cân bằng quyền lực ba bên mới, một trạng thái cân bằng chiến lược có lợi cho việc kiểm soát rủi ro toàn cầu đối với việc mở rộng danh mục đầu tư kinh tế ở châu Phi và các nơi khác.
Trong mọi trường hợp, có một điều đã trở nên rõ ràng hơn – là sự quyết đoán đang gia tăng của Trung Quốc và nhiệm vụ khẳng định mình của PACOM trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang tạo ra sân choi cho một cuộc Chiến tranh Lạnh mới có thể diễn ra./.
nguồn_basamnew:http://anhbasam.wordpress.com/2012/06/26/1104-xung-quanh-chien-luoc-tro-lai-chau-a-thai-binh-duong-cua-my/#more-66049
---------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001