Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

Tác hại của lạm quyền
2012-06-21
Ban Tuyên Giáo tỉnh Đồng Nai vừa ra một văn bản cấm báo chí không được đưa tin về công ty Sonadezi nơi vi phạm nhiều lần luật tài nguyên môi trường.



Sonadezi.com
Sonadezi Quản lý và vận hành các nhà máy xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp. Sonadezi.com
Lý do vì Tổng giám đốc công ty này là bà Đỗ Thị Thu Hằng cũng đang là đại biểu Quốc hội vì vậy theo ý kiến chỉ đạo của Ban Tuyên Giáo báo chí không nên đụng tới vấn đề nhạy cảm này.
Báo chí Việt Nam mặc dù có hơn 700 đơn vị đang hoạt động chính thức với xấp xỉ 17 ngàn phóng viên các loại nhưng mọi tin tức, sự kiện đều đặt dưới quyền kiểm soát của một Tổng biên tập chung cho tất cả mà người dân thường biết dưới cái tên Ban Tuyên Giáo Trung ương.

Một cổ hai tròng

Những quy định cơ bản này dành cho mọi tờ báo lớn nhỏ, càng lớn thì sự chú ý càng cao. Các tờ báo ở tỉnh chẳng những không thoát được đôi mắt kiểm duyệt của trung ương mà ngay tại địa phương phải mang thêm một tròng nữa của Ban tuyên giáo tỉnh.
Bằng chứng mới nhất về một cổ hai tròng của báo chí cấp tỉnh vừa xảy ra tại tỉnh Đồng Nai khi loan tải về vụ xả nước thải trái phép của công ty Sonadezi vào sông Đồng Nai.
Công ty Sonadezi đã xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép từ 5 tới 10 lần với số lượng hơn 9.000 mét khối nước cho mỗi ngày đêm. Theo báo chí, người dân đã tranh đấu nhằm chấm dứt việc xả thải cũng như đền bù thiệt cho họ và cho tới nay đã có 114 phiếu kê thiệt hại do Sonadezi gây nên cho người dân trên khu vực rạch Bà Chèo thuộc Long Thành, Đồng Nai.
Những vi phạm của Sonadezi đã bắt đầu từ năm 2008 và di chứng nặng nề là ảnh hưởng diện tích của 114 hecta khiến cho 100% thủy sản nuôi trong khu vực bị tiêu diệt hoàn toàn. Riêng về cây trồng cũng ảnh hưởng nặng nề, 100% không thể phát triển và sinh lợi.

Hơn 4 năm xử lý


Hệ thống xử lý nước thải của Sonadezi Long Thành. Xaluan.com
Không phải Sonadezi mới có hành động xả thải hồi gần đây nhưng nó đã bắt đầu từ năm 2008. Thời gian kéo dài lâu như vậy nhưng bản thân bà Đỗ Thị Thu Hằng chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty và cũng là đại biểu Quốc hội khóa này đã nhiều lần khẳng định là Sonadezi hoàn toàn không làm bất cứ điều gì gian dối.
Với tư cách là Tổng giám đốc công ty, bà Hằng hiểu rõ từng chi tiết của vụ xả thải trái quy định này nhưng vẫn khăng khăng từ chối trách nhiệm ngay cả khi đứng bên hội trường Quốc hội để trả lời báo chí.
Đại tá Phan Hữu Vinh, phó Cục trưởng Cục phòng chống tội phạm môi trường C49 xác nhận rằng lãnh đạo và công nhân của Sonadezi hiểu rất rõ những hành vi xả thải bất chấp qui định này trong suốt thời gian dài và sau đó C49 đã xử phạt 400 triệu về hành vi này.
Mặc dù báo chí đã loan tải tin này từ năm 2008 tuy nhiên Ban Tuyên Giáo tỉnh Đồng Nai lại chính thức ra văn bản yêu cầu báo chí tỉnh Đồng Nai không được loan tin vì bà Tổng giám đốc của công ty lại là một đương kim đại biểu Quốc hội.

Ban tuyên giáo tỉnh: quyền lớn hay nhỏ?

Tờ Sài Gòn Tiếp Thị đưa tin, xin được trích nguyên văn: “Ngày 17.5.2012, ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Nai đã có công văn gửi các cơ quan báo chí đề nghị “chia sẻ, tuyên truyền thông tin đúng chủ thể. Nhà máy xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp Long Thành thuộc công ty cổ phần Sonadezi Long Thành.
Đây chỉ là 1/23 công ty thuộc tổng công ty Sonadezi. Do đó, không được đề cập đến tổng công ty Sonadezi và cá nhân đồng chí Đỗ Thị Thu Hằng, chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc, đại biểu Quốc hội. Đồng thời đề nghị báo đài tuyên truyền đúng sự thật, định hướng, không đưa thông tin sai lệch để kẻ xấu lợi dụng, xuyên tạc, kích động quần chúng nhân dân”.
GSTS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên đại biểu Quốc hội nhận xét về việc này:
Không ai có quyền ngăn cản các nhà báo tác nghiệp cả. Càng không có quyền hướng dẫn các nhà báo phải làm thế này phải làm thế kia.
GSTS Nguyễn Minh Thuyết
"Tôi cho là văn bản chỉ đạo của tỉnh Đồng Nai là không đúng. Không ai có quyền ngăn cản các nhà báo tác nghiệp cả. Càng không có quyền hướng dẫn các nhà báo phải làm thế này phải làm thế kia.
Còn trường hợp vị đại biểu này tôi nghĩ rằng bà ấy là Chủ tịch hội đồng quản trị của công ty Sonadezi thì phải chịu trách nhiệm về tất cả các việc làm của công ty của mình trong đó có cả công ty thành viên nữa.
Chúng ta không thể nào chấp nhận được một đại biểu của dân mà lại để cho doanh nghiệp của mình sả thải làm ô nhiễm môi trường. Vừa vi phạm pháp luật vừa ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân. Cho đến nay theo tôi biết thì vụ việc này cũng chưa giải quyết được đền bù cho ổn thỏa những thiệt hại của người dân."
Dưới cái nhìn luật pháp luật sư Bùi Quang Nghiêm chia sẻ:
"Nếu thực sự có chỉ đạo đó của Ban Tuyên Giáo tỉnh Đồng Nai thì chính người ký và cơ quan Ban Tuyên Giáo của tỉnh Đồng Nai đã


Uỷ Ban Nhân Dân tỉnh Đồng Nai . (chinhphu.vn)
làm sai và vi phạm Luật Báo chí. Đấy là một bằng chứng chứng minh rằng Đảng che chở cho một người đứng đầu một doanh nghiệp có hành vi sai trái liên quan đến luật bảo vệ môi trường."

Việc gì xảy ra nếu báo chí được lên tiếng?

Người dân không còn lạ gì việc kiểm soát báo chí một cách khắc khe của bộ Thông tin và Truyền Thông, tuy nhiên Ban tuyên giáo tỉnh Đồng Nai đã vi phạm luật Báo chí Việt Nam khi ngăn cản báo chí đưa tin một sự kiện thách thức niềm tin của quần chúng đối với cương vị một đại biểu Quốc hội.
Ngăn cản báo địa phương đưa tin theo cách làm này là tiếp tay tăng thêm sự nghi ngờ của cử tri đối với tư cách của đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng. Nghiêm trọng hơn nữa nếu cho rằng đưa tin sự sai phạm của bà Hằng là đưa thông tin sai lệch để kẻ xấu lợi dụng, xuyên tạc, kích động quần chúng nhân dân. Đây là cách chụp mũ nguy hiểm khiến người dân thấy rõ hơn tính cách che đậy việc xấu của một cơ quan nhà nước.
Là người từng giữ chức phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, luật sư Trần Quốc Thuận cho biết nhận xét của ông:
Việc can thiệp vào hoạt động của tự do báo chí là không bình thường và vi phạm vào Luật Báo chí và như vậy là vi phạm pháp luật.
LS Trần Quốc Thuận
"Vấn đề kiểm soát báo chí ở Việt Nam thì dư luận người ta cũng đồng tình khi báo chí Việt Nam được xếp thấp nhất thế giới, điều này khiến tôi rất buồn.
Việc can thiệp vào hoạt động của tự do báo chí là không bình thường và vi phạm vào Luật Báo chí và như vậy là vi phạm pháp luật. Người can dự vào Luật Bảo vệ Tài nguyên Môi trường cũng vi phạm Luật Báo chí. Tại sao không được đăng tin này?
Câu chuyện này cũng là cái dịp để nói trong không khí chống tham nhũng hiện nay. Nếu không công khai, không đấu tranh thì cũng có những lãnh đạo cao cấp, nguyên trong Ban chấp hành Trung ương đảng cũng đã nói muốn đấu tranh chống tham nhũng thì phải để báo chí tự do lúc đó sẽ biết ai là người tham nhũng thôi.
Sự kiện của một xí nghiệp tại sao lại ngăn cản? Tôi nhớ vụ Vedan nơi khởi xướng lên chính là Đoàn luật sư Bà Rịa Vũng Tàu. Vedan ô nhiễm rất nặng và cuối củng phải đền cho nông dân hơn 100 tỷ, cho nên việc ngăn cản này là không bình thường."

Tác hại từ một quyết định

Trước ý kiến cho rằng Quốc hội vừa bãi chức đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến thì đối với đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng có thể yêu cầu bà giải trình vụ việc Sonadezi hay không, Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng đây không phải là trách nhiệm của Quốc hội ông nói:
"Về mặt luật pháp thì Quốc hội cũng có quyền cử những đoàn giám sát những xí nghiệp đặc biệt như thế. Trong vụ án Vinashin Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đã từng nói rằng Quốc hội phải thành lập một Ủy ban đặc biệt giám sát Vinashin, mà cái này thì đúng luật. Quốc hội không nghe cá nhân người đại biểu ấy giải trình được vì trong luật không có ghi về điều này. Mà điều đó cũng không hợp lý.
Tôi cho rằng ở Việt Nam nếu cho thành lập một Ủy ban giám sát thì nên tập trung lật lại vụ Vinashin làm đến nơi đến chốn hay diều tra vụ Vinalines... còn vụ của bà đại biểu này là vi phạm tự do báo chí, vi phạm luật mội trường và có biểu hiện tham nhũng."
Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng tuy là Tổng giám đốc kiêm chủ tịch Hội đồng Quản Trị của Sonadezi nhưng những sai phạm của công ty chỉ là sai phạm hành chánh vì vậy văn thư của Ban tuyên giáo tỉnh Đồng Nai chỉ có tác dụng đổ thêm dầu vào lửa, khiến cho người dân đánh giá xấu về vai trò của bà trong nghị trường quốc hội.
Hơn thế nữa, việc cấm báo chí cho thấy sự tùy tiện cộng với quyền hạn vô tận của một ban tuyên giáo cấp tỉnh đáng được báo động nhất là trong tình hình tiêu cực tràn lan hiện nay rất cần đến vai trò đưa tin trung thực của báo chí.


nguồn_RFA:http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/auth-ban-media-sona-vio-06212012091451.html
---------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001