Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012

Ngoại trưởng Clinton chào đón bà Aung San Suu Kyi tại Washington 

Lãnh tụ dân chủ Miến Điện Aung San Suu Kyi gặp Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Bộ Ngoại giao ở Washington, ngày 18/9/2012

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Hillary Clinton chào đón bà Aung San Suu Kyi đến Washington, bắt đầu chuyến thăm đầu tiên của lãnh tụ dân chủ đối lập Miến Ðiện đến Hoa Kỳ kể từ khi bà được trả tự do, thôi bị quản thúc tại gia vào năm 2010.

Trong phát biểu ngắn với các phóng viên báo chí khi bắt đầu cuộc gặp gỡ hôm nay, thứ Ba, Ngoại trưởng Clinton nói rằng chuyến thăm của bà Aung San Suu Kyi đến Hoa Kỳ tạo ra một không khí nhiệt tình và phấn khởi lớn.

Lãnh tụ đối lập Miến Ðiện đã đến Hoa Kỳ hôm qua, thứ Hai, bắt đầu chuyến thăm 17 ngày.

Theo dự tính, bà sẽ phát biểu về chuyển tiếp chính trị ở Miến Ðiện và những thách thức mà nước này đang đối diện.

Khôi nguyên giải Nobel Hòa bình sẽ đến thăm Ðài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA, trong ngày hôm nay, thứ Ba.

Chuyến thăm Hoa Kỳ của bà Suu Kyi trùng với dịp Tổng thống Miến Ðiện Thein Sein cũng đến Hoa Kỳ để phát biểu tại Ðại hội đồng Liên hiệp quốc.

Trong năm qua, bà Aung San Suu Kyi đã chuyển đổi từ nhân vật bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất của Miến Điện thành một thành viên của quốc hội nước này.

Tại Washington, bà Aung San Suu Kyi sẽ nhận Huy chương Vàng Quốc hội, vinh dự cao quý nhất của quốc hội Mỹ dành cho những nhân vật dân sự.

nguồn:http://www.voatiengviet.com/content/ngoai-truong-clinton-chao-don-ba-aung-san-suu-kyi-tai-washington/1510289.html
======================================================================
Chuyến đi Mỹ của bà Suu Kyi cho thấy tiến bộ trong quan hệ với Miến Điện

Bà Aung San Suu Kyi đã chuyển đổi từ nhân vật bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất của Miến Điện thành một thành viên của quốc hội nước này

Brian Padden
Lãnh tụ dân chủ Miến Điện Aung San Suu Kyi đến Hoa Kỳ trong chuyến du hành nước ngoài thứ nhì kể từ khi được trả tự do sau hai thập niên bị giam cầm. Bà sẽ ghé thăm thủ đô Washington, New York và hai tiểu bang Kentucky và Indiana. Theo tường thuật của thông tín viên Brian Padden của đài VOA, chuyến đi của bà Suu Kyi diễn ra trong lúc chính phủ Mỹ định nới lỏng thêm các biện pháp chế tài Miến Điện.

Trong năm qua, bà Aung San Suu Kyi đã chuyển đổi từ nhân vật bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất của Miến Điện thành một thành viên của quốc hội nước này.

Tại Washington, bà sẽ nhận Huy chương Vàng Quốc hội, vinh dự cao quý nhất của quốc hội Mỹ dành cho những nhân vật dân sự.

Các tổ chức nhân quyền cho biết việc bà Suu Kyi được trả tự do năm 2010 sau hai thập niên bị giam cầm, cuộc bầu cử quốc hội diễn ra trong cùng năm đó và việc phóng thích hàng trăm tù nhân chính trị là những tiến bộ rất lớn hướng tới chỗ chấm dứt chế độ cai trị độc tài đàn áp ở Miến Điện. Trong những năm đầu thập niên 1990 Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp chế tài sau khi tập đoàn tướng lãnh không chịu trao quyền cho một quốc hội được bầu ra một cách dân chủ, đàn áp thô bạo những cuộc biểu tình phản kháng của dân chúng và những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng khác.

Tổng thống Thein Sein lên nắm quyền hồi năm ngoái và đã thực hiện những biện pháp cải cách này với hy vọng là các biện pháp chế tài sẽ được tháo dỡ. Nhưng ông Tom Malinowski, Giám đốc tổ chức Human Rights Watch ở Washington, nói rằng bà Suu Kyi đã hô hào cho một sự hồi đáp có tính chất thận trọng hơn.

Ông Malinowski nói: "Bà ấy ủng hộ cho việc tháo dỡ một cách tuần tự các biện pháp chế tài Miến Điện. Chúng tôi cũng vậy. Vấn đề là tiến trình đó diễn ra theo thứ tự trước sau như thế nào và làm thế nào để tiến trình đó được dùng để tạo ra thêm những động lực để Miến Điện thực hiện thêm các biện pháp cải cách."

Một số các biện pháp chế tài đã được nới lỏng. Mới đây Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã hướng dẫn một phái đoàn thương mại để thúc đẩy cho các hoạt động đầu tư vào Miến Điện. Và sự trợ giúp quốc tế cùng với các chương trình huấn luyện đang được thiết lập.

Mặc dù vậy, ông Malinowski nói rằng Hoa Kỳ cần phải tiếp tục gây áp lực để đòi chính phủ Miến Điện tiến hành hòa giải với các nhóm sắc tộc bị đàn áp, trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị, và quan trọng hơn cả là hạn chế quyền hành của quân đội.

Ông Malinowski cho biết: "Vấn đề quân đội có từ bỏ những quyền hạn rất lớn mà họ vẫn nắm giữù đối với hầu hết các khía cạnh sinh hoạt ở Miến Điện hay không vẫn còn là một vấn đề chưa có gì rõ ràng. Đó là cuộc trắc nghiệm thật sự và chúng tôi chưa thấy được Miến Điện có vượt qua cuộc trắc nghiệm đó hay không."

Ông Malinowski cho biết chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của bà Suu Kyi là một bước đi đúng hướng và là một dấu hiệu cho thấy sự chủ động giao tiếp có điều kiện với Miến Điện đang mang lại kết quả tốt.
nguồn:http://www.voatiengviet.com/content/chuyen-di-my-cua-ba-suu-kyi-cho-thay-tien-bo-trong-quan-he/1510094.html
=====================================================================
VOA phỏng vấn lãnh tụ đối lập Miến Ðiện Aung San Suu Kyi

Bà Aung San Suu Kyi nói chuyện với Giám đốc đài VOA David Ensor

Lãnh tụ đối lập Miến Ðiện Aung San Suu Kyi nói rằng cải cách chính trị và kinh tế ở đất nước bà không phải là không thể đảo ngược, nhưng bà cảm thấy được khích lệ về những bởi tiến bộ đã đạt được cho đến nay. Khôi nguyên Giải Nobel Hòa bình đã đến thăm trụ sở chính của đài VOA tại Washington, và nói chuyện với phóng viên Scott Stearns.

Tốc độ của đà thay đổi chính trị ở Miến Ðiện trong hai năm qua quả đáng ngạc nhiên: từ việc chấm dứt việc quản thúc tại gia bà Aung San Suu Kyi, tới việc bà được bầu vào Quốc hội, cho tới việc tháo gỡ hầu hết các biện pháp cấm vận, và việc phóng thích hơn 500 tù nhân chính trị trong tuần này.
"Trước hết, tôi sẽ nói đừng từ bỏ hy vọng. Đồng thời tôi sẽ nói rằng không có hy vọng nếu không có nỗ lực. Chúng ta phải cật lực làm việc. Chúng ta phải cố gắng. Chỉ ngồi đó mà hy vọng là không đủ. Ta phải làm việc để những niềm hy vọng của mình trở thành hiện thực." ...
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo thân dân chủ nói rằng tiến trình chuyển biến của Miến Ðiện không phải là không thể đảo ngược, cho đến khi quân đội hoàn toàn cam kết ủng hộ thay đổi.

Bà Suu Kyi phát biểu:

"Theo hiến pháp hiện hành, quân đội vẫn có thể nắm quyền kiểm soát tất cả các bộ phận của chính phủ nếu họ xét việc này là cần thiết. Vì vậy, cho tới khi quân đội khẳng định rõ và một cách nhất quán sẽ hỗ trợ tiến trình dân chủ, chúng ta không thể nói tiến trình đó không thể bị đảo ngược. Nhưng tôi cũng không nghĩ rằng chúng ta phải lo sợ quá đáng về nguy cơ một sự đảo ngược sẽ xảy ra.".

Quân đội đã cai trị Miến Ðiện trong nhiều thập niên, và đã ra sức đàn áp tất cả mọi phe đối lập. Do đó, Hoa Kỳ và nhiều nước khác đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với chính phủ Miến Ðiện.

Cuộc bầu cử năm 2010 đã bầu lên một số nhà lãnh đạo chính trị mới, những người tuy là dân sự, song có quan hệ mật thiết với quân đội. Tuy nhiên, chính phủ mới đã từng bước thực hiện cải cách chính trị và kinh tế, dẫn tới quyết định của Washington giảm bớt các biện pháp trừng phạt.

Các nhân viên đài VOA ngưỡng mộ bà Suu Kyi đã nồng nhiệt chào đón khi bà đến thăm đài
​​
Trong một cuộc phỏng vấn tại trụ sở Đài VOA ở Washington hôm thứ Ba, bà Aung San Suu Kyi nói bà ủng hộ quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại mà Hoa Kỳ áp đặt lên Miến Ðiện bởi vì theo lời bà, đã đến lúc để người dân Miến Ðiện đứng trên hai chân của chính họ. Bà nói:

"Đã có nhiều nhận định rằng các biện pháp trừng phạt Miến Ðiện đã tác động tới Miến Ðiện về phương diện kinh tế, nhưng tôi không đồng ý với quan điểm đó. Nếu bạn nghiên cứu các phúc trình của Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF chẳng hạn, thì tổ chức này đã nêu lên khá rõ ràng rằng tác động kinh tế đối với Miến Ðiện không đến nỗi nào. Tuy nhiên theo tôi, tác động chính trị của các biện pháp cấm vận rất lớn, và điều đó đã giúp chúng tôi trong cuộc đấu tranh cho dân chủ."

Trong cương vị là lãnh đạo của phe đối lập, Liên Minh Đấu tranh vì Dân Chủ Miến Ðiện, bà Aung San Suu Kyi đã trải qua gần hai thập niên trong tình trạng bị giam giữ. Trong suốt những năm đó, bà nói bà tin rằng bà đang trên con đường mà chính mình đã chọn, và hoàn toàn chuẩn bị sẵn sàng để tiếp tục tiến lên trên con đường đó.

Thế bà muốn nói gì với những người tại các nước khác đang trong tình huống tương tự, đang hướng về bà để tìm nguồn cảm hứng?

"Trước hết, tôi sẽ nói đừng từ bỏ hy vọng. Đồng thời tôi sẽ nói rằng không có hy vọng nếu không có nỗ lực. Chúng ta phải cật lực làm việc. Chúng ta phải cố gắng. Chỉ ngồi đó mà hy vọng là không đủ. Ta phải làm việc để những niềm hy vọng của mình trở thành hiện thực."

Trong chuyến đi thăm đầu tiên của bà tới Hoa Kỳ trong hơn 20 năm qua, bà Aung San Suu Kyi sẽ được trao Huân chương Vàng của Quốc hội Hoa Kỳ. Bà còn là khách mời danh dự tại một buổi dạ tiệc do Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton chủ trì.

Phóng viên VOA Scott Stearns phỏng vấn bà Suu Kyi

nguồn:http://www.voatiengviet.com/content/voa-phong-van-lanh-tu-doi-lap-mien-dien-aung-san-suu-kyi/1510692.html
=====================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001