Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2012

Đôi dòng hồi ức với ngày 19/8 và 2/9 năm 1945 

Vũ Cao Đàm

Giờ đây, trong tình thế sục sôi của đất nước, muôn vàn nguy cơ de dọa từ trong đến ngoài, không một ai yêu nước thương nòi có thế đắm mình vào hồi ức. Vũ Cao Đàm cũng thế, hồi ức của anh chỉ có giá trị lôi chúng ta đến đối diện với cái phũ phàng của thực tại.
Bauxite Việt Nam
Đoạn Một
Ngày ấy đối với chúng ta có lẽ đã xa lắm rồi. Với thế hệ chúng tôi, thì hầu như không ai là không có những kỳ niệm nào đó … vui và buồn với những cảm nghĩ … đến nay vẫn còn lắng đọng rất sâu … về cái ngày xa xôi ấy.
Khi đó gia đình tôi sống ở một con phố nhỏ bên bờ sông Luộc, phía bắc Thái Bình, có tên gọi là phố Bến Hiệp, cách huyện lỵ Quỳnh Côi chừng mươi cây số. Sớm sớm tôi đi theo con đê trải dài theo dòng sông để đến trường học. Nói là “trường học” nhưng thật ra đó là một ngôi đình rất đẹp trong làng An Hiệp. Dân làng gọi đó là Đình Đá.
Cuộc sống êm đềm trôi theo dòng sông nhỏ, tưởng như không vướng bận chút sầu tư.
Nhưng rồi ánh mắt trái tim non nớt của chúng tôi bắt đầu được chứng kiến những điều vượt khỏi hiểu biết quanh góc sân nhà mình… Những buổi sớm còn lốm đốm lớp sương mai phủ trắng thảm cỏ chúng tôi được chứng kiến người chết đói nằm la liệt bên bờ đê. Rồi đến một đêm nghe vang vọng đâu đó tiếng súng nổ và những tiếng hô vang… Đó là đêm 18 tháng 8 năm 1945… Sáng dậy dân phố nghe tin ông Đội Truyện, ông Lục Sần ở Quỳnh Côi đã bị những người nổi dậy giết chết… Hai ông này, một ông là quan huyện, giữ chức Lục sự (giống như chánh văn phòng cơ quan ủy ban huyện hiện nay), còn một ông đóng chức Đội trong nhà binh, làm nhiệm vụ cai quản đám lính tráng trong huyện… Và sớm hôm sau, 19/8/1945, thì cờ đỏ đã giăng kín đầy hai bên con phố nhỏ của chúng tôi. Huyện Quỳnh Côi là một trong những huyện nổ ra cuộc khởi nghĩa giành chính quyền sớm nhất tình Thái Bình.
Bố tôi khi đó là một “hương sư”, tiếng ngày nay gọi là thầy giáo trường làng. Các thầy giáo làng cùng với giới quan chức ở huyện Quỳnh Côi và các nhà buôn giao du với nhau, họp thành một tầng lớp “thượng lưu” trong con phố nhỏ. Bố tôi cùng giới “thượng lưu” phố nhỏ tối tối hay tụ tập đánh mạt chược. Tôi thấy có mặt cả thầy giáo Tố, thầy giáo Huệ, thầy giáo Nẫm, vài nhà buôn hoa kiều, các vị chánh tổng, lý trưởng và vài quan chức ở huyện. Đêm 18/8/1945, bố tôi và mấy người trong hội mạt chược mất tích suốt đêm, mẹ tôi lo lắng khi nghe tin các ông Lục sần và ĐộiTruyện bị giết, vì các ông này đôi lúc cũng tham gia hội mạt chược cùng với bố tôi. Mãi về sau này tôi mới hiểu, cái hội mạt chược là một hình thức để các nhà hoạt động cách mạng ở phố tôi họp “hội kín” và thâm nhập giới thượng lưu hồi đó. Và cũng chính vì dân chẳng biết cái “hội kín” này là gì, nên sau khi được “phát động” nhằm “giác ngộ quần chúng” làm “cải cách ruộng đất” và “chỉnh đốn tổ chức”, bố tôi và một vài thầy giáo bị tố giác là Quốc dân Đảng, và suýt bị thủ tiêu, nếu không có cuộc sửa sai hồi năm 1958. Tôi được nghe lỏm, bố tôi và các thầy giáo hồi đó hay ngồi tâm sự, khi có lệnh sửa sai, thì một ông bạn nào đó trong cái nhóm chuyên phát lệnh bắt các cán bộ, đảng viên mới tiết lộ cho bạn bè một tin tức thật “giật gân”, rằng, “các cậu may mà gặp sửa sai đấy, vì lệnh bắt các cậu tôi đã cầm trong tay, chưa đến ngày phát đi thì có lệnh sửa sai… Nếu không thì hôm nay các cậu đã thành người thiên cổ”.
Nghĩ đến đây, một chuỗi dài kỷ niệm lại dội lên trong ký ức… Nó lạ lắm, có khi ào ạt đổ về như nước lũ, song có những khi lại êm ả trôi như cánh bèo lục bình xuôi theo dòng sông lặng sóng.
Tôi nhớ những ngày đầu năm 1945, những phong trào yêu nước khác nhau đã rộ lên, làm nhộn nhịp các anh chị thanh niên phố tôi. Vào những ngày trang trọng, tôi thấy nhà nào cũng treo cờ. Cái cờ Việt Nam dưới Triều Nguyễn mà tôi chứng kiến hồi đó thường treo bên cạnh là cờ tam tài của Pháp, là lá cờ “long tinh”, màu vàng có một sọc đỏ lớn ở giữa. Nhưng đến một ngày tháng Năm năm 1945 dân phố treo một lá cờ khác, cờ vàng có ba sọc đỏ, hai vạch liền hai bên và một sọc có khoảng cách ở giữa, các thầy giáo chỉ cho chúng tôi, đó là cờ “Quẻ Ly”. Quẻ Ly là quẻ thứ 30 trong Kinh Dịch. Quẻ Ly là biểu tượng của sự sáng chói, dường như nó mang ý nghĩa là nước Việt Nam tỏa ánh sáng giữa nhân gian.
Thời đó chúng tôi hội họp vui chơi trong Hội Hướng đạo sinh, chúng tôi được các anh huynh trưởng gọi là lũ “sói con”. Các anh đưa đi cắm trại. Được chơi các trò chơi của sói. Trong các mục sinh hoạt, chúng tôi được biết thế nào là lòng yêu Tổ quốc. Rồi đến ngày Chính phủ Trần Trọng Kim xuất hiện. Các anh huynh trưởng nói, đây là Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Các anh dạy chúng tôi chào cờ, dạy hát bài “Đăng đàn cung” để chào cờ, các anh gọi đó là quốc ca, chúng tôi còn nhớ nhiều đoạn trong ca từ đó…
Một dòng ta gầy non sông vững chặt,
Đã ba ngàn mấy trăm năm.
Bắc Nam cùng một nhà,
…………….
Màu gấm hoa càng sẵn, cố yêu nhau, với nhau một niềm:
Nguyện nhà Việt Nam muôn đời thạnh trị
Câu chuyện diễn ra chưa lâu thì đến ngày tổng khởi nghĩa giành chính quyền như tôi vừa nhớ lại ở phần đầu bài viết. Lần này thì chúng tôi chứng kiến một ngọn cờ khác ở hai bên dãy phố: Cờ đỏ sao vàng có dòng chữ đen viết ở mép trên của lá cờ: “Việt Nam Độc lập Đồng minh”.
Chúng tôi lại được họp Hội Sói, và lại chào cờ, nhưng lần này không phải là cờ quẻ ly, và cũng không phải là cờ long tinh, mà là cờ đỏ sao vàng. Chúng tôi háo hức lắm, tự động cất giọng ca bản “Đăng đàn cung”. Cả bầy sói chúng tôi hát láo nháo chẳng có ai bắt giọng. Tôi vừa cất giọng theo các bạn “Một dòng ta gầy non sông…” thì anh huynh trưởng cười rất tươi, nắn cái mũ nâu rộng vành của sói: “Hôm nay không hát bài đấy nữa các em”. Rồi anh dạy chúng tôi bài quốc ca khác:
“Giờ đây anh em chúng ta cùng nhau xếp hàng chào cờ cứu quốc
Nắm tay ta hãy đồng thanh mà ca một bài độc lập tự do”
Lũ sói con chúng tôi nhận ra bài hát có một giai điệu rất quen thuộc, và thế là, đột nhiên chúng tôi đồng thanh bật lên say sưa bằng tiếng Pháp:
Ce n’est qu’un au-revoir, mes frères, ce n’est qu’un au-revoir
Oui, nous nous reverrons, mes frères, ce n’est qu’un au-revoir
Anh huynh trưởng lại được một trận nữa cười rũ rượi. Anh khoát tay ra hiệu ngừng. Chúng tôi dừng hát, ngạc nhiên, hỏi: “Vì vao anh lại cười chúng em?” Anh trấn an chúng tôi: “Các em hát đúng rồi”. Nhưng rồi anh khựng lại một chút: “Các em hát bài đó là bài ca quen biết của chúng ta, bài Chant Des Adieux (Bài ca tiễn biệt), còn bây giờ thì hát lời ca khác để chào cờ của nước Việt Nam độc lập”. Hồi đó chưa có bài Tiến Quân Ca, và chúng tôi đã hát chào cờ bằng lời Việt phỏng theo giai điệu của bài Chant Des Adieux. (Giới trẻ hiện nay hát bằng lời tiếng Anh, gọi là bài Auld Lang Syne)
Cho đến mãi sau này, chúng tôi cũng vẫn không được biết ai là người đặt lời cho bài hát đó để chào cờ. Cũng có khi chính là các anh huynh trưởng của chúng tôi, vì lòng yêu nước đã đặt lời cho chúng tôi hát chào mừng lá cờ của Việt Nam độc lập.
Đến mùa hè năm 1947 Bến Hiệp nhận được lệnh tiêu thổ kháng chiến, trường An Hiệp không còn học nữa, các thầy mỗi người đi một phương, bố tôi cũng rời gia đình từ đó để đi vào cuộc kháng chiến chống Pháp lâu dài của dân tộc.
Vùng đất Thái Bình của tôi cũng như nhiều vùng khác của đất nước, khi thì thuộc khu vực kiểm soát của Chính phủ kháng chiến Hồ Chí Minh, khi thì thuộc vùng kiểm soát của người Pháp. Đến năm 1949, theo một sự thỏa thuận giữa Pháp và Cựu hoàng Bảo Đại, một chính phủ không cộng sản được thiết lập ở Việt Nam. Trong khi đó, sau chiến thắng biên giới 1950, Đảng Cộng sản Việt Nam trở lại hoạt động công khai sau một thời gian tuyên bố giải tán. Chính phủ Hồ Chí Minh tuyên bố dựa hẳn vào khối XHCN và xây dựng chính thể XHCN.
Từ đây, chiến tranh Việt Nam chính thức mang màu sắc ý thức hệ, với sự tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp của các nước thuộc hai khối, một khối do Mỹ và Pháp can thiệp, còn một khối do Liên Xô và Trung Quốc hậu thuẫn.
Chính phủ Hồ Chí Minh gọi Chính phủ Bảo Đại là ngụy quyền bù nhìn tay sai của Pháp. Nhưng một thực tế không thể phủ nhận, là cái chính phủ bù nhìn của Cựu hoàng Bảo Đại đã nhanh chóng được nhiều nước công nhận và đặt quan hệ ngoại giao ở cấp đại sử, trong khi mãi đến năm 1950 Chính phủ Hồ Chí Minh mới được 2 nước Trung Quốc và Liên Xô công nhận. Chính phủ Bảo Đại đã lôi kéo được hàng loạt nhân sỹ trí thức rời bỏ kháng chiến để về cộng tác với mình. Nếu lấy mốc là ngày 19/12/1946, ngày toàn quốc kháng chiến, thì tất cả các thành phố đã trở thành hoang vắng, dân chúng đã thực hiện “vườn không nhà trống” và “bất hợp tác với Pháp” để đi theo Chính phủ Hồ Chí Minh, thì với sự hình thành Chính phủ Bảo Đại, phong trào dân chúng “hồi cư” đã tạo nên một dòng di dân vĩ đại đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, dòng người từ bỏ kháng chiến để về với Chính phủ Bảo Đại, là một chính phủ không cộng sản. Chỉ tính riêng ba thành phố ở miền Bắc (tại thời điểm 1954) đã có tới trên nửa triệu người quay về với Chính phủ Bảo Đại: Hà Nội khi đó có khoảng 450.000 dân, Hải phòng – 170.000, Nam Định – khoảng trên dưới 100.000; Cuộc di dân lớn lần thứ hai diễn ra vào thời kỳ chia cắt đất nước Tháng 7/1954; và cuộc di dân lớn lần thứ ba là cuộc di tản ra nước ngoài sau ngày thống nhất đất nước, Tháng 4/1975.
Bản thân tôi được chứng kiến rất nhiều điều thú vị trong vùng hai chính quyền này. Ban ngày thì Chính quyền Bảo Đại kiểm soát, ban đêm thì Chính phủ kháng chiến kiểm soát. Nhiều vị bạn bè của bố tôi đã từ bỏ kháng chiến để trở về với Chính phủ Bảo Đại. Các vị ấy còn khuyên mẹ con tôi thuyết phục bố tôi về cộng tác với Chính phủ Bảo Đại.
Sau chiến thắng biên giới tin tức về phe XHCN ngày càng dồn dập và phong phú, những đoàn công tác nước ngoài, những người đi dự các Festival thanh niên thế giới về đã dựng trước mặt thanh thiếu niên chúng tôi hồi đó những bức tranh tuyệt đẹp về cuộc sống tại các nước XHCN, cho nên, trong ý thức của chúng tôi, những lời khuyên của bạn bè của bố tôi được xem là lạc lõng, là mắc phải bả “bơ thừa sữa cặn” của đế quốc sài lang.
Tuy nhuốm màu sắc ý thức hệ, nhưng cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp vẫn có sức hấp dẫn với thanh thiếu niên chúng tôi thời đó, hơn nữa, vào nửa đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa cộng sản vẫn có sức hấp dẫn rất lớn đối với giới trí thức trên thế giới. Chúng tôi ngưỡng mộ đất nước Xô-viết với những bản dịch các bài viết của Ehrenbourg, rồi Majakovski và Simonov chép tay mà chúng tôi chuyền nhau trong nhà trường kháng chiến; và sau này đến những tác phẩm của Nga và Liên Xô, như Lev Tolstoi, Aleksei Tolstoi, Solokhov, Korolenko, Pautovskii, .. Rồi đến những tháng ngày lang thang trên đất nước Liên Xô và sống bên cạnh cái đôn hậu của những người xô-viết …, càng làm cho tôi thêm gắn bó tình cảm với đất nước của Cách mạng Tháng Mười của Lênin, cái nôi của khối XHCN.
Rồi dòng văn học cách mạng mà chúng tôi được tiếp nhận từ lớp trí thức đàn anh, những người đã từ giã ngôi trường thân yêu của mình đi vào cuộc kháng chiến của dân tộc:.
….
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa


Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
(Quang Dũng, Tây Tiến)


Rồi,
Ngôi sao nhớ ai mà lấp lánh
Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây
Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh
Sưởi ấm lòng chiến sĩ dưới ngàn cây

Anh yêu em như yêu đất nước
Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần
………

Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt
Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời
Ngọn lửa trong rừng bập bùng đỏ rực
Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người

(Nguyễn đình Thi, Nhớ)
Và cả những lời ca da diết

…………
Ai về thủ đô tôi gửi vài lời
Tây Hồ mờ xa là nhà tôi đó
Ai về thành đô tôi gửi vài lời
Cho nhẹ lòng tôi năm tháng khôn nguôi
Đây chợ Đồng Xuân bên dòng Nhị Hà
Khi chiều dần buông tôi hay qua đó
Đây gần Hồ Gươm trên nhịp cầu hồng
Đi học về qua luôn hát vui ca
………

Đô thành kháng chiến, khói lửa ngút trời
Trên đường đi chiến đấu lòng khôn nguôi
Ghi từng góc phố, ghi từng mái nhà
Mai tự do giải phóng ta lại về
Cất bước ra đi chiều năm xưa
Dặm dài kháng chiến mong ngày về
Bụi đường trường chinh pha mái tóc
Nhớ tới khi đi ghi lời thề.


Và chúng tôi cũng kiêu hãnh như chính chàng trai Hà Nội, tác giả bài hát:
……….
Lòng tự hào ra đi kháng chiến
Đất nước thiêng liêng ghi ngày về

Ngày ấy ta sẽ về thủ đô đắp xây chốn xưa…

(Sẽ về Thủ đô, Huy Du)

Đoạn Hai
Sự sụp đổ của hệ thống XHCN đã làm cho tôi phải suy nghĩ về thân phận của Tổ quốc mình.
Tôi được nghe những dự báo về tính tất yếu của sự sụp đổ của chế độ xô-viết từ chính miệng những người dân bình thường của xã hội xô-viết, chứ không phải là những tài liệu từ đâu đó, của các “thế lực thù địch”. Tôi nhớ khi đó là vào mùa hè năm 1975. Tôi được cái “may mắn” là đi nằm điều trị hai tháng ở một bệnh viện dành cho thường dân ở ngoại ô Moskva.
Bệnh của tôi hình như cũng chẳng có gì là nghiêm trọng, cho nên chiều chiều được bác sỹ cho phép đi dạo trong khuôn viên của bệnh viện, được trò chuyện với đủ loại bệnh nhân, từ anh kỹ sư bỏ nghề xin làm công nhân xí nghiệp, đến các vị là giảng viên đại học và những người hưu trí…
Tôi được nghe họ phê phán các nhà lãnh đạo của đảng, họ gọi những người lãnh đạo là bọn chuyên quyền, vừa tham nhũng vừa chống tham nhũng, và họ đặt tên cho các nhà lãnh đạo là bọn hooligan (cả tiếng Nga và tiếng Anh đều nghĩa là bọn du côn).
Cũng trong bệnh viện, tôi được đọc bản đánh máy của tác phẩm Quần đảo ngục tù được giải Nobel của Solzhenitsyn, Bác sỹ Zhivago được giải Nobel của Pasternak, và Trái tim chó của Bulgakov. Ba tác phẩm này thực sự đã cho tôi hiểu biết đến tận những góc tối sâu xa tồi tệ nhất trong cái mô hình kinh tế – xã hội cực kỳ phi nhân bản của Lênin, và tôi được nghe chính những con người xô-viết bình thường này dự báo hệ thống XHCN của họ chắc chắn phải sụp đổ và phải được thay thế bời một xã hội dân chủ và tự do.
Tôi quay trở lai đất nước của mình, đất nước được khởi đầu từ ngày tôi cùng với Bầy Sói con háo hức đón chào với những tình cảm hoàn toàn trong sáng.
Tôi nhớ lại một ngày đầu năm 1960, tôi trong nhóm sinh viên đi nghe xử vụ án gián điệp Nguyễn Hữu Đang và Thụy An, trong đó có một bị can là anh sinh viên tên Hoàng, đang học Khoa Cơ khí của trường tôi, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Tôi khi đó đang là sinh viên năm thứ ba. Anh Hoàng học trên tôi một lớp. Anh ta bị bắt từ lúc đang còn học năm thứ hai. Hoàng quê ở Nghệ An, người thấp bé, chân bị tật, đi hơi lệch người, nhưng học rất giỏi, theo được truyền thống của các cụ đồ xứ Nghệ. Chúng tôi được nghe đầy đủ phần luận tội của ủy viên công tố, trong đó có đưa một nhận định là Hoàng trẻ người non dạ, bị dụ dỗ mua chuộc, vân vân và vân vân. Đến phần Hoàng được phát biểu ý kiến, thì Hoàng cười nhếch mép, nói năng rất tự tin và bình tĩnh (tôi chỉ nhớ và ghi lại được ý của Hoàng): “Tôi không bị ai mua chuộc và dụ dỗ cả. Tôi chiến đấu vì lý tưởng của tôi. Lý tưởng đó là chống cộng sản, vì tự do và dân chủ cho dân chúng”. Anh ta chỉ nói chừng ấy lời, rất giản dị.
Tôi nghe xong thì ngẫm nghĩ anh chàng này ghê thật. Nhưng nghĩ theo hướng là anh ta ngoan cố.
Nhưng những lời phát biểu của anh ta trước tòa cũng buộc tôi phải suy nghĩ là anh ta theo đuổi một lý tưởng nào đó ngay trong lòng chế độ của chúng ta.
Được học trong một trường đại học lớn ở Hà Nội, tôi có cơ hội được theo dõi đầy đủ diễn biến của vụ án Nhân văn – Giai phẩm, mà Nguyễn Hữu Đang và Thụy An là những người chủ xướng. Có thể nói là tôi đã đọc hầu hết các bài trong 5 số của tờ Nhân văn, cũng đọc cả những vần thơ đầy nước mắt khắc khoải của Lê Đạt trong Giai phẩm Mùa Xuân:
…………..
Giông bão mênh mông
Anh nhìn Tổ quốc
Đất nước đêm nay trĩu đầu ngòi bút
Hàng vạn vần thơ mang nặng tình người
Anh nghe tiếng đất trời
Xao động lùm cây ngọn cỏ
Như hiệu thính viên
Đêm không ngủ
Ghi những lời cuộc sống
điện về
Những tiếng nặng nề
Những tiếng cục cằn uất ức
Những tiếng căm thù chua xót
Những tiếng yêu thương

Mỗi ngày bao nhiêu vui buồn
Đè nặng trên đầu anh suy nghĩ
Một người lực sĩ
Chỉ mang nổi ngàn cân
Anh suốt tháng suốt năm
Chỉ mang quả địa cầu trong óc
Anh nhớ ngày em khóc
Ôm bụng kêu trời
Mấy chị hộ sinh nói khẽ
“Chiếc thai quá to
Cả mẹ cả con khó lòng sống được”
Mỗi lần đẻ bao buồn vui, chua xót.

Người làm thơ nắng mưa thiêu đốt
Ăn nằm với cuộc đời
Thai nghén đất trời
Sinh ra sự sống
Nặng tâm tư của trăm ngàn quần chúng
Đau xót hơn bao nhiêu
(Lê Đạt, Làm thơ)

Lê Đạt đã xót xa khóc thương cho người mẹ Tổ quốc mang trong mình cái thai quá lớn, có thể “Cả mẹ lẫn con khó lòng sống được”, và ông viết tiếp:

“Anh muốn Đảng gọi anh đến nơi
Hội ý về cuộc sống
Điều động anh vào Bộ Tâm hồn quần chúng
Giúp Trung ương
Xây dựng
Những con người

Từng từng giọt mồ hôi
Đẫm bản đồ chinh sách
Anh mở lối giữa cuộc đời ngóc ngách
Óc anh là một công trường
Mỗi dòng thơ là một cây số mới
Trên con đường đi tới
Xã hội
Ngày mai
Một tiếng súng tương lai
Nổ vào đầu dĩ vãng
Anh vác bút đi theo Đảng
Xông lên hàng đầu”
Những khắc khoải lo âu ấy của thế hệ ông đã được Đảng đáp trả với những lời lẽ xứng đáng. Trong cuốn Qua cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại “Nhân Văn – Giai Phẩm” trên mặt trận văn nghệ, nhà xuất bản Văn Hoá, 1958, ông Tố Hữu đã nhận định về phong trào này và những người bị coi là dính líu như sau:
Lật bộ áo ‘Nhân Văn – Giai Phẩm’ thối tha, người ta thấy ra cả một ổ phản động toàn những gián điệp, mật thám, lưu manh, trốt-kít, địa chủ tư sản phản động, quần tụ trong những tổ quỷ với những gái điếm, bàn đèn, sách báo chống cộng, phim ảnh khiêu dâm” (trg 9).
“Trong cái công ty phản động “Nhân Văn – Giai Phẩm” ấy thật sự đủ mặt các loại “biệt tính”: từ bọn Phan Khôi, Trần Duy mật thám cũ của thực dân Pháp đến bọn gián điệp Thụy An, từ bọn trốt-kít Trương Tửu, Trần Đức Thảo đến bọn phản Đảng Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Lê Đạt. Một đặc điểm chung là hầu hết bọn chúng đều là những phần tử thuộc giai cấp địa chủ và tư sản phản động, và đều ngoan cố giữ lập trường quyền lợi giai cấp cũ của mình, cố tình chống lại cách mạng và chế độ” (trg 17).
Heraclitus có nói một câu rất hay rằng “Không ai có thể tắm hai lần trên mọt dòng sông”. Các thầy dạy triết học theo trường phái biện chứng duy vật thường dùng câu nói này của Heraclitus để mở đầu bài giảng của mình. Thế mà chúng ta, những môn đệ của triết học biện chứng duy vật vẫn đang nhung nhúc tắm nhiều lần trên cùng một dòng sông của lịch sử. Kịch bản đang diễn ra trước mắt chúng ta đúng hệt như câu chuyện của năm mươi năm trước.
Nhưng không phải bây giờ mới có. Trong hệ thống của chúng ta, lâu lâu lại xuất hiện một câu chuyện nào đó, khi thì lớn, khi thì nhỏ, nhưng nó lặp lại gần như một phiên bản của một kịch bản nào đó, ước định sẵn trong xã hội chúng ta.
Và rồi cuộc hôn nhân kéo gần hết cuộc đời, người ta mới vỡ lẽ ra, nó không phải như cái mình mong đợi, như trong bài thơ Việt Phương
Ơi cách mng ta yêu mình từ
Như trẻ thơ yêu mẹ tự trong nôi
Ta chưa hiu những lẽ đời dâu b
Chỉ thy xa xa vòm sáng rạng ngời)
(Việt Phương, Năm xưa buổi lên đường)
Hiểu rồi, nhưng ta vẫn mong người tình của ta đẹp lên, đẹp lên như chính lòng ta mong đợi:
Ơi vì sao sáng trên trời
Sao long lanh thế vì đời cần sao
Mai này ta đủ tầm cao,
Sao cần ta đó nên sao sáng ngời.
(Việt Phương, Lời tựa Tập thơ Cửa mở)
Không biết trong các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước hiện nay liệu có còn ai biết rung cảm được trước những tình cảm chân thành ấy của dân chúng? Hay là mỗi khi nghe những tiếng nói thiết tha của dân thì luôn thấy gai gai như bên mình toàn là “thế lực thù địch” cả rồi?
Đoạn Ba
Đất nước ta hiện đang đứng trước những mối họa lớn chưa từng có trước một đế quốc xâm lược nhân danh anh em đồng chí cùng một bào thai ý thức hệ cộng sản, theo cách nói của người cộng sản Hun Sen trong luận án Tiến sỹ của ông ta mà tôi vừa phân tích đăng trên Bauxite Việt Nam số ra ngày 13/8/2012.
Đây là một hình thái đế quốc xâm lược kiểu mới, hoàn toàn mới. Đế quốc Trung Cộng luôn mồm tuyên bố không dùng vũ lực trên Biển Đông. Đúng, chúng có thể sẽ không hề tuyên chiến với dân tộc ta, mà dùng con bài dân sự để căng Việt Nam ra mà đánh đến thân tàn ma dại, kết hợp những đòn xâm lược bẩn thỉu theo đúng cái “văn hóa” bẩn thỉu của đoàn quân Tàu ô xâm thập Việt Nam hồi năm 1945 mà những người cùng thế hệ tôi đã được chứng kiến. Chúng tôi xin tạm tổng kết 10 chiêu thức bẩn thỉu trong một hình thái chiến tranh xâm lược chưa từng có trong lịch sử chiến tranh của nhân loại:
  1. Chúng làm suy yếu tiềm lực kinh tế đối phương bằng những con bài dân sự, với những bọn thương lái mạt hạng, với những chiêu thức y hệt nhau: Mua với giá cực hời để người ta đổ xô vào bán cho chúng. Khi “cá đã cắn câu” thì chúng dừng lại, không mua nữa để đối tác tự chết trên đống hàng ế của mình.
  2. Chúng tìm mua những mặt hàng vớ vẩn, như gỗ sưa, sâm 3 lá, và những thứ rất vớ vẩn và khó kiếm để căng nguồn lực lao động của quốc gia phục vụ cho các mục tiêu vớ vẩn của chúng mà lơ là công việc sản xuất nhằm vào nhu cầu quốc kế dân sinh. Hơn nữa tạo ra rối loạn trật tự xã hội, như kiểu ăn cắp gỗ sưa, phát triển đội ngũ sưa tặc, căng lực lượng an ninh vào đó để bảo vệ một thứ vớ vẩn là cây sưa, sao lãng nhiệm vụ cảnh giác bảo vệ an ninh chính là bọn đế quốc cộng sản xâm lược Đại Hán.
  3. Chúng tung ra những trò “mua đểu”, như mua chè bẩn, tạo tôm kém chất lượng với nhãn mác Việt Nam, Mua gạo kém chất lượng của Việt Nam để tung ra thị trường nhằm bôi nhọ các thương hiệu Việt Nam.
  4. Tìm mua những mặt hàng nhằm phá hoại an ninh quốc gia, như mua dây đồng vụn để người dân cắt trộm dây diện cao thế bán cho chúng; tìm mua cáp quang đã qua sử dụng để kích thích người dân (và các công ty) tổ chức cắt trộm cáp quang để phá hoại mạng lưới thông tin viễn thông.
  5. Tận diệt mùa màng của dân chúng bằng những chiêu như tận mua lá vải, lá nhãn khi cây nhãn đến mùa trổ hoa. Khi đó cây vải, cây nhãn sẽ không trổ hoa kết quả nữa mà chuyển sang đâm chồi nẩy lộc. Coi như Trung Cộng đã phá hoại mùa vải, mùa nhãn đang hứa hẹn của nông dân. Chiêu mua râu ngô non cũng thế, chúng thu mua râu ngô non với giá cao nhằm triệt tiêu mùa ngô trổ bắp đang tới gần.
  6. Một chiêu nữa, chúng thu mua ốc bươu vàng, mua đỉa, mua rắn, mua rùa tai đỏ với giá cao để kích thích dân ta nuôi những giống đó. Đến khi dân nuôi khắp cánh đồng thì chúng cắt hợp đồng để những thứ đó bành trướng tràn lan trên đồng ruộng.
  7. Với những chiêu thức trên, đế quốc Trung Cộng tìm mọi cách dùng dân Trung Cộng, không tốn một viên đạn nào để “căng dân ta ra mà đánh” theo đúng chiến sách chiến tranh nhân dân của ông tổ họ Mao của chúng.
  8. Phối hợp với đạo quân nhân dân đông đảo này, đạo quân chính quy tập trung đánh công nghiệp theo nhiều hướng: (1) Đút lót để thắng thầu tới 80% số công trình công nghiệp quan trọng, rồi trì hoãn tiến độ thi công để làm chậm kế hoạch công nghiệp hóa của Việt Nam; (2) Tạo sự phụ thuộc về công nghiệp của Việt Nam vào Trung Quốc để dễ bề thao túng, nhất là những lĩnh vực công nghiệp then chốt.
  9. Mua chuộc các nhà lãnh đạo để chiếm đóng những vị trí xung yếu về địa quân sự, như Bô-xít Tây Nguyên, 300 ngàn hecta rừng đầu nguồn. Nếu chiến tranh với Trung Cộng nổ ra, thì Tây Nguyên đã bị chiếm đóng, rừng núi đã bị chốt, không còn cả lối chạy lên rừng nữa.
  10. Trong khi chúng vẫn bô bô tuyên bố không dùng vũ lực ở Biển Đông, thì chúng đưa cả 23.000 tàu gắn mác dân sự ào ào tiến xuống Biển Đông. Chúng sẵn sàng cào “cái bộ mặt dơ bẩn Đại Hán” của chúng để ăn vạ nếu ai đó muốn ngăn cản làn sóng tiến quân bằng những bầy tàu dân sự trong hình thái chiến tranh nhân dân của họ Mao?
*
* *
Nhân hai ngày 19/8 và ngày 2/9 năm nay, trong khi các phương tiện truyền thông “lề phải” suốt ngày làm tôi say mê với các chiến thắng trong quá khứ của cha ông, tôi xin xen vào đôi dòng cảm nghĩ, và nhất là mười bài học cảnh giác trước ông bạn láng giềng lúc nào cũng xoen xoét đầu lưỡi “bốn tốt” và “mười sáu chữ vàng” trong cái “chủ nghĩa quốc tế vô sản” mỹ miều, nhưng chuyên thực hành những trò… có thể gọi là “chiến tranh theo một chiêu rất đểu cáng”, cực kỳ bẩn thỉu, chưa từng có trong lịch sử chủ nghĩa đế quốc xâm lược, làm mê muội đầu óc của những kẻ ngây thơ đang bán dần chủ quyền quốc gia, với những triền núi, cánh rừng đã thấm đẫm máu xương của cha ông, những người đã ngã xuống để bảo vệ và gìn giữ đất nước này.
V.C.Đ
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
nguồn:http://www.boxitvn.net/bai/40871
=============================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001