Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

ÔNG SÁU DÂN PHẢN ĐỐI THÓI 'VỪA ĂN CƯỚP VỪA LA LÀNG' 


Cố TTg Võ Văn Kiệt với nông dân nghèo
ÔNG SÁU DÂN PHẢN ĐỐI
THÓI “VỪA ĂN CƯỚP VỪA LA LÀNG”
* Minh Diện

Bvbqd - Đã 17 năm rồi, nhưng mỗi lần nhớ lại, tôi vẫn thấy xúc động và không thể quên được giọng nói ấm áp, lắng sâu mà đầy chí quyết, gương mặt kiên nghị mà hiền, dễ gần gũi của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông có tên thường gọi là Sáu Dân thật là xứng đáng, ông Sáu vì Dân. Lần ấy, ông tỏ ra rất khinh miệt và phản đối cái thói “vừa ăn cướp vừa la làng”, đồng thời chỉ đạo ngay việc cần sớm giải quyết quyền lợi chính đáng và hợp pháp cho người dân oan đi khiếu kiện.


Ngày ấy tôi nhận được lá đơn kêu oan của bà Lê Phước Huệ. Đọc lá đơn viết tay đầy lỗi chính tả và trình bày lộn xộn, tôi không hiểu hết nội dung bà muốn nói gì , nên phải đến trực tiếp gặp bà để tìm hiểu sự viêc.


Bà Lê Thị Huệ là vợ ông Nguyễn Văn Tăng tức Tư Tăng, anh hùng quân đội. Nói chính xác là vợ hai vì khi tập kết ra Bắc, ông Tư Tăng đã lấy vợ, khi về miền Nam chiến đấu ông gặp bà Huệ trong đường dây liên lạc điệp báo, hai người lấy nhau và sinh được một con trai.
Bà Lê Phước Huệ có ngưới anh ruột tên T, không lập gia đình, đã mua mấy ngàn mét vuông đất ở núi Nhỏ (Vũng Tàu) để trồng vườn và lập một cái am để tu tại gia. Ông T, được chế độ cũ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, đất đàng hoàng và đã sống ở đây hàng chục năm. Sau giải phóng một người bạn tên K, đến xin ở nhờ. Thấy bạn đang gặp hoạn nạn nên ông T đồng ý nhận vào làm vườn trả lương hàng tháng. Dần dần ông K đưa vợ con vào ở và sau đó nhập luôn hộ khẩu vào nhà ông T. Ông T rất tin bạn nên không quan tâm chuyện đó. Khi lâm bệnh biết không qua khỏi ông T làm di chúc cho em gái là bà Lê Phước Huệ thừa kế toàn bộ nhà đất theo luật định.
Khi ông T mất, bà Huệ đến kế thừa phần nhà cửa, đất đai theo di chúc ông T để lại thì bị ông K chống đối. Vụ tranh chấp dân sự sắp tới hồi kết thúc. Biết mình sẽ thua nên ông K móc nối với mấy vị chức quyền và Uỷ ban nhân dân thành phố Vũng Tàu ra quyết định thu hồi toàn bộ mấy ngàn mét vuông đất cùng cái am với lý do “đất của chùa giao cho giáo hội Phật giáo quản lý”. Bà Lê Phước Huệ đội đơn đi khắp nơi nhưng không ai bênh vực, giúp đỡ bà. Chính quyền Vũng Tàu tổ chức cưỡng chế ném cả giường chõng của mẹ con bà xuống biển. Người ta còn nói bà không phải là chiến sỹ biệt đông, cũng không phải vợ ông Tư Tăng mà là một “hạ sỹ quan ngụy” và kiến nghị thu hồi tấm huân chương đã cấp cho bà.
Tôi tìm gặp những người cùng đơn vị với ông Tư Tăng để xác minh lý lịch và mối quan hệ của bà Huệ là đúng sự thật. Tôi đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam, được biết ông T không phải nhà sư và nơi ông thờ pho tượng Phật ở núi Nhỏ chỉ là cái am chứ không phải ngôi chùa, và đây là tài sản riêng của ông không phải của tôn giáo như Uỷ ban nhân dân than thành phố Vũng Tàu ra quyết định thu hồi.
Bài phóng sự điều tra của tôi được đăng trên báo Tiền Phong và ngay lập tức bị Uỷ ban nhân dân thành phố Vụng Tàu lúc đó phản ứng gay gắt. Một số tờ báo hùa theo, bảo tôi ăn tiền của bà Lê Phước Huệ để đòi đất giúp bà ấy.
Tôi viết tiếp mấy bài báo đưa ra bằng chứng bà Huệ là chiến sỹ biệt động Sài Gòn, và nhà đất bà được hưởng thừa kế là hợp pháp, đồng thời tôi khẳng định chưa từng uống một ly cà phê của bà Huệ mà ngược lại, khi thấy bà bị giải tỏa còn biếu bà 500 .000 đồng vì thấy bà rất tội nghiệp. Nhưng, những bài báo của tôi gửi ra tòa soạn ở Hà Nội đều bị ông Dương Xuân Nam ách lại không cho đăng. Có lần Phó tổng biên tập kiêm thư ký tòa soạn Lương Ngọc Bộ đã dduwa bài dàn trang, nhưng Dương Xuân Nam vẫn ra lệnh bóc đi. Bởi vì lãnh đạo Vũng Tàu đã ra Hà Nội trực tiếp gặp Tổng biên tập, và một quan chức ở báo Bà Rịa Vũng Tàu là đồng hương của Dương Xuân Nam, đã gọi điện cho ông. Họ gặp nhau, nói với nhau như thế nào tôi không biết, chỉ biết ông Dương Xuân Nam tỏ thái độ rất căng thẳng đối với tôi và yêu cầu tôi viết tường trình, kiểm điểm.


Tôi không hiểu bằng cách nào mà Thủ tướng Võ Văn Kiệt biết chuyện đó. Một buổi sáng tôi đang ở cơ quan thì ông Quốc Tuấn, trợ lý của Thủ tướng gọi điện cho tôi Ông Tuấn nói: “Tớ hỏi mãi mới có số điện thoại của cậu. Anh Sáu muốn nghe chuyện đất đai của bà Huệ ở Vũng Tàu, cậu có thể nói cho anh nghe được không?”.
Tôi nói: “Vậy thì hay quá ! Anh nói anh Sáu cho em gặp vào lúc nào?”.
Ông Tuấn nói để hỏi anh Sáu rồi báo lại. Khoảng 10 giờ ông Tuấn bảo tôi đúng 1 giờ đến dinh Thống Nhất gặp Thủ tướng. Ông Tuấn nói thêm: “ Cậu chuẩn bị tài liệu thật chính xác và ngắn gọn để báo cáo với anh Sáu trong vòng 40 phút, vì 2 giờ anh Sáu phải chủ trì Hôi nghị ”.
Theo lời ông Tuấn đúng một giờ tôi có mặt ở dinh Thống Nhất và đã thấy Thủ tướng Võ Văn Kiệt đứng đợi ở cầu thang tiền sảnh. Ông cười bắt tay tôi và kéo tôi ngồi ngay ở bâc cầu thang bảo: “Anh Sáu muốn nghe việc cưỡng chế đất của bà Lê Phước Huệ. Em biết đến đâu cứ nói hết”. Tôi báo cáo với Thủ tướng toàn bộ sự thật về vụ tranh chấp nhà đất giữa bà Lê Phước Huệ với ông K, và viêc Uỷ ban nhân dân thành phố Vũng Tàu ra quyết định thu hồi đất …. Thủ tướng chăm chú lắng nghe và bảo ông Tuấn ghi chép cẩn thận.
Nghe xong Thủ tướng chau mày nói: “Đã cướp đất của người ta mà còn la làng, tệ thiệt !”. Ông lắc lắc đầu theo thói quen rồi bảo tôi: “ Em về viết ngay bài báo, nói ý kiến của Thủ tướng là phải trả lại đất cho bà Lê Phước Huệ”.
Tôi sợ Thủ tướng nói miệng rồi quên lại khổ mình nên nói “Dạ thưa anh Sáu !”. Tôi vừa nói vậy thì ông Sáu Dân hiểu ý, bảo: “Em đưa sổ tay đây anh Sáu viết cho mấy chữ ”. Tôi đưa quyển sồ ghi chép cho Thủ tướng, ông đặt lên đấu gối viết 11 chữ “Phải trả ngay nhà đất lại cho bà Lê Phước Huệ”. Ông gạch chân hàng chữ đó rồi ký tên Võ Văn Kiệt ngay bên dưới. Tôi nói nhỏ với ông Tuấn “Thủ tướng ký lệnh ở ngay cầu thang ”. Ông Sáu Dân nghe được phá lên cười và nói: “ Có lợi cho dân thì ký ở chỗ nào mà chẳng được!”
Tôi phóng như bay về cơ quan và chúi đầu vào viết bài báo với cái tít: “Phải trả ngay nhà đất cho bà Lê Phước Huệ”. Viết xong tôi mời ông Trần Quang, Trưởng Ban đại diện báo Tiền Phong tại thành phố Hồ Chí Minh duyệt. Ông Trần Quang còn phải xác nhận có hàng chữ do đích thân Thủ tướng Võ Văn Kiệt viết và ký tên gửi ra Tòa soạn ngoài Hà Nội, có thế thì ông Dương Xuân Nam mới cho đăng. Mấy hôm sau Tổng BT Nam điện vào biểu dương tôi và không nhắc đến việc bắt tôi kiểm điểm trước đó.
Ông Võ Văn Kiệt ra đi đã hơn 4 năm rồi, nhưng quan điểm tư tưởng, đạo đức, lối sống, tác phong làm việc và nhất là tấm lòng vì dân của ông sẽ còn lại như một dấu ấn khó phai.


M.D
--------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001