Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

Tôi tìm lại Tự lực văn đoàn 
Cập nhật: 10:20 GMT - thứ ba, 25 tháng 9, 2012
Một trong những số báo Phong Hóa đầu tiên do Nhất Linh chủ biên
Phong Hóa bị đóng cửa sau bốn năm vì quá táo bạo

Một bộ sưu tập số hóa đầy đủ nhất từ trước tới nay của báo Phong Hóa và báo Ngày Nay của nhóm Tự Lực văn đoàn đã được công bố cuối tuần qua, nhằm ngày 22/9, đúng ngày cách đây 80 năm nhóm nhà văn và nhà báo đề cao tự do cá nhân ra đời.
Có thể được xem là nhóm trí thức quan trọng nhất trong thập niên 1930 ở Bắc Kỳ, Tự Lực văn đoàn nổi tiếng với việc xuất bản tờ báo châm biếm đầu tiên ở Việt Nam, hiện đại hóa văn học Việt Nam và theo đuổi những cải cách mà trong đó bác bỏ sự phù hợp của Khổng giáo.
Họ là những người đi tiên phong trong thế thệ trí thức trẻ của Việt Nam - những người được đào tạo bằng tiếng Pháp và tiếng Việt đương thời và xa lạ với quan điểm của các văn sỹ Khổng giáo đi trước họ.
'Bom trong làng báo'
Khi dạy môn khoa học ở Trường Thăng Long, ông Nguyễn Tường Tam đã thất bại khi đề nghị chính phủ thực dân cho phép ra mắt một ấn phẩm bằng chữ quốc ngữ mà ông định đặt tên là Tiếng Cười.
Hiệu trưởng Trường Thăng Long, Phạm Hữu Ninh, khi đó đã bắt đầu ra báo Phong Hóa và tờ này đang có nguy cơ đóng cửa sau 13 số.
Nắm cơ hội tới tay, ông Tam đề nghị tiếp quản tờ báo.
Nguyễn Tường Tam lấy bút danh Nhất Linh và trở thành Tổng biên tập báo Bấm Phong Hóa bắt đầu từ số 14, ra ngày 8/9/1932.
Chỉ trong thời gian ngắn, ông đã biến Phong Hóa từ một tờ báo lay lắt thành báo châm biếm đầu tiên ở Việt Nam.
Cùng sát cánh với Nguyễn Tường Tam có Trần Khánh Giư (Khái Hưng), Nguyễn Tường Long (Hoàng Đạo), Nguyễn Tường Vinh (Thạch Lam), Hồ Trọng Hiếu (Tú Mỡ), Nguyễn Thứ Lễ (Thế Lữ), Ngô Xuân Diệu (Xuân Diệu).
Với Nhất Linh và nhóm cộng sự, Phong Hóa rũ bỏ văn phong của những số trước và ngay lập tức xác lập hình dáng, giọng điệu, tư tưởng và nội dung của riêng mình.
"Điều quan trọng nhất là Tự Lực văn đoàn dùng các tờ báo của nhóm để thúc đẩy chương trình cải cách toàn diện và động chạm tới nhiều tầng lớp trong xã hội Việt Nam."
Trước hết, Phong Hóa trông khác với những số báo đã ra: kiểu thiết kế mới bao gồm hình tiêu đề, biếm họa, giải đố ô chữ, quảng cáo, minh họa nằm trong bài viết và phông chữ độc đáo.
Thứ hai nữa, tờ báo có văn phong khác lạ. Ngòi bút hài hước và châm biếm của Phong Hóa không tha ai cả.
Phong Hóa chọc quê tất cả mọi người, từ các trí thức đi trước như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh và Tản Đà tới những nét trong xã hội Việt Nam mà báo thấy là lạc hậu và cổ lỗ.
Độc giả vui mừng với giọng văn mới mẻ và thiết kế hấp dẫn của báo. Chỉ trong vài tháng, số người đọc tăng gấp ba. Một năm sau, lượng lưu hành vượt quá 8.500 một tuần và Phong Hóa trở thành một trong những báo được lưu hành rộng rãi nhất Bắc Kỳ.
Sau sự thành công của Phong Hóa, Tự Lực văn đoàn cho ra mắt một tờ báo mới mang tên Ngày Nay vào tháng Một năm 1935.
Báo này là một trong những diễn đàn sớm nhất của nhiếp ảnh ở Việt Nam nhưng dự án tỏ ra quá tân tiến vào thời điểm đó khi mà in ảnh khá tốn kém.
Ngày Nay đã đóng cửa sau 13 số.
Khi Phong Hóa bị kiểm duyệt và đóng cửa vào năm 1936, Tự Lực văn đoàn vực dậy Ngày Nay và biến báo này thành tổ chức vận động cải cách chính trị và xã hội.
Tờ báo cũng đánh dấu sự thay đổi của nhóm từ chế nhạo xã hội để mong mang lại cải cách sang mạnh mẽ đòi cải cách.
Một biếm họa trên Phong Hóa
Lý Toét là nhân vật trào lộng của báo Phong Hóa để đả phá hủ tục
Điều quan trọng nhất là Tự Lực văn đoàn dùng các tờ báo của nhóm để thúc đẩy chương trình cải cách toàn diện và động chạm tới nhiều tầng lớp trong xã hội Việt Nam.
Họ nhìn tới các xã hội phương Tây để tìm mô hình và vay mượn một cách có lựa chọn và có chủ định từ văn hóa phương Tây để đưa ra viễn kiến về một xã hội Việt Nam mà một ngày kia sẽ được các nền văn minh hiện đại xem là ngang hàng.
Chương trình cải cách bao gồm nhiều vấn đề trong đó có quan hệ giữa thành thị và nông thôn, nghệ thuật, trang phục quốc gia, chính trị quốc tế và quốc nội, vấn đề liên quan tới phụ nữ, xuất bản, thời trang và kiến trúc.
Chặng đường tìm kiếm
Với tư cách là một trong những thành viên chủ chốt của nhóm sưu tầm, bản thân tôi thu thập các số báo của Tự Lực văn đoàn trong khoảng thời gian từ năm 2005 tới 2007.
Lần đầu tiên tôi biết tới các tác phẩm của nhóm là khi đang theo học cao học tại Khoa Lịch sử, Đại học California ở Berkeley, nơi tôi được sự hướng dẫn của Giáo sư Peter Zinoman.
Tôi không thấy thỏa mãn với các bài viết học thuật về nhóm này của cả các học giả phương Tây và Việt Nam và quyết tâm thu thập tất cả những gì họ viết và đọc cho bằng hết để có kết luận của riêng tôi.
Tôi nhận được học bổng Fulbright-Hays để tiến hành nghiên cứu luận án tiến sỹ và bắt đầu cuộc tìm hiểu.
Tôi tới tám thư viện và kho lưu trữ tại Hoa Kỳ, Pháp và Việt Nam để có một bộ sưu tập tương đối đầy đủ các tờ báo của nhóm. Tôi bỏ ra một năm ở Hà Nội để nghiên cứu bộ sưu tập các báo thời thực dân của Thư viện Quốc gia, ngày nào cũng chụp ảnh các tờ báo đã ố vàng và sờn rách cho tới giờ đóng cửa.
Quá trình nghiên cứu cũng có lúc khiến tôi thất vọng. Qua mạng lưới những người sưu tầm sách báo, tôi được biết một nhà sách ở thành phố Hồ Chí Minh đang bán 200 số báo Phong Hóa và Ngày Nay được bảo quản tốt.
Cơ hội được đọc các số báo bằng bản in thay vì ở dạng phim hay số hóa khiến tôi không cưỡng lại được và ngay lập tức vào thành phố Hồ Chí Minh, đi taxi thẳng từ sân bay tới nhà sách.
Khi tới nơi tôi được biết các số báo đã được bán cho con của Thế Lữ. Tôi không biết rằng tôi vẫn còn duyên với những số báo này.
Vào thời điểm kết thúc tìm kiếm, tôi đã chụp ảnh được hơn 190 số báo Phong Hóa và 224 số báo Ngày Nay.

Tài năng Nhất Linh: Tranh 'Cảnh chợ Đông Dương' của ông
Ngoài ra tôi cũng thu thập được 2.500 bài báo về Tự Lực văn đoàn từ 60 ấn phẩm thời thực dân.
Tôi cũng có được rất nhiều sách do nhà xuất bản Đời Nay của nhóm phát hành trong đó có các truyện ngắn và tuyển tập thơ, các ấn bản đầu tiên và tái bản của các tiểu thuyết, truyền đơn và một số lượng lớn loạt truyện cho thiếu nhi mang tên Sách Hồng.
Cơ duyên
Khi đang viết luận án hồi năm 2008, tôi gặp ông Nguyễn Trọng Hiến, con của nhà thiết kế thời trang Nguyễn Cát Tường, người đưa ra hình mẫu chiếc áo dài tân thời. Tôi cho ông xem bài viết chưa công bố về công trình của cha ông và ông cho tôi xem tài liệu từ kho lưu trữ riêng của gia đình.
Và để trả ơn cũng như để đáp lại sự hào hiệp và tình bạn của ông, tôi đã cho ông xem toàn bộ bộ sưu tập Phong Hóa và Ngày Nay của tôi.
Ông Hiến liên hệ với bà Phạm Thảo Nguyên, con dâu của Thế Lữ, người sở hữu những số báo Phong Hóa và Ngày Nay mà tôi đã vào tận thành phố Hồ Chí Minh để tìm mua.
Bộ sưu tập của tôi đã gần trọn vẹn nhưng một số báo bị mất trang hoặc không đọc rõ.
Ông Hiến đã mất công xem từng số một, bổ sung các trang bị mất, sửa những trang không rõ. Bà Thảo giới thiệu rộng rãi bộ sưu tập và liên hệ với các trường đại học và các tổ chức để đưa các số báo lên mạng.
Hiện bộ sưu tập được cung cấp miễn phí tới độc giả tại trang web của Bấm Đại học Hoa SenBấm Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Bộ sưu tập này là kết quả của sự hợp tác giữa người Việt hải ngoại ở Hoa Kỳ và Pháp với các học giả và nhà nghiên cứu Việt Nam và một thế hệ mới các học giả người Mỹ gốc Việt.
Chúng tôi hy vọng bộ sưu tập sẽ khuyến khích các nghiên cứu mới về Tự Lực văn đoàn và đóng góp của họ không những chỉ cho văn hóa và văn học mà còn đặc biệt là trong xã hội và chính trị.
Martina Thucnhi Nguyen sinh trưởng tại Texas, Hoa Kỳ và có thời gian về Việt Nam nghiên cứu. Cô nhận bằng Tiến sỹ Lịch sử từ Đại học California-Berkeley và đang chỉnh sửa luận văn "Nhóm Tự Lực Văn Đoàn: Chủ nghĩa Hiện đại Thực dân ở Việt Nam 1932-1941" để xuất bản. Bài đăng từ bản tiếng Anh tác giả gửi cho BBC Tiếng Việt.
nguồn:http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/09/120924_self_reliant_literary_group.shtml
=======================================================================
Giới thiệu Phong hóa Ngày nay 

Nhóm thực hiện số hóa
Bắt đầu từ ngày 22/09/1932, Phong hóa số 14 ra tám trang khổ lớn, trở thành tờ báo trào phúng đầu tiên của nước ta. Mục đích của báo được quảng bá lần đầu trong Phong hóa số 13 là: “Bàn một cách vui về các vấn đề cần thiết: Xã hội, chính trị, kinh tế, nói rõ về hiện tình trong nước…”
Phong hóa và Ngày nay là hai tuần báo xuất hiện ở Hà Nội từ năm 1932 tới năm 1940, dưới chế độ Bảo hộ, thuộc Pháp. Thoạt đầu tuần báo Phong hóa do ông Phạm Hữu Ninh làm chủ, đã ra 13 số báo không có độc giả, sắp sửa phải đình bản (Khái Hưng và Nhất Linh có viết và vẽ cho tờ báo này dưới tên Trần Khánh Giư và Đông Sơn). Nhất Linh Nguyễn Tường Tam đã mua lại và làm Chủ bút nhưng vẫn giữ trên mặt báo tên ông Phạm Hữu Ninh, Gérant và ông Nguyễn Xuân Mai, Directeur Politique. Ông cùng một nhóm anh em bạn hữu gồm có Khái Hưng Trần Khánh Giư, Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu, Tứ Ly Nguyễn Tường Long, Thạch Lam Nguyễn Tường Lân, tạo thành một Ban biên tập hoàn toàn mới.
Bắt đầu từ ngày 22/09/1932, Phong hóa số 14 ra tám trang khổ lớn, trở thành tờ báo trào phúng đầu tiên của nước ta. Mục đích của báo được quảng bá lần đầu trong Phong hóa số 13 là:
Bàn một cách vui về các vấn đề cần thiết:
Xã hội, chính trị, kinh tế, nói rõ về hiện tình trong nước
…”

Đó chính là sự thể hiện tinh thần dân chủ và bình đẳng trong tư tưởng, văn chương, báo chí. Sau này tờ báo thực sự đã nổi bật ở tính thời sự  giọng châm biếm.
Năm 1933, Phong hóa có thêm Thế Lữ Nguyễn Đình Lễ, một nhà thơ, nhà văn mới.
Tới giữa năm 1934, Tự lực văn đoàn được thành lập với sáu thành viên: Nhất Linh, Tứ Ly (Hoàng Đạo), Thạch Lam, Khái Hưng, Tú Mỡ và Thế Lữ. Phong hóa số 87, 1934 viết:
Sau này Tự lực văn đoàn có thêm thành viên thứ bảy là thi sĩ Xuân Diệu.
Sau này Tự lực văn đoàn có thêm thành viên thứ bảy là thi sĩ Xuân Diệu.
Các thành viên Tự lực văn đoàn với phong cách viết khác nhau, nhưng đều xử dụng một loại văn mới mẻ, giản dị nhẹ nhàng dễ đọc, trong những tác phẩm có nội dung mới, súc tích, lý thú, hợp khẩu vị dân chúng, đã nhanh chóng thu hút độc giả. Văn đoàn đã thực sự cải tiến cách viết chữ Quốc Ngữ, giữa lúc lối văn biền ngẫu sáo rỗng vẫn còn thống lĩnh văn chương Việt Nam, với quá nhiều từ Hán – Việt, và chứng tỏ rằng chữ viết mới có đủ khả năng diễn tả tất cả mọi tình huống của cuộc đời. Các thành viên Tự lực văn đoàn mỗi người đều tự tạo ra một sự nghiệp văn chương lừng lẫy trên các báo Phong hóa và Ngày nay, họ được ca tụng là những văn hào, thi bá xứng đáng của dân Việt.
Văn hào Nhất Linh, người cầm đầu, hoàn thành một kho tàng văn học đồ sộ, sáng chói, đồng thời điều khiển văn đoàn rất thành công. Là một thủ lĩnh văn chương có biệt tài, Nhất Linh nhận xét, sử dụng tài năng, sở trường của các tác giả rất bén nhạy, sắc sảo. Ta có thể đọc được ít bài trên Phong hóa và Ngày nay như: “Nguyễn Thế Lữ, một nhân vật mới trong làng thơ mới” phê bình Thế Lữ vào năm 1933, khi nhà thơ chưa là thành viên của báo, và nhiều bài viết của Thế Lữ còn ở trong dạng bản thảo (1). Hay bài công bố giải khuyến khích về thi ca Tự lực văn đoàn năm 1939: nữ sĩ Anh Thơ, và thi sĩ Tế Hanh (2).
Nhất Linh là người có “cặp mắt xanh”, sớm nhìn ra từng sở trường, sở đoản của anh em, nên tạo điều kiện giúp anh em tiến nhanh, tiến vững trong nghề nghiệp. Cụ thể, Tú Mỡ là bạn thân của Nhất Linh, nhưng khi đọc bài phóng sự của Tú Mỡ, Nhất Linh phê bình ngay: “Dở quá, anh nên chuyên về thơ trào phúng, tốt hơn!”(3). Cho nên Tú Mỡ chỉ tập trung viết thơ trào phúng, phụ trách chuyên mục Dòng nước ngược. Và thơ trào phúng của Tú Mỡ được nhiều thế hệ yêu thích. (Lâu lâu Tú Mỡ cũng có một bài phóng sự vui!)
Có lần Thế Lữ kể lại (theo trí nhớ): Khi làm việc trong tòa báo, ông phải lọc các bài gửi đăng, có lần thấy một bài dở đã loại ra. Nhưng khi báo in, lại thấy bài đó xuất hiện! Hỏi ra, thì chính là Nhất Linh nhặt lại, với lời bình: “Độc giả thích loại này!” Kiểm lại, đúng thật, bài đó được nhiều lời khen của người đọc. Riêng với Thế Lữ, việc ông trở thành tác giả viết truyện trinh thám là do Nhất Linh! Vì Nhất Linh đưa ý kiến: “Bây giờ là lúc báo cần có truyện trinh thám để thay đổi món ăn, anh Thế Lữ viết được loại này. Anh nên viết đi!”
Những phần chính của tờ báo là:
VĂN HỌC:
Các thành viên Tự lực văn đoàn sáng tác rất nhiều tiểu thuyết dài, ngắn với cách hành văn cũng như cấu trúc tác phẩm mới mẻ, phong phú, đã thay đổi hẳn không khí văn học thời bấy giờ. Trong đó, nổi bật là tình yêu trong trắng, lãng mạn, lý tưởng, và xung đột giữa cái mới và cái cũ… Đặc biệt, những tiểu thuyết của Nhất Linh, Khái Hưng về “luận đề cũ mới” làm sôi sục xã hội thời đó. Nếu cuốn tiểu thuyết Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng mở đầu cho sự đổi mới văn chương của nước nhà; Nửa chừng xuân cho người đọc thấy sự xung đột giữa cũ và mới trong xã hội, thì cuốn tiểu thuyết Đoạn tuyệt của Nhất Linh lên đến đỉnh điểm của cuộc xung đột. Nhan đề truyện đã được nhắc lại như một tuyên ngôn: “Đoạn tuyệt với cái cũ!” Đâu đâu trong nước ta cũng thấy nói tới, tranh luận tới truyện này, ngay cả diễn kịch Đoạn tuyệt nữa!
Bên cạnh đó, Nhất Linh viết tiểu thuyết dài, ngắn, ngay trước khi có báo Phong hóa như Nho phong và Người quay tơ. Những tiểu thuyết luận đề của ông, ngoài Đoạn tuyệt, cuốn Lạnh lùng cũng gây nhiều tranh cãi và được độc giả ham thích. Sau đó Nhất Linh chuyển sang viết truyện tâm l‎‎‎ý như Bướm trắng… Suốt đời ông, viết văn bao giờ cũng là một niềm vui tri thức, trân trọng và say mê. Sau này ông viết cuốn Xóm Cầu Mới, viết đi viết lại nhiều lần, mà lần nào cũng long trọng, cũng đắm đuối như “thuở ban đầu”. Với số lượng tác phẩm to lớn, với văn phong trong sáng, đẹp đẽ, với tri thức chín chắn trong văn học, Nhất Linh là một văn hào lỗi lạc của chúng ta.
Về Khái Hưng, khi về làm việc với Nhất Linh thì vụt sáng lên như sao buổi sớm. Với vốn sống và kiến thức Đông Tây uyên thâm, Khái Hưng là người kể chuyện rất có duyên, viết truyện rất thu hút, rất nhân bản, ẩn tàng một ý muốn nâng cao dân trí, tìm lý tưởng cho thanh niên. Ông có tài viết nhanh, viết dễ dàng, gần như số báo nào ông cũng có truyện dài, truyện ngắn, kịch, hay truyện vui, phê bình văn học… Khối lượng tác phẩm của ông thật đồ sộ. Đọc Phong hóa và Ngày nay, các bạn sẽ được thấy rất nhiều bài ông viết, chưa từng được in ra sách. Khái Hưng là tác giả được ngưỡng mộ nhất thời đó, ông đáng mặt văn hào hàng đầu của chúng ta. Ngoài ra, Khái Hưng còn là tay vẽ ký họa rất khéo. Ông có nhiều bức ký họa trên báo Phong hóa.
Bên cạnh, Thạch Lam là một cây viết kín đáo, kén người đọc. Ông viết truyện tâm lý tình cảm thâm trầm giản dị, nhẹ nhàng mà thấm thía tuyệt vời. Văn ông đi vào hồn người. Thạch Lam có một tấm lòng quê thật sâu xa. Nguyễn Tuân gọi đó là: “(Ông)… vừa sống vừa lắng nghe chung quanh cùng là lắng nghe mình phản ứng trước mọi diễn biến, cả bên ngoài lẫn bên trong mình” (Tiểu luận và chân dung văn học, Tuyển tập Nguyễn Tuân, trang 353, Nhà xuất bản Văn học, 1982). Thạch Lam là một văn hào hàng đầu của Việt Nam về sự tinh tế. Trong bài tựa cuốn Gió đầu mùa, Khái Hưng viết: “Thành thực, đó là đức tính không có không được của nhà văn, ở Thạch Lam, sự thành thực lại trở nên sự can đảm. Đọc nhiều đoạn của Thạch Lam, tôi rùng rợn cả tâm hồn vì sự thành thực (nhất là trong truyện Ngày mới) (4)…”. Ta hãy đọc quan niệm của chính Thạch Lam về văn chương trong Lời nói đầu của tập truyện ngắn Gió đầu mùa: “…Đối với tôi, văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên, trái lại, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối vừa tàn ác, vừa làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú”.
Nhiều bài trong Hà Nội 36 phố phường của ông là những áng văn hay về Hà Nội được nhiều thế hệ sau này nhắc đến và chắc sẽ được tiếp tục nhắc đến khi nhớ về Hà Nội một thời thanh lịch. Thạch Lam viết nhiều thể loại kể cả phê bình văn học, mỹ thuật… Giữ chức Chủ bút báo Ngày nay khá lâu, Thạch Lam quán xuyến công việc một cách tốt đẹp, phát triển được đội ngũ cộng tác viên hùng hậu, nhất là số lượng phát hành ngày một tăng. Đó cũng là cái tài của Chủ bút Thạch Lam.
Riêng Thế Lữ, ngoài thơ ca, là một cây viết rất cuốn hút, văn phong khác lạ, lý thú, mạnh mẽ, sắc nét… với tinh thần rõ ràng khúc chiết và tài dàn xếp câu chuyện thật ly kỳ. Thế Lữ nổi tiếng nhất về những truyện đường rừng như Vàng và máu, Một đêm trăng,… truyện kinh dị như Bên đường Thiên Lôi, Cái đầu lâu… Ông còn nhiều loạt bài phóng sự vui như Lê Ta làm báo, Lê Ta xuống Hải Phòng… nhiều truyện trinh thám, nhiều kịch bản, cùng nhiều bài phê bình thơ, kịch… chưa ra sách. Thỉnh thoảng Lê Ta cũng có ký họa đăng báo.
Nhìn chung, những sách truyện của Tự lực văn đoàn đã được nhiều thế hệ người đọc yêu thích, góp phần nâng cao dân trí, giúp cho câu văn tiếng Việt rõ ràng, mềm mại, giúp cho nhiều thế hệ người đọc yêu quê hương, đất nước… Hơn nửa thế kỷ qua đi, nhiều người đã bàn về những tác phẩm của Tự lực văn đoàn. Dù thích hay không thích, các nhà nghiên cứu văn học đều thừa nhận có một dòng văn chương Tự lực văn đoàn. Đây là văn đoàn đầu tiên của nước nhà và cũng là văn đoàn góp phần to lớn làm nên cuộc cách mạng văn học trong thế kỷ XX.
BÁO CHÍ
Ngoài tư cách nhà văn, các thành viên Tự lực văn đoàn còn là những nhà báo. Họ đi lấy tin, tường thuật, bút chiến…,bằng giọng hài hước họ giễu cợt các thói xấu của giới quan lại, trưởng giả… Trong các tiết mục như: Câu chuyện hàng tuần, Điểm thời sự, Đọc sách, Trả lời bạn đọc, Ngày nay nói chuyện… mọi thành viên đều viết, và thường được bạn đọc phục vì tài và nể vì tư cách (Ngay cả những bức tranh khôi hài Lý Toét nhiều khi cũng được tạo thành do sự góp ý của nhiều thành viên và họa sĩ. Những bức tranh này thường không ký tên tác giả).
Người viết những bài lý luận thời sự về xã hội, chính trị, kinh tế… điều khiển linh hồn tờ báo là Tứ Ly Hoàng Đạo. Qua các loạt bài như: Từ nhỏ đến lớn, về người, Từ cao đến thấp, về việc, Bàn ngang, nói ngược mà hiểu ra xuôi, cũng như loạt bài Hậu Tây Du Ký, Đi thăm Khổng Tử… Hoàng Đạo không đả phá thẳng vào Mẫu quốc và chế độ thuộc địa mà bắt đầu tấn công vào các quan lại người Việt bằng cách viết văn châm biếm và chế giễu. Thêm vào đó, trên cả hai tờ Phong hóa và Ngày nay, ông đã viết ra một khối lượng tài liệu rất lớn về pháp luật, về quyền lợi cũng như nghĩa vụ người công dân, như: Trước vành móng ngựa, Công dân giáo dụcCó cứng mới đứng đầu gió..…giúp người dân hiểu luật pháp, không sợ bị đe dọa, bị bắt nạt. Cũng như loạt bài Bùn lầy nước đọng, viết về thực tế khốn cùng của nông dân VN, chứng tỏ Tự lực văn đoàn rất quan tâm đến xã hội, đến việc “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh…” như tinh thần của nhà ái quốc Phan Chu Trinh đã bàn đến hồi đầu thế kỷ XX. Sau này, rõ ràng nhất là Thuộc địa ký ước, đã phân tích chế độ thuộc địa và những biện pháp cai trị của thực dân Pháp áp dụng ở nước ta.
Những phóng sự về mặt trái của xã hội, do Trọng Lang, cây bút phóng sự sắc nét lúc bấy giờ, phụ trách.
Khi báo Phong hóa bắt đầu năm 1932, đa số những người trong Tòa soạn còn rất trẻ. Nhất Linh mới có 26 tuổi, Hoàng Đạo 25, Thế Lữ 25, Thạch Lam 22, Tô Ngọc Vân 26, Nguyễn Gia Trí 24, Lemur Nguyễn Cát Tường 20. Ta thấy trong nội bộ tòa báo, các đoàn viên đối xử với nhau thật thân ái, vui vẻ hay đùa giỡn, kết nên những tình bạn sâu xa, bền vững. Bà Khái Hưng nhận xét vui rằng chồng mình mê các bạn Tự lực văn đoàn như…mê gái! (theo Ba tôi, Trần Khánh Triệu). Thế Lữ cũng nói: “ Không có báo Phong hóa, Ngày nay, không có bạn bè Tự lực, không có bạn thơ văn ngày ấy ăn ở với nhau như bát nước đầy, sẵn lòng yêu tài, mến đức của nhau… thì không có Thế Lữ”. Sau này từ những năm sau 1946 đến khi mất, Thế Lữ và Tú Mỡ vẫn là đôi bạn chí thiết. Và mấy chục năm sau, ngay cả khi các thành viên đã khuất núi, các bà Nhất Linh, Cát Tường, Gia Trí … vẫn thăm viếng nhau, các con cháu dù ở xa, dù chưa biết nhau, khi gặp lại vẫn có tình thân như anh em trong nhà.
Chúng ta có thể ghé mắt vào tòa soạn báo Phong hóa, xem một buổi làm việc chung, qua ngòi bút của Thế Lữ trong bài Phóng bút của Lê Ta đăng năm 1935 trên Phong hóa số 154 (5). Tú Mỡ sau này cũng kể lại cung cách làm việc chung của nhóm Tự lực rất vui. Trong cuốn sách Tiếng cười có đoạn nói về cuộc họp tối thứ Bảy trên căn gác ấm cúng số 80 đường Quan Thánh: “Anh em ngồi chầu ngọn lửa ấm áp, tán chuyện thời sự, nảy ra đề tài viết bài cho số báo mới… Dạo Khái Hưng và Nhất Linh viết chung truyện dài Đời mưa gió, hai anh bàn nhau kỳ này nên cho hai nhân vật chính (Tuyết và Chương) đi đâu, làm việc gì, rồi đột nhiên trái chứng trái khoáy, mỗi kỳ mỗi anh thay nhau chấp bút. Công việc sáng tác tập thể của các anh là như vậy” (6).
Chắc có độc giả còn nhớ bức tranh Trăng xưa của Khái Hưng? Nguyên là: sau khi tiễn Nhất Linh thoát ra nước ngoài vì chính trị, Khái Hưng quay về vẽ bức tranh tả nỗi buồn nhớ bạn. Thi sĩ Huyền Kiêu viết bài thơ cảm khái Tương biệt dạ bên bức tranh, xin trích ra đây vài câu:
Hiu hắt trăng khuya lạnh bốn bề
Ý sầu lên vút tới sao Khuê…
…Người xưa lưu luyến ra sao nhỉ,
Có giống như mình lưu luyến chăng?
…Sớm biệt ly nhau, không nhớ nhau
Nửa đêm chợt tỉnh, bỗng dưng sầu
Trăng mùa xuân đó ai tâm sự
Anh đã xa rồi, anh biết đâu.

THƠ MỚI
Hai báo Phong hóa và Ngày nay đã cống hiến cho người đọc những vần thơ mới, ngay từ khi Thơ mới bắt đầu hé nở, khởi đầu bằng bài Tình già của Phan Khôi. Sau đó, Thế Lữ bước lên vững vàng, ngời sáng khi sáng tác những bài thơ phong cách hoàn toàn khác lạ, từ lối dùng chữ, đến âm điệu, đến ý tưởng,… làm ngây ngất người đọc. Thi sĩ được Nhất Linh công nhận chất sáng tạo mới, trong bài giới thiệu năm 1933 (1). Sau khi tập Mấy vần thơ của Thế Lữ ra đời, địa vị Thơ mới nổi bật. Danh tiếng của Thế Lữ nổi vững vàng như là người khởi đầu cho dòng thơ mới. Trên báo ông bắt đầu khám phá, giới thiệu các thi sĩ trẻ:
Mở đầu là Xuân Diệu. Sự xuất hiện những bài thơ mới của thi si trẻ này trên báo Phong hoá và Ngày nay lập tức đã làm mê hoặc người đọc: Những bài thơ tràn ngập tình yêu tuổi trẻ chưa bao giờ say đắm đến thế, những rung động tinh tế rất riêng của thi sĩ, viết ra bằng những văn thơ xô lệch cả ngôn ngữ, những tiếng thơ lạ lùng mới tinh đó làm xôn xao tâm hồn người đọc, ngơ ngẩn cả làng thơ … Thế rồi, mặc cho những người còn dị ứng với giọng văn khác lạ nhưng Xuân Diệu vẫn được vinh danh là: Ông hoàng của Thơ mới, là người thi sĩ mới nhất trong những thi sĩ mới (Hoài Thanh Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam), và sau đó ông mau chóng trở nên thành viên cuối cùng của Tự lực văn đoàn.
Rồi đến lượt Huy Cận, Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên, Nguyễn Nhược Pháp, Nguyễn Bính, Anh Thơ, Tế Hanh… đã có thơ đăng trên Ngày nay, được Ngày nay phê bình, giới thiệu, khuyến khích, hoặc được Giải thưởng thơ của Tự lực văn đoàn. Họ chính là những người đã góp công gây dựng cả một thời đại thi ca ViệtNam.
Những chuyên mục như Tin thơ, Tin văn vắn do Thế Lữ phụ trách trên Phong hóa và Ngày nay là những bài viết bàn về thơ, chỉ dẫn cách làm thơ, thưởng thức thơ và phê bình thơ rất sắc sảo… được các bạn yêu thơ đón đọc hào hứng, sôi nổi.
Thế Lữ còn được các thi sĩ trẻ rất phục về việc sửa thơ giùm. Hai lần sửa nổi tiếng trên báo Ngày nay là :
  1. Câu thơMột tối vòm trời chẳng gợn mây của Xuân Diệu, bài Mưa đêm, được Thế Lữ sửa thành: Một tối bầu trời đắm sắc mây.
  2. Câu thơ: Trăng nằm sóng sượt trên cành liễu, bài Bẽn lẽn của Hàn Mạc Tử, được Thế Lữ sửa thành: Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu.
Tự lực văn đoàn cũng không quên hồn của cổ thi, nên đã mời Tản Đà về, dành chỗ trên báo cho thi sĩ dịch Đường thi trong nhiều năm cuối đời. Thêm nữa báo vẫn đều đều đưa ra những trò chơi văn chương cổ điển như “Câu đối” dưới dạng thi đua “Đối” làm điên đầu bao nhiêu người đọc!
Phong hóa và Ngày nay mỗi ngày một nổi tiếng, số phát hành tăng rất nhanh, hoàn toàn không có đối thủ trong làng báo lúc bấy giờ. Họ tập trung chung lo tờ báo, “anh em quyết tâm đem hết tài lực làm việc quên mình, không vụ lợi. Bốn anh rường cột trong tòa soạn (anh Tam, anh Long, anh Giư, anh Thế Lữ) tình nguyện chỉ lĩnh mỗi tháng 50 đồng đủ sống, để dành tiền lãi làm vốn cho báo phát triển” (Tiếng cười Tú Mỡ, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 1993, trang 27). Và họ đã làm được điều họ muốn: “Xuất thân từ những bàn tay trắng, Đoàn đã có một số vốn khá to, đủ để xây dựng một nhà in riêng, để có thể từ nay:
Ngày nay ngày nay in nhà in nhà”
Đó là câu đối báo đưa ra để thách đối, đồng thời để báo tin mừng với bạn đọc. Vế đối đưa ra quá hiểm hóc khó có ai đối được, nhưng bạn của Ngày nay vui mừng” (Tiếng cười Tú Mỡ, sđd, trg 36). Tự lực văn đoàn còn thành lập Nhà xuất bản Đời nay để in tác phẩm của anh em trong văn đoàn và của một số cộng tác viên. Chỉ sau một thời gian ngắn, Đời nay cũng nổi tiếng không thua gì báo Phong hóa và Ngày nay. Đời nay cũng là nhà xuất bản đầu tiên của nước ta in loại sách “mỹ thuật”, cũng như báo Phong hóa và Ngày nay của Tự lực văn đoàn là hai tờ báo đầu tiên trong nước có số đặc biệt cho ngày Tết với tranh bìa in bốn màu.
Báo Phong hóa và Ngày nay của Tự lực văn đoàn còn bao trùm nhiều lãnh vực khác biệt:
MỸ THUẬT
Đông Sơn Nhất Linh đỗ đầu cuộc thi tuyển nhưng chỉ học một năm tại Trường [cao đẳng] Mỹ thuật Đông Dương. Khi bắt đầu Phong hóa, ông phụ trách trang trí, vẽ minh họa cho toàn thể báo nhà, về sau, chỉ còn minh họa riêng các truyện mình viết thôi. Người đọc không thể quên những nét vẽ của ông trong những bức tranh các cô gái dịu dàng, những cây hoàng lan cao lớn đưa cành lá sậm mầu, xòa xuống chơi vơi trong đêm vắng, như đong đưa …
Thêm nữa, nhiều người trong Ban biên tập cũng rất yêu hội họa, đôi khi trong Phong hóa và Ngày nay ta thấy tranh Khái Hưng, tranh Hoàng Đạo … Rồi nhiều truyện bằng tranh do Cát Tường vẽ, Thế Lữ viết lời, cũng được xuất hiện.
Những năm sau Phong hóa và Ngày nay luôn luôn có họa sĩ nhà nghề trình bày báo, vẽ tranh. Những họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam như: Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Cát Tường, Trần Bình Lộc, Nguyễn Tường Lân (họa sĩ này có tên trùng với Thạch Lam), Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung…
Hàng năm, trên Phong hóa và Ngày nay đều có bài bình luận tranh của những phòng triển lãm ở Hà Nội, do Nguyễn Đỗ Cung, Tô Tử Tô Ngọc Vân, Lemur Nguyễn Cát Tường, Thạch Lam… viết. Điều này đã nâng cao óc thẩm mỹ, lòng yêu vẻ đẹp cho người đọc. Ngoài ra, báo Phong hóa và Ngày nay dùng nhiều tranh vẽ rất có giá trị của các họa sĩ tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương làm bìa báo.
Được đặc biệt chú ý là:
Tranh bìa báo Xuân Ngày nay số 46, 1937 của họa sĩ Nguyễn Gia Trí,
Tranh bìa báo Xuân Ngày nay số 198, 1940 của họa sĩ Tô Ngọc Vân
Hiện nay chúng là những bức tranh quý, được tìm mua tại những cuộc đấu giá quốc tế (dù chỉ là tranh in chụp lại!)…
Cũng nhờ tòa báo luôn tổ chức những cuộc thi có thưởng, như những cuộc thi vẽ tranh khôi hài và tranh Lý Toét… đã lôi cuốn được rất nhiều họa sĩ bên ngoài Tòa soạn tham dự vào việc vẽ tranh cho Phong hóa, như Mạnh Quỳnh, Trần An, Ngym, Dlan,… Ngay cả Bút Sơn người sáng tác ra Xã Xệ, là một độc giả ở tận Sài Gòn, gửi tranh Xã Xệ đầu tiên tới tòa soạn năm 1934 (7).
Việc mở rộng vòng tay trước số đông người viết, người vẽ, người tham dự các kỳ thi, khiến tờ báo càng ngày càng được yêu mến, nội dung càng trở nên súc tích. Có lúc số báo phát hành đã lên tới hàng vạn! Một con số mà hầu hết những tờ báo tiếng cùng thời đều mơ ước.
Cần nhắc lại là trên tờ báo trào phúng, chính Nhất Linh Đông Sơn sáng tác ra Lý Toét. Tranh đầu tiên “Lý Toét ra tỉnh” của ông (8) đăng trên Phong hóa vào năm 1933. Lý Toét, Xã Xệ, Bang Bạnh, Ba Ếch là những nhân vật hoạt kê sáng giá của cả một thời đại, dùng để chế giễu, đùa cợt những thói hư tật xấu của dân ta, để tự biết mà sửa đổi. Và đồng thời cũng khơi dậy lòng thương người dân quê nghèo khó, đang chịu trăm bề khốn khổ, không được học hành hiểu biết, nên chỉ biết mình khổ, nhẫn nại chịu khổ, chịu nhục, bị đè nén bóc lột dưới ách đô hộ của thực dân Pháp và bọn cường hào nông thôn.
Cũng theo Nhất Linh, vào thời điểm đó, phía đàn ông đã có nhiều người mặc Âu phục nhưng về phía phụ nữ thì y phục vẫn gần như cũ, với áo quần luộm thuộm với mầu sắc tối tăm, vẫn đôi dép mũi cong với cái nón quai thao cồng kềnh… tuy rằng khi ấy nơi thành phố đã bắt đầu có những biến chuyển nhỏ về màu sắc như phong trào “Quần trắng áo lam” nhưng lối thiết kế không khác xưa nhiều…
Rồi rất đột nhiên, báo Phong hóa Mùa Xuân, số 85, 11 tháng 2 ,1934, Nhất Linh cho xuất hiện mục “VẺ ĐẸP riêng tặng các  các cô”. Ông đã giao cho họa sĩ Nguyễn Cát Tường làm cuộc cải tiến y phục phụ nữ. Người họa sĩ này vừa viết bài, vừa vẽ kiểu… với đỉnh điểm là việc phân tách và trình bày những ưu khuyết điểm của Y Phục Phụ Nữ đương thời, rồi sau đó, ông đưa ra những đề nghị đổi mới cho được thích hợp với thời tiết, cho được thoải mái khi vận động làm máu huyết lưu thông và tôn cao vẻ đẹp yêu kiều của người phụ nữ.
Đây là lần đầu tiên trên báo Phong hóa và đặc san Đẹp, do Nhà xuất bản Đời nay phát hành, Cát Tường đã giới thiệu đến độc giả lần lượt những chiếc áo dài kiểu mới: có cổ, không cổ, có tay, không tay, những cái quần ống loa, áo yếm… những bộ y phục mặc ở nhà hay trong phòng ngủ, khi dự tiệc hay khi đi tắm biển và cho tới cả đôi giày, đôi dép… của phụ nữ Việt đã được chính họa sĩ tạo dáng và tạo kiểu…
Y phục Phụ Nữ Tân Thời Lemur đã được Cát Tường lần lượt cho ra đời cả ngàn kiểu mẫu với nhiều mầu sắc khác nhau…
Cùng tham gia với họa sĩ Lemur Cát Tường, Đông Sơn (Nhất Linh) cũng đưa ra mấy kiểu y phục thích hợp cho các em nữ sinh và y phục cho phụ nữ thôn quê (theo ông thì phụ nữ thành thị dùng cũng được).
Tiếp tục qua báo Ngày nay, Cát Tường viết những bài báo về những đề tài làm đẹp cho phụ nữ
như chuyện dồi phấn, thoa son, chọn mầu vải cho hợp màu da và dáng người, tập thể dục, sống sao cho
được khỏe và đẹp…
Cho tận tới nay Y phục phụ nữ Việt Nam vẫn còn theo dạng y phục Lemur ít nhiều.
ÂM NHẠC
Dưới chế độ thuộc địa Pháp, phong trào khiêu vũ, nghe nhạc Pháp do các ca sĩ như Tino Rossi…hát làm say mê giới thanh niên chịu ảnh hưởng văn hóa Tây phương. Báo Ngày nay đã khuyến khích các nhạc sĩ trẻ Việt Nam viết Tân Nhạc, nhạc Việt, lời Việt. Trong bài: Cùng các nhạc sĩNgày nay số 124, 1938 viết:“ Chúng tôi rất sung sướng thấy các bạn hoan nghênh cái ý đổi mới âm nhạc Việt Nam…Ngày nay đã nhận lấy cái vinh hạnh đầu tiên công bố những tác phẩm ban đầu của nền âm nhạc đổi mới…” Chúng ta thấy trên Ngày nayHồn xuân, nhạc Nguyễn Xuân Khoát, lời Thế Lữ (10) Một kiếp hoa, Nguyễn Văn Cổn, nhạc Nguyễn văn Tuyên (11), Xuân yêu đương, và Bản đàn xuân của Lê Thương (12 và 13)…Vậy mà, bên cạnh đó, Tự lực văn đoàn vẫn khuyến khích những khảo cứu văn hóa cổ, Nguyễn Xuân Khoát có một tập bài về kỹ thuật, cách thưởng thức “Hát ả đào” (14) đăng trên nhiều số báo Ngày nay năm 1940.
KỊCH NGHỆ
Cùng lúc đó phong trào kịch nói ra đời, Thế Lữ là một kịch sĩ say mê, đầy tài năng, tự học, đã trở thành một trong những nhà đạo diễn xuất sắc đầu tiên. Ông muốn xây dựng nền Kịch nói riêng của Việt Nam. Để mở đầu, thi sĩ vừa là Dạo diễn vừa là diễn viên cho Ban kịch Tinh hoa của thi sĩ kiêm kịch tác gia Đoàn Phú Tứ, và sau đó cho Ban kịch Thế Lữ. Cuối cùng, Thế Lữ chịu trách nhiệm chính trong Đoàn kịch Anh Vũ của Kiến trúc sư Võ Đức Diên. Trong đoàn kịch này, Thế Lữ có dịp đi diễn nhiều nơi, vào tận các tỉnh miền Nam Trung Bộ. Từ đó cho đến cuối đời, Thế Lữ tập trung cho sân khấu nói chung, Kịch nói nói riêng.
Khái Hưng hưởng ứng tích cực, ông viết nhiều kịch ngắn, kịch dài, kịch thơ. Những nhà viết kịch khác cũng xuất hiện, như Vi Huyền Đắc, Đoàn Phú Tứ, Lê Đại Thanh… rồi Vũ Trọng Can, Hoàng Cầm, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương… Cũng như các kịch sĩ, đã bất chấp những lời chê bai, khinh rẻ “con hát” cổ xưa, các cô gái con nhà danh giá của Hà Nội cổ kính cũng ra mặt đi diễn kịch… Đồng thời, những vở kịch thơ như Tục lụy, Kinh Kha,… trở nên nổi tiếng. Nhưng kịch nói có sức thu hút mạnh mẽ bền vững hơn kịch thơ, các ban kịch Tinh Hoa, Thế Lữ, Anh Vũ… trình diễn những vở Ông Ký Cóp, Ghen, Gái không chồng… để lại những dấu ấn sâu sắc, dẫn đến cả phong trào phát triển Kịch Nói.
Trên báo Ngày nay chúng ta đọc được những bài phê bình kịch của Thạch Lam, Khái Hưng, Thế Lữ… Tự lực văn đoàn đã có một giải thưởng hàng năm dành riêng cho kịch, (bên cạch các giải thưởng cho tiểu thuyết, thơ, …). Người được giải thưởng về kịch của Tự lực văn đoàn đầu tiên là Vi Huyền Đắc.
Đạo diễn Nguyễn Đình Nghi nhận xét về giai đoạn này trong buổi nói chuyện ởParisnăm 1992:
“Những người gây dựng Kịch Nói Việt Nam đầu tiên là những người trí thức, hiểu biết sâu sắc nền văn hoá Pháp, lại vừa là những nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ hàng đầu của nước Việt Nam. Họ huy động vào cái nghệ thuật mới mẻ này không chỉ có lòng say mê, bản năng thiên bẩm, và sự hiểu biết về sân khấu, mà toàn bộ vốn Văn hoá của họ.
Họ tiếp xúc với sân khấu Pháp không chỉ như một ngành nghệ thuật biệt lập, mà trong sự tiếp xúc tổng thể với cả một nền văn hóa. Đồng thời bằng uy tín lớn lao đạt được ở các lĩnh vực văn học nghệ thuật khác, họ đã góp công lớn thay đổi thân phận con hát hèn kém trong xã hội cũ, tạo ra nhân phẩm mới cho người diễn viên. Không còn ai dám coi khinh nghề sân khấu khi có những diễn viên tên là Nguyễn Tuân, Thế Lữ, Tú Mỡ, Đoàn Phú Tứ, Nguyên Hồng, Nguyễn Xuân Khoát…
Những người đầu góp công xây dựng nền kịch nói ViệtNam, những nhân cách nghệ sĩ như họ không thể cam tâm với sự bắt chước”.
Tại các thành phố lớn Hà Nội, Hải Phòng… dân chúng bắt đầu được thưởng thức những đêm kịch xứng đáng, có giá trị cao.
DÂN SINH
Để cải cách đời sống quá nghèo khổ của đại đa số dân chúng, Hội Ánh sáng do Phong hóa  Ngày nay bảo trợ ra đời năm 1937, thu hút được đông đảo các nhà hảo tâm. Hai Kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện và Hoàng Nhữ Tiếp thiết kế kiểu nhà ánh sáng, xây dựng giúp cho người nghèo nhà mới nhiều không khí, hợp vệ sinh… để họ có đời sống tốt đẹp hơn. Hội cũng tổ chức cứu trợ dân bị nạn, người nghèo khó, thường trực, vận động thành lập Tự lực học đoàn để xóa mù trong nhân dân……
Đó là chưa nói đến những hô hào cải cách tận thâm sâu trong tâm mọi người, trong “10 điều tâm niệm” của Hoàng Đạo (15)…
Ngoài những tiết mục rõ ràng đó, giữa những trang báo, những tin tức, những cảnh tượng trong những phiên tòa… người đọc thấy được trên báo Phong hóa và Ngày nay một kho tàng bài viết và tư liệu rất lớn về lịch sử, về đời sống dân chúng, về phong tục tập quán dân Việt những năm 1930… cũng như những tố cáo về những điều cay đắng đau khổ người dân nghèo phải chịu như những loại thuế lạ lùng: thuế thân, thuế rượu… thực dân quàng lên cổ người dân nô lệ.
Nhìn ra xã hội, ta thấy trong lúc đa số dân chúng nghèo khổ cùng cực, mà nha phiến, cờ bạc, rượu chè… lại tự do! Ôi cái tự do làm những việc chết người! Tranh khôi hài của Ngày nay số 68, vẽ Lý Toét tay giơ chai rượu, miệng ra một tuyên ngôn: “Tự do! Tự do! Chúng mình đã được tự do uống rượu rồi còn gì nữa!” Nghe thật xót xa!
Kính thưa quý vị độc giả,
Những điều trên chỉ là cái nhìn thô thiển của kẻ hậu học trước cái núi báo gồm toàn thể 414 số báo Phong hóa và Ngày nay! Chúng tôi xin ngừng lại phần giới thiệu tại đây, để các bạn tự đọc và tự khám phá, cùng thưởng thức và nghiên cứu những số báo này.
Trở lại tòa báo Phong hóa, mọi việc không được xuôi chèo mát mái như mong muốn. Ngày 31/05/1935 báo Phong hóa đã bị Thống sứ Bắc Kỳ đình bản ba tháng. Và hơn một năm sau, sau số 190, ngày 5/6/1936, Phong hóa bị rút giấy phép, đóng cửa hẳn.
Đoán biết sẽ có ngày Phong hóa bị chết, Nhất Linh đã xin phép ra một tờ báo dự trữ thứ hai, do Nguyễn Tường Cẩm, anh của ông, một công chức, đứng tên. Đó là tờ báo Ngày nay hiền lành, chỉ chuyên về mỹ thuật, văn chương. Báo Ngày nay số 1 phát hành ngày 31/01/1935 (lúc đầu mỗi tháng ra 3 số, và báo cũng không xuất bản thường xuyên). Khi Phong hóa bị đóng cửa, toàn thể Ban biên tập quay ra làm việc cho Ngày nay, dần dần xây dựng cho tờ báo mới phong độ của Phong hóa cũ. Thật ra Tự lực văn đoàn đã xây dựng cả hai báo, đã hiện đại hóa về cơ bản cách diễn đạt và đặc biệt văn phong Việt Nam, thậm chí có thể nói cả về cách suy nghĩ nữa.
Báo Ngày nay ra tất cả được 224 số, với khá nhiều lỗ hổng trắng hếu trên báo, đó là: “Kiểm duyệt bỏ!”. Tranh khôi hài Lý Toét, gọi cái đầu trọc trống trơn, chỉ có một sợi tóc của Xã Xệ, là: “Kiểm duyệt bỏ”. Năm 1939 sau số 206, ngày 6 tháng 4, báo Ngày nay tạm đình bản năm tuần, (Chúng tôi không rõ lý do, vì lần này không có vẻ là một lần bị Kiểm duyệt đóng cửa. Có thể là do không có giấy in chăng?, Lúc này đang chiến tranh, việc chuyên chở giấy đang có vấn đề lớn). Nhưng hơn một năm sau, sau số 224 ra ngày 07/09/1940, báo Ngày nay bị rút giấy phép, đóng cửa hẳn. Như bao nhiêu báo ViệtNam từ trước tới lúc này, không ai biết đựơc nguyên nhân. Ngay cả hồ sơ mật vụ để ở Aix enProvence cũng không thấy nói tới.
Không còn báo Ngày nayTự lực văn đoàn chỉ còn nhà in, Nhà xuất bản Đời nay, hoạt động cầm chừng, tiếp tục in sách, thơ, tiểu thuyết… Một vài cố gắng của Thạch Lam và Khái Hưng ra báo Chủ Nhật, rồi cũng sớm bị rút giấy phép. Nhất Linh thoát ra hải ngoại… Năm 1942, Thạch Lam mất vì bệnh lao.
Năm trước đó, tại Hà Nội, Hoàng Đạo, Khái Hưng và Nguyễn Gia Trí, bị Pháp bắt, mấy tháng sau bị đưa lên Vụ Bản Hòa Bình, 1941-1943. Hoàng Đạo và Nguyễn Gia Trí bị tra tấn tàn nhẫn. Sau đó, Pháp đưa Nguyễn Gia Trí đi an trí ở Thủ Đầu Một. Hoàng Đạo an trí ở Hà Nội.
Năm 1945, một số thành viên cũ như Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thế Lữ, Tú Mỡ, Thanh Tịnh, Nguyễn Tường Bách… tụ tập lại, cho ra tờ Ngày nay Kỷ nguyên mới, được 16 số thì đình bản vào ngày 18 tháng 8 năm 1945. Hiện nay vì chưa sưu tầm và thẩm định những số báo này, nên chúng ta tạm coi như Ngày nay số 224, ngày 07 tháng 09 năm 1940, là số báo cuối cùng.
Nhìn kho tàng văn học vô cùng đồ sộ của các vị tiền nhân nằm yên trong tủ sách bao nhiêu năm nay, nhiều người trong chúng tôi đã có ước mơ: “Làm một điều gì đó”:
- Để làm sống lại một công trình văn hóa hàng đầu của dân tộc.
- Để tất cả mọi người dân Việt có thể được đọc lại và thưởng thức cái đẹp của văn chương thời chuyển đổi, một nền văn-chương-mới, một nền mỹ-thuật-mới được khai phá và nở rộ.
- Và cũng để nhìn lại bối cảnh chính trị, xã hội, kinh tế trong một giai đoạn lịch sử cận đại đầy khó khăn, đầy xáo trộn của đất nước dưới chế độ thuộc địa Pháp.
Được khuyến khích, hưởng ứng từ rất nhiều bè bạn khắp nơi cùng các Giáo sư và sinh viên tại các trường đại học trên thế giới, cho nên dù biết rằng công trình hãy còn sơ sài, chắp vá… và chắc chắn có nhiều điều không được hoàn hảo như mong muốn nhưng chúng tôi vẫn cố gắng “… Vác ngà voi” và mang tâm trí và sức lực ra thực hiện việc “SỐ HÓA” và phát hành sưu tập Phong hóa và Ngày nayMột di sản chung của tất cả mọi người dân Việt chúng ta.
Bởi vì, có lẽ chúng ta khó lòng tìm được một văn đoàn tài giỏi, làm việc hăng say thể hiện sâu sắc tình yêu nước, yêu dânyêu tiếng Việt, lại có đủ thời cơ thực hiện được một công trình văn hóa xứng đáng như thế nữa.
Phạm Thảo Nguyên và Nguyễn Trọng Hiền
Kính thưa toàn thể độc giả trên thế giới, khi đọc những số báo Phong hóa và Ngày nay này trên máy vi tính, có thể quý vị sẽ thấy thiếu vài trang báo nơi này nơi khác, hoặc một vài chỗ bị hỏng không đọc được, chúng tôi tha thiết kêu gọi quý vị nào nếu đã được trông thấy hay đã biết:
Có TRANG BÁO TỐT HƠN để thay thế trang không đọc được hay để bổ sung các trang thiếu…
Cũng như, tung tích những số báo Chủ NhậtNgày nay Kỷ nguyên mới và Sách Hồng…
xin LIÊN LẠC VỚI NHÓM KỸ THUẬT của chúng tôi qua email:
PHNN-TechGroup (hn90250@yahoo.com)
Chúng ta sẽ chung sức tăng cường tài liệu sưu tập về nhóm Tự lực văn đoàn cho thật đầy đủ.

  1. Nhất Linh, Nguyễn Thế Lữ, một người mới trong làng thơ mới, PH số 54, 1933
  2. Giải thưởng Thơ Tự lực văn đoàn 1939, Nhất Linh, NN số 209, 25/5/40
  3. Trích Hồi ký của Tú Mỡ.
  4. Khái Hưng, Tựa Gió đầu mùa của Thạch Lam, NN số 89.
  5. Phóng bút của Lê Ta, PH số 154, 1935
  6. Tiếng cười, Tú Mỡ
  7. Tranh Bút Sơn, bìa PH số 89, ngày 16/3/1934
  8. Lý Toét ra tỉnh, Đông Sơn, PH số 48, 1933
  9. Lemur Cát Tường, Vẻ đẹp riêng tặng các bà các cô: PH số 88, 1934 và nhiều số kế tiếp.
  10. Hồn Xuân, Nguyễn xuân Khoát, lời Thế Lữ, NN số 149-10
  11. Một kiếp hoa, Nguyễn văn Tuyên, NN số 122-11
  12. Xuân yêu đương, Lê Thương, NN Xuân 1939, số 149,-11
  13. Bản đàn xuân, Lê Thương, NN Xuân 1940, số 198,
  14. Hát ả đàoNN số 214, và các số kế tiếp.
  15. 10 điều tâm niệm, Hoàng Đạo, NN số 25 và các số kế tiếp.
Nhóm kỹ thuật trực tiếp chia sẻ với BVN, có tiếp thu cách trình bày của Diễn đàn 21-9-2012
nguồn:http://www.boxitvn.net/bai/41436
=====================================================================
Đúng ngày này 80 năm trước báo Phong hóa do Nhất Linh chủ trì ra đời 
Ngày 22-9-1932, tờ Phong hóa số 14 do nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam làm Giám đốc (sau khi mua lại giấy phép từ ông Phạm Hữu Ninh), ra mắt ở Hà Nội, gây một tiếng vang rất lớn, mở ra một thời kỳ mới, đậm sắc thái dân chủ, trong đời sống báo chí Việt Nam, đồng thời cũng góp phần đưa văn học Việt Nam bước hẳn vào chặng đường hiện đại theo trào lưu văn học phương Tây, khép lại 10 thế kỷ văn học cổ truyền lấy văn hóa Trung Hoa làm hệ quy chiếu.
Để ghi nhớ bước đột phá quan trọng ấy, kể từ hôm nay BVN xin lần lượt gửi đến bạn đọc xa gần toàn bộ các files ảnh hai tờ báo Phong hóa và Ngày nay do nhóm các anh chị Phạm Thảo Nguyên, Nguyễn Trọng Hiền, Martina Nguyễn Thục Nhi, Vu Gia, Nguyễn Tường Thiết và một số người khác… phân công sưu tầm, chụp lại, và áp dụng kỹ thuật số để đưa lên mạng theo định dạng PDF, đi kèm với bài Giới thiệu Phong hóa và Ngày nay” do Phạm Thảo Nguyên và Nguyễn Trọng Hiền chấp bút. Bạn đọc có thể download các files do BVN cung cấp để sử dụng làm tài liệu tham khảo. Nhân đây, xin được bày tỏ lời tri ân của chúng tôi đối với việc làm kỳ công của Nhóm kỹ thuật vì lợi ích thiết thân của văn hóa dân tộc, cũng như tinh thần chủ động chia sẻ vô vụ lợi của các bạn cho nhiều trang mạng cùng đồng loạt công bố.
Cũng nhân kỷ niệm 80 năm báp Phong hóa ra đời dọn đường cho việc thành lập Tự lực văn đoàn đúng một năm 6 tháng sau đó, BVN xin đăng lại dưới đây bài tham luận Thử định vị Tự lực văn đoàn của GS Nguyễn Huệ Chi đọc trong Hội thảo khoa học về Tự lực văn đoàn do sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Hải Dương phối hợp với UBND huyện Cẩm Giàng và các Hội Khoa học Lịch sử, Văn học Nghệ thuật Hải Dương tổ chức tại thị trấn Cẩm Giàng ngày 9-5-2008. Bài tham luận đã được các báo Văn nghệ, tạp chí Khoa học và Tổ quốc… cùng một số trang mạng trong ngoài nước đăng tải, và nhận được nhiều phản hồi bổ ích, như ý kiến của nhà văn Nguyễn Tường Thiết, con trai út nhà văn Nhất Linh, hiện cư trú tại hoa Kỳ (http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=14128&rb=0205).
Bauxite Việt Nam
Link download Phong Hóa từ số 14 – 21:
TỔNG QUÁT SƯU TẦM PHONG HÓA VÀ NGÀY NAY
BÚT HIỆU TỰ LỰC VĂN ĐOÀN
GIỚI THIỆU PHONG HÓA Và NGÀY NAY
PH14
PH15
PH16
PH17
PH18
PH19
PH20
PH21
Mời bạn đọc download tiếp Phong hóa và Ngày nay
Kỳ 2
PH22
PH23
PH24
PH25
PH26
PH27
PH28
PH29
PH30
Mời bạn đọc download tiếp Phong hóa và Ngày nay
Kỳ 3
PH31
PH32
PH33
PH34
PH35
PH36
PH37
PH38
PH39
PH40
Mời bạn đọc download tiếp Phong hóa và Ngày nay
Kỳ 4
PH41
PH42
PH43
PH44
PH45
PH46
PH47
PH48
PH49
PH50
Mời bạn đọc download tiếp Phong hóa và Ngày nay
Kỳ 5
PH51
PH52
PH53
PH54
PH55
PH56
PH57
PH58
PH59
PH60
Mời bạn đọc download tiếp Phong hóa và Ngày nay
Kỳ 6
PH61
PH62
PH63
PH64
PH65
PH66
PH67
PH68
PH69
PH70
Mời bạn đọc download tiếp Phong hóa và Ngày nay
Kỳ 7
PH71
PH72
PH73
PH74
PH75
PH76
PH77
PH78
PH79
PH80
Mời bạn đọc download tiếp Phong hóa và Ngày nay
Kỳ 8
PH81
PH82
PH83
PH84
PH85
PH86
PH87
PH87 PhuLuc
PH88
PH89
PH90
Mời bạn đọc download tiếp Phong hóa và Ngày nay
Kỳ 9
PH91
PH91Phuluc
PH92
PH93
PH94
PH95
PH96
PH97
PH98
PH99
PH100
Mời bạn đọc download tiếp Phong hóa và Ngày nay
Kỳ 10
PH101
PH102
PH103
PH104
PH105
PH106
PH107
PH108
PH109Lemur
PH110
Mời bạn đọc download tiếp Phong hóa và Ngày nay
Kỳ 11
PH111
PH112
PH113
PH114
PH115
PH116
PH117
PH118
PH119
PH120
Mời bạn đọc download tiếp Phong hóa và Ngày nay
Kỳ 12
PH121
PH122TaiXuyenLemur
PH122
PH123
PH124
PH125
PH126
PH127
PH128
PH129
PH130
Mời bạn đọc download tiếp Phong hóa và Ngày nay
Kỳ 13
PH131
PH132
PH133
PH134MuaXuan
PH135
PH136
PH137
PH138
PH139
PH140
Mời bạn đọc download tiếp Phong hóa và Ngày nay
Kỳ 14
PH141
PH142
PH143
PH144
PH145
PH146
PH147
PH148
PH149
PH150
Mời bạn đọc download tiếp Phong hóa và Ngày nay
Kỳ 15
PH151
PH152
PH153
PH154
PH155
PH156
PH157
PH158
PH159
PH160
Mời bạn đọc download tiếp Phong hóa và Ngày nay
Kỳ 16
PH161
PH162
PH163
PH164
PH165
PH166
PH167
PH168
PH169
PH170
Mời bạn đọc download tiếp Phong hóa và Ngày nay
Kỳ 17
PH171
PH172
PH173
PH174
PH175
PH176
PH177
PH178
PH179
PH180
Mời bạn đọc download tiếp Phong hóa và Ngày nay

Kỳ 18
PH181
PH182
PH183
PH184
PH185
PH186
PH187
PH188
PH189
PH190








THỬ ĐỊNH VỊ TỰ LỰC VĂN ĐOÀN
Nguyễn Huệ Chi
Trước khi phát biểu mấy ý kiến trong bản tham luận ngắn này – giới hạn vào hai đặc điểm thuộc tính theo tôi là cốt lõi của Tự lực văn đoàn với tư cách một tổ chức văn học, chứ không bàn sâu đến thành tựu sáng tác của họ – xin được nói vài lời phản biện với bản Báo cáo đề dẫn mở đầu Hội thảo, trong phần điểm lại hai mặt: con người tiến bộ và con người phản động của Nhất Linh, nhân người đề dẫn có mời gọi sự phản biện của đại biểu “để cho ý kiến đề dẫn sáng tỏ hơn”.
Tôi nhắc lại một câu bất hủ trong lá thư tuyệt mệnh của nhà văn Nhất Linh: “Đời tôi để cho lịch sử xử”. Nhất Linh tin chắc lịch sử sẽ phán xử công bằng với mình. Nhưng lịch sử mà ông hiểu là cả một thời đoạn dài, đủ sức sàng lọc mọi giá trị và vén xong các lớp mây mù để lộ diện quy luật vận hành khách quan của nó. Lịch sử quyết không phải là phát ngôn của quyền lực ở bất kỳ thời điểm nào đấy, càng không phải là phát ngôn của những ai ảo tưởng rằng mình chính là tiếng nói cuối cùng của chân lý. Nếu chấp nhận với nhau trên một cách nhìn như thế, tôi nghĩ, câu nói của Nhất Linh phải được coi là nguyên tắc phương pháp luận then chốt của cuộc hội thảo khoa học tại địa điểm Cẩm Giàng hôm nay, cũng như mọi cuộc hội thảo về Nhất Linh và Tự lực văn đoàn rồi đây sẽ còn được tiến hành ở những vùng miền khác. Có nhiều con đường yêu nước khác nhau chứ không phải chỉ một, và sự so sánh hơn kém đúng sai giữa chúng, thông qua một góc nhìn thường là chật hẹp, nặng tính chất thời vụ, bao giờ cũng chỉ rút ra được những giá trị hết sức tương đối, đôi khi là giá trị ảo. Chưa biết con đường nào đã hay hơn con đường nào nhưng nếu nhà yêu nước nuôi dưỡng trọn đời một lý tưởng trong sáng, không có mưu đồ đem giang sơn Tổ quốc mà mình giành được ra chia chác, “xã hội hóa” vô vàn đất đai béo bở thành của riêng của bè cánh mình, họ hàng con cháu mình, làm cho đất nước lại có nguy cơ lâm vòng hiểm họa, thì trước sau, hình bóng họ sẽ vẫn ghi đậm trong lòng dân chúng.
Nguyễn Huệ Chi phát biểu. Ảnh: Hy Tuệ
Nguyễn Huệ Chi phát biểu. Ảnh: Hy Tuệ
1. Tự lực văn đoàn là tổ chức văn học đầu tiên của nước ta mang đầy đủ tính chất một hội đoàn sáng tác theo nghĩa hiện đại. Hội đoàn ấy bắt đầu bằng một tờ báo, đấy là tờ Phong hóa bộ mới mà số đầu tiên phát hành vào ngày 8 tháng Chín năm 1932 – tức số 13 – đã lập tức biến một tờ báo vốn đang ế ẩm thành một hiện tượng đột xuất trong làng báo Hà Nội lúc ấy. Theo Nguyễn Vĩ, ngay số đầu tiên, tờ báo đã “bán chạy như tôm tươi” (Văn thi sĩ tiền chiến) báo hiệu một cái gì thật mới mẻ đang xuất hiện trên đất Hà thành. Hội đoàn ấy chính thức tuyên bố thành lập vào tháng Ba năm 1934(1), với một tôn chỉ gồm 10 điều mà chúng ta có thể tổng hợp lại trong 4 điểm, thể hiện bốn phương diện nhận thức liên quan khăng khít, tự thân chúng có ý nghĩa đối trọng ngay lập tức với hiện tình sáng tác và thực trạng xã hội đương thời: 1. Về văn học, tôn chỉ nhắm tới 3 mục tiêu lớn: a. Dấy lên một phong trào sáng tác làm cho văn học Việt Nam vốn đang nghèo nàn có cơ hưng thịnh (“Tự sức mình làm ra những cuốn sách có giá trị về văn chương… mục đích là để làm giàu thêm văn sản trong nước”/ trước 1930 sự vắng vẻ của văn đàn vẫn là một tâm trạng mặc cảm của giới cầm bút, mặc dầu văn học miền Nam đã sản xuất vô số tiểu thuyết văn vần và văn xuôi theo hình thức lục bát và chương hồi); b. Xây dựng một nền văn chương tiếng Việt đại chúng (“Dùng một lối văn giản dị dễ hiểu, ít chữ Nho, một lối văn thật có tính cách An Nam”/ ngôn ngữ của tạp chí Nam phong đại diện cho tiếng nói văn chương thuở ấy vẫn là ngôn ngữ đệm nhiều danh từ Hán Việt và dành cho tầng lớp học thức cao trong xã hội); c. Tiếp thu phương pháp sáng tác của châu Âu hiện đại để hiện đại hóa văn học dân tộc (“Đem phương pháp khoa học thái tây ứng dụng vào văn chương Việt Nam”/ ảnh hưởng của tiểu thuyết phương Tây đã đến miền Nam khá sớm nhưng hình thức lại bị “lại giống” do “lai” với tiểu thuyết cổ Trung Quốc); 2. Về xã hội, đề cao chủ nghĩa bình dân và bồi đắp lòng yêu nước trên cơ sở lấy tầng lớp bình dân làm nền tảng (“Ca tụng những nết hay vẻ đẹp của nước mà có tính cách bình dân, khiến cho người khác đem lòng yêu nước một cách bình dân. Không có tính cách trưởng giả quý phái” / cho đến cuối những năm 20, các khái niệm “chủ nghĩa bình dân”, “nết hay vẻ đẹp bình dân” và “yêu nước một cách bình dân” hãy còn là quá mới lạ, chưa hề xuất lộ trong tư duy của tầng lớp sĩ phu được gọi là “tiên tri tiên giác”, và cũng chưa hiện hình thành quan điểm ở một người vốn đã thực hiện chủ nghĩa bình dân trong thực tiễn như Nguyễn Văn Vĩnh); 3. Về tư tưởng, vạch trần tính chất lỗi thời của những tàn dư Nho giáo đang ngự trị trong xã hội (“làm cho người ta biết rằng đạo Khổng không hợp thời nữa” / công khai chống lại lễ giáo phong kiến Tự lực văn đoàn đã gây một cú “sốc” ý thức hệ, chấn động hết thảy mọi thành phần còn dính dáng ít nhiều đến Nho học, thậm chí vẫn để dư chấn đến tận Hội thảo này); 4. Về con người, lấy việc giải phóng cá nhân làm trung tâm điểm của mọi sáng tác (“Tôn trọng tự do cá nhân”, “Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời, có chí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ” / văn chương trước 1930 chưa bao giờ đưa con người cá nhân lên vị trí trung tâm, không những thế, giọng điệu chung của nó là bi ai sầu thảm. Tự lực văn đoàn tuyên chiến với thứ tâm trạng xã hội nặng nề đó; với nó “cái bi” cũng phải được đối xử, vượt qua, bằng niềm vui sống).
Với 4 điểm như đã tóm tắt, cái hội đoàn do Nguyễn Tường Tam thành lập rõ ràng đã hiện ra trong tư cách một trường phái văn học hoàn chỉnh, khu biệt với mọi kiểu tổ chức văn học xuất hiện trước mình. Trở về trước, các thi xã truyền thống trong lịch sử thường phải dựa vào thế lực của một tầng lớp bên trên như vua quan, hay lãnh chúa một vùng, chẳng hạn Hội Tao đàn của Lê Thánh Tông, Chiêu Anh các của Mạc Thiên Tích. Hoặc là tập hợp của một đám thượng lưu quý tộc, chẳng hạn Mặc Vân thi xã của Anh em Miên Thẩm. Các loại thi xã đó đều lấy việc ngâm vịnh văn chương để chơi làm mục đích, nên rất ít mở rộng ảnh hưởng ra ngoài thi xã. Tính khép kín là đặc điểm hiển nhiên của chúng. Tự lực văn đoàn trái lại, là sự tập hợp những con người không có quan tước, cũng không có thế lực nào bảo trợ. Họ gồm 7 người là Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ, Thế Lữ, Xuân Diệu (không có Trần Tiêu)(2). Đứng về mặt xã hội phải nói họ đều là “chân trắng”. Nhưng họ lại tập hợp nhau lại vì một lý tưởng muốn cống hiến cho văn học, thông qua văn học mà đóng góp cho xã hội, và cùng chung sức nhau xã hội hóa hoạt động sáng tác của họ, trong sự vận hành của cơ chế thị trường văn học nghệ thuật đang dấy lên từ Nam ra Bắc thuở bấy giờ. Nghĩa là họ chấp nhận sự cạnh tranh để sống còn bằng nghề văn của mình. Họ không chỉ biết đến tiểu thuyết, thơ ca mà còn ràng buộc với nhau trong việc sống nhờ vào hai tờ báo và một nhà xuất bản. Họ không hy sinh mục đích văn chương cao quý cho việc kiếm kế sinh nhai bằng mọi giá, nhưng việc kiếm kế sinh nhai lại chính là điều kiện để họ giữ vững thiên chức văn học như một “mục đích tự thân”(3), điều mà có lẽ, từ 1945 đến nay, chưa một văn đoàn nào trên đất Việt làm nổi và có ý thức, có gan làm (còn nhớ cách đây vài năm, khi có ý kiến đề xuất chuyển các hội sáng tác văn học nghệ thuật trở về đời sống dân sự đúng nghĩa, bỏ hẳn cơ chế “xin cho”, thì chính các vị lãnh đạo ở các hội ấy đã đồng loạt lên tiếng khẩn thiết đòi bảo vệ quyền thiêng liêng của mình là… vẫn được sống dựa vào Nhà nước). Cũng khác với các ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, để có thể tổ chức được một nhóm cầm bút với mục đích truyền bá cái mới của Âu Tây cũng như bước đầu xây dựng nền văn chương quốc ngữ, đều không tránh khỏi phải núp bóng Nhà nước Bảo hộ, Tự lực văn đoàn là một đoàn thể văn học hoàn toàn mang tính chất tư nhân, không ve vãn, nhân nhượng bộ máy đương quyền và không hề phát ngôn cho quyền lực dù lâm vào tình huống o ép khó xử nhất.
Như vậy, có thể nói, Tự lực văn đoàn là tổ chức văn học chưa có tiền lệ trong văn học ViệtNam. Những mặt ưu trội kể trên đưa lại cho nó một sức hấp dẫn đặc biệt, không tiền và nếu tính đến nay thì cũng là khoáng hậu, đẩy nó lên địa vị gần như tuyệt đối trên văn đàn trong vòng 8 năm nó tồn tại trên thực tế. Sự ra đời của nó có tác dụng kích thích phong trào sáng tác văn học của cả nước như là một tất yếu, một nhu cầu nội tại, với tư cách một sự tìm kiếm và tự thực hiện của khát vọng tự do. Đó là phương diện chủ chốt vạch rõ sự khác biệt bản chất giữa nó với các hội đoàn văn học từ 1945 về sau mà ta không thể mượn tiêu chí này kia làm những cột mốc so sánh.
2. Bên cạnh đặc điểm quan trọng như đã nói, một phẩm chất khác cũng không kém nổi bật là Tự lực văn đoàn thể hiện cái khát vọng dân chủ trong đời sống văn học nghệ thuật. Dân chủ trước tiên chính ở nề nếp sinh hoạt rất có tính nguyên tắc của một tổ chức văn học được xây dựng theo những chuẩn mực mới mẻ của Âu Tây. Không chỉ đề xuất ra 10 tôn chỉ mà thôi, để luôn luôn quán triệt 10 tôn chỉ trong hoạt động thực tế, mọi công việc của văn đoàn, nhất là công việc ra từng số báo, in từng cuốn sách, đều được bàn bạc tập thể, đều có tranh luận sôi nổi với nhau và cuối cùng có sự nhất trí của cả nhóm. Tư cách rất đáng trọng của Nhất Linh khiến ông làm tròn vai trò hạt nhân của văn đoàn cho đến khi nó tan rã là ở chỗ, mặc dù quyết đoán, ông không bao giờ lạm dụng uy thế một ông bầu và một ông chủ báo, hay cố giữ một “khoảng cách” với người cộng sự, như hầu hết các ông chủ báo cốt dùng tờ báo để khoe danh và thăng quan tiến chức. Ông hòa hợp mật thiết với anh em đồng đội, nhận số lương ngang như anh em, gánh vác tất cả mọi việc không khác gì anh em. Chính vì thế, tình nghĩa giữa 7 con người trong văn đoàn, như Tú Mỡ thừa nhận, giữ được thắm thiết sâu bền. Quan trọng hơn nữa, nếu như Đông Dương tạp chí cũng có cả một tòa soạn song rốt cuộc mọi cá nhân khác đều dường như lu mờ đi sau cái bóng của Nguyễn Văn Vĩnh; nếu như Bộ biên tập của Nam phong tạp chí còn hùng hậu hơn Đông Dương tạp chí mà vẫn không ai nổi đậm bằng hoặc hơn so với Phạm Quỳnh, thì Tự lực văn đoàn toàn toàn khác. Nói đến văn đoàn ấy không thể chỉ nói một mình Nhất Linh. Trọng lực của văn đoàn phân đều cho mỗi thành viên và chỉ cần thiếu đi một, sáu “ngôi sao” còn lại đã không thể hội tụ thành nguồn ánh sáng tiêu biểu của văn đoàn. Đông Dương và Nam phong dù sao cũng chỉ mới là sự thăng hoa tài năng của một vài cá nhân, còn đến Tự lực văn đoàn thì đã thật sự có một đột biến về chất: một sự thăng hoa tập thể, nó là kết quả của ý thức dân chủ từ người đứng đầu chuyển hóa sang đồng đội. Tất nhiên, cũng không phải vì thế mà uy tín người thủ lĩnh của Nguyễn Tường Tam bị hạ thấp hay xem nhẹ. Là một nghệ sĩ đa tài, một con người giàu tâm huyết và có tầm nhìn xa, Nhất Linh đã biết đoàn kết cả nhóm lại trong một ý hướng chung do mình xướng xuất, biết truyền niềm say mê mãnh liệt của mình cho người khác, nhất là có con mắt tinh đời, biết khơi gợi đúng thiên hướng của từng người để mỗi tác giả trong văn đoàn trở thành một cây bút chuyên biệt nổi danh về một thể loại. Như Khái Hưng, được ông khuyến khích chuyển từ lối viết luận thuyết trên các báo Văn học tạp chíDuy tân (dưới bút danh Bán Than) sang viết tiểu thuyết; Tú Mỡ được ông gợi ý chuyên làm thơ trào phúng; Trọng Lang được ông cổ vũ đi hẳn vào phóng sự; còn Thế Lữ dưới con mắt Nguyễn Tường Tam phải là người mở đầu cho “thơ mới”… Có ai ngờ được rằng bấy nhiêu lời chỉ bảo tưởng chừng bâng quơ như thế cuối cùng đều có một đáp án chính xác: chỉ sau chưa đầy 3 năm kể từ ngày thành lập, Tự lực văn đoàn nghiễm nhiên là một hàn lâm văn học sang trọng, phát ngôn cho mọi chuẩn mực giá trị của văn học được công chúng xa gần thừa nhận. Và mỗi thành viên của nó cũng nghiễm nhiên đóng vai trò ông tổ của cái hình thức sáng tác mà Nhất Linh đã phó cho mình cầm chịch. Không ai còn có thể tranh ngôi vị cây bút tiểu thuyết tài danh của Khái Hưng. Nói đến giọng thơ trào phúng kế sau Tú Xương ai cũng phải nhường Tú Mỡ. Còn Thế Lữ thì được cả làng “thơ mới” thừa nhận là chủ soái thi đàn. Cũng không thể quên Thạch Lam với những kiệt tác truyện ngắn trữ tình mà về sau ít người sánh kịp. Và Xuân Diệu, người tiếp bước Thế Lữ đem lại sự toàn thắng cho “thơ mới”, phổ vào thơ cái ma lực của những cảm xúc đắm say quyến rũ. Riêng Nhất Linh không những không nhường Khái Hưng về tiểu thuyết, ông còn là nhà văn luôn luôn tìm tòi không ngừng, không mỏi. Vừa cho ra mắt một loạt tiểu thuyết luận đề làm cả một thế hệ thanh niên mê thích, ông lại thoắt chuyển sang dạng tiểu thuyết không cốt truyện, lấy việc phân tích các biến thái tâm lý nhân vật làm chủ điểm (Đôi bạn), rồi lại thoắt chuyển sang dạng tiểu thuyết khơi sâu vào những miền khuất tối, không dễ nhận biết của cái “tôi”, cái thế giới bí mật nhất trong mỗi con người, kể cả sự mò mẫm vô thức trên quá trình cái “tôi” phân thân, tự hủy, ít nhiều mang dáng dấp hiện sinh (Bướm trắng)… Có thể nói từ sinh hoạt dân chủ trong nội bộ, thấm vào tình cảm của mỗi thành viên rồi tác động qua lại lẫn nhau, tinh thần dân chủ đã như một chất men kỳ lạ kích thích niềm phấn hứng sáng tạo của từng cá nhân trong văn đoàn, bắt người nào cũng gắng sức đua tranh không chịu kém thua người khác, khiến họ đều vươn tới vị trí đỉnh cao trên đàn văn cũng như bộc lộ hết tài hoa của họ. Tác động liên hoàn giữa khát vọng dân chủ đến bùng nổ sức sáng tạo chính là như vậy.
Phía trước nơi xưa kia là “Trại Cẩm Giàng” nhìn ra con đường xe lửa trong truyện ngắn Thạch Lam. Từ trái sang: Phong Lê, Lại Nguyên Ân, Nguyễn Huệ Chi, Chương Thâu. Ảnh: Hy Tuệ
Phía trước nơi xưa kia là “Trại Cẩm Giàng” nhìn ra con đường xe lửa trong truyện ngắn Thạch Lam. Từ trái sang: Phong Lê, Lại Nguyên Ân, Nguyễn Huệ Chi, Chương Thâu. Ảnh: Hy Tuệ
Nhưng là một tổ chức văn học và báo chí có ảnh hưởng ngày càng sâu rộng, tinh thần dân chủ nhen nhóm trong văn đoàn Tự lực cũng đã lan tỏa dần ra ngoài, đúng hơn, nó được cả văn đoàn sử dụng như một nguyên tắc thẩm mỹ và một nguyên tắc hành nghiệp linh hoạt mà bất biến, trong bất kỳ mọi sáng tạo văn học nghệ thuật cũng như mọi hoạt động xã hội nào của họ.
Dân chủ ở ngay cách đối xử với cộng tác viên nhiệt tình, trân trọng và hết mực chu đáo, kể cả với người lần đầu cầm bút, nâng hẳn tầm thước của họ lên trong chính mắt họ, đặt họ ngang hàng sòng phẳng với mình, gieo vào lòng họ niềm tin ở thiên hướng nghệ thuật mà họ thực sự có tài năng và đang tận tâm đeo đuổi(4). Tự lực văn đoàn là nơi phát hiện ra Anh Thơ, Tế Hanh, Nguyên Hồng, Đỗ Đức Thu, Mạnh Phú Tư, Bùi Hiển, Thanh Tịnh… Cũng Tự lực văn đoàn lần đầu tiên trình diện các bậc danh họa Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, xướng lên cuộc cải cách y phục với kiểu áo “Lơ muya” của họa sĩ Cát Tường, và công bố trên tờ báo của văn đoàn những bài tân nhạc của Nguyễn Xuân Khoát, Lê Thương… Dân chủ còn ở cách họ tổ chức các giải thưởng văn học đầy uy tín, như những trọng tài tận tụy, công tâm, mà một điều khoản hệ trọng được đặt lên đầu là Hội đồng Giám khảo không bao giờ lại đồng thời là ứng viên dự giải – chuyện tưởng chừng “sơ đẳng”, đến phong kiến cũng có luật “hồi tị”, mà hóa ra trong nền văn học nghệ thuật của chúng ta suốt bằng ấy năm đã bị đảo ngược và cái đảo ngược đã trở thành “thông lệ”, đến nỗi ở thời điểm 1956 học giả Phan Khôi không sao hiểu được phải lên tiếng phê bình, oái oăm thay là sự thẳng thắn đó đã giáng tai họa lên đầu ông. Bởi thế, khi xác nhận công lao của Tự lực văn đoàn như một hội đoàn có vị trí khai sáng trong văn học hiện đại ta không nên quên rằng chính cái văn đoàn ấy, với đích nhắm nghệ thuật vô tư, trong sáng, với văn hóa ứng xử đàng hoàng, mẫu mực, phương pháp điều hành minh bạch, quy tụ được rộng rãi tinh hoa văn nghệ trong cả nước, đã khai sáng ra cùng với nó những hình thức thể loại mũi nhọn trong văn học hiện đại Việt Nam và cả trong nghệ thuật hiện đại Việt Nam như hội họa, ca nhạc mà nó là nơi thể nghiệm, nơi ghi dấu ấn của những đại biểu tiên phong.
Vài chục năm qua kể từ sau đổi mới, chúng ta đã dành nhiều giấy mực để luận bàn nhằm từng bước giải tỏa nhiều thành kiến khắt khe, cố chấp, cố gắng trả về cho lịch sử văn học những giá trị đích thực của khối lượng tác phẩm do Tự lực văn đoàn để lại(5). Ta đề cập tới trong sách vở của họ các khuynh hướng đấu tranh chống lễ giáo phong kiến, khuynh hướng lãng mạn, ca ngợi tình yêu và hạnh phúc cá nhân, khuynh hướng nghiêng mình xuống số phận những con người cơ cực, bần cùng, cho đến khuynh hướng không bằng lòng với cuộc sống trưởng giả, tẻ nhạt cũ kỹ, quyết dấn thân vào con đường gió bụi, “mê man trong hành động”, tuy chưa biết hành động sẽ đi đến đâu nhưng ít nhất cũng là sự giải thoát cho mình khỏi nỗi mặc cảm đau xót của thân phận người dân mất nước v.v… Ta cũng không quên cuộc cách tân văn xuôi to lớn của họ, cấp cho họ một giọng văn trong trẻo, chuẩn mực, giàu sức biểu cảm tuy có lúc còn đơn điệu, và một cấu trúc thể loại mới mẻ, trong đó quy luật tâm lý thay cho trục diễn tiến đường thẳng theo trình tự thời gian và cái nhìn đa chiều trong soi chiếu nhân vật thay cho lối trần thuật một giọng của người kể chuyện; là sự có mặt của thiên nhiên như một đối tượng thẩm mỹ, v.v.
Nhưng điều có dễ chưa mấy ai lưu ý là từ tất cả những bình diện khác nhau kia, tác phẩm của Tự lực văn đoàn hình như đã đúc nên được một phong vị khó lẫn, nó là cái yếu tố ẩn sâu dưới tầng ngôn bản, kết nối các giá trị ấy lại với nhau. Theo tôi, đó chính là vẻ đẹp của tinh thần dân chủ mà mỗi thành viên đã thấm nhuần sâu sắc và chuyển tải vào tác phẩm theo cách riêng. Chính nó đã gây ra cho người đọc đương thời biết bao nhiêu bâng khuâng thắc thỏm về một điều gì mới lạ mà mình không lý giải nổi khi đọc văn chương của nhóm Tự lực; cũng chính nó bắt người đọc nhập thân vào thế giới nghệ thuật của Tự lực văn đoàn không giống như đi vào thế giới của các nhà văn hiện thực phê phán, một bên là cái thế giới bắt mình có sự nghiệm sinh trong đấy, bên kia là cái thế giới để mình phẫn nộ, lên án, nhưng không nhất thiết có mối liên lạc với mình. Phải chăng khi đến với những trang viết của Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam… bao giờ người ta cũng phải bắt mình đối diện với chính cái “tôi” một cách bình đẳng, nghiền ngẫm tra vấn nó, tức là nhìn vào thế giới sâu thẳm bên trong mình. Dân chủ trong tiếp nhận văn học trước hết là ở đấy. Dù ngày nay ngôn ngữ văn chương không ít tác phẩm của Tự lực văn đoàn đã bộc lộ sự mòn sáo thì âm hưởng “tự nghiệm” của chúng vẫn không cũ.
Tuy nhiên, điều rất cần nhấn mạnh ở đây còn là một phương diện khác, một cách biểu hiện dân chủ bằng sự vận dụng hữu hiệu ngôn ngữ trào phúng. Với tờ báo Phong hóa, ngay từ buổi đầu thành lập, Tự lực văn đoàn đã biết nắm lấy một vũ khí lợi hại là tiếng cười. Ai cũng biết tiếng cười là một liều thuốc hóa giải được mọi khổ đau. Về mặt mỹ học, xin mượn một câu nói của Hegel: nó “trình bày cái thế giới hư hỏng như là đang giãy giụa chống lại tình trạng hư hỏng của mình, tình trạng này biến mất do tính chất vô nghĩa lý ở bản thân nó”(6). Tiếng cười còn thần kỳ ở chỗ, chỉ trong phút chốc, mọi địa vị xã hội bị nó đảo lộn, thằng hóa ra ông, ông hóa ra thằng. Tận dụng được các phương cách này, đúng như Vu Gia nói, tờ báo Phong hóa có sức công phá như một “trái bom nổ giữa làng báo”(7). Dưới ngòi bút của họ, cả một xã hội gồm những ông tai to mặt lớn trong giới quan trường, học thuật, báo chí, văn chương, uy thế đến như Toàn quyền Brévié, Thống sứ Châtel, Khâm sứ Graffeuil, Hoàng đế Bảo Đại, Thượng thư Phạm Quỳnh, Tổng đốc Hoàng Trọng Phu, Đốc lý Virgitti, cho đến cả những nhân vật hủ lậu ở nông thôn mà biểu tượng là Lý Toét, Xã Xệ, Bang Bạnh… đều bị đem ra chế giễu, bị ngòi bút châm chọc của họ làm cho điêu đứng. Bằng tiếng cười của mình, Tự lực văn đoàn đã khéo léo hạ bệ các thần tượng phong kiến và thực dân, đưa các vị xuống đứng cùng hàng với đám chúng sinh khổ ải. Mặt khác, lại cũng phải nói như Vũ Bằng, sự chế giễu tuy thế vẫn biết giữ ở chừng mực của học vấn và trí tuệ, ngoại trừ một số trường hợp nào đó, nó không đi quá đà đến đả kích cay cú, “cười cợt người ta mà không thóa mạ ai”(8). Tuy cùng thời với Nhóm Tự lực cũng có khá nhiều tờ báo tìm nhiều cách gây cười cho độc giả, nhưng phải đến báo Phong hóa thì cái cách cười hóm hỉnh thông minh của nó mới đủ hiệu lực biến một xã hội già nua lụ khụ thành một thế giới vui nhộn trẻ trung. Lần đầu tiên, báo chí giành được cho mình cái quyền trao đổi công khai mọi chuyện nghiêm trang nhất, biến nó thành những chuyện để cười, thành một sinh hoạt bình thường, hợp pháp, lành mạnh, được xã hội thừa nhận. Thử hỏi, báo chí chúng ta cho đến đầu thế kỷ XXI này đã dám đem những chuyện nghiêm trang ra trao đổi một cách dung dị từ góc nhìn bình đẳng – đùa vui với nó – mà không có gì phải e ngại, hay là mỗi khi muốn cười cợt đôi chút vẫn phải nhìn trước ngó sau xem đã đi đúng “lề đường bên phải” mà quyền lực dành cho mình? Vậy nên, phải nói trào phúng là đóng góp lớn lao của Tự lực văn đoàn vào việc dân chủ hóa đời sống xã hội, một đóng góp từ trước chưa hề có và từ sau 1945 đến nay, báo chí cách mạng cũng dễ đâu đã theo kịp.
*
* *
Tự lực văn đoàn đã chấm dứt hoạt động thực tế kể từ sau năm 1940, tính đến nay đã 68 năm, gần bằng tuổi đời của kẻ viết bản tham luận này. Một khoảng thời gian không phải là ngắn, kèm theo biết bao sóng gió của một thời không chút bình yên về mọi mặt. Nhưng có điều rất lạ: càng lùi xa thì độ sáng của hiện tượng văn học mà ta đang xem xét dường như lại sáng hơn lên, diện mạo của những nhân vật nòng cốt trong Nhóm Tự lực lại càng hằn bóng nơi tâm trí chúng ta. Đó là bằng chứng chắc chắn của những giá trị đã biết cách tự khẳng định, không để cho quy luật sinh tồn đào thải. Điều may mắn là chúng ta còn một địa chỉ để tìm lại ít nhiều những dấu vết cũ: mảnh đất Cẩm Giàng, nơi xưa kia từng có trại Cẩm Giàng của dòng họ Nguyễn Tường. May mắn, bởi vì với tốc độ của công cuộc công nghiệp hóa ào ạt – và cả lộn xộn – hiện tại trên hầu khắp làng thôn Việt Nam, giữ được nguyên trạng mảnh đất trại Cẩm Giàng xưa quả thực là hy hữu. Thiết tưởng, đã đến lúc tỉnh Hải Dương và huyện Cẩm Giàng đón lấy thời cơ để biến mảnh đất gọi là “cố trạch” ấy thành một di tích lịch sử. Đó là việc làm hợp lẽ tiến hóa và là niềm mong mỏi không phải chỉ của Cẩm Giàng hay Hải Dương mà còn của giới văn học và khách tham quan văn hóa trong cả nước, hơn thế, cả nhiều người Việt ở nước ngoài và nhiều nhà ViệtNam học thế giới.
N.H.C.

([1]) Lâu nay nhiều sách báo đã dựa vào tư liệu của Phạm Thế Ngũ trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (1965) và Thanh Lãng trong Bảng lược đồ văn học Việt Nam (1967), ghi ngày công bố 10 tôn chỉ của Tự lực văn đoàn là 2-III-1933, nhưng theo bản tham luận của Nguyễn Huy Cương tại Hội thảo này thì số 87 báo Phong hóa thực ra ra ngày 2-III-1934 (tham luận có kèm theo 3 trang chụp số báo Phong hóa 87). Trong cuốn Phê bình văn học thế hệ 1932 (1973) chính Thanh Lãng đã điều chỉnh lại. Vì vậy, trong tham luận này, chúng tôi dựa vào số liệu của Nguyễn Huy Cương.
(2) Trong cuốn Trần Tiêu, nhà văn độc đáo của Tự lực văn đoàn (2006), Vu Gia dựa vào ý kiến của Tú Mỡ trong hồi ký Trong bếp núc của Tự lực văn đoàn (1969) và ý kiến Lê Thị Đức Hạnh trong bài Trần Tiêu có phải là thành viên trong tổ chức Tự lực văn đoàn hay không (Tạp chí văn học, số 5-1990), đã mạnh dạn đưa ra lời khẳng định: Trần Tiêu là thành viên của Tự lực văn đoàn. Tuy nhiên, có nhiều chứng cứ cho thấy Trần Tiêu cũng như Trọng Lang… là những cộng tác viên thân tín chứ chưa bao giờ được kết nạp vào Tự lực văn đoàn như thành viên chính thức. Trong mục từ “Tự lực văn đoàn” của Từ điển văn học bộ mới (2005), chúng tôi đã không xếp Trần Tiêu vào danh sách các thành viên của TLVĐ.
(3) “Nhà văn không hề xem công việc của mình như là một kế sinh nhai. Đó là một mục đích tự thân, nó không phải là một kế sinh nhai đối với anh ta cũng như đối với người khác, đến nỗi nhà văn hy sinh sự tồn tại của mình cho sự tồn tại của nó nếu cần” (C. Mác. Về văn học và nghệ thuật. Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1977; tr. 66).
(4) Xem hồi ức của Bùi Hiển về việc gửi tập truyện Nằm vạ cho Nxb. Đời nay và cách đối xử lịch thiệp, tận tình của Tự lực văn đoàn đối với bản thảo của ông, trên tạp chí Cửa Việt số 16, 1992. Chuyển dẫn theo Vu Gia trong Nhất Linh trong tiến trình hiện đại hóa văn học, Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1995; tr.100-101.
(5) Đáng kể nhất là chùm công trình nghiên cứu của Vu Gia gồm 6 tập: Khái Hưng nhà tiểu thuyết, Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1993; Thạch Lam thân thế và sự nghiệp, Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1994; Nhất Linh trong tiến trình hiện đại hóa văn học, Sđd; Hoàng Đạo nhà báo – nhà văn, Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1997; Trần Tiêu nhà văn độc đáo của Tự lực văn đoàn, Nxb. Thanh niên, Bến Tre, 2006; Tú Mỡ -người gieo tiếng cười, Nxb. Thanh Niên, Bến Tre, 2008.
(6) Hegel. Mỹ học. Phan Ngọc dịch. Nxb. Văn học và Trung tâm Văn hóa Đông Tây, Hà Nội, 2005; tr. 499-500.
(7) Vu Gia. Nhất Linh trong tiến trình hiện đại hóa văn học, Sđd; tr. 67.
(8) Vũ Bằng. Những cây cười tiền chiến, dẫn theo Vu Gia, Sđd; tr. 73.
nguồn:http://www.boxitvn.net/bai/41439
=====================================================================
Cù Huy Hà Vũ: Xuân Diệu - Huy Cận với Tự Lực Văn Đoàn 

Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ (1)
Hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn tại Cẩm Giàng, Hải Dương ngày 9/4/2008

XUÂN DIỆU – HUY CẬN VỚI TỰ LỰC VĂN ĐOÀN

Tự Lực Văn Đoàn được thành lập vào ngày 2-3-1933 bởi nhóm làm báo Phong Hóa mà theo Xuân Diệu và Huy Cận gồm bảy người: Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam), Khái Hưng (Trần Khánh Giư), Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long), Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân), Thế Lữ (Nguyễn Thứ Lễ), Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu) và họa sỹ Nguyễn Gia Trí (2) với Nhất Linh làm giám độc, có trụ sở tại 80 Grand-Bouddha (tức Quán Thánh) Hà Nội (điều kỳ khôi là Tự Lực Văn Đoàn do báo Phong Hóa “đẻ” ra nhưng đứa con ấy lại mang sứ mệnh định hướng tồn tại cho chính kẻ đã sinh ra mình!). Nhóm này chủ trương “Tự sức mình làm ra những sách có giá trị về văn chương chứ không phiên dịch sách nước ngoài… để làm giàu thêm văn sản trong nước”, “Ca tụng những nét hay, vẻ đẹp của nước nhà mà có tính cách bình dân, khiến cho người khác đem lòng yêu nước một cách bình dân. Không có tính cách trưởng giả, quí phái” và nhất là “Trọng tự do cá nhân”. Con số 7 gắn với mục đích văn chương này gợi nhớ tới Pléiade gồm bảy nhà thơ của Pháp thế kỷ 16 do Ronsard và Du Bellay cầm chịch nhưng Tự Lực Văn Đoàn chỉ có thể được coi là “bản sao” của Thất tinh Pháp với sự gia nhập của Xuân Diệu. “Và từ đây chúng ta đã có Xuân Diệu”, lời reo vui ấy của Thế Lữ trong Tựa Thơ thơ cũng chính là sự hoan nghênh nhiệt liệt của nhóm Tự Lực dành cho chàng thi sĩ “hiền hậu và say mê” được khám phá bởi chính họ. Quả vậy, Xuân Diệu ra mắt công chúng với Với bàn tay ấy in trên báo Phong Hóa năm 1935 khi còn là cậu học sinh Lycée (trung học) Khải Định và Thế Lữ chính là người đã có “con mắt xanh” phát hiện ra và hơn thế nữa hết lòng tuyên truyền cho tài năng ấy. Giở lại trang thư của tác giả Nhớ rừng gửi Xuân Diệu từ 1936, ta có thể đọc: “Lúc nào nghĩ đến anh, hay nói đến anh trước mặt bạn hữu tôi, tôi đều thấy vui vẻ sung sướng như nghĩ đến, nói đến một thứ tài trong trẻo và có hy vọng rất nhiều. Nhiều lần tôi đọc thơ anh cho người khác nghe để giảng dẫn cho họ thấy những tình cảm rất tươi thắm mà chưa nhà thi sĩ Việt Nam nào phô diễn ra được. Tôi tin ở tài anh lắm và lúc nào cũng mong được đọc thơ anh gửi ra”. Rồi “Thấy anh được thưởng giải nhất về Pháp văn ở Concours Général (giải toàn Đông Dương mà hai năm sau, 1938, Huy Cận cũng đoạt được - CHHV), tôi rất sung sướng, nhưng không lấy gì làm lạ. Xuân Diệu giỏi hơn các bạn học về văn chương là một việc dĩ nhiên rồi. Tôi mong cho công nghiệp trước tác của anh sau này cũng rực rỡ như thế”. Mong muốn ấy, hay sự “đặt cược” vào tương lai nghệ thuật của Xuân Diệu còn được Thế Lữ công khai trên mặt báo. Trong Một nhà thi sĩ mới – Xuân Diệu đang trên Ngày Nay số Mùa Xuân 1957, thi nhân họ Nguyễn quả quyết: “Sự cảm động dồi dào và quý báu của công còn cho chúng ta thấy nhiều hứng vị của cái chân tài đặc biệt ấy. Tôi mong rằng sẽ được dịp nói đến thơ Xuân Diệu nhiều hơn, để lại được ca tụng nhà thi sĩ của tuổi xuân, của lòng yêu và của ánh sang”. Song Kim, bạn nghề sân khấu và bạn đời của Thế Lữ, nhớ lại sau sự kiện này mỗi khi có người thắc mắc sao ông không làm thơ nữa mà lại quay về với kịch thì Thế Lữ không một chút ngần ngừ: “Vì đã có Xuân Diệu!” (3). Như thế “chúa rừng Thơ Mới” thoạt kỳ thủy giờ đã hết phải ngậm ngùi “thời oanh liệt nay còn đâu” vì đã tìm ra được kẻ xứng đáng kế tục mình trong công cuộc chinh phục hoàn toàn chốn “thi lâm” đất Việt. Ôi, những tình cảm đẹp đẽ và đầy ánh sáng như thế của bậc đàn anh đối với người đến sau trong làng văn có còn lặp lại được ru! Không chỉ dừng lại đấy, Thế Lữ “chộp” lấy “tài trong trẻo và có hy vọng rất nhiều” ấy để gây thanh thế cho Tự Lực ngay khi chàng vừa đỗ Bac (Tú Tài) vào tháng 6/1937 với lời mời gọi thiết tha: “Anh Xuân Diệu. Anh có thể ra ngay Hà Nội được không? Ra để liệu tìm cách sống ở đây, nghĩa là để lăn lóc vất vả cùng với bạn hữu”. Và dường như để khẳng định cái “nghiệp” văn bút, ông tiếp: “viết bài” kiếm ăn” được ít, nhưng có lẽ đó là thứ công việc hợp với chúng ta hơn”. “Được lời như cởi tấm lòng”, Xuân Diệu từ Huế ra ngay Hà Nội và xắn tay viết cho báo Ngày Nay, tờ báo duy nhất của Tự Lực Văn Đoàn sau khi báo Phong Hóa bị đóng cửa vào năm 1936 (4) và năm sau, 1938, sau khi Thơ Thơ được “trình làng” đã chính thức “xe duyên” cùng thể chế văn chương này với tư cách là thành viên thứ Tám (5). Đáng chú ý là sự nhiệt tình, cái sốt sắng ấy của Tự Lực dành cho Xuân Diệu cũng là tình cảm chung của nhiều nhóm thi nhân cùng thời và thi sĩ họ Ngô trên thực tế đã trở thành đối tượng “giành giật” của các nhóm đó. Chính Hàn Mặc Tử đã bàn với Chế Lan Viên ngay từ tháng 1/1938 là mời cho bằng được Xuân Diệu để lập một Thi Xã tên là Hoàng Anh Tao Đàn với mục đích “nâng cao trình độ thơ mới và tuyển trạch nhân tài”. Cái Thi Xã ấy của “ba chàng ngự lâm pháo thủ” xứ Bình Định mãi mãi là dự định vì bản thân Chế đã cảm nhận được sự gắn bó của Xuân Diệu với Thất tinh Hà Nội nên việc không thành và vì vậy thi sĩ họ Hàn lấy làm “tiếc lắm”. Cũng cần nhắc lại rằng Tự Lực Văn Đoàn, ngoài các báo Phong Hóa và Ngày Nay, còn sở hữu Đời Nay, một nhà xuất bản lấy “Tìm tòi những nhà văn có giá trị, khuyến khích họ, làm cho nhà văn và tác phẩm được nhiều người biết đến” làm phương châm. Vì thế có gì đáng ngạc nhiên khi Thơ thơ, “cụm đầu mùa” của Xuân Diệu, là do Đời Nay ấn hành. Cũng như vậy, khi tập thơ được Đời Nay quảng cáo đúng dịp Noel 1938 với những tung hô có thể nói chưa từng có trong lịch sử xuất bản: “Một ngày trong văn học sử Việt Nam, ngày ra tập thơ đầu của Xuân Diệu – “Một thiên tài sớm lộ” – Chỉ có nhà thơ đó hiểu ta và gần ta nhất – Quyển sách đẹp nhất từ trước đến nay”. Ngược lại, chẳng có gì là lạ khi Xuân Diệu đề tặng các thành viên của “gia đình văn chương” của mình những bài thơ khoái cảm nhất của ông: Cảm Xúc tặng Thế Lữ, Đây Mùa Thu Tới tặng Nhất Linh, Đi Thuyền tặng Khái Hưng, Vô Biên tặng Hoàng Đạo, Nhị Hồ tặng Thạch Lam, Giới Thiệu tặng Tú Mỡ, Đơn Sơ tặng Nguyễn Gia Trí. Thế nhưng có người vồ lấy cái tiêu đề ấy, những lời đề tặng ấy để nói Xuân Diệu là người cạn nghĩa cạn tình khi “cạo hẳn” dòng chữ Tự Lực Văn Đoàn trong Thơ Thơ in lần thứ hai và những lời đề tặng Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo trong những ấn phẩm sau này của ông. Thực ra, ai nói như vậy không phải là người làm nghiên cứu đến nơi đến chốn. Thực ra, bên cạnh Tự Lực Văn Đoàn, Xuân Diệu đã có Huy Cận.
Vốn vô cùng mê say Với bàn tay ấy, Huy Cận chỉ có thể mừng rỡ được gặp thi nhân cùng quê Hà Tĩnh hơn mình hai lớp trong buổi tựu trường của Lycée Khải Định (Quốc học cũ) tháng 9/1936. Ngay lập tức hai hồn thơ gắn với nhau như định mệnh để rồi có những dự định riêng mãi mãi. Một trong những dự định ấy là xuất bản các tác phẩm của hai người bằng tiền túi của mình. “Huy Xuân” như một nhà xuất bản đã ra đời như thế vào cuối năm 1939 ngay sau khi Huy Cận vào học Cao đẳng Canh Nông với nguồn tài chính là nhuận bút viết báo của Xuân và học bổng hạn hẹp của Huy. Và sản phẩm đầu tiên của cái “Nhà” ấy lại là Thơ Thơ. Lần tái bản này, quả thực không còn dòng chữ “Tự Lực Văn Đoàn” nữa. Có một sự thật hiển nhiên nhưng lại ít người biết là Đời Nay độc quyền xuất bản các tác phẩm của thành viên Tự Lực Văn Đoàn hay nói cách khác, một khi đã mang danh thành viên của Nhóm thì tác phẩm không thể in ở nhà xuất bản khác. Vì vậy trước khi thực hiện dự định của mình, đôi bạn Huy - Xuân đã rủ nhau đến gặp Ban trị sự Đời Nay để có được sự thông cảm thì được nhũn nhặn trả lời rằng việc các ông tái bản Thơ Thơ ở nơi khác dĩ nhiên là quyền của các ông nhưng trong trường hợp đó đừng để Tự Lực Văn Đoàn vào sách vì lý lẽ đã rõ. Vậy là vẹn cả đôi bề. Cũng phải nói ngay rằng Thơ Thơ là ấn phẩm duy nhất của “Huy Xuân” vì hai dự định khác là xuất bản Tây Sương Ký do Nhượng Tống dịch (đã giả trước nhuận bút) và tái bản Phấn Thông Vàng đã không thành, đơn giản là vì ngay sau Tết 1940, Xuân Diệu đã rời Hà Nội vào Mỹ Tho làm Tham tá nhà Đoan (douanne - tiếng Pháp - là quan thuế) và năm sau bản thảo của Nhượng Tống đã bị chủ Nhà xuất bản Tâm Việt lừa lấy mất! Điều đáng nói ở đây là thái độ “làm ngơ” đầy thông cảm của các thành viên còn lại trong Nhóm bởi họ quá yêu Xuân Diệu cùng bạn chàng, Huy Cận. Phải nói các thủ lĩnh của Tự Lực Văn Đoàn rất có cảm tình với Huy Cận dĩ nhiên và trước hết là do tài thơ của họ Cù vì khi đăng Chiều Xưa, thi phẩm đầu tiên của ông cùng một khung với bài Cảm Xúc của Xuân Diệu trên Ngày Nay số Tết năm 1938, họ vẫn chưa biết Xuân Diệu và Huy Cận đã là một đôi bạn tri kỷ. Thực vậy, nhận được bài thơ của Huy Cận gửi từ Huế ra, Xuân Diệu lại không làm cái việc “lăng-xê” bạn mình như người đời thường làm bằng cách cầm bài thơ ấy đến gặp Nhất Linh hay Thế Lữ là người phụ trách mục thơ của báo mà lại gửi bằng bưu điện đến. Vậy là, chỉ sau khi Huy Cận đã được “làng” Tự Lực “duyệt” với bài Chiều Xưa rồi, nhân đầu Năm mới Xuân Diệu mới đưa “người thi sĩ lành như suối nước ngọt, hiền như cái lá xanh” lần đầu tiên ra đất ngàn năm văn vật và cũng là lần đầu thăm đất Bắc, đến 80 Quán Thánh để chào các thành viên của cái Văn Đoàn “khét tiếng” đấu tranh cho một nền văn chương mới gắn với tự do cá nhân và đời thường bình dân ấy. Đến chào theo đúng nghĩa đen của từ này vì Huy Cận không mang theo bài thơ mới nào hết. Và Huy Cận đã may mắn gặp được tất cả, đặc biệt Nhất Linh và Thế Lữ mà ông đã từng đọc và học rất nhiều. Ngay khi mới gặp chàng Huy – cha tôi bồi hồi nhớ lại - Nhất Linh hạ ngày hạ ngay: “Bài Chiều Xưa của anh hay lắm, rất cổ mà lại rất mới”. Và như để chứng minh cái tâm đắc của mình, Nhất Linh đọc một hơi bài thơ ấy trước sự ngỡ ngàng của tác giả rồi nói rằng Huy Cận cứ gửi thơ ra là Ngày Nay sẽ đăng. Rõ là một cú “đúp” thành công của thi nhân họ Cù: không những ông được vị thủ lĩnh tao đàn hoan nghênh nhiệt liệt mà thơ của mình từ đây không sợ không có “đầu ra”! Không nghi ngờ gì nữa, thái độ nể phục ấy của vị chánh chủ khảo Giải thưởng Tự Lực Văn Đoàn có giá trị như vòng nguyệt quế đầu tiên mà Huy Cận nhận được trong đời thơ của mình. Sau này, khi ở Sài Gòn, Nhất Linh còn khẳng định rằng “về lục bát, Huy Cận là hậu duệ của Nguyễn Du!”. Khái Hưng, Tú Mỡ, Hoàng Đạo, Thạch Lam và Nguyễn Gia Trí cũng chỉ có thể chia sẻ quan điểm của “thủ lĩnh” Nguyễn. Đặc biệt Khái Hưng, cũng như Nhất Linh, rất đề cao thơ Huy Cận. Ông còn nói với Nguyễn Hữu Đang lúc đó hoạt động trong Hội Truyền bá Quốc ngữ : “Huy Cận hay từng bài, từng câu, từng chữ ”. Thế Lữ thì lại trách Xuân Diệu sao không đưa bài thơ ấy trực tiếp cho ông mà lại vòng vèo thế. “ Là vì - Xuân Diệu đáp - tôi muốn xem giá trị thật của bài thơ thế nào chứ tự tôi đưa đến e mất khách quan”. Ngẫm lại, quả thi nhân họ Ngô ngay từ còn măng tơ đã là một bậc thầy trong đối nhân xử thế trên căn bản biết mình, biết bạn và biết người. Là kẻ “tri âm”, Xuân Diệu muốn bạn mình “hữu xạ tự nhiên hương”, hay mượn cách nói thời thượng, muốn Tự Lực Văn Đoàn “tâm phục khẩu phục”. Cái tâm của Lưu Bình đối với Dương Lễ ấy của chàng Xuân dường như đã thấu tới Ông Trời nên vô tình mà như hữu ý sự “trình làng” của chàng Huy trên Ngày Nay lại được xếp cặp với chàng Xuân. Như thể Tự Lực Văn Đoàn đã tiên liệu “cỗ song mã Huy – Xuân”, ấy là cách đưa Thơ Mới đến với nhân gian một cách lộng lẫy nhất!
Kỳ vọng của Xuân Diệu nơi Huy Cận đã được đền đáp: Lửa Thiêng đã được Đời Nay cho ra mắt bạn đọc vào năm 1940 với 3000 bản, một số lượng vào loại kỷ lục thời đó. Hơn thế nữa, điều này mới là quan trọng, Tự Lực Văn Đoàn quyết định kết nạp thi sĩ họ Cù và lịch sử văn chương Việt Nam lẽ ra biết tới thành viên thứ Chín của Tao đàn ấy nếu không có những biến cố chính trị xảy ra gắn liền với cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II. Thực vậy, sự nuối tiếc của Huy Cận vì đã không kịp trở thành thành viên chính thức của Tự Lực Văn Đoàn không phải đợi đến mãi sau này mới được cha tôi thổ lộ với tôi mà đã bộc lộ từ lâu, ở dòng chữ “trong Tự Lực Văn Đoàn” do chính tay ông viết bên cạnh tên mình trong tờ quảng cáo Nhà xuất bản Đời Nay in năm 1941, trong đó, ngoài các thành viên của Nhóm và Huy Cận ra còn có Đỗ Đức Thu, Trần Tiêu, Nguyên Hồng, Nguyễn Khắc Mẫn, Đoàn Phú Tứ, Trọng Lang, Anh Thơ (đúng ra là Cô Anh Thơ), Mạnh Phú Tư cùng ảnh chân dung của họ. Cái “tình cảm gia đình” của Tự Lực dành cho chàng thi sĩ quán sông La ấy có thể cảm nhận được rất rõ trong thư của Khái Hưng ngay sau khi thi sĩ họ Ngô khăn gói vào Mỹ Tho: “Anh đi Nam, chúng tôi thấy thiếu anh quá. Nói thực đấy, không khách sáo đâu. Nhất những hôm hội họp ở nhà anh Tam ai ai cũng bảo: “Thiếu có Xuân Diệu”. Nhưng có người tiếp luôn: “Đã có Huy Cận ăn hộ cả hai người. Huy Cận, ai cũng coi như một nửa của linh hồn anh !”. Rồi chính tác giả của Tiêu Sơn tráng sĩ đã cùng với Nhất Linh, Thạch Lam và họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung dẫn Huy Cận đi thăm chùa Tây Phương và chùa Thầy nhằm khẳng định lòng tự hào dân tộc vốn là động lực của Tự Lực Văn Đoàn trong cuộc đấu tranh chống lại chính sách nô lệ của Pháp. Mặt khác cũng rất có thể khi tổ chức những cuộc du ngoạn đó các thành viên của Tự Lực Văn Đoàn muốn thấy một Huy Cận Đường thi chuyển hứng mạnh hơn nữa sang văn hóa của cha ông. Bản thân bố tôi cũng thừa nhận rằng tứ của bài Các Vị La Hán Chùa Tây Phương đã manh nha từ dạo ấy. Và anh em nhà Nguyễn Tường trên thực tế đã “gia đình hóa” tình bằng hữu, đồng nghiệp bằng cách thường xuyên tổ chức cho các thành viên của Văn Đoàn cũng như các công tác viên thần thiết nghỉ ngơi, thư giãn tại trại của thân mẫu các ông là bà Thông Nhu ở Cẩm Giàng, Hải Dương. Song Kim vẫn nhớ như in những ngày vui ấy: Không cứ ngày lễ, Tết, bất cứ lúc nào rảnh việc ở báo Phong Hóa, Ngày Nay là anh Tam lại kéo anh em trong Tự Lực Văn Đoàn và một số bằng hữu khác về chơi ở trại của mẹ anh cạnh ga xép Cẩm Giàng. Bà cụ Thông Nhu ăn mặc như các bà khá giả ở Hà Nội, áo cài cúc, quý anh em lắm, dọn đủ các món ăn. Tôi nhớ anh Xuân Diệu rất hay về, ăn rất khỏe, có lần ăn một lúc hai cái bánh chưng. Ai thích nghỉ thì nghỉ nhưng rốt cuộc mọi ngừoi lại quay vào nói chuyện văn nghệ. Trại Cẩm Giàng quả thực là tổ ấm của Tự Lực Văn Đoàn” Trong hồi ký của mình, Huy Cận cũng kể: “Có một Tết Nhất Linh và Thạch Lam đã rủ anh Xuân Diệu và tôi về ăn Tết ở Cẩm Giàng (Hải Dương), nơi bà cụ của hai anh vẫn ở và sinh sống từ ngày ông cụ thân sinh của các anh còn làm quan ở huyện. Đem gia thừa chúng tôi thức để đi bẻ lộc trong vườn và sau khi ăn bát chè đậu xanh giữa phút giao thừa thì chúng tôi trải chiếu ngủ trên ổ rơm rất ấm và thỉnh thoảng ngâm thơ Thế Lữ “Thuở ấy đượm màu sương gió biêt – Trời mây huyền ảo đắm hồn thơ – Cây im vỉn bóng um tùm lá – Sông thẳm nguồn sâu nước đợi chờ” (7). Để nói trong thực tế, Huy Cận đã thuộc về Tự Lực Văn Đoàn và cho đến tận hôm nay cha tôi vẫn dùng những lời âu yếm nhất để nói về thực tại đó.
Tình thân thiết đã như chân tay thì chỉ còn gượng cười khỏa lấp cái sầu ly biệt. Bát tiên quá… chén là cái cười gượng ấy của các thành viên của Nhóm trong giờ phút chia tay với Xuân Diệu vừa được bổ làm Tham tá nhà Đoan tại Mỹ Tho. Trong tay tôi là một tờ giấy dó lụa với hoa văn dập nổi màu ngà rất sang (mà tôi đồ rất sẵn tại Nhà xuất bản Đời Nay vốn tọa lạc cùng trụ sở Tự Lực Văn Đoàn tại 80 Quán Thánh) trên đó Hoàng Đạo, Nhất Linh, Thạch Lam, Huy Cận, Thế Lữ, Tú Mỡ, Khái Hưng, Xuân Diệu (theo thứ tự chữ ký) mỗi người góp một câu:
BÁT TIÊN QUÁ… CHÉN
Bỗng dưng thi sĩ hóa tây Đoan
Nửa mặt nhà văn, nửa mặt quan
Chén rượu tiễn đưa thơ khó nghĩ
Nỗi niềm cách biệt ý khôn toan
Hôm nay nhớ bữa chia bùi ngọt
Lát nữa còn vui cảnh tóp chan
Ví thử anh em đều xuất cả
Còn tuôn ra lắm mạch thơ gàn…

Hà nội 2-2-1940

Và đâu chỉ có Xuân Diệu và Huy Cận không thể quên một thời “chia bùi ngọt” với Tự Lực Văn Đoàn àm qua hai ông, bản thân tôi cũng tiếc nuối cái bầu không khí văn chương lãng mạn và gia đình ấy trong đó tập thể tồn tại cùng riêng tư, trong đó đố kỵ, “bằng mặt mà chẳng bằng lòng” phải khiếp đảm trước triết lý “mình vì mọi người, mọi người vì mình” trong cuộc đấu tranh đầy cam go vì một nền “văn học quốc ngữ”. “Gái có công, chồng không phụ”, công lao gây dựng nền văn học đậm đà bản sắc dân tộc ấy chẳng những được bạn đọc và các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước ghi nhận mà còn được các nhà cách mạng Việt Nam đánh giá rất cao. “Tự Lực Văn Đoàn - Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định với Huy Cận - rất có công với văn học Việt Nam thông qua đổi mới cách viết văn nói riêng và đổi mới nền văn học nước nhà nói chung”. Vẫn theo Huy Cận, các nhà cách mạng khác như Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp… đều có cùng một nhận định. Mặt khác, tính đến ảnh hưởng sâu rộng cũng như tổ chức chặt chẽ của nó (có tôn chỉ, nguồn tài chính riêng, cấp giấy chứng nhận thành viên, lập giải thưởng, có cơ quan ngôn luận và thậm chí nhà xuất bản riêng), tôi cho rằng Tự Lực Văn Đoàn xứng đáng được nhìn nhận như Hội nhà văn đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại.
Lùi để tiến, hay như Xuân Diệu nói: "Hy sinh một tiểu đội nhưng để thắng một trận đánh", bác tôi đành để cơ quan xuất bản có thể nói là “giáo điều” lược bỏ những đề tặng Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo khi làm Tuyển tập Thơ của ông, miễn làm sao thiên hạ biết Xuân Diệu vẫn ra sách đều, vẫn tiếp tục hiện diện một cách tích cực trong đời sống xã hội. Tuy nhiên nếu cho rằng những lược bỏ đề tặng đã nói trên đơn thuần là "chiến thuật", là việc làm miễn cưỡng của Xuân Diệu thì cũng không hẳn. Còn nhớ, cả Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo đều tham gia Việt Nam Quốc dân đảng (hợp nhất của Đại Việt dân chính đảng, Đại Việt quốc dân đảng và Việt Nam quốc dân đảng) và vì vậy về mặt chính trị là xung khắc và sau Cách mạng Tháng 8 là xung đột với một Xuân Diệu trong mặt trận Việt Minh. Trong Lời giới thiệu của Tuyển tập Xuân Diệu –Thơ (NXB Văn học 1983), Hoàng Trung Thông viết: “Người ta thường khen anh (XD) dũng cảm đấu tranh với bọn Quốc dân đảng bằng những bài thơ đả kích". Quả thật, bên cạnh Ngọn quốc kỳ ca ngợi nền Dân chủ cộng hòa, Xuân Diệu liên tục “ra đòn” đánh lại cái đám “Việt Quốc” (Việt Nam Quốc dân đảng của Nguyễn Tường Tam), Việt Cách (Việt Nam Cách mạng Đồng minh của Nguyễn Hải Thần) bằng những Tổng bất… đình công, Một cuộc biểu tình, Vịnh cái cờ… Không nghi ngờ gì nữa, đây chính là sự khởi đầu của mạch văn “chính trị - quần chúng hóa” của một Xuân Diệu “Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi/ Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu/ Tôi sống với cuộc đời chiến đấu/ Của triệu người yêu dấu gian lao”. Không những thế, ông còn chống lại các đảng phái ấy bằng cả "nắm đấm" theo đúng nghĩa đen của từ này. Còn nhớ, bác Diệu tôi nhiều khi dung “quân sự”, tức là dung “nắm đấm” để giáo dục tôi, không có “oong, đơ” gì hết. Nhưng một bận khi đang dung “biện pháp mạnh” thì ông cảm thấy không còn hiệu quả như trước vì lúc này tôi đang lớn vồng ở tuổi thành niên, lập tức ông hét lên: “Mày đưng tưởng lớn rồi mà tao sợ. Ngày trước tao còn đánh nhau tay không với Quốc Dân Đảng cơ”. Lúc đó tôi nào có để ý gì đến đối tượng mà ông lấy ra so sánh mà chỉ nhói trong tim: đâu phải tôi đã thực sự lớn, mà là bác tôi đã bắt đầu yếu rồi. Và tôi đã khóc dù không mấy đau. Chỉ đến mãi sau này khi được những người hoạt động cùng thời kể lại chuyện Xuân Diệu dừng xe đạp để đánh nhau với một nhóm Việt Quốc, Việt Cách biểu tình chống cách mạng ngay trên đường Garnier (nay là Đinh Tiên Hoàng), Hà Nội trong những ngày Tổng khởi nghĩa thì tôi mới thấm thía chất "cách mạng" nơi "nắm đấm" của ông. Kết quả là ông bị nhừ đòn và phải thoát thân vì "tương quan lực lượng" quá chênh lệch. "Con ngựa sắt" mà ông phải bỏ lại lúc đó sau này được một người dân trả lại vì trên biển xe có đề “Xuân Diệu”. Cũng may, theo Huy Cận, Xuân Diệu đã thoát được, nếu không chắc sẽ bị chúng bắt đem về thủ tiêu tại một trong những “Hắc điếm” của chúng ở phố Ôn Như Hầu (nay là Nguyễn Gia Thiều), “bót” Hàng Đậu hay phố Joffrin (nay là Lý Nam Đế)... Vậy đó, Xuân Diệu không chỉ "giáp lá cà" với phản cách mạng mà ông còn "vùng lên" chống lại mọi biểu hiện tiêu cực ở con người dù đó là sự ngu dốt hay lười biếng. Để nói ở Xuân Diệu cách mạng là thường trực! Hiểu được như thế thì việc cơ quan xuất bản có lược bỏ đề tặng Nhất Linh - sau này là lãnh tụ Việt Quốc - chắc không thật làm phiền lòng Xuân Diệu. Tuy nhiên, Xuân Diệu không cực đoan: bỏ lời đề tặng Nhất Linh là đủ để bày tỏ chính kiến của mình và ông giữ lại những lời đề tặng Khái Hưng và Hoàng Đạo, điều này được thể hiện trong bản thảo cho Tuyển Thơ của ông. Thái độ đúng mực này của Xuân Diệu là nhất quán với quan điểm của ông từ 1958 đối với các tác phẩm trước Cách mạng : “một số tác phẩm đã đạt tới một mức nghệ thuật nào và đã có một khuynh hướng tiến bộ so với hoàn cảnh thời đó, thì vẫn còn lại một giá trị văn học nghệ thuật. Hoàn toàn vứt cả, coi nó là “dưới Zê-rô”, là không có quan điểm lịch sử trong phê bình” (8). Quan điểm ấy cũng được Huy Cận, người đồng chí của ông suốt cả cuộc đời, chia sẻ. Bản thân thi nhân họ Cù cũng tặng Nhất Linh Áo trắng, Hoàng Đạo Giấc ngủ chiều, Khái Hưng Buồn đêm mưa và Tràng Giang (bài này đề tặng Trần Khánh Giư, tên thật của Khái Hưng) trong thi phẩm Lửa Thiêng. Vậy mà trong Tuyển tập Thơ Huy Cận xuất bản 1986, lời đề tặng ba thành viên trên của Tự Lực cũng không còn. Tôi có hỏi lại bố tôi về chuyện này thì không chần chừ, ông khẳng định ngay: “Với tư cách là người khởi xướng Tự Lực Văn Đoàn, Nhất Linh rất có công với nền văn học nước nhà. Ông là một đồng nghiệp tốt, thân ái với mọi người. Về mặt chính trị, Nguyễn Tường Tam trải qua ba giai đoạn. Giai đoạn đầu là yêu nước theo hướng dân túy (populiste), giai đoạn thứ hai là chọn nhầm con đường cứu nước qua việc dựa vào Nhật để chống Pháp (như cụ Phan Bội Châu), giai đoạn thứ ba là phản động khi dựa vào Tàu Tưởng để chống lại Việt Minh. Như vậy, Nguyễn Tường Tam là đối lập chính trị với Xuân Diệu và Huy Cận (9). Thật đáng tiếc, con người yêu nước Nhất Linh đã đi nhầm đường để cuối cùng trở thành phản cách mạng”. Rồi bố tôi nói thêm rằng ngay tại Đại hội Tân Trào năm 1944, Lê Đức Thọ đã bàn với ông vận động Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo… đi với Việt Minh và chính cụ Hồ Chí Minh ngay sau khi Cách mạng thành công cũng nói: “ Chú quen biết Nguyễn Trường Tam (Bác đọc nhầm Tường thành Trường) thì chú vận động anh ta đi với Cách Mạng, đi với Việt Minh thì tốt”. Nhưng những nhân vật trọng yếu ấy của Việt Nam Quốc dân đảng đã “nguây ngẩy” từ chối vì cho rằng Việt Minh là “độc tài” ?! Thậm chí báo Việt Nam do Khái Hưng chủ trương còn “mỉa” rằng nhà thơ Huy Cận ngồi cô đơn ở Bắc Bộ phủ (lúc đó Huy Cận là Bộ trưởng Canh nông) để làm cái gì ?! Suy cho cùng, có thể nôm na thế này, vợ chồng không hợp nhau thì ly dị, miễn những đứa con - tác phẩm phải được nuôi cho đến nơi đến chốn và như đã thấy, Xuân Diệu và Huy Cận đâu bỏ rơi "đứa con tinh thần” nào của mình!
Để kết luận, Huy Cận, người bạn nối khố của Xuân Diệu và đồng nhân chứng của “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” khẳng định với tôi rằng cả Xuân Diệu lẫn ông luôn luôn biết ơn Tự Lực Văn Đoàn vì đã “khai sinh” ra họ trên địa hạt văn chương, văn tài và nhất là cái tâm của Nhất Linh, Khái Hưng cũng như của các thành viên sáng lập văn đoàn đối với sự nghiệp văn học và văn hóa nước nhà là không thể phủ nhận. Thậm chí cho đến tận giờ Huy Cận vẫn từ chối khái niệm “tan” khi nói về sự chấm dứt hoạt động của Văn Đoàn. “Sau khi báo Ngày nay bị chính quyền thưc dân đóng cửa vào cuối năm 1939 do những quan điểm chính trọ có thể nói rất tiến bộ của nó như đòi cho người Việt Nam quyền được tự do, bình đẳng với người Pháp, phản đối sưu cao thuế nặng… Khái Hưng, Hoàng Đạo, Nguyễn Gia Trí bị Pháp bắt vào năm 1941, Nhất Linh lẩn trốn do hoạt động chính trị thân Nhật chống Pháp, Thế Lữ đi lánh - ông giải thích - không kể Xuân Diệu đã vào Mỹ Tho từ đầu năm 1940, Thạch Lam mất năm 1942, Tự Lực Văn Đoàn trong thực tế không còn thành viên hoạt động nữa”. Và Huy Cận có lý vì “tan” chỉ thích hợp với sự chấm dứt hoạt động bởi những lý do nội tại như mâu thuẫn nội bộ hoặc nghiêm trọng hơn, do mâu thuẫn về lý tưởng nghệ thuật. Để nói cái thực thể văn chương này dường như là trời sinh ra để dẫn nhập Thơ Mới với lịch sử văn học nước nhà, vừa kịp định vị “trái đôi” Huy - Xuân ấy trên Thi Đàn dân tộc thì cũng là lúc nó không tồn tại nữa./.

Chú thích

(1) Con trai nhà thơ Huy Cậnm cháu ruột và là con nuôi nhà thơ Xuân Diệu, Tiến sỹ Luật, Thạc sỹ Văn (Đại học Paris – Pháp), họa sỹ, hội viện Hội Mỹ Thuật Việt Nam.
(2) Về khả năng họa sỹ Nguyễn Gia Trí là thành viên sáng lập của TLVĐ, tôi (CHHV) sẽ trình bày trong một nghiên cứu khác.
(3) Nghệ sỹ nhân dân Song Kim, tên thật là Phạm Thị Nghĩa, sinh năm 1913, sống với Thế Lữ từ năm 1935 và đến cuối năm 1938 thì kết hôn với thi sỹ. Sau ngày cưới, Thế Lữ - Song Kim ở tại nhà Thạch Lam ở làng Yên phụ ven bờ Hô Tây cho đến khi nhà văn mất vào năm 1942 vì bệnh lao. Hiện Song Kim sống tại 50 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội.
(4) Cuốn Văn học lãng mạn Việt Nam (1930 -1945) - NXB Văn học 2002 (tr. 241) và một số tài liệu khác cho rằng Ngày Nay kế tục Phong Hóa sau khi Phong Hóa bị đóng cửa vào năm 1936. Trong thực tế hai tờ báo song song tồn tại từ năm 1935 là khi Ngày Nay ra đời cho đến năm 1936 là khi Phong Hóa bị đống của vì ở “en tête” của giấy viết thư của Tự Lực Văn Đoàn có ghi: Phong Hóa – 80 Avenue Grand – Bouddha (Quán Thánh) và Ngày Nay – 55 Rue des Vermicelles (Hàng Bún). Lý do của sự song hành nói trên là do Nhất Linh cảm thấy trước sau Phong Hóa với nội dung đả thực bài phong rõ rệt sẽ bị chính quyền thực dân đóng cửa nên ra Ngày Nay để dự phòng.
(5) Theo Tú Mỡ (Trong bếp núc của Tự Lực Văn Đoàn – Tạp chí văn học số 5-6/1988 và só 1/1989) và các tác giả Lê Thị Đức Hạnh, Vu Gia… thì ngoài Xuân Diệu TLVĐ còn kết nạp thêm Trần Tiêu, em ruột Khái Hưng (tức Trần Khánh Dư). Tuy nhiên mỗi lần nói với tôi (CHHV) về TLVĐ, cả Xuân Diệu và Huy Cận chưa bao giờ nhắc đến Trần Tiêu. Do có sự khác biệt này mà tôi đã tiến hành một cuộc khảo cứu với kết quả là Trần Tiêu không phải là thành viên TLVĐ. Thực vậy, ngoại trừ lạo “Sách Hồng”, từ 1936 NXB Đời Nay của TLVĐ mỗi khi in tác phẩm của các thành viên TLVĐ thì dưới tên tác giả luôn có dòng chữ “Trong Tự Lực Văn Đoàn” hoặc “Tự Lực Văn Đoàn”, điều này có thể thấy rõ trên các tác phẩm của Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Thế Lữ và Xuân Diệu (Dòng nước ngược của Tú Mỡ in năm 1934) trong khi không có tác phẩm nào của Trần Tiêu do NXB Đời Nay in như Con trâu (1940), Chồng con (1941) có dòng chữ này.
(6) Tế Hanh – Cần công bằng ghi nhận phần đóng góp của Tự Lực Văn Đoàn (Hà Minh Đức thực hiện) – NXB Giáo dục 2007.
(7) Huy Cận – Hồi ký song đôi – Tập 2 – NXB Hội Nhà văn 2003)
(8) Xuân Diêu – Những bước đường tư tưởng của tôi – NXB Văn hóa 1958
(9) Từ 1939, Huy Cận, thành viên Ban lãnh đạo Tổng hội sinh viên (toàn Đông Dương) đã cùng với Dương Đức Hiển, Chủ tịch Tổng hội và là người có quan hệ mật thiết với Đảng Cộng sản, đấu tranh chống khuynh hướng thân Nhật trong thanh niên, sinh viên. Năm 1941, Huy Cận tham gia Việt Minh “đánh Pháp đuổi Nhật” và năm 1943, Xuân Diệu tham gia Việt Minh ở Hà Nội ngay sau khi từ chức Tham tá nhà Đoan ở Mỹ Tho.
Cù Huy Hà Vũ
24 Điện Biên Phủ, Hà Nội;
ĐT: 2315272, 0904350187;
Email: havuvietstyle@yahoo.com
Admin gửi hôm Thứ Bảy, 22/09/2012 
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20120922/cu-huy-ha-vu-xuan-dieu-huy-can-voi-tu-luc-van-doan

=====================================================================
Nguyễn Giang - Tự lực văn đoàn: 10 điều ngược lại
        
Nguyễn Giang Posted by 113.165.60.200 via http://webwarper.net, created by AlgART: http://algart.net/ This is added while posting a message to avoid misusing the service
Posted by 113.165.60.200 via http://webwarper.net, created by AlgART: http://algart.net/ This is added while posting a message to avoid misusing the service
Dịp kỷ niệm 80 năm báo Phong Hóa bộ mới và phong trào Tự lực Văn đoàn khiến tôi nghĩ nếu không có họ thì văn học Việt Nam sẽ ra sao.


Văn chương và nhất là tiếng Việt chúng ta dùng ngày nay chắc chắn sẽ thiếu nhiều, và nghèo đi nhiều.
Chúng ta may mắn có họ ở vị trí những người mở đường tài năng, trẻ trung, trong sáng, và yêu nghề tới mức dấn thân.
Nhưng sau gần một thế kỷ, những nỗ lực của họ cũng cần được đánh giá theo hướng nhìn hoàn toàn đối nghịch.
Đó là đặt ngược lại các tôn chỉ của Tự lực Văn đoàn vào bối cảnh sinh hoạt văn hóa, truyền thông tại Việt Nam vào lúc này để xem chúng ta đã được và mất gì.

Hàng rẻ bán đắt

Tự lực văn đoàn coi làm giàu cho ‘văn sản’ trong nước và ra những cuốn sách có giá trị về văn chương là tôn chỉ số một.
Hiện thực thị trường sách báo tại Việt Nam nay lại là bức tranh ngược lại, tràn lan các ấn bản in xấu và vi phạm tác quyền, bán đại trà để kiếm tiền cho các đầu nậu.
Trên báo và văn online số bài sao chép dạng rác mạng nhiều hơn là các tác phẩm có tầm. Số lượng đầu báo hàng trăm không làm cho chất lượng hơn thời 1930-1945.

Bề bộn ngôn từ

Về ngôn từ, Tự lực văn đoàn, trong bối cảnh tiếng Pháp chiếm thế thượng phong, chữ Hán mất thế cùng di sản nghìn năm suy vi và thành gánh nặng, đã cổ vũ cho tiếng Việt, cho ngôn ngữ viết mang ‘tính cách An Nam’ như cách gọi hồi đó.
Hiện nay, ngôn ngữ tiếng Việt lại đầy ắp những từ du nhập, chủ yếu từ báo chí bình dân tiếng Anh, kể cả các từ viết sai, phiên âm linh tinh, thiếu chuẩn mực.
Phong Hóa và sau đó là Ngày Nay cũng cố gắng Việt hóa, giảm bớt chữ Nho thì bây giờ, ngôn ngữ chính trị trên các báo chính thống ở Việt Nam lại rập khuôn nhiều các cụm từ chính trị Trung Quốc.

Chủ nghĩa đại gia

Tự lực văn đoàn mong muốn và quyết chí đề cao khái niệm ‘chủ nghĩa bình dân’, hiểu theo cách của chúng ta bây giờ là một xã hội công dân theo các giá trị dân chủ tư sản.
Tinh thần ‘bình dân’ là thái độ vì đại chúng, đối lập với thói trưởng giả, hay sự kiêu căng của trí thức, sỹ phu ‘ăn trên, biết trước’, chứ không phải là bình dân kiểu nôm na hay lá cải (tabloid).
Nhưng các ‘chuẩn thị trường’ được theo đuổi cuồng nhiệt ở Việt Nam hiện nay khiến không gian văn hóa nhiều các nhân vật gây scandal, lố lăng, phát ngôn bừa bãi.
Báo chí Việt Nam ít ra là trong các mục nhắm tới giới trẻ hay nói về ‘đẳng cấp’ theo nghĩa coi các đại gia kiếm tiền, ăn tiêu phung phí hay chuyện riêng, chuyện kín của các cô hoa hậu để giới trẻ khâm phục và bắt chước chứ không phê phán.

Phục hồi hủ tục


Thời nay khó có thể sinh ra được Lý Toét và Xã Xệ
Các nhân vật Lý Toét, Xã Xệ được đặt ra để phê phán tàn dư phong kiến, để dùng tiếng cười vạch trần tính lỗi thời của Nho giáo.
Sau 80 năm, người Việt Nam nay đua nhau phục cổ, từ xây nhà thờ họ, từ quay lại các lễ hội thôn quê tới cúng bái, lễ lạt tốn kém vì tin rằng họ đang trung thành với mong ước của cha ông.
Những phong trào này được chính quyền cổ xúy trong nỗ lực đích thực nhằm phục hồi dòng văn hóa dân gian từng bị chính chính quyền đó phủ nhận một thời nhưng cũng còn để thu hút du lịch, hoặc để dùng di tích, di sản làm kinh doanh.

Tổ chức quan cách

Tự lực văn đoàn từ lúc ra đời cho đến khi kết thúc luôn trung thành với tôn chỉ bình đẳng trong sáng tác và tổ chức. Công việc viết văn và xuất bản của họ không tạo thành một bộ máy, một cơ chế đồ sộ mà xoay quanh tinh thần dân chủ nội bộ và cũng cởi mở với bên ngoài.
Văn đàn chính thống ở Việt Nam ngày nay là ngôi đền có các ngôi vị và ngọn nến được thắp bằng nguồn tài trợ của chính phủ và cách sinh hoạt cồng kềnh, quan cách.

Đừng cười vượt cấp

Bên cạnh hai nhân vật gây cười trên tranh biếm họa nói trên, Tú Mỡ, một trong bảy nhân vật chủ chốt của Tự lực văn đoàn, đã thành danh nhờ thơ trào lộng.
Tiếng cười của ông và của Phong Hóa không thóa mạ mà có chừng mực, đả kích nhưng không đánh đấm.
Báo chí Việt Nam ngày nay, vì lý do chính trị, không có mục tiếu lâm về chính trường, về lãnh đạo.
"Nàng muốn không còn dính dáng một tí gì với đời cũ nữa. Còn lại một mình, nàng mong giũ sạch bụi đường cũ, để thảnh thơi tiến bước một cảnh đời mới"
» Loan trong Đoạn Tuyệt
So với cách Phong Hóa cười từ hoàng đế, quan toàn quyền, tổng đốc, khâm sứ trở xuống thì ngày nay tính trào phúng trên văn báo Việt Nam có vẻ tụt lùi đi và chắc chắn là nghèo nàn hơn.
Ai cũng biết tiếu lâm chính trị kể trong quán nước, trên vỉa hè ở Việt Nam thì vẫn có nhưng không leo được vào các trang báo, các chương trình truyền hình, truyền thanh, hoặc có chút ít hài thì chỉ là phê quan chức tham nhũng chung chung, cấm vượt cấp.

Sex và bạo lực

Các nhân vật trong văn của Tự lực văn đoàn nhìn chung đều là những con người Việt Nam trong sáng, kể cả khi đi làm cách mạng thì họ vẫn lãng mạn, không bạo lực.
Các nhân vật nam và nữ đẹp trong khi yêu, khi sống, khi nghĩ.
Mâu thuẫn xã hội, gia đình, khác biệt tầng lớp xã hội đều có cả nhưng không tàn khốc. Có thể đó là phần ngây thơ của họ vì sau 80 năm, xã hội Việt Nam bộc lộ những xu hướng ngược lại.
Mở các trang báo mạng nào cũng thấy mục ‘Đọc điều nhất’ là những chuyện rùng mình, dâm ô và tàn tệ.
Lan trong Hồn bướm mơ tiên phải chọn giữa ái tình và cửa Phật, còn sự lựa chọn của nhiều thanh niên hiện nay là thử cả hai: thể nghiệm trong yêu đương nhân danh lối sống ‘hiện đại’ nhưng cũng cúng lễ sì sụp mỗi ngày tuần để cầu tài hoặc thăm chùa như một hoạt động dã ngoại.

Tùy tiện tập thể

Khen và chê Tự lực văn đoàn chắc còn cần nhiều ý kiến nhưng theo tôi, sự thất bại lớn nhất của tinh thần Phong Hóa trong xã hội và con người Việt Nam ngày nay chính là sự thiếu vắng của Tự do cá nhân.
Trái với giá trị này, tính tùy tiện tập thể lại là phổ biến ngày nay.
Đây là sự thất bại của chung mọi người, không phải của nhóm chủ trương vì họ đã ra người thiên cổ từ lâu, và không tham gia gì hết vào phần định hình xã hội hậu chiến và mở cửa trong thế kỷ 21 này ở Việt Nam.
Bệnh tùy tiện tập thể lan truyền trên diện rộng không chỉ đẩy tự do cá nhân vào các góc của tính lập dị, hoặc bung phá theo cách ngỗ ngược trong thanh thiếu niên, văn nghệ sỹ, mà còn nuôi dưỡng chế độ môn phiệt kiểu mới.

Quanh co cụm lại

Khác với con người lý tưởng của Tự lực văn đoàn luôn nhìn lấy lương tâm và trách nhiệm cá nhân làm kim chỉ nam cho sự dấn thân, không ít con người Việt Nam, kể cả ở vai trò văn nghệ sỹ, trí thức hiện giờ lại ham phù trợ hay vây quanh một số nhân vật có quyền, một số nhóm lợi ích nắm báo chí để kiếm chác, hưởng danh lợi phù phiếm, bằng cấp, chức tước do bộ máy ban xuống.
Vì không dấn thân mà co cụm lại trong các hội đoàn, cơ quan, đại học, sức sáng tác của họ bị cùn mòn đi và tính bè phái lại tăng lên.

Câu hỏi cá nhân


Vợ chồng nhà văn Nhất Linh trong một ảnh tư liệu còn lưu lại
Viết ra đôi ý kiến riêng về Tự lực văn đoàn, tôi tự hào Việt Nam đã có những con người như Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ, Thế Lữ và Xuân Diệu trong nhóm chủ chốt nhiều thành viên tham gia cùng họ để tạo ra một dấu ấn, một di sản cho nhiều thế hệ.
Nghĩ đến Tự lực văn đoàn ngày nay cũng không thể quên được các câu chuyện xảy đến với họ và hàng triệu bạn đọc của họ trong suốt những thập niên biến động long trời lở đất trên toàn cõi Đông Dương và đất nước Việt Nam sau đó.
Nhưng nay nhìn lại, sức lôi cuốn của Tự lực văn đoàn không phải là một bài học họ để lại cho chúng ta mà là một câu hỏi mỗi cá nhân cần phải chia tay với cái gì và làm điều gì mới cho cuộc đời của chính mình.
Sau hai ba thập niên bung ra, xã hội Việt Nam có lẽ đã đến cái ngưỡng người ta cần hỏi có nên chấm dứt với thái độ ham tích cóp, chiếm đoạt và ăn tới bội thực các vấn đề, nhất là trong văn hóa, trong lối sống để dũng cảm bước lên một con đường mới, như Loan đã đoạn tuyệt với ngôi nhà cũ trong tiểu thuyết cùng tên của Nhất Linh mà tôi xin trích một đoạn làm lời kết:
“Từ ngày bà Hai mất đi đó đến nay trên bốn tháng đó Loan chỉ quanh quẩn với cái ý tưởng bán nhà để trả nợ. Nàng muốn không còn dính dáng một tí gì với đời cũ nữa.
Còn lại một mình, nàng mong giũ sạch bụi đường cũ, để thảnh thơi tiến bước một cảnh đời mới mà nàng vẫn khao khát bấy lâu.
Từ sáng đến giờ, trong lúc dọn nhà, nàng có cái cảm tưởng như người sắp sửa bắt đầu một cuộc đi chơi xa; nàng hồi hộp lo sợ, nhưng trong cái sợ có lẫn cái vui sắp được sống một cuộc đời tự lập, không lụy đến ai và không ai quấy rầy mình được...”
Mời quý vị chia sẻ bình luận về bài và chủ đề này trên trang Facebook của BBC Tiếng Việt.
Khách gửi hôm Thứ Năm, 27/09/2012 
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20120927/nguyen-giang-tu-luc-van-doan-muoi-dieu-nguoc-lai
=============================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001