Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

1472. VỤ PHÓNG TÊN LỬA CỦA BẮC TRIỀU TIÊN THÁCH THỨC CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA MỸ

Posted by basamnews on 15/12/2012
THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ Sáu, ngày 14/12/2012

VỤ PHÓNG TÊN LỬA CỦA BẮC TRIỀU TIÊN THÁCH THỨC CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA MỸ

TTXVN (Niu Yoóc 13/12)
Tài liệu ngày 10/12 của tổ chức “The Heritage Foundation” của Mỹ cho biết ngày 1/12 Bình Nhưỡng tuyên bố kế hoạch phóng một vệ tinh dân sự có tên “Unha-3”, như các vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Taepodong-2 (TD-2) hồi năm 2006, 2009 và 2012. Bắc Triều Tiên cho biết các tên lửa này có thể “tấn công Mỹ”. Và cộng đồng tình báo Mỹ cũng đánh giá Bình Nhưỡng có thể đe dọa Mỹ bằng các tên lửa TD-2 được trang bị hạt nhân vào năm 2015.
Nguyên nhân dẫn đến vụ phóng vệ tinh của Bắc Triều Tiên: Các nhà phân tích dự đoán, các nhân tố chủ yếu ở trong nước đã thúc đẩy Chính phủ Bắc Triều Tiên tiến hành vụ thử vệ tinh. Mục đích của vụ phóng là khẳng định sức mạnh của nhà lãnh đạo mới Kim Châng Un sau khi lên nắm quyền lãnh đạo đất nước. Vụ phóng vệ tinh thất bại hồi tháng 4/2012 của Bình Nhưỡng cũng diễn ra trước lề kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành 2 ngày. Ông Kim Châng Un có thể cũng cảm thấy cần khẳng định sức mạnh để củng cố quyền lực trong quá trình chuyển giao lãnh đạo đang diễn ra hiện nay ở Bắc Triều Tiên. Cho dù không phát hiện được bất cứ dấu hiệu phản đối nào đối với vấn đề chuyển giao quyền lực, nhưng nhà lãnh đạo Kim Châng Un đã thẳng tay thanh lọc hàng trăm cán bộ, công chức và nhân viên, kể cả Bộ trưởng Quốc phòng Kim Jong-Gak, chỉ sau 5 tháng nắm quyền. Ngoài ra, Bình Nhưỡng cũng có thể sử dụng vụ phóng vệ tinh mới nhất để răn đe và chặn trước ý định phóng vệ tinh của Chính phủ Hàn Quốc.
Vụ phóng sẽ tác động đến các cuộc bầu cử của Nhật Bản và Hàn Quốc: Vụ phóng vệ tinh của Bắc Triều Tiên sẽ tác động đáng kể đến khu vực và quốc tế, trong đó đặc biệt ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo kế hoạch, Nhật Bản sẽ tổ chức bầu cử Hạ viện trên cả nước vào ngày 16/12, sau đó Hạ viện sẽ bầu chọn một tân thủ tướng. Do vụ phóng vệ tinh của Bắc Triều Tiên, chắc chắn tất cả cử tri Nhật Bản ngày càng trở nên quan tâm đến vấn đề an ninh quốc gia trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết đoán trong cuộc tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông và tình trạng chiến tranh của Bắc Triều Tiên. Hiện nay Nhật Bản đã từ bỏ thói tự mãn sau chiến tranh và sẵn sàng đối đầu với chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc và tăng cường sức mạnh quân sự của đất nước. Vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên có khả năng kích động cử tri ủng hộ Đảng Dân chủ Tự do (LDP) bảo thủ và nhà lãnh đạo Shinzo Abe giành lại chức thủ tướng. Đảng Phục hồi Nhật Bản (JRP) do Thị trưởng Osaka Toru Hashimoto và cựu Thị trưởng Tôkyô Shintaro Ishihara lãnh đạo cũng sẽ hưởng lợi nhờ các hành động của Bắc Triều Tiên. Do LDP có thể giành được phần lớn chứ không phải đa số phiếu, ông Abe sẽ có xu hướng thành lập một liên minh với JRP nhiều hơn với Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) đang cầm quyền. Đối với Hàn Quốc, ảnh hưởng của vụ phóng vệ tinh đối với cuộc bầu cử tổng thống ngày 19/12 sẽ phức tạp hơn, mặc dù vụ phóng vẫn có khả năng có lợi cho ứng cử viên bảo thủ Park Geun-hye hơn ứng cử viên tiến bộ Moon Jae-in. Bà Park-hiện đang dẫn điểm so với các ứng cử viên khác trong các cuộc thăm dò dư luận ủng hộ chủ trương viện trợ cho Bắc Triều Tiên, nhưng với điều kiện kèm theo thái độ của Bình Nhưỡng ra sao. Ngược lại, ứng cử viên Moon muốn trở lại chính sách mềm mỏng hơn trong việc can dự vô điều kiện với Bắc Triều Tiên của cố Tổng thống Rô Mu Hiên.
Tất cả các biện pháp đối với Bắc Triều Tiên không hiệu quả: Bình Nhưỡng tiến hành vụ phóng vệ tinh bất chấp các đề nghị ngoại giao gần đây của Trung Quốc và Mỹ. Bắc Triều Tiên tiếp tục tìm kiếm các loại tên lửa và vũ khí hạt nhân nhiều thập kỷ qua bất chấp một số thỏa thuận ngoại giao và các nỗ lực tiến hành thêm các cuộc đàm phán. Đầu tháng 12/2012, các phương tiện truyền thông Hàn Quốc cho biết một phái đoàn của Nhà Trắng bí mật tới Bắc Triều Tiên tháng 8/2012 nhằm nỗ lực thuyết phục Bình Nhưỡng không nên tiến hành các hoạt động khiêu khích. Đây là chuyến thăm bí mật thứ hai của các quan chức Mỹ tới Bình Nhưỡng trong năm nay, sau chuyến thăm chớp nhoáng trước khi diễn ra vụ phóng tên lửa tháng 4/2012. Tháng 9/2012, các quan chức Bắc Triều Tiên cũng tuyên bố với nhà đàm phán Mỹ Clifford Harto rằng Bình Nhưỡng sẽ không tiếp tục thực hiện các cam kết phi hạt nhân hóa của họ trừ phi Chính phủ Mỹ từ bỏ “chính sách thù địch” chống Bình Nhưỡng. Trung Quốc cũng không thể ngăn cản Bắc Triều Tiên tiến hành vụ phóng. Một ngày trước khi Bắc Triều Tiên công bố vụ thử tên lửa, nhà lãnh đạo Kim Châng Un đã hội đàm với ông Lý Kiến Quốc, ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc người mang theo một bức thư cá nhân của tân Tổng Bí thư Tập Cận Bình gửi nhà lãnh đạo Kim Châng Un.
Bất chấp mục tiêu thế nào, đây vẫn là một hành động vi phạm của Bình Nhưỡng: Ý đồ phóng vệ tinh của Bình Nhưỡng trong tháng 4/2012 đã bị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) “lên án mạnh mẽ” và khẳng định bất cứ vụ phóng nào sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo, kể cả phóng vệ tinh hoặc phóng tàu vũ trụ, đều vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết 1718 (năm 2006) và 1874 (năm 2009) của Hội đồng Bảo an. Mỹ và các nước đồng minh sẽ gây sức ép buộc Hội đồng Bảo an ra tuyên bố lên án và áp đặt các biện pháp cấm vận bổ sung chống Bắc Triều Tiên. Bản Tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng Bảo an phản đối vụ phóng vệ tinh tháng 4/2012 của Bắc Triều Tiên khẳng định Hội đồng Bảo an kiên quyết áp dụng hành động thích hợp nếu Bắc Triều Tiên tiếp tục phóng hoặc thử hạt nhân. Hiện nay trở ngại chính tại LHQ là Trung Quốc-nước không muốn kiềm chế đồng minh của họ. Các cuộc thảo luận tại LHQ sẽ là thách thức của Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Susan Rice, cũng như chính sách đối với Trung Quốc của Chính quyền Obama nhằm thuyết phục giới lãnh đạo mới của Trung Quốc cho phép áp dụng các biện pháp đối phó với các hành vi vi phạm của Bắc Triều Tiên. Bắc Kinh từng ngăn chặn các phản ứng của LHQ trước các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên năm 2009 và hai hành động gây chiến chống Hàn Quốc năm 2010. Sau vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên tháng 4/2012, Mỹ đề nghị tăng thêm 40 điều khoản mới vào danh sách các biện pháp cấm vận, nhưng Trung Quốc phủ quyết tất cả trừ 3 biện pháp mới. Chính quyền Obama khẳng định rõ ràng việc Bắc Triều Tiên bất chấp nghị quyết của LHQ sẽ là một thử nghiệm cho sự sẵn sàng của Trung Quốc trong việc duy trì luật pháp quốc tế. Tuyên bố gần đây của Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi “tất cả các bên” tránh bất cứ hành động nào “làm trầm trọng thêm vấn đề” không phải là một khởi đầu hứa hẹn.
Vì vậy, Chính phủ Mỹ cần phản ứng mạnh mẽ khi Bình Nhưỡng tiếp tục thách thức các nghị quyết của LHQ. Oasinhtơn sẽ đề nghị LHQ áp dụng các biện pháp trừng phạt quốc tế toàn diện hơn chống Bình Nhưỡng cũng như các ngân hàng, các công ty và các nước tạo thuận lợi cho Bắc Triều Tiên phổ biến vũ khí hạt nhân và tên lửa. Mỹ cũng sẽ hợp tác với các nước đồng minh thành lập một hệ thống phòng thủ tên lửa thống nhất toàn diện ở châu Á. Mỹ có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Trình Hội đồng Bảo an một nghị quyết mới yêu cầu áp dụng nhiều biện pháp cấm vận hơn nữa chống Bắc Triều Tiên vì nước này vi phạm các nghị quyết của LHQ. Nghị quyết sẽ dựa vào Chương VII, Điều 42 của Hiến chương LHQ cho phép thực thi các biện pháp quân sự. Điều này có thể cho phép các tàu chiến của lực lượng hải quân Mỹ đánh chặn và kiếm tra các tàu chiến của Bắc Triều Tiên bị nghi ngờ vận chuyển công nghệ, thành phần, các loại vũ khí thông thường, tên lửa và hạt nhân.
- Yêu cầu tất cả các quốc gia thành viên LHQ hợp tác với các biện pháp cấm vận của LHQ chống Bắc Triều Tiên. Cụ thể, các quốc gia thành viên phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu của nghị quyết LHQ để ngăn chặn Bắc Triều Tiên mua sắm, phổ biến các loại vũ khí và công nghệ liên quan đến tên lửa và vũ khí hủy diệt hàng loạt, phong tỏa tài sản của người Bắc Triều Tiên hoặc các cá nhân, công ty và chính phủ nước ngoài liên quan đến Bắc Triều Tiên. Đến nay, Mỹ và LHQ vẫn do dự trừng phạt những cá nhân và tổ chức vi phạm lệnh cấm vận không phải người Bắc Triều Tiên.
- Lãnh đạo quốc tế nỗ lực chống lại các hoạt động trái phép của Bắc Triều Tiên như: làm giả tiền tệ và buôn bán ma túy. Các hoạt động thực thi luật pháp của Mỹ năm 2005 chống các tài khoản của Bình Nhưỡng tại ngân hàng Banco Delta Asia đã có hiệu quả, nhưng sau đó bị từ bỏ do Bắc Triều Tiên đề nghị cải thiện bầu không khí cho các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân.
- Khuyến khích Hàn Quốc triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều tầng. Hệ thống này sẽ liên kết với một hệ thống tên lửa của Mỹ trong khu vực để bảo vệ hiệu quả các cơ sở quân sự của liên minh và người dân Hàn Quốc. Mỹ cũng nên khuyến khích Xơun tham gia hợp tác và tiến hành phòng thủ tên lửa ba bên với Mỹ và Nhật Bản. Yêu cầu Hàn Quốc thực hiện Hiệp ước Bảo mật chung Thông tin Quân sự với Nhật Bản. Hàn Quốc đã ký thỏa thuận với Nhật Bản tháng 6/2012, theo đó hai nước sẽ trao đổi và phối họp thông tin liên quan tới phòng thủ tên lửa.
Rõ ràng hành động khiêu khích mới nhất của Bắc Triều Tiên cho thấy nhà lãnh đạo Kim Châng Un sẽ theo đuổi một chính sách đối ngoại hiếu chiến không kém chính sách đối ngoại của cha mình. Trong năm đầu cầm quyền của ông Kim Châng Un, Bình Nhưỡng tiếp tục đe dọa các nước láng giềng và khẳng định không muốn từ bỏ vũ khí hạt nhân. Ý đồ phóng vệ tinh tháng 4/2012 đã phá hủy thỏa thuận Mỹ-Bắc Triều Tiên về viện trợ lương thực đổi lấy việc tạm ngừng các hoạt động tên lửa và hạt nhân. Và vụ phóng vệ tinh trong tháng này sẽ tiếp tục trì hoãn ý định trở lại bàn đàm phán với Bắc Triều Tiên của các bên liên quan./.
nguồn:http://anhbasam.wordpress.com/2012/12/15/vu-phong-ten-lua-cua-bac-trieu-tien-thach-thuc-chinh-sach-doi-ngoai-cua-my/#more-85652
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001