Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

1474. ĐÁNH GIÁ VỀ TÌNH HÌNH KHU VỰC CHÂU Á-THÁI BÌNH DƯƠNG

Posted by basamnews on 15/12/2012
THÔNG TẪN XÃ VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ sáu, ngày 14/12/2012

ĐÁNH GIÁ VỀ TÌNH HÌNH KHU VỰC CHÂU Á-THÁI BÌNH DƯƠNG

TTXVN (Angiê 12/12)
Nhiều nhà phân tích chiến lược đánh giá khu vực châu Á-Thái Bình Dương là một lục địa đang phát triển bùng n, ghi nhận những chuyn biến, mâu thuẫn, rủi ro và cơ hội. Để làm rõ hơn nhận xét này, mạng tin “Chân trời chiến lược” (+) mới đây có cuộc phỏng vn giáo sư Kishore Mahbubani (-), Chủ nhiệm Trường Chính sách công Lý Quang Diệu của Đại học Quốc gia Xinhgapo, nội dung như sau:
(+): Liệu chúng ta đang chứng kiến một sự tương đồng hay mâu thuẫn lợi ích và giá trị giữa phương Tây và châu Á?
(-): Có sự tương đồng về lợi ích và ở một chừng mực nào đó là sự tương đồng về triển vọng phát triển của thế giới nói chung, về sự tương đồng lợi ích, chúng ta có thể thấy một hình ảnh khá đơn giản: đến kỷ nguyên hiện nay, con người sống tại các quốc gia riêng rẽ – hay nói cách khác điều khiển các con thuyền theo ý muốn riêng – cần những quy tắc và trật tự toàn cầu để khẳng định rằng các nước hay các con thuyền không va chạm vào nhau. Ngày nay, 7 tỷ người trên thế giới không còn sống trên những con thuyền riêng rẽ. Đúng hơn, họ đang sống trên các khoang khác nhau của một con tàu, nhưng không có thuyền trưởng hay thủy thủ để quản lý toàn bệ con tàu. Vì vậy sự tương đồng lợi ích rõ ràng đang nằm trong cả 7 tỷ người, họ tin rằng đang ở cùng một tàu và phải làm việc cùng nhau để tồn tại và thịnh vượng. Bạn muốn bằng chứng? Hãy chứng kiến cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay. Trong quá khứ, khi Hy Lạp sụp đổ, thế giới không quan tâm. Ngày nay, khi Hy Lạp bên bờ vực, toàn bộ nền kinh tế thế giới trở nên hết sức lo lắng. Vì vậy toàn bộ chúng ta liên quan đến nhau – chúng ta trên cùng một thuyền. Nếu bạn để ý tới khí hậu trái đất nóng lên hay biến đổi thời tiết và đại dịch, không một nước nào có thể một mình giải quyết các vấn đề đó bởi chúng không biên giới.
(+): Liệu có nhiều tương đồng tình huống hơn tương đồng thực sự về lợi ích?
(-): Có sự tương đồng về lợi ích. Như chúng ta thấy tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 4/2009 tại Luân Đôn (Anh), tất cả các nhà lãnh đạo đã thấy rõ rằng nếu họ không cùng nhau chung sức, con tàu thế giới có thể chệch hướng và chìm đắm. Đó là sự tương đồng lợi ích rõ ràng. Tất nhiên khi nghiên cứu sâu hơn. chúng ta sẽ thấy nhiều nước tin rằng lợi ích chủ quyền quốc gia vẫn là hàng đầu. Trong 3 thế kỷ rưỡi đã qua, nhiều nước vẫn lợi dụng mô hình chủ quyền Westphalia (theo Hòa ước Westphalia chấm dứt chiến tranh Ba mươi năm) của châu Âu. Chúng ta cần thay đổi cách nghĩ của các nhà lãnh đạo và các nhà nước.
(+): Nhưng một phần thế giới dường như tin rằng họ hoặc không muốn là một phần của kế hoạch toàn cầu, hoặc đơn giản chứng kiến kế hoạch toàn cầu kết thúc theo các cách khác nhau. Ông có thấy thế không?
(-): Ngày càng có nhiều người trên thế giới ngày nay đi theo quá trình toàn cầu hóa. Nghịch lý lớn nhất là một xã hội đã ca tụng hiệu quả của toàn cầu hóa nhất – nước Mỹ – thì hiện nay lại ít chuẩn bị nhất trong việc giải quyết hậu quả của toàn cầu hóa. Người dân Mỹ nằm trong số những dân tộc ít được rèn luyện nhất về thế giới, theo đó không biết thế giới đã thay đổi và chuyển đổi họ như thế nào. Trong khi đó, Trung Quốc đã bắt đầu mở cửa ấn tượng, ký kết các hiệp ước và chuẩn bị tham gia một trật tự toàn cầu.
(+): Vậy ông đánh giá các thế hệ lãnh đạo của Trung Quốc hoạt bát hơn các nhà lãnh đạo Mỹ?
(-): Tổng thống Mỹ Obama có khuôn mặt ấn tượng, nhưng quyền lực của ông bị ràng buộc bởi tình hình chính trị trong nước, làm ông không thể thực hiện khác được. Ví dụ về biến đổi khí hậu, ông đi tay không đến Hội nghị Côpenhaghen. Ông không thể có bất kỳ sự nhượng bộ nào trước vấn đề khí thải gây hiệu ứng nhà kính bởi nếu có sẽ là một sự tự sát chính trị khi quay về Mỹ. Do đó cá nhân các nhà lãnh đạo Mỹ có thể gây ấn tượng, song tình hình chính trị trong nước buộc họ không thể để nước Mỹ có những nhượng bộ. Nhìn tổng thể, hồ sơ môi trường của Mỹ còn tốt hơn của Trung Quốc. Tuy nhiên trong dài hạn, chính phủ Trung Quốc đang đánh giá biến đổi khí hậu và môi trường là những thách thức lớn đối với nước này. Vì vậy Trung Quốc đang làm việc nghiêm túc trong dài hạn để đề ra một kế hoạch cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Bắc Kinh đã đầu tư nhiều vào công nghệ sử dụng năng lượng mặt trời, phong điện… Vì vậy thành tích của người Trung Quốc hiện nay lớn hơn của người Mỹ.
(+): Châu Á rõ ràng còn lâu mới hình thành một khối. Đánh giá của ông về bản đồ châu Á như thế nào?
(-): về mặt địa lý, châu Á trải dài từ Ixraen đến Nhật Bản.
(+): Nếu thế, Đông Á dường như dài hơn Tây Á. Vậy sự liên kết giữa Đông Á và Tây Á là gì?
(-): Điều tốt nhất mà người Arập có thể làm là thay đổi bản đồ tinh thần của họ. Tôi nói với người Arập rằng nếu ai muốn thấy một thành phố trong quá khứ, hãy đi tới Pari bởi người Arập thích Pari – họ thích tới châu Âu. Và châu Âu thực sự đại diện cho quá khứ. Châu Á đại diện cho tương lai. Và người Arập không chấp thuận điều này. Tôi không hiểu tại sao. Các chính phủ Arập nên gửi những thanh niên Arập tới học tại các trường đại học châu Á – để thấy các sinh viên châu Á học tốt như thế nào và cố gắng học theo họ, làm tốt như họ. Thật bất hạnh, nếu bạn nhìn vào những đánh giá của người Mỹ ngày nay với người Ấn Độ và của người Arập với người Ấn Độ, có những tương phản chính xác. Người Arập chỉ thấy các công nhân di cư Ấn Độ đến làm việc với những đồng USD ít ỏi/ngày tại Đubai. Đối với họ, người Ấn Độ là một nhóm xếp sau. Nhưng người Mỹ năm 2012 nhìn nhận người Ấn Độ – nhóm người có thu nhập bình quân cao nhất tại Mỹ – mới đây đã bắt kịp cộng đồng người Do Thái. Người Mỹ nhìn nhận rằng người Ấn Độ rất nhanh nhẹn, có khả năng và thành công cao. Theo xu hướng này, người Arập không tin châu Á sẽ phát triển như thế nào trong 20 hay 30 năm tới. Họ cần phải trau dồi kiến thức thực tế nhiều hơn nữa.
(+): Liệu Nga có thuộc châu Á?
(-): Hiện nay tôi không hiểu được nước Nga. Dường như mọi lúc người Nga đều đứng ở ngã ba đường. Họ chọn nhầm một lối. Đầu thế kỷ trước, khi chế độ Nga hoàng sụp đổ, người Nga đi đầu theo chủ nghĩa Cộng sản. Những người Cộng sản tham vấn các công trình của Các Mác và tự hỏi: “Liệu chúng ta có thể tiến thẳng từ phong kiến lên chủ nghĩa Cộng sản?”. Mác đã khuyên răn: “Các anh không thể bởi thứ nhất cần trở thành nhà tư bản”. Nhưng người Nga không nghe theo Mác và cố gắng đi từ phong kiến lên chủ nghĩa Cộng sản nhưng không thành công. Thế là 70 năm kinh nghiệm thất bại.
Đối với Trung Quốc cũng vậy, sau 30 năm họ đã tự sửa sai. Họ thực hiện và tiếp tục thực hiện rất nhanh, sửa đổi một cách thực dụng. Cái mà người Nga nên tin đó là trước, khi xác định hệ thống chính trị, điều trước tiên cần làm là thay đổi nền kinh tế. Sau khi chủ nghĩa Cộng sản thất bại, người Nga lại đi sai đường: họ đi từ chủ nghĩa Cộng sản tới nền dân chủ trong chốc lát, rồi nền kinh tế sụp đổ. GDP của họ thấp hơn của nước Bỉ. Tỷ lệ tử vong của trẻ em Nga tăng cao. Tuổi thọ giảm. Vậy là một lần nữa người Nga chọn sai đường. Và người Nga cảm thấy chua xót khi nhìn về phương Tây. Ngày nay còn chua xót hơn khi đưa Putin lên nắm quyền. Tôi có thế hiểu được nỗi giận dữ của người Nga đối với phương Tây. Có ý kiến là: Ngay cả khi Nga đã trở thành thành viên Nhóm các nền công nghiệp phát triển (G8) trong khi Trung Quốc chưa, thì Trung Quốc vẫn gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trước Nga. Điều này thật đáng ghi nhớ: gia nhập WTQ còn quan trọng hơn là gia nhập G8. Người Nga khó có thể hiểu được đánh giá trên. Người Nga cần học nhiều hơn từ Trung Quốc nếu có thể. Bắc Kinh trong những năm 1970 còn tụt hậu hơn so với Mátxcơva, song ngày nay lại dẫn trước.
(+): Ông sẽ khuyên gì nếu được tư vấn cho Tổng thống Nga Vladimir Putin?
(-): Nếu xét đến những số liệu thống kê của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) tại Niu Yoóc, Trung Quốc hiện gửi hơn 150.000 sinh viên/năm tới các trường đại học Mỹ. Ấn Độ gửi 100.000 sinh viên. Tôi nghĩ rằng trong khi có những nhà nước châu Á khác, như Hàn Quốc, Đài Loan… đã làm như vậy, thì Nga lại giảm đi. Nga nên bắt đầu bằng việc gửi mỗi năm 100.000 sinh viên tới học tại Mỹ. Điều này sẽ mang lại cho người Nga trí lực mới, làm họ có ý thức và mở cửa với phần còn lại của thế giới. Thứ hai, Nga nên tránh phụ thuộc nhiều vào nguồn tài nguyên dầu khí và cố gắng phát triển tư duy kinh tế hiện đại mà thời Liên Xô bằng nhiều cách đi tiên phong trong nhiều năm. Thêm vào đó, Nga nên đi đầu trong việc mở cửa với thế giới. Người Nga cần từ bỏ thái độ giận dữ đối với phương Tây trong việc tranh giành lợi ích của Nga. Mátxcơva cần đóng vai trò cân bằng trong cuộc chơi giữa Trung Quốc, châu Âu, Mỹ. Đó là một ý tưởng địa chính trị cần thực hiện. Nhưng để thực hiện được cuộc chơi cân bằng, cần phát triển quan hệ tốt đẹp với mọi nước.
(+): Những mối nguy hiểm tại châu Á trong những năm và thập kỷ tới là gì?
(-): Có rất nhiều nguy hiểm tại châu Á. Bắt đầu với bán đảo Triều Tiên; sau đó đến eo biển Đài Loan; và dĩ nhiên cả Biển Đông. Chúng ta cũng có thể thấy những mối nguy hiểm tại các Nhà nước Đông Nam Á; giữa Ấn Độ với Pakixtan; tại Đông Á; tại thế giới Arập; giữa Ixraen và Iran. Những mối nguy hiểm đó luôn hiện hữu và tiếp tục tồn tại trong dài hạn. Vấn đề duy nhất, đó là: châu Á sẽ xử lý chúng như thế nào? Trong quá khứ, có thiên hướng chiến tranh. Như bạn biết châu Á đã chứng kiến 4 cuộc xung đột quân sự lớn nhất sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai: chiến Triều Tiên, chiến tranh Việt Nam, chiến tranh Trung-Việt và chiến tranh Iran-Irắc. Nhưng ngày nay, những khẩu súng đang im lặng. Sự im lặng này có uy quyền lớn. Không một nước châu Á nào ngày nay muốn liên quan đến bất kỳ một cuộc chiến lớn nào. Điều này được giải thích một phần bởi sự phát triển công nghiệp.
(+): Ông đánh giá châu Á duy trì quan hệ với các cường quốc tại các lục địa khác như thế nào, đặc biệt với Mỹ và Nga?
(-): Mối quan hệ khó khăn nhất luôn là giữa cường quốc số một thế giới và cường quốc mới nổi số một thế giới. Cường quốc số một thế giới ngày nay là Mỹ. Cường quốc mới nổi số một thế giới là Trung Quốc. Chúng ta phải đánh giá mối quan hệ này cẩn thận. Rõ ràng có thể nảy sinh căng thẳng giữa hai nước số một trên. Điều đáng nhận thấy là cấp độ căng thẳng hiện nay không cao. Tiếp đó, người Trung Quốc có nhiều cách tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai cường quốc, như việc Mỹ mua hàng xuất khẩu của Trung Quốc và Trung Quốc mua trái phiếu kho bạc Mỹ. Dĩ nhiên, điều trên không có nghĩa là sẽ không có bất ổn và cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ. Tại Biển Đông, Mỹ hài lòng khi thấy Trung Quốc có vấn đề với các nước láng giềng. Nhưng sẽ không có nguy cơ xảy ra chiến tranh trong trung hạn giữa Mỹ và Trung Quốc. Cũng không có nguy cơ quan hệ Mỹ – Trung Quốc. Chỉ có sự rạn nứt quan hệ từng thời điểm. Lúc này, những rạn nứt trên có thể kiểm soát được.
(+): Chắc chắn không thể biết trước sự trỗi dậy của Trung Quốc lại không đi kèm với một số cuộc xung đột?
(-): Sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ không đi trên một con đường thẳng tắp, chắc chắn sẽ có những khúc quanh. Nhưng lịch trình sẽ hướng lên, chắc chắn có những thử thách. Tóm lại, có một lý do khiến chính phủ Trung Quốc đang cố gắng thận trọng không hướng đến chủ nghĩa mạo hiểm quốc tế bởi biết rằng có nhiều việc cần làm trong nước. Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất về sức mua vào năm 2016 – thời điểm cách hiện tại chỉ hơn 3 năm nữa. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin rằng toàn bộ sự hợp lệ của họ đến từ việc có khả năng tạo ra một tốc độ phát triển kinh tế trong nước. Điều này buộc họ phải tập trung, cần nhớ cuộc trắc nghiệm đầu tiên đối với Trung Quốc là việc chuyển đổi hệ thống chính trị nước này. Đảng Cộng sản Trung Quốc không thể chỉ đạo Trung Quốc mãi mãi. Đến một thời điểm nào đó phải trở nên dân chủ. Điều này sẽ xảy ra. Tôi muốn nói thêm rằng Mỹ, nước đã thuyết giảng ý tưởng sự công bằng giữa các dân tộc vào năm 1776, phải mất 89 năm sau mới bãi bỏ được chế độ nô lệ. Điều này chính xác đối lập với sự công bằng nói trên. Phải mất 144 năm để cho phụ nữ có quyền bầu cử, mất 189 năm để người da đen có quyền bầu cử. Nếu Mỹ – một nước có hành trang lịch sử là con số không – phải mất khoảng 200 năm để đạt được trọn vẹn nền dân chủ thì đối với Trung Quốc, nước đã trải qua 3,000 năm lịch sử, 100 năm dân chủ còn ngắn hơn một phép màu nhiệm.
(+): Những thách thức chính trong nước đối với Trung Quốc trong 10 hay 15 năm tới là gì?
(-): Trước tiên là chính trị bởi Trung Quốc có tầng lớp trung lưu lớn nhất thế giới khá sớm. Việc quản lý tầng lớp trung lưu này khó hơn là quản lý những người giàu lên từ nghèo khó rồi mới trở thành tầng lớp trung lưu. Thách thức thứ hai là giải quyết tình trạng bất bình đẳng và nạn tham nhũng tại nước này. Như chúng ta biết tham nhũng tiếp tục gia tăng tại nước này và khoảng cách giữa người giàu và nghèo ngày càng lớn dần, chắc chắn sẽ gia tăng sức ép cần hành động thích hợp đối với Bắc Kinh. Thách thức thứ ba có thể là vấn đề môi trường. Chỉ trong vài ngày tại một số thành phố của Trung Quốc, khi nhìn từ cửa sổ một khách sạn mà không thấy toàn cảnh nhà đối diện. Không ai muốn sống với tình trạng chất lượng không khí như vậy. vấn đề này cần được quan tâm khân cấp. Vậy là người Trung Quốc ngày càng có nhiều thách thức đang đợi.
(+): Lối cụt trong tranh chấp tại Biển Đông sẽ được giải quyết như thế nào?
(-): Không ai có thể dự báo kết cục. Kết cục mà người Trung Quốc muốn đó là trì hoãn giải quyết tranh chấp trên Biển Đông càng lâu càng tốt bởi thời gian đang ủng hộ phía Trung Quốc. Do đó người Trung Quốc muốn chờ đợi và chờ đợi. Khi họ trở nên ngày càng mạnh hơn và không có một đối trọng khác trong khu vực, họ sẽ ở vị trí mạnh để đàm phán về giải pháp. Xét quan điểm của những nước khác, họ muốn cố gắng sử dụng luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp trên.
Không gì có thể xảy ra trong tương lai gần bởi Trung Quốc đang tập trung vào giai đoạn chuyển giao ban lãnh đạo mùa Thu này. Với cương vị như vậy, không một lãnh đạo Trung Quốc nào có quan điểm nhượng bộ.
Khi một thế hệ lãnh đạo mới nổi lên và nếu vị tân Chủ tịch nước Trung Quốc cảm thấy đủ mạnh, khi đó tôi nghĩ người Trung Quốc sẽ quay lại với cách thức truyền thống là sử dụng các biện pháp thực dụng. Họ sẽ nói: “Đừng giải quyết theo kiểu ai đúng ai sai. Hãy cứ để theo kiểu bạn cho phép tôi đánh cá tại đây, tôi sẽ cho phép bạn thăm dò dầu khí và chúng ta sẽ cùng xúc tiến”.
(+): Ông có thấy Việt Nam và Philíppin đồng ý với hình thức giải quyết thực dụng của Trung Quốc?
(-): Việt Nam cẩn trọng hơn Philíppin. Người Việt Nam bất khuất và cứng rắn hơn người Philippin. Khi Việt Nam hướng gần Mỹ hơn, họ vẫn duy trì và bảo vệ mối quan hệ với Trung Quốc. Họ cố gắng để không đối đầu với Trung Quốc theo cách mà Philippin làm mới đây tại bãi ngầm Scarborough.
(+): Ông có lo ngại về sự chia rẽ mới đây trong ASEAN liên quan đến bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông?
(-): Có chứ, đó là bước lùi lớn của ASEAN. Nhưng bước lùi này xảy ra bởi ASEAN đã quá tự mãn. Chính xác bởi tổ chức này đã kế thừa cách thức đưa ra thông cáo chung trong 45 năm qua, song không có nghĩa là có thể hy vọng tiếp tục làm như thế trong 45 năm tới. Đó là một lời kêu gọi thức tỉnh lớn đối với các nhà lãnh đạo ASEAN. Ngày nay họ cần phải chú ý hơn nữa tới việc phát triển tính thống nhất của ASEAN trong nửa đầu thể kỷ này.
(+): Liệu Campuchia có phải là vấn đề đối với tương lai thống nhất của ASEAN?
(-): Nếu bạn hỏi tôi vào 3 năm trước, mọi sự tập trung đều dồn vào Mianma – đó là liệu Mianma có là một vấn đề đối với ASEAN không. Từ 10 năm nay, tôi nghĩ đến câu hỏi đó. Hãy nhìn vào Mianma hiện nay – đất nước đang mở cửa một cách ấn tượng. Vậy là mọi thứ đã thay đổi. Tôi thấy nhiều nước Đông Nam Á đã thận trọng hơn và thực dụng theo thói quen của họ. Và cá nhân tôi tin rằng những thay đổi như vậy sẽ tăng trong khu vực ASEAN.
(‘+): Liệu có phải Trung Quốc đã làm tốt công việc lôi kéo một số thành viên ASEAN – như Campuchia – theo hướng cản trở sự đoàn kết của ASEAN?
(-): Quá trình lôi kéo sẽ tiếp tục. Ngay bây giờ, nước có sức mạnh là Trung Quốc. Nhưng như bạn biết Mỹ đang trở lại khu vực. Ấn Độ cũng trở nên có vai trò quan trọng. Nhật Bản sẽ tiếp tục đóng một vai trò chủ động trong khu vực. Và tôi hy vọng rằng các nước châu Âu cũng sẽ sớm tới đây.
(+): Thế còn Inđônêxia và Ôxtrâylia? Ông có thấy sự thay đổi trong quan hệ song phương khi Inđônêxia trở nên thịnh vượng hơn và châu Á cũng vậy, trở thành một lục địa quan trọng hơn?
(-): Vấn đề còn tồn tại của Ôxtrâylia trong thế kỷ châu Á là rất lớn 200 năm phương Tây đô hộ lịch sử thế giới là một sự sai lầm lớn trong lịch sử. Ôxtrâylia là tiền đồn bao quanh bởi khoảng 4 tỷ người châu Á. Điều quan trọng là người Ôxtrâylia thích ứng với thực tế mới này và bắt đầu có những điều chỉnh địa chính trị, kinh tế và văn hóa. Chỉ tính riêng việc điều chỉnh kinh tế, tương lai nền kinh tế Ôxtrâylia rõ ràng gắn với châu Á- nhưng các nhà lãnh đạo Ôxtrâylia hiện nay đã không nói với người dân họ rằng thế giới đã thay đổi. Vì vậy tôi cho rằng Ôxtrâylía cần một lời kêu gọi thức tỉnh. Người Ôxtrâylia cần tin tưởng rằng vị trí địa lý của họ không giống với Canada.
(+): Ông có ấn tượng với chất lượng của các nhà lãnh đạo Ấn Độ?
(-): Tôi không nói về các cá nhân, nhưng tầng lớp trung lưu Ấn Độ quả là đáng ngạc nhiên. Họ thật mạnh mẽ. Nước này đã sản sinh ra hàng triệu bộ óc trí tuệ – hãy xem có bao nhiêu người Ấn Độ đứng đầu tại các trường đại học hàng đầu thế giới – và trong các khóa học dài hạn như vậy tôi cho rằng sẽ sản sinh ra các nhà lãnh đạo có chất lượng. Như đã nói, hệ thống chính trị Ấn Độ ghi nhận sự kìm hãm không thể tin bởi các chính phủ liên minh. Chính quyền trung ương tại Niu Đêli dường như không có khả năng đưa ra các quyết định đúng đắn dài hạn cho đất nước. Điều hay là ở cấp bang, Ấn Độ đang chứng kiến sự nổi lên của các nhà lãnh đạo tài giỏi tại Gujarat, Bihar, Uttar Pradesh và các bang khác.
(+): Thế còn các nhà lãnh đạo Nhật Bản?
(-): Tôi đang viết dở một cuốn sách về tương lai của nước Nhật trong thế kỷ 21. Người Nhật Bản đã có quyết định chính xác vào năm 1860 khi Yukichi Fukuzawa nói Nhật nên rời châu Á để hướng đến phương Tây. Nhận định đó đúng khi châu Á đang hoàn toàn ở vị thế thấp: Ấn Độ và Trung Quốc khi đó yếu thế. Điều đó quả thực thuận lợi cho Nhật Bản hướng đoàn tàu tới phương Tây. Nhưng nay Trung Quốc và Ấn Độ đang phát triển, Nhật Bản cần tập trung tại châu Á. Để tái tập trung, một lần nữa Nhật Bản cần những nhà lãnh đạo tài ba. Cho đến nay, Nhật Bản vẫn chưa có những nhà lãnh đạo mà nước này cần để thay đổi lộ trình.
(+): Tại sao lại như vậy?
(-): Tôi không chắc chắn. Có thể có một số điều gắn với văn hóa Nhật Bản. Người Nhật rất bảo thủ và không thích thay đổi. Điều này giải thích tại sao tôi luôn khuyến khích người Nhật ngừng cử những vị đại sứ tốt nhất của họ tới Pari và Luân Đôn. Đó là những thành phố của quá khứ. Nếu bạn muốn đến những thành phố của tương lai, hãy đến Thượng Hải hay Xinhgapo. Người Nhật nên cử những vị đại sứ giỏi nhất tới châu Á. Nhưng những đề xuất này đòi hỏi một sự thay đổi rõ ràng trong tư duy./.
nguồn:http://anhbasam.wordpress.com/2012/12/15/danh-gia-ve-tinh-hinh-khu-vuc-chau-a-thai-binh-duong/#more-85724
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001