Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

Chết vì vàng


Cập nhật lúc :9:14 PM, 17/12/2012
(ĐVO) Loài người sáng tạo ra đức Chúa trời hơn cách nay hơn 2.000 năm, nhưng ngày mà loài người bắt đầu tôn thờ vàng còn xa xưa hơn nữa.
Bởi vì, vàng có những đặc tính cực khác biệt so với những kim loại khác: không bao giờ han rỉ, có ánh kim mê hồn, rất dẻo để dễ gia công, có thể bảo quản lâu dài. Đặc biệt, vàng rất hiếm nên loài người từ xưa đã gắn cho kim lại này những giá trị phi thường.
Hầu hết các dân tộc trên thế giới, bất kể khác nhau về màu da, tín ngưỡng, trình độ phát triển, đều có chung một tình cảm “yêu quý” vàng. Nói không ngoa, vàng là thứ “văn hóa toàn cầu”, là ngôn ngữ không cần phiên dịch, là tôn giáo thống trị toàn thế giới.
Ngay cả những tôn giáo đề cao sự tiết dục, khổ hạnh thì cũng xem vàng là một biểu tượng cao quý. Đức Giáo hoàng La Mã sở hữu không biết bao nhiều vàng. Cung Potala ở Tây Tạng có rất nhiều pho tượng đúc bằng vàng. Lăng Đạt La đời thứ  được dát bằng 4,28 tấn vàng bạc châu báu.

Sau những phát kiến địa lý, thực dân châu Âu cướp được một lượng vàng khổng lồ làm cho giá vàng ở châu lục này sụt giá, đồng thời làm giá các mặt hàng khác nhảy vọt. Vào thế kỷ 16, giá cả ở Tây Ban Nha tăng gấp 5 lần, giá cả ở các nước châu Âu khác cũng tương tự. “Cách mạng giá cả” làm địa tô giảm, thu nhập của cả nông dân lẫn lãnh chúa giảm theo. Ngược lại, vàng lầm thu nhập từ giới tư sản tăng lên, địa vị cũng được nâng cao. Châu Âu từ đó bước vào chủ nghĩa tư bản.
Cách mạng công nghiệp thứ nhất bắt đầu bằng sự kiện phát minh ra máy hơi nước. Ban đầu, việc chế tạo máy hơi nước cần đầu tư rất lớn – mà phần nhiều lấy từ lãi của các đồn điền có nô lệ da đen được mua bằng vàng từ châu Phi về. Truy nguồn nguồn gốc sâu xa, vàng có một ảnh hưởng khá lớn đến tiến trình lịch sử.
Năm 79 sau Công nguyên, núi lửa Vesuvius thức dậy, phun nham thạch nuốt trọn thị trấn Pompei. Sau này, khi khai quật di chỉ Pompei, các nhà khảo cổ đã phát hiện bên cạnh nạn nhân của núi lửa có vàng. Rõ ràng, trong lúc thảm họa, có những người đã nghĩ tới vàng trước tiên.
Không chỉ dân thường chết vì vàng, ngay cả những người nổi tiếng cũng chết vì vàng, nhưng theo một cách khác. Danh tướng Hanibal của thành Carthage xưa được cho là đã dùng “vàng độc” để tự tử. “Vàng độc” là những thoi vàng hình kim tự tháp, có thành mỏng, bên trong chứa chất độc. Nuốt “vàng độc” vào, lớp vách mỏng vỡ ra, chất độc được giải phóng.
Mảnh bát vàng với phong cách trang trí thời Mesopotamia (nền văn minh Lưỡng Hà), có từ năm 2.500 trước Công nguyên, được phát hiện tại khu vực Tepe Fullol ở phía bắc Afghanistan
Tương truyền, một vị vua La Mã xưa xem chiêm tinh, được phán sẽ bị chết bởi gươm đao. Để chống lại định mệnh, ông này chuẩn bị một thoi vàng độc, lúc nào cũng kè kè bên mình. Tuy nhiên, trong lúc nguy cấp, ông này lại do dự không dám dùng, thành ra lời tiên tri ứng nghiệm.
Chết vì vàng, theo một cách điên rồ hơn nữa, là một nhà quý tộc châu Âu thời Trung cổ. Tên này tin rằng trong giết các cô gái đồng trinh có thể giúp luyện được vàng nên đã giết hại 800 cô gái trẻ.
Hầu hết các dân tộc trên thế giới đều yêu quý vàng, nhưng không có dân tộc nào mà có vận mệnh liên quan mật thiết tới vàng như người Do Thái. Năm 568 trước công nguyên, vua Nebuchadnezza II của Babylon chiếm đóng Jerusalem, xua đuổi người Do Thái đi khắp nơi. Đến nơi nào, người Do Thái cũng bị xua đuổi, bức hại. Trong thế chiến II, phát xít Đức giết hại tới 6 triệu người Do Thái. Không tổ quốc, không đất đai, người Do Thái chỉ còn biết tích vàng để đề phòng bất trắc. Vốn giỏi kinh doanh, tình tình nhẫn nhục, người Do Thái tích được rất nhiều vàng. Trong kịch “Người lái buôn thành Venice” của Shakesprear, người ta thấy hình ảnh một lái buôn Do Thái quỷ quyệt, song đấy chỉ là thiên kiến của người thời bấy giờ. Thử nghĩ, một dân tộc tha hương nhưng luôn biết nhẫn nhục chờ thời thì việc tìm mọi cách kiếm tiền để bảo vệ nòi giống mình chẳng có gì đáng cười.
Ở Việt Nam, dù các mỏ vàng chính nằm ở miền Trung và miền Bắc thì vàng lại được phát hiện sớm nhất ở nền văn hóa Óc Eo ở An Giang. Qua những hiện vật khai quật được, người ta thấy cư dân ở đây có trình độ chế tác vàng khá cao. Các di vật bằng vàng phát hiện được ở nền văn hóa này hầu hết là đồ trang sức như hoa tai. Ngoài ra, một hiện vật gây tranh cãi là một phiến vàng, trên mặt có ký tự. Một học giả của Pháp từng cho rằng đây là một tấm lệnh của vua, nhưng cũng có người cho rằng đây chỉ là tấm bùa chú. Với nền văn minh Chămpa, qua thư tịch cổ, người ta cũng thấy nước này có một nền kỹ nghệ chế tác vàng khá cao. Lương thư viết “Nước đó (Chămpa) có núi vàng, đá đều màu đỏ, từ đó sinh ra vàng”. Cũng theo Lương thư, năm 446, tướng Trung Quốc là Đàm Chi Hòa đánh Lâm Ấp “bắt được của quý vật lạ, đều là của báu chưa biết tên”.
Ở miền Bắc, đến thời văn hóa Đông Sơn, các nhà khảo cổ vẫn chưa thấy các hiện vật bằng vàng. Song đến thời Bắc thuộc, qua thư tịch cổ cũng có thể thấy vàng đã xuất hiện nhiều. Sách Tiền Hán thư chép: “Đất Việt ở gần biển, có nhiều (…) vàng, đồng… Người Trung Quốc đi lại buôn bán, phần nhiều trở nên giàu có”. Suốt thời đại phong kiến, vàng thường chỉ được dùng trong các gia đình quyền quý. Với triều đình, vàng được làm biểu tượng quyền lực như ấn vàng. Đến thời bao cấp, tiền mất giá, vàng là “bản vị” của đủ thứ: nhà cửa, đất đai, xe máy. Hiện tượng “vàng hóa kinh tế” là dấu hiệu người dân lo lắng về tương lai. Trong một nền kinh tế lành mạnh, vàng thường chỉ có chức năng chính: dự trữ quốc gia và làm đồ trang sức.

Hà Dĩ Mộ
nguồn:http://baodatviet.vn/Home/kinhte/Chet-vi-vang/201212/248002.datviet
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001