Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

Khi tội ác mang khuôn mặt bình thường

Song Chi/Người Việt

Tội ác đã mang khuôn mặt bình thường thì xã hội diệt vong!
Cách đây vừa 7 tháng, trang boxitvn đăng bài Tại sao người ta hành xử tàn ác? của GS Y học Nguyễn Văn Tuấn, đề cập đến sự tàn ác của những người vẫn nhân danh điều thiện, trong đó nghịch lý này mới được minh hoạ bằng một hiện tượng là công an đánh đập tàn nhẫn những dân nghèo lương thiện ở Văn Giang.
Nay đạo diễn Song Chi lại phải đặt ra vấn đề này một cách toàn cục, cụ thể, và nhức nhối hơn nhiều, bởi thú tính đang lan tràn khắp nơi chốn trong dân, trong cả mỗi gia đình, len vào cả những quan hệ nhân ái đặc trưng nhất cho “tính Người” như cha con, vợ chồng, thầy trò, bằng hữu…, và điều nguy hiểm là cái ác đang được bình thường hóa và ngày càng “mang khuôn mặt bình thường”.
Một xã hội mà thú tính vô luân đang gây được “khoái cảm” để lan tràn, tất nhiên đòi hỏi các nhà trí thức nhiều chuyên ngành và tất cả những ai còn thấy đau lòng và có trách nhiệm phải vào cuộc để nghiên cứu, giải thích, tìm nguyên nhân để kiềm chế như kiềm chế một nạn dịch, không phải dịch chuột, dịch muỗi… mà là “dịch thú” , nạn dịch từ một loài thú vô hình đang gặm nhấm và thú hóa con người.
Với tư cách cá nhân tôi xin bày tỏ đôi điều cảm nghĩ và lý giải.
1/ Về tác hại: Tội ác xuất hiện một cách bất ngờ, phi lý, từ những con người vốn bình thường, ở những tình huống bình thường, vì những nguyên nhân “lãng xẹt” như vô cớ thì không ai có thể lường trước mà đề phòng, không thể nào tránh được. Tình hình ấy tạo nên một tâm lý tuyệt vọng, chịu thua, buông trôi, và bất cần, liều lĩnh!  Đã tuyệt vọng và liều lĩnh vô cảm thì cái ác lại càng lan tràn, cứ thế các nhân tố kích thích lẫn nhau thành một nạn dịch khó lòng kìm hãm. Cái ác đã tuột khỏi tầm tay của xã hội, không có nhân ái để đối trọng thì sẽ mau chóng bành trướng vô hạn độ.
2/ Về nguyên nhân gốc rễ:
- Việc gì cũng phải có nguyên nhân, nếu rất nhiều việc xảy ra mà tưởng như “vô cớ” thì cái nguyên cớ ắt nằm ở đâu đó trong môi trường sống, tồn tại một cách bao trùm! Vậy “yếu tố bao trùm” ở đây là gì khiến cho “xã hội ngày càng nhiễu loạn” (như nhận định của chị Song Chi?
- Đúng là “loạn”, nhưng “hạ tắc loạn” là bởi “thượng bất chính”, bao giờ chẳng vậy. Công an đã đánh dân một cách đầy khoái cảm, như một “trận đánh tuyệt đẹp đáng viết thành sách” (blogger JB Nguyễn Hữu Vinh mô tả: đánh dân như chớp, đánh tàn bạo, đánh như đòn thù. Chắc ngày xưa đánh lính Mỹ các chú cũng không đánh được sướng như bây giờ) thì  có khác gì khoái cảm của tên Trần Nhật Linh, sinh năm 1993 ở Quảng Bình đã điên cuồng đâm đến 95 nhát dao vào người bạn gái đang mang thai (chuyện này cũng đáng viết thành sách đấy nhỉ?).
- Thượng bất chính vì những “đạo đức vĩ mô” đều giả dối, người yêu nước thì bị đạp vào mặt, bị “phục hồi nhân phẩm”, bị tù mọt gông, còn những kẻ đầu hàng giặc thì đeo “hàm nọ hàm kia” đi rao giảng về cách yêu nước! Kẻ cầm quyền gây bại hoại dân tộc, nuốt lời hứa thì đi giảng về “lòng tự trọng”. Thượng bất chính gây điều ác như thế (mà không bị trừng trị, không thể trừng trị) thì vô hiệu hoá tất cả những bài học đạo đức, làm cho thang giá trị bị lộn ngược.
- Nhưng những kẻ tai to mặt lớn gây điều tàn bạo vô nhân ấy chưa phải nhân tố tối thượng, đến lượt họ cũng chỉ là sản phẩm nằm dưới một “định hướng tối thượng” , tức cái lý thuyết đảo lộn luân thường, từng ngạo ngược tuyên bố “đoạn tuyệt một cách triệt để nhất với các giá trị truyền thống”(!).
Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống nhân ái, vẫn lấy câu “thương người như thể thương thân” làm điều răn muôn thuở. Nay vì sao những con người Việt Nam bỗng trở nên mất gốc mà tàn ác với nhau? Muốn trả lời xin hãy hỏi tiếp: Thế Chủ nghĩa nào đã quyết  khẳng định sự tồn tại của mình bằng cách giết hại 100 triệu người trên thế giới này dưới chiêu bài “đấu tranh giai cấp”? Có phải chính cái chủ nghĩa mà những đại diện lớn của nó, như Stalin, Mao Trạch Đông – những tên giết người rùng rợn nhất trong lịch sử, đang ngồi trên đầu trên cổ dân tộc ta để giảng cái gọi là “đạo đức cách mạng”?
Về cái thời cuộc đảo ngược luân thường ấy dân gian có câu ca dao thú vị:
Trời làm một trận nhố nhăng
Ông hoá ra thằng, thằng hoá ra ông.
Các “Ông” bên trên chỉ đáng là “Thằng” thì Thượng bất chính là phải.
- Sự phá sản của Chủ nghĩa đã để lại khoảng trống nguy hiểm về lý tưởng và nhân sinh quan, cộng với những bức bối trong một xã hội xuống cấp toàn diện đã khiến cho lứa trẻ mất phương hướng. Tất cả là những stress, nếu kéo dài có thể gây chứng bệnh tâm thần, nhất là chứng  Giải thể nhân cách (depersonalization) và Tri giác sai thực tại (derealization). “Người bệnh có cảm thấy thờ ơ, xa lạ với chính mình, họ có cảm giác như mình là một người máy, mất hết mọi tình cảm với người thân, không còn biết vui, buồn, hờn, giận. Người bệnh cảm thấy mình như không có thật, hoặc thấy như mình đang sống trong một giấc mơ hoặc trong một cuốn phim…”, “hoặc người bệnh cảm thấy mọi sự vật như không có thật, những người xung quanh như không có sự sống, họ như những hình người được làm bằng giấy” (mô tả theo http://bacsinoitru.vn/f70/148-trieu-chung-hoc-tam-than.html).
- Lại nữa, khi ĐCS đã tự nhận mình là lực lượng lãnh đạo trực tiếp – toàn diện và tuyệt đối, là nhân tố quyết định dẫn cả dân tộc “đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”, thì “kẻ thù” nào có thể bạo gan xen vào để lãnh giúp cái nhiệm về sự tàn ác đảo lộn luân thường này đây?
- Như vậy, nguyên nhân gốc rễ theo tôi thiết tưởng đã rõ. Chẳng tin, nếu cứ kiên trì yếu tố bao trùm là cái Chủ nghĩa, cái cơ chế độc hại này thì thử xem có luật pháp nào, có lời giáo huấn nào giải quyết được thảm trạng “thú tính lộng hành” hiện nay hay không? Vẫn biết, thách thức này quả thực không dễ dàng gì.
Hà Sĩ Phu
Hầu như ngày nào cũng vậy, báo chí Việt Nam đều có thông tin về những vụ tội phạm hình sự, gọi chung là “cướp, giết, hiếp” các kiểu. Ðiều đáng lo ngại là càng ngày đối tượng phạm tội càng đa dạng và trẻ hóa.
‘Sát thủ’ Lê Văn Luyện, chưa đủ 18 tuổi, giết cả một gia đình chủ tiệm vàng ở Bắc Giang. (Hình: Báo Pháp luật Sài Gòn)
‘Sát thủ’ Lê Văn Luyện, chưa đủ 18 tuổi, giết cả một gia đình chủ tiệm vàng ở Bắc Giang. (Hình: Báo Pháp luật Sài Gòn)
Một trong những vụ án làm rúng động dư luận xã hội trong năm 2011 là vụ gia đình một chủ tiệm vàng ở Bắc Giang bị giết chết để cướp tài sản. Khi phạm tội, sát thủ Lê Văn Luyện chưa đến 18 tuổi.
Trong vụ hiếp dâm một nữ sinh rồi giết chết, thả trôi sông ở Thanh Hóa vào ngày 11 tháng 8 năm 2012, hung thủ Lê Tuấn Anh chỉ mới 16 tuổi, đã thản nhiên nói với các điều tra viên: “Cháu có họ hàng với sát thủ Lê Văn Luyện”!
Cũng trong tháng 8 năm 2012, cũng ở Thanh Hóa, do cần tiền để trả nợ, Trần Quang Ðức, một học sinh lớp 11 đã đột nhập vào nhà hàng xóm, khi bị phát hiện Ðức đã chém chết chị chủ nhà. Trần Quang Ðức sinh năm 1995, lúc phạm tội 17 tuổi…
Cũng vì muốn cướp tiền, Lê Hải Lộc ở Cần Thơ đã sát hại một người quen bằng 16 nhát dao, vụ án xảy ra vào năm 2011, khi đó Lê Hải Lộc mới 15 tuổi…
Mức độ dã man, không còn chút tính người của các vụ án cũng ngày càng tăng.
Trong vụ Lê Văn Luyện, hung thủ không chỉ giết hai vợ chồng chủ tiệm vàng, mà còn chặt gần đứt lìa cánh tay của bé gái 8 tuổi con chủ nhà và không tha cả đứa trẻ mới 18 tháng.
Hung thủ Trần Quang Ðức cố tình chém liên tiếp đến chết người hàng xóm đang mang thai 5 tháng.
Vì hận tình, hay vì ghen ghét đố kỵ mà Trần Nhật Linh, sinh năm 1993 ở Quảng Bình đã điên cuồng đâm đến 95 nhát dao vào người bạn gái đang mang thai tháng thứ 8 khiến nạn nhân tử vong. Kẻ sát nhân cũng là một người mẹ, có đứa con nhỏ 18 tháng!
Một vụ án khác cũng khiến mọi người bàng hoàng vì mức độ thương tâm và tàn nhẫn. Hung thủ Ðặng Trần Hoài ở Hà Ðông, Hà Nội đã nhẫn tâm giết hại một cháu bé mới 4 tuổi bằng 12 nhát dao, sau đó còn thực hiện hành vi đồi bại với cô chị mới 8 tuổi của bé…
Không chỉ tàn nhẫn với người dưng, rất nhiều vụ án trong đó hung thủ sẵn sàng ra tay tàn độc với những người thân yêu nhất.
Như vụ bà Trần Thúy Liễu ở Long An đổ xăng giết người chồng từng chung sống bao nhiêu năm và có hai mặt con, vì mâu thuẫn về tiền bạc do bà Liễu đánh bạc nợ nần. Vụ án khiến dư luận chú ý một phần vì nạn nhân là một phóng viên nổi tiếng, chuyên viết về mảng phóng sự điều tra xã hội của báo Người Lao Ðộng.
Vì mâu thuẫn trong tranh chấp tài sản, tối ngày 9 tháng 9 năm 2012, Phạm Việt Cường, thường trú tại TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã dùng xăng đốt 11 thành viên trong họ hàng. Tất cả đều bị phỏng, sau đó 4 người bị tử vong, kể cả mẹ của Cường.
Bị chửi mắng khi xin tiền cha mẹ để trả nợ, ngày 24 tháng 6 năm 2012, Lưu Văn Thắng, Hà Nội đã dùng dao đâm cả cha lẫn mẹ tổng cộng 39 nhát khiến cả hai tử vong.
Chỉ vì vợ không đưa tiền cũng không đưa điện thoại di động để đi cầm cố đánh bạc, ngày 28 tháng 4 năm 2012, Nguyễn Văn Hiệp ở xã Ứng Hòa, Hà Nội đã đạp chết người vợ đang mang thai 5-6 tháng, bỏ lại đứa con lớn chưa đầy 2 tuổi…
Và còn nhiều, nhiều nữa. Những vụ án giết người tình, chồng giết vợ, vợ giết chồng, cha mẹ giết con, con giết cha mẹ, anh em, họ hàng giết nhau… Ðôi khi vì tiền, vì lợi lộc vật chất, nhưng lắm khi chỉ vì những mâu thuẫn vặt vãnh trong sinh hoạt hàng ngày. Thậm chí chỉ vì những lý do không đâu vào đâu.
Mới đây nhất, là hai vụ án có liên quan đến các sinh viên là thành phần ít nhiều có hiểu biết.
Vụ thứ nhất, một sinh viên trường Ðại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã bị một trong 4 nam sinh khác rút dao đâm chết ngay tại phòng học ngày 19 tháng 12 chỉ vì một câu nói bênh người bạn bị cho là nhìn “đểu” các hung thủ!
Cũng trong ngày 19, một sinh viên khác của trường Ðại học Bình Dương khi đi ăn đêm với bạn đã gặp nhóm đối tượng có mâu thuẫn trước đó và bị một đối tượng chưa rõ danh tính đâm chết…
Những vụ án mạng kiểu như vậy khiến dư luận bàng hoàng vì nhiều nguyên nhân, như đã nói ở trên. Thứ nhất, mức độ đa dạng, trẻ hóa của hung thủ. Hung thủ có thể là bất cứ ai, thuộc thành phần nào trong xã hội, kể cả có học, con nhà tử tế.
Trừ một số ít đã từng có tiền án tiền sự hay là kẻ cờ bạc, nghiện rượu sa vào nợ nần dẫn đến cần tiền hoặc có những mối quan hệ không chính danh gây phiền phức buộc phải “giải quyết”. Phần lớn trong số họ trước khi phạm tội ác đều là những con người bình thường, có lý lịch “sạch”, không có dấu hiệu gì về bệnh tâm thần.
Vậy mà một khi phạm tội, những con người mới ngày hôm qua còn là những học sinh, sinh viên hiền lành, người cha người mẹ người con đàng hoàng, vụt trở thành sát thủ máu lạnh, sẵn sàng xuống tay tàn độc tới cùng để phi tang dấu vết.
Ðôi khi chính những vụ án có tính chất bộc phát và từ những lý do “lãng xẹt” như hai vụ sinh viên bị giết kể trên chẳng hạn, làm người ta sợ hãi hơn cả những vụ án có sự tính toán kỹ từ trước, hoặc có động cơ tình, tiền, thù oán cá nhân. Vì như thế có nghĩa là sinh mạng con người thật mong manh, rẻ rúng.
Ðã có rất nhiều câu hỏi đặt ra trước tình trạng tội ác ngày càng gia tăng trong xã hội Việt Nam, và cũng đã có nhiều nhà tâm lý học, xã hội học, nhà giáo… thử đưa ra những câu trả lời.
Có nguyên nhân từ môi trường xã hội ngày càng nhiễu loạn, trong đó cái xấu cái ác sự không tử tế cứ ngang nhiên tồn tại, sinh sôi nảy nở, trong lúc cái đẹp, cái thiện, sự tử tế ngày càng trở nên hiếm hoi, bất bình thường.
Cái môi trường xã hội đó mà những điều phi lý phi nhân nhất lại được dung dưỡng, khiến con người, nhất là những thành phần bị lép vế, thiệt thòi trong xã hội thường xuyên cảm thấy bức bối, uất ức mà phải kìm nén.
Những năm gần đây, kinh tế Việt Nam lại bị tuột dốc, lạm phát phi mã, đồng tiền mất giá, công ăn việc làm trở nên khó khăn hơn, không chỉ người nghèo mà ngay nhiều đại gia cũng “chết” vì nợ nần, phá sản.
Sức ép của việc chạy theo cơm áo gạo tiền mỗi ngày, cộng với một cuộc sống không hề được đảm bảo bởi bất cứ một chính sách an sinh xã hội hay sự hỗ trợ nào từ phía nhà nước khiến tâm lý con người càng thêm bất an.
Với tâm lý đó, nếu là người ít hiểu biết hoặc bồng bột, thiếu suy nghĩ thì chỉ cần một món lợi nhỏ hoặc một mâu thuẫn nhỏ, những dồn nén ẩn ức bao lâu sẽ bộc phát thành hung hãn, thành tội ác.
Bên cạnh đó, giáo dục ViệtNamtừ lâu đã bị dư luận phê phán là lạc hậu, chỉ nhăm nhăm nhồi nhét một mớ kiến thức sách vở theo kiểu học để đi thi, để lấy bằng. Nặng về lý thuyết yếu về thực hành, yếu phần dạy về kỹ năng sống, các phương pháp tư duy độc lập cho học sinh, đặc biệt hoàn toàn thiếu vắng một triết lý giáo dục nhân bản.
Một nền giáo dục như vậy khó mà đào tạo ra những con người có lý tưởng sống đẹp, giàu lòng nhân ái, tự do, độc lập trong tư duy, có sự sáng tạo, bay bổng. Môi trường giáo dục bây giờ cũng bị vẩn đục bởi đủ thứ tệ nạn, hình ảnh người thầy và mối quan hệ thầy trò không còn được như ngày xưa.
Không tìm thấy lý tưởng sống, niềm tin vào chính quyền, vào pháp luật, cũng không tìm được chỗ dựa tinh thần vào trường lớp, thầy cô. Nếu gia đình cũng lại quá bận rộn, không quan tâm nhiều đến con cái, con người càng bơ vơ, dễ phạm pháp nếu yếu lòng.
Sực nghĩ đến vụ thảm sát kinh hoàng bằng súng tại trường tiểu học Sandy Hook, bang Connecticut, Mỹ, làm ít nhất 27 người, trong đó có 20 trẻ em thiệt mạng vào ngày 14 tháng 12 vừa qua. Hung thủ, mới 20 tuổi, được cho là không bình thường. Ở Mỹ thỉnh thoảng những vụ thảm sát bằng súng như vậy lại xảy ra.
Chợt nghĩ, nếu Việt Nam mà cũng được phép sử dụng súng hay chỉ cần việc mua bán vũ khí rẻ và dễ dàng hơn một chút thì không biết chừng số vụ thảm sát bằng súng và số người chết còn kinh hoàng hơn nước Mỹ.
S.C.
Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=159389&zoneid=97#.UNcsKVIRLRw
nguồn:http://www.boxitvn.net/bai/43805
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001