Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

Làn sóng dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc

Hiền Trang chuyển ngữ, CTV Phía Trước
The Wall Street Journal
Hành động hấn của hải quân Bắc Kinh là mối đe dọa đối với nền hòa bình ở Thái Bình Dương.
Nguy cơ đối đầu hải quân ở khu vực Đông Á đang ngày càng gia tăng. Trung Quốc gần đây đã công bố một hướng dẫn bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1 tháng Một, cho phép “cảnh sát” biển của họ khám xét và bắt giữ các tàu thuyền nước ngoài trong vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa, khu vực mà Việt Nam cũng tuyên bố có chủ quyền. Hôm thứ Ba vừa qua, Hà Nội đã đáp trả bằng cách tăng cường tuần tra và tiết lộ rằng tàu đánh cá Trung Quốc đã cắt cáp tàu khảo sát địa chấn của Việt Nam hồi tuần trước.
Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn với South China Morning Post xuất bản ngày 30 tháng Mười một rằng Trung Quốc đã thông báo ý định cho phép tàu [hải quân] đóng đô vĩnh viễn tại Bãi cạn Scarborough [Hoàng Nham], nơi mà cả hai nước đều tuyên bố có chủ quyền và đã đụng độ dẫn đến cảnh bế tắc hồi đầu năm nay. Ông del Rosario gọi hành vi của Trung Quốc là “độc tài”.
Bắc Kinh cũng tiếp tục thách thức quyền kiểm soát của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku, được biết đến với tên Điếu Ngư ở Trung Quốc. Các tàu giám sát hàng hải Trung Quốc và tàu đánh cá thường đi lang thang bên ngoài giới hạn 12-dặm của Nhật Bản, và thỉnh thoảng lại đi vào bên trong vùng biển của nước này, buộc lực lượng bảo vệ bờ biển phải hành động.
Khi chiến dịch về sự quyết đoán của Bắc Kinh bắt đầu ba năm trước đây, nhiều nhà quan sát tin rằng đó là một tính toán sai lầm mà có thể sửa chữa được, hoặc tạm cho đó là giai đoạn tạm thời liên quan đến tranh giành quyền lực trong quá trình chuyển đổi lãnh đạo. Nhưng cả hai đều sai.
Điều gì đã thúc đẩy Bắc Kinh làm chuyện này? Những nhóm quân sự Trung Quốc, chiếm khoảng 20% trong Trung ương Đảng, đã ngày càng lớn tiếng thúc giục nước này đẩy Hoa Kỳ ra khỏi các vùng biển lân cận (và cả vùng biển không lân cận). Đảng Cộng sản [Trung Quốc] từ lâu đã kêu gọi phong trào chấm dứt một “thế kỷ nhục nhã” trước bàn tay của nước ngoài, làm cho nhiều người không thể bỏ qua.
Một sự thúc đẩy khác là mối quan hệ không thoải mái giữa quân đội và các nhóm được gọi là dân sự ở Trung Quốc. Hôm thứ Tư vừa qua, lãnh đạo mới của Trung Quốc Xi Jinping [Tập Cận Bình] công khai kêu gọi sĩ quan quân đội “chấm dứt” tham nhũng và hoàn toàn trung thành với Đảng Cộng sản, điều mà có lẽ sẽ không cần thiết nếu như lòng trung thành không bị lung lay.
Cũng có thể ông Tập không thoải mái với cuộc diễn tập tích cực của lực lượng hải quân của nước này. Tuy nhiên, cho đến nay, phản ứng của Đảng [Cộng sản Trung Quốc] là mua chuộc các nhóm quân sự với khoản tiền tăng ngân sách hàng năm rất lớn. Các tàu ngầm và tàu mới đã bị ngân sách tài chính tạo ra áp lực để triển khai [ra biển]. Lãnh đạo Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đang thoái vị đã đọc bản báo cáo cuối cùng hồi tháng trước tại Đại hội Đảng kêu gọi Trung Quốc xây dựng một cường quốc hàng hải.
Có lẽ điều quan trọng nhất là sự hồi sinh của chủ nghĩa dân tộc, ngôn từ lớn mà Trung Quốc không thể bỏ qua. Ông Tập Cận Bình đã lấy khẩu hiệu “sự hồi sinh của dân tộc” trong chiến dịch lớn đầu tiên của ông, báo hiệu ý định ông muốn hướng Trung Quốc trở thành một dân tộc theo định hướng cải cách. Tuần trước, ông đã dẫn đầu Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị đến thăm một cuộc triển lãm về chủ nghĩa đế quốc nước ngoài tại Bảo tàng Quốc gia, và nhận xét của ông cho thấy ông muốn khai thác lòng yêu nước để đánh bại các tổ chức đối lập chính trị.
Thách thức đối với các nước láng giềng là làm thế nào để phản ứng lại lời kêu gọi [của Tập Cận Bình]. Nếu không tranh chấp chủ quyền đối với cách triển khai chiến lược của Trung Quốc thì không khác nào thựa nhận chủ quyền của họ dưới pháp luật quốc tế. Tuy nhiên, nếu phản ứng quá gay gắt thì có thể khích động thêm chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc, vô tình tạo ra một cuộc chiến tranh không cần thiết.
Việc này không giúp các nước láng giềng của Trung Quốc nhiều vì lực lượng hàng hải Trung Quốc đang ngày càng trở nên vượt trội hơn. Nhật Bản đang củng cố lực lượng biên phòng để bảo vệ bờ biển của họ, và Philippines đang muốn có thêm sự hỗ trợ từ phía Hoa Kỳ để hiện đại hóa lực lượng hải quân. Hiện nay, chỉ có Đệ thất Hạm đội của Hoa Kỳ (hay Hạm đội 7) mới có thể ngăn chặn chủ trương mở rộng lãnh thổ của Bắc Kinh.
Để tạo lòng tin, chính quyền của Obama đã bắt đầu chuyển đổi tư thế truyền thống của họ đối với chiến lược tranh chấp ở Biển Đông. Tạp chí The Journal hồi tuần trước cho biết rằng một phái đoàn do cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Richard Armitage đã đến Bắc Kinh nhằm chuyển thông điệp rằng trong khi Hoa Kỳ duy trì tính trung lập về các vấn đề chủ quyền, Hoa Kỳ buộc phải bảo vệ Nhật Bản đối với quyền kiểm soát ở khu vực đảo Senkaku vì hai nước ràng buộc bởi một hiệp ước liên minh. Tiếp theo đó Thượng viện Hoa Kỳ đã có một cuộc bỏ phiếu nhằm sửa đổi hiệp ước để tái khẳng định cam kết đó.
Ở khắp châu Á, chuông báo động đang rung lên báo tin rằng Bắc Kinh đã từ bỏ thuyết quốc tế thực dụng của Đặng Tiểu Bình. Người ta có thể hy vọng rằng ông Tập sẽ sẵn sàng và có khả năng kiềm chế sự hiếu chiến đang ngày càng gia tăng của nhóm quân sự ở Trung Quốc. Điều đó có nhiều khả năng xảy ra nếu Hoa Kỳ và các nước đồng minh quyết tâm giữ vững tình đoàn kết và quyết tâm ngăn chặn [Trung Quốc].
© Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC 2012
nguồn:http://phiatruoc.info/lan-song-dan-toc-chu-nghia-cua-trung-quoc/
=====================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001