Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

Nguyễn Vạn Phú - Kinh tế Việt Nam đi về đâu?


Nguyễn Vạn Phú

Nhìn sao cũng đúng

Nhiều người ắt hẳn rất ngạc nhiên khi thấy các chuyên gia kinh tế của các tổ chức kinh tế, tài chính thế giới, kể cả các ngân hàng khi phân tích tình hình kinh tế Việt Nam đều tỏ ra lạc quan theo kiểu mọi chuyện đang tiến triển tốt đẹp, không có gì phải lo lắng. Ngạc nhiên là bởi cùng lúc đó phản ánh từ giới kinh doanh trong nước là một bức tranh u ám, một tình hình bi đát của hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ doanh nghiệp lớn cho đến doanh nghiệp gia đình.
Thật ra hai nhận định này không mâu thuẫn nhau là mấy, cái khác biệt là góc nhìn, là cách lượng giá các con số và các xu hướng.
Ví dụ lạm phát, từ chỗ lên đến 18,6% năm 2011, năm nay lạm phát đã được kéo về dưới một con số (dự báo cả năm chừng 9,2%), ắt hẳn các chuyên gia kinh tế sẽ đánh giá đây là một thành tựu đáng kể. Và những biện pháp được áp dụng để kiềm chế lạm phát sẽ được coi là đúng đắn như nâng lãi suất lên cao, thắt chặt tín dụng. Cũng những cụm từ đó nhưng nhìn từ góc độ doanh nghiệp lại là những hòn đá tảng, đè nặng lên vai họ: lãi suất cao, tức chi phí tài chính cao làm họ kiệt quệ, thắt chặt tín dụng đồng nghĩa ít có cơ hội cho họ vay vốn làm ăn dễ dàng như những năm trước.
Ở đây, phải thừa nhận công luận đôi lúc đảo chiều một cách thiếu nhất quán. Những năm trước, khi tốc độ tăng trưởng tín dụng quá cao, có năm như năm 2007 tăng đến 51%, kéo theo lạm phát phi mã, dư luận ai nấy đều đòi hỏi phải siết lại việc cho vay dễ dãi của hệ thống ngân hàng. Nay tăng trưởng tín dụng thấp, chính là hệ quả của việc các ngân hàng thận trọng trở lại, từng bước giải quyết nợ xấu, các doanh nghiệp từng bước giải quyết việc sử dụng đòn bẩy tài chính quá đáng, lại bị mọi người chỉ trích như một chỉ tiêu không đạt yêu cầu. Có lẽ việc công luận đảo chiều trong trường hợp này là do mức thay đổi quá lớn, tín dụng tính cho đến cuối tháng 11 chỉ tăng 4,15%.
Hay chuyện tính toán cán cân thương mại, lần đầu tiên trong nhiều năm Việt Namxuất siêu thay vì nhập siêu (mới năm ngoái đây thôi, Việt Nam nhập siêu đến gần 10 tỷ đô-la), không thể không xem đây là một thành tích đáng kể. Báo cáo của các tổ chức tài chính nước ngoài đều tô đậm yếu tố này bởi nó góp phần quyết định trong việc ổn định tỷ giá. Nhưng đó là góc nhìn vĩ mô; nhìn từ doanh nghiệp thì thấy tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu là do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp trong nước hầu như không tăng xuất khẩu. Còn nhập khẩu không tăng mạnh như mọi năm đồng nghĩa doanh nghiệp bế tắc, không thể nhập nguyên vật liệu về để sản xuất hoặc không bán được hàng nên không dám nhập hàng nhiều như các năm trước.
Một yếu tố khác cũng nhận được sự đánh giá khác nhau giữa hai góc nhìn vĩ mô và vi mô là chuyện nợ xấu. Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Namthì lạc quan tin rằng Việt Namsẽ xử lý được vấn đề nợ xấu. Đó là bởi tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam, dù còn bất nhất nhưng cứ lấy theo tỷ lệ cao nhất là 10% trên tổng dư nợ tín dụng mà có lần Thống đốc Ngân hàng Nhà nước buộc miệng công bố trên diễn đàn Quốc hội thì vẫn còn rất thấp so với tỷ lệ này ở các nước lúc xảy ra khủng hoảng nợ xấu. Theo một nghiên cứu của McKinsey, sau cơn khủng hoảng tài chính năm 1997, nợ xấu của các nước châu Á tăng vọt, lên khoảng 30% GDP, ví dụ nợ xấu tính đến cuối năm 2001 của Trung Quốc là 44-55% GDP, của Malaysia là 36-48% GDP hay của Thái Lan là 36-41% GDP. So sánh như thế thì nợ xấu Việt Nam dù có lên đến 15% GDP vẫn có thể giải quyết được.
Thế nhưng nhận định này không tính đến hai chuyện. Thứ nhất, ngay sau khủng hoảng tài chính 1997, các nước nhảy vào quyết liệt giải quyết nợ xấu còn ở Việt Nam, bàn thì nhiều, phát biểu thì hăng say trong khi bắt tay vào giải quyết nợ xấu, cho đến giờ đề án tổ chức công ty mua bán nợ xấu vẫn chưa có! Thứ hai, vì chưa có hướng giải quyết triệt để, nợ xấu làm giới ngân hàng không muốn cho vay ra nữa, tiền chỉ đổ vào trái phiếu chính phủ và có lẽ sắp tới là trái phiếu chính quyền địa phương.
Như thế nhìn từ góc độ vĩ mô, tình hình kinh tế Việt Nam, theo các tổ chức tài chính quốc tế, dường như đang đi vào thế dần ổn định, thời điểm khó khăn nhất đã qua và các nguy cơ nổ ra khủng hoảng cán cân thanh toán hay khủng hoảng tài chính đã được giải quyết.
Tuy thế, nhìn từ góc độ doanh nghiệp các rủi ro khác vẫn có khả năng xảy ra. Đó là sự vỡ nợ dây chuyền từ doanh nghiệp này lây lan sang doanh nghiệp khác rồi từ doanh nghiệp đến ngân hàng hay từ doanh nghiệp đến người lao động. Ví dụ người ta chỉ chú ý đến hai bên trong tranh chấp bảo lãnh phát hành trái phiếu giữa Công ty Tài chính Cổ phần Vinaconex - Viettel và ngân hàng SeABank mà quên đi nhân vật chính, Công ty Vina Megastar, nơi phát hành trái phiếu và nay không trả được nợ. Dự báo sẽ còn nhiều vụ như thế, nhất là các khoản nợ có liên quan đến các doanh nghiệp nhà nước.
Đây là cái giá phải trả trong quá trình trở lại những giá trị kinh doanh căn bản chứ không chạy theo các loại bong bóng tài sản như trước. Tái cơ cấu một doanh nghiệp là đã tốn kém, huống gì phải tái cơ cấu cả nền kinh tế. Điều đáng băn khoăn là chi phí của quá trình này, nhất là khi liên quan đến khối doanh nghiệp nhà nước hay hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần, lại đang được chia đều ra cho người dân ai cũng phải gánh. Dọn dẹp hậu quả của lòng tham thì lẽ ra thủ phạm chạy theo lòng tham phải gánh chịu trước tiên chứ không phải là người dân bình thường.
Admin gửi hôm Thứ Năm, 13/12/2012          
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20121213/nguyen-van-phu-kinh-te-viet-nam-di-ve-dau
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001