Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

ĐỘC ĐÁO: MỘT BẢO TÀNG NÔNG DÂN DO MỘT NÔNG DÂN THANH HÓA XÂY DỰNG

Chủ nhật, ngày 23 tháng mười hai năm 2012
Bảo tàng nông dân độc nhất xứ Thanh

Suốt 30 năm qua, ông Nguyễn Hữu Ngôn (thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đã dày công sưu tầm hàng nghìn hiện vật về nông nghiệp, nông thôn và người nông dân Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.

Chủ nhân “bảo tàng mi ni” giải thích lý do sưu tầm hiện vật xuất phát từ ý tưởng Việt Nam là xứ sở của nền văn minh lúa nước, đầy tiềm năng về kinh tế nông nghiệp và hiện đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, người nông dân đã ghi dấu ấn đậm nét.

Cách đây vài năm, ông Ngôn quyết định trưng dụng một phòng lớn trong căn nhà của gia đình để giới thiệu hiện vật cho bạn bè, du khách 
 “Thế hệ chúng tôi đã lớn lên từ hạt lúa, củ khoai, từng lấm lem với mùi bùn đất nên hiểu nỗi vất vả của người nông dân. Hơn thế, có thể nói chính ông cha chúng ta, những con người đầu trần, chân đất đã tạo nên hình ảnh Việt Nam hôm nay. Người nông dân đáng được tôn vinh”, ông Ngôn nhấn mạnh.
Hơn 30 năm qua, mỗi dịp rảnh rỗi, ông Ngôn lại đạp xe về các làng quê xa xôi để tìm những thứ người ta vứt đi đem về nhà mình. Khoản tiền lương ít ỏi hàng tháng đều bị ông nướng vào “sở thích gàn dở” này. Không đủ tiền, ông làm thêm nghề viết sách báo, chụp ảnh lấy tiền mua hiện vật.
Hiện trong “bảo tàng mi ni” của ông Ngôn đã có hàng nghìn hiện vật về nông thôn và người nông dân Việt qua các thời kỳ. Từ những dụng cụ nhỏ nhặt như liềm, cuốc, mũ kè, giỏ bắt cua, đến cái cày, bừa, cối xay, máy quạt lúa…

Theo ông Ngôn, mỗi dân tộc Kinh, Mường, Thái, Thổ… hay mỗi vùng quê đều có những dụng cụ sản xuất, sinh hoạt đặc trưng, nên càng đi sâu khám phá, ông càng thấy đam mê. Cách đây vài năm, ông Ngôn quyết định trưng dụng một phòng lớn trong căn nhà của gia đình để giới thiệu hiện vật cho bạn bè, du khách và nhiều nhà nghiên cứu về thăm. Mỗi dịp cuối tuần, ông lại ngồi trầm ngâm ngắm nghía, lau chùi rồi tỉ mẩn ghi chép để phân loại, sắp xếp hiện vật theo hệ thống và từng chủ đề.
Trong bộ sưu tập của ông Ngôn, nổi bật là hệ thống chum chóe, nồi niêu, xoong chậu. Riêng hệ thống nồi của người nông dân xưa, ông Ngôn có cả bộ từ nồi một, nồi hai cho đến nồi ba mươi. Mâm thì có mâm tre, gỗ, đồng cỡ tiểu, trung, đại.
“Chúng ta đã có Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Cách mạng, Bảo tàng Quân đội, Bảo tàng Dân tộc học... cùng hệ thống bảo tàng các tỉnh, thành phố và quân, binh chủng... Song dường như có một khoảng trống nếu không muốn nói là khiếm khuyết khi ta chưa có bảo tàng nông nghiệp để bảo lưu, tôn vinh, phát huy những giá trị văn minh nông nghiệp mà người Việt đã sáng tạo hơn 4000 năm qua…”, ông Ngôn nhấn mạnh.
Trên tay ông Ngôn là cuốn sổ địa bạ hộ gia đình nông dân thời kỳ phong kiến với hai loại chữ Quốc ngữ và Hán ngữ. Ảnh: Lê Hoàng.
Dù chưa từng được đào tạo qua chuyên môn về bảo tàng học, nhưng theo ông Ngôn, bảo tàng nông nghiệp Việt Nam có thể triển khai theo hai nội dung lớn: văn minh vật chất nông nghiệp Việt Nam và văn hóa nông nghiệp Việt Nam. Văn minh vật chất phản ánh phương thức sản xuất nông nghiệp, như hệ thống công cụ sản xuất bao gồm: công cụ làm đất (cày, bừa, cuốc, mai, vồ...), công cụ làm cỏ (các loại cào, dao phạt, liềm...), công cụ thủy lợi (gàu giai, gàu sòng, kênh mương, cọn nước, đê điều...).
Còn văn hóa nông nghiệp là hệ thống đình, đền, miếu mạo, là cây đa, bến nước sân đình với những câu ca dao, hò vè… thấm đẫm chất dân gian mộc mạc, phản ánh tâm hồn bình dị của người nông dân.
Hiện ông Ngôn đã đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu ý tưởng thành lập bảo tàng nông nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa. Bộ Văn hóa có công văn phúc đáp, đánh giá “bộ sưu tầm là rất quý báu, góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị di sản văn hóa Việt. Công trình như một sự ghi ơn những người nông dân truyền kiếp truyền đời cày cuốc làm nên hạt gạo, củ khoai nuôi sống cả dân tộc”…
Lê Hoàng
( Vnexpress )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001